Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Những bước gió trong trường ca của Phan Hoàng


Mỗi ngọn gió bay mở một con đường
mỗi con đường lao đi bí ẩn như ngọn gió
(Phan Hoàng)

Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng (NXB Hội Nhà văn 2016) là trường ca trữ tình hiện đại, đậm chất suy tưởng. Ngoài phần mở đầu và phần vĩ thanh, tập thơ có 3 phần với sự kết hợp ngẫu hứng, trùng điệp, đan xen những câu thơ ngắn dài. Trong đó, gió là hình tượng xuyên suốt, làm nền/điểm tựa cho cảm xúc thơ. Hình tượng gió vừa cụ thể vừa khái quát, đi về giữa quá khứ và hiện tại, thực và mộng, hôn phối với cảm hứng, niềm tự hào, tôn vinh lịch sử hào hùng của dòng giống Lạc Hồng từ những ngày đầu dựng nước, giữ nước, biến chuyển qua mấy ngàn năm cho đến hôm nay. Theo đường gió dẫn dụ, không gian thơ, hình tưng thơ, cm xúc thơ được nới rộng đến vô cùng.

Theo từ điển biểu tượng thế giới, gió là một “sức mạnh sơ đẳng, thuộc về các Titan; đủ nói lên vừa tính dữ dội vừa tính mù quáng của gió. Mặt khác, gió đồng nghĩa với khí và do vậy, với Thần linh, với luồng tinh thần gốc ở trời...(...) lấy các cơn gió làm các sứ giả của Chúa Trời, tương đương với các Thiên thần... (...) gió... là khí vũ trụ và là lời Thượng đế; gió là chúa tể của lĩnh vực tế vi, trung gian giữa Trời và Đất...”(1). Vậy, danh từ gió là chỉ hiện tượng thiên nhiên với đặc tính động, thường thay đổi, đại diện cho sức mạnh siêu nhiên to lớn, bí ẩn, chi phối ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người và cộng đồng. Trong tập trường ca của Phan Hoàng, gió là một sinh thể tự nhiên, hiện diện trong không gian rộng lớn, từ thuở hồng hoang, sơ khai của lịch sử đến thời kỳ giữ nước dựng nước. Nhưng gió ở đây không đơn thuần là một tín hiệu tự nhiên mà đã trở thành một tín hiệu nghệ thuật, thẩm mỹ. Gió là hiện thân tiếng nói của nhà văn, cất giữ những vẻ đẹp nguồn cội, những thăng trầm của đất nước.
Nhà thơ Phan Hoàng 

Trước hết, gió trong tập trường ca như đứa trẻ hồn nhiên “rong chơi mọi chân trời”, “ngây ngô bay khắp nhà bay khắp vườn bay khắp làng bay khắp cánh đồng mênh mông đêm đông vắng mẹ”,... “Gió mở đường bay” đưa chúng ta trở về tuổi thơ, tắm táp trong dòng ngọt ngào của ký ức. Gió đồng hành với trò chơi chọi dế, những buổi chăn trâu, gắn liền với các câu hỏi hồn nhiên, ngây thơ về ông bụt, về cô tiên, về thế giới xung quanh:

nhớ quê nằm mớ trò chơi
sông xưa gió vọng tiếng cười lưng trâu
dòng sông thơ dại dãi dầu
bắc yêu thương những nhịp cầu đồng dao!

Cụm từ “nhớ quê nằm mớ” kết hợp cụm từ tách xen “sông xưa gió vọng” và đi kèm với những trò chơi tuổi thơ, nỗi nhớ như được nhân lên, khắc khoải khôn nguôi trong không gian đậm chất trẻ. Cách kết hợp bất thường giữa gió với động từ “vọng” tạo nên không gian, thời gian của ký ức, đưa con người du hành về thuở ấu thơ trong trẻo, vô tư, đáng yêu. Mặt khác, bức tranh xưa toát ra vẻ đẹp của tuổi thơ còn bởi sự kết dính một cách nghệ thuật giữa xưa và nay, giữa bất động và chuyển động tạo nên từng lớp sóng lòng cuồn cuộn chất chứa bao nỗi nhớ khôn nguôi. Đó là cầu nối để con người có thể thoát mọi phiền muộn, ưu lo, hướng về nơi thánh thiện nhất đã từng nuôi dưỡng, chở che mình để được tìm lại chính mình, được là chính mình.

​Khi nói về cội nguồn của đất nước, gió mở ra một không gian thiêng, không gian văn hóa từ vùng đất tổ Phong Châu cổ xưa, vùng đất Thăng Long “ngàn năm văn vật”... cho đến ngày “dựng nên phương Nam huyền thoại gió mới”. Trở về cội nguồn văn hóa Việt, cảm xúc hãnh diện, ngưỡng phục của tác giả về những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, được gửi gắm qua âm điệu, bản sắc riêng của mỗi miền như hát Then - điệu hát “thần tiên” của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, hát quan họ - nét đặc sắc ngàn đời của xứ Kinh Bắc, bài chòi, hò khoan - đặc trưng độc đáo của người miền Trung đến điệu buồn trong những câu vọng cổ của người phương Nam... Vì thế, những ngọn gió “mở đường” trong trường ca của Phan Hoàng “chưa bao giờ ngừng thổi”. Gương mặt của ngọn gió tạc/in vào từng con sông, ngọn núi, cánh đồng, xóm làng,... vẽ nên không gian văn hóa đặc sắc nhất của người và đất phương Nam: những con đường mang hình ngọn gió/ bắc những chiếc cầu khỉ lắt la lắt lẻo/ bắc những cây cầu dây văng phượng múa rồng bay/ nối những chuyến tàu thống nhất xuyên bắc xuyên tây/ tạc nên tượng đài nhân hậu và quả cảm/ tạc nên tượng đài phồn thực và hào phóng/ tượng đài người phương Nam/ tượng đài đất phương Nam.

Viết về những tháng ngày bám trụ, kiên gan bảo vệ đất nước trước thù trong giặc ngoài, gió mở ra không gian vừa oai hùng vừa bi thương, bởi đằng sau thắng lợi, thành công của cuộc chiến vẫn đọng lại nỗi ám ảnh, vết thương rỉ máu chẳng bao giờ liền da. Nhà thơ trở thành người “lọc quặng” tinh tế khi tái hiện các trận chiến, tạo ấn tượng mạnh cả về ảnh, âm, nhịp điệu lẫn cảm xúc:

lớp lớp người người
tay kiếm tay cờ
lớp lớp người người
tay rìu tay giáo
mắt chớp lửa mặt trời phương nam
lẹ hơn sóc
mạnh hơn hổ báo
nhanh hơn tiếng hú rừng hoang
lẫm liệt lao mình
                   máu
                   máu
                   máu
                 mở cõi
                   máu
                   máu
                   máu
               giữ nước!

Nhịp thơ nhanh, ngôn từ ngắn gọn, cô đọng cùng thủ pháp cận cảnh trong điện ảnh, dồn nén về mặt thời gian và không gian, âm thanh và hình ảnh sắc nét đã giúp nhà thơ dựng lại được khí thế hào hùng, gan dạ, sẵn sàng xông pha của người dân nhưng đồng thời cũng chớp lại những khoảnh khắc bi tráng đầy đầy máu và nước mắt hết sức chân thực, rõ nét.

Quá trình mở mang bờ cõi, chinh phục các vùng đất mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Trên tinh thần chính nghĩa của cuộc Nam tiến, Phan Hoàng tự hào với công lao của biết bao bậc tiền nhân trong hành trình đi mở cõi từ thuở Lạc Long Quân và Âu cơ khai sơn phá thạch; những giọt nước mắt của công chúa Huyền Trân khi bị gả cho vua Chế Mân của Chiêm Thành để thực hiện thoả thuận ngoại giao mang tính chiến lược; Lê Thánh Tôn “phất cờ mở rộng biên cương Tổ quốc”; Nguyễn Hoàng, người tiên phong mở mang bờ cõi đất nước xuống phía nam; Lương Văn Chánh, mở mang bờ cõi vùng đất Phú Yên; Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi phương Nam... “Từ độ mang gươm đi mở cõi” (Huỳnh Văn Nghệ) ấy đã dựng nên một phương Nam ngày càng lớn mạnh, cường thịnh:

gió dâng lên dòng sông chín khúc hoá rồng cuồn cuộn ước mơ
gió dâng lên những cánh đồng cò bay rã cánh hoá thành phù sa
gió dâng lên bao xóm làng trù phú như bầu sữa mẹ mới sinh con
gió dâng lên những thành phố trẻ năng động lớn nhanh Phù Đổng
gió dâng lên những cái tên chân chất gần gũi quê mùa
Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đẹp như tục ngữ ca dao
Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Bến Lức, Mỹ Tho, Gò Công, Ô Môn,
Cái Mơn, Cái Bè, Cái Răng, Cái Nước, Cái Vồn,… ngây ngô bình dị như cổ tích

Ở đoạn thơ trên, gió được nhân cách hoá, trở thành chủ thể khi Phan Hoàng kết hợp thành cụm từ “gió dâng lên”. Gió hoàn toàn chủ động khi đóng vai trò là người bày biện những món quà vô giá mang đến một không gian bao la, mênh mông, rộng mở ngập tràn sức sống, đẹp tươi. Bên cạnh đó, hình thức điệp, liệt kê còn thể hiện rõ sự trân trọng và lòng ngưỡng vọng của tác giả trước những thành quả mà cha ông ta đã bao đời gây dựng nên.

Đoạn thơ khác, gió kết hợp với các danh từ riêng dựng nên một không gian gợi nhiều ý nghĩa. Các địa danh nổi tiếng, từng là căn cứ địa cách mạng, ghi dấu những chiến công vang dội nhưng cũng chất chứa bao nỗi thương đau, nuối tiếc trước những con người đã hy sinh xương máu nơi đây, theo đường gió bay, “ào ạt từ mọi ngả đường oai hùng lịch sử”, “từ mọi nẻo đường Tổ quốc” dấu ấn ám ảnh về một thời rực lửa: gió Hát Giang/ gió Bạch Đằng/ gió Như Nguyệt/ gió và gió…/ gió Diên Hồng/ gió Chương Dương/ gió Hàm Tử/ gió Chi Lăng/ gió Đống Đa/ gió Rạch Gầm/ gió và gió…/ gió La Ngà/ gió Đông Khê/ gió An Khê/ gió Mộc Hoá/ gió Điện Biên/ gió và gió…/ gió Trường Sơn/ gió Hoàng Sa/ gió Sài Gòn/ gió Tây Ninh/ gió Lạng Sơn/ gió Trường Sa. 

Đoạn thơ ngập tràn gió, mở ra một không gian mênh mông đầy gió. Nhưng ở đây, gió không còn là một hiện tượng tự nhiên vô hình nữa, gió đã trở thành đối tượng hữu hình, hoá thân vào từng vùng đất, chỉ nơi/không gian bộc lộ, giãi bày tâm trạng của thi sĩ và danh từ riêng không đơn thuần chỉ gọi tên địa danh mà đã trở thành một phương tiện nghệ thuật, truyền tải những cảm xúc vô biên, lòng tự hào về những địa danh, những con sông đã đi vào huyền thoại, trầm mặc, uy linh toả khắp mọi miền. Đến khi Phan Hoàng khẳng định “ngọn gió tim ta” thì lúc này “gió” đã mang hơi thở, tiếng nói, trái tim của nhà thơ. Gió-tim ấy như áng mây bay phiêu du, như ngọn sóng trùng điệp trào dâng, rong ruổi, tự do tận hưởng đắm say những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trên mảnh đất “cong cong chữ S” với một tình yêu vô bờ bến:

Ngọn gió tim ta tự do dọc ngang những con đường  
trên đất nước mang hình nhớ thương cong cong chữ S,
đường không mang hình rồng tiên
đường biển mang hình phụ tử
đường núi mang hình vọng phu
đường lòng người mang hình nhân văn nghĩa khí.
Trong trường ca này, giọng điệu Chất vấn thói quen(2) không giữ vai trò chủ đạo nhưng vẫn làm nên những “nốt âm”, nốt trầm nhức nhói, tái tê:

- Gió ơi, đất trời cao rộng bốn phương,
bay đường nào con người bớt khổ đau?
bay đường nào con người bớt nghèo đói?
bay đường nào con người bớt phản trắc?
bay đường nào con người tin được nhau?

Nhà thơ đã mượn gió để gửi gắm những thổn thức lòng mình trước cõi đời còn nhiều oan nghiệt, ngang trái. Liệu con đường nào có thể giải thoát mọi khổ đau, nghèo đói cho biết bao kiếp người còn nặng nhọc mưu sinh? Và con đường nào giảm thiểu tội lỗi để ngưi và người đến với nhau, sống với nhau bằng hoa thơm tấm lòng? Hóa thân vào ngọn gió, những ước nguyện về cuộc sống tươi đp luôn thường trực thổn thức, ray rứt trong ngực của nhà thơ. Đó là lý do vì sao trong thơ Phan Hoàng luôn khát khao có một con đường khác, một nơi chốn yên bình không có cảnh bom rơi đạn nổ để giảm tối thiểu những tổn thất, “tiết kiệm sông máu núi xương đại dương nước mắt”. Mấy ngàn năm lịch sử “chống chọi”, “giành lại” từng tấc đất đầy gian khổ, khốc liệt đã dựng nên dải đất hình chữ S uốn khúc hình rồng thể hiện ý chí mạnh mẽ, không ngừng vươn lên của con cháu Lạc Việt. Nhưng đằng sau chiến công ấy, đằng sau giai điệu tự hào ấy là số phận thương đau của dân tộc. Tính chất tàn khốc đâu chỉ vì bom đạn gây nên thảm cảnh “từng giọt máu đào đổ xuống/ từng sinh mạng ngã xuống/ từng lớp người nằm xuống” mà nó còn hằn lên gương mặt người ở lại, những giọt nước mắt, nỗi đau cất giấu/nén vào bên trong, hi sinh tuổi xuân và cuộc đời trong mòn mỏi chờ đợi.

Và đó cũng là lý do để Phan Hoàng khẳng định điều khác biệt, rất riêng của dân tộc Việt: - Vòng quanh khắp hành tinh này/ không dân tộc nào/ không đất nước nào/ hiếm hoi thế hệ bình yên/ nối nhau quẫy đạp bóng đêm/ đứng lên/ chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm/ chống chọi mười bốn lần giông tố biên cương/ giành lại từng dấu chân giao chỉ/giành lại từng viên đá cuội in bóng chim lạc chim hồng/ giành lại từng hạt cát mang hình đảo chìm đảo nổi/ giành lại từng tia sáng cánh cò cánh vạc/ giành lại từng tiếng khóc bình yên tao nôi!// - Vòng quanh khắp trái đất/ không dân tộc nào/ không đất nước nào/ oằn vai/ gánh/ mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về/ không dám tỏ bày nỗi nhớ niềm thương/ không biết cha con đối đầu/ không ngờ anh em bắn nhau/máu đỏ oán khóc sông/ xương trắng hờn than núi/ bao tinh hoa hoá thành cát bụi/ bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con/ bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng!. Ngôn từ sống động, nhiều động từ thể hiện tinh thần dũng cảm đối mặt/giáp mặt với cái chết (quẫy đạp, đứng lên, chống chọi, giành lại, oằn, gánh,...), hình ảnh thơ hết sức chân thực, đối lập giữa sự sống và cái chết, chiến tranh và hòa bình, cái bi và cái hùng, giữa quá khứ và hiện tại,... đã khắc họa khách quan mặt phải cũng như mặt trái của chiến tranh. Bên cạnh sức sống, niềm tin của con người trong hoàn cảnh máu lửa là nỗi bi đát, nghiệt ngã và những di chứng của chiến tranh như vết thương lòng/ký ức nhức nhối ăn sâu vào tiềm thức, dai dẳng, đeo bám suốt cuộc đời người ở lại. Hình ảnh người mẹ vẫn chờ con về ngay cả khi trái tim chấm dứt sự sống, người vợ cô đơn, héo mòn ngóng trông chồng bất chấp tháng ngày ám ảnh tái tê lòng người là những bức họa ấn tượng về chứng tích chiến tranh. Điều này minh chứng một tất yếu, chiến tranh đã đi qua, đã lùi xa nhưng hội chứng mà nó để lại vẫn tồn tại mãi mãi, con người vẫn tiếp tục đối mặt với những tàn tích của nó.

Như thế, trong trường ca ớc gió truyền kỳ, “gió” là một tín hiệu thẩm mỹ đa nghĩa, độc đáo, giàu tính biu trưng. Hình tượng “gió” là chất xúc tác, là động lực khơi nguồn cho những cảm xúc dồi dào, chân thành của nhà thơ; là cội nguồn của tinh thần yêu nước; là biểu tượng bất diệt của cả dân tộc... 

Sức mạnh đó của ớc gió truyền kỳ như rót vào mỗi con chữ, mỗi câu thơ, thổi bùng lên ngọn lửa/hào khí yêu nước và thúc giục ý chí hành động thiết thực của triệu triệu trái tim người dân Lạc Việt. Xin mượn đoạn thơ đầy giá trị nhân văn của Phan Hoàng vừa thay lời kết vừa nhân thêm lòng biết ơn đến “người mở đường”:

Cảm ơn người mở đường,
hoá thân bước gió truyền kỳ
ta lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc
uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm
dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người
vẫy vùng thiên tai
hiên ngang chiến trận,
ta ngẩng đầu
nhoà nước mắt
khóc những sinh linh chưa kịp trọn hình hài hoá những vì sao mồ côi
khóc những gái trai chưa một ngày vợ chồng vẫn phiêu bồng khao khát
khóc những cỏ cây vươn xanh trở lại từ núi sông cắt chia hoang phế
khóc những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại dòng giống rồng tiên

HOÀNG THỤY ANH
Nguồn: Đất Việt

_________

1. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, tr. 362.
2. Phan Hoàng, Chất vấn thói quen, NXB Hội Nhà văn 2012.


ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:




BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...