Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Nhật Chiêu - một đời dạy học, đọc và viết

Ở tuổi U70, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Nhật miệt mài sáng tác, bền bỉ truyền tình yêu văn chương cho nhiều thế hệ học trò.

Trên con hẻm ở đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh sầm uất của Sài Gòn, căn nhà nhỏ của thầy Phan Nhật Chiêu là một góc tĩnh lặng của sách vở. Hàng chục năm qua, gian phòng khách chật hẹp ở đây thường xuyên đón nhiều lứa học trò đến thăm. Căn phòng không thay đổi theo năm tháng. Vẫn bức tranh núi Phú Sĩ cuộn mây trắng treo trên tường, bàn trà cùng bộ ấm tách đơn sơ, vài bức tượng cô gái Nhật trong bộ Kimono - các món quà lưu niệm của học trò, cùng những chiếc tủ chen đầy sách. Một thứ luôn ngày càng nhiều hơn trong ngôi nhà này là sách.

Hơn vạn quyển sách là gia tài nhà nghiên cứu sinh năm 1951 tích góp được qua hơn 40 năm miệt mài với công việc nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Mê đọc  từ thời trẻ, nhất là các sách chuyên sâu về văn hóa, văn học Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức..., với Nhật Chiêu, sách là tri kỷ, là thầy giúp ông tự học để có được vốn uyên bác về văn chương Đông Tây kim cổ. Sách dẫn đường ông trở thành người truyền tải kiến thức cho nhiều thế hệ học trò.

Từ sau năm 1975, Nhật Chiêu gắn bó việc dạy văn ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) trước khi là giảng viên của Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn thành phố. Thời điểm đó, giáo sư Nguyễn Lộc - trưởng khoa Văn của đại học này - đã mời Nhật Chiêu về trường khi biết tên tuổi ông qua nhiều bài nghiên cứu văn học thế giới.
Nhà văn Nhật Chiêu bên học trò - chị Lê Thu Hiền 
trong một chuyến thầy trò về Hội An. Ảnh: Duy Nhất.

Trong hơn 20 năm dưới mái trường Nhân văn, Nhật Chiêu đã đào tạo, giảng dạy nhiều lớp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành văn chương trong và ngoài nước. Ông còn được nhiều độc giả yêu mến trong vai trò một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Phật giáo... Ông dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông... với nhiều đầu sách được tái bản nhiều lần như: Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hoá phương Đông (viết chung)...

Dù còn xa lạ với thế giới Internet và công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google, Nhật Chiêu vẫn liên tục cập nhật tình hình văn chương thế giới qua sách báo nước ngoài. Tình yêu đọc sách mang đến cho ông những mối duyên bằng hữu kỳ ngộ. Hơn 5 năm qua, hàng tuần, một người bạn ở Mỹ của Nhật Chiêu - ông Đặng Lãm - không quản ngại công sức lùng sục bằng được những tác phẩm văn chương thuộc nhiều thể loại và có giá trị nghiên cứu cao để gửi về nước cho Nhật Chiêu. "Nhờ bạn, tôi chưa bao giờ thiếu sách mới để đọc", ông tâm sự.

Ở tuổi gần 70, khi được hỏi: "Điều gì ông chờ đợi và mong ước phía trước?",  Nhật Chiêu bật cười dẫn lại tác phẩm Waiting for Godot (Samuel Beckett): "Mỗi người đều có một 'Godot' riêng mình. Mỗi ngày, tôi chờ đợi có thêm cuốn sách hay và còn đủ sức khỏe để viết lách. Tôi mong truyền thêm tình yêu tiếng Việt mãnh liệt đến với nhiều học trò, bởi theo tôi, một bộ phận bạn trẻ hiện nay kém tiếng Việt. Ngoài ra, tôi không đặt mục tiêu cố định nào cho tương lai của mình mà thả bản thân vào dòng trôi của tình yêu cuộc sống".

Hiện tại, Nhật Chiêu thường xuyên được mời làm diễn giả ở các tọa đàm văn chương. Các buổi nói chuyện của ông về Fyodor Dostoyevsky, Kazuo Ishiguro - nhà văn Anh gốc Nhật đoạt giải Nobel Văn học 2017... luôn thu hút khán giả yêu vì sự tìm tòi, ý niệm mới trong cách hiểu về tác giả, tác phẩm.

Xuất hiện trên văn đàn từ khoảng 2006, Nhật Chiêu còn nhanh chóng được xem là một hiện tượng văn xuôi với các truyện ngắn Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi... Năm 2011, khi về hưu, ông có nhiều thời gian hơn để tập trung sáng tác, ra mắt hàng chục bài thơ, đầu sách như: Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt - Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với như (thơ ca tương chiếu)...

Tình cảm từ học trò là món quà lớn

Nhật Chiêu thường có thói quen tặng sách cho các học trò thân thiết. Không ít "đệ tử" của ông giờ theo nghề giáo, nối tiếp nghiệp giảng. Họ được thầy tặng những quyển sách ngoại văn gắn liền với một thời tự học của ông. Ông luôn dặn học trò đọc sách trong tinh thần cầu thị, đọc có chọn lọc, biết tự phân tích, phản biện, so sánh và đối chiếu.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay là dịp đặc biệt với nhà văn Nhật Chiêu khi các học trò lên kế hoạch mời ông một chuyến tham quan Nhật Bản. Chị Lê Thu Hiền (cựu sinh viên Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP HCM, khóa 1999-2003) - một trong số học trò được nhà văn Nhật Chiêu dìu dắt về chuyên ngành văn học Nhật - chia sẻ chuyến đi là dịp để ông và các học trò cũ hội ngộ.

"Thời điểm tôi làm luận văn tốt nghiệp về nhà văn Yoshimoto Banana, tác giả này chưa được biết đến rộng rãi trong nước. Qua sự hướng dẫn tận tình của thầy, tôi đạt điểm 10 khóa luận - kỷ niệm đẹp của thời sinh viên. Mấy chục năm trước, khi chưa có nhiều điều kiện như bây giờ, thầy đã dịch, nghiên cứu, am hiểu tận tường về văn hóa, văn học Nhật... Tình yêu nghề và sự tận tâm của thầy là động lực cho chúng tôi luôn phấn đấu trong cuộc sống lẫn công việc. Nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành và được thầy truyền cảm hứng yêu thơ ca cùng tinh thần đẹp từ văn hóa Nhật", chị Thu Hiền cho biết.

THOẠI HÀ
Nguồn: VNEX


ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...