GS. Nguyễn Văn Dân
Nói lí thuyết thì dễ, nhưng giá như những người có quan điểm nói trên đưa ra được một ví dụ minh hoạ về một công trình phê bình sinh thái tinh thần theo nghĩa là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với môi trường văn hóa tinh thần thì người đọc sẽ hình dung được ngay kiểu phê bình này là thế nào. Chẳng hạn như tôi, khi đọc cái định nghĩa về sinh thái tinh thần trên đây, tôi liên tưởng ngay tới cuốn sách Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kì văn hóa Phục hưng của Đặng Thai Mai (1949) và tự hỏi: Cái này là phê bình sinh thái hay phê bình văn hóa học? Theo định nghĩa trên thì nó phải là phê bình sinh thái tinh thần. Nhưng tôi không tìm đâu ra cái yếu tố “sinh thái” trong công trình đó mà chỉ thấy ngay cái “khung cảnh văn hóa”. Cho nên nói lí thuyết chay mà không liên hệ với thực tiễn thì rất khó thuyết phục.
Sự thật là thuật ngữ “môi trường” có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là “điều kiện”, “hoàn cảnh”; nghĩa thứ hai là “điều kiện môi trường thiên nhiên”. Ở đây, trong xu hướng nghiên cứu nói trên, khái niệm “môi trường” trong cụm từ “môi trường văn hóa tinh thần” đã được hiểu là “điều kiện”, “khung cảnh”, “hoàn cảnh”, “bối cảnh”. Vì thế, việc nghiên cứu cái bối cảnh văn hóa tinh thần đó chính là một phần của văn hóa học, còn việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa tinh thần với văn học là lĩnh vực của văn hóa học văn học chứ không liên quan gì đến sinh thái học văn học. Việc này đã được nhiều người làm từ lâu, như Bakhtin với công trình Sáng tác của François Rabelais với văn hóa dân gian thời trung đại và Phục hưng (viết năm 1940 như là một luận án tiến sĩ, xuất bản năm 1965), Đặng Thai Mai với công trình như tôi đã nói, Trần Đình Hượu với công trình Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Trần Ngọc Vương với công trình Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam (1995)... Không ai có thể gọi những công trình này là “phê bình sinh thái”.
Và như vậy “phê bình sinh thái tinh thần” như quan niệm ở trên hoàn toàn không phải là sinh thái học văn học cũng như không phải là phê bình sinh thái học, mà nó chỉ là phê bình văn hóa học đối với cái “khung cảnh văn hóa tinh thần” mà thôi.
Chúng ta biết rằng sinh thái học là một ngành khoa học liên ngành nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa các cơ thể sống với môi trường thiên nhiên. Trong nhiều ngôn ngữ, thuật ngữ “sinh thái” có nghĩa gốc là “môi trường sống”. Ngành học này có nguồn gốc từ giữa thế kỉ XVI. Có thể coi công trình De re metallica (Về bản chất của kim loại) của nhà khoa học khoáng vật người Đức Georgius Agricola (tên thật Georg Bauer, viết từ những năm 1540, xuất bản năm 1556, một năm sau khi ông mất) là công trình đầu tiên nhắc đến ý tưởng sinh thái học khi ông viết: “Khi rửa quặng, nước dùng rửa quặng sẽ làm nhiễm độc các con nước, tiêu diệt hoặc xua đuổi các loài cá”. Tuy nhiên, phải đến giữa nửa cuối thế kỉ XIX thì ngành khoa học sinh thái mới chính thức được hình thành, từ đó, ngành khoa học này đã được mở rộng và phân chia thành nhiều nhánh như: sinh thái học tiến hoá, sinh thái học phân tử, sinh thái học nhân bản, sinh thái học xã hội, sinh thái học văn hóa, sinh thái học văn học, sinh thái học tinh thần, v.v... Nhưng vì là một khoa học liên ngành, cho nên các lĩnh vực chuyên ngành trên đây có sự liên hệ với nhau. Yếu tố then chốt của mỗi chuyên ngành là vấn đề “môi trường sống tự nhiên” (hay “môi trường thiên nhiên”) (tiếng Hi Lạp: “oikos”, tương đương “eco” trong “ecology” của tiếng Anh). Mỗi một chuyên ngành sinh thái học là một lĩnh vực nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề “môi trường sống tự nhiên” với yếu tố đặc thù của chuyên ngành đó, ví dụ sinh thái học xã hội nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với xã hội, sinh thái học văn hóa nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với văn hóa, sinh thái học văn học nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với văn học, và sinh thái học tinh thần nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với yếu tố tinh thần của con người. Vấn đề “môi trường sống tự nhiên” chính là yếu tố trục của mỗi chuyên ngành sinh thái học. Những công trình nghiên cứu nào không gắn với vấn đề “môi trường sống tự nhiên” thì không phải là khoa học sinh thái.
Như vậy, “môi trường tự nhiên”, tức “eco”, mang một nghĩa chuyên môn chứ không phải nghĩa sinh hoạt. Chúng ta không nên nhầm lẫn “eco” ở đây với “môi trường” theo nghĩa là “điều kiện”, “khung cảnh”, “hoàn cảnh” trong ngôn ngữ sinh hoạt như một số người đã nhầm lẫn khi nói đến “phê bình sinh thái tinh thần”. Ví dụ như người ta có thể nói và vẫn nói: môi trường thanh niên, môi trường trí thức, môi trường báo chí, môi trường học đường, môi trường gia đình... (chẳng hạn khi ta nói “Trẻ em lớn lên trong một môi trường gia đình theo mô hình một thế hệ...” thì “môi trường” trong câu này là “điều kiện”, “khung cảnh”, “hoàn cảnh” chứ không phải “eco” trong sinh thái học). Và “môi trường” trong “môi trường tinh thần” hay “môi trường văn hóa tinh thần” cũng phải được hiểu theo nghĩa như vậy. Nếu cứ mở rộng nghĩa của từ sinh thái như thế thì sẽ dẫn đến tất cả mọi lĩnh vực nghiên cứu về hoàn cảnh của xã hội và con người đều là sinh thái học.
Thực ra “phê bình sinh thái tinh thần” có thể được hiểu là “sinh thái học tinh thần” với tư cách là một phân nhánh của sinh thái học. Các nhà khoa học trên thế giới quan niệm rằng sinh thái học tinh thần là nghiên cứu mối quan hệ giữa vấn đề môi trường tự nhiên với tinh thần, tín ngưỡng và tôn giáo, chứ không phải là nghiên cứu cái môi trường (hay khung cảnh) văn hóa tinh thần như quan niệm của một số người mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên.
Trên thế giới, sinh thái học tinh thần xuất hiện trong học thuật như là một lĩnh vực khoa học chủ trương rằng mọi vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên đều có một khía cạnh tinh thần, tín ngưỡng. Theo các nhà nghiên cứu ở Hoa Kì, sinh thái học tinh thần (tiếng Anh: “spiritual ecology”) có mấy nguyên tắc là: để giải quyết những vấn đề môi trường như sự suy kiệt giống loài, sự nóng lên toàn cầu, và sự tiêu dùng quá mức, nhân loại cần phải xem xét và đánh giá lại những thái độ và đức tin cơ bản của chúng ta về trái đất, cùng những trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh (quan điểm của Llywellyn Vaughan-Lee và những người khác trên diễn đàn của Đại học Yale, Hoa Kì). Cố vấn về biến đổi khí hậu của Hoa Kì James Gustave Speth đã nói: “Tôi thường nghĩ rằng những vấn đề môi trường hàng đầu là sự tổn hại đa dạng sinh học, sự tan vỡ hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Tôi tưởng rằng chỉ cần 30 năm với nền khoa học tiên tiến là chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề này. Nhưng tôi đã nhầm. Những vấn đề hàng đầu của môi trường chính là thói ích kỉ, là lòng tham và sự vô cảm, và để giải quyết những vấn đề đó, chúng ta cần một sự cải biến văn hóa và tinh thần”(1). Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, sự phục hồi và bền vững sinh thái nhất thiết phụ thuộc vào ý thức tinh thần và một thái độ trách nhiệm. Các nhà sinh thái học tinh thần đồng tình cho rằng điều này bao gồm cả việc công nhận sự sáng thế là thiêng liêng cũng như những ứng xử vinh danh sự thiêng liêng này.
Có thể coi cuốn sách Spiritual Ecology: The Cry of the Earth (Sinh thái học tinh thần: Tiếng kêu khóc của Trái Đất) do Llewellyn Vaughan-Lee chủ biên, (the Golden Sufi Center xuất bản lần đầu năm 2013, California, Hoa Kì), là cuốn sách cổ vũ cho sự ra đời của “phong trào sinh thái học tinh thần”, là phong trào đòi hỏi phải có những câu trả lời về tinh thần cho cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay. Cuốn sách có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động tôn giáo,... trong đó có Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam. Khi được hỏi: “Chúng ta phải làm gì để cứu Trái Đất của chúng ta”, Thiền sư đáp: “Điều cần thiết nhất chúng ta phải làm là hãy lắng nghe tiếng kêu khóc của Trái Đất đang vang vọng trong lòng ta” (được dịch sang tiếng Anh trong cuốn sách này là: “What we most need to do is to hear within us the sound of the earth crying”)(2). Câu nói nổi tiếng này được đưa lên trang giới thiệu cho cuốn sách. Theo tôi, câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là một định nghĩa ngắn gọn nhất nhưng cũng đầy đủ nhất về sinh thái học tinh thần: Hãy coi Trái Đất như là một thực thể thiêng liêng đang có nguy cơ bị huỷ diệt mà con người có nghĩa vụ đạo đức tinh thần đối với việc cứu vớt nó. Trong định nghĩa này có vấn đề sinh thái (câu nói: Trái Đất đang khóc), có yếu tố tinh thần, tâm linh (câu nói: con người hãy lắng nghe tiếng khóc đó) và có đạo đức học sinh thái (câu nói: điều cần thiết nhất). Tiến sĩ Llewellyn Vaughan-Lee là người giảng đạo Sufi và là người sáng lập Trung tâm Đạo Sufi Vàng (Golden Sufi Center) tại Bắc California, Hoa Kì.
Điều này rất phù hợp với tinh thần của UNESCO. Trong bản tuyên bố Mexico 1982, UNESCO đã nói đến trách nhiệm đạo đức của văn hóa. Từ trách nhiệm đạo đức, ngày nay người ta đang nói đến một nền “đạo đức học sinh thái”. Nhà triết học người Nhật nổi tiếng tên là Tomonobu Imamichi (từng là Chủ tịch Viện Triết học Quốc tế ở Paris, mất năm 2012) năm 2003 đã cho rằng, phẩm hạnh đạo đức mới của con người hiện đại trong kỉ nguyên toàn cầu hóa là kết quả của sự chuyển biến ngữ nghĩa từ phẩm hạnh đạo đức truyền thống sang phẩm hạnh “trách nhiệm về đạo đức sinh thái”(3). Ông Ban Ki-moon khi còn là Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 4-12-2015 rằng: “Các cộng đồng tín ngưỡng sẽ có ý nghĩa sống còn để cho những nỗ lực toàn cầu có thể giải quyết được thách thức của khí hậu. Họ nhắc nhở chúng ta về những chiều cạnh đạo đức của sự biến đổi khí hậu, và về nghĩa vụ của chúng ta đối với việc quan tâm đến cả môi trường mong manh của Trái Đất lẫn những người đồng loại trong cơn hoạn nạn của chúng ta”(4). Có thể nói, đạo đức học sinh thái là “trách nhiệm của chúng ta với Trái Đất” và cũng chính là sinh thái học tinh thần của thời đại ngày nay. Những chữ “Trách nhiệm với Trái Đất” và “Phát triển bền vững” đang được các tổ chức của Liên Hiệp Quốc nhắc đến nhiều nhất. Trái Đất luôn là trung tâm của sự quan tâm sinh thái học tinh thần. Như vậy, nghiên cứu đời sống văn hóa tinh thần ngoài mối liên hệ với môi trường tự nhiên thì không phải là sinh thái học tinh thần mà là “văn hóa học”.
Qua những gì mà các nhà khoa học và các nhà hoạt động xã hội - môi trường trên thế giới quan niệm thì thuật ngữ tiếng Anh “spiritual ecology” có thể được hiểu là “sinh thái học tinh thần” hoặc “sinh thái học duy linh” hay “sinh thái học tâm linh”. Đó là lí do giải thích tại sao phong trào “spiritual ecology” của thế giới lại có nhiều nhà hoạt động tôn giáo tham gia. Tuy nhiên ta có thể chấp nhận cách dịch phổ biến hiện nay ở Việt Nam là “sinh thái học tinh thần” (ngay bản chương trình song ngữ Anh - Việt của Hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái do Viện Văn học tổ chức ngày 14-12-2017 vừa qua tại Hà Nội cũng dịch như vậy), nhưng nên hiểu đó là cái nhìn sinh thái từ góc độ tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng và tôn giáo của con người. Thực tế sinh thái học tinh thần là một lĩnh vực nghiên cứu và phê bình sinh thái khởi phát từ phương Tây, nên người ta thường lấy thuật ngữ tiếng Anh “spiritual ecology” để diễn đạt. Tôi không biết các nhà khoa học Trung Quốc tiếp thu quan niệm nghiên cứu này như thế nào, nhưng những gì được một số nhà nghiên cứu Việt Nam phát biểu qua nguồn Trung Quốc cho thấy đã có một sự biến dạng khác xa quan niệm của “sinh thái học tinh thần” phương Tây. Nếu các nhà khoa học Trung Quốc muốn đưa ra một quan niệm mới về sinh thái học tinh thần mà không làm cho nó trùng lặp với một lĩnh vực nghiên cứu văn hóa đã hình thành từ trước thì đó là một chuyện khác. Nhưng nếu coi đó là quan niệm sinh thái học tinh thần của cả thế giới thì là một sự ngộ nhận. Đặc biệt là nếu đồng nhất quan niệm đó với lĩnh vực văn hóa học đang tồn tại thì lại càng là một nhầm lẫn không đáng có.
Nhà khoa học có thể phát minh ra một hướng nghiên cứu mới, đó là quyền tự do sáng tạo. Nhưng ở đây, việc phát minh ra hướng nghiên cứu gọi là “phê bình sinh thái tinh thần” đã vướng phải hai trở ngại làm cho nó không có lí do tồn tại: một là nó trùng tên với một lĩnh vực nghiên cứu đã có trên thế giới nhưng với nội dung hoàn toàn khác: đó là “sinh thái học tinh thần”; hai là nó trùng nội dung với một lĩnh vực khoa học khác của thế giới cũng đã xuất hiện từ lâu nhưng lại mang một cái tên khác: đó là “văn hóa học”. Đó là hai trở ngại để buộc nó nếu muốn tồn tại thì hoặc là phải đổi tên, hoặc là phải thay đổi nội dung. Đừng nên nói đây là ý kiến “đa nguyên” hay “trái chiều” để nguỵ biện cho quyền tồn tại của nó, mà thực tế chỉ đơn giản nó là một sự nhầm lẫn. Mà nhầm thì phải sửa. Không bao giờ được coi “nhầm lẫn” là “trái chiều”.
Như vậy, việc nghiên cứu cái “môi trường” văn hóa tinh thần thực sự không liên quan gì đến sinh thái và sinh thái học. “Môi trường” ở đây được hiểu là “khung cảnh”, “hoàn cảnh” chứ không phải là “môi trường tự nhiên”. Vì thế cách nói “môi trường văn hóa tinh thần” đồng nghĩa với cách nói ngắn gọn là “văn hóa tinh thần”. Vấn đề này thuộc lĩnh vực “văn hóa học” đã có từ lâu, không nhất thiết và không được gán cho nó cái thuộc tính “sinh thái học”. Việc gắn thêm thuật ngữ “môi trường” với nghĩa “hoàn cảnh” cho cụm từ “văn hóa tinh thần” thực chất là một hiện tượng mà trong logic học người ta gọi là sự lặp thừa (tiếng Anh: “tautology”). Trong logic học, sự lặp thừa xuất hiện khi người ta vô tình hoặc cố ý dùng ghép những từ, những câu khác nhau nhưng có khả năng diễn đạt cùng một ý, làm thành những phát ngôn không có thông tin mới. Theo tinh thần này, ta có thể bỏ thuật ngữ bị lặp thừa mà ý của cụm từ hay của câu vẫn được bảo toàn. Trong trường hợp của cụm từ “môi trường văn hóa tinh thần”, ta có thể bỏ thuật ngữ “môi trường” mà ý của cụm từ đó vẫn không thay đổi. Lặp thừa là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Trong một số tình huống diễn ngôn, lặp thừa có ý nghĩa tu từ. Tuy nhiên về mặt logic, sự lặp thừa không đơn giản chỉ là sự thừa chữ thừa câu, mà nó thường dẫn đến việc hiểu sai ý và làm nhầm lẫn quan niệm. Nhầm lẫn “môi trường” theo nghĩa sinh hoạt với “môi trường” theo nghĩa chuyên môn sẽ dẫn đến việc coi tất cả các nghiên cứu về “hoàn cảnh” đều là sinh thái học (vì thấy nó có chữ “môi trường”).
Như vậy, phê bình sinh thái văn học, hay sinh thái học văn học, nếu muốn kết hợp với “phê bình sinh thái tinh thần” hay “sinh thái học tinh thần” (hoặc “phê bình sinh thái duy linh” hay “sinh thái học duy linh”), thì phải làm rõ được cái khía cạnh tinh thần/ duy linh và vai trò của nó trong những vấn đề môi trường, chứ không nên biến cụm từ “sinh thái tinh thần”, gồm hai yếu tố là “môi trường sinh thái” và “tinh thần”, thành khái niệm lặp thừa gồm một yếu tố là “môi trường tinh thần” với nghĩa là “bối cảnh tinh thần” để nhầm lẫn phê bình sinh thái tinh thần với phê bình văn hóa học.
NGUYỄN VĂN DÂN
Nguồn: VNQĐ
________________
1. Spiritual ecology, https://en.wikipedia.org.
2. The Golden Sufi Center, https://goldensufi.org.
3. Tomonobu Imamichi, “The Concept of an Eco-ethics and the Development of Moral Thought” (Khái niệm đạo đức học sinh thái và sự phát triển tư tưởng đạo đức), Revue internationale de philosophie moderne (Tạp chí quốc tế về triết học hiện đại), Tokyo, Japan, 2003, pp. 1-9.
4. Spiritual ecology, nguồn đã dẫn.
2. The Golden Sufi Center, https://goldensufi.org.
3. Tomonobu Imamichi, “The Concept of an Eco-ethics and the Development of Moral Thought” (Khái niệm đạo đức học sinh thái và sự phát triển tư tưởng đạo đức), Revue internationale de philosophie moderne (Tạp chí quốc tế về triết học hiện đại), Tokyo, Japan, 2003, pp. 1-9.
4. Spiritual ecology, nguồn đã dẫn.