Đã có
khá nhiều bài viết phân tích thế nào là một tác phẩm văn học hay, tác phẩm văn
học lớn; tác phẩm văn học hay phụ thuộc vào những yếu tố nào?... Không ít lập
luận trong các bài viết đó có tính thuyết phục, nhưng hình như các tác giả của bài viết nhiều khi chưa đi sâu
phân tích kỹ tính tối quan trọng của NHÂN VẬT trong các tác phẩm văn học. Bởi
xét cho đến tận cùng, dù nhà văn có viết gì đi nữa thì đích đến vẫn là
con người, nhằm phục vụ con người.
Đơn giản là vì chỉ có con người
mới biết đọc một cách đúng nghĩa, biết phân tích, tư duy và biết đồng sáng tạo…cùng
với nhà văn.
Chính vì
viết cho con người và vì con
người, nên các tác phẩm văn học muốn
hay, muốn trường tồn với thời gian thì không thể thiếu được nhân vật văn
học, đặc biệt là nhân vật văn học trong thể loại tự sự. Nhân vật văn học thường
biến hóa khôn cùng theo trí tưởng tượng
và sự sáng tạo của nhà văn, khi là con người có tên, có tuổi, có họ hàng gốc
tích, có tính cách rõ nét có “lý lịch trích ngang” như Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, nàng Kiều của thi
hào Nguyễn Du, Giang Minh Sài của nhà văn Lê Lựu, Xuân tóc đỏ của nhà văn Vũ Trọng
Phụng… nhưng nhiều khi nhân vật chỉ là những ký hiệu K, X, I, Z…như trong các tiểu thuyết của Kafka và một số
nhà văn theo chủ trương “tẩy trắng nhân vật”, hay “cái chết của nhân vật”.
Từ trái qua: Các nhà văn Lỗ Tấn, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng
- những bậc thầy trong xây dựng nhân vật văn học.
Nhân vật còn
là con vật như Dế mèn của nhà văn Tô
Hoài, cậu Vàng của nhà văn Nam Cao… Vẫn chưa hết, nhân vật còn là cây,
hoa, cá cảnh, các hiện tượng thời tiết…mà
chúng ta đã bắt gặp khá nhiều trong truyện đồng thoại, cổ tích, thần thoại…
Nhân vật văn học là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Chính
vì thế, nhân vật văn học sẽ không bao giờ là con người thật ở ngoài đời, kể cả đó là những “nguyên mẫu”.
Xét cho đến cùng, khi nhà văn xây dựng lên nhân vật văn học giống như một cỗ xe
nhằm để chuyển tải những tư tưởng, ý tưởng của nhà văn đến với người đọc, tiếng nói của nhân vật cũng chính là tiếng
nói của nhà văn với thời cuộc.
Với những tài
năng lớn thì sẽ có những cỗ xe lớn để chở được những ý tưởng lớn, bao
trùm hay khái quát được tính cách của một dân tộc, một đất nước, của nhân loại
nói chung hoặc của một thời đại nói riêng. Những nhân vật văn học xuất hiện ở một
giai đoạn văn học nào đó và nó có thể trở thành “tượng đài” bất biến theo thời gian nếu tài năng của
nhà văn xây dựng được những nhân vật điển hình, như Xuân tóc đỏ, nàng Kiều, Chí Phèo, AQ, Dế Mèn,
Đôn Kihôtê...
Vậy nên khi
xem xét nhân vật văn học, người nghiên cứu và người đọc đừng soi xét tại sao
nhân vật này lại hành động như thế này mà không hành động như thế khác. Một
nàng Kiều hiền hậu, thùy mị, nết na, tài sắc như thế tại sao lại có những màn
trả thù tàn khốc như vậy?
Không, đó
không phải là nàng Kiều trả thù mà là cụ Nguyễn Du, đại diện cho tầng lớp bị áp
bức, oan sai, lừa lọc tỏ thái độ phản kháng lại lực lượng thống trị và những
“con điếm” trong xã hội đương thời. Một nhân vật Từ Hải “chọc trời khuấy
nước” như thế đáng lẽ phải một mình một cõi để “Dọc ngang nào biết trên đầu có
ai”.
Nhưng cuối cùng Nguyễn Du đã “cho” Từ Hải ra hàng và chết
đứng, đó vừa là cái chết của một người
anh hùng nhưng cũng chính là cái chết của sự sợ hãi trong lòng người cầm bút trong xã hội đương thời
vậy. Hay như Xuân tóc đỏ cũng thế, nhiều người đọc đã thốt lên rằng tại sao lại
có sự vô lý như thế được, một thằng
“ma cà bông”, không biết chữ vậy mà nó trở thành một nhân vật sáng chói trên vũ
đài chính trị...
Đường thăng tiến
của nó đúng là không thể lý giải được nên toàn bộ đổ lỗi cho “cái số nó
đỏ”. Kì thực thì từ những nguyên vật liệu của xã hội đương thời, bằng tài nghệ
của một nhà kiến trúc tầm thiên tài, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã khái quát và xây
dựng nên một kỳ quan có một không hai trong đời sống văn học đương thời và còn
cho mãi về sau.
Cái vô lý đó nó lại có lý trong xã hội đó. Nói đúng hơn
là xã hội nào thì sẽ sinh ra nhân vật văn học tương xứng với nó, chỉ tiếc là những
nhà văn tài năng như Vũ Trọng Phụng quá hiếm hoi để xây dựng nên một “tượng đài”. Toàn bộ cái vô lý trong
con người Xuân tóc đỏ chắc không thể
trùng khít với một ai đó ngoài đời nên người đọc cảm thấy vô lý, nhưng những tính cách của nó lại nằm rải rác
trong rất nhiều người, nên hàng ngày, dù ít, dù nhiều, ta vẫn bắt gặp đâu đó
Xuân tóc đỏ đi lại nghênh ngang ngoài đường với những chiếc xe hạng sang, những
bằng cấp, những danh hiệu...đầy mình. Ta vẫn gặp đâu đó những Chí Phèo
nát rượu chửi cả làng Vũ Đại...
Mỗi nhân vật
văn học đều giống như một người chỉ đường, như chiếc cầu nối giữa người viết và
người đọc, người viết muốn nói điều gì và người đọc nhận được điều gì đều thông qua suy
nghĩ, hành động của nhân vật văn học.
Nhân vật văn học sẽ “nói” với người đọc rằng thời điểm
đó, giai đoạn xã hội đó, con người nhà văn và đông đảo các lớp người trong xã hội
đang có những suy nghĩ như thế nào, lời ăn tiếng nói, trang phục ra sao...và
khi chức năng làm người dẫn đường đã
hết thì nhân vật văn học không còn vai trò trong tác phẩm văn học nữa, nên buộc
phải “biến mất”. Như khi đã
đâm chết Bá Kiến rồi, Chí Phèo không còn đất để tồn tại nữa nên Chí Phèo cũng
phải chết vậy.
Chức năng văn học của nhân vật Chí Phèo chính là sự thức
tỉnh giữa phần người và phần con
trong một con người nhân vật. Khi phần người đã được thức tỉnh mạnh mẽ,
khi có được tình yêu, mơ đến mái nhà
và những đứa trẻ, mơ về lương thiện, mơ về cuộc sống làm người thì Chí
Phèo không thể quay lại để sống kiếp quỷ được nữa, nên Chí Phèo phải tìm đến
cái chết, chức năng nhân vật văn học đã làm hết nhiệm vụ mà nhà văn giao phó.
Điều này biểu hiện rõ nhất sự cao tay và tài năng ở mỗi
nhà văn, có không ít nhà văn khi xây dựng nhân vật văn học và nhân vật văn học
đã làm xong nhiệm vụ nhưng không tài
nào để cho nhân vật văn học “biến mất” hay lui về hậu trường được, tạo nên sự
lê thê không cần thiết trong các tác phẩm văn học.
Với những gì
đã viết trên đây chắc chắn sẽ không thỏa mãn đối với những nhà văn và những độc
giả theo chủ trương “tẩy trắng nhân vật”, hay “cái chết của nhân vật”. Nhưng nếu
bình tĩnh đọc lại những tác phẩm viết theo chủ trương, trường phái “tẩy trắng
nhân vật” thì vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của các nhân vật qua các đồ vật,
qua các mẫu đối thoại, qua các kết cấu và trong các trường đoạn...của tác phẩm, những nhân vật vô cùng
mơ hồ, chỉ “là một màu trắng mờ ảo” nhưng rõ ràng là vẫn có nhân vật.
Khảo sát qua lịch sử văn học chúng ta đều thấy, nếu không
có nhân vật Đôn Kihôtê thì liệu hơn
bốn trăm năm nay, người ta còn nhớ đến nhà văn vĩ đại của mọi thời đại
là Miguel De Cervantes? Nếu không có các nhân vật Tào Tháo, Lưu Bị, Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi…thì
liệu người ta có còn nhớ đến
bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” và nhà văn La Quán Trung? Nếu không xây dựng
được nhân vật AQ thì thử xem người
ta nhớ đến nhà văn Lỗ Tấn là tác phẩm gì?
Điều này càng thấy rõ hơn qua trường hợp nhà văn Nam Cao và nhà văn Nguyễn Minh Châu, xét về tư tưởng
trong tác phẩm của hai ông thì đều ở tầm cao, tầm bậc thầy thiên hạ cả,
nhưng nói gì thì nói, Nam Cao
vẫn nổi trội hơn Nguyễn Minh Châu một
tầm vì Nam Cao có được nhân vật văn học Chí Phèo quá xuất sắc. Nguyễn
Minh Châu cũng có Lão Khúng, nhưng
xét về mọi phương diện tầm vóc của Lão Khúng vẫn nhỏ thó hơn tầm vóc của Chí Phèo.
Có rất nhiều
nhà văn có tiếng tăm vì họ thực sự có văn tài, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi chết, họ rất ít
được người đời sau nhắc đến, vì nhiều lý do, nhưng có một lý do cốt yếu đó là họ không có
được một hay một hệ thống nhân vật văn học điển hình, độc đáo, trở thành hình tượng văn học. Gặp một gã tốt mã hay
đi lừa tình, người ta gọi ngay là thằng
Sở Khanh, dù không biết tên thật của họ là gì. Gặp một người say rượu, chửi bới lung tung, thì được
gọi tên là Chí Phèo; một người đi
lên bằng sự láu cá, và sự nhiễu nhương của xã hội thì được gọi là Xuân
tóc đỏ…
Khi nhân vật văn học đã đi được vào đời sống của quần
chúng nhân dân thì nó còn sống mãi. Mà nhân vật văn học còn sống, có nghĩa là
tác phẩm văn học còn sống và nhà văn – cha đẻ ra những đứa con tinh thần đó - vẫn
còn sống mãi, người đời sẽ mãi
nhắc đến tuổi tên. Còn nếu không có được nhân vật văn học điển hình, hay nhân vật
văn học chết yểu, thì không ít nhà văn đang còn sống, nhưng tác phẩm và nhân vật của họ thực sự đã
chết trong lòng độc giả.
Đối với nhà văn, đó có lẽ là điều đau khổ nhất của một đời
văn. Vậy nên có thể nói rằng, mỗi nhà văn khi sáng tác, đều muốn để lại cho đời
một hay nhiều nhân vật văn học điển hình mang tính biểu tượng, nhưng từ mong muốn đến hiện thực thì
rất xa xôi và nhiều khi không bao giờ với tới được. Vậy nên trong lịch sử văn học,
có hàng triệu nhà văn, nhưng nhân vật văn học điển hình thì chỉ đếm được trên đầu
ngón tay. Thật khó thay.
NGUYỄN THẾ HÙNG
Theo VNCA
TIN VĂN
KHÁC: