Khác với nhiều hội sáng tác văn học trên thế giới, Hội
Nhà văn Thụy Điển trước hết giống như một tổ chức công đoàn. Hội phí là 1700
krona mỗi năm (khoảng 170 euro), nhưng nó mang lại không ít lợi ích, đồng thời
các nhà văn trẻ và các nhà xuất bản tư nhân được hỗ trợ miễn phí khi họ cần tư vấn về nghề nghiệp. Hội giúp các
nhà văn tìm kiếm nhà xuất bản cho các cuốn sách của mình và ký hợp đồng
với những điều kiện có lợi cho các tác giả.
Hội bảo vệ các nhà văn vì những lý do nào đó bị truy nã
hoặc phân biệt đối xử (điều này rất cấp thiết bởi mỗi năm ở Thụy Điển có 1/3 số
nhà văn trở thành đối tượng bạo hành hay bị đe dọa, chủ yếu từ bọn theo chủ
nghĩa dân tộc bản xứ), vì vậy trong biên chế của Hội có các luật sư và và chuyên gia kinh tế. Ở đây người ta
thường xuyên tổ chức các khóa học, các bài giảng về những đề tài khác nhau, cấp
kinh phí, cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ với độc giả và các cuộc hội nghị với
các đồng nghiệp nước ngoài. Hội ủng hộ không chỉ nền văn học Thụy Điển, mà cả
văn học dân tộc Sami, vì vậy ở miền bắc của đất nước, nơi người Sami
sinh sống, người ta tổ chức các khóa dạy viết văn và những cuộc thi sáng tác
văn học riêng.
Chuyên gia văn học Thụy Điển Aleksandrova - Zorina.
Đặc biệt thú vị là mô hình cho phép một số nhà văn thu nhập
thêm từ sách, số nhà văn khác sử dụng tài trợ của Hội. Nó được xây dựng với sự
trợ giúp của hệ thống thư viện và sự ủng hộ của Chính phủ Thụy Điển. Nếu như ở
nước Nga, khi một cuốn sách của nhà văn rơi vào thư viện, tác giả của nó không được hưởng gì,
thì ở Thụy Điển với mỗi cuốn sách được mượn ở thư viện, Bộ Văn hóa trả cho tác
giả 15 erocent.
Nhân tiện xin nói, trung bình mỗi người Thụy Điển mượn ở thư viện 10-12 cuốn sách, còn
trẻ em Thụy Điển: 50-60 cuốn. Tổng số sách cho mượn lên tới khoảng 100 triệu cuốn/năm,
số tiền phải trả cho nhà văn là 150 triệu krona mỗi năm. Nhưng không phải tất cả
số tiền này đều dành cho các nhà văn có sách được độc giả thư viện đọc nhiều.
Khi đạt tới một số lượng nhất định, tác giả không được nhận thêm nữa, và số tiền
này được chuyển vào Quỹ Nhà văn Thụy Điển.
Ngược lại, nếu số tiền nhà văn được lĩnh quá ít, thì nó
cũng được chuyển luôn vào quỹ, chứ không phải cho tác giả. Quỹ thu được gần một
nửa của 150 triệu này và số tiền đó được dành ủng hộ văn học phi thương mại. Cần
phải nói rằng cái cơ chế dựa trên sự đoàn kết của Hội này được tất cả các nhà
văn ủng hộ, từ các nhà văn trẻ đến các nhà văn thành công về thương mại.
Từ quỹ này,
các nhà văn và dịch giả nhận được tài trợ thông thường, còn các hội viên
Hội Nhà văn vừa nhận được tài trợ vừa được dự các trại sáng tác ở Thụy Điển hay
Hy Lạp. Tiền tài trợ bao gồm 1 năm, 2 năm và 5 năm. Số tiền tài trợ không lớn lắm,
100.000 krona mỗi năm (10.000 euro), nhưng đủ để nhà văn không bận tâm về làm
thêm, hoàn toàn tập trung vào công việc sáng tác và viết những gì mình thích
thú. Khác với các nhà văn nhận tài trợ 5 năm, các nhà văn nhận tài trợ 1 năm và
2 năm không phải đóng thuế.
Tất cả mọi người đều hiểu rằng cần phải phân phối tài trợ
một cách trung thực và vô tư. Vì
vậy các thành viên Ủy ban tài trợ thường xuyên thay đổi. Nếu ai đó trong số những người ra quyết định phát hiện
trong danh sách các ứng cử viên có người quen của mình thì anh ta ngay lập
tức rời khỏi phòng hội nghị. Nói chung, toàn bộ hệ thống được xây dựng từ các cấp
riêng biệt và không phụ thuộc lẫn nhau (Hội Nhà văn, Quỹ Nhà văn, Ủy ban Tài trợ,
Trung tâm Văn bút) đều nhằm mục đích bảo đảm tính khách quan và sự minh bạch, đồng
thời không để xảy ra tham nhũng và tư tưởng gia đình chủ nghĩa.
Mỗi năm, Ủy ban Tài trợ nhận được từ 1.000 đến 1.500 đơn xin
tài trợ, trong số đó có 300 người được chọn. Điều thú vị là để nhận được tài trợ
này không nhất thiết phải là hội viên Hội Nhà văn Thụy Điển. Tiêu chuẩn duy nhất,
quan trọng để tham gia chương trình này là có sách ở các thư viện. Cơ chế trả tiền đọc sách ở thư viện đang bắt
đầu được áp dụng tại các nước khác, ví dụ, ở Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Anh và
Pháp, vì đây là một hình thức ủng hộ văn học đương đại có hiệu quả.
Thụy Điển có nhiều
giải thưởng văn học, nhưng một trong số đó, giải thưởng Vi (“Chúng ta”) rất
đáng được chú ý. Giải thưởng này trao cho các nhà văn đã viết từ 2 đến 5 cuốn
sách, nghĩa là không phải nhà văn mới sáng tác, nhưng cũng không phải là nhà
văn lớn. Ban giám khảo đọc tất cả các cuốn tiểu thuyết do các tác giả viết để
theo dõi sự phát triển của nhà văn từ cuốn sách này đến cuốn sách khác.
Các nhà văn ngoại quốc cũng không bị bỏ quên. Thụy Điển
có hai trại sáng tác văn học mà các tác giả từ những nước khác nhau có thể tham dự. Trại thứ nhất nằm ở
thành phố Visby trên đảo Gotland, được Hội Nhà văn Thụy Điển xây dựng với sự ủng
hộ của chính quyền địa phương. Hằng năm, có gần 200 người đến đây, 85% trong đó
là cư dân khu vực Bancăng (kể cả người Nga), 20% là người Thụy Điển, đôi khi thậm
chí ở đây xuất hiện các tác giả từ Ấn Độ hay Australia.
Trại gồm hai
ngôi nhà tọa lạc tại trung tâm thành phố Visby. Nhà thứ nhất có 18 phòng dành cho các nhà văn
(11 người), nhà thứ hai gồm thư viện,
hội trường, một phòng làm việc lớn có dương cầm, lò sưởi và ghế
bành. Nhà văn có thể đến đây để sửa bản thảo hay bản dịch, giao lưu với các đồng
nghiệp nước ngoài và các dịch giả hoặc thậm chí tìm kiếm cơ hội để xuất bản sách ở nước ngoài. Đơn xin tham
dự trại sáng tác được xem xét gần hai tháng, còn sống ở đấy có thể từ 2
đến 5 tuần. Nếu vé và sinh hoạt ở đảo Gotland quá đắt đỏ (trên thực tế là như vậy) thì có thể nhận được sự giúp
đỡ tài chính tại một trong những trung tâm văn hóa Thụy Điển.
Trại sáng tác thứ hai vừa mới được thành lập gần đây
trong khu nhà của đạo diễn điện ảnh và sân khấu nổi tiếng của Thụy Điển Ingmar
Bergman trên đảo Faro, nơi ông sống từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cư dân đảo
chỉ vỏn vẹn 500 người, bạn có thể tới đó bằng phà từ đảo Gotland. Sau khi
Bergman qua đời, số phận lãnh địa này (ngoài ngôi nhà tự xây, đạo diễn còn mua
6 ngôi nhà cho 9 người con của mình)
một thời gian dài không được ai biết đến.
Con gái ông, Liv Ullmann, mơ ước xây ở đây một trung tâm
văn hóa để ủng hộ các tài năng trẻ, nhưng Chính phủ Thụy Điển không muốn tài trợ
cho dự án này, và toàn bộ gia tài được đưa ra bán đấu giá. Tỷ phú Na Uy Hans
Gudesen đã mua tất cả các ngôi nhà, đất, đồ gỗ và thậm chí xe cộ của đạo diễn,
ông đã làm cái điều mà Chính phủ Thụy Điển không muốn làm - thành lập Quỹ mang
tên Bergman và tổ chức trại sáng tác dành cho các nhà văn, đạo diễn và nhạc sĩ.
Ở đây có thể sống hoàn toàn miễn phí, và các nhà văn nước
ngoài cũng được chờ đợi ở đây. Chỉ có điều, khác với trại sáng tác ở Visby hoạt
động quanh năm, trại sáng tác trên đảo Faro chỉ đón khách từ tháng 4 đến tháng
10 hằng năm. Mỗi vị khách được sử dụng một ngôi nhà hay nửa ngôi nhà, có thể
mang theo vợ con hoặc đồng nghiệp tới đây, còn toà biệt thự của Bergman chỉ
dành cho các vị khách sử dụng từ 9 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. Ở đó bạn có thể sử
dụng bếp, phòng chiếu phim với bộ sưu
tập phim rất phong phú do chính đạo diễn sưu tầm, bạn cũng có thể đi dạo xung
quanh ngôi nhà, ngồi trên những chiếc ghế bành của Bergman và đọc những dòng
lưu bút trên cánh cửa, trên bàn và
sàn nhà.
Trước đây, thư
viện của Bergman cũng được mở cửa tự do, nhưng vì sách bị mất (nhiều cuốn
có bút tích của những nhân vật nổi tiếng, nhiều cuốn là những ấn phẩm quý, thư viện được định giá 11 triệu krona), nên
thư viện đã bị đóng cửa. Hiện nay chỉ những người có yêu cầu riêng mới
được vào thư viện và đọc dưới sự
giám sát của nhân viên bảo vệ.
Hội Nhà văn Thụy
Điển không chỉ giới hạn hoạt động ở Thụy Điển, nó hợp tác rộng rãi với tất
cả các nước châu Âu, thậm chí ngoài
châu Âu. Chính vì vậy người
ta tổ chức các trại sáng tác dành cho nhà văn. Một trong những chủ đề chính
luôn luôn mang tính thời sự là tự do ngôn luận. Các nhà văn và dịch giả Thụy Điển
cho rằng chế độ kiểm duyệt tại các nước láng giềng cũng gây nguy hiểm đối với tự
do ngôn luận ở Thụy Điển.
TRẦN HẬU (dịch)
Theo VNCA
TIN VĂN KHÁC: