Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Quang Chuyền - Nỗi lòng của “gã nhà quê” làm thơ

Như tất cả những nhà thơ quân đội, anh có nhiều thơ về chiến tranh. Với đề tài này Quang Chuyền có những nỗi niềm. Trong thơ anh ít thấy ồn ào tiếng súng đạn nhưng không vì thế người đọc không khó gì để thấy những tàn khốc, mất mát, thương đau của chiến tranh…
Nhà thơ Quang Chuyền

Quang Chuyền làm thơ từ rất sớm. Ngay từ những ngày học phổ thông anh đã có thơ in báo. Năm 1966, khi vừa tròn 21 tuổi, anh tốt nghiệp thủ khoa ngành xã hội Trường trung cấp sư phạm Việt Bắc, khi ấy cả khu tự trị Việt Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang chỉ có 1 trường sư phạm. Trong thời gian học, anh được hai giáo viên nhà trường, cũng là hai nhà thơ hội viên hội văn nghệ Việt Bắc là Khánh Kiểm và Lương Thanh Nghĩa nhiệt tình giới thiệu về công tác ở Hội. Cũng phải nói thêm, sở dĩ anh nhanh chóng được  nhận về cơ quan văn nghệ của khu cũng lí do Quang Chuyền  là  một đảng viên cộng sản rất trẻ. Được kết nạp Đảng khi còn đang là một học sinh bây giờ như không có gì thật đặc biệt nhưng với ngày ấy thì đó là một “sự kiện”, rất hiếm có nên rất dễ gây niềm tin cho những người làm công tác tổ chức.

Ở Hội, Quang Chuyền được phân công làm phóng viên cho tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Cùng với Quang Chuyền thời gian đó còn có thêm nhà thơ Bùi Công Bính, từ thư kí toà soạn báo Hà Giang chuyển về. Bùi Công Bính từng có riêng cho mình tập thơ “Cả bản nhớ anh” xuất bản từ năm 1960. Hai người hai tính cách. Bùi Công Bính nhanh nhẹn, hóm hỉnh còn ngược lại Quang Chuyền hiền lành, ít nói.

Nhưng cũng chỉ hai năm sau Quang Chuyền đã trích máu làm đơn  tình nguyện xin đi bộ đội. Đang giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhưng cũng phải sau 7 lần làm đơn, nguyện vọng chính đáng của anh mới được cấp trên chấp thuận. Quang Chuyền trở thành lính ở trung đoàn 132 xây dựng đường dây Thống Nhất từ Bắc vào Nam dọc Trường Sơn. Sau đó hơn 2 năm, anh được điều về phòng chính trị Binh chủng Thông tin liên lạc làm công tác tuyên truyền và sáng tác.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha có kể lại: “Tôi gặp Quang Chuyền mùa mưa 1974 tại sông Bung - Quảng Nam sau chiến dịch Thượng Đức. Lúc ấy Quang Chuyền có chuyến xuyên Trường Sơn cùng nhà thơ Xuân Miễn và Trọng Tân. Xuân Miễn khi đó đã là nhà thơ rất nổi tiếng còn Quang Chuyền và Trọng Tân là cán bộ tuyên huấn thuộc Bộ tư lệnh Thông tin. Sau chuyến đi đó Quang Chuyền trở thành nhà thơ còn Trọng Tân trở thành nhà văn. Hoá ra Trường Sơn là cái nôi nuôi dưỡng tạo ra những nhà văn, nhà thơ.

Đúng như nhận xét của Nguyễn Thuỵ Kha, những chiến sĩ đã qua Trường Sơn đam mê thơ phú thì sau dần đều thành danh ít nhiều trên văn đàn. Riêng ngành thông tin liên lạc, đặc biệt là Binh chủng Thông tin - liên lạc, ngoài Quang Chuyền còn có nhà thơ Anh Ngọc, Phạm Đức, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Duy, Nguyễn Văn Chương... nhà văn Phạm Đình Trọng, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Tiến Hải, Xuân Mai...

Trong hơn hai mươi năm bận mải binh nghiệp nhưng Quang Chuyền vẫn không ngừng làm thơ. Như tất cả những nhà thơ quân đội, anh có nhiều thơ về chiến tranh. Với đề tài này Quang Chuyền có những nỗi niềm. Trong  thơ anh ít thấy ồn ào tiếng súng đạn nhưng không vì thế người đọc không khó gì để thấy những tàn khốc, mất mát, thương đau của chiến tranh: “... Và đâu nữa đêm đất rừng chảy máuBom phạt , cây tan , dép mũ lạc người /Cả bia mộ cũng lạc tên tuổi bạn / Chỉ đất còn lưu giữ dáng người thôi..." hoặc: “Đất nhuộm chi đỏ thế / Lửa chiến tranh điêu tàn / Máu còn loang mặt đất / Chạm vào còn ấm ran” hoặc nữa: “Hồn người lẩn khuất đâu đây / Hình như trong lá trong cây của rừng”.

Quang Chuyền đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Thơ anh luôn xuất hiện trên báo chí văn học cả nước. Đã có cho mình 10 tập thơ in riêng cùng 2 tập in chung và mới đây, anh xuất bản tập thơ tuyển chọn. Hơn nữa anh còn vinh dự 4 lần đứng trên bục nhận giải thưởng chủ yếu là các giải thưởng văn học quốc gia. Từ binh nhì rồi trở thành trung tá, phó tổng biên tập báo Thông tin, được điều động làm phó chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 596  Bộ tư lệnh Thông tin - liên lạc, Cương vị ấy không ít người người sẽ  thay đổi tính cách. Nhưng Quang Chuyền thì không. Tôi quen biết anh đến nay đã gần nửa thế kỉ. Đó là năm 1966, ngày anh mới về nhận công tác ở Hội Văn nghệ Việt Bắc. Khi ấy tôi công tác ở Sở văn hoá khu tự trị Việt Bắc.Tiếng là hai cơ quan nhưng ban đầu thực chất là một vì phần lớn những người đầu tiên sang công tác bên hội đều là người của sở văn hoá. Hơn nữa đó là thời kì chiến tranh phá hoại, hai cơ quan cùng sơ tán dưới một  cánh rừng già thuộc xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên gần 40 cây số. Hàng ngày mọi người như luôn luôn gặp nhau nên dễ trở thành thân thiết.Cảm nhận ban đầu Quang Chuyền vẫn nguyên chất một cậu học sinh nông thôn mới ra trường, có khuôn mặt bầu bĩnh, lành hiền, chất phác. Còn khá rụt rè, nghe nhiều hơn nói. Trong chuyện trò thấy anh hay lẫn giữa vần L và N. Bất cứ ai khi tiếp xúc với Quang Chuyền, dù chỉ một lần nhưng sẽ phải yêu mến anh ngay vì sự thật thà, khiêm nhường. Quan hệ với anh luôn đem lại không chỉ cho tôi mà còn cho những  người được tiếp cận anh một sự yên tâm, tin cậy.

Nhưng khi đang thân thiết thì anh gia nhập bộ đội còn tôi sau đó chuyển về Hà nội  nên bẵng tin nhau. Để mãi gần đây có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh, qua nhà văn Nguyễn Khoa Đăng biết điện thoại anh, tôi gọi. Kì lạ sao, dù đã gần năm mươi năm không gặp nhưng vừa thấy tôi anh đã nhận ngay ra tôi. Còn Quang Chuyền tôi vẫn thấy không mấy khác ngoại trừ anh có già hơn, trên mép nay thêm hàng ria con kiến. Vẫn ít nói, lành hiền, phúc hậu như nguyên cậu học sinh mới ra trường hồi nào. Giọng nói vẫn từ tốn, khiêm nhường, mộc mạc và tôi để ý, trong câu chuyện dù anh đã ý thức nhưng đôi khi anh vẫn không tránh khỏi lẫn giũa vần L và N.

Tôi biết, sau khi giải ngũ Quang Chuyền cùng gia đình định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã nhiều năm qua có nhà cao cửa rộng ở nơi phố thị sôi động vậy nhưng anh như lạc lõng trong đó: “Nhiều năm tôi gửi bóng mình / Ở nơi phố thị Tân Bình nắng mưa / Người đông ồn ã dư thừa / Tôi thường đi sớm về trưa một mình…” Anh đau đáu những  kỉ niệm với Tuyên Quang, nơi tuổi thơ anh trôi giạt thời kiếm sống: “Chiều thành Tuyên / Nắng khép dần cửa sổ / Đáy sông Lô nở chùm hoa lửa /Chim về sải cánh qua soi / Sóng thở bồi hồi / Giục phà sang Nông Tiến...Bài thơ anh làm ngày mới vào bộ đội đã được in trong tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từ năm 1968.     

Với nhiều người khác, cuộc sống nơi đất mới đời sống vật chất khá giả, sung túc hơn, thường tính cách dễ thay đổi nhưng anh thì hoàn toàn không khác gì. Vẫn đậm con người nông dân làng gốm Vĩnh Phúc, pha lẫn chất chân thật miền núi Tuyên Quang. Có lẽ bởi thế nên anh đã “Tự hoạ” chân dung mình một cách rất mộc  mạc, thành thực khiến người đọc phải yêu thích: “Ta là một gã nhà quê/ Bước đời không định lạc về phố đông/ Bữa ăn thường thích cua đồng / Dưa chua, tương mặn, cải ngồng bãi soi /  Trong con người “nhà quê” Quang Chuyền lành hiền kia khôn nguôi khắc khoải nỗi nhớ về quê cũ: “Ai không có một nẻo về / Ai không có một chốn quê riêng mình / Ai không có khoảng trời xanh / Ai không có một mái đình cây đa”. Đọc tâm sự của anh làm  tôi  không khỏi  nhớ tới câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người...”

Nỗi nhớ quê hương trong Quang Chuyền không phải chỉ nhớ về những năm tháng khó khăn ngày ây: “Củ khoai, khúc sắn cong queo / Vùi trong tro trấu gieo neo mùa màng”mà còn là kỉ niệm sâu sắc. Anh có quen một người con gái quê Tuyên Quang, rồi yêu nhau thủa đi học sư phạm bên Thái Nguyên. Hai người thề ước. Mối tình mơ mộng ấy kéo dài đã mấy năm. Nhưng gần đến ngày cưới thì chị chẳng may gặp tai biến chấn thương sọ não. Nhiều người lo ngại cho anh nếu xây dựng gia đình với một người con gái đau yếu bệnh tật làm sao có thể sống bình thường nói gì đến sao có đủ sức thay anh quán xuyến gia đình còn mẹ già, bốn em dại của anh? Nhưng rồi sau nhiều thao thức, trăn trở, anh tỉ tê thuyết phục mẹ. Đời con gái có thì, người ta đã bao năm chờ đợi, nay chẳng may gặp tai ương sao đành rời bỏ? Đạo lí, tình nghĩa. Quyết tâm của anh đã cảm động được đơn vị, cảm hoá được gia đình, họ hàng. Đám cưới được tổ chức ngay khi sức khoẻ người yêu có phần trở lại. Làm sao anh quên được những ngày hạnh phúc đến với anh khi  ấy: “Mười ngày nghỉ phép thăm quê / Ta làm lễ cưới em về cùng anh / Tuần trăng chừng đã vào rằm / Nỗi vui oà vỡ tám năm đợi chờ”. Đúng là  ông trời có mắt. Sau khi xây dựng gia đình, sức khoẻ của vợ anh khá lên. Chị đã sinh cho anh ba người con, hai trai một gái, các cháu trưởng thành có công ăn việc làm ổn định và hiện nay anh có năm cháu nội ngoại quây quần. Tuy  không thể như một người bình thường nhưng những công việc gia đình, chị vẫn giúp anh quán xuyến. Hôm tôi đến thăm gia đình Quang Chuyền ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, vợ anh vẫn lo cơm nước tiếp khách rất chu đáo. Tôi rất mừng cho bạn.

Người ta thường nói, thơ là người. Có nhà thơ viết, đại ý anh dấu đâu cũng được nhưng trong thơ thì không thể giấu. Tức là sống giả thì chắc chắn thơ dù hay mấy vẫn cứ thành giả. Hình như vậy nhưng đâu có phải vậy. Nhiều người viết rất hay, nói rất hay nhưng trong tư cách, trong hành xử lại trái ngược. Mà không phải ít.

Nhưng tôi tin chắc, thơ và người hoàn toàn là một sau khi quen biết và được đọc tất cả những gì mà nhà thơ Quang Chuyền đã viết ra. Trong cuộc đời, tính cách và thơ ca của anh là nhất quán. Anh tâm sự “tôi xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những khoảnh khắc thăng hoa để viết nên những dòng thơ về con người, cuộc sống, để giãi bày lòng tôi”.

HUY THẮNG
Theo NVTPHCM


Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Văn Cao trong cõi thơ

Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với Việt Nam thế kỷ 20 nhiều biến động, để lại cho thế hệ sau không ít câu hỏi không dễ trả lời. Câu hỏi rộn ràng về cống hiến nhọc nhằn, câu hỏi cồn cào về thế sự ngổn ngang, về mệnh kiếp lênh đênh. Một Văn Cao đa tài không thể che chở một Văn Cao lận đận. Một Văn Cao danh vọng không thể bênh vực một Văn Cao cay đắng. Một Văn Cao hào hoa không thể an ủi một Văn Cao cô độc.
Nhà thơ Văn Cao

Những ngày tháng Văn Cao đã sống, cứ đổ cái bóng gầy hắt hiu và trắc ẩn vào lòng công chúng, mà những bài hát của ông không lý giải được, những bức tranh của ông cũng không lý giải được. Chỉ còn lại thơ, xoa dịu và tỏ bày giùm Văn Cao.

Từ những bài thơ đầu tiên viết năm 1939 đến bài thơ cuối cùng “Tôi ở” viết tháng 8-1994, Văn Cao có di sản khoảng chừng 60 bài, nhưng vẫn hiển lộ đầy đủ một chân dung nhà thơ khắc khoải với khát vọng lớn lao “tới bao giờ tôi gặp được biển?”. Trong sự mến mộ của công chúng phổ thông, chân dung nhạc sĩ Văn Cao luôn khỏa lấp chân dung nhà thơ Văn Cao, bởi lẽ cảm giác xao xuyến thường lấn lướt nhận thức sâu xa.

Ngoài những phút giây phiêu lãng với giai điệu, Văn Cao cũng lắm lúc rạo rực với sắc màu qua vài bức tranh giàu cá tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, lúc chăm chú quay lại với thi ca, Văn Cao có tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” nghiêm trang và khơi gợi: “Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn, càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng”. Con đường thơ của Văn Cao đã chuyển dịch đúng như vậy.

Khởi nguồn thơ Văn Cao qua đôi bài “Ly khách” hay “Linh cầm tiến” mang dấu vết của Đường thi tùy hứng hoặc Đường thi ứng họa, như những câu “Thiên bôi đối ẩm nhìn quan ải/ Quằn quại cờ bay trong gió sương” hay “Tâm sự chừ như trường giang vũ khúc/ Lãng đãng sương buông cổ độ mờ”. Sự nghiệp sáng tạo của Văn Cao chỉ nên tính từ khi thơ và nhạc cùng đồng hành để tạo nên phong cách Văn Cao.
Thưởng thức một cách tỉ mỉ, không mấy khó khăn để thấy được, tâm hồn nghệ sĩ của Văn Cao biến động qua ba giai đoạn với ba nét đẹp riêng biệt: giai đoạn mềm mại đắm đuối, giai đoạn lạc quan hào sảng và giai đoạn can trường sắc sảo. Và qua ba giai đoạn có trình tự trước sau, có thể khám phá được thế giới nội tâm của Văn Cao!

Giai đoạn mềm mại đắm đuối, âm nhạc Văn Cao có “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”... thì thơ Văn Cao chỉ có dăm vần điệu trễ nải: “Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống/ Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa”, lúc thảng thốt “Ai về Kinh Bắc”, hoặc “Thuyền vào nằm ngủ trong mưa/ Trên con sông vắng lập lờ bóng trăng” lúc bùi ngùi “Đêm mưa”.

Có lẽ đã dồn mọi tinh lực để thăng hoa ca khúc, thơ Văn Cao lác đác chớp sáng vài câu thơ lộng lẫy như “sông trắng bờ xa lộ bóng nhà” và “ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi”. Thơ Văn Cao dường như bị say nắng Thơ Mới, cái rạo rực “quê lòng rộng mở đường cho sạch/ đón những bàn chân trắng nuột nà” cứ nhang nhác Xuân Diệu, còn cái sầu não “Đường ở đây mưa ướt đất trơn/ Nắng lên không kịp kẻ kia hờn” cứ từa tựa Lưu Trọng Lư.

Giai đoạn lạc quan hào sảng, âm nhạc Văn Cao bùng nổ với “Tiến quân ca”, “Làng tôi”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Ngày mùa”, “Sông Lô”, “Bắc Sơn”, “Tiến về Hà Nội”... thì thơ Văn Cao nhen nhóm chia tay Thơ Mới. Trên gác trọ xóm cô đầu Vạn Thái nhìn về phía Ô Cầu Dền, Văn Cao viết “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” vào năm 1945 bằng ngọn gió run rẩy khác lạ.

Tuy vẫn còn chút hơi hướng cổ trang “Ta đi giữa đường dương thế/ Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây” nhưng nhiều chữ có hồn cốt mạnh mẽ kiểu Văn Cao đã xuất hiện như “ta lả nhìn cửa sổ mắt mờ rồi”, như “nhà ta thuê mái gục tự mùa thu”, như “ta về gác chiếu chăn gào tự tử”.

Nhấn thêm một bước, bài thơ “Ngoại ô mùa đông 1946” đánh dấu thơ Văn Cao trưởng thành, với những câu chưa từng có trong Thơ Mới như “ai kẻ dìu hoa chống phường Dạ Lạc” hay “một dãy phố nghiêng cả thành Hà Nội”. Và trong sự thay đổi bút pháp, có cả sự thay đổi tư tưởng, từ thái độ lưỡng lự “khăn lụa che ngang mày thét nhạc/ gót chân xanh khép giọng Tỳ Bà” sang hành động dứt khoát “đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông”. Tuy nhiên, bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” và bài thơ “Ngoại ô mùa đông 1946” chỉ tạo đà cho khoảnh khắc nhảy vọt trong thơ Văn Cao, đó là sự ra đời của trường ca “Những người trên cửa biển” viết vào mùa xuân 1956, giúp cán cân thơ – nhạc có thành tựu tương đương.

Với bốn chương chia làm 16 khổ thơ, trường ca “Những người trên cửa biển” được viết trên tinh thần “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”. Cái riêng hòa vào cái chung, “Những người trên cửa biển” như một “tổng phổ” về những năm tháng tận tụy của Văn Cao với thành phố cảng, từ sự thủ thỉ “quê mẹ quê cha cách một vườn trầu” đến sự san sẻ “kíp thợ đêm lê về đến xóm/ nghe rét mùa đông nổi cuối sông” và bất chợt hân hoan “những năm đầu chính quyền cách mạng/ giấc mơ của Hải Phòng/ như bóng cò trắng bay về lòng tôi thuở nhỏ”.

Thử thách thể loại trường ca đòi hỏi sức cảm sức nghĩ phi thường, cũng chính là cơ hội phô diễn một Văn Cao tài năng cồng kềnh. Hít thở không khí xứ sở độc lập tự chủ, Văn Cao khẳng định “có người hàng năm mặt trời không thấy mọc/ khép đùi xếp phách tiễn đêm đi/ hôm nay ngồi chép bài ca mới/ hương cốm mùi rơm ngát giếng đình” để mường tượng hòa bình đích thực “chúng ta sẽ trả về những bà mẹ Pháp/ núi hài cốt cuộc chiến tranh bẩn thỉu/ cũng như những người mẹ chúng tôi/ tiếc những dòng sữa, những cái hôn đã mất” và nghe được những va đập mỏng mảnh “tiếng thức dậy niềm cô đơn nuối tiếc/ những con người gần ánh sáng chưa quen”.

Mặt khác, với ý thức kẻ sĩ đau đáu với vận mệnh dân tộc, Văn Cao lập tức cảnh tỉnh “đất nước đang lên da lên thịt/ đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống”, và không ngần ngại vạch mặt mối hiểm nguy “hãy dừng lại/ những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc/ những tên muốn ôm cây to che cớm mầm non”.

Đánh giá một cách cẩn trọng, trường ca “Những người trên cửa biển” đã xác lập một vị trí nhất định trong nền thơ Việt Nam thế kỷ 20, bởi tình yêu mảnh đất “mỗi người dân Hải Phòng thật kiếm ăn từ nhỏ/ mỗi người dân Hải Phòng đều biết đổ mồ hôi” đã dựng được hình tượng nhà thơ Văn Cao chung thủy với thời đại “cuộc đời ôm tôi như trong một cái bình/ một tiếng vang vang cả lòng cả đáy”.

Giai đoạn can trường sắc sảo, âm nhạc Văn Cao chìm vào im lặng, chỉ vụt lên một “Mùa xuân đầu tiên” nôn nao cùng non sông thống nhất năm 1975. Tất cả tâm tư Văn Cao dồn hết vào thơ “tung ra hàng loạt hàng loạt/ những con người thật của chúng ta”.

Bao nhiêu năm âm thầm trong căn phòng khiêm nhường ở 108 Yết Kiêu – Hà Nội, thơ Văn Cao chắt lại như “tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ trong chậu nước” để đối diện với nghịch cảnh “có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được”. Hai bài thơ viết cho mùa thu ở hai cột mốc thời gian khác nhau vẫn không mấy khác nhau về xao xác, mùa thu 1968 “những bóng người loang trên Hồ Tây” và mùa thu 1992 “có tà áo trắng loang qua khung cửa” chứng tỏ ảo giác đơn lẻ hụt hẫng kéo dài qua vùng thơ ưu phiền. Bài thơ “Thức dậy” vỏn vẹn hai câu ít nhiều thể hiện được cứu cánh thi ca đối với Văn Cao: “Khi đêm tối tất cả người tôi thức dậy/ Những đam mê quên ngủ suốt ngày”.

Cô đơn và chịu đựng, Văn Cao chỉ có một nguồn động viên duy nhất “những ngày đau khổ ấy/ khuôn mặt em/ như mảnh trăng những đêm rừng cháy” để tiếp tục tin cậy nhân gian xuôi ngược “trên đường đi/ anh đặt em trên dốc núi/ để tìm lại những đường mềm của núi”.

Lời đề từ bài thơ “Ba biến khúc tuổi 65”, Văn Cao viết “những ngày buồn không nói được, tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi”. Do vậy, có thể hình dung giai đoạn viết trường ca “Những người trên cửa biển”, Văn Cao không khác gì một hiệp sĩ sử dụng trường kiếm, trong vô chiêu lẫn hữu chiêu đều tung tẩy kiếm ý và kiếm khí, còn thơ Văn Cao giai đoạn này đã quay sang sử dụng đoản đao nhăm nhăm những đòn dứt điểm. Không phải cuộc chơi nghệ thuật nữa, thơ Văn Cao trở thành cuộc truy vấn số phận.

Truy vấn số phận về sự khốn đốn “tôi rơi vào mạng nhện/ mạng nhện cuốn lấy tôi/ không cách gì gỡ được”, truy vấn số phận về sự được mất “con thuyền đi qua/ để lại sóng/ đoàn tàu đi qua/ để lại tiếng/ đoàn người đi qua/ để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” và truy vấn số phận về cả những “Giấc mơ” chập chờn: “Dưới mái nhà/ Một người đang ngủ/ Với giấc mơ của những vì sao/ Những vì sao đang kể chuyện/ Giấc mơ của mái nhà/ Giấc mơ của một người đang ngủ”.

Và nhờ cuộc truy vấn số phận miệt mài, Văn Cao được tự do tái sinh những trải nghiệm, từ trải nghiệm thua thiệt cá nhân “bỗng nhiên/ bóng của người ấy chia mất/ nửa mặt tôi/ một nửa mặt của tôi/ của tôi nửa mặt trắng/ miệng tôi nửa miệng đắng/ một con mắt tôi/ lặng lẽ lấp lánh/ sau bóng đen người ấy” đến trải nghiệm lầm lạc ân tình “những bó hoa mang tới/ chúc tụng/ thành công một con người/ hàng ngày hàng ngày/ xây thành cái mồ chôn/ con người thành công ấy/ người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa”.

Những câu thơ nặng trĩu tâm tư lắm lúc có thể ở lại vì bạn đọc, nhưng bao giờ cũng đến vì tác giả. Thơ hóa giải tủi hờn và bất trắc. Những câu thơ hoang mang và chấp chới tuyệt vọng của Văn Cao như “có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt” không chỉ kháng cự khổ hạnh cho tác giả, mà còn giúp độc giả cách hiểu một giọt nước mắt, cách nghe một tiếng thở dài.

Bởi lẽ, nỗi buồn không phải quan trọng nhờ được nhà thơ đắp lên những mỹ từ khoa trương, mà vì nhà thơ gõ vào trái tim mình để chứng minh nỗi buồn có ích cho việc nuôi dưỡng bản tính lương thiện của con người trước “Thời gian” khắc nghiệt: “Thời gian qua kẽ tay/ làm khô những chiếc lá/ kỷ niệm trong tôi/ rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn/ riêng những câu thơ còn xanh/ riêng những bài hát còn xanh/ và đôi mắt em/ như hai giếng nước”.

LÊ THIẾU NHƠN
Nguồn: VNCA


Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

“Sinh thái học tinh thần” hay là “Văn hóa học”?

Hiện nay ở Việt Nam có một quan niệm cho rằng sinh thái học văn học, ngoài xu hướng nghiên cứu mối quan hệ giữa sinh thái (môi trường tự nhiên) với văn học, còn có xu hướng nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với môi trường văn hóa tinh thần xã hội như là một vấn đề sinh thái, xem đời sống tinh thần xã hội là bối cảnh của sáng tạo văn học, coi những yếu tố của môi trường văn hóa tinh thần có tác dụng nuôi dưỡng, tác động đến văn nghệ là “môi trường sinh thái văn nghệ”. Vừa qua, xu hướng nghiên cứu này được một số người ở Việt Nam gọi là “phê bình sinh thái tinh thần”. Nó không nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với môi trường tự nhiên mà với chính đời sống văn hóa tinh thần của con người (N.V.D nhấn mạnh). Nhưng thực sự đây có đúng là phê bình sinh thái tinh thần không?
GS. Nguyễn Văn Dân

Nói lí thuyết thì dễ, nhưng giá như những người có quan điểm nói trên đưa ra được một ví dụ minh hoạ về một công trình phê bình sinh thái tinh thần theo nghĩa là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với môi trường văn hóa tinh thần thì người đọc sẽ hình dung được ngay kiểu phê bình này là thế nào. Chẳng hạn như tôi, khi đọc cái định nghĩa về sinh thái tinh thần trên đây, tôi liên tưởng ngay tới cuốn sách Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kì văn hóa Phục hưng của Đặng Thai Mai (1949) và tự hỏi: Cái này là phê bình sinh thái hay phê bình văn hóa học? Theo định nghĩa trên thì nó phải là phê bình sinh thái tinh thần. Nhưng tôi không tìm đâu ra cái yếu tố “sinh thái” trong công trình đó mà chỉ thấy ngay cái “khung cảnh văn hóa”. Cho nên nói lí thuyết chay mà không liên hệ với thực tiễn thì rất khó thuyết phục.

Sự thật là thuật ngữ “môi trường” có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là “điều kiện”, “hoàn cảnh”; nghĩa thứ hai là “điều kiện môi trường thiên nhiên”. Ở đây, trong xu hướng nghiên cứu nói trên, khái niệm “môi trường” trong cụm từ “môi trường văn hóa tinh thần” đã được hiểu là “điều kiện”, “khung cảnh”, “hoàn cảnh”, “bối cảnh”. Vì thế, việc nghiên cứu cái bối cảnh văn hóa tinh thần đó chính là một phần của văn hóa học, còn việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa tinh thần với văn học là lĩnh vực của văn hóa học văn học chứ không liên quan gì đến sinh thái học văn học. Việc này đã được nhiều người làm từ lâu, như Bakhtin với công trình Sáng tác của François Rabelais với văn hóa dân gian thời trung đại và Phục hưng (viết năm 1940 như là một luận án tiến sĩ, xuất bản năm 1965), Đặng Thai Mai với công trình như tôi đã nói, Trần Đình Hượu với công trình Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Trần Ngọc Vương với công trình Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam (1995)... Không ai có thể gọi những công trình này là “phê bình sinh thái”.

Và như vậy “phê bình sinh thái tinh thần” như quan niệm ở trên hoàn toàn không phải là sinh thái học văn học cũng như không phải là phê bình sinh thái học, mà nó chỉ là phê bình văn hóa học đối với cái “khung cảnh văn hóa tinh thần” mà thôi.

Chúng ta biết rằng sinh thái học là một ngành khoa học liên ngành nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa các cơ thể sống với môi trường thiên nhiên. Trong nhiều ngôn ngữ, thuật ngữ “sinh thái” có nghĩa gốc là “môi trường sống”. Ngành học này có nguồn gốc từ giữa thế kỉ XVI. Có thể coi công trình De re metallica (Về bản chất của kim loại) của nhà khoa học khoáng vật người Đức Georgius Agricola (tên thật Georg Bauer, viết từ những năm 1540, xuất bản năm 1556, một năm sau khi ông mất) là công trình đầu tiên nhắc đến ý tưởng sinh thái học khi ông viết: “Khi rửa quặng, nước dùng rửa quặng sẽ làm nhiễm độc các con nước, tiêu diệt hoặc xua đuổi các loài cá”. Tuy nhiên, phải đến giữa nửa cuối thế kỉ XIX thì ngành khoa học sinh thái mới chính thức được hình thành, từ đó, ngành khoa học này đã được mở rộng và phân chia thành nhiều nhánh như: sinh thái học tiến hoá, sinh thái học phân tử, sinh thái học nhân bản, sinh thái học xã hội, sinh thái học văn hóa, sinh thái học văn học, sinh thái học tinh thần, v.v... Nhưng vì là một khoa học liên ngành, cho nên các lĩnh vực chuyên ngành trên đây có sự liên hệ với nhau. Yếu tố then chốt của mỗi chuyên ngành là vấn đề “môi trường sống tự nhiên” (hay “môi trường thiên nhiên”) (tiếng Hi Lạp: “oikos”, tương đương “eco” trong “ecology” của tiếng Anh). Mỗi một chuyên ngành sinh thái học là một lĩnh vực nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề “môi trường sống tự nhiên” với yếu tố đặc thù của chuyên ngành đó, ví dụ sinh thái học xã hội nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với xã hội, sinh thái học văn hóa nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với văn hóa, sinh thái học văn học nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với văn học, và sinh thái học tinh thần nghiên cứu mối tương tác giữa vấn đề môi trường với yếu tố tinh thần của con người. Vấn đề “môi trường sống tự nhiên” chính là yếu tố trục của mỗi chuyên ngành sinh thái học. Những công trình nghiên cứu nào không gắn với vấn đề “môi trường sống tự nhiên” thì không phải là khoa học sinh thái.

Như vậy, “môi trường tự nhiên”, tức “eco”, mang một nghĩa chuyên môn chứ không phải nghĩa sinh hoạt. Chúng ta không nên nhầm lẫn “eco” ở đây với “môi trường” theo nghĩa là “điều kiện”, “khung cảnh”, “hoàn cảnh” trong ngôn ngữ sinh hoạt như một số người đã nhầm lẫn khi nói đến “phê bình sinh thái tinh thần”. Ví dụ như người ta có thể nói và vẫn nói: môi trường thanh niên, môi trường trí thức, môi trường báo chí, môi trường học đường, môi trường gia đình... (chẳng hạn khi ta nói “Trẻ em lớn lên trong một môi trường gia đình theo mô hình một thế hệ...” thì “môi trường” trong câu này là “điều kiện”, “khung cảnh”, “hoàn cảnh” chứ không phải “eco” trong sinh thái học). Và “môi trường” trong “môi trường tinh thần” hay “môi trường văn hóa tinh thần” cũng phải được hiểu theo nghĩa như vậy. Nếu cứ mở rộng nghĩa của từ sinh thái như thế thì sẽ dẫn đến tất cả mọi lĩnh vực nghiên cứu về hoàn cảnh của xã hội và con người đều là sinh thái học.

Thực ra “phê bình sinh thái tinh thần” có thể được hiểu là “sinh thái học tinh thần” với tư cách là một phân nhánh của sinh thái học. Các nhà khoa học trên thế giới quan niệm rằng sinh thái học tinh thần là nghiên cứu mối quan hệ giữa vấn đề môi trường tự nhiên với tinh thần, tín ngưỡng và tôn giáo, chứ không phải là nghiên cứu cái môi trường (hay khung cảnh) văn hóa tinh thần như quan niệm của một số người mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên.

Trên thế giới, sinh thái học tinh thần xuất hiện trong học thuật như là một lĩnh vực khoa học chủ trương rằng mọi vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên đều có một khía cạnh tinh thần, tín ngưỡng. Theo các nhà nghiên cứu ở Hoa Kì, sinh thái học tinh thần (tiếng Anh: “spiritual ecology”) có mấy nguyên tắc là: để giải quyết những vấn đề môi trường như sự suy kiệt giống loài, sự nóng lên toàn cầu, và sự tiêu dùng quá mức, nhân loại cần phải xem xét và đánh giá lại những thái độ và đức tin cơ bản của chúng ta về trái đất, cùng những trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh (quan điểm của Llywellyn Vaughan-Lee và những người khác trên diễn đàn của Đại học Yale, Hoa Kì). Cố vấn về biến đổi khí hậu của Hoa Kì James Gustave Speth đã nói: “Tôi thường nghĩ rằng những vấn đề môi trường hàng đầu là sự tổn hại đa dạng sinh học, sự tan vỡ hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Tôi tưởng rằng chỉ cần 30 năm với nền khoa học tiên tiến là chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề này. Nhưng tôi đã nhầm. Những vấn đề hàng đầu của môi trường chính là thói ích kỉ, là lòng tham và sự vô cảm, và để giải quyết những vấn đề đó, chúng ta cần một sự cải biến văn hóa và tinh thần”(1). Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, sự phục hồi và bền vững sinh thái nhất thiết phụ thuộc vào ý thức tinh thần và một thái độ trách nhiệm. Các nhà sinh thái học tinh thần đồng tình cho rằng điều này bao gồm cả việc công nhận sự sáng thế là thiêng liêng cũng như những ứng xử vinh danh sự thiêng liêng này.

Có thể coi cuốn sách Spiritual Ecology: The Cry of the Earth (Sinh thái học tinh thần: Tiếng kêu khóc của Trái Đất) do Llewellyn Vaughan-Lee chủ biên, (the Golden Sufi Center xuất bản lần đầu năm 2013, California, Hoa Kì), là cuốn sách cổ vũ cho sự ra đời của “phong trào sinh thái học tinh thần”, là phong trào đòi hỏi phải có những câu trả lời về tinh thần cho cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay. Cuốn sách có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động tôn giáo,... trong đó có Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam. Khi được hỏi: “Chúng ta phải làm gì để cứu Trái Đất của chúng ta”, Thiền sư đáp: “Điều cần thiết nhất chúng ta phải làm là hãy lắng nghe tiếng kêu khóc của Trái Đất đang vang vọng trong lòng ta” (được dịch sang tiếng Anh trong cuốn sách này là: “What we most need to do is to hear within us the sound of the earth crying”)(2). Câu nói nổi tiếng này được đưa lên trang giới thiệu cho cuốn sách. Theo tôi, câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là một định nghĩa ngắn gọn nhất nhưng cũng đầy đủ nhất về sinh thái học tinh thần: Hãy coi Trái Đất như là một thực thể thiêng liêng đang có nguy cơ bị huỷ diệt mà con người có nghĩa vụ đạo đức tinh thần đối với việc cứu vớt nó. Trong định nghĩa này có vấn đề sinh thái (câu nói: Trái Đất đang khóc), có yếu tố tinh thần, tâm linh (câu nói: con người hãy lắng nghe tiếng khóc đó) và có đạo đức học sinh thái (câu nói: điều cần thiết nhất). Tiến sĩ Llewellyn Vaughan-Lee là người giảng đạo Sufi và là người sáng lập Trung tâm Đạo Sufi Vàng (Golden Sufi Center) tại Bắc California, Hoa Kì.

Điều này rất phù hợp với tinh thần của UNESCO. Trong bản tuyên bố Mexico 1982, UNESCO đã nói đến trách nhiệm đạo đức của văn hóa. Từ trách nhiệm đạo đức, ngày nay người ta đang nói đến một nền “đạo đức học sinh thái”. Nhà triết học người Nhật nổi tiếng tên là Tomonobu Imamichi (từng là Chủ tịch Viện Triết học Quốc tế ở Paris, mất năm 2012) năm 2003 đã cho rằng, phẩm hạnh đạo đức mới của con người hiện đại trong kỉ nguyên toàn cầu hóa là kết quả của sự chuyển biến ngữ nghĩa từ phẩm hạnh đạo đức truyền thống sang phẩm hạnh “trách nhiệm về đạo đức sinh thái”(3). Ông Ban Ki-moon khi còn là Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 4-12-2015 rằng: “Các cộng đồng tín ngưỡng sẽ có ý nghĩa sống còn để cho những nỗ lực toàn cầu có thể giải quyết được thách thức của khí hậu. Họ nhắc nhở chúng ta về những chiều cạnh đạo đức của sự biến đổi khí hậu, và về nghĩa vụ của chúng ta đối với việc quan tâm đến cả môi trường mong manh của Trái Đất lẫn những người đồng loại trong cơn hoạn nạn của chúng ta”(4). Có thể nói, đạo đức học sinh thái là “trách nhiệm của chúng ta với Trái Đất” và cũng chính là sinh thái học tinh thần của thời đại ngày nay. Những chữ “Trách nhiệm với Trái Đất” và “Phát triển bền vững” đang được các tổ chức của Liên Hiệp Quốc nhắc đến nhiều nhất. Trái Đất luôn là trung tâm của sự quan tâm sinh thái học tinh thần. Như vậy, nghiên cứu đời sống văn hóa tinh thần ngoài mối liên hệ với môi trường tự nhiên thì không phải là sinh thái học tinh thần mà là “văn hóa học”.

Qua những gì mà các nhà khoa học và các nhà hoạt động xã hội - môi trường trên thế giới quan niệm thì thuật ngữ tiếng Anh “spiritual ecology” có thể được hiểu là “sinh thái học tinh thần” hoặc “sinh thái học duy linh” hay “sinh thái học tâm linh”. Đó là lí do giải thích tại sao phong trào “spiritual ecology” của thế giới lại có nhiều nhà hoạt động tôn giáo tham gia. Tuy nhiên ta có thể chấp nhận cách dịch phổ biến hiện nay ở Việt Nam là “sinh thái học tinh thần” (ngay bản chương trình song ngữ Anh - Việt của Hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái do Viện Văn học tổ chức ngày 14-12-2017 vừa qua tại Hà Nội cũng dịch như vậy), nhưng nên hiểu đó là cái nhìn sinh thái từ góc độ tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng và tôn giáo của con người. Thực tế sinh thái học tinh thần là một lĩnh vực nghiên cứu và phê bình sinh thái khởi phát từ phương Tây, nên người ta thường lấy thuật ngữ tiếng Anh “spiritual ecology” để diễn đạt. Tôi không biết các nhà khoa học Trung Quốc tiếp thu quan niệm nghiên cứu này như thế nào, nhưng những gì được một số nhà nghiên cứu Việt Nam phát biểu qua nguồn Trung Quốc cho thấy đã có một sự biến dạng khác xa quan niệm của “sinh thái học tinh thần” phương Tây. Nếu các nhà khoa học Trung Quốc muốn đưa ra một quan niệm mới về sinh thái học tinh thần mà không làm cho nó trùng lặp với một lĩnh vực nghiên cứu văn hóa đã hình thành từ trước thì đó là một chuyện khác. Nhưng nếu coi đó là quan niệm sinh thái học tinh thần của cả thế giới thì là một sự ngộ nhận. Đặc biệt là nếu đồng nhất quan niệm đó với lĩnh vực văn hóa học đang tồn tại thì lại càng là một nhầm lẫn không đáng có.

Nhà khoa học có thể phát minh ra một hướng nghiên cứu mới, đó là quyền tự do sáng tạo. Nhưng ở đây, việc phát minh ra hướng nghiên cứu gọi là “phê bình sinh thái tinh thần” đã vướng phải hai trở ngại làm cho nó không có lí do tồn tại: một là nó trùng tên với một lĩnh vực nghiên cứu đã có trên thế giới nhưng với nội dung hoàn toàn khác: đó là “sinh thái học tinh thần”; hai là nó trùng nội dung với một lĩnh vực khoa học khác của thế giới cũng đã xuất hiện từ lâu nhưng lại mang một cái tên khác: đó là “văn hóa học”. Đó là hai trở ngại để buộc nó nếu muốn tồn tại thì hoặc là phải đổi tên, hoặc là phải thay đổi nội dung. Đừng nên nói đây là ý kiến “đa nguyên” hay “trái chiều” để nguỵ biện cho quyền tồn tại của nó, mà thực tế chỉ đơn giản nó là một sự nhầm lẫn. Mà nhầm thì phải sửa. Không bao giờ được coi “nhầm lẫn” là “trái chiều”.

Như vậy, việc nghiên cứu cái “môi trường” văn hóa tinh thần thực sự không liên quan gì đến sinh thái và sinh thái học. “Môi trường” ở đây được hiểu là “khung cảnh”, “hoàn cảnh” chứ không phải là “môi trường tự nhiên”. Vì thế cách nói “môi trường văn hóa tinh thần” đồng nghĩa với cách nói ngắn gọn là “văn hóa tinh thần”. Vấn đề này thuộc lĩnh vực “văn hóa học” đã có từ lâu, không nhất thiết và không được gán cho nó cái thuộc tính “sinh thái học”. Việc gắn thêm thuật ngữ “môi trường” với nghĩa “hoàn cảnh” cho cụm từ “văn hóa tinh thần” thực chất là một hiện tượng mà trong logic học người ta gọi là sự lặp thừa (tiếng Anh: “tautology”). Trong logic học, sự lặp thừa xuất hiện khi người ta vô tình hoặc cố ý dùng ghép những từ, những câu khác nhau nhưng có khả năng diễn đạt cùng một ý, làm thành những phát ngôn không có thông tin mới. Theo tinh thần này, ta có thể bỏ thuật ngữ bị lặp thừa mà ý của cụm từ hay của câu vẫn được bảo toàn. Trong trường hợp của cụm từ “môi trường văn hóa tinh thần”, ta có thể bỏ thuật ngữ “môi trường” mà ý của cụm từ đó vẫn không thay đổi. Lặp thừa là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Trong một số tình huống diễn ngôn, lặp thừa có ý nghĩa tu từ. Tuy nhiên về mặt logic, sự lặp thừa không đơn giản chỉ là sự thừa chữ thừa câu, mà nó thường dẫn đến việc hiểu sai ý và làm nhầm lẫn quan niệm. Nhầm lẫn “môi trường” theo nghĩa sinh hoạt với “môi trường” theo nghĩa chuyên môn sẽ dẫn đến việc coi tất cả các nghiên cứu về “hoàn cảnh” đều là sinh thái học (vì thấy nó có chữ “môi trường”).

Như vậy, phê bình sinh thái văn học, hay sinh thái học văn học, nếu muốn kết hợp với “phê bình sinh thái tinh thần” hay “sinh thái học tinh thần” (hoặc “phê bình sinh thái duy linh” hay “sinh thái học duy linh”), thì phải làm rõ được cái khía cạnh tinh thần/ duy linh và vai trò của nó trong những vấn đề môi trường, chứ không nên biến cụm từ “sinh thái tinh thần”, gồm hai yếu tố là “môi trường sinh thái” và “tinh thần”, thành khái niệm lặp thừa gồm một yếu tố là “môi trường tinh thần” với nghĩa là “bối cảnh tinh thần” để nhầm lẫn phê bình sinh thái tinh thần với phê bình văn hóa học.

NGUYỄN VĂN DÂN
Nguồn: VNQĐ

________________

1. Spiritual ecology, https://en.wikipedia.org.
2. The Golden Sufi Center, https://goldensufi.org.
3. Tomonobu Imamichi, “The Concept of an Eco-ethics and the Development of Moral Thought” (Khái niệm đạo đức học sinh thái và sự phát triển tư tưởng đạo đức), Revue internationale de philosophie moderne (Tạp chí quốc tế về triết học hiện đại), Tokyo, Japan, 2003, pp. 1-9.
4. Spiritual ecology, nguồn đã dẫn.



Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Con người... tìm đạo

Là người cả đời gắn bó với nghề viết, viết văn, viết báo, viết phê bình, làm xuất bản sách trực tiếp một thời gian cho một công ty sách tư nhân, hiện đang là trưởng đại diện của chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn, kiêm cả trưởng ban Ban văn Trẻ - Hội Nhà văn TP HCM, và phụ trách thêm một tờ báo… Nhà văn Trần Nhã Thụy luôn trong tình trạng quá tải công việc…
Nhà văn Trần Nhã Thụy

Gặp Nhà văn Trần Nhã Thụy giữa buổi trưa, giữa quận 1 nắng gắt, trong ngôi nhà nhỏ đầy cây xanh của chi nhánh NXB Hội Nhà Văn, khi anh đang mải miết chuẩn bị cho buổi gặp mặt CTV của NXB Hội Nhà văn. Phải mất rất nhiều chờ đợi, mới có thể bắt đầu phỏng vấn. Chúng tôi trò chuyện về cuộc đời anh, về con đường văn chương, tư tưởng sáng tạo…

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Nơi tôi ở là một thị trấn nhỏ, có một chút nhộn nhịp của chợ búa, quán xá; phía trước mặt nhà. Nhưng từ sau lưng nhà trở ra là một cánh đồng lúa mênh mông. Cho nên, trong bối cảnh đó, có người sẽ bước lên phía trước, tức vào phố thị; còn tôi thì rút lại phía sau, tức hay lang thang ngoài cánh đồng. 

Lứa chúng tôi lớn lên trong thời bao cấp, cả xã hội lạc hậu, nghèo túng. Hình ảnh nhà tranh, vách đất, đèn dầu…; không phải là hình ảnh trong văn thơ, mà đó là đời sống thật. Tôi từng sống trong một ngôi nhà như vậy. Cũng may, hồi đó tôi còn quá bé, chưa cảm nhận hết nỗi lo toan vất vả của cha mẹ; chỉ thấy tâm hồn mình thấm đẫm thiên nhiên. 

Ngay từ bé, tôi là người rất yêu thiên nhiên. Nói có thể nhiều người không tin, nhưng tôi cắt cỏ, cắt lúa, cuốc đất… rất giỏi giang thậm chí giỏi hơn nông dân chính hiệu; mặc dù gia đình tôi không phải là một gia đình thuần nông. 

Đến bây giờ, tôi vẫn thương thớ tuổi thơ tôi. Và, tôi vẫn luôn khẳng định rằng: cuộc đời con người đẹp đẽ nhất vẫn là những năm tháng tuổi thơ. Nếu tuổi thơ mà được tắm mình trong không gian làng quê thì không gì hạnh phúc bằng. 

PV: Vậy trong muôn vàn điều đẹp đẽ của tuổi thơ ấy, ký ức nào theo anh đậm đà đến bây giờ?

- Có vô vàn những kỷ niệm tuổi thơ. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ. Bởi tuổi thơ ở nông thôn là tuổi thơ dữ dội, tuổi thơ côi cút, dù có gia đình bên cạnh. 

Chúng tôi lớn lên vừa sau chiến tranh (tôi sinh năm 1973, năm 1975 thì thống nhất đất nước), làng quê còn rất nhiều bom đạn. Trên đường đến trường, có bạn vô tình dẫm phải trái mìn nổ chết ngay tại chỗ. Có bạn nghịch ngợm lấy đá ném qua ném lại, không ngờ đó là đầu đạn M79, thế là nổ đùng, phải chở đi bệnh viện thị xã cấp cứu. Tôi nghe người lớn nói, đầu đạn M79 bình thường không nổ, thậm chí dùng búa đập cũng không nổ, nhưng khi nó quay đủ vòng quay gì đó thì sẽ nổ tung. Tức là cú nổ đầy bất ngờ. Đầu đạn M79 rửa sạch thì vàng chóe đẹp vô cùng, cứ như những thỏi vàng ròng. Chính tôi đã bụm một bụm những “thỏi vàng” trước bụng áo để mang về nhà. Ba tôi thấy vậy thì lập tức mang đi bỏ trên dông (tức trên quả đồi, ở quê tôi người ta gọi là dông), rồi quay về bẻ roi quất cho tôi một trận nên thân.  

Bọn trẻ chúng tôi chơi trò trốn tìm, thỉnh thoảng vẫn chui nhầm vào những hầm tránh bom, còn nồng nặc mùi lựu đạn hơi cay (quê tôi gọi là mù cay, tức cay mù mắt), thế là lào nhào chui ra, vừa chạy vừa chùi nước mắt. 

Sau này, lớn lên, đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tôi thấy dường như không gian nông thôn trong tác phẩm của ông cũng phảng phất như quê tôi. Đặc biệt Nguyễn Huy Thiệp rất giỏi, tinh tế khi mô tả cái bầu sinh quyển làng thôn. Tôi vẫn nhớ những đêm đi soi cá đồng cùng với ba. Hai cha con xách một cái đèn măng – sông, soi trên mặt nước; cứ như thế chân lội từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Chúng tôi đi từ tầm 8 giờ tối đến 2 giờ sáng. Khi giật mình dừng lại, thấy mình đứng ở giữa mênh mông, hoang vắng rợn người. Cũng là một cánh đồng, nhưng nó không còn là cánh đồng của làng mình. Nó như một chuyến đi xuyên biên giới. Một chuyến đi xa kỳ vĩ nhất trong cuộc đời. Chúng tôi giật mình, rồi lầm lũi quay trở về. 

À, xin được nói thêm, tuổi thơ của chúng tôi rất… ít nói. Dường như mỗi ngày chúng tôi chỉ nói vài từ hay vài ba câu. Bây giờ thì người ta nói nhiều quá. Nói không kịp nghĩ. 

Giữa làng quê vừa mang mùi khói bom đạn, lại cũng đầy màu sắc ảo huyền ấy có những dấu hiệu nào liên quan đến con đường văn chương sau này của anh không?

- Lúc nãy, chị có hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất? Thật ra thì nhớ nhất hay nhớ nhì nó phụ thuộc vào tâm trạng, vào sự phục hồi trí nhớ. Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là kỷ niệm lần suýt chết đuối. 

Hồi đó, tôi còn là một đứa trẻ chăn bò. Và, như bao đứa trẻ chăn bò khác, chúng tôi sống hoang dại ngoài cánh đồng, trên nương rẫy. Mùa nắng ấm, chúng tôi lùa bò ra ngoài đồng, dắt chúng gặm cỏ trên những bờ vùng bờ thửa, trên kênh thủy lợi và dong bò vào những gò mả lớn để tụ tập chia phe chơi đánh trận giả. Mùa đông mưa dầm dề thì lùa lò lên dông, chui vào những cái mả lớn có mái che để trú ẩn, đào trộm khoai lang, nhóm lửa nướng ăn.

Khi đi chăn bò, trong một lần tập bơi cùng đám bạn, chẳng may tôi bị hút ra ngoài khúc mương sâu, tôi “giã gạo”, uống đầy nước vô bụng rồi chìm dần. Tôi nghĩ mình đã chết. Nhưng may mắn tôi được cứu sống vào giờ chót. Những kỷ niệm đó, về sau này, tôi có viết trong truyện ngắn Những bước chậm của thời gian. 

Nhưng có thể nói, tôi không phải là một nhà văn “hiện thực xã hội”, mặc dù tôi có thể tự hào nói mình có rất nhiều vốn sống, nhiều chất liệu thực tế để viết. Hồi xưa và ngay cả bây giờ cũng vậy. Tôi quan niệm văn chương là hư cấu. Văn chương nên được bắt đầu từ tâm trạng thật hơn là câu chuyện thật. Ví dụ, khi nghe ai đó khoe rằng: “Truyện này được viết từ câu chuyện có thật 100%” thì tôi tụt hứng ngay và có thể là chẳng bao giờ đọc. 

À, thật ra thì hồi bé tôi rất ham đọc sách, nhưng chẳng bao giờ muốn viết văn hay trở thành nhà văn gì đâu. Tôi ước mơ sau này sẽ thành một ông chủ, kiểu như chủ một trang trại hay chủ một xưởng bánh kẹo gì đó đại loại. Vì quê tôi ngày đó rất nổi tiếng về mía đường, bánh kẹo. Nói chung, tôi luôn ước muốn được sống như một người bình thường. 

Con đường văn chương của anh bắt đầu như thế nào?

- Càng về sau thì tôi càng thấy rõ ràng văn chương nó thấm vào tôi từ lúc nào, rồi đến một lúc nó… chảy ra mà thôi. Chứ thành thật mà nói, tôi không có ý định trở thành nhà văn, cũng không có cái khát khao viết lách để được nổi tiếng, để lưu danh trong đời, hay để “trả nợ” gì gì đó như nhiều nhà văn vẫn tuyên bố. 

Nếu chị để ý sẽ thấy, ngay từ lúc còn rất trẻ tôi đã không tham gia vào bất cứ một bút nhóm nào. Ngay cả bây giờ, dù có tham gia vào vài tổ chức nghề nghiệp, nhưng thực chất tôi vẫn là nhà văn… một mình. Đó là quan niệm từ xưa nay của tôi. 

Cũng xin nói thêm, khi tôi cầm bút thì bạn bè tôi nổi tiếng ghê lắm. Nhiều cây bút trẻ nhưng đã là “bạn tri kỷ” với những nhà văn gộc, như Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Duy…Tôi cũng muốn lắm, nhưng vốn nhát, lại thấy mình chả có tài cán gì, cho nên cứ lặng lẽ. Lặng lẽ miết cũng thành quen và thấy cũng có cái hay của nó. 
Dù không muốn thì cuộc đời anh cũng gắn bó với văn chương. Anh có thể chia sẻ những diễn biến về tư duy, cảm xúc của anh từ những trang viết đầu tiên?

- Gần đây, tình cờ tôi gặp nhiều bạn trẻ ở lứa tầm 30. Họ là những trí thức, có học hành nghiêm túc, có cống hiến nhất định cho xã hội. Nhưng khi nói về điều mà họ băn khoăn nhất thì họ nói về bản thể, về việc đi tìm chính mình. Nói nôm na, hầu hết họ đều mắc những vấn đề về tâm lý. Thì tôi chợt nhận ra rằng, ngay từ khi còn rất trẻ (từ 15 đến 20 tuổi), tôi thường đắm chìm vào những suy nghiệm cuộc đời, tôi thường đặt ra câu hỏi: Cuộc đời, rốt cuộc là gì?; Ý nghĩa cuộc đời, là gì vậy?. Đó là những câu hỏi siêu hình, nhưng nó cứ “ăn nằm” với tôi hằng ngày. 

Rốt cuộc thì ý nghĩa cuộc đời là gì? Đến giờ này tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời thích đáng. Nhưng tôi không còn loay hoay với nó nữa. Tôi sống bớt lý thuyết, bớt “làm màu” hơn. Tôi nghĩ cứ sống thôi, lý luận chả để làm gì, cũng chả giải quyết được gì. 

Cho nên, nếu nhìn lại, với một chút thao tác gọi là khảo sát, sẽ thấy văn chương của tôi viết ra từ nỗi buồn. Buồn quá mà viết văn. Chứ tôi viết văn không phải vì nghèo hèn, viết để kiếm tiền, mặc dù đến giờ vẫn nghèo hèn và vẫn có nhu cầu kiếm thật nhiều tiền. 

Viết văn với tôi là nhu cầu tự thân. Không viết không được. Đơn giản vậy thôi. 

Đến bây giờ, anh đã có định hình về mục đích trên con đường văn chương của anh?

- Không. Không hề có mục đích gì cả. Hay nói đúng hơn, mục đích duy nhất là viết ra nó, còn lại không có gì quan trọng nữa. Nói chị không tin, tôi chưa từng lưu giữ bất kỳ một văn bản nào, ngoài những cuốn sách đã xuất bản thì giữ mỗi cuốn 1 bản để làm kỷ niệm. Còn những truyện đăng báo, những bài viết về tôi, tôi cũng có xem qua, nhưng rồi… hững hờ ngay sau đó (Cười).

Anh từng nói: “Nhà văn, không thể lấy gì khác để khỏa lấp hay biện minh, ngoài trang viết, ngoài tác phẩm để lại của mình”. Nói rõ hơn, nhà văn chỉ có tác phẩm mới minh chứng được cho chính bản thân?

- Tôi có anh bạn thân là bác sĩ -TS Y khoa, sau một chuyến đi Nhật về có kể cho tôi nghe câu chuyện về một người lao công người Nhật, vào giờ tan tầm, vẫn cố nán lại, cúi xuống, chăm chú đưa chiếc khăn vào chỗ góc bàn để lau cho sạch vệt bụi. Sự chăm chú gần như quên lãng thời gian và mọi người xung quanh. Và như vậy, chiếc bàn được sạch sẽ đến chỗ cuối cùng, chỗ mà chỉ có người lao công mới biết được. Và, bạn nói, chỗ đó chính là giá trị của người lao công. 

Câu chuyện thật sự gợi cho tôi suy nghĩ về giá trị của mỗi người. Nhớ có lần, ngồi với một bạn trẻ, tôi có nói đại ý rằng: xã hội mình lạ lắm, dường như chẳng ai bằng lòng với công việc mình đang làm. Giáo viên thì suốt ngày toan tính chuyện mánh mung. Nhà văn thì suốt ngày ngóng chuyện làm giàu. Còn mấy ông làm ăn thuộc loại business thì lại … khoái làm thơ cho nó sang (!) 

Vậy giá trị thật sự của mỗi người nằm ở đâu. Tôi mạo muội đưa ra suy nghĩ của mình như thế này: Giá trị của một cầu thủ là đá bóng hay. Còn anh ta có đẹp trai hay không cũng chẳng có gì quan trọng. Giá trị của một anh lái taxi là thông thạo đường xá, lái xe an toàn. Còn ảnh có nhặt của rơi hay không chỉ là điểm tính thêm. 

Có nghĩa là, trong giá trị cũng có thể chia: giá trị chính và giá trị phụ. Mỗi người phải hiểu giá trị chính của mình nằm ở đâu. Giá trị của một người cha là nuôi nấng và che chở con cái mình. Giá trị của một người làm sếp là trả lương đầy đủ và đúng ngày cho nhân viên. Chứ không như nhiều ông suốt ngày khoe mình là thiên tài làm báo mà báo bán không ai mua, tiền nhuận bút đã thấp còn nợ dầm dề không trả.

Giá trị của một người thầy là dạy nên học trò giỏi chứ không phải giỏi chửi học trò dốt... 

Cuối cùng giá trị của một nhà văn là viết nên những tác phẩm hay phục vụ bạn đọc. Anh có thể giàu có hoặc quyền lực, nhưng những giá trị đó không thể thay thế giá trị văn chương của chính anh. Anh cũng không thể tạo nên giá trị cho mình bằng cách bày trò hãm hại làm giảm giá trị của người khác. Tôi nhận thấy trong sinh hoạt văn chương đầy rẫy sự nhỏ nhen, đố kỵ. Chính sự đố kỵ đã biến nhiều người trở thành kẻ độc ác, mà chính họ cũng không nghĩ mình đã thành như vậy.

Anh đã minh chứng điều trên bằng hơn 10 tác phẩm của mình?

- Ồ không, tôi không việc gì phải chứng minh cả, và tôi viết văn cũng chẳng để chứng minh gì cả. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu về tôi, thì cũng nên đọc qua những tác phẩm của tôi một chút. Thời buổi này, người ta thường đánh giá nhà văn không bằng tác phẩm, mà bằng những kênh khác, nơi khác. Ví dụ, tôi từng bị nhiều bạn “hỏi khó” đại loại rằng: “Sao vấn đề này, câu chuyện này, không thấy anh viết gì trên facebook hết vậy? Có phải anh hèn, anh sợ không?”

Ồ, tôi cũng hèn, cũng sợ đủ thứ chứ. Nhưng không vì thế mà tôi không viết. Tôi cũng là người làm báo, tôi xử lý thông tin sau mặt báo, tôi viết bài bình luận đăng trên tờ báo của mình. Và, không việc gì tôi phải “khoe” điều đó trên trang facebook cả. Vả lại, bạn tài giỏi thì bạn cứ viết đi, viết cho cả thế giới đọc, bạn “đá móc” tôi làm gì cho mất thời gian? Hơn nữa, có thể bạn không biết, những điều mà bạn đang nghĩ, đang quan tâm, thật ra tôi đã viết từ lâu rồi. Nói tóm lại, đừng nên phán xét ai khi chúng ta chưa biết rõ về họ. 

Giữa bộn bề công việc, anh vẫn viết đều, vậy anh có thể chia sẻ làm thế nào để anh luôn giữ được nhịp sáng tạo trong mình?

- Thật ra thì dù làm gì, cuối cùng tôi vẫn yêu mến công việc viết văn nhất. Cho nên, đôi khi, sau những “lạc lối” thì mình cũng tìm cách quay trở lại. Như đã nói ở trên, tôi tự hào mình có nhiều vốn sống, sự trải nghiệm; bên cạnh đó tôi cũng duy trì việc đọc sách, học hỏi thường xuyên. Cho nên, trong tôi lúc nào cũng có nhiều dự án văn chương. Chỉ là thu xếp được chút thời gian thì viết ra mà thôi. 

Mới đây, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan có hỏi tôi rằng: “Mấy năm gần đây thấy ông hoạt động xã hội nhiều quá, vậy còn hứng thú viết văn không?” Tôi trả lời ngay rằng hoạt động xã hội không hề dập tắt đam mê sáng tác mà ngược lại là đằng khác. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Hãy sống đi rồi hãy viết”. Khi vốn sống đầy ắp thì chuyện viết sớm muộn gì cũng đến mà thôi. 

Khi đọc văn của anh có thể thấy anh thường cẩn trọng khi giữ nhịp điệu trong cách kể và văn của anh cũng giàu nhạc tính?

- Tôi đánh giá cao lao động nhà văn. Tôi không thích những nhà văn cẩu thả. Nếu anh ra chợ mua một miếng thịt heo, thì ít ra anh cũng làm món luộc, chứ không thể bắt… bạn đọc nhai món thịt sống. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần từng nói: “Viết văn cũng giống như… xắt thịt, phải xắt sao cho miếng thịt trông đẹp mắt”. Một nhà văn mà thua cả bà hàng thịt thì… hỏng quá (Cười)

Còn cái nhạc tính mà chị nhận ra, tôi cảm ơn và hạnh phúc vô cùng. Thật ra, thì khi mình viết bằng câu chữ của tâm trạng, tự câu chữ đã có nhạc tính, chữ nọ nối chữ kia, câu nọ nối câu kia. Nó tương tự như những cú đỗ domino, nhẹ nhàng thôi, nhưng hiệu ứng vô cùng. 

Cũng có thể thấy anh chú trọng vào việc làm đẹp và sáng khi sử dụng từ ngữ! 

- Lẽ dĩ nhiên tôi rất chú trọng vào việc dùng câu chữ. Nhưng nhiều khi mình cũng đành bất lực khi không thể điều khiển câu chữ được. Nói cho cùng, không phải là viết cái gì mà là viết như thế nào. 

Vậy qua các tác phẩm đã viết, anh có thể cảm nhận được điều anh muốn truyền tải  thông qua văn chương?

- Đây là một câu hỏi quá khó đối với tôi. Thật ra thì tôi chỉ là một anh nhà văn quèn, nhà văn hạng hai mà thôi. Tôi không có tham vọng hay muốn truyền tải thông điệp gì thông qua văn chương để gửi đến nhân loại cả (Cười). Tôi chỉ nghĩ rằng: “Mình chỉ sống một cuộc đời, mà cuộc đời thì hữu hạn và chán ngắt, chỉ có sáng tạo mới có cơ hội bước ra những giới hạn và giúp mình sống thú vị hơn”. Tôi viết vì những suy nghĩ nhỏ bé vậy thôi. Nói như vậy không có nghĩa là tôi cứ viết “hồn nhiên như cô tiên”. Tôi cũng “cài cắm” vài thứ trong đấy, nhưng nó là gì thì tôi để cho bạn đọc tìm kiếm và… phán xét. 

Anh thường sáng tác trong hoàn cảnh nào và cảm xúc của anh khi ngồi trước trang viết?

- Tôi có thể viết ở bất kỳ đâu, giữa đám đông hoặc giữa rừng già hoang vu. Nhưng tôi thường viết nhất là trong những tiệm cà phê, vào những buổi sáng và tiếp tục vào buổi chiều. Tôi ít khi viết vào buổi tối. 

Thật ra thì tôi là người luôn trì hoãn việc viết, cực chẳng đã lắm, khi… chịu hết nổi thì mới viết (Cười). Nhưng tôi luôn duy trì việc ghi chú cho những gì muốn viết, sắp viết. 

Cảm xúc của tôi mỗi khi ngồi viết là như thế này: “Mình lại viết văn nữa à? Sao phải như thế này?”

Viết văn với anh là việc tự nhiên như hơi thở, là việc đương nhiên không thể ngừng, vậy anh cân bằng thế nào giữa viết văn và các công việc khác? Cân bằng với bản tính nghệ sĩ và là người quản lý?

- Thật ra thì tôi là một người bình thường, chỉ có viết văn là không được… bình thường mà thôi. Cho nên, bản thân tôi có thể làm tốt rất nhiều việc: chăm con, đi chợ nấu ăn, sửa chữa nhà cửa… Tôi chưa từng làm “sếp” to (mà có thì tôi cũng không dám làm), nhưng thường được tin cậy vào vai trò leader (trưởng nhóm) tôi là người có khả năng giải quyết những việc cụ thể.

Tôi nghĩ nhà văn thì nên có chất nghệ sĩ, có tâm thế nghệ sĩ, tức bay bổng, không phán xét. Nhưng tôi rất sợ những ai “nghệ sĩ tính” quá, tức sống vô tâm, vô tình, vô trách nhiệm. 

Ngoài việc viết văn, anh còn làm báo, từng có thời gian phụ trách phần giới thiệu bình luận những tác phẩm văn chương của đồng nghiệp, điều này có ảnh hưởng tới việc sáng tác ra sao?

- Chẳng giấu gì, hồi trẻ tôi đọc rất nhiều sách công cụ, sách lý luận phê bình. Tôi thấy mình cũng có thể lãnh hội được và có tư chất phê bình. Đến bây giờ tôi vẫn đọc sách công cụ nhiều hơn là sách văn chương. 

Nhưng rồi tôi vẫn không chọn nghề phê bình, vì đơn giản tôi thấy sáng tác thú vị hơn. Phê bình có lẽ dành cho những ai không có… năng lực sáng tác (Cười). Hoặc ai đó muốn làm “đại ca”. Tất nhiên, chỉ nói vui thôi. Phê bình không đơn giản. Tôi nghĩ phê bình cũng như làm thầy, phải thông tuệ và phải trí tuệ mới đảm đương nổi. Cho nên, ở đời này có hai việc tôi không bao giờ dám làm, đó là: đi dạy và viết phê bình. 

Còn việc viết giới thiệu tác phẩm, hay bình luận ngắn thì… quá dễ dàng đối với tôi, như lấy món đồ trong túi ra mà thôi (Cười). Nó không ảnh hưởng gì đến sáng tác của tôi cả. 

Anh từng viết: “So sánh có vẻ hơi khập khiễng, nhưng cá nhân tôi thấy rằng con đường trở thành một nhà văn đúng nghĩa cũng giống như con đường tu của đạo Phật. Nghĩa là chúng ta cũng phải đi theo từng bước: Văn -Tư -Tu - Tín -Nguyện -Hành  tức Nghe - Nghĩ -Sửa Mình -Tin - Nguyện/ Dấn thân -Hành động (…) Nếu ai đi đúng đường như vậy, một cách bền bỉ, chắc chắn sẽ thành công”.  Anh có thể giải thích rõ nghĩa hơn điều này?

- À, nó là thế này, Văn -Tư - Tu được gọi là Tam học. Văn trong giáo lý nhà Phật thì Văn gọi là Nghe, bởi ngày xưa chỉ toàn nghe, truyền khẩu; nhưng thật ra Văn cũng có nghĩa là Đọc, là học hỏi, là… nghe ra điều hay lẽ phải. Chứ Nghe không phải là… nghe ngóng, hóng hớt. Nói chung đây là các bước thực hành để tu đạo, làm người. 

Ở VN mình, con người ta dường như chỉ trở nên tử tế từ tuổi 60, tức từ khi về hưu, và khi già cả sắp chết mới tìm đến đạo. Thật ra thì tất cả có thể mờ mịt, tan tác, nhưng Đạo vẫn luôn sáng rõ, luôn tồn tại. Một người có Đạo khác với một kẻ vô Đạo. 

Tôi chỉ nói vậy thôi, bằng trải nghiệm cá nhân mình, chứ không dám dạy bảo ai.  

Xin cảm ơn anh và chúc anh một Năm Mới tràn đầy hoan lạc với những sáng tạo hay mới.

NGUYỄN QUỲNH TRANG thực hiện
Theo Tinh Hoa Việt



Chất vấn thói quen và hành trình sáng tạo trong thơ Phan Hoàng

Từ tập thơ Tượng tình (1995) đến Hộp đen báo bão (2002) và Chất vấn thói quen (2012), hành trình thơ của Phan Hoàng đã trải qua hàng chục năm lao động miệt mài trên cánh đồng thơ. Để rồi sau mười năm, từ tập thơ Hộp đen báo bão Phan Hoàng xuất bản Chất vấn thói quen chỉ với 36 bài thơ, điều đó cho thấy anh là người rất cẩn trọng với thơ, rất trân trọng người đọc…
PGS. TS Trần Hoài Anh

1. Không phải ngẫu nhiên, tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng, (Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2012), khi xuất hiện trên văn đàn đã tạo một cơn địa chấn trong đời sống văn học với hàng chục bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà theo thống kê chưa đầy đủ trong Chất vấn thói quen - Tác phẩm và dư luận thì có 21 bài như: “Thay đổi cảm hứng bầu trời” của Nguyễn Quyến, “Bốn ấn tượng về Chất vấn thói quen” của Trần Phò; “Một xuất phát mới trong thơ Phan Hoàng” của Đặng Huy Giang; “Giọng thơ hào sảng rất riêng” của Trần Nhã Thụy; “Lao vào mọi dòng xoáy biển đời, chất vấn thói quen” của Hoàng Thụy Anh; “Những cơn bão ký tự ấm trong thơ Phan Hoàng” của Phạm Ngọc Hiền; “Suy nghiệm từ cuộc sống trút vào thơ” của Trần Huy Minh Phương; “Thơ Phan Hoàng tiếng kêu thảng thốt của những nền tảng văn hóa xã hội đương thời” của Hoa Nip; “Cơn bão ký tự mới” của Vũ Thanh Hoa; “Thèm làm một ngọn gió rong chơi” của Anh Thư; “Hà Nội nồng nàn cùng chất vấn thói quen” của Phan Đình Minh; “Nhà thơ Phan Hoàng và người tình ma lực” của Nguyễn Quỳnh Trang; “Phan Hoàng xông đất văn học thủ đô” của Hiền Nguyễn; “Phan Hoàng được tặng khăn trong lễ ra mắt thơ” của Dương Tử Thành; “Nhà thơ Phan Hoàng day dứt với làng quê” của Đào Đức Tuấn; “Nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng: “Báo là nghề, thơ là nghiệp”” của Nguyễn Tý và Phùng Hiệu; “Nhà thơ Phan Hoàng: “Chất vấn thói quen” hay là sự chối bỏ các khuôn mẫu” của Bình Nguyên Trang; “Nhà thơ Phan Hoàng: Thơ là cái đẹp hiện hữu tâm hồn mỗi người” của Hàn Thanh Nhân; “Nhà thơ Phan Hoàng: Thơ hay như phụ nữ có duyên” của Loan Trầm. Và cho đến đầu năm 2015, tức sau ba năm tập thơ được xuất bản vẫn tiếp tục có những bài viết về Chất vấn thói quen đăng tải trên báo chí: “Học cách ‘chất vấn’ từ Phan Hoàng của Phan Thuỷ, “Cuộc chiến khắc khoải mười năm vật vã cơn bão chữ” của Quang Hoài…

Các bài viết dù xuất phát từ những điểm nhìn khác nhau, của những người làm nghề nghiệp khác nhau, sống ở những miền quê khác nhau nhưng đều có sự gặp gỡ chung đó là sự nhận diện về cái mới, cái lạ như một sự bứt phá trong thi pháp thơ của Phan Hoàng. Đó là sự lột xác để từ bỏ những thói quen cũ, cái nhìn cũ, tư duy cũ, một điều cốt tử trong hành trình sáng tạo thi ca, cũng như các lĩnh vực sáng tạo khác trong đời sống xã hội. Bởi, bất cứ một sự vật hiện tượng nào trong đời sống cũng dung chứa trong nó cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thói quen, từ góc nhìn văn hoá cũng hàm chứa trong nó cả hai mặt trên. Nghĩa là có thói quen tốt nhưng cũng có thói quen xấu và việc bỏ được một thói quen xấu cũng như rèn luyện một thói quen tốt là hành trình không đơn giản. Không những thế, việc chất vấn, đối thoại với thói quen của chính mình là một thách thức không dễ vượt qua. Việc Phan Hoàng chọn tiêu đề với một cái tên rất lạ, nghe chẳng thơ chút nào “Chất vấn thói quen” làm tựa đề cho tập thơ của mình, phải chăng cũng là cách tác giả muốn phá vỡ một “thói quen” thường thấy trong sáng tác thơ ca, khi trong các “chợ thơ” tràn ngập các tập thơ với những cái tên nghe “rất kêu”, “rất nổ”, “rất bốc” và… “rất sáo” như: miền yêu, giọt nắng, giọt hoa, giọt mơ, giọt hồng... mà khi đọc thơ chỉ là những con chữ rỗng tuếch, vô hồn, những cảm xúc giả tạo nhưng lại được một số nhà “phê bình” tung hê là “mỹ học” của “cái này, cái khác”... Chính những thứ thơ màu mè, vô vị được PR bởi lối “phê bình xu phụ” kia đã tầm thường hóa giá trị của thơ, làm cho bạn đọc quay lưng với thơ, xa lánh thơ. Rất may, thơ Phan Hoàng không rơi vào trường hợp này. Đọc Chất vấn thói quen không phải câu thơ nào trong tập thơ cũng toàn bích và không phải không còn những chỗ cần được hoàn thiện trong thi giới, trong cảm xúc, trong tư duy thơ. Nhưng có điều chắc chắn ở tập thơ này ta không còn nhận ra cái thi giới quen thuộc của thơ Phan Hoàng trước đây mà đã có một sự lột xác trong bút pháp và tư duy thơ. Chất vất vấn thói quenkhông chỉ là sự chất vấn bản thể, một chất vấn mang tâm thức hiện sinh trước những vấn đề nhức nhối của nhân sinh và phận người mà còn là sự chất vấn thi pháp và tư duy thơ của chính mình để tìm ra chân trời mới cho hành trình sáng tạo thi ca. Ở Phan Hoàng sự tự lột xác này không phải là vấn đề bản năng, tự phát mà hơn hết và trên hết là sự tự ý thức của hành trình dấn thân ở một thi sĩ không bao giờ muốn gặm nhấm mình, muốn “ăn mày dĩ vãng” để “tự sướng”, “tự sung”, “tự kêu”... rồi không bao giờ chịu đổi mới hành trình sáng tạo của mình như anh đã xác quyết: “Một người cầm bút không gì đau khổ hơn là lặp lại chính mình và lặp lại của người khác. Để tránh cái lối mòn ấy, cái thói quen ấy cần có sự dũng cảm. Thói quen lặp lại không chỉ đang chi phối đời sống sáng tạo thi ca, mà nó còn hiện diện trong cả sách giáo khoa văn học lẫn phương pháp giảng dạy của giáo viên môn văn. Tôi gọi đó là thói quen không biết sợ hãi. Bởi nếu biết sợ hãi, ý thức về sự trì trệ của đời sống thơ ca thì những người liên quan phải tìm cách thay đổi, để cái đẹp của thi ca và văn học sinh sôi nảy nở” (Chất vấn thói quen – Tác phẩm và dư luận).

Vâng! Để chống lại thói quen “cần phải có sự dũng cảm” kể cả thói quen “không biết sợ hãi”. Bởi, từ bỏ một thói quen đơn thuần đã khó, từ bỏ một thói quen đã hằn sâu trong tư duy sáng tạo lại càng khó hơn. Ý thức được điều này, Phan Hoàng luôn “chất vấn thói quen” trong tư duy thơ với một hành trình khám phá để luôn làm mới mình, làm cho cõi thơ mình thực sự lấp lánh một vùng ánh sáng của những dự phóng sáng tạo.

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?

                                                                (Chất vấn thói quen)

2. Đọc Chất vấn thói quen của Phan Hoàng, ta thấy những trăn trở về sự thay đổi thói quen trong tư duy thơ là một tâm thức hiện sinh luôn ám ảnh hành trình sáng tạo thơ của anh. Và những cảm hứng sáng tạo này được thể hiện qua sự kiến tạo thế giới thi ca của tác giả từ việc chọn lựa thi đề, giọng điệu, ngữ ngôn, ảnh hình, cấu trúc mỗi bài thơ và của toàn bộ tập thơ.

Và có thể nói Chất vấn thói quen là một diễn ngôn có tính đa nghĩa, là một “văn bản dở dang” nhằm đối thoại với người đọc về những vấn đề của đời sống để tìm sự sẻ chia, để cho những con chữ vô hồn kia trở thành một tín hiệu thẩm mỹ kết nối thi nhân và độc giả. Đây cũng là ý thức về vai trò của người đọc trong tiếp nhận văn học, một điều mà không phải người cầm bút nào cũng nghĩ đến. Điều nảy cho thấy sự thay đổi hệ hình trong tư duy thơ của Phan Hoàng mà những bài thơ như: “Chữ nghĩa thị trường”, “Cơn bão ký tự mới”, “Văn bản dở dang”, “Chất vấn thói quen”, “Tình yêu tiếng mẹ dở dang”... là một minh chứng cho sự đổi thay này...
Chất vấn thói quen và các tập thơ khác của Phan Hoàng

Thơ ca bao giờ cũng là tiếng gọi thê thiết đối với người đọc và sự đồng vọng của tiếng gọi từ người đọc sẽ là “tiếng chim gọi đàn” làm lay động vũ trụ thi ca. Vì vậy, có thể xem bài thơ “Văn bản dở dang” là tuyên ngôn nghệ thuật cho hành trình sáng tạo thơ Phan Hoàng khi nhà thơ biết “chất vấn”, biết từ bỏ “thói quen” lỗi thời trong tư duy của lối thơ ca minh hoạ đã từng là một “lực cản” đối với sự vận động và phát triển của thơ ca ở một thời chưa xa. Và trong một ý nghĩa nào đó, đây cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời hậu chiến đang đi tìm một bầu khí quyển mới cho vũ trụ thi ca để “đoạn tuyệt” với “thói quen” của tư duy thơ sáo mòn, xơ cứng, công thức nhưng lại nhân danh quá nhiều những điều huyễn hoặc ngoài văn chương để biện mình cho sự trì trệ làm cản trở sự đổi mới thi ca.

Mọi nền văn minh hình như phát tích từ khoái lạc giấc mơ ánh sáng vô thức chống lại thói quen kỹ năng bóng tối ý thức
kỹ năng nhân danh tiến bộ gặm nhắm từng khoảnh khắc tự nhiên sự sống

Vượt lên đau đớn và thăng hoa
tôi tự tại giấc mơ tôi
mưa ban mai lặng lẽ gióng chuông gọi hồn tận thế
những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang

văn bản vô ngôn
văn bản tinh huyết
văn bản ma lực
tâm chấn tín hiệu khoái cảm

Đắm chìm sâu giấc mơ khoái lạc
đắm chìm sâu văn bản dở dang
tôi phát hiện tôi
khác xa dần
xa dần
cánh đồng thâm canh cảm xúc con trâu cái cày
khói lam mây xám ăn quẩn chái bếp thiếu gạo của mẹ
dàn đồng ca hát nhép tân cổ giao duyên mùi mẫn cởi áo trao nhau

Cơn hồng thuỷ khoái cảm âm thầm nổi lên
kỹ năng dục vọng trang phục mỹ từ mục ruỗng bị đánh đắm
từng đợt sóng tín hiệu bụi vàng ký ức dâng tràn 

                                            (Văn bản dở dang)

Ý thức về sự đổi mới thi pháp và thay đổi điểm nhìn nghệ thuật trong sáng tạo thi ca đã tạo cho Phan Hoàng một quyết tâm chống lại căn bệnh sáo mòn, bảo thủ của nếp tư duy già nua để vươn đến một khát khao sáng tạo.
tẩy xoá nếp nhăn tư duy già nua
hằn sâu gương mặt rỗ nhàu trái đất
rỗ nhàu đúc khuôn thần đồng sáng tạo

Những lúc bay trên đỉnh thăng hoa
lơ mơ thấy mình
hào phóng chàng trai độc quyền cánh rừng nguyên sinh
rực hương thiếu nữ
ném phăng kỹ năng dục vọng trang phục mục ruỗng
bồng bềnh ngọn lửa trong ngần khoái lạc
từng đợt sóng tín hiệu kỳ bí dâng tràn
va đập chín chiều ký ức
đánh thức bụi vàng lãng quên

Song, đó là khát khao sáng tạo đích thực chứ không phải là sự “sáng tạo” của những trò làm xiếc ngôn từ với các câu thơ mà ở đó chỉ là những con chữ vô hồn, khô khốc, nhạt nhẽo không gắn với thân phận con người, với nỗi đau của cuộc sống nhân sinh, chỉ vật vờ như chiếc bóng mà khi tiếp nhận không để lại trong tâm cảm, tâm thức người đọc một chút ấn tượng nào.

Vật vờ như ngọn gió vô hình
trong thế giới ảo
lớp lớp ký tự vô hồn
nhà nhà nhốn nháo
những ký tự thiếu tư duy số phận

           (Cơn bão ký tự mới)

Vì vậy, đọc Chất vấn thói quen của Phan Hoàng ta luôn bắt gặp trong cảm thức của thi nhân một sự khắc khoải đến đớn đau trước những cái lỗi thời, ấu trĩ, đang mê hoặc con người, với những “bảng vàng bia đá” hư ảo và giả tạo, đang là một thứ xiềng xích vô hình và hữu hình trói buộc / huỷ hoại mọi sáng tạo của con người không chỉ trong lĩnh vực thơ ca mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Đời người chỉ một gang tay
sao tự trói mình xích xiềng lê dài giá trị bia đá?

                                   (Văn bản dở dang)

Và khát vọng sáng tạo trong thơ Phan Hoàng đã trở thành một tuyên ngôn sống mang tâm thức hiện sinh của những con người không chấp nhận sự nhàm chán đến cũ kỹ của lối tư duy giáo điều, mù xám mà một số người đang sử dụng để tự huyễn hoặc mình và huyễn hoặc người khác. Hãy biết thích nghi với cái mới để tiến về phía trước, sáng tạo những câu thơ mang tính dự báo, tính nhân văn sâu sắc. Đó là một yếu tính của thi ca mà thi nhân cần thấu triệt chứ không phải là những tư tưởng giáo điều huyễn hoặc. Vì thế, cần có một cơn “đại hồng thuỷ” để thay đổi nếp tư duy lỗi thời trong hành trình sáng tạo thi ca cũng như mọi hành trình sáng tạo khác của cuộc sống, đó cũng là điều ám ảnh tâm thức thơ Phan Hoàng ở Chất vấn thói quen.

Làm sao bùng lên nhiều cơn hồng thuỷ
dâng sóng tín hiệu đỉnh khoái
cuốn phăng những kho văn bản mộng mị ngủ muộn
những kho văn bản ấu trĩ già cỗi
những kho văn bản hư danh giả dối
khủng bố dòng chảy tự do ngôn từ
ám sát khát khao chồi xanh ý tưởng
đe doạ cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ căng tràn văn bản nhựa sống tương lai

                                                                     (Văn bản dở dang)

Chính khát khao sáng tạo này là chất xúc tác làm nên sự đổi mới thi pháp thơ Phan Hoàng ở Chất vấn thói quen. Vì thế, trong tập thơ, ta bắt gặp nhiều bài thơ mới / lạ thể hiện phẩm tính đổi mới trong hành trình sáng tạo thơ của tác giả. Đó là những bài thơ: “Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc”; “Cái chết đen và vũ khúc trắng”; “Bóng tối đang nuốt chúng ta”; “Tiếng thì thầm” “Cái chết của bạo chúa”; “Tôi đang ở đâu?”; “Thèm làm ngọn gió tự do”... Và trong các bài thơ này có những câu thơ đầy ám gợi luôn làm ta khắc khoải, trở trăn...

Chiều ăn phố sực mùi khoai lang nướng
gió hú nhớ đồng thơm dậy giấc cố hương 

                                   (Ly hương gió)

Hay:
        
Thì thầm giao hưởng bất tận
tuần hoàn qua những đại dương phận người lênh đênh
cuốn cánh buồm tôi trôi mê mải hải lưu buồn
đau những chân trời tư tưởng tật nguyền
câu thơ neo bờ nước mắt

                                (Tiếng thì thầm)

Để rồi, từ những khắc khoải mang tâm thức hiện sinh, nhà thơ tự “chất vấn” về sự hiện hữu của bản thể, về sứ mệnh của người cầm bút, sứ mệnh của văn chương trước những vấn đề nóng bỏng của hiện thực đời sống đang đặt ra cho thơ ca, rất cần sự dấn thân của người nghệ sĩ. Đây cũng là một trong những cảm hứng chi phối hành trình sáng tạo trong thơ Phan Hoàng ở Chất vấn thói quen mà người đọc có thể cảm nhận từ những sẻ chia đầy trách nhiệm của người cầm bút trước những “cuộc bể dâu” từ “những diều trông thấy”...

Tôi đang ở đâu đất nước sinh từ hồn thiêng nghĩa sĩ vô danh?
Đất nước dãi dầu hạt gạo anh hùng, xảo quyệt đám rầy nâu chưa bị hành quyết!

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?
Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng trước lãnh thổ đe doạ ngoại xâm, bất lực trước cái ác trá hình nhũng nhiễu!

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?
Tôi đang ở đâu?
Ở đâu?
                                           (Tôi đang ở đâu?)

Chất vấn thói quen, vì vậy là một sự vượt thoát chính mình trong hành trình sáng tạo thi ca. Và đây cũng là một thành công đáng trân trọng của Phan Hoàng trong ý thức làm mới đời sống thi ca đương đại.

3. Từ tập thơ Tượng tình (1995) đến Hộp đen báo bão (2002) và Chất vấn thói quen(2012), hành trình thơ của Phan Hoàng đã trải qua hàng chục năm lao động miệt mài trên cánh đồng thơ. Để rồi sau mười năm, từ tập thơ Hộp đen báo bão Phan Hoàng xuất bản Chất vấn thói quen chỉ với 36 bài thơ, điều đó cho thấy anh là người rất cẩn trọng với thơ, rất trân trọng người đọc. Song, để chiếm lĩnh trọn vẹn tâm cảm người tiếp nhận, Phan Hoàng không dừng lại ở đây mà phải luôn đổi mới, biết từ bỏ “thói quen” lỗi thời trong lao động nghệ thuật, trong thi pháp thơ để vượt lên chính mình, hầu hoàn thiện hơn nữa hành trình sáng tạo thi ca của mình.

Đọc Chất vấn thói quen ngoài những thành công như đã khẳng định, một điều hạn chế dễ nhận thấy trong thơ Phan Hoàng ở tập thơ này đó là chất tự sự của một nhà báo làm thơ đôi chỗ đã lấn át chất trữ tình vốn là một yếu tính của thơ, khiến cho sự lan tỏa cảm xúc của thơ đến độc giả nhiều khi chưa thật hoàn hảo. Chất triết luận trong một số bài thơ nhiều chỗ chưa thể hiện hết độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn. Thơ là sự tan chảy của lý trí và tình cảm. Nếu hai yếu tố này không hòa quyện được trong thơ thì thơ sẽ thiếu sức lay động lòng người. Đây cũng là điều thi nhân cần nhận biết trong hành trình sáng tạo thi ca và cũng là một “thói quen” cần phải vượt qua. Khắc phục được những hạn chế này, thơ Phan Hoàng sẽ neo được trong tâm thức người đọc và sẽ có một vị trí xứng đáng trong nền thơ ca hiện đại của dân tộc. Bởi nói như Guillaume Apollinaire: “Nhà thơ là kẻ tìm ra được những hứng thú mới, dẫu hứng thú đó khó chịu đựng. Có thể thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá”.

Hy vọng từ Chất vấn thói quen, Phan Hoàng không ngừng khám phá vũ trụ thi ca với “hứng thú mới” để tự khai phóng những chân trời lao động, sáng tạo làm phong phú thế giới thi ca của mình.

TRẦN HOÀI ANH
Nguồn: Văn Nghệ



Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Huỳnh Như Phương & Hãy cầm lấy và đọc

Vào mùa Hội sách lần thứ IX-2016, lạc giữa biển sách, chắc hẳn mỗi độc giả đều có rất nhiều lựa chọn cho mình. Bên cạnh những cuốn sách đa dạng bày trên giá, bạn đọc sẽ bắt gặp một tác phẩm nói về những cuốn sách: “Hãy cầm lấy và đọc” của Huỳnh Như Phương, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 3.2016.
GS Huỳnh Như Phương

Đây là tập hợp 61 bài viết của tác giả đã đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau: Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, Văn Nghệ, Văn Nghệ TP HCM, Sài Gòn Tiếp Thị… Đây còn là kết quả cộng tác suốt 2 năm ròng của tác giả với trang Văn hóa đọc của Báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần.

Bước vào những trang văn “Hãy cầm lấy và đọc”, bạn đọc thấy mình như được tác giả dẫn dắt đi vào cuộc trò chuyện, khi thì diễn ra trong bầu không khí trang trọng trong một giảng đường, lúc thì ở một quán cà phê tĩnh lặng.... hoặc cũng có lúc tác giả như không còn hiện diện nữa mà để chúng ta đến với thế giới sách với mỗi riêng ta: trực tiếp và sâu lắng.

Phần đầu cuốn sách gồm 27 bài viết đụng chạm tới những khía cạnh thời sự của văn hóa đọc (Có chăng nghệ thuật đọc sách? Khám phá người đọc; Mùa xuân, sinh thái và văn chương; Sách - nhịp cầu giao lưu văn hóa...). Từ đó, dẫn đến những câu chuyện về việc viết sách, làm sách, tiêu thụ sách... mà tác giả ít nhiều có dự phần vào như một chứng nhân (Một tượng đài của văn hóa đọc, Người Sài Gòn và tình yêu sách, Khi nhà giáo viết sách, Sách phê bình và phê bình sách...), vừa ghi nhận những hiện tượng phức tạp (Hiện tượng “sách nhũn”; Sách ơi, nhiều lỗi quá!...) vừa đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng của văn hóa đọc (Một sáng kiến cho văn hóa đọc, Tủ sách Gia đình và ngày hội sách, Hướng tới một thị trường xuất bản lành mạnh...).
Bìa sách Hãy cầm lấy và đọc

Phần 2 của cuốn sách gồm 34 bài viết, có tiêu đề “Sách và người”. Đây vốn là những lời tựa, lời bạt trong sách và những bài điểm sách liên quan đến một số tác giả văn xuôi quan trọng của văn học hiện đại (Trần Tiêu - nhà văn của nông thôn, Võ Hồng trong trí nhớ, Trang Thế Hy giã biệt quán đời, Từ một bài báo xuân của Đoàn Giỏi...). Đối với tác giả, đọc là sống từng giây phút với cuộc đời này, lắng nghe ý nghĩa cuộc sống đã qua, với niềm vui đang được truyền trao cho chính mình (Khi triết học đi vào cuộc đời, Tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn kể tiếp chuyện đời, Trong thế giới nhân vật của Phan Triều Hải...).

Bằng lối viết nhẹ nhàng, trang nhã, luôn thấm đượm lòng quý trọng của một người đọc, đồng thời là một nhà giáo, đối với những giá trị tinh thần mà thế giới sách mang lại, “Hãy cầm lấy và đọc” thật ra chỉ là những lời đề nghị, gợi ý... của một người yêu sách. Qua những trang viết này, có thể cảm nhận một ngọn lửa đang được thắp lên khiến lòng ấm lại trong cuộc lãng du về với những kỷ niệm, đến với những suy tư, băn khoăn, day dứt, hy vọng... như cùng tác giả tham dự vào thế giới phong phú và sinh động của văn chương.

HỒ CÔNG HOÀI DŨNG
Theo NVTPHCM


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...