Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

5 lý do khiến sách giấy không thay thế được

Có một thời người ta lo lắng về sự cáo chung của sách giấy khi các phương tiện giải trí điện tử ra đời như vũ bão, thời mà việc đọc sách không cần phải đến thư viện hay ra hiệu sách, nhưng những lo lắng này có vẻ hơi thừa, bởi những lý do sau đây.

Sách giấy là thứ hữu hình có thể cầm nắm, sở hữu thực sự được. Khi ai đó nói rằng mình đọc sách rất nhiều, mình có một kho sách lớn thì làm thế nào để họ chỉ ra được điều đó? Câu trả lời: trưng ra một thư viện hoặc một tủ sách cực kì lộng lẫy và hoành tráng!
Ảnh: Minh hoạ sách giấy

Một thư viện hoặc một tủ sách lớn là thứ nhìn thấy được và rất có ý nghĩa, ít nhất là về mặt tinh thần. Với những người ham đọc sách, có điều gì sung sướng hơn việc dạo chơi trong thư viện, hoặc ngắm nhìn những quyển sách quý trong giá sách cao chất ngất trong nhà, rồi rút ra một quyển ưng ý và ngồi thư thái đọc.

Một tủ sách trong nhà chính là một thứ tài sản, một vật trang trí sang trọng cho bất cứ người nào yêu tri thức và ham thích đọc. Bạn bảo bạn có nhiều sách bằng cách đưa ra một chiếc máy tính hoặc một thiết bị đọc sách ư?

Điều này có thể chấp nhận được nhưng nó sẽ không bao giờ là một khoái cảm khi đó là những thứ không thể sờ nắm được. Có một kho sách trong máy tính cũng có nghĩa là... không có gì cả! Loài người luôn thích những thứ cụ thể, có thể sờ nắm trực tiếp. Sách giấy cho người ta một quyền sở hữu thiêng liêng mà các loại sách điện tử không thỏa mãn được.

Sách giấy là một tài sản rất có giá trị. Những quyển sách giấy ngày càng đắt đỏ hơn, in bằng những loại giấy tốt, bìa đẹp nhưng không vì thế mà người ta ngừng mua. Ngay ở Việt Nam, một quốc gia hầu như không có truyền thống ham đọc sách, số người mê sách rất ít thì vẫn có những nhóm người coi sách là tài sản thực sự. Các nhà sách chịu chơi đã thiết kế những bộ sách cho những người này.

Ngay ở giai đoạn trước những năm 1945 ở toàn nước Việt và sau đó tiếp tục tồn tại ở Sài Gòn, đã có nhà sách làm ra những bộ sách đặc biệt, in trên giấy thượng hạng, có đánh số, chữ kí tác giả để dành cho những người yêu sách, chơi sách.

Ví dụ cuốn Tố Tâm, một trong những cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên có tiếng vang lớn của văn học Việt ở lần xuất bản năm 1933, ngoài 2.000 nghìn bản in giấy xốp thông thường thì có 5 bản bằng giấy Alpha đánh dấu từ 1 đến 5; 5 bản bằng giấy Vergé Baroque, đánh chữ từ A đến E.

Còn bây giờ, sau một thời gian rất dài chỉ có những bộ sách in bằng giấy đen mủn, ít đầu tư về mặt mĩ thuật thì đã có những cuốn sách chất lượng kĩ thuật rất cao. Các công ty sách đình đám như Nhã Nam, Tao Đàn, Đông A... đã đầu tư những phiên bản sách giấy đặc biệt: bìa cứng, bìa da, giấy in thượng hạng, có đánh số thứ tự kèm chữ kí tác giả hoặc dịch giả.

Những bộ sách đó luôn có giá cao, bằng hai, ba hoặc nhiều hơn nữa so với một phiên bản sách thông thường. Tuy sách đắt nhưng vẫn có khá nhiều người muốn sở hữu những bộ sách này vì đơn giản ngoài giá trị nội dung của sách, nó là một thứ đồ trang trí cao cấp trong nhà, một tài sản có giá trị.

Nếu ai sành sỏi về sách hẳn đều biết những quyển sách cũ hay và quý luôn có giá trên trời, thậm chí một cuốn sách bằng gia sản của cả một đời người.

Cuốn sách đắt nhất có thể kể đến là bản thảo của họa sĩ kiêm nhà bác học vĩ đại người Ý: Leonardo da Vinci, cuốn Codex Leicester có giá đến hơn 30 triệu đôla Mỹ và được một trong những người giàu có và nổi tiếng nhất thế giới - Bill Gates, cha đẻ của công ty phần mềm khổng lồ Microsoft mua từ năm 1994.

Những cuốn sách có giá cả cực lớn có thể kể thêm đến tập kịch First Folio của William Shakespeare, Hiến pháp Hoa Kỳ của George Washington, Chuyện kể ở Canterbury của Geoffrey Chaucer, Các loài chim Mỹ của John James Audubon..., những cuốn sách mà nếu quy ra tiền Việt sẽ có giá trị đến hàng trăm tỉ đồng.

Những cuốn sách cũ có liên quan tới Việt Nam cũng có giá trị rất lớn và quý hiếm ví như cuốn Con rồng An Nam của vua Bảo Đại, Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, các phiên bản cổ của Truyện Kiều...

Sách giấy có sự đặc biệt về hình thức mĩ thuật. Điều này thì chắc chắn những phiên bản sách điện tử không bao giờ có được. Một quyển sách giấy là công sức và trí tuệ của nhiều người và nếu người ta làm nó thật tâm huyết, nó có những sức quyến rũ đặc biệt.

Ví dụ, bạn đã bao giờ để ý đến chất lượng của giấy in sách chưa, có những loại rất kém ngày xưa thường dùng như loại giấy đen, mỏng, dễ ố. Giờ thì đa số giấy in sách trắng hơn và được phân thành rất nhiều loại khác nhau: ngà, trơn láng, xốp, dai... mà mỗi khi lựa chọn, người làm sách đều có những tính toán riêng cho từng đối tượng độc giả hoặc cân đối giá thành.

Lại có những chi tiết thiên về kĩ thuật cũng mang lại cho sách giấy những nét riêng biệt: font chữ, sự co giãn dòng, cách đánh số trang và đặc biệt là bìa sách. Những người làm sách chuyên nghiệp thường làm bìa rất kĩ, chọn họa sĩ có uy tín, bìa sách phản ánh trúng nội dung sách, ấn tượng và hấp dẫn.

Một bìa sách đẹp cũng góp phần không nhỏ làm thành công cho sách. Xưa kia ở châu Âu người ta đóng bìa sách bằng da thật, một thứ vật liệu rất xa xỉ cho những cuốn sách ở thời bây giờ. Hiện tại chỉ những cuốn sách đặc biệt mới được đầu tư một cái bìa da thật hoặc bìa cứng thượng hạng. Cái kẹp sách (bookmark) cũng được đầu tư, phiên bản thường là bìa giấy, cao cấp có thể bằng da...

Sách giấy mang lại cảm xúc nhiều hơn. Sách giấy mang lại những cảm xúc mà dân ghiền sách thường rất thích thú: mùi vị của giấy mới, những âm thanh sột soạt khi giở từng trang sách, những ghi chép bên lề hoặc gạch chân những đoạn thú vị. Thậm chí trong những quyển sách giấy người ta còn để những kí hiệu đầy bí hiểm. Đã có câu chuyện về  người cất giấu một gia sản khổng lồ của anh ta trong sách. Anh ta đánh số những kí hiệu bí mật đồng thời là mật mã két cất giữ một tài sản lớn ở ngân hàng.

Một độc giả mượn quyển sách ở thư viện và tình cờ tìm thấy dãy kí hiệu ở quyển sách. Cảm thấy đây là điều bất thường, người ấy đã tìm kiếm những quyển sách khác của cùng tác giả mà anh ta nghi ngờ. Sau khi tìm được tất cả các kí hiệu và dãy số cần thiết anh ta đã tìm ra tài khoản và mã két một ngân hàng.

Người đọc đó tìm đến ngân hàng và được biết chủ nhân của tài khoản đó đã mất, hiện chưa có người thừa kế. Khi mã số được tìm thấy dùng để mở két thì người ta thấy có một bức thư trong đó. Người chủ tài khoản di chúc rằng, người đầu tiên tìm thấy mã số bí mật trong những quyển sách anh ta đánh số sẽ được thừa hưởng gia tài. Và may mắn đã dành cho “mọt sách” kiên nhẫn và kì công kia.

Cuối cùng, khoa học đã chứng minh rằng đọc sách giấy khiến con người ta ghi nhớ tốt và thoải mái hơn hơn so với sách điện tử. Nhiều người đọc cho rằng các sách điện tử giống như một tệp tin mà người ta sẽ khó có những thao tác như đánh dấu, ghi chú hoặc làm một thứ gì đó mang tính cá nhân hoặc thú vui riêng lẻ. Khi cuộn các trang sách điện tử người ta ít có cảm giác được nghỉ ngơi hoặc chinh phục. Ngược lại, sách giấy mang cho ta một cảm giác rất  hữu hình.

Với tất cả những đặc điểm của sách giấy có thể nói không quá lời rằng, khi nào loài người vẫn còn những nhận thức về quyền sở hữu, về cái đẹp, thì sách giấy vẫn còn có chỗ đứng vững trong đời sống nhân loại. Và với quan điểm có phần bảo thủ, thiên về cảm xúc của mình, người viết bài này tin rằng sách giấy sẽ không bao giờ mất đi, ngay cả khi thời đại 4.0 phát triển thành 5.0, 6.0..., hay 10.0.

UÔNG TRIỀU
Theo ANTG

TIN VĂN KHÁC:

.         Bệnh ở làng văn
·         Tỉnh say Nguyễn Khuyến!
·         Khoảnh khắc Đào An Duyên
·         Nhà văn làm nghề gì?
·         Nỗi oan của môn Văn


Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Về Mã Đà nhớ nhà văn Lý Văn Sâm

Trở về Mã Đà sơn cước với Chiến khu Đ lừng lẫy năm xưa, nơi sinh ra tác giả Kòn Trô nổi tiếng. Không chỉ là nhà văn mà Lý Văn Sâm còn là nhà cách mạng, nhà văn hoá của Nam Bộ. Và mỗi lần nhớ tới ông là trong tôi hiện lên hình ảnh một vị thiên sứ từ chín tầng mây bay xuống trần gian nở nụ cười hiền lành thân thiện và hoá hiệp sĩ tung vó ngựa oai phong ngang dọc khắp rừng miền Đông đất đỏ kỳ bí.
Nhà văn Lý Văn Sâm

Nằm cách Tp. Hồ Chí Minh gần 100km, “Mã Đà sơn cước” nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai là vùng rừng nguyên sinh bạt ngàn rộng hơn 100.000 ha, trong đó có 32.000 ha mặt nước hồ Trị An. Vào thu, cây rừng bắt đầu thay lá. Một không gian đẹp, quyến rũ và thanh sạch.

Đây là nơi đầy huyền thoại, có nhiều di tích văn hoá, lịch sử gắn liền với Chiến khu Đ. Với từng cánh rừng hoang sơ, từng ngôi làng hẻo lánh và cả thác nước thủy điện Trị An, Lý Văn Sâm cùng với các vị tướng yêu văn hoá như Nguyễn Bình, Trần Văn Trà, Huỳnh Văn Nghệ, Bùi Cát Vũ… cũng là những huyền thoại đáng tự hào.

Đặc biệt, Mã Đà từ lâu là nguồn cảm hứng bất tận cho nhà văn Lý Văn Sâm. Ông không chỉ là người tạc dựng nên nhân vật bất tử Kòn Trô với truyện ngắn đường rừng cùng tên từ nguyên mẫu chính bản thân mình, mà tôi có cảm giác từ trong lập trình số phận của tạo hoá ông cũng đích thực là Kòn Trô, tức “con Trời”, giang hồ lưu lạc xuống trần thế hành hiệp, để rồi khi sứ mệnh hoàn thành lại biến mất trong mây bay gió lượn, chẳng quan tâm mình lưu lại gì với đời thường đua tranh hỗn tạp.

Một hành trạng phong phú và kỳ lạ

Cuộc đời Lý Văn Sâm là một hành trạng kỳ lạ trong một tính cách kỳ lạ, với một sự nghiệp cũng hết sức lạ kỳ của một con người tài hoa, một tinh thần đại nghĩa sinh từ hào khí núi sông Đồng Nai - một không gian văn hoá mang đặc thù riêng. Và nhà văn Lý Văn Sâm chính là một trong những “sản phẩm” tiêu biểu kết tinh từ văn hoá Đồng Nai lẫn miền Đông Nam Bộ. Đồng thời, Lý Văn Sâm cũng là nhân vật hội đủ mọi tính cách điển hình và độc đáo của người phương Nam, mà càng tìm hiểu chúng ta càng phát hiện nhiều điều bất ngờ thú vị. Từ lòng yêu nước với tinh thần Lục Vân Tiên trước bóng đêm ngoại xâm đã đưa Lý Văn Sâm trở thành một người cộng sản tranh đấu hàng đầu trên mặt trận văn hoá, nhưng bản tính sống độc lập, tự do, phóng khoáng, ẩn dật, bất cần danh lợi vốn hình thành từ lúc còn là cậu bé rừng xanh “thâm u và cao cả” vẫn chi phối suốt cuộc đời sôi động, phong phú, luôn xê dịch của ông.

Đối với văn chương, Lý Văn Sâm là cây bút đa năng, viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, thơ, bút ký, tạp văn, kịch, tuồng cải lương. Cảm hứng từ quê hương văn học ở núi rừng Biên Hoà - Đồng Nai, nhưng sự nghiệp văn chương của Lý Văn Sâm lại chủ yếu gắn liền với thành phố Sài Gòn nơi ông dấn thân tranh đấu bằng cây bút và khẳng định được tài năng, vị thế của mình trên văn đàn.

Ngược dòng lịch sử văn học trước năm 1945, nếu như Lan Khai và Thế Lữ là hai cây bút “chủ soái" về thể loại truyện đường rừng ở miền Bắc, thì ở miền Nam chỉ có Lý Văn Sâm giữ vị trí độc tôn với những truyện ngắn như: Cây nhị sông Phố, Kòn Trô, Thần Ngư động… Sau Cách mạng tháng Tám, tại trung tâm Sài Gòn, với tư cách chiến sĩ bí mật tranh đấu công khai trên báo chí, nhà văn Lý Văn Sâm đã tiếp tục viết và lách, phát huy thế mạnh chủ yếu là chuyện đường rừng để gián tiếp thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và chống lại các thế lực cường quyền, ngoại xâm. Đây là chặng đường sáng tác mạnh mẽ, sung sức nhất của ông với 35 truyện ngắn, 16 truyện vừa, 11 vở kịch. Trong đó, về truyện ngắn tiêu biểu như: Thâm u và cao cả, Xác Mu Mi trên núi đá, Răng Sa Mát, Mũi Tổ, Ngăn rạch bắt sấu, Rồng bay trên núi Gia Nhang, Sương gió biên thuỳ, Nắng bên kia làng; truyện vừa có: Chiếc vòng ngọc thạch, Sau dãy Trường Sơn, Nợ nước thù nhà, Đất khách, Nga và Thuần, Vợ tôi người dân tộc thiểu số,…

Không chỉ chiếm lĩnh trường văn trận bút Sài Gòn từ năm 1947 đến 1954, mà sau đó nhà văn, nhà báo Lý Văn Sâm còn tiếp tục dùng ngòi bút tài hoa, dũng cảm của mình trong cuộc đối đầu không cân sức và trực diện với chính quyền bạo lực Việt Nam Cộng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu. Đỉnh điểm là truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ với nhiều hình tượng ẩn ý của ông đăng trên đặc san xuân Dân Tộc vào Tết Bính Thân 1956 gây chấn động dư luận.

Cũng vì sức lan tỏa của truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ mà nhà văn Lý Văn Sâm bị kẻ thù bắt tống giam và cùng hàng trăm đồng chí của mình tổ chức vượt ngục nhà lao Tân Hiệp ở Biên Hoà. Lý Văn Sâm may mắn thoát ra chiến khu, trong khi người bạn thân thiết Dương Tử Giang cũng là nhà văn, nhà báo cùng nhiều người khác đã ngã xuống trước làn đạn truy kích của đối phương. Từ đây, ông trở thành một trong những yếu nhân xây dựng lực lượng văn nghệ giải phóng, giữ nhiều trọng trách, dọc ngang khắp chiến khu miền Đông và cả Nam Bộ cho tới ngày đất nước hoà bình, thống nhất.
Rừng Mã Đà

“Con Trời” u uẩn giữa rừng xanh

Quê nội nhà văn Lý Văn Sâm ở làng Bình Long, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà, nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Còn quê ngoại ông ở làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà, nay thuộc thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Lý Văn Sâm chào đời ở quê ngoại làng Tân Nhuận và gắn bó với nó gần suốt thời ấu thơ, nên về sau trong nhiều trang viết của mình ông hay nói tới ngôi làng nhỏ này nằm bên hữu ngạn dòng sông Bé - một phụ lưu của sông Đồng Nai.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ khi chỉ một khúc sông Đồng Nai mà hai bên bờ của nó với những làng mạc vốn xa xôi heo hút đều thuộc quận Tân Uyên xưa lại sinh ra bốn nhà văn danh vang thiên hạ: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn. Trong đó, Lý Văn Sâm là người có mối quan hệ đặc biệt và khác biệt với từng người trong cả ba nhà văn đồng hương. Ngoài Bình Nguyên Lộc thì Lý Văn Sâm cùng hai nhà văn còn lại đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Lý Văn Sâm đã góp phần làm rạng danh văn hoá Đồng Nai và chính hào khí sông núi quê hương và ký ức tuổi thơ đã hun đúc nên con người, tính cách và sự nghiệp của tác giả Kòn Trô. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho hay: “Đến năm bảy tuổi, tôi mới có dịp ra thị trấn Tân Uyên, nên từ nhỏ tôi đã có tâm hồn ẩn dật. Tôi cứ ngồi bó gối ở trong nhà bà ngoại, thấy xe hơi chạy, ao ước có lúc mình được ngồi trên chiếc xe đó. Ông già tôi làm kiểm lâm và lãnh tiền xâu trả cho công nhân đốn cây. Từ nhỏ, tôi ở với bà ngoại, không có điều kiện trò chuyện với ai. Tôi trở thành cậu bé hết sức cô đơn. Một lần nhà bị cháy, gia đình ngoại tôi chạy từ rừng về, tưởng tôi bị chết cháy trong đó rồi. May có cô câm giúp việc tên là Quơn la ú ớ rồi nhảy vô cứu tôi. Nếu không có cô ấy thì bây giờ tôi chẳng còn. Lúc bảy tuổi, tôi đã biết tiếng Tây do cha tôi dạy. Hoàn cảnh sống ở chốn rừng núi âm u làm tôi hay bất mãn, chống sự bất công xã hội và thích ẩn dật”.

Vì mẹ phải tảo tần buôn bán quanh năm từ quê ra tận tỉnh thành Biên Hoà, Sài Gòn nên bà ngoại trở thành người mẹ thứ hai trong suốt bảy tuổi đầu của Lý Văn Sâm trước khi đến trường. Phong cảnh núi rừng mênh mông thâm u đầy bí ẩn đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ ông như sau này nhà văn tự thuật lại trong truyện ngắn tâm đắc Nắng bên kia làng: “Tôi lớn lên giữa một vùng thiên nhiên phóng khoáng, bên những người thân yêu mộc mạc, xa ánh sáng văn minh, xa tiếng nói của thị thành. Và như thế trọn bảy năm. Tâm hồn tôi là tâm hồn của những đứa trẻ nhút nhát run sợ trước cảnh bão tố đè rạp rừng già, thổi tốc mái nhà tranh khiến phần đông người trong xóm nheo nhóc như lũ chim mất ổ”.

