Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Đông Trình – Người đi “giữa thực và mơ”

Saint - John Perese đã xác quyết: “Nhà thơ tuy chẳng muốn cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc chuyển biến của lịch sử. Và trong bi kịch của thời đại, không có sự gì y chẳng quan tâm.”Có thể nói, điều này rất đúng với thơ Đông Trình cũng như những nhà thơ cùng thế hệ với anh khi họ phải sống qua những biến động của lịch sử dân tộc với tư cách là người trong cuộc.
Nhà thơ Đông Trình (bên trái) và nhà thơ Thanh Quế

1.
Không phải ngẫu nhiên, trong hành trình sáng tác thơ của mình, khi làm tuyển tập thơ viết cho thiếu nhi, Đông Trình lại đặt tên cho tập thơ là Đi giữa thực và mơ(Nxb. Đà Nẵng, 2009). Còn Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì cho rằng: “Đọc thơ Đông Trình, nhiều lúc bắt gặp những chuyện mơ mơ thực thực.” Nhận định mang tính luận đề này của một Bác sĩ, một nhà nghiên cứu tâm lý và văn hóa danh tiếng như Nguyễn Khắc Viện, chắc hẳn không phải là chuyện “nói cho vui” mà chính là đúc kết những cảm nhận từ sự nghiệm sinh của một người đã trải qua nhiều “bão giông” cuộc đời đối với thơ của một thi nhân đã và đang đi qua cuộc nhân sinh gắn với những thăng trầm của lịch sử đất nước mà thi nhân không chỉ trải nghiệm nhưng còn dự phần như một chứng nhân. Thơ Đông Trình, vì thế, là thơ của một sự kết tinh từ hành trình sống của anh trong sự song hành với lịch sử dân tộc mà dấu ấn lịch sử ấy đã trở thành một ám ảnh trong anh và những người cùng thế hệ, một thế hệ luôn mang khát vọng về một xã hội, ở đó những giá trị nhân văn như: dân chủ, tự do, công bằng, bác ái… được đề cao, gìn giữ và trân quí. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như những giấc mơ mà còn có cả sự hiện hữu của những cái thực. Và những cái thực ấy, nhiều khi trần trụi đến đớn đau, cho dù con người không chấp nhận thì nó vẫn tồn tại như một phần tất yếu của đời sống. Thơ Đông Trình, vì thế là thơ luôn đi giữa hai bờ thực và mộng, giữa có và không, giữa hiện hữu và không hiện hữu, trong cuộc nhân sinh vốn đầy những bất an này. Và đây là một căn phần tạo nên thi giới riêng của thơ Đông Trình trong hành trình sáng tạo.

2.
Từ tập thơ “Rừng dậy men mùa”, Đối Diện xuất bản lần đầu năm 1972 ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, