Những sườn đồi
dã quỳ, đã xâm chiếm, chế ngự, làm tê liệt tâm hồn tôi, ngay tự gặp gỡ
thứ nhất. Tôi nhớ, mùa thu, cuối thập niên 1960, tôi tình nguyện chọn Pleiku
cho một công tác kéo dài 10 ngày. Mục đích chính của tôi là muốn được gặp bạn:
Kim Tuấn, tác giả của những bài thơ
sớm trở thành niềm thân thiết của biết bao nhiêu ngàn thính giả ở miền Nam thời
đó. Như Những bước chân âm thầm hay, Anh
cho em mùa xuân. Cả hai bài thơ sớm trở thành ca khúc này, đều thấp thoáng
chân dung quê-hương-dã-quỳ. Với: “Anh cho em mùa xuân / nụ hoa vàng mới
nở / chiều đông nào nhung nhớ...” (Nguyễn Hiền phổ nhạc).
Nhà thơ Kim Tuấn (trái) và nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh: TP
Tôi biết, có người đã đổi chữ thứ ba “nụ hoa vàng” thành “nụ hoa quỳ”, khi được hỏi,
bạn tôi chẳng những không phật lòng mà còn xác nhận: “Đúng! Dùng hai chữ “hoa
quỳ” mới đúng ý. Nhưng khi viết bài thơ đó tôi chỉ chọn màu vàng tiêu biểu mà không dùng chữ “hoa quỳ”, vì
sợ nhiều người không biết “hoa quỳ”,
một thứ hoa dại là hoa gì nên, có thể họ càng không biết tới màu vàng vương giả của nó”.
Cũng vậy, khi viết bài thơ sau này trở thành ca
khúc Những bước chân âm thầm, nhạc của Y Vân, nhà thơ Kim Tuấn đã
ghi lại nét tiêu biểu của Pleiku thời ông theo gia đình về Pleiku lập nghiệp.
Thuở ấy, Pleiku được bao bọc bởi những rừng thông bạt ngàn. Ngay trong thành phố,
thông rừng cũng chen chân, kề vai, chia sẻ cái hoang sơ của Pleiku mà, sớm mai
là sương mù; nắng lên là cả một bầu trời mây trắng, như tuyết rải trên ngọn, đỉnh
những rặng thông không ai biết tuổi… Vì thế, ngay ở khổ thơ mở đầu bài thơ, ông
đã viết: “Từng bước từng bước thầm / Hoa vòng rừng tuyết trắng / Rặng thông già
lặng câm / Em yêu vì xa vắng? / Cho trời mây ướp buồn”...
Và mưa cùng với cái rét gần như quanh năm của núi, rừng,
nên, thi sĩ họ Vĩnh gốc hoàng tộc (1), mới lập lại những bước chân
không âm vang (thi-nhãn của bài thơ) và thời tiết “căm căm cô đơn, lạnh tanh kỷ
niệm” như một thứ “đặc sản” của quê hương dã quỳ này: “Từng bước từng bước thầm / Mưa giữa mùa tháng năm / Tay đan sầu kỷ niệm
/ Gió rét về lạnh căm / Từng bước chân âm thầm...” (2)
Đã hơn bốn mươi năm kể từ ngày nhà thơ của chúng ta rời
xa dã quỳ, xa rừng thông về định cư Saigon. Cũng đã mười lăm năm kể từ ngày
vĩnh viễn chia tay nhân thế, chưa một lần trở lại Pleiku, tôi không biết, ông
có hay rằng những “nụ hoa vàng mới nở” và, những “rặng thông già lặng câm” linh
hồn của thơ ông, trở thành thân thiết biết bao với người yêu thơ (trong đó, có
tôi), bây giờ đã phải nhường chỗ cho những tòa building lộng lẫy; những con đường
thênh thang, rộng như những đoạn xa lộ ngắn...
Cũng là thơ Kim Tuấn bài Những điều ghi được
trong giấc ngủ (Thơ xuôi) được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc với
nhan đề mới là Khi tôi về, bối cảnh vẫn là “quê hương hoa quỳ” - đã
được ông đích thân nhờ nghệ sĩ Sơn Nguyễn trình bày lần đầu tiên ở Pleiku, đến
bây giờ vẫn còn được nhiều người nhớ...
Phần HT may mắn hơn ông. Tôi đã có dịp đưa HT trở lại nơi
những bước chân đầu tiên in đậm đời cô giáo khi T rời mái trường Đại học Sư phạm
Huế.
May mắn (bất hạnh?) cho tôi, mỗi lần có dịp trở về nơi
tôi gọi là “quê hương dã quỳ”, là một lần tôi thấy rất rõ, những “rặng thông
già” chẳng những không còn cơ hội “lặng câm” mà đã biến mất. Chúng chỉ còn hiện
diện như một thứ cây cảnh, điểm xuyết cho cái không gian Pleiku mở rộng không
giới hạn. Và, những vai đồi dành riêng cho “nụ hoa vàng mới nở” của bạn tôi,
cũng chỉ còn có mặt một cách khiêm tốn, nếu không muốn nói là ngơ ngác giữa một
đất trời đã hoàn toàn đổi khác.
Tôi không nhớ bao lần, nhất là những đêm gần đây, tôi hay
nằm mơ thấy đưa HT trở lại với những người học trò ngày nào của T.
Cũng như T., những người học trò năm xưa, đã bắt đầu bước
xuống sườn đồi bên kia của tuổi tác. Nhưng khi chứng kiến cảnh cô trò ríu rít
bên nhau, trong-sáng-tinh-khôi, tình-cảm-vàng-ròng, như những ngày mới lớn, tôi
lại cảm động như mỗi lần đọc truyền thuyết dã quỳ, chuyện tình H’ Linh và
K’Lang vậy. Với tôi, những hình ảnh ấy, đẹp tới nỗi, tôi đã ao ước đến nao lòng
rằng: mỗi năm, đưa T. về Pleiku ít nhất một lần, với những cựu học sinh tình
nghĩa, thủy chung của T., như sự tích dã quỳ...
Tôi không nhớ gặp Huỳnh Quang Vũ trong trường hợp nào. Chỉ
biết tình cảm chúng tôi dành cho nhau, chí ít cũng đã trên năm năm, khi Đoàn Thạch
Hãn còn sống.
Với tôi, đó là một người trẻ tuổi đặc biệt. Với dáng dấp
của một con cò ma, nhưng khả năng làm việc thì lại thuộc loại ngoại lệ. Và, nhất
là tinh thần trân trọng, biết ơn tài năng, trí tuệ của những người hiến thân
cho văn học nghệ thuật. Trong số này có Kim Tuấn, thi sĩ. Ở mặt khác, những lúc
tìm được cơ hội để sống cho riêng mình, thì, khi ấy, Vũ lại là một thứ thiền-sinh
lạc lõng giữa chập chùng cay nghiệt đời thường.
Với tâm nguyện chia sẻ tận cùng mọi có được cho những người
kém may mắn hơn mình, Huỳnh Quang Vũ đã dựng được một “cơ nghiệp”, là quán cà
phê mang tên KupPlei, ở địa chỉ 38 Hùng Vương, Pleiku, đã khai trương đúng
Mother’s Day, 13.5.2018.
Tôi nghĩ, không phải vô tình Vũ chọn Ngày Của Mẹ để cùng
bạn hữu như Đặng Thế Hiển, Võ Anh Tần… khai trương “trú sở” của những tình
thân, những trái tim Đạo, Đời; nhất là sự tìm đến của các văn nghệ sĩ, cũng ở rất
xa như các thầy, đệ tử của Thiền Sư Nhất Hạnh, nhà văn tên tuổi Phạm Xuân
Nguyên, Trương Duy Nhất, Lê Hải...
Tôi càng không tin khi Vũ cùng các bạn chọn cho “trú sở”
tình thân của họ, hai chữ “Kup” và “Plei”, ghép lại thành KupPlei là tình cờ.
Theo tôi, đó là cách nói khác, rất sáng tạo, rất thơ của Huỳnh Quang Vũ. Nó là
dạng cải biên của hai chữ “Cup / Cốc (Ly) và, “Plei” là “Pleiku” (nguyên chữ).
Như cách tìm kiếm, sáng tạo chữ mới của Kim Tuấn trước đây vậy.
Hơn thế, nếu
chúng ta có thể hình dung: mỗi khi nâng một ly cà phê hay thức uống nào khác, ở
KupPlei thì, cũng đồng nghĩa, với việc, cùng lúc, chúng ta đã uống một ly-nước-đất-trời Pleiku từ hàng trăm năm trước.
Thêm nữa, với
sự có mặt hôm nay của KupPlei của Huỳnh Quang Vũ, tôi nghĩ, hiểu theo một nghĩa
nào thì, chúng ta cũng vẫn còn “nụ hoa vàng”, vẫn còn “rặng thông già” của
Kim Tuấn, luôn cả tình yêu, lòng thủy chung vằng vặc, sáng của truyền thuyết mối
tình nàng H’Linh và chàng K’Lang, khởi nguồn của dã quỳ…
Tôi tin, một ngày không xa, tôi sẽ lại đưa HT trở về nơi
những bước chân đầu tiên của T, khi rời khỏi ngôi trường thân yêu ở Huế, để đến với những người học trò
một thời của T. Và, tôi thì lại được gặp người bạn trẻ Huỳnh Quang Vũ thân thiết
của mình, như ngày nào tôi được gặp
nhà thơ Kim Tuấn vậy.
DU TỬ LÊ
Nguồn: Người Đô Thị
_____________________
(1) Kim Tuấn tên thật Vĩnh Khuê, sinh năm 1938 tại Huế, là hậu duệ đời thứ năm
của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Thuở nhỏ sống ở Phan Thiết, rồi Sài Gòn, Pleiku. Rời Pleiku về Sài Gòn năm 1977. Kim Tuấn mất
ngày 11.9.2003 tại Sài Gòn (theo Wikipedia - Mở).
(2) Thơ Kim Tuấn, nhạc Y Vân
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: