Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Quang Chuyền - Nỗi lòng của “gã nhà quê” làm thơ

Như tất cả những nhà thơ quân đội, anh có nhiều thơ về chiến tranh. Với đề tài này Quang Chuyền có những nỗi niềm. Trong thơ anh ít thấy ồn ào tiếng súng đạn nhưng không vì thế người đọc không khó gì để thấy những tàn khốc, mất mát, thương đau của chiến tranh…
Nhà thơ Quang Chuyền

Quang Chuyền làm thơ từ rất sớm. Ngay từ những ngày học phổ thông anh đã có thơ in báo. Năm 1966, khi vừa tròn 21 tuổi, anh tốt nghiệp thủ khoa ngành xã hội Trường trung cấp sư phạm Việt Bắc, khi ấy cả khu tự trị Việt Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang chỉ có 1 trường sư phạm. Trong thời gian học, anh được hai giáo viên nhà trường, cũng là hai nhà thơ hội viên hội văn nghệ Việt Bắc là Khánh Kiểm và Lương Thanh Nghĩa nhiệt tình giới thiệu về công tác ở Hội. Cũng phải nói thêm, sở dĩ anh nhanh chóng được  nhận về cơ quan văn nghệ của khu cũng lí do Quang Chuyền  là  một đảng viên cộng sản rất trẻ. Được kết nạp Đảng khi còn đang là một học sinh bây giờ như không có gì thật đặc biệt nhưng với ngày ấy thì đó là một “sự kiện”, rất hiếm có nên rất dễ gây niềm tin cho những người làm công tác tổ chức.

Ở Hội, Quang Chuyền được phân công làm phóng viên cho tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Cùng với Quang Chuyền thời gian đó còn có thêm nhà thơ Bùi Công Bính, từ thư kí toà soạn báo Hà Giang chuyển về. Bùi Công Bính từng có riêng cho mình tập thơ “Cả bản nhớ anh” xuất bản từ năm 1960. Hai người hai tính cách. Bùi Công Bính nhanh nhẹn, hóm hỉnh còn ngược lại Quang Chuyền hiền lành, ít nói.

Nhưng cũng chỉ hai năm sau Quang Chuyền đã trích máu làm đơn  tình nguyện xin đi bộ đội. Đang giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhưng cũng phải sau 7 lần làm đơn, nguyện vọng chính đáng của anh mới được cấp trên chấp thuận. Quang Chuyền trở thành lính ở trung đoàn 132 xây dựng đường dây Thống Nhất từ Bắc vào Nam dọc Trường Sơn. Sau đó hơn 2 năm, anh được điều về phòng chính trị Binh chủng Thông tin liên lạc làm công tác tuyên truyền và sáng tác.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha có kể lại: “Tôi gặp Quang Chuyền mùa mưa 1974 tại sông Bung - Quảng Nam sau chiến dịch Thượng Đức. Lúc ấy Quang Chuyền có chuyến xuyên Trường Sơn cùng nhà thơ Xuân Miễn và Trọng Tân. Xuân Miễn khi đó đã là nhà thơ rất nổi tiếng còn Quang Chuyền và Trọng Tân là cán bộ tuyên huấn thuộc Bộ tư lệnh Thông tin. Sau chuyến đi đó Quang Chuyền trở thành nhà thơ còn Trọng Tân trở thành nhà văn. Hoá ra Trường Sơn là cái nôi nuôi dưỡng tạo ra những nhà văn, nhà thơ.

Đúng như nhận xét của Nguyễn Thuỵ Kha, những chiến sĩ đã qua Trường Sơn đam mê thơ phú thì sau dần đều thành danh ít nhiều trên văn đàn. Riêng ngành thông tin liên lạc, đặc biệt là Binh chủng Thông tin - liên lạc, ngoài Quang Chuyền còn có nhà thơ Anh Ngọc, Phạm Đức, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Duy, Nguyễn Văn Chương... nhà văn Phạm Đình Trọng, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Tiến Hải, Xuân Mai...

Trong hơn hai mươi năm bận mải binh nghiệp nhưng Quang Chuyền vẫn không ngừng làm thơ. Như tất cả những nhà thơ quân đội, anh có nhiều thơ về chiến tranh. Với đề tài này Quang Chuyền có những nỗi niềm. Trong  thơ anh ít thấy ồn ào tiếng súng đạn nhưng không vì thế người đọc không khó gì để thấy những tàn khốc, mất mát, thương đau của chiến tranh: “... Và đâu nữa đêm đất rừng chảy máuBom phạt , cây tan , dép mũ lạc người /Cả bia mộ cũng lạc tên tuổi bạn / Chỉ đất còn lưu giữ dáng người thôi..." hoặc: “Đất nhuộm chi đỏ thế / Lửa chiến tranh điêu tàn / Máu còn loang mặt đất / Chạm vào còn ấm ran” hoặc nữa: “Hồn người lẩn khuất đâu đây / Hình như trong lá trong cây của rừng”.

Quang Chuyền đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Thơ anh luôn xuất hiện trên báo chí văn học cả nước. Đã có cho mình 10 tập thơ in riêng cùng 2 tập in chung và mới đây, anh xuất bản tập thơ tuyển chọn. Hơn nữa anh còn vinh dự 4 lần đứng trên bục nhận giải thưởng chủ yếu là các giải thưởng văn học quốc gia. Từ binh nhì rồi trở thành trung tá, phó tổng biên tập báo Thông tin, được điều động làm phó chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 596  Bộ tư lệnh Thông tin - liên lạc, Cương vị ấy không ít người người sẽ  thay đổi tính cách. Nhưng Quang Chuyền thì không. Tôi quen biết anh đến nay đã gần nửa thế kỉ. Đó là năm 1966, ngày anh mới về nhận công tác ở Hội Văn nghệ Việt Bắc. Khi ấy tôi công tác ở Sở văn hoá khu tự trị Việt Bắc.Tiếng là hai cơ quan nhưng ban đầu thực chất là một vì phần lớn những người đầu tiên sang công tác bên hội đều là người của sở văn hoá. Hơn nữa đó là thời kì chiến tranh phá hoại, hai cơ quan cùng sơ tán dưới một  cánh rừng già thuộc xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên gần 40 cây số. Hàng ngày mọi người như luôn luôn gặp nhau nên dễ trở thành thân thiết.Cảm nhận ban đầu Quang Chuyền vẫn nguyên chất một cậu học sinh nông thôn mới ra trường, có khuôn mặt bầu bĩnh, lành hiền, chất phác. Còn khá rụt rè, nghe nhiều hơn nói. Trong chuyện trò thấy anh hay lẫn giữa vần L và N. Bất cứ ai khi tiếp xúc với Quang Chuyền, dù chỉ một lần nhưng sẽ phải yêu mến anh ngay vì sự thật thà, khiêm nhường. Quan hệ với anh luôn đem lại không chỉ cho tôi mà còn cho những  người được tiếp cận anh một sự yên tâm, tin cậy.

Nhưng khi đang thân thiết thì anh gia nhập bộ đội còn tôi sau đó chuyển về Hà nội  nên bẵng tin nhau. Để mãi gần đây có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh, qua nhà văn Nguyễn Khoa Đăng biết điện thoại anh, tôi gọi. Kì lạ sao, dù đã gần năm mươi năm không gặp nhưng vừa thấy tôi anh đã nhận ngay ra tôi. Còn Quang Chuyền tôi vẫn thấy không mấy khác ngoại trừ anh có già hơn, trên mép nay thêm hàng ria con kiến. Vẫn ít nói, lành hiền, phúc hậu như nguyên cậu học sinh mới ra trường hồi nào. Giọng nói vẫn từ tốn, khiêm nhường, mộc mạc và tôi để ý, trong câu chuyện dù anh đã ý thức nhưng đôi khi anh vẫn không tránh khỏi lẫn giũa vần L và N.

Tôi biết, sau khi giải ngũ Quang Chuyền cùng gia đình định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã nhiều năm qua có nhà cao cửa rộng ở nơi phố thị sôi động vậy nhưng anh như lạc lõng trong đó: “Nhiều năm tôi gửi bóng mình / Ở nơi phố thị Tân Bình nắng mưa / Người đông ồn ã dư thừa / Tôi thường đi sớm về trưa một mình…” Anh đau đáu những  kỉ niệm với Tuyên Quang, nơi tuổi thơ anh trôi giạt thời kiếm sống: “Chiều thành Tuyên / Nắng khép dần cửa sổ / Đáy sông Lô nở chùm hoa lửa /Chim về sải cánh qua soi / Sóng thở bồi hồi / Giục phà sang Nông Tiến...Bài thơ anh làm ngày mới vào bộ đội đã được in trong tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từ năm 1968.     

Với nhiều người khác, cuộc sống nơi đất mới đời sống vật chất khá giả, sung túc hơn, thường tính cách dễ thay đổi nhưng anh thì hoàn toàn không khác gì. Vẫn đậm con người nông dân làng gốm Vĩnh Phúc, pha lẫn chất chân thật miền núi Tuyên Quang. Có lẽ bởi thế nên anh đã “Tự hoạ” chân dung mình một cách rất mộc  mạc, thành thực khiến người đọc phải yêu thích: “Ta là một gã nhà quê/ Bước đời không định lạc về phố đông/ Bữa ăn thường thích cua đồng / Dưa chua, tương mặn, cải ngồng bãi soi /  Trong con người “nhà quê” Quang Chuyền lành hiền kia khôn nguôi khắc khoải nỗi nhớ về quê cũ: “Ai không có một nẻo về / Ai không có một chốn quê riêng mình / Ai không có khoảng trời xanh / Ai không có một mái đình cây đa”. Đọc tâm sự của anh làm  tôi  không khỏi  nhớ tới câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người...”

Nỗi nhớ quê hương trong Quang Chuyền không phải chỉ nhớ về những năm tháng khó khăn ngày ây: “Củ khoai, khúc sắn cong queo / Vùi trong tro trấu gieo neo mùa màng”mà còn là kỉ niệm sâu sắc. Anh có quen một người con gái quê Tuyên Quang, rồi yêu nhau thủa đi học sư phạm bên Thái Nguyên. Hai người thề ước. Mối tình mơ mộng ấy kéo dài đã mấy năm. Nhưng gần đến ngày cưới thì chị chẳng may gặp tai biến chấn thương sọ não. Nhiều người lo ngại cho anh nếu xây dựng gia đình với một người con gái đau yếu bệnh tật làm sao có thể sống bình thường nói gì đến sao có đủ sức thay anh quán xuyến gia đình còn mẹ già, bốn em dại của anh? Nhưng rồi sau nhiều thao thức, trăn trở, anh tỉ tê thuyết phục mẹ. Đời con gái có thì, người ta đã bao năm chờ đợi, nay chẳng may gặp tai ương sao đành rời bỏ? Đạo lí, tình nghĩa. Quyết tâm của anh đã cảm động được đơn vị, cảm hoá được gia đình, họ hàng. Đám cưới được tổ chức ngay khi sức khoẻ người yêu có phần trở lại. Làm sao anh quên được những ngày hạnh phúc đến với anh khi  ấy: “Mười ngày nghỉ phép thăm quê / Ta làm lễ cưới em về cùng anh / Tuần trăng chừng đã vào rằm / Nỗi vui oà vỡ tám năm đợi chờ”. Đúng là  ông trời có mắt. Sau khi xây dựng gia đình, sức khoẻ của vợ anh khá lên. Chị đã sinh cho anh ba người con, hai trai một gái, các cháu trưởng thành có công ăn việc làm ổn định và hiện nay anh có năm cháu nội ngoại quây quần. Tuy  không thể như một người bình thường nhưng những công việc gia đình, chị vẫn giúp anh quán xuyến. Hôm tôi đến thăm gia đình Quang Chuyền ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, vợ anh vẫn lo cơm nước tiếp khách rất chu đáo. Tôi rất mừng cho bạn.

Người ta thường nói, thơ là người. Có nhà thơ viết, đại ý anh dấu đâu cũng được nhưng trong thơ thì không thể giấu. Tức là sống giả thì chắc chắn thơ dù hay mấy vẫn cứ thành giả. Hình như vậy nhưng đâu có phải vậy. Nhiều người viết rất hay, nói rất hay nhưng trong tư cách, trong hành xử lại trái ngược. Mà không phải ít.

Nhưng tôi tin chắc, thơ và người hoàn toàn là một sau khi quen biết và được đọc tất cả những gì mà nhà thơ Quang Chuyền đã viết ra. Trong cuộc đời, tính cách và thơ ca của anh là nhất quán. Anh tâm sự “tôi xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những khoảnh khắc thăng hoa để viết nên những dòng thơ về con người, cuộc sống, để giãi bày lòng tôi”.

HUY THẮNG
Theo NVTPHCM


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...