Nói như thế không có gì to tát, chỉ có điều đơn giản, Ý
Nhi viết truyện ngắn không có nhiều yếu tố cảnh sắc, không gian, đất và nước và
ngữ điệu vùng miền riêng biệt. Truyện ngắn của chị viết về một khoảnh khắc nào
đó của cuộc đời với đầy tâm trạng. Ai cũng đồng cảm được.
Nhà thơ Ý Nhi
Ý Nhi của thơ. Thơ chị chiếm đầu bảng trong dòng thơ phái
nữ phía Nam ở ta. Không nhiều du dương cảm xúc nhưng khác biệt ở chỗ nó nghĩ ngợi
trở qua trở lại nó lay thức người đọc. Thơ khiến ta thấu hiểu. Không mấy ai có
thể bỏ qua có thể thờ ơ với những nhân vật thơ của chị. Người đàn bà ngồi đan sống
thế nào trong đời thực? Hình bóng của ai đây? Thường ra đó là câu hỏi dành cho
nhân vật văn xuôi. Nhưng đây là thơ. Thơ của chị là của ý tứ của ngôn từ, thường
ta ít thuộc được thơ tự do nhưng Ý Nhi, thơ chị, lại bất chợt đến với ta trong
những lúc ta đơn độc.
Tôi nói với ý nghĩ của một người không làm nổi một câu
thơ, loại hình khó nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi kính trọng và ngạc nhiên
trước những câu thơ hay, trước người làm thơ cho dù họ không phải cày cuốc nhiều
chữ nghĩa như dân văn xuôi. Với Ý Nhi, cái sự nói lý trong thơ lại là độc đáo
khiến trí tuệ của chị thu phục hơn nhịp điệu dễ chịu. Từ sự độc đáo của thơ, Ý
Nhi viết những truyện ngắn cũng độc đáo.
Những truyện ngắn xuyên suốt tâm trạng của một người đàn
ông trong nhà của anh ta, trong quán cà phê, bên một người nào đấy mà không nhiều
đối thoại, trong một chuyến đi, lúc buổi sáng, lúc đêm khuya... Hầu hết là anh
ta tự nói với mình nhưng mỗi truyện có một không khí riêng biệt, rất sinh động,
không hề trùng lắp. Cái đó là tài quan sát, lắng nghe, suy luận, tưởng tượng...
của tác giả. Chị như vẫn đi với thơ trong truyện ngắn.
Bài thơ Người đàn bà ngồi đan có những
câu: Giữa chiều lạnh một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ... Mở đầu
một tâm trạng, một cuộc đời một số phận. Rất nhiều bài thơ của Ý Nhi có thể viết
thành truyện ngắn: Hai người - Cát - Ngày thường - Thuyền trưởng - Cái
chết của nhà thơ - Vườn - Ký ức - Hà Nội, một ngày nào - Quán cũ.
Truyện Phòng chờ chẳng hạn, có thể hình
dung nó đã là một bài thơ.
Một người đàn ông ngồi ở phòng chờ sân bay. Anh ấy thích
đến đó. Ngồi ở đó hàng tiếng đồng hồ. Người ta thấy lạ rồi quen đi. Người đàn
ông đó với những kỷ niệm chả hay ho gì về đàn bà đi qua đời anh. Một cô Hải
xinh đẹp anh sóng đôi tự hào cho đến khi cô bật ra cái câu thông thường của đàn
bà chê bai dè bỉu xung quanh. Rồi cô Phương trầm lặng suốt buổi xem vở kịch với
anh, rồi cô Phương thành vợ anh để suốt cuộc hôn nhân anh chỉ nghe được ở cô: thế
à - thế á - cô không lãng phí thời gian và từ ngữ với anh.
Cái vẻ tuân phục nhẫn nhịn ấy giày vò anh đến nỗi anh tự
hỏi: thông minh hay u mê? Anh trở nên lạc lõng trong hôn nhân... Rồi có một cô
Bê thoáng qua. Thầm lặng nhưng không giống cô Phương. Nó mời gọi anh khám
phá... Ở phòng chờ anh bắt gặp một gã đàn ông cũng đến ngồi một mình. Anh ta
nói có trọng bệnh muốn tìm một người để chào từ biệt trước khi đi. Tập ghi chép
của người đàn ông kia gửi anh có những dòng ám ảnh về Phòng chờ. Không phải cái
phòng chờ ở sân bay. Nó là phòng chờ ở các bệnh viện công và tư. Cái thứ phòng
chờ đau đớn tuyệt vọng. Trong tập ghi chép ấy người đàn ông ám ảnh về một cô P.
nào đó.
Một cô P. có thể là lý do gây cho anh ta sự bệnh tật
trong tâm hồn... Truyện ngắn không nói đến cũng không bật mở một cái gì lạ lùng
nhưng nó gợi nó khiến cái sợi dây liên tưởng: có cái gì giữa người đàn ông kia
và cô Phương vợ người đàn ông này? Có cái gì để khiến cô ấy hầu như câm lặng
trong đời sống hàng ngày dù người chồng của cô khá hoàn hảo.
Trên đây tóm tắt truyện Phòng chờ. Hãy hình
dung xem, đó là một bài thơ. Nhân vật chính trống trải ngồi ở sân bay trong
phòng chờ giữa đông người nghĩ ngợi liên miên về cuộc hôn nhân lạnh lẽo ở phòng
chờ khác, phòng chờ trong bệnh viện giữa những lo âu sợ hãi, có một người đàn
ông khắc khoải về bệnh tật về người đàn bà của anh ta. Thông thường người viết
văn xuôi tóm ngay cái chi tiết vì sao cô Phương sống với chồng như cái bóng câm
nín suốt bao năm? Vì sao lại có cô P. nào đó trong ghi chép của người đàn ông ở
phòng chờ bệnh viện, người gây nên bệnh tật trong tâm hồn anh này. Không phải
chỉ là tình huống truyện ngắn. Nó là cả một tiểu thuyết khắc khoải về những điều
không toại nguyện của đời người. Trong truyện này, cũng là một bài thơ, Ý Nhi
chỉ gợi đến một tình huống. Tùy mỗi người tưởng tượng. Theo tôi đấy là cách viết
cao tay, kiềm chế tối đa cảm xúc, là nghệ thuật cài cắm trong đó hiện diện sự hồi
hộp của người viết khi nhân vật của chị hành động theo cách riêng của họ.
Thường truyện ngắn của Ý Nhi hay miêu tả tâm trạng một
người đàn ông trong đời sống hàng ngày. Hầu hết nhân vật chính của chị là đàn
ông. Có lẽ chị cũng không hiểu sao lại thế. Những người đàn ông có trí tuệ có học
hành không bao giờ hành động quyết liệt để giành lấy cái gì, anh ta chừng mực,
mà nén đau đớn hay hạnh phúc... để cho mọi chuyện được ổn thỏa. Để không khiến
người khác khổ vì mình... "Anh đứng bật dậy chạy ra phố mua một túi hoa quả,
vừa lúc vợ anh về. Anh cười, em đừng nấu nướng nữa, chiều nay nhà mình đi ăn tiệm.
Vợ anh nhìn anh giọng lạnh tanh, có gì mà hào hứng vậy, vừa đi chơi với bồ về
à? (truyện Roy Evan rời bỏ Liverpool). Cũng trong truyện này người
đàn ông níu kéo vô vọng người chung quanh vào các niềm đam mê mà anh tưởng rằng
tột đỉnh của cái đẹp, thì, như mọi lần người ta làm anh rơi xuống. Ví như nói tới
tranh Van Gogh mọi người bị cuốn vào giá cả. Nói tới Ronaldo người ta nhắc đến
giá chuyển nhượng ghê người... Về nhà anh gặp sự dửng dưng của người đàn bà gắn
với anh trong suốt cuộc hôn nhân... Không ngạc nhiên, không gay gắt phản ứng,
người đàn ông trong truyện - và các truyện khác - đều có cái gì đó như bình thản.
Sự bình thản này gây nên nỗi chua xót với người đọc. Anh ta chẳng có cánh cửa
nào để đi ra nữa. Cuộc đời tràn ngập sự lạnh lẽo vô cảm, anh cô đơn với khao
khát dằn vặt riêng mình để làm gì?...
Nhân vật hầu như xuyên suốt trong các truyện ngắn của Ý
Nhi, có dáng dấp chung nhưng mỗi câu chuyện lại có màu sắc riêng biệt, không
trùng lắp. Những số phận khác biệt nhưng cách xử sự của nhân vật có một cách
chung: bình thản, can đảm chấp nhận. Những truyện ngắn thật hay: Có gió
chuông sẽ reo - Lại mưa - Tiếng chuông - Giữa khuya - Bạn vong niên - Cao
nguyên - Chuyến bay... Những tên truyện rất gợi, khơi dậy cái gì đó như tò
mò, ám ảnh. Những truyện ngắn là một khoảnh khắc, ít quá khứ, không tương lai.
Có những người viết tài năng, hấp dẫn, người ta đón chào tác phẩm một cách sôi
nổi. Nhưng đọc rồi, bận bịu với hàng ngày rồi, người ta sẽ quên, thậm chí quên
triệt để, có thể chỉ còn nhắc một cái tên tác giả. Ý Nhi là một trường hợp lạ.
Có thể không nhiều người đọc vì nó không bình dân. Nhưng nó sống day dứt trong
ai đã từng đọc dù cho các truyện đều không có chuyện, không thể kể lại, không
có tình huống phức tạp. Hầu hết như là các độc thoại. Rất nhiều các khoảng lặng
mà căng thẳng dồn nén. Truyện Phòng chờ có khoảng lặng sâu sắc.
Truyện ngắn đi cùng với thơ, tiết chế, hầu hết là "ý
tại ngôn ngoại". Nhưng vượt lên trên một bước, tác giả có cái nhìn của người
viết văn xuôi, miêu tả, kể chuyện không rườm lời, không để nhân vật có động tác
thừa. Tất cả động tác đi, đứng, ngồi, cầm ly rượu, điếu thuốc, bó hoa, gõ cửa,
nhìn cái gì đó ngoài cửa sổ, đều được tác giả chăm chút, cân nhắc đặt chữ đúng
chỗ sao cho nhân vật sống động, gắn kết động tác với tâm trạng. Không có cách
viết tùy hứng. Nhưng câu văn nhiều cảm xúc, chân thật. Trong thế giới con người
càng hay mất đi cái riêng tư của nội tâm, điểm xuất phát của lòng tốt của sự
sáng tạo, mất đi sự cô đơn cao cả với những phút thư giãn trong tâm hồn, Ý Nhi
nhắc ta về sự thiệt thòi đó. Con người không thể hiện hữu vô tâm trong sự ồn ào
trống rỗng.
***
Ý Nhi làm được những việc rất khác biệt nhờ truyện ngắn.
Chị đứng ở vị trí người đàn ông - hầu hết nhân vật - để có cơ hội bộc lộ hết những
thông minh sắc sảo, vừa cứng cỏi vừa yếu đuối của con người. Truyện của chị ít
tình huống phức tạp nhưng chật chội tâm trạng tâm thế.
Khác với nhiều người viết ít khi trọng chữ, Ý Nhi như
trên đã nói, cân nhắc kỹ càng khó tính như lúc làm thơ. Nhiều khi để kể câu
chuyện rắc rối tình tiết, người ta lướt qua để rồi hiện hình một câu chuyện vô
hồn. Chữ với Ý Nhi là cảm xúc. Truyện nào của chị cũng đầy tràn cảm xúc. Có thể
nhớ rất lâu sự trục trặc giữa hai con người tưởng như gắn bó trong truyện Roy
Evan rời bỏ Liverpool. Những gặp gỡ tình cờ sau đó là sự khắc khoải của
người đàn ông mấy lần định tới Phìn Sa mà không đi được dù không có gì cản trở
trong truyện Phìn Sa... Những truyện ngắn thực hay, mẫu mực về ý tưởng
và ngôn ngữ. Cũng trong truyện ngắn, Ý Nhi nhắc da diết tới tuổi trẻ ở Hà Nội,
thời có nhiều khi người ta vượt qua nỗi khổ áo cơm nhờ những cảm xúc trong sáng
với phim ảnh, thể thao, bè bạn. Đọc truyện của chị gặp lại Maradona - Hohan
Cruyss - Fran Berkenbauer - Platini - Johan Nicoud - Zidane - Figs - Hagi -
Roberto Carlos - Nedved ... Thời khắc Hà Nội bao cấp nhưng con người có lẽ vẫn
tìm được một thứ điểm tựa nào đó để vượt qua. Điểm tựa đó có lẽ là tình yêu hết
lòng, không vụ lợi, đầy sự hy sinh, cái tình cảm thấy thoáng trong hàng loạt
truyện ngắn của Ý Nhi.
Hãy đọc những Năm cuộc điện thoại - Ba sẩm tối -
Điểm dừng - Một giờ sáng và nhiều truyện ngắn của chị. Con người thấy
hạnh phúc vì có tố chất của hạnh phúc nhưng cũng suốt đời thiếu vắng trống trải.
Một mình đi qua, đi trong cuộc độc thoại triền miên về cái đẹp, về sự cô đơn.
LÊ MINH KHUÊ
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: