Nhà thơ Quang Chuyền
Hơn 50 năm
trôi qua, hầu như ở đâu, lúc nào ông cũng làm thơ, in thơ, cũng đau đáu
trước những vấn đề cuộc sống đặt ra cho thơ. Hai lần (1971, 1985) dự
Hội nghị Những người
viết văn trẻ toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Thơ ông xuất
hiện đều trên các báo, tạp chí, các tuyển tập thơ của Hội Nhà văn
Việt Nam và các báo khác, nhận nhiều giải thưởng, tên tuổi được
nhiều người biết. Vậy mà mãi tới năm 2003, sém 60 tuổi đời, 40 tuổi
văn chương ông mới được kết nạp vào Hội. Có sự muộn ấy là do ông
“bé cái nhầm”, nghĩ mình cứ viết, đến một lúc nào đấy Hội Nhà văn
xem được, sẽ mời vào. Vì thế ông rất lấy làm lạ khi thấy quanh mình
nhiều người viết sau, thơ thì cũng thường thường bậc trung mà vào
Hội cứ như không, trong khi đó mình dù đã nỗ lực hết mức vẫn không
sao lọt được vào con mắt xanh của các nhà tuyển trạch ở Hàn lâm
viện 65 Nguyễn Du đáng kính.
Chuyện tình
cờ xảy ra, mọi thắc mắc của ông phút chốc sáng tỏ. Năm 2002, Văn
nghệ Quân đội kỷ niệm 45 năm ra số đầu tiên. Quang Chuyền được mời dự
lễ, bởi ông là cộng tác viên thơ thân thiết của Tạp chí. Đón ông ở
sảnh, nhà văn Nguyễn Quốc Trung bảo:
“Anh phải
vào Hội đi chứ, cứ ở ngoài mãi thế coi sao tiện?”
“Ờ… vào
chứ, vào chứ… nhưng Hội đã mời đâu?” – Quang Chuyền rụt rè.
Nguyễn Quốc
Trung ngạc nhiên:
“Lại còn
thế nữa. Em nói cho anh biết nhé, Hội Nhà văn Việt Nam thành lập năm
1957, đến nay tròn 45 năm. Trong 45 năm ấy, trừ 25 Hội viên sáng lập
trong Đại hội lần thứ nhất là các nhà văn, nhà thơ Nông Quốc Chấn, Nguyễn
Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu… đến nay mới chỉ có một người là nhà thơ
Trần Vàng Sao, tác giả “Bài thơ của một người yêu nước mình” được
Hội mời (nhưng không vào), số còn lại ai muốn vào cũng phải đảm bảo
tiêu chuẩn đã xuất bản ít nhất hai quyển sách văn học, sau đó viết đơn cam kết hoạt động theo tôn chỉ, quy tắc của Hội gửi Ban Tổ chức Hội viên để Hội xét. Ngay cả ông Tổng Thư ký kính mến của chúng ta hiện nay là Nhà
thơ Hữu Thỉnh cũng vậy. Vì thế, việc vào Hội với anh bây giờ, tác
phẩm thì đủ rồi nhưng phải viết đơn. Đơn phải có hai người giới
thiệu. Anh viết đơn đi, nếu không để em viết cho”
“Ồ, thế mà
tôi cứ tưởng…”
Quang Chuyền
chưng hửng.
Trở về, ông
viết đơn ngay. Năm sau, 2003 ông được Hội Nhà văn Việt Nam xét đơn, kết
nạp. “Vừa tiểu đăng khoa lại đại đăng khoa”(chả là cùng thời điểm ấy,
Quang Chuyền được Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh kết nạp vào
Hội). Quang Chuyền mừng lắm. Kể tôi nghe chuyện này, hơn mười năm trôi
qua nhà thơ vẫn ngạc nhiên không hiểu sao mình lại “ngu lâu” đến thế.
Nghe xong, tôi cười, băn khoăn nếu không có Nguyễn Quốc Trung tình cờ
mách cho, không biết đến bây giờ ông đã vào Hội Nhà văn được chưa?
Với thơ là
điều quan thiết hàng ngày mà ông còn lơ ngơ vậy, thì trước muôn nẻo
đường đời ông có lơ ngơ cũng là sự thường. Vì thế mới có chuyện
thời loạn, tính cuộc vuông tròn bộ đội nhiều người chỉ cần về quê
một tuần là đủ hoàn tất quy trình ba công đoạn: Xác định đối tượng
- yêu - cưới, mà vẫn sinh con đẻ cái, vẫn chung thủy, đợi chờ nhau cho
đến ngày đất nước yên bình. Còn anh lính Trần Quang Chuyền và cô
giáo Trần Thị Bích Loan, vợ anh sau này vờn nhau những 8 năm, một sự
lãng phí hết sức về thời gian và cơ hội. Mới có chuyện năm 1988,
thiếu tá Trần Quang Chuyền được Bộ Tư lệnh Thông tin bổ nhiệm làm
Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 596 Viễn thông đóng ở TP Hồ Chí
Minh. Ông vào, đang chân ướt chân ráo thì chi bộ cơ sở nơi ông công tác
tổ chức đại hội nhiệm kỳ. Nghĩ mình đường đường Phó Chủ nhiệm,
lại là người của Bộ Tư lệnh điều vào, cơ cấu cấp ủy là chuyện
đương nhiên. Nhưng kết quả bầu cử, ông bị gạt… cũng làm ông ngơ ngác.
Mới có chuyện đổi đất lấy cơ sở hạ tầng hết sức lãng phí như ông
đã làm. Ấy thế mà từ nhỏ, ông đã phải vật lộn kiếm sống.
Những người
vào đời sớm thường rất từng trải. Quang Chuyền có từng trải không?
Tôi không biết. Nhưng tôi biết ông sinh trong một gia đình nghèo ở vùng
đồng trũng tỉnh Vĩnh Phúc, nơi ngã ba hợp lưu của hai con sông Lô và
sông Phó Đáy. Cha ông mất năm 1954, khi mới 36 tuổi. Mẹ ông 32 tuổi, ở
vậy nuôi con. Một nách nuôi năm con dại với vài sào ruộng khoán, sự
khó khăn không thể nói hết. 10 tuổi, Quang Chuyền vào lớp 1, vừa học
vừa giúp mẹ làm đồng; đến lớp 6, một hôm mẹ bảo cậu trưởng:
“Con đã lớn,
học thế thôi, ở nhà giúp mẹ cho các em đi học!”
Câu nói ấy,
cách đấy không lâu Chuyền đã nghe mẹ nói với chị Hạc, chị gái của
anh. Buồn, chị trốn mẹ đi làm công nhân đường sắt trên Yên Bái. Bây giờ
đến lượt Quang Chuyền. Không, anh sẽ không trốn nhà ra đi như chị mình,
nhưng cũng không thể giữa đường đứt gánh. Một ý nghĩ mới mẻ, táo
bạo hình thành trong anh. Anh thưa với mẹ:
“Mẹ cho con
lên Tuyên Quang, con sẽ tự kiếm sống, đi học.”
Ấy là anh
nghĩ tới ông bà ngoại ở thị xã Tuyên Quang. Dịp nghỉ hè năm ngoái
anh được mẹ cho lên Tuyên thăm ông bà, vì thế mà bây giờ Tuyên Quang
bỗng trở thành miền đất hứa. Thấy mẹ có vẻ chần chừ, anh dấn thêm:
“Con đi, nhà
bớt một miệng ăn, mẹ có thể cho ba em tới trường…”
Cuối cùng
mẹ đồng ý. Thế là “Người ra đi đầu luôn ngoảnh lại”, hết lớp 6
Quang Chuyền rời nhà, sống tự lập.
Từ hạ nguồn
lên thượng nguồn, anh tranh thủ ba tháng hè kiếm ít tiền dằn túi.
Ngày ấy ở thị xã Tuyên Quang, nhà cửa (kể cả công sở) hầu hết được
làm bằng tre, nứa. Anh xin với ông bác họ, một chủ thầu xây dựng cho
làm thợ phụ. Bác đồng ý. Công việc hàng ngày của thợ phụ là vận
chuyển tre nứa, đưa rui mè, đòn tay cho thợ chính lợp nhà. Lương thợ
chính đồng hai năm xu một ngày công, thợ phụ bằng ½ thợ chính. Dù
vậy, với một đứa trẻ choai lần đầu xa nhà, cũng quá tốt. Anh chia
tiền ra làm nhiều khoản: ăn uống, mua quần áo, sách vở cho niên học
tới. Sau ba tháng quen việc, Quang Chuyền đã có thể leo lên mái nhà
lợp lá cọ, tấm gianh như thợ chính.
Hết hè năm
ấy Chuyền vào học lớp 7E trường cấp 2 thị xã, vừa tách từ trường
Tân Trào ra. Học trò hầu hết là con em Việt kiều từ Tân Đảo về, lớn
hơn anh một cái đầu, anh thành người nhỏ nhất lớp.
Thời gian
biểu hàng ngày của Chuyền chật kín công việc: sáng lên lớp, chiều
làm thợ, buổi tối đi vác thuê tre nứa từ dưới sông lên bến. Chủ nhật
thì xách dao vào rừng, chặt nứa thả bè về thị xã Tuyên Quang bán.
Một ngày anh chặt được quãng 100 cây nứa bảy, mỗi cây to bằng cổ tay,
dài 4m. Tập kết ra bờ sông xong, Chuyền bó nứa lại thành bó, mỗi bó
hai mươi cây, ghép làm bè mảng, trên mảng để thêm vài bó củi rồi thả
trôi theo sông về thị xã.
“Sông Lô sông
ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…” Không, khi đó cậu
trưởng Chuyền chẳng biết gì về một sông Lô hùng tráng trong âm nhạc
Văn Cao, hát về những sự kiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp xảy
ra trên sông cách đấy không lâu. Nhưng nhẩm tính số tiền sẽ thu được,
trong lòng cậu có một cái gì đấy cứ muốn ngân lên thành lời. Chịu
thương chịu khó, một ngày chủ nhật cậu kiếm đủ tiền chi dùng cho cả
tuần. Cứ như vậy, năm học dần trôi qua, Chuyền không có thời gian chơi.
Bây giờ mỗi khi nhớ lại, anh vẫn không hình dung nổi làm sao trong
hoàn cảnh ấy anh vẫn thuộc bài, làm bài đầy đủ, vẫn là một học
sinh trong top đầu của lớp.
Hết lớp 7,
tức là hết cấp hai Quang Chuyền thi và đỗ vào trường Sư phạm Việt
Bắc. Ngày ấy Cao – Bắc – Lạng – Thái – Hà – Tuyên, sáu tỉnh khu tự
trị chỉ có một trường Sư phạm cấp hai này. Đỗ vào trường là một
vinh dự lớn của đời anh. Từ đây anh được Nhà nước nuôi ăn học, không
còn phải vất vả kiếm sống. Căn cứ kết quả thi, nhà trường xếp Quang
Chuyền vào học khối Tự nhiên. Khi các giáo sinh bước vào huấn luyện
quân sự, để tạo không khí học đường, Ban Giám hiệu trường phát động
một cuộc thi thơ. Với hơn 2.000 tân sinh viên, cuộc thi bề thế lắm. Kết
thúc chấm giải, bài thơ “Buổi diễn tập đầu tiên trên thao trường” của
anh giáo sinh khối Khoa học Tự nhiên Trần Quang Chuyền được trao giải
nhất. Thấy vậy, nhà trường bèn chuyển anh sang học Khối Xã hội.
Quang Chuyền như cá gặp nước, học hành ngày một tấn tới. Năm học
thứ hai được kết nạp Đảng, được báo cáo kinh nghiệm học tập và
phấn vào Đảng khắp toàn trường. Tốt nghiệp đỗ Thủ khoa ngành Khoa
học Xã hội, trở thành một “hot boy” trong mắt các giáo sinh nữ.
Tất cả
những sự ấy được Quang Chuyền ghi lại trong thơ: “Chiều thành Tuyên/
Nắng kép dần cửa sổ/ Đáy sông Lô nở chùm hoa lửa/ Chim về sải cánh
qua soi/ Sông thở bồi hồi/ Giục phà sang Nông Tiến…” Những câu thơ
không chỉ được viết từ sự quan sát bình thường, mà bằng sự cảm
thấu của một tâm hồn đã gắn bó với vùng đất yêu thương qua nhiều năm
tháng.
Đọc thơ Quang
Chuyền, lĩnh hội đầy đủ những dở hay, đạt và chưa đạt, ta phải đặt
trong văn cảnh chung của nền thơ chống Mỹ. Một nền thơ lấy thành công
của cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện của dân tộc làm mục đích
sáng tạo. Mọi chất liệu cảm xúc, đề tài, chủ đề đều từ đó mà ra.
Với hoàn cảnh xuất thân, kiến thức được trang bị, thời điểm xuất
hiện, Quang Chuyền là một ca tiêu biểu của lớp nhà thơ chống Mỹ. Ông
nhập cuộc thơ, nhập cuộc kháng chiến ngay từ buổi đầu. Năm 1964, khi
Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc, cũng là lúc Quang Chuyền
công bố những bài thơ đầu tiên của mình trên báo. Thơ ông viết trong
thời kỳ này chủ yếu khai thác vào khía cạnh thơ mộng, rất học trò,
thấm đẫm hương kỷ niệm của tuổi thơ thân thuộc: “…Tao với mày cùng
làng Gốm sinh ra/ Cái làng nhỏ quanh năm hạn úng/ Bởi vì thế khi hai
thằng cầm súng/ Có bệ tì là nỗi khổ xa xưa…” (Gửi bạn nơi
xa). Hoặc: “Hát về mảnh đất yêu thương/ Bến sông trải nắng, con đường
xanh cây/ Hát về cánh trắng cò bay/ Lô xô đồi đất, vơi đầy đồng chiêm/
Từ trong câu hát lớn lên/ Đời tôi tha thiết một miền quê hương…”
(Đất ơi).
Mỹ leo thang
chiến tranh, bom đạn lan rộng dần. Đổ nát, thương vong đã vào nhiều
thành phố, vào cả Hà Nội. Trên đất nước chẳng còn nơi nào bình yên. Anh bộ
đội Quang Chuyền vượt Trường Sơn vào chiến trường. Một
lần tới ngã ba làng Nút, phía Tây Quảng Trị. Do lỡ đường, trời tối, anh phải
ngủ lại trong một lòng cống đặt ngang dưới đường xe tăng đi. Suốt đêm ấy
anh và mấy người đồng đội nằm trong sự đu đưa đánh võng
của đạn pháo địch. Tai ù đặc vì tiếng nổ. Sáng ra cửa cống bị đất đá lấp gần hết.
Giày, dép, ba lô, vật dùng bị đất cát vùi chôn. Cùng lúc ấy cách cống các anh nằm chừng năm chục mét, mấy đồng đội khác đang gọi nhau, đào bới, thu nhặt xác
của ba đồng đội đêm qua bị đạn pháo nổ trúng hầm. Từng chút xương, chút thịt
vương vãi trong máu, trong đất, trong cát được thu nhặt lại, đặt vào các tấm
tăng. Xong, mọi người moi đất bên cạnh, đặt các bó
tăng xuống, lấp đất
chôn cất liệt sĩ. Mộ chí là những
mảnh cây khắc họ, tên từng người: “Cây trẻ rừng già/ Tôi qua năm ấy/ Vết
khắc đoạn cây/ Vết gãy/ Ngang câu thơ mình/ Chấm mỗi dấu than/ Lại thấy/ Hiện về
gương mặt các anh!...”. Sự kiện trên được Quang Chuyền
ghi thành thơ như những dòng nhật ký.
Tiêu biểu cho
việc đưa hiện thực chiến trường vào thơ trong giai đoạn này của Quang
Chuyền là bài Qua khu rừng trắng, viết ở Quảng Đà năm 1974: “Từng
đi qua bao nhiêu rừng xanh/ Mới thấm hết nỗi đau trước vùng rừng
trắng/ Mênh mông im lặng/ Cơn gió lùa buốt tim// Nhức nhối mắt nhìn/
Triền miên màu trắng/ Cây thấp, cây cao, cay cong, cây thẳng/ Cùng chung
dáng hình/ Những thân cây đầy vết đạn, giơ cành/ Trần trụi lá nên
không thành cây nữa// Đâu rồi vị chua lá bứa/ Đâu rồi màu lửa hoa
chuối đỏ bừng/ Đâu rồi tiếng chim say lòng rưng rưng/ Đâu dòng suối
bâng khuâng cánh bướm?// Chỉ còn đây màu trắng/ màu trắng còn lại
đây/ Dáng hình của cây/ Tạc lên nền trời/ tạc vào mặt đất/ Tạc trong
lòng người/ Là dấu hỏi treo ngang tầm mắt
Đi qua
rừng trắng bao nhiêu con người/ Nhấp nhô ba lô, nòng súng/ Thậm thịch bàn
chân bước trong tim lặng/ Nhìn đồng đội đi tôi chợt hiểu điều này/ Áo
quần chúng tôi xanh đậm màu cây”.
Bài thơ mở
đầu như một bài ký (khổ 1, 2), nhưng chất liệu ký trong đó được tác
giả sử dụng như là phương tiện cho sự phát triển của tứ thơ, và ngay
ở cả những câu thơ - ký sự này, mỗi câu đều được viết với một sự
kìm nén lớn tạo nên một cảm xúc thẩm mỹ cao trong lòng người đọc.
Không sa vào kể lể, những liên tưởng tiếp theo (khổ 3, 4) tiếp tục
đào sâu cảm xúc, làm thành một mạch ngầm mãnh liệt, tương ứng với
hiện thực trần trụi bên ngoài. (Khổ 5) kết thúc bật lên bất ngờ, đem
lại cho ta một niềm tin, một hy vọng về chính nghĩa của chúng ta, về
sự sống sẽ được chúng ta bảo vệ…
Quang Chuyền
làm thơ nhiều thể loại, nhưng sở trường thể lục bát. Lục bát chiếm
vị trí quan trọng trong sự nghiệp thơ anh. Lật mở mười bảy tập thơ
nhà thơ đã xuất bản, tập nào thơ lục bát cũng chiếm số lượng lớn.
Hơn thế, anh còn dành hẳn một tập chuyên về lục bát (Bốn câu lục
bát, Nxb VHVNTP Hồ
Chí Minh, 2014). Vẫn là hai câu 6 - 8, vẫn B-T-B/ T-T-B ở câu lục. B-T-B-B/
T-B-T-B ở câu bát, lục bát Quang Chuyền mang dấu ấn riêng của hồn thơ
anh, không lẫn với những nhà thơ lính khác: một mối tình dang dở, một bến nước thân quen, một con phố nhỏ nơi sơ tán, những
người thân, bạn bè cũ… những gì níu giữ anh với quê nhà, đúng như
anh tuyên ngôn: “Câu lục dành dụm cho em/ Câu bát dâng mẹ thắp đèn
cúng sao/ Nổi nênh đắng đót ngọt ngào/ Mượn hồn tục ngữ ca dao đi
về…”
Đọc lục bát
Quang Chuyền, thấy anh không cố ý làm mới thể thơ cũ này bằng những
ngắt nhịp, bẻ từng tiết một rồi viết xuống dòng như thơ tự do.
Tức là anh không cố ý làm mới lục bát về hình thức, mà chủ yếu
bằng nội dung, bằng sự tinh tế, hóm hỉnh trong nhìn nhận sự
việc, luyện đạt nhân tình. Bằng cách ấy, anh đã ghi được dấu ấn của
mình trong lòng người đọc đối với thể thơ truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh… những nhà thơ cùng trang lứa có
nhiều thành công về lục bát, người đọc không thể không nhắc tới Quang
Chuyền. Không như anh tự vịnh: “Tôi từ ít nhớ nhiều quên/ Sân
ga lẻ bóng mình lên một tàu…”
NGÔ XUÂN HỘI
Nguồn: VĂN NGHỆ, 27/2017
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: