Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Tô Hoàng - Một lần ngửa mặt kêu trời

Tiểu thuyết “Ngửa mặt kêu trời” của nhà văn Tô Hoàng do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1991. Theo tác giả: “Sách ra quầy chưa bao lâu thì anh Bùi Khởi Giang viết bài này. Thuở ấy, trong những bài nhận xét, phê bình cuốn sách, tôi thích nhất bài của anh Giang. Bởi nó bắt "đúng mạch" người viết và những gì tôi muốn tâm sự với bạn đọc. Sau đó, cả anh Giang lẫn tôi đều không lưu giữ được bài viết này. Rất gần đây, anh Giang tìm ra và gửi cho tôi.
Nhà văn Tô Hoàng

Không có điều gì đáng khoe khoang về một cuốn sách, lại ra đời khá lâu rồi. Đọc bài anh Bùi Khởi Giang viết bây giờ, tôi bỗng giật mình vì một lẽ khác: Các nhân vật của tôi sống vào những năm đầu thập kỷ 1980. Sách ra vào năm đầu thập kỷ 1990. Đã hơn 30 năm nước chảy dưới chân cầu, đã bước qua năm 2018, thế mà hình như cả bạn và tôi vẫn đang tr
ải qua tâm trạng "lạc loài", sống ngay trên quê hương mình mà vẫn luôn phấp phỏng, âu lo như sống nơi xứ lạ; vẫn không yên ổn, chơi vơi, không hề cảm thấy có một sự chằng néo, một tay vịn chắc chắn nào…

Tôi muốn chia sẻ cảm giác này với các bạn của tôi
”!

***

Lần ấy, Tô Hoàng cầm bút viết liền một mạch cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Không biết tiếng kêu có thấu trời hay không nhưng quả nó đã thấu được tấc lòng người đọc, đã đồng vọng trong những lương tri biết cả tự hào lẫn hổ thẹn khi một lần cúi đầu suy ngẫm.

Cuốn tiểu thuyết của Tô Hoàng không phải là cuốn đầu tiên viết về những người Việt Nam làm việc và học tập ở Liên Xô (cũ) như một nhận xét lầm lẫn ở đầu bài viết mới đây của một tác giả nào đó.

 Trước anh đã có bốn, năm người khai thác đề tài này. Thành công, đóng góp của Tô Hoàng là ở chỗ anh đã vượt qua được nỗi bức xúc mang tính tân văn, thời sự và cái mầu sắc hiếu kỳ viễn xứ của đề tài, vượt qua được sự trang trải có tính chất tự nghiệm của bản thân cho những năm tháng du học của mình, để thực sự đem lại cho người đọc một nỗi ám ảnh lo âu và những dự cảm bất an về những mảnh đời, những thân phận của những nhân vật trong tác phẩm. Những cảm xúc khi tiếp nhận ấy của người đọc, lâu nay thường vẫn là một trong những dấu hiệu mách bảo một sức sống lâu bền của một tác phẩm văn học.

Để ý một tý ta sẽ thấy các nhân vật người Việt trong tác phẩm của Tô Hoàng đều có một vẻ lạc loài day dứt, tồi tội. “Biết thân đến bước lạc loài” (Kiều), nhưng lạc loài không phải chỉ vì họ bị bứt khỏi đời sống cộng đồng ở quê hương để rồi phải “tha phương cầu thực nơi đất khách quê người” trong một cộng đồng người Việt mới ở hải ngoại, trong một cuộc lựa chọn dù có phần hợp lý nhưng vẫn là bất đắc dĩ. Ngay như “ông Bỉnh đã xấp xỉ năm mươi, dạo còn ở bên nhà nghe đâu cũng đã thuộc hàng cán bộ cấp vụ cấp cục. Ông ta ở bên này giữ chân đại diện tại khối SEV (tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc phe XHCN) đâu đó đã ba nhiệm kỳ, như thể trong nước không tìm được ai x
ng đáng hơn thay thế ông ta nữa” (tr.61). Nhà ngoại giao chuyên nghiệp ấy đã biết tạo cho mình một cuộc sống thoải mái cả trong công việc lẫn đời sống riêng tư. Trong công việc, với “những gì ông ta đang thực thi tại SEV”, ông tự nhận thấy “mọi trù liệu hoạch định mà bản thân ông cùng các đồng sự của ông đang nặn óc ta từng ngày từng giờ, so với hiện tình mà dân ta đang phải đối mặt chỉ là trò “mèo cào sân gạch”. Vì vậy, “không chịu chết chìm cả lũ với nhau”, ông tìm ra một giải pháp mà cũng là một triết lý sống cho riêng mình: “thì ai có điều kiện, có hoàn cảnh cứ bơi vào bờ đã. Để con thuyền Nôe kia vơi nhẹ đi. Còn hơn là cứ dăng díu, co quắp lấy nhau cho sóng biển nhận chìm cả sao?”. Vì vậy ông ta “lạc loài”, buôn lậu.

Vì vậy, ông ta thoải mái “không cần che đậy vờ vịt”, quan hệ bất chính với Liên “hệt như một cặp vợ chồng”, bởi “ông chồng của bà này thì hám quyền lực, còn bà vợ tôi thì chỉ hám tiền thôi… Họ biết bám lấy những giá trị thực, còn hai chúng tôi chỉ bám lấy những giá trị giả, tức thú tiêu dao tháng ngày”(tr.63). “Tiêu dao” như thế nhưng ông ta vẫn cảm thấy lạc loài khi nhớ mình “vẫn là thằng dân của nước Việt Nam” trong những chuyến công cán đây đó, với tư cách nhà ngoại giao nơi hải ngoại, khi chợt nhớ đến cái thân phận phải đóng một lúc mấy vai trong quan hệ với Liên: “Một anh chồng hờ, một chàng đầu bếp, một con vú em”. Nói chi đến những Phương, những Liên, những Duy, những con người ngơ ngác lạc loài thực sự trong truyện. Liên lạc loài giữa hai nỗi chán chường vô vọng. Khinh bỉ chồng vì thói bon chen, dốt nát đớn hèn “nhưng lại muốn cưỡi đầu cưỡi cổ thiên hạ”, chán chồng ví “cái cảnh miếng ăn chưa vào miệng đã bị giật ra” trong đời sống chăn gối, cô bỏ sang đây “bồ bịch cho nó đã đời”. Bậm trợn, huỵch toẹt như thế nhưng rốt cuộc Liên đã phải bật lên nức nở, tức tưởi: “Tôi chán ngấy tận cổ cuộc sống vạ vật ở bên này rồi, nhưng về nước tôi còn ghê tởm khủng khiếp hơn”
.

Cô lạc loài giữa sự bất lực mà hãnh tiến của người đàn ông ở nhà và sự phá bĩnh đàng điếm của Bỉnh, người đàn ông ở đây. Lạc loài trong nỗi cô đơn của một chuyến ra đi không thành, cô tìm an ủi trong một lần lạc loài cuối cùng, vô vọng ở “mười bốn giờ lơ lửng giữa không trung chả là người của quốc gia nào cả” trong chuyến bay về nước với chồng con, khi bước qua barie cuối cùng ở sân bay Seremechievô và trước khi tới Nội Bài (tr.177).

Thông minh nhưng nhẫn nhục, cam chịu, Phương, cô bạn gái cùng phòng của Liên cũng từng thấm thía nỗi cô đơn lạc loài như thế, nhưng không “ sang trọng phù phiếm” như Liên, mà nhọc nhằn trong mối toan lo miếng cơm manh áo đời thường. Khác với Liên, cô sang đây để “làm kinh tế”, để cứu vớt nền kinh tế ọp ẹp của gia đình. Vì chồng con, cô tự nguyện lấy những chiếc nồi hầm, những viên thuốc kháng sinh, những chậu nhôm làm mối quan tâm lo lắng thường nhật của mình. Khi gặp Duy, người tình đầu đời dang dở, cô lại tình nguyện gánh vác thêm cái gánh nặng kinh tế của gia đình Duy bên nhà.
Tiểu thuyết “Ngửa mặt kêu trời” của Tô Hoàng in chung với tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng" của Nguyễn Quang Thiều trong tủ sách “Văn học thời kỳ Đổi mới” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1991

Thông minh thào vát và chủ động là thế, “nhiều lúc Phương cảm thấy ngoài những ngày tất tưởi đi lùng sục hàng ra, còn hệt như chị bị cắt đứt mọi mối dây dợ gắn bó chị với cuộc đời, chị như người sa chân rơi xuống đáy sâu của một khe hẻm thật ắng lặng, thật yên tĩnh, chị nằm dưới đáy mồ chờ cái chết đang đến dần dần”… (tr.76) . Và thật khủng khiếp, cô đơn lạc loài tột đỉnh, khi một lần đi mua hàng với Duy, lúc hai chồng chậu nhôm đứt dây buộc, “những chiếc chậu bắt ánh nắng sáng loang loáng nhảy tâng tâng trên nền gạch lát nghiêng ở công viên rồi lăn đi tứ phía”, ngượng và nhục, anh chàng họa sỹ đã túm lấy tóc chị, mắng chị vô lối và oan ức: “Cút mẹ nó đi cho khuất mắt, thật là vô sỉ”(tr.30). Tô Hoàng dừng lại ở đấy , kể sang chuyện khác, không để cho Phương phải khóc. Nhưng người đọc, nhất là những ai đã từng có dịp qua Liên Xô hay những nước XHCN Đông Âu trong những năm qua, hẳn không khỏi thấy cay nhức nơi sống mũi. Thương cho Phương, thương cả cho mình. Và thương cho Duy nữa, cái anh chàng họa sỹ lạc loài “lúc nào cũng khép kín, im lặng trong nỗi cô đơn của mình”, như lời nhận xét của giáo sư Nataxon. Anh đã mắc phải căn bệnh nguy hiểm nhất của thời buổi này” là “không chịu giao tiếp, cứ khép kín những mặc cảm riêng tư lại”, vẫn như lời giáo sư Nataxon nói với Phương. Anh lạc loài, lủi thủi trong “ngôi mộ Tào Tháo” (tr.51) của mình vì những mặc cảm tự ti, thấy mình không đủ điều kiện hội nhập với nền văn hóa nghệ thuật chung của nhân loại. Anh chưa được chuẩn bị đầy đủ cho cái ngày hôm nay, để được thoải mái ngang ngửa với đám sinh viên Hy Lạp, Bắc Âu, 
 Rập bạn mình.

Anh đã lỡ nhịp bởi tuổi trẻ và niềm say mê nghệ thuật của anh đã dành cho chiến tranh, cho những tháng ngày nghiệt ngã. Những ngày đó, khi anh có tranh được mang ra tận Hà 
Nội triển lãm, cấp trên của anh vừa ngỏ ý muốn cho anh ra nước ngoài học tập, lại cũng muốn điều anh trở lại chiến trường tham gia một chiến dịch lớn sắp mở ra. Họ thử tinh thần anh mà anh không hay. Anh đã thật thà bày tỏ nguyện vọng được ra nước ngoài học tập.

Và thế là một cơ hội bị tước đoạt và tương lai đóng sập lại trước mắt anh: Anh phải nhanh chóng trở lại chiến trường vì "quan điểm, lập trường đánh Mỹ chưa triệt để". Để anh chịu thêm 3 năm đạn bom, bệnh hoạn, cơ cực nữa. Và khi sang Nga lòng dạ anh đầy u uất, hoài nghi, buồn nản; anh không còn độ tươi tắn, nh
y cảm của tuổi đi học. Nhưng rồi trái tim quả cảm của người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến cũng không khỏi ngại ngần tìm một giới hạn bình an trong sự “ngưỡng thiên”nghệ thuật của mình. Khi nghe giáo sư, người thầy bằng tuổi mình tỏ thái độ phẫn nộ trước quan điểm xô vanh nước lớn, muốn áp đặt mô hình Xô viết lên các nền văn hóa nghệ thuật của những nước gửi sinh viên sang học tập ở Liên Xô, Duy đã nhận xét đượm buồn: Ví như nhà trường Xô viết có đặt ra những mục tiêu như vậy, nhưng vị tất đám sinh viên Hy Lạp, Bắc Âu, Ả Rập của giáo sư đã tiếp thu khi mùa hè nào họ cũng đủ tiền bạc để sang chơi bên Ý bên Pháp, bên Mỹ. Còn chúng tôi sang đây là cùng đường rồi. Sự "ngưỡng thiên” của chúng tôi cũng chỉ giới hạn ở đây”(tr.170 – chúng tôi nhấn mạnh). Như vậy là rốt cuộc, Duy còn bị lạc loài ngay trong cái “sự ngưỡng thiên” của mình. Điều thú vị là, giáo sư Nataxon, người thầy bằng tuổi Duy, người đã nhìn thấy bằng tấm lòng cảm thông, sự lạc loài của Duy giữa đám học trò quốc tế của ông, đến lượt mình, hình như cũng là con người lạc loài ở xứ sở quê hương, bởi những quan điểm và ý tưởng nghệ thuật của mình.

Dễ thấy một điều, dường như tiểu thuyết của Tô Hoàng không có nhân vật nào hoàn toàn xấu, vậy mà câu chuyện vẫn không rơi vào hời hợt dễ dãi. Dù hành lạc trắng trợn và trần tục như Bỉnh, Liên; dù vị tha phần nào thánh thiện như Phương hay dù gian truân vật vã khi đánh mất mình rồi tìm lại được mình, để cuối cùng vĩnh viễn mất mình trong cái chết êm ái mà oan khiên định mệnh như Duy, những nhân vật của Tô Hoàng đều rất thành thực với chính mình, thành thực đối diện với bản thân mình. Vì thế bên dưới cái dòng chảy tự sự của những câu chuyện sinh hoạt đời thường dung dị, có lúc tục tĩu, là một mạch ngầm xiết xoáy những nỗi niềm day dứt, thảng thốt như là sám hối. Chiều sâu triết luận của câu chuyện nằm ở chính cái mạch ngầm sám hối này. Cái đêm không ngủ trần truồng của Liên trước ngày về nước là gì nếu không phài là một lời sám hối đau đớn? Sự chăm sóc muộn màng và cảm động của Phương dành cho Duy những ngày ở Liên Xô như muốn bù đắp cho người yêu đầu đời của mình những thiếu thốn do sự vắng mặt trước đây của mình, hành động ấy khi điềm đạm khi cuồng nhiệt, nhưng vẫn chỉ là một lời sám hối dịu dàng khắc khoải vì vô vọng. Còn mối tình của Duy với Nadia, cô gái Nga “lạc loài” có tên là Hy vọng, mối tình đạt tới tuyệt đỉnh của niềm ao ước và sự mãn nguyện ấy cũng có gì khác hơn lời sám hối tuyệt vọng trong cơn hấp hối của Duy. Có một lời sám hối nữa, như chung cho cả Duy lẫn Phương, và phần nào cho cả những người như Liên: “Tựa như họ chưa từng sống, chưa từng yêu, chưa từng bao giờ được thanh thản nhẹ nhõm trong những dự định, những ý nguyện riêng tư. Tựa như họ sinh ra trên cõi đời này là để trù liệu những biến cố dữ dằn, những mất mát chia ly họ phải gánh chịu, tiếp đến là những phấp phỏng âu lo… những phấp phỏng âu lo quá đỗi tầm thường suy cho cùng cũng chỉ để cốt có miếng ăn đổ đầy miệng, manh áo đắp lên thân…” (tr.84)

Hãy yên nghỉ, anh Duy. Đừng giật mình vì tiếng thét của Igor tốt bụng khi thấy nhân viên hải quan Nga ở sân bay lạnh lùng, tàn nhẫn dốc ngược chiếc bình đựng đám tro thân xác anh: “Đồ man rợ, chúng mày mất hết nhân tính rồi sao ?”... Hãy yên nghỉ, đừng giật mình, vì Phương dịu dàng, thông minh và quả cảm của anh đã ở bên anh, đưa anh về với Đất Mẹ.

Hãy yên nghỉ , vì cái chết của anh đã là lời sám hối cuối cùng, day dứt ám ảnh và đau đớn của những con người trung thực, “biết thân đến bước lạc loài”!

TP Hồ Chí Minh, tháng Tư năm 1992
TS. BÙI KHỞI GIANG

(Bài đăng trên Tập san Văn hóa và Đời sống, số chuyên đề
Những linh hồn bị ruồng bỏ, tháng 6 năm 1992)

ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...