Sinh ra trong gia đình tương đối khá giả ở vùng quê nghèo heo hút chốn núi rừng, Lý Văn Sâm đã được cha mẹ nuôi dạy ăn học với mong ước thành tài. Từ bậc tiểu học đến trung học ông trải qua các trường ở Biên Hoà, Sài Gòn rồi ngược ra tận xứ Huế. Trong bài Tôi viết văn đăng trên báo Sống Mới số xuân năm 1950 ở Sài Gòn, nhà văn Lý Văn Sâm có tự thuật:

Tôi vốn có khiếu văn chương từ năm tôi ngồi lớp nhất trường Biên Hoà. Tôi giỏi Việt văn là lẽ cố nhiên, nhưng tôi không có mộng trở nên văn sĩ sau này. Hồi ấy, tôi rất thích quyển Lời hoa của Trí Đức văn đoàn Đông Hồ tiên sinh ở Hà Tiên xuất bản. Tôi thích quyển ấy vì những ngọn gió quê, của những đồng lúa Tân Ba Biên Hoà thổi vào lòng tôi một cảm giác thơm ngọt ngọt và khởi cho tôi hồn văn của tôi một hứng thú mới. Lạ có một điều khi tôi lên học năm thứ nhất trường Lê Bá Cang, tôi không viết văn nữa. Có lẽ vì ông giáo Việt văn Trần Văn Hoàng (không phải là ông Nam Vân) hồi ấy đã khiến cho giờ học chúng tôi thành ra buồn tẻ nên chúng tôi chán là phải”.

Sau đó, Lý Văn Sâm dự định ra Hà Nội học nhưng số phận đưa ông dừng chân ở Huế học trường Hồ Đắc Hàm. Cảnh sắc thơ mộng sông Hương núi Ngự đã khơi hứng trở lại tình yêu văn chương trong tâm hồn lãng mạn của chàng trai núi rừng miền Đông đất đỏ. Rời xứ Huế trở về quê nhà Lý Văn Sâm được cha giao cai quản lò than ở Trị An. Thiếu vắng bạn bè, xung quanh chỉ cỏ cây, nước non, ghềnh thác. Buồn, cô đơn, cây bút và trang giấy trắng tình cờ trở thành người bạn tâm tình. Chàng trai của chốn núi rừng lao vào viết và viết để tự giải toả nỗi lòng. Viết bằng bản năng. Viết bằng mắt thấy tai nghe giữa thiên nhiên “thâm u và cao cả”. Viết bằng trí tưởng tượng thăng hoa “liên tài” với sự trải nghiệm của ký ức u huyền, bí ẩn… để rồi những trang văn đường rừng ly kỳ lần lượt xuất hiện quyến rũ bao thế hệ bạn đọc.

Cùng với Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá là một trong hai cây bút xuất sắc nhất ở miền Nam giai đoạn 1945-1954. Về sau ông viết ít đi, nhưng với vai trò là một trong những thủ lĩnh của văn nghệ kháng chiến miền Nam cùng với Trần Hữu Trang, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam, Hoài Vũ, Anh Đức… ông đã có những đóng góp quý giá khác vẫn bằng tâm thế và nghĩa khí Kòn Trô năm xưa của “Mã Đà sơn cước” huyền thoại.

PHAN HOÀNG
Theo Văn Nghệ số 39/2019

TIN VĂN KHÁC:

.         Bệnh ở làng văn
·         Tỉnh say Nguyễn Khuyến!
·         Khoảnh khắc Đào An Duyên
·         Nhà văn làm nghề gì?
·         Nỗi oan của môn Văn


Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Bệnh ở làng văn

Câu ngạn ngữ “Văn mình vợ người” có ngầm ý phê bình thái độ chủ quan của người viết văn.

1. Không có giới nào thuần nhất cả. Cũng không giới nào là hoàn toàn tinh túy. Còn đã gọi là bệnh thì phải ở những kẻ ốm yếu, chứ những văn nghệ sĩ đích thực thì đâu có. Những kẻ ốm yếu, đấy là những văn nghệ sĩ rởm, hoặc họ đã từng làm văn nghệ sĩ thật nhưng bị biến chất. Bệnh của những người này thì có nhiều, nay ta chỉ xem một vài bệnh tiêu biểu.

Bệnh vĩ cuồng. Những văn nghệ sĩ đích thực luôn luôn thấy mình cũng là một người bình thường, họ làm mọi nhiệm vụ của một công dân, làm hết trách nhiệm của một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. "Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu" (Xuân Diệu). Chế Lan Viên thì ân hận dằn vặt về những tháng ngày tách rời đất nước, nhân dân: "Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết/ Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày". Nhà văn Tô Hoài còn tham gia làm cả tổ trưởng dân phố... Nhưng những văn nghệ sĩ bị bệnh vĩ cuồng thì luôn cho mình là người vĩ đại, phải được sắp xếp vào những vị trí quan trọng, làm những công việc vĩ đại, họ thường so sánh mình với những vĩ nhân trong lịch sử, thậm chí còn coi thường cả những thiên tài. Đã có một thời, có một số học viên của Trường Viết văn Nguyễn Du bị mọi người coi là "Trước khi vào trường thì không biết Nguyễn Du là ai. Đến khi ra trường thì không coi Nguyễn Du ra gì". Có cả những cây bút nữ còn vô danh mà lại so sánh mình với thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương bất tử, không phải vào lúc trà dư tửu hậu ở trong phòng với một vài đệ tử, mà là giữa thanh thiên bạch nhật trên phương tiện truyền thông có đông người chứng kiến. Họ không biết rằng, vĩ đại như văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc, khi có người trách sao anh không tập trung viết những tác phẩm lớn để đời, thì ông tự than trách rằng: "Trong khi máu đồng bào hàng ngày vẫn đổ... thế mà tôi chỉ có "Mà thôi" (tên tập tản văn của ông) mà thôi!".

Bệnh mục hạ vô nhân. Bệnh này thường đi liền với bệnh vĩ cuồng. Dưới con mắt của người bị bệnh này thì không có ai đáng chú ý cả. Như một danh ngôn nước ngoài đã chỉ ra, nếu anh nhìn mọi người với con mắt của người hầu phòng thì chỉ thấy những điều nhỏ bé của mọi người, chứ không thể thấy những điều vĩ đại ở họ. Cả một nền tiểu thuyết của chúng ta mấy chục năm qua, trong đó không ít những đỉnh cao đã được khẳng định, thế mà có người lại bảo rằng chưa có cuốn nào đáng được gọi là tiểu thuyết mà chung qui chỉ là… chuyện kể. Có nhà văn thực ra thì cũng chưa có tác phẩm nào thật đáng chú ý, tuy không còn là vô danh nhưng cũng lúc ẩn lúc hiện, lại đánh giá sự nghiệp, những tác phẩm nổi tiếng về các thể loại của nhà văn Nguyễn Đình Thi một cách rất bất nhã. Rồi những tác giả viết văn và làm thơ trẻ hiện nay, một số người chỉ nhìn thấy mình, tự cho mình là nhất, ngoài ra không có ai cả. Hẳn là họ thuở nhỏ chưa từng được mẹ ru cho nghe những lời thơ ngọt ngào mà sâu lắng của thi sĩ Tố Hữu:

Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín
chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian...

Ở một số bài viết, tôi đã có dịp đề cập đến bệnh ảo tưởng của giới văn nghệ sĩ. Rồi cũng có người thường nhắc đến bệnh đố kỵ trong giới cầm bút. Nhưng đã là bệnh thì nó không phải là đại diện của chủ thể ấy, nó là những thứ bám vào một cách không được phép mà thôi. Vì thế, cũng chả nên phanh phui thêm làm gì, chỉ nhắc vừa đủ để mà phòng tránh.

Như những cơ thể khỏe mạnh, bệnh tật không thể xâm phạm được, những văn nghệ sĩ đích thực, có bản lĩnh và tài năng thì những bệnh như trên sao có thể đến gần. Nhà thơ Nguyễn Khuyến rất thích quây quần vui vẻ với những nông dân trong thôn xóm: "Chú Đáo bên làng lên với tớ/ Ông Từ xóm chợ lại cùng ta". Còn nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông về Bến Tre viếng mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, một số trẻ em nhìn thấy ông reo lên: "A! Nhà thơ đến thăm nhà thơ" thì ông trả lời tự nhiên rằng: "Không phải là nhà thơ đến thăm nhà thơ, mà là cháu đến thăm ông. Ông và cháu cùng nhau đánh giặc, bây giờ hết giặc rồi, cháu đến thăm ông". Điều đó cho thấy văn chương nghệ thuật rất nhỏ bé trước cuộc đời, có gì mà phải cuồng, cao đạo.

2. Tôi không nói về cặp phạm trù chủ quan và khách quan. Tôi chỉ nói về thái độ chủ quan của con người trong cuộc sống. Thái độ chủ quan có nội hàm: không thận trọng, mất cảnh giác. Trong lịch sử nước ta, thái độ chủ quan điển hình còn được truyền lại trong truyện An Dương Vương mất nỏ thần. Từ khi xây xong Loa thành và có được nỏ thần, An Dương Vương thường rượu chè và đánh cờ tiêu khiển, với thái độ chủ quan khinh thường giặc phương Bắc. Bởi vì có nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn quân địch, An Dương Vương còn chiều con gái mình đồng ý cho kết duyên cùng Trọng Thủy là con trai của Triệu Đà, kẻ đã dẫn đại quân xâm lược nước ta, lại còn cho Trọng Thủy ở rể. Sự chủ quan này của An Dương Vương đã được nhà thơ Tố Hữu tâm sự: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”... Rồi để Trọng Thủy lấy trộm được nỏ thần. Khi đã có được nỏ thần, Triệu Đà mang quân sang đánh. Khi quân giặc đã tiến sát chân thành, An Dương Vương vẫn ngồi uống rượu đánh cờ và nói: “Triệu Đà không sợ nỏ thần sao?”.

Trong xã hội, giới nào cũng có người thường thận trọng, người hay chủ quan. Nhưng có lẽ bởi tính chất nghề nghiệp, tôi thấy giới văn nghệ sĩ thường hay có thái độ chủ quan hơn? Chủ quan trong sáng tạo đã đành. Còn chủ quan trong nhìn nhận đánh giá, đặc biệt chủ quan khi nghĩ về mình. Câu ngạn ngữ “Văn mình vợ người” có ngầm ý phê bình thái độ chủ quan của người viết văn. Nhà thơ Xuân Diệu từng gửi gắm ý nghĩ của mình qua tâm sự của núi Hymalaya: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta?”. Khi mới bước vào làng văn qua cổng phê bình, tuy có được chính kiến trong phân tích đánh giá nhưng tôi cũng chưa thật chín chắn. Tôi từng viết như thế này: “Làm người viết là chỉ muốn thể hiện ý nghĩ của mình, chính kiến của mình... Xưa nay, tôi chưa viết ra điều gì mà mình không nghĩ, cũng chưa khen ai mà mình không thấy đáng phải khen, kể cả tác phẩm của bạn bè và tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng. Tôi chỉ viết những điều gì nung nấu, không viết ra không chịu nổi và khi viết thì tôi tin là tuyệt đối đúng, cả khi tôi khen và khi tôi chê”. (Tản mạn và chính kiến văn chương - NXB Văn học, 1997, trang 187). Không phải khi viết những câu này tôi chưa nghiên cứu triết học, không biết đến giá trị tương đối. Mà tôi chỉ nhấn mạnh “khi viết thì tôi tin là tuyệt đối đúng”. Phải tin tuyệt đối vào ý kiến của mình thì mình mới viết ra. Chứ chưa tuyệt đối tin thì sao lại viết ra cho bạn đọc. Không tuyệt đối tin mà viết ra thì là có lỗi chứ. Còn mình tin là đúng nhưng thực tế nó chưa thật đúng mà có thể nó còn sai thì là do trình độ của mình thôi, chứ không phải do thái độ của mình không tôn trọng độc giả. Nhưng bây giờ khi đã trưởng thành mà nhìn lại, tôi đã nhận ra sự bồng bột chủ quan khi mình còn trẻ. Nhưng có lẽ, cũng chính nhờ sự bồng bột và chủ quan ấy mà tôi dám khám phá và thể hiện chính kiến của mình khi phê bình tác giả, tác phẩm mà được văn giới và bạn đọc ghi nhận chăng?

Trong quá trình viết văn của tôi, cho đến nay sau những vui buồn, thành công và thất bại, tôi có một kỷ niệm sâu sắc mà nếu không nói ra thì không ai biết cả. Các nhà văn nhà thơ đích thực thường cẩn trọng từng chữ khi viết ra. Đó là thái độ biết “sợ chữ”, không viết bừa viết ẩu. Đối với người viết phê bình lại càng phải như vậy. Trong các bài viết phê bình, khi trích dẫn thơ văn là qua trí nhớ, bao giờ tôi cũng kiểm tra lại, lấy sách để đối chiếu, nên không bị sai sót. Nhưng gần đây, trong một bài viết trên báo “Văn nghệ Công an”, do chủ quan, và do công việc bận mà tôi đã không kiểm tra lại, để lỗi khi trích dẫn một câu thơ của thi sĩ Nguyễn Khuyến. Mấy tuần sau khi báo phát hành, tôi nhận được thư của một độc giả, ông Nguyễn Viên ở số 3, ngõ 35 Kim Đồng, T21 K11 Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, chép lại cho tôi nguyên văn câu thơ này, với một thái độ khoan hòa, rất có trách nhiệm. Tôi mừng vì bài viết của mình đã có người đọc, tuy hơi thẹn vì một chút chủ quan mà dẫn đến sai sót! Thực sự cảm ơn ông Nguyễn Viên, một người yêu văn chương và quý mến các nhà văn mà đã để tâm đọc và góp ý cho tôi. Từ đó, tôi đã rút ra được một bài học sâu sắc về tự nâng cao trách nhiệm của ngòi bút trước sự yêu quý của bạn đọc.

Vẫn biết ở đời, không ai, không sự việc nào toàn vẹn cả. Nhưng sự chủ quan dễ dẫn đến sai sót. Mà sai một ly đi một dặm. Đó là bài học cho tất cả mọi người.

ĐINH QUANG TỐN
Theo Tinh Hoa Việt


Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Hội Nhà văn Thụy Điển hỗ trợ hội viên của mình như thế nào?

Thụy Điển là một trong những nước Bắc Âu có nền văn học phát triển. Trong rất nhiều nguyên nhân của sự phát triển ấy, có thể kể đến sự giúp đỡ thiết thực và hiệu quả của Hội Nhà văn Thụy Điển đối với các nhà văn, dịch giả. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nữ văn sĩ Nga Elizaveta Aleksandrova - Zorina, chuyên gia văn học Thụy Điển về cơ chế và các hình thức giúp đỡ nhà văn ở Thụy Điển hiện nay.

Khác với nhiều hội sáng tác văn học trên thế giới, Hội Nhà văn Thụy Điển trước hết giống như một tổ chức công đoàn. Hội phí là 1700 krona mỗi năm (khoảng 170 euro), nhưng nó mang lại không ít lợi ích, đồng thời các nhà văn trẻ và các nhà xuất bản tư nhân được hỗ trợ miễn phí khi họ cần tư vấn về nghề nghiệp. Hội giúp các nhà văn tìm kiếm nhà xuất bản cho các cuốn sách của mình và ký hợp đồng với những điều kiện có lợi cho các tác giả.

Hội bảo vệ các nhà văn vì những lý do nào đó bị truy nã hoặc phân biệt đối xử (điều này rất cấp thiết bởi mỗi năm ở Thụy Điển có 1/3 số nhà văn trở thành đối tượng bạo hành hay bị đe dọa, chủ yếu từ bọn theo chủ nghĩa dân tộc bản xứ), vì vậy trong biên chế của Hội có các luật sư và và chuyên gia kinh tế. Ở đây người ta thường xuyên tổ chức các khóa học, các bài giảng về những đề tài khác nhau, cấp kinh phí, cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ với độc giả và các cuộc hội nghị với các đồng nghiệp nước ngoài. Hội ủng hộ không chỉ nền văn học Thụy Điển, mà cả văn học dân tộc Sami, vì vậy ở miền bắc của đất nước, nơi người Sami sinh sống, người ta tổ chức các khóa dạy viết văn và những cuộc thi sáng tác văn học riêng.
Chuyên gia văn học Thụy Điển Aleksandrova - Zorina.

Đặc biệt thú vị là mô hình cho phép một số nhà văn thu nhập thêm từ sách, số nhà văn khác sử dụng tài trợ của Hội. Nó được xây dựng với sự trợ giúp của hệ thống thư viện và sự ủng hộ của Chính phủ Thụy Điển. Nếu như ở nước Nga, khi một cuốn sách của nhà văn rơi vào thư viện, tác giả của nó không được hưởng gì, thì ở Thụy Điển với mỗi cuốn sách được mượn ở thư viện, Bộ Văn hóa trả cho tác giả 15 erocent.


Nhân tiện xin nói, trung bình mỗi người Thụy Điển mượn ở thư viện 10-12 cuốn sách, còn trẻ em Thụy Điển: 50-60 cuốn. Tổng số sách cho mượn lên tới khoảng 100 triệu cuốn/năm, số tiền phải trả cho nhà văn là 150 triệu krona mỗi năm. Nhưng không phải tất cả số tiền này đều dành cho các nhà văn có sách được độc giả thư viện đọc nhiều. Khi đạt tới một số lượng nhất định, tác giả không được nhận thêm nữa, và số tiền này được chuyển vào Quỹ Nhà văn Thụy Điển.

Ngược lại, nếu số tiền nhà văn được lĩnh quá ít, thì nó cũng được chuyển luôn vào quỹ, chứ không phải cho tác giả. Quỹ thu được gần một nửa của 150 triệu này và số tiền đó được dành ủng hộ văn học phi thương mại. Cần phải nói rằng cái cơ chế dựa trên sự đoàn kết của Hội này được tất cả các nhà văn ủng hộ, từ các nhà văn trẻ đến các nhà văn thành công về thương mại.

Từ quỹ này, các nhà văn và dịch giả nhận được tài trợ thông thường, còn các hội viên Hội Nhà văn vừa nhận được tài trợ vừa được dự các trại sáng tác ở Thụy Điển hay Hy Lạp. Tiền tài trợ bao gồm 1 năm, 2 năm và 5 năm. Số tiền tài trợ không lớn lắm, 100.000 krona mỗi năm (10.000 euro), nhưng đủ để nhà văn không bận tâm về làm thêm, hoàn toàn tập trung vào công việc sáng tác và viết những gì mình thích thú. Khác với các nhà văn nhận tài trợ 5 năm, các nhà văn nhận tài trợ 1 năm và 2 năm không phải đóng thuế.

Tất cả mọi người đều hiểu rằng cần phải phân phối tài trợ một cách trung thực và vô tư. Vì vậy các thành viên Ủy ban tài trợ thường xuyên thay đổi. Nếu ai đó trong số những người ra quyết định phát hiện trong danh sách các ứng cử viên có người quen của mình thì anh ta ngay lập tức rời khỏi phòng hội nghị. Nói chung, toàn bộ hệ thống được xây dựng từ các cấp riêng biệt và không phụ thuộc lẫn nhau (Hội Nhà văn, Quỹ Nhà văn, Ủy ban Tài trợ, Trung tâm Văn bút) đều nhằm mục đích bảo đảm tính khách quan và sự minh bạch, đồng thời không để xảy ra tham nhũng và tư tưởng gia đình chủ nghĩa.

Mỗi năm, Ủy ban Tài trợ nhận được từ 1.000 đến 1.500 đơn xin tài trợ, trong số đó có 300 người được chọn. Điều thú vị là để nhận được tài trợ này không nhất thiết phải là hội viên Hội Nhà văn Thụy Điển. Tiêu chuẩn duy nhất, quan trọng để tham gia chương trình này là có sách ở các thư viện. Cơ chế trả tiền đọc sách ở thư viện đang bắt đầu được áp dụng tại các nước khác, ví dụ, ở Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Anh và Pháp, vì đây là một hình thức ủng hộ văn học đương đại có hiệu quả.

 Thụy Điển có nhiều giải thưởng văn học, nhưng một trong số đó, giải thưởng Vi (“Chúng ta”) rất đáng được chú ý. Giải thưởng này trao cho các nhà văn đã viết từ 2 đến 5 cuốn sách, nghĩa là không phải nhà văn mới sáng tác, nhưng cũng không phải là nhà văn lớn. Ban giám khảo đọc tất cả các cuốn tiểu thuyết do các tác giả viết để theo dõi sự phát triển của nhà văn từ cuốn sách này đến cuốn sách khác.

Các nhà văn ngoại quốc cũng không bị bỏ quên. Thụy Điển có hai trại sáng tác văn học mà các tác giả từ những nước khác nhau có thể tham dự. Trại thứ nhất nằm ở thành phố Visby trên đảo Gotland, được Hội Nhà văn Thụy Điển xây dựng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Hằng năm, có gần 200 người đến đây, 85% trong đó là cư dân khu vực Bancăng (kể cả người Nga), 20% là người Thụy Điển, đôi khi thậm chí ở đây xuất hiện các tác giả từ Ấn Độ hay Australia.

Trại gồm hai ngôi nhà tọa lạc tại trung tâm thành phố Visby. Nhà thứ  nhất có 18 phòng dành cho các nhà văn (11 người), nhà thứ hai gồm thư viện, hội trường, một phòng làm việc lớn có dương cầm, lò sưởi và ghế bành. Nhà văn có thể đến đây để sửa bản thảo hay bản dịch, giao lưu với các đồng nghiệp nước ngoài và các dịch giả hoặc thậm chí tìm kiếm cơ hội để xuất bản sách ở nước ngoài. Đơn xin tham dự trại sáng tác được xem xét gần hai tháng, còn sống ở đấy có thể từ 2 đến 5 tuần. Nếu vé và sinh hoạt ở đảo Gotland quá đắt đỏ (trên thực tế là như vậy) thì có thể nhận được sự giúp đỡ tài chính tại một trong những trung tâm văn hóa Thụy Điển.

Trại sáng tác thứ hai vừa mới được thành lập gần đây trong khu nhà của đạo diễn điện ảnh và sân khấu nổi tiếng của Thụy Điển Ingmar Bergman trên đảo Faro, nơi ông sống từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cư dân đảo chỉ vỏn vẹn 500 người, bạn có thể tới đó bằng phà từ đảo Gotland. Sau khi Bergman qua đời, số phận lãnh địa này (ngoài ngôi nhà tự xây, đạo diễn còn mua 6 ngôi nhà cho 9 người con của mình) một thời gian dài không được ai biết đến.

Con gái ông, Liv Ullmann, mơ ước xây ở đây một trung tâm văn hóa để ủng hộ các tài năng trẻ, nhưng Chính phủ Thụy Điển không muốn tài trợ cho dự án này, và toàn bộ gia tài được đưa ra bán đấu giá. Tỷ phú Na Uy Hans Gudesen đã mua tất cả các ngôi nhà, đất, đồ gỗ và thậm chí xe cộ của đạo diễn, ông đã làm cái điều mà Chính phủ Thụy Điển không muốn làm - thành lập Quỹ mang tên Bergman và tổ chức trại sáng tác dành cho các nhà văn, đạo diễn và nhạc sĩ.

Ở đây có thể sống hoàn toàn miễn phí, và các nhà văn nước ngoài cũng được chờ đợi ở đây. Chỉ có điều, khác với trại sáng tác ở Visby hoạt động quanh năm, trại sáng tác trên đảo Faro chỉ đón khách từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Mỗi vị khách được sử dụng một ngôi nhà hay nửa ngôi nhà, có thể mang theo vợ con hoặc đồng nghiệp tới đây, còn toà biệt thự của Bergman chỉ dành cho các vị khách sử dụng từ 9 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. Ở đó bạn có thể sử dụng bếp, phòng chiếu phim với bộ sưu tập phim rất phong phú do chính đạo diễn sưu tầm, bạn cũng có thể đi dạo xung quanh ngôi nhà, ngồi trên những chiếc ghế bành của Bergman và đọc những dòng lưu bút trên cánh cửa, trên bàn và sàn nhà.

Trước đây, thư viện của Bergman cũng được mở cửa tự do, nhưng vì sách bị mất (nhiều cuốn có bút tích của những nhân vật nổi tiếng, nhiều cuốn là những ấn phẩm quý, thư viện được định giá 11 triệu krona), nên thư viện đã bị đóng cửa. Hiện nay chỉ những người có yêu cầu riêng mới được vào thư viện và đọc dưới sự giám sát của nhân viên bảo vệ.

Hội Nhà văn Thụy Điển không chỉ giới hạn hoạt động ở Thụy Điển, nó hợp tác rộng rãi với tất cả các nước châu Âu, thậm chí ngoài châu Âu. Chính vì vậy người ta tổ chức các trại sáng tác dành cho nhà văn. Một trong những chủ đề chính luôn luôn mang tính thời sự là tự do ngôn luận. Các nhà văn và dịch giả Thụy Điển cho rằng chế độ kiểm duyệt tại các nước láng giềng cũng gây nguy hiểm đối với tự do ngôn luận ở Thụy Điển.

TRẦN HẬU (dịch)
Theo VNCA

TIN VĂN KHÁC:

·         Tỉnh say Nguyễn Khuyến!
·         Khoảnh khắc Đào An Duyên
·         Nhà văn làm nghề gì?
·         Nỗi oan của môn Văn


Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Đại thi hào Nga Aleksandr Puskin: Hạnh phúc không bình ổn

Tình yêu có lẽ đã là một trong những chủ đề chính yếu trong các tác phẩm của “mặt trời thi ca Nga” Aleksandr Puskin (1799-1837), song hành và hòa quyện với nhà thơ suốt cả cuộc đời và sáng tạo. Các nhà nghiên cứu lịch sử và văn học Nga đánh giá Puskin là một người đàn ông đào hoa và nồng nhiệt, dường như không phút nào trong trái tim ông thiếu vắng ngọn lửa yêu đương. Những cảm xúc yêu đương đối với trái tim ông cần thiết như không khí.
Aleksandr Puskin và Natalia Goncharova

Những mơ mộng thanh xuân

Trong cuộc sống của đại thi hào Nga, phụ nữ chiếm một vị trí vô cùng to lớn. Nhà thơ tiếp nhận mỗi một cơn si tình của mình như một tình yêu duy nhất có thể có được trong đời, say đắm, trăn trở, đớn đau, viết thơ dâng tặng ý trung nhân rồi – như vẫn thường xuyên xảy ra – bỗng dưng cụt hứng và nguội lạnh tức thì… Năm 1829, trong tập album kỷ niệm của chị em nhà Ushakov, Puskin đã ghi lại danh sách hài hước những mỹ nhân mà ông từng si mê trong những khoảnh khắc khác nhau của cuộc đời mình, trong đó có 37 cái tên (nên nhớ rằng Puskin đã mất vì đấu súng năm 38 tuổi!). Cho tới hôm nay vẫn lưu truyền một lời thổ lộ của Puskin trong lá thư gửi mỹ nhân V.F. Vyazemskaya năm 1830: “Hôn lễ của tôi với Natalia (và cũng phải rằng đó là tình yêu thứ 130 của tôi) đã được quyết định”.

Các tài liệu để lại cho biết, mối tình đầu của Puskin là Yekaterina Pavlovna Bakunina (1795-1869), chị gái của một người bạn học trong trường Lyceum Hoàng gia với Puskin. Yekaterina là con gái của một cận thần của Sa hoàng, có thời gian từng được giao quản lý Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Chính bà đã là cảm hứng để đại thi hào Nga từ năm 1815 tới 1825 viết ra nhiều tuyệt tác lãng mạn…

Sau khi tốt nghiệm Lyceum Hoàng gia năm 1817, Puskin đã phải lòng đắm đuối Evdokia Ivanovna Golitsyna (1780-1850), người phụ nữ hơn đại thi hào tới 20 tuổi. Năm 1816, trở về từ châu Âu, nữ công tước đã mở một salon văn học tại St. Peterburg, thu hút rất đông tao nhân mặc khách ở “kinh đô phương Bắc”. Thiên hạ gọi là “nữ hoàng bóng đêm” vì bà có thói quen chỉ tiếp khách tới salon sau 10 giờ đêm. Puskin với tư cách một tài năng trẻ đã tìm tới salon của nữ công tước Golitsyna và mau chóng bị bà chủ hớp hồn. Nữ công tước đã không thể nào không để ý tới người hâm mộ tài hoa và trẻ trung này. Bà đã tiếp nhận tình yêu của Puskin với một thái độ hơi hờ hững và bình thản quen thuộc của mình. Nikolai Karamzin (1766-1826) đã viết về về dục vọng cháy bỏng này của đại thi hào: “Nhà thơ Puskin của chúng ta đã đã chết mê chết mệt Pifia Golitsyna và hiện nay tối nào cũng tới nhà của bà: nói dối vì yêu, giận dữ vì yêu, chỉ chưa viết thơ vì yêu thôi”…

Năm 1820, khi bị Sa hoàng đày xuống phương Nam, Puskin đã phải lòng Maria (1804 hoặc 1805-1863), con gái của tướng Nikolai Rayevsky, người sau này sẽ là phu nhân của công tước Sergei Volkonsky. Về sau, Puskin đã tặng mỹ nhân này nhiều bài thơ nổi tiếng, như “Trên những quả đồi Gruzia sương phủ”, “Đài phun nước ở Bakhtsisarai”… Các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, Puskin cũng đã tặng Maria (Rayevskaya) Volkonskaya trường ca “Poltava” vì rất khâm phục việc bà từng theo người chồng đã bị Sa hoàng kết án lưu đày 20 năm đi tới Siberi…

Trong những năm 1823-1824, Puskin đã phải lòng mê mệt Yelizaveta Ksavelievna Vorontsova (1792-1880), cô con gái út của nhà tài phiệt người Ba Lan Ksaveri Bagnitsky, cháu gái của bá tước Potemkim. Nếu tin theo những bài thơ của Puskin thì dường như nhà thơ đã được yêu đáp lại… Yelizaveta Vorontsova đã tặng Puskin bức chân dung trong khung vàng của mình và một chiếc nhẫn làm bùa hộ mệnh, cuối đời Puskin vẫn luôn mang theo mình. Trong rất nhiều năm, đại thi hào đã vẽ chân dung Vorontsova bên lề các trang bản thảo thơ của mình. Varontsova cho tới cuối cuộc đời dài lâu của mình vẫn ghi nhớ những kỷ niệm ấm áp về Puskin và hàng ngày đọc đi đọc lại các tác phẩm của ông…

Thơ hay nhưng tình không đậm

Năm 1825, Puskin đã tặng bài thơ tình nổi tiếng “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu cho Anna Petrovna Kern (1800-1879). Anna sinh ra ở Oriol, họ thời con gái của bà là Poltoratskaya, cha là một nhà quý tộc, từng có nhiều mối quan hệ với cung đình. Ông nội bà từng chỉ huy dàn hợp xướng cung đình từ thời nữ hoàng Elizavet, ông ngoại từng là thống đốc tỉnh Oriol …

Thuở nhỏ, Anna sống cùng cha mẹ trong các điền trang do ông ngoại để lại ở thành phố Oriol rồi thành phố Dubny thuộc tỉnh Poltava. Đoạn đời đầu tiên của Anna cũng giống như rất nhiều mỹ nữ quý tộc ở nước Nga phong kiến. Chớm bước vào tuổi thanh xuân, bà đã được gả cho một người ở cỡ tuổi như cha bà, ông tướng Ermolai Kern, xuất thân từ một dòng họ quý tộc gốc mãi bên Anh quốc. Khi ấy, Anna mới 17 tuổi, còn tướng quân Ermolai đã 52 tuổi. Cuộc hôn nhân “lệch đũa” theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đã khiến bà ngay từ đầu đã ác cảm với chồng. Anna ghi trong nhật ký: “Không thể nào yêu ông ấy được – tôi còn không được diễm phúc để có thể tôn trọng ông ấy nữa – tôi gần như là căm thù ông ấy”. Không yêu chồng nên bà cũng cảm thấy nhạt nhẽo với chính các cô con gái mà bà sinh ra với chồng. Hai công nương của gia đình tướng Ermolai Kern vì thế đều được gửi vào trường học nội trú trong Điện Smolnyi ngay từ tấm bé.

Năm 1819, hai năm sau khi xuất giá tòng phu, lần đầu tiên gia đình Kern lên chơi kinh đô Peterburg và ở tại nhà một bà dì của Anna. Tại đây, lần đầu tiên “thiên thần sắc đẹp trắng trong” được nhìn thấy một thanh niên vóc người nhỏ nhắn, trông khá kỳ dị, mà thiên hạ đồn rằng làm thơ rất hay. Khi đó, Anna chưa có ấn tượng đặc biệt gì về Puskin. Ở thời đó, tại nước Nga cũng có phong trào người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Hơn nữa, ngoại hình không mấy trang nhã của Puskin khiến thi nhân ngay từ đầu đã không được mỹ nhân ưa thích. Chỉ vài năm sau đó, khi thiếu phụ Anna bùng cháy cảm xúc yêu đương với điền chủ Rodziakov, người cũng tràn trề thi hứng nên đã giới thiệu với bà những bài thơ của Puskin, thì Anna mới bắt đầu để ý tới “vầng mặt trời thi ca Nga”. Và rồi số phận đã giúp cho bà gặp lại Puskin.

Tháng 6/1825, trên đường tới Riga (nay là thủ đô Latvia), Anna Kern rẽ vào thăm trang trại của bà dì Prasovia Osipova tại làng Trigorskoye thuộc tỉnh Pskov. Lúc này, Puskin đang chịu cảnh lưu đày ở gần khu trang trại đó và thi nhân cũng là người khách thường xuyên của gia tộc Osipov trong những cuộc vui đầy lãng mạn cùng giới trẻ. Anna đã ở đó ba tuần. Vừa gặp mỹ nhân, Puskin, với bản tính dễ yêu truyền thống của các thi nhân, đã phải lòng ngay. Và tuyệt tác “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu”… ra đời.

Thế nhưng, có lẽ trong đời thực Anna đã không chỉ làm thi nhân xúc động bởi cảm giác yêu đương ngây ngất như trong thơ mà còn làm Puskin “khó ở” bởi sự giăng hoa “vốn sẵn tính giời” của bà. Đến mức, hai ngày sau khi Anna đã rời khỏi Trigorskoye, Puskin đã viết trong thư gửi cho một người bạn: “Đêm nào tôi cũng đi ra vườn và thì thào: nàng đã từng ở chính nơi này – viên đá mà nàng vấp chân phải giờ đang được đặt trên bàn tôi cạnh cành hướng nhật quỳ đã héo, tôi đang viết rất nhiều thơ – mọi sự, nếu bạn muốn nghĩ thì có thể cho là tình yêu, nhưng tôi thề là không phải thế. Nếu tôi yêu thực hẳn hôm chủ nhật vừa rồi tôi đã phát rồ lên vì ghen tuông, nhưng thực ra tôi chỉ cảm thấy ngán ngẩm”…

Còn trong lá thư gửi cho chính Anna Kern vào giữa tháng 8-1825 (chưa đầy hai tháng sau), Puskin đã nặng lời châm biếm: “Ta đọc đi đọc lại lá thư của nàng và thốt lên: Yêu thương ơi! Tuyệt vời ơi! Thiên thần ơi!.. Nhưng rồi lại nói: Tệ quá! Xin lỗi nhé, người dịu dàng tuyệt vời ơi! Không có gì hoài nghi về việc nàng là thiên thần nhưng có điều đôi khi nàng lại không đủ tỉnh táo… Nàng nghĩ rằng tôi không hiểu tính cách của nàng. Nhưng tôi thì cần gì mà phải quan tâm đến nó, tôi cần gì đến nó – chẳng lẽ những thiếu phụ đẹp lại cần phải có tính cách? Quan trọng nhất là môi là mắt, là chân là tay”… Có lẽ nàng đã phải rất cay đắng khi đọc những dòng như thế từ người đã nâng nàng lên đỉnh cao mơ mộng bằng tuyệt tác “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu”… Không ngẫu nhiên mà sau này chính Anna Kern đã phải tâm sự: “Tôi nghĩ rằng thực sự Puskin chỉ yêu có hai người phụ nữ: đó là nhũ mẫu và nàng thơ của ông”. Tuy thế, giữa hai người vẫn duy trì được những mối liên hệ qua thư từ. Puskin đã viết gửi Anna những dòng đùa vui: “Vĩnh biệt nhé, thiên thần. Tôi hóa dại gục dưới chân em đó”… Rồi thi nhân còn hỏi đùa Anna: “Thế bệnh thống phong của chồng nàng ra sao rồi?”. Và thi nhân cũng đùa cợt khuyên người đẹp nên bỏ phu quân đã ngán để đi theo tình nhân của các nàng thơ…
Anna Kern

Cuối cùng vẫn phải hôn nhân

Tháng 5/1827, Puskin trở về St. Peterburg. Và đại thi hào đã phải lòng say đắm Anna Alekseyevna Olenina (1807-1888), con gái của Chủ tịch Viện Hàn lâm Mỹ thuật St. Peterburg, Aleksei Nikolaievich Olenin (1763-1843). Thậm chí Pusksin đã ngỏ lời cầu hôn với gia đình Olenin nhưng đã bị từ chối vì mỹ nữ Anna coi ông không phải là “một món hời”! Tuy nhiên, đại thi hào đã không lấy đó làm điều và năm 1829 đã tặng cho Anna Olenina một tuyệt tác: “Tôi yêu em đến nay chừng có thể”…

Tháng 12/1828, Puskin gặp Natalia Goncharova, người mà đại thi hào sẽ lấy làm vợ. Về sau, Puskin đã viết về cuộc gặp ấy như sau: “Khi tôi nhìn thấy nàng lần đầu tiên, tôi đã yêu nàng ngay và tôi đã cảm thấy chóng mặt”…

Natalia Goncharova sinh vào tháng 8-1812 tại điền trang Karia thuộc tỉnh Tambov, nơi gia đình nàng sơ tán về từ Moskva vì cuộc xâm lăng Nga của hoàng đế Pháp Napoleon. Mẹ nàng, cũng nổi tiếng là một tuyệt thế giai nhân, từng làm thị nữ trong triều. Cha nàng là con của một chủ nhà máy dệt vải phíp tại tỉnh Kaluga…

Natalia là người con thứ sáu trong gia đình, còn bé, được ông nội yêu chiều, điền trang mênh mông với nhiều hồ nước có thiên nga bơi lội, những con búp bê sang trọng và những bộ y phục được ông nội đặt may từ Paris. Chính ông nội đã rất không hài lòng khi cha mẹ đưa nàng lên Moskva ở phố Bolshaya Nikintinskaya mỗi mùa đông… Thế nhưng, nếu ông nội hiền từ và dễ tính bao nhiêu thì người mẹ của mỹ nhân lại càng nghiêm khắc bấy nhiêu. Bà là người có tính quyết đoán và độc tài. Khi những người xung quanh trầm trồ trước vẻ đẹp và sự hoàn hảo đầy chất cổ điển trên gương mặt xinh xắn của cô con gái mới lên 8 tuổi, bà chỉ làu bàu: “Con bé nó quá lành, không bao giờ làm gì sai quấy cả. Xưa nay, hồ nước càng lặng càng dễ có ma”… Bà mẹ hay tét các cô con gái, hay bé xé ra to và có lần giận dữ đã đập vỡ cả con búp bê bằng sứ mà ông nội đã mua từ Paris về cho Natalia. Cô bé ngoan lành không dám tỏ ra đau đớn… Đôi mắt cô rất hay trào lệ nhưng trong nhà, mẹ luôn cấm các con khóc, khác đi sẽ bị phạt nặng. Người mẹ duy trì một chế độ giáo dục rất nghiệt ngã với các cô con gái vốn không thế thì cũng đã rất sợ bà rồi.

Sống bên cạnh người cha cũng không phải là việc dễ chịu. Do một lần bị ngã ngựa nên ông đã bị suy giảm trí nhớ và chỉ trong những khoảnh khắc hiếm hoi mới lại tỏ ra tốt bụng, vui tính, như trước khi gặp nạn.

Tất cả những sự việc trên không thể không gây ảnh hưởng tới tính cách của Natalia. Nàng trở nên kiệm lời, thu mình lại và “quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật”. Sau này, những nét tính cách đó của Natalia Goncharova bị giới thượng lưu đánh giá là dấu hiệu của sự “thiển cận”. Thực ra, tất cả những người con trong gia đình Goncharov đều được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo.

Gia đình Goncharov rất yêu thơ Puskin, thuộc lòng nhiều bài của chàng, thậm chí còn chép cả thơ chàng vào các tập album. Thế nhưng, có lẽ thời thơ ấu, Natalia không bao giờ nghĩ rằng, khi lớn lên, nàng lại gắn bó số phận mình với Puskin một cách chặt chẽ và bi thiết đến thế…

Ở tuổi 15, Natalia Goncharova đã được coi như là đệ nhất mỹ nhân tại các dạ hội thượng lưu ở Moskva. Nàng xuất hiện ở đâu cũng có vô số những trang nam tử hâm mộ tụ quanh.

Nàng gặp Puskin lần đầu tại vũ hội tổ chức tại nhà vũ sư Yogel trên đại lộ Tviorsky mùa đông năm 1828, khi đó, nàng mới 16 tuổi, còn Puskin đã ở tuổi 29. Đối với thời đó, nàng là một thiếu nữ có vóc dáng khá cao – 1,77 m (Puskin thấp hơn nàng 9 cm), ngực tròn căng, thắt đáy lưng ong, da mướt như nhung, tóc bồng như lụa. Là một tuyệt đỉnh thi sĩ, luôn được các mỹ nhân các lứa tuổi mến mộ, si mê, lần đầu tiên Puskin cảm thấy tim đập mạnh, chân run rẩy khi nhìn thấy Natalia. Và nhà thơ nhờ người mai mối để cầu hôn. Tuy nhiên, Puskin đã bị gia đình nàng từ chối. Bà mẹ vợ tương lai không thích những tai tiếng của nhà thơ trên tình trường và sự thiếu tin cậy về mặt chính trị trong quan điểm của Puskin đối với triều đình. Natalia viết thư cho người ông nội yêu kính: “Cháu rất buồn khi biết những nhận xét không hay ho về anh ấy mà mọi người đã nói với ông và cháu xin ông hãy vì tình yêu dành cho cháu không nên tin vào những nhận xét ấy, vì đó không phải cái gì khác ngoài sự vu cáo thấp kém”.

Đau buồn vì bị cự tuyệt, Puskin tìm quên lãng bằng cách đi về xứ Cápcadơ. Và như một thi nhân đích thực, đã yêu thì rất hết lòng, ông đã viết tặng Natalia Goncharova nhiều tuyệt phẩm thi ca, như “Đức mẹ”, “Chàng và ông”… Để tăng thêm uy tín trước ông bà nhạc tương lai, nhà thơ cũng đã cố gắng cải thiện tình hình tài chính của mình. Và tới đầu mùa xuân năm 1830, Puskin bất ngờ qua một người quen tới từ Moskva nhận được lời chào từ gia đình Goncharov. Nhìn thấy trong đó lời mời kín đáo quay trở lại, Puskin đã về Moskva như bay trên đôi cánh của thiên thần tình yêu. Và ngay lập tức nhà thơ lại thêm một lần ngỏ lời cầu hôn và đã được chấp thuận. Lễ thành hôn của đôi uyên ương đã được cử hành ngày 18-2-1831 tại nhà thờ Phục sinh ở phố Bolshaia Nikitinskaya. Thật tiếc là trong buổi lễ này, Puskin đã không may vướng phải cái bục để cây thánh giá và tập Kinh Thánh, làm chúng rơi xuống đất. Khi cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau, một cái nhẫn đã bị rớt xuống đất. Và khi buổi lễ chưa kết thúc, cây nến thành hôn đã bị tắt… Puskin đã tái mặt đi và thốt lên: “Thôi rồi, toàn những điềm gở!”

Dù sao thì nhà thơ cũng đã vô cùng hạnh phúc khi đưa về nhà (lần đầu tiên ông được có nhà riêng) một người vợ trẻ xinh như mộng. Không lâu sau đám cưới, Puskin đã viết: “Tôi đã là người đàn ông có gia đình và hạnh phúc, tôi chỉ ước mơ rằng trong cuộc đời tôi sẽ không có gì thay đổi nữa vì không thể nào mơ ước được điều gì tuyệt vời hơn”. Trong giai đoạn đầu của cuộc sống vợ chồng, hai người đã cực kỳ hạnh phúc cùng nhau, dù đôi lúc cũng phải chịu cảnh túng thiếu. Bốn đứa con đã được lần lượt sinh ra… Mùa thu năm 1833, gia đình Puskin chuyển về St. Peterburg sống. Tình trạng liên tục có mang của Natalia cũng không cản trở nhiều những sinh hoạt thượng lưu nhộn nhịp. Nhờ chồng được phong một chức danh nhỏ trong cung đình năm 1834 mà Natalia được tiếp cận với hoàng gia. Điều này đã khiến nàng cảm thấy mãn nguyện hơn, bù đắp cho những cấn cá rụt rè nảy sinh từ khi nàng còn phải sống với cha mẹ mình. Nàng cũng cảm thấy hãnh diện khi ngay cả Sa hoàng Nikolai I cũng tỏ ra say mê nhan sắc của nàng…

Không thể nói rằng Puskin thích thú với những niềm vui mới của vợ mình. Ông đã muốn về quê ở để có thể sáng tác tốt hơn, nhưng thật khó làm việc này. Nếu vợ của thi nhân không có mặt tại buổi vũ hội của Sa Hoàng, chồng nàng ngay lập tức sẽ bị khiển trách nặng nề. Nhan sắc cũng như những cử chỉ làm duyên trước những người hâm mộ mà Natalia không bao giờ coi là điều quá đáng đã làm dấy lên những đồn đại. Puskin đã nhận được vô số những lá thư nặc danh “kể tội” vợ ông này nọ trăng hoa. Tuy nhiên, thi nhân vẫn yêu vợ mình hết mực. Trong con mắt của Puskin, Natalia vẫn luôn là biểu tượng của sự thuần khiết tột cùng nên ông không bao giờ muốn nghĩ điều gì đó xấu về nàng, dù thiên hạ có nói ngả nói nghiêng bao nhiêu đi nữa.

Cũng phải nói rằng, dù rất thích các sinh hoạt thượng lưu, Natalia vẫn là một người vợ tận tụy với chồng con, luôn cố gắng giúp đỡ nhà thơ trong mọi việc.

Năm 1834, tình cờ trong một vũ hội, Natalia gặp viên sĩ quan kị binh người Pháp 22 tuổi Georges d’Anthes. Những săn đón lịch lãm và nhiệt tình của d’Anthes đã khiến nàng có phần hãnh diện và nàng trung thực kể lại chuyện này với chồng. Thực ra, không phải lúc nào cũng thích thú với những săn đón đó, thậm chí nàng còn có lúc cảm thấy khó chịu khi d’Anthes cứ sấn sổ tới gần nàng… Nhìn chung, nàng chỉ đơn giản coi đó là một trò chơi thượng lưu nên không quá nặng lòng với nó. Thế nhưng, miệng lưỡi thiên hạ trong chốn thượng lưu cực kỳ nghiệt ngã. Ngày 4/11/1836, nhà thơ nhận được qua đường bưu điện một lá thư nặc danh có nội dung vu cáo, xúc phạm tới danh dự của ông và Natalia, cho rằng ông đã bị vợ cắm sừng. Chuyện gì xảy ra tiếp theo, mọi người đều rõ. Không còn chỗ để lùi, Puskin đã thách đấu súng với d’Anthes. Nam tước Heeckeren (cha nuôi của d’Anthes) đã cố gắng để làm lui lại thời hạn đấu súng và Puskin thoạt tiên cũng đồng ý như vậy. Thế rồi lại có tin d’Anthes định cưới chị gái của Natalia là Ekaterina Goncharova làm vợ. Puskin cho rằng, d’Anthes muốn lảng tránh đấu súng nên đã không nhượng bộ nữa.

Ngày 27/1/1837, trên dòng Sông Đen, Puskin đã bị d’Anthes bắn trọng thương. Phút lâm chung, ông đã viết cho người vợ đang bấn loạn vì đau khổ: “Anh hạnh phúc làm sao. Anh còn sống và em đang ở gần bên anh. Em hãy bình tâm. Em không có lỗi. Anh biết rằng em không có lỗi”.
Sau khi Puskin qua đời, người góa phụ ở tuổi 24 đã sống quằn quại trong tuyệt vọng, gày đi, xanh xao đi. Ánh mắt từng rạng ngời của nàng đã trở nên mờ đục. Nàng cứ mặc hoài những bộ váy áo đen tuyền. Nàng tập hợp toàn bộ các cuốn sách của chồng nhưng không thể nào đọc chúng: “Đọc anh ấy cũng giống như nghe thấy giọng nói của anh ấy, thực nặng nề”…

Natalia đã về quê ở hai năm liền theo đúng lời trăng trối của chồng: “Em hãy về quê. Hãy để tang anh hai năm rồi đi bước nữa, nhưng phải lấy một người đàn ông lương thiện”. Hết tang, Natalia quay trở lại St. Peterburg, nhưng hoàn toàn từ bỏ các sinh hoạt thượng lưu. Hàng năm, cứ đầu tháng giêng, tháng ra đi của chồng nàng, Natalia lại tự cách ly mình, ăn kiêng để hồi tưởng lại quá khứ.

Năm 1843, Natalia được giới thiệu làm quen với một người bạn của anh trai mình, tướng độc thân Lanskoi, 45 tuổi. Tới ngày 16/7/1844 đã diễn ra đám cưới giữa hai người.

Ông Lanskoi coi những người con của vợ đã có với Puskin như con đẻ của chính mình. Ông cũng có thêm với Natalia ba cô con gái nữa… Natalia đã nói về người chồng thứ hai của mình: “Một cái đầu nóng bỏng, một trái tim nhân hậu tột cùng – cũng giống hệt như Puskin”.

Có lần Natalia viết cho chồng: “Thiên chức của em là làm giám đốc trại trẻ. Chúa đã cho em những đứa trẻ từ khắp các bên và điều này không hề làm em cảm thấy phiền nhiễu, niềm vui của lũ trẻ cũng khiến em vui”. Và dẫu sau này nàng lại tham dự các vũ hội nhưng nơi quý giá và thân thương nhất đối với Natalia vẫn là gia đình nàng.

Nàng đã sống như thế cho tới phút trút hơi thở cuối cùng. Mùa thu năm 1863, Natalia bị cảm lạnh trong lễ rửa tội cho cháu. Và ngày 26/11/1863, nàng qua đời vì bị viêm phổi nặng. Trong phút lâm chung, nàng đã thầm thì: “Puskin, anh sẽ sống mãi!” Tuy nhiên, trên tấm bia mộ của nàng chỉ khắc họ Lanskaya của người chồng thứ hai.

Ai biết được, nàng có ngậm cười nơi chín suối hay không…

LÂM NGỌC ANH
Theo Tinh hoa Việt

TIN VĂN KHÁC:

·         Tỉnh say Nguyễn Khuyến!
·         Khoảnh khắc Đào An Duyên
·         Nhà văn làm nghề gì?
·         Nỗi oan của môn Văn




Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Đạo “hòa hiếu” của bậc đại nhân

Hiểu người để ứng xử phù hợp với người, thấu hiểu tâm địa, “đi guốc vào bụng” kẻ thù để chiến thắng kẻ thù. Đó là bài học lịch sử cha ông ta để lại cho hậu thế.

Ở bài viết ngắn này chúng tôi xin chứng minh danh nhân Nguyễn Trãi đã dựng lên một mô hình tính cách “tiểu nhân” của bọn xâm lược nhà Minh qua năm đặc trưng cơ bản: hiếu sát, ngu dốt, tham lam, dối trá, hèn hạ. Năm nét tính cách này tương phản triệt để với năm phẩm chất Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người quân tử. Nguyễn Trãi không chỉ là quan toà công lý vạch tội kẻ thù mà còn là nhà giáo dục lớn chỉ ra những lỗi lầm của đám học trò ranh để chúng hối cải mà tiến bộ.
Chân dung danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Đấu tranh với kẻ thù hiểm ác, trí trá, trắng trợn nên cha ông ta luôn tựa vào những điểm tựa chắc chắn của đạo lý, của chân lý chính nghĩa, điểm tựa của một kiến văn uyên bác thật sự hiếm có, điểm tựa của sự thật lịch sử cũng như sự thật hiển nhiên trong thực tế… Vì thế ta hiểu vì sao mở đầu mỗi lá thư, chiếu, biểu thường có mấy chữ tưởng chừng công thức: “Ta nghe…”; “Ta thường nghe…”; “Cổ nhân nói…”… nhưng chứa đầy sức mạnh của lẽ phải, của sự hiểu biết, của một tấm lòng yêu hòa bình đến vô cùng. Nguyễn Trãi cố ý dùng rất nhiều từ nói về chân lý, đạo lý, chính nghĩa như "Đạo trời, Thánh nhân, đại nhân, cổ nhân, trí giả, nhân giả, nghĩa giả, vương giả, quân tử, bực hào kiệt, đạo chí thành, chí nhân, thành thực"… để đối lập gay gắt làm bật ra bản chất tiểu nhân của đối phương.

Trước hết là tội "hiếu sát". Tội này về sau được Nguyễn Trãi nhấn mạnh trong “Cáo bình Ngô” bất hủ với những hình ảnh mang tính tố cáo “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ”… Đó là tội diệt chủng. Ở đây ông vạch đích danh chân tướng Liễu Thăng “không xét thời trời, không biết việc người, chỉ lấy việc chém giết làm oai…”. Không xét thời trời là bất chấp đạo lý mà ngạo ngược, không biết việc người là bất chấp nhân luân mà tráo trở. Không chỉ thế còn “mạo hiểm tiến quân vào sâu "chuyên việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào”. Kẻ này hiếu sát đến mức mất hết nhân tính để trở thành loài quỷ!

Đó là tội "ngu dốt": “Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao kịp được! Huống chi bây giờ nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc, thế không thể chịu lâu được”.

Lừa dối là ngu, giết hại kẻ vô tội là ngu, hãm người vào chỗ chết là ngu, vì đó là những việc trái với lẽ trời (trời đất không dung), lẽ người (người mà đều giận). Kẻ ngu thì không thể thấu công lý, tình người và đâu có biết đến phận mình, phận người (tự cải quá), càng không phân tích được thời tiết, môi trường (mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc).

Đó là cái ngu không phân biệt được mục đích và phương tiện: “… cái nỏ nặng nghìn cân không vì con chuột nhắt mà nẩy máy…”. “Cái nỏ” dù có nặng nghìn cân cũng chỉ là phương tiện thế mà lại ngắm vào mục đích “con chuột nhắt” thì đúng là quá ngu, như… con vật vậy!

Đó là cái ngu không nhìn thấy quân ta có cả một nền văn hóa đánh giặc giữ nước: “nước An Nam binh tướng thì nhiều, tâm lực đều nhau, chiến khí càng tinh, sĩ khí càng mạnh, kẻ sĩ trí mưu, các tướng vũ dũng, chẳng khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau vậy… Thế mà không hề lấy làm lo, lại còn giương vây nói mẽ, có khác gì nhà đương cháy mà chim én còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng đáng cười lắm sao!”.

Đó là cái ngu của những kẻ kém hiểu biết, đã không biết thời thế lại “tùy tiện”: “Các ông là tướng lão luyện của Thiên triều… Sao không xét rõ thời nghi, tùy tiện sắp việc, lui quân ra ngoài bờ cõi, sai một viên sứ giả mang một lá thư đến đây…”.

Đã không biết đến người (tri bỉ), không biết đến thời (tri thời) lại không biết đến cả mình (tri kỷ) nên thất bại là chắc chắn: “Các mặt trông mong ấy đều đã tuyệt vọng, mà quân nhân mỗi ngày một bị chết, lương thực lại hết thì các ông còn đợi gì mà dùng dằng ở lại không đi chứ? Sao mà xét việc câu nệ, mưu việc không sớm thế? Than ôi, chén nước đã đổ khó mà vét lại được nữa…”.

Nguyễn Trãi đưa ra một tương phản trời vực, một bên là “đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của” một bên là hành động của tội lừa trời dối người. Đi cướp nước người, xét đến cùng cũng là ngu:  “Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư? Nay ở nước mày, dân oán thần giận, kế tiếp đại tang, thế mà không biết tự xét lỗi mình, lại còn cùng binh độc vũ, cam lòng xâm lược phương xa, khiến cho sĩ tốt phơi thây, nhân dân lầm bụi”. Ở đây Nguyễn Trãi vạch cho kẻ thù thấy rõ đối ngoại đã ngu, đối nội cũng ngu nốt, ở chỗ dân tình thì oán giận, lại liên tiếp có đại tang, thế mà vô đạo, vô luân, vô pháp vẫn khởi binh xâm lược!!!

Đó là tội "tham lam" vơ vét, bóc lột tàn ác. Giặc Minh sang xâm lược cướp phá, bóc lột nhưng mồm thì rêu rao “thừa tuyên” tức vâng mệnh Thiên triều “đi tuyên bố giáo hóa, đức hóa của triều đình”. “Kỳ thực”, chúng “chỉ vụ vét vơ”, “chuyên mặt thu lượm, bóc lột lương dân, bắt kiếm ngọc tìm vàng, kiệt chằm trơ núi, đòi hỏi nhặt nhạnh, không sót thứ gì. Muốn tiền của có nhiều, thì đục khoét của dân mà lấp hố dục; muốn nhà cửa cao đẹp, thì cướp việc mùa màng để bắt dựng xây… Quan lại thương dân chúng tuyệt không có ai, mà xem dân như cừu thù”.

Về hình thức, lời văn được tổ chức theo nguyên tắc mỉa mai làm nổi bật chân tướng kẻ nói một đằng làm một nẻo đầy mâu thuẫn. Nói “yên vỗ”, “chăn dân”, “vệ dân” nhưng thực tế, chỉ “chăm bóc lột dân để sung sướng cho mình”.

Đó là tội "lừa dối". “Điếu dân phạt tội” là thương dân mà vâng mệnh trời đánh kẻ có tội để cứu dân. Nhà Minh đã lấy danh nghĩa nhân đạo cao đẹp này để cướp nước ta. Đó là tội lớn nhất, tội lừa dối trời đất, lừa dối đạo lý. Tác phẩm có trên 70 bài viết, dài chưa đầy một trăm trang sách tập hợp những lá thư luận chiến đanh thép nhưng tần số xuất hiện các chữ lừa dối, dối trá, giả dối nhiều tới 36 lần: “…tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành, đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người không tội một mai bị chết”.

Lừa dối để hại người: “Thế là ngài không những lừa dối một mình tôi, lại còn lừa dối cả hơn sáu bảy nghìn người ở vệ sở các thành”. Mang một tội ác man rợ đến cướp một đất nước nhỏ bé yêu hòa bình công lý thì chúng phải có cả một “chiến lược” lừa dối. Nhưng đã phi nghĩa và giả dối thì không thể che mắt được chính nghĩa và sự thật: “…chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác…”.

Kẻ thù có dã tâm như thế thì đương nhiên là kẻ hèn hạ. Chúng được miêu tả bằng ngôn ngữ chỉ hành vi, tính cách của loài vật nhỏ bé, nhút nhát, yếu đuối, như con cá (trên thớt), con chuột (trong xó hang), con bọ ngựa (giơ càng)… Chúng là loài chim, loài thú “chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ”…

Hèn đến mức thà chịu “cái nhục khăn yếm” chứ không dám đương đầu với nghĩa quân “cứ đóng thành bền giữ như mụ già là làm sao? Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy”. “Khăn yếm” dịch thoát từ hai chữ Hán “cân quắc” chỉ đồ trang sức chung của phụ nữ. Trong "Tam quốc" có chi tiết Gia Cát Lượng làm nhục Tư Mã Ý bằng cách sai sứ đưa “cân quắc” đến, tức ví Ý như đàn bà. Trong quan niệm Nho giáo xưa, “đàn bà” thuộc “tiểu nhân” với những gì xấu xa, hèn kém, khó “giáo hóa”… Nguyễn Trãi rất hay ví quân giặc với loài chuột và “đàn bà”: “…không nên ở chúi trong xó hang cùng và bắt chước thái độ mụ già như thế!”.

Tôi cứ hình dung với tập sách này Nguyễn Trãi đã xây ngôi nhà tù cải hoá bằng ngôn từ mang tên BÌNH NGÔ có năm bức tường tính cách tiểu nhân (còn có thể gọi là Ngũ giác ngục) để nhốt bọn Vương Thông, Mộc Thạch, Liễu Thăng… Ngôi nhà này có cửa vào mang tên XÂM LƯỢC, cửa ra có tên HOÀ BÌNH…

Nguyễn Trãi đã thả chúng ra theo đạo HOÀ HIẾU của bậc đại nhân!

NGUYỄN THANH TÚ
Theo VNCA



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...