Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Tỉnh say Nguyễn Khuyến!

Rượu là thi liệu quen thuộc trở thành một thi pháp, một mỹ học trong thơ cổ phương Đông. Với nhà thơ lớn Nguyễn Khuyến (1835-1909) cũng không là ngoại lệ. Nhưng nhiều người hiểu hình tượng rượu và cái say trong thơ ông theo nghĩa đen, cho rằng nhà thơ uống nhiều thật, "say nhè" thật. Bài viết này là một cách hiểu phản biện lại.
Thi sĩ Nguyễn Khuyến (1835-1909).

Là nhà nho thông minh, uyên bác, tuy đỗ Tam nguyên nhưng sống vào thời bất như ý nên Nguyễn Khuyến vướng vào những mâu thuẫn không thể giải quyết. Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn phân hóa sâu sắc chủ chiến và chủ hòa, ông chưa biết đứng về phía nào.

Vẫn nặng tư tưởng trung quân nhưng khí tiết nho sĩ không cho phép làm quan mà nhìn giặc cướp nước, ông đành chọn cách "Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ". Nhưng thời thế nhiễu nhương vẫn đầy "phường xỏ lá", đầy sự xấu xa nên ông làm thơ để mỉa mai giễu đời. Thế nên tiếng cười ấy phải kín đáo, mập mờ, ám chỉ, không trực diện.

Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Khuyến đầy sự oi nồng, ngột ngạt. Tên nhiều bài thơ cũng cho thấy điều ấy: "Mùa thu trời nóng", "Khổ vì nực",… Có nhiều bài viết về cảnh ngày hè bức bối: "Mùa hè năm Nhâm Dần", "Mưa lạnh ngày hè", "Mưa ngày hè", "Ngày hè ngẫu hứng"… Rất nhiều những câu thơ: "Hôm qua nắng dữ, còn bực vì nóng" hay "Hè này nóng bức rất khó chịu" …

Nhưng tiêu biểu nhất là bài thơ nôm "Than mùa hè": "Tháng tư đầu mùa hạ/ Tiết trời thực oi ả/ Tiếng dế kêu thiết tha/ Đàn muỗi bay tơi tả/ Nỗi ấy ngỏ cùng ai/ Cảnh này buồn cả dạ/ Biếng nhắp năm canh chày/ Gà đã sớm giục giã". Sự oi ả ngày hè chỉ là nghĩa bóng còn nghĩa thực, theo lối ám chỉ là thời tiết chính trị hết sức ngột ngạt, vua bất lực, quan lại tham nhũng bất tài, xã hội nhố nhăng, kẻ thù đã hiện hữu...

Thế nên nhà thơ hẳn nhiên là cô đơn. Thường hay xuất hiện hình tượng "độc hạc", con hạc cô đơn ngơ ngác trong thơ ông: "Ban đêm một con hạc độc kêu vang, hình như không biết bay về đâu" (Ngày xuân); "Một con hạc lẻ bay dọc ngang chưa biết đâu là nhà" (Vườn rau). Một đám mây cô đơn: "Đến tuổi già một hình một bóng như đám mây cô đơn" (Gửi cho bạn). Một cánh chim đơn: "Xuân tàn mà chẳng biết/ Một cánh chim bay vượt qua núi phía Tây" (Tức sự)… Cảnh vật cũng đơn chiếc: "Đìu hiu cảnh quạnh" (Núi Lão huyện ta); "mảnh cây thưa thớt" (Vịnh núi An Lão); "một lá về đâu…", những ngôi nhà "bé con con" (Vịnh núi An Lão); một con thuyền ngơ ngác (Nhớ cảnh chùa Đọi); một "chom chỏm trên sông đá một hòn" (Chơi núi Non Nước); một cần trúc, một bóng trăng, mấy chùm hoa trước giậu trong "Thu vịnh"; "một chiếc thuyền câu bé trẻ teo" (Thu điếu)… Trong thơ chữ Hán cũng xuất hiện nhiều tiểu viên, tiểu cảnh với hoa mai, hoa cúc hay nở trái mùa, cây quất bình dị.

Phong cách Nguyễn Khuyến hợp với những gì xa vắng, cô đơn, buồn, thâm trầm, kín đáo, sâu sắc mà tinh tế.

Cáo quan là một sự tránh đời, lánh đời, nhưng chỉ lánh được thân xác còn không thể lánh tình cảm, vì thơ luôn là tiếng nói của tâm trạng. Đọc thơ ông ta vẫn thấy một sự khát khao thay đổi. Ở bài "Than mùa hè" thì câu kết là một sự thay đổi tiết trời, tiếng gà giục giã (Gà đã sớm giục giã) hay một cái gì đó khó nói ra "giục giã". Nhà thơ buồn chán, bất lực nhưng luôn thường trực một khát khao thay đổi, dù mơ hồ: "Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa/ Thử xem trời mãi thế này ư?". Thì ra cái động lực sống của thi nhân là mong muốn một sự khát khao ấy: "Trong bốn mùa gặp lúc khí âm thịnh/ Thì trăm thứ đều phải xếp xó/ Khi nào có mặt trời đỏ hiện ra/ Sẽ thấy gọi đến nhà ngươi" (An ủi cái quạt đỏ). Một tiếng gà báo sáng, một tiếng sấm, một tiếng pháo, một hình ảnh mặt trời, một làn gió xuân… trong thơ Nguyễn Khuyến thường mang tính dự báo về một sự sắp sửa đổi thay, đúng hơn là một khát khao đổi thay.

Đau đời mà không giúp được đời. Yêu vua mà không giúp gì được cho vua. Thậm chí vua lúc này cũng không cụ thể là ai, là người như thế nào, yêu nước hay không yêu nước. Yêu dân mà không làm gì được cho dân đỡ đói, đỡ khổ, đỡ lầm than. Là người giàu lòng tự trọng, tất nhiên Nguyễn Khuyến thấy thẹn, thấy ngán, thấy chán, thấy bực, thấy nhục, thấy hận:

"Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già" (Ngày xuân dặn các con);

"Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào" (Thu vịnh)

"Chăn xưa nhường thẹn nỗi riêng chung" (Mưa lạnh ngày hè)

"Nghĩ càng thêm ngán cho đời" (Lấy Tây)

"Nghĩ đời mà lại ngán cho đời" (Ngẫu hứng);

"Ngán kẻ phương trời chẳng đứt dây" (Nghe hát đêm khuya)

"Còn một nỗi này thêm chán ngắt" (Than già);

"Nghĩ lại bực cho dòng nước chảy" (Chơi núi Long Đội);

"Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu" (Hội Tây);

"Tức giận lắm chỉ muốn say ngàn ngày" (Gửi bạn đồng khoa họ Dương ở xã Khắc Niệm).

"Ai chẳng biết chán đời là phải" (Khóc Dương Khuê)…

Là một nhà nho chân chính tâm thức gắn liền với "đạo", luôn ý thức về sự suy tôn, bảo vệ "đạo", thế mà phải thốt lên đau đớn: "Ngô đạo chí kim tiêu tác thậm" (Đạo của chúng ta nay đã rời rạc lắm). Nhưng làm sao có thể cứu được "đạo", đành mặc chân mình lảo đảo bước vào cõi say: "Chỉ có lão đeo bầu trong làng say này thực là tiên" (Rượu).

Nhưng cũng có lúc phải tỉnh, lúc ấy muốn được vô tư như hình ông lão vẽ trong cái quạt: "Ngồi nhìn lại thích cái ông già vẽ trong quạt/ Chỉ tựa cây nâng chén, không tính bao nhiêu mùa xuân" (Bài muộn). Có lúc muốn được câm lặng như ông lão đá.

Thậm chí có lúc cảm thấy tương giao đến độ không có ranh giới thật/giả, không biết mình là ông lão đá hay ông lão đá là mình: "Lão đá ngồi suốt ngày/ Lão đá im không nói/ Ta thích ngâm và viết/ Thân mật không ngờ nhau/ Bạn thần giao có nhân quả/ Cùng đi lại trong cõi hóa/ Biết đâu ngươi không phải ta" (Ông lão đá)…

Với bản tính "hiếu ngâm tả" (thích ngâm và viết) nên Nguyễn Khuyến lánh đời vào rượu và thơ là phải lẽ và hợp lẽ. Lánh đời mà gửi vào rượu vào thơ: "Tức giận lắm chỉ muốn say cả ngàn ngày/ Thơ ngâm tràn, cần gì phải vạn người truyền tụng"...

Nguyễn Khuyến cố ý nâng cái say của mình lên một tầm cao mỹ học - mỹ học cái say. Như có chỗ ông nói không uống rượu thì hoa cúc sẽ chê cười: "Bầu rượu thường để không, bị hoa cúc vàng cười giễu" (Tự thuật).

Ông mượn rượu như một phương tiện để bước vào địa hạt cái say mà lánh đời, đợi đến ngày "thái bình": "Uống trăm chén rượu để quên mọi sự" (Vài lời than), "Ta say tít lại ngâm vang" (Ngày hè), "Ước gì được thứ rượu Trung Sơn mà uống/ Rồi đánh một giấc say dài cho đến ngày thái bình" (Nói chuyện cũ). "Rượu Trung Sơn" có từ tích Lưu Huyền Thạch mua rượu "Thiên nhật" ở Trung Sơn, mỗi lần uống say nghìn ngày.

Nhà thơ rất hay nói đến chuyện uống rượu, say rượu. Có lúc nói uống ít: "Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy/ Độ năm ba chén đã say nhè" (Thu ẩm); có lúc nói uống đến mấy chục chén mà vẫn thấy tỉnh: "Cao hứng rót rượu uống tràn/ Mỗi lần uống hàng mấy chục chén" (Ngày hè ngẫu hứng); có khi lại thấy nói "Cho nên say, say khướt cả ngày/ Say mà chẳng biết rằng say ngã đùng", thế mà vẫn chuốc rượu "Xin ngươi gắng cạn chén này" (Uống rượu ở vườn Bùi).

Có khi lại chỉ chăm chăm đến với chén rượu chứ không vì lẽ gì khác: "Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ/ Có rượu thời ông chống gậy ra" (Lên lão). Có thể đây chỉ là sự tự giễu nhân cách gàn dở của mình khi tuổi cao không thấy mình có ích gì. Như vậy không phải là thích rượu, hay rượu, đó chỉ là cái cớ để neo gửi tấc lòng.

Trốn đời, lánh đời nhưng không quên được đời, thậm chí càng đau đời, ông đành gửi vào thơ những nỗi niềm trăn trở. Như lẽ tự nhiên đã hình thành một phong cách chỉ có ở ông: phong cách ám chỉ, mượn cái này để nói cái khác.

Chúng tôi xin giới thiệu bài thơ chữ Hán "Quặc ngư" (Chộp cá) nói về chuyện uống rượu mang rõ đặc trưng phong cách Nguyễn Khuyến. Bài thơ mang dáng dấp một vở kịch nhỏ, có giới thiệu: ta thích uống rượu nhưng nhiều khi bực mình vì không có nhắm; có hoàn cảnh không thời gian: một hôm kiếm được con cá mực xào nấu xong chuẩn bị nhắm rượu; có tình huống: con mèo nhà ai lẻn vào cướp cá; có cao trào: mèo nhảy lên xà nhà, ngạo nghễ, như thách thức ta; có cởi nút: "Đành nâng chén uống say/ Rõ ra là ta thua chúng bay".

Đặt tác phẩm trong trường ý nghĩa văn hoá truyền thống (bức tranh Đám cưới chuột), trong hệ thống phong cách ám chỉ của nhà thơ, có thể hiểu: con mèo thực dân Pháp trắng trợn vào ăn cướp nước ta, lại còn tỏ thái độ ngạo nghễ "khai hoá". Thế mà dân (ta) lại đành chịu thua sao?!

Nói là "uống say" nhưng kỳ thực, rất tỉnh!

Nguyễn Khuyến từng làm thơ giễu bạn mình: "khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây", thì đó cũng chính là Nguyễn Khuyến!

NGUYỄN THANH TÚ
Theo VNCA

TIN VĂN KHÁC:

·         Nhà văn làm nghề gì?
·         Danh và thực



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...