Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Khi nhà văn viết bằng ngoại ngữ

Nhà văn sẽ làm gì khi rơi vào môi trường ngôn ngữ xa lạ? Anh ta có thể trở thành một tác giả khác và khám phá những thể loại mới. Có thể tìm thấy trong ngoại ngữ cái mà người bản ngữ cũng không nhìn thấy. Mà cũng có thể biến sự hàm súc ngôn ngữ thành phong cách nghệ thuật của mình.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ba nhà văn sáng tác bằng ngoại ngữ: Samuel Beckett, Joseph Brodsky và Vladimir Nabokov.
Từ trái qua: Vladimir Nabokov, Samuel Beckett và Joseph Brodsky.

Trong ngôn ngữ học, nhà văn viết bằng ngoại ngữ được gọi là exophone. Đây là thuật ngữ mới do các nhà nghiên cứu văn học Đức đưa ra năm 2007, thế nhưng bản thân hiện tượng thì không mới: Nhà văn Ba Lan Joseph Conrad trở thành nhà văn cổ điển Anh, nhà văn Do Thái thuộc cộng đồng tiếng Czech Franz Kafka viết tiếng Đức, nhà văn Romania Emil Cioran viết tiếng Pháp, còn Milan Kundera vừa viết cả tiếng Czech lẫn tiếng Pháp.

Nhà lý luận văn học Mikhail Bakhtin cho rằng ngôn ngữ là thế giới quan riêng "được thẩm thấu bởi một hệ thống đánh giá, và gắn liền với thực tiễn đời sống". Ngôn ngữ mẹ đẻ của nhà văn hình thành nên nhân cách của anh ta, được thể hiện trong các cấu trúc ngôn ngữ và tư duy ngôn ngữ nói chung. Nhưng bản sắc ngôn ngữ của các nhà văn song ngữ, nghĩa là những người có khả năng sáng tạo những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ bằng hai hoặc ba ngôn ngữ, là gì?

Wilhelm von Humboldt cho rằng có một "hình thái ngôn ngữ bên trong" nào đó - phương thức phản ánh hiện thực đặc trưng cho mỗi dân tộc, từ đó hình thành nên thế giới quan ngôn ngữ của dân tộc đó. Trong ngôn ngữ học hiện đại, người ta sử dụng các thuật ngữ như "ý thức ngôn ngữ", "tồn tại ngôn ngữ" và "bản sắc ngôn ngữ". Bản sắc ngôn ngữ của nhà văn hình thành nên phong cách, từ vựng và thông điệp văn hóa của anh ta.

Samuel Beckett

Nhà văn Nga Anatoly Ryasov nhận xét: "Ngoài Samuel Beckett, không một nhà văn nào thể hiện sự tiến triển đáng kinh ngạc và sâu rộng từ sự dư thừa ngôn ngữ của những tác phẩm sơ kỳ đến sự kiệm lời của những tác phẩm hậu kỳ".

Khi bàn về những thử nghiệm văn học đầu tiên của Beckett, James Joyce viết: Beckett biểu diễn ngôn ngữ, cất giấu trong tác phẩm những ẩn dụ văn chương, ông triết lý, nhưng vẫn bám chặt các quy tắc cổ điển về thể loại. Đặt chân tới Paris vào năm 30 tuổi, nhà văn để lại phía sau những khuôn khổ văn chương, và cùng với chúng là cái tiếng Anh phức tạp và phong phú. Và chuyển sang tiếng Pháp một cách có ý thức, đồng thời giảm bớt lối văn hoa mỹ.

Bộ ba tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp "Molloy" (1951), "Malone meurt" (Malone hấp hối, 1951) và "L'innommable" (Không thể gọi tên, 1953) đã mở đầu cho sự tối giản ngôn ngữ của Beckett - nhân vật không có lai lịch, không hành động, lối viết này đạt tới cực điểm trong các tác phẩm hậu kỳ của nhà văn.

Beckett đến với tiếng Pháp không nhằm mục đích tận dụng sự phong phú của nó, mà để nó giúp ông nói ít hơn. Nếu như tiếng Anh vô tình đẩy nhà văn tới sự dư thừa ngôn ngữ, thì tiếng Pháp giúp ông thoát khỏi những điền phạm, thói quen văn học và tìm thấy phong cách "lánh đời" khiến ông trở nên nổi tiếng.

Joseph Brodsky

Joseph Brodsky, ngược lại, mong muốn sử dụng sự đa dạng của các hình thái ngôn ngữ của cả hai ngôn ngữ ông biết là tiếng Nga và tiếng Anh: "Hai ngôn ngữ  dường như chơi đùa với nhau. Giữa chúng diễn ra một sự giao thoa, các truyền thống va chạm nhau, còn tôi sử dụng, khai thác điều đó" - Ông nói năm 1982 trong một bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Hà Lan.

Phần lớn những bài thơ của Brodsky được viết bằng tiếng Nga, còn văn xuôi - hầu như tất cả bằng tiếng Anh. Tiếng Nga đối với Brodsky là nguồn sáng tạo thi ca, còn tiếng Anh là lý tưởng về sự hữu dụng ngôn ngữ, vô cùng thích hợp với sáng tác tiểu luận. Từ giã "vũ trụ Kafka" của Liên Xô năm 1972, để lại sau lưng một hệ thống xã hội, chủ nghĩa bài Do Thái, sự dung tục... xét về mặt nào đó, ông đã để lại ở đấy hình ảnh thi sĩ Nga Joseph Brodsky: thay đổi ngôn ngữ (tiếng Anh), tên tuổi (Joseph Brodsky) và loại hình văn học (văn xuôi). Từ chối làm thơ bằng tiếng Anh, ông chuyển sang viết phê bình văn học. Với học hàm Giáo sư Đại học Michigan, sau đó là Đại học Columbia và các đại học khác của Mỹ, ông giảng bài chỉ bằng tiếng Anh và tránh dùng tiếng Nga.

Sau khi nhận giải Nobel văn học năm 1987,  Brodsky phát biểu: "Tôi là người Do Thái, nhà thơ Nga và nhà tiểu luận viết bằng tiếng Anh".

Độc giả Nga hầu không biết Joseph Brodsky như một nhà thơ viết bằng tiếng Anh. Ông bắt đầu từ việc dịch và biên tập các tập thơ của mình, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công việc xuất bản chúng. Các bài thơ  tự dịch của Brodsky bị phê phán: để gìn giữ hình thức và nội dung ông đã làm biến dạng ngữ pháp tiếng Anh, thay đổi cú pháp, vi phạm quy tắc sử dụng mạo từ và động từ. Với mong muốn biểu đạt những ẩn dụ phức tạp của nguyên bản, Joseph Brodsky đã khiến các nhà phê bình nổi giận, họ không bỏ qua những sai sót ngôn ngữ của ông và sự thán phục những người biết hai ngôn ngữ.

Dù sao, trong ý thức độc giả tiếng Anh, hình ảnh Joseph Brodsky - nhà văn đậm nét hơn Joseph Brodsky - nhà thơ. Bản thân ông cũng rất chú ý để hình ảnh nhà tiểu luận Mỹ trưởng thành từ zero trong môi trường văn hóa Anh ngữ không trộn lẫn với hình ảnh nhà thơ Petersburg bị trục xuất.

Vladimir Nabokov

Nabokov, "con bướm song ngữ của văn hóa thế giới", từ nhỏ đã biết tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1946, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí "Playboy", Nabokov nói: "Tôi là nhà văn Mỹ, sinh ra ở Nga, được giáo dục ở Anh, nơi tôi học văn học Pháp, trước khi sống 15 năm ở Đức".

Cũng vào năm đó, khi phóng viên tạp chí "Life" hỏi Nabokov ngôn ngữ nào đẹp nhất đối với ông, nhà văn trả lời: "Lý trí mách bảo tôi rằng đó là tiếng Anh, trái tim - tiếng Nga, còn lỗ tai - tiếng Pháp".

Nabokov công bố những truyện ngắn và tiểu thuyết đầu tiên tại các nhà xuất bản ở Paris và Berlin với bút danh Sirin, thời trẻ ông đã nổi tiếng là nhà văn Nga tài năng. Đến Mỹ năm 1940, ông chuyển sang tiếng Anh và bắt đầu gây dựng sự nghiệp văn học từ zero với bút danh Nabokov. Sự lựa chọn ngôn ngữ gắn liền với việc di cư, môi trường văn hóa khác, với sự tìm tòi những hình thức sáng tạo mới và mong muốn chối bỏ tất cả những gì xảy ra trên Tổ quốc mình, lúc bấy giờ đã là Liên Xô.

Sự thay đổi ngôn ngữ và phong cách diễn ra không dễ dàng đối với Nabokov; trong lời tựa cuốn tự truyện "Những bờ bến khác" (1954), ông viết: "Năm 1940, khi tôi quyết định chuyển sang tiếng Anh, tai họa của tôi là ở chỗ trước đó, trong vòng 15 năm có lẻ, tôi viết bằng tiếng Nga và trong những năm này tôi đã để lại dấu ấn lên ngòi bút của mình".

Vẫn còn coi tiếng Nga là  ngôn ngữ "chính", nhà văn nhớ lại những khó khăn khủng khiếp của sự thay đổi sắp tới và nỗi sợ hãi của việc đoạn tuyệt với cái ngôn ngữ sống động mà Nabokov - Sirin đã chinh phục được một cách tài tình. Bốn năm sau, ông vẫn còn âu yếm gọi tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ  "không nói hết nhạc điệu", và cay đắng mô tả việc chuyển sang tiếng Anh "hàm súc" trong lời bạt tiểu thuyết "Lolita" được xuất bản ở Mỹ: "Bi kịch riêng của tôi... là việc tôi buộc phải từ bỏ ngôn ngữ tự nhiên, tiếng Nga giàu có, không bị gò bó, hết sức dễ bảo đối với tôi vì một thứ tiếng Anh loại hai".

Nhưng đến năm 1965, Nabokov đã thất vọng nhận thấy "tiếng xủng xoảng của những sợi dây đàn Nga han gỉ" khi dịch tiểu thuyết của mình: "Than ôi, cái "tiếng Nga tuyệt đẹp" tưởng như vẫn chờ đợi tôi đâu đấy, vẫn nở hoa như một mùa xuân trung thành sau cánh cổng kín mít mà bao nhiêu năm nay tôi vẫn giữ chìa khóa, hóa ra không hiện hữu, và sau cánh cổng ấy không còn gì nữa ngoài những gốc cây đã cháy trụi và chân trời mùa thu vô vọng, còn chiếc chìa khóa trong tay tôi giống như một cái móc sắt".

Mô típ chìa khóa xuất hiện trong tác phẩm "Quà tặng": nhân vật chính viết thư cho mẹ rằng sẽ trở về nước Nga, vì anh ta "mang theo chìa khóa của nó". Cuối tiểu thuyết, trong những dòng cuối cùng được Nabokov viết bằng tiếng Nga, chiếc chìa khóa như là biểu tượng của tình yêu quê hương và tiếng mẹ đẻ, đã bị đánh mất, và nhân vật Fyodor dừng lại trước cánh cửa bị khóa.

Chuyển sang tiếng Anh, Nabokov không giấu giếm sự lạ lẫm của mình trong đó; nhưng rồi ông biến nó thành một ưu điểm về phong cách. Dường như ông bay lượn trên ngôn ngữ, không hoàn toàn hòa lẫn với nó.

Jean Bloch, nhà nghiên cứu tác phẩm của Nadokov kiêm nhà văn song ngữ, viết về tiếng Anh của ông: "Ngôn ngữ này rất độc đáo và, dĩ nhiên, nó bộc lộ nguồn gốc của tác giả, nghĩa là về hình thức cũng như về sự hàm súc của trí tuệ nó mang sắc thái Nga khá đậm nét... vũ trụ của nhà văn, cách biểu cảm và tư duy của nhà văn bay bổng trên ngôn ngữ và địa lý, nâng nhà văn không những lên tầm xuyên quốc gia và xuyên văn hóa, mà còn xuyên ngôn ngữ ".

TRẦN HẬU
Theo báo Nga






BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...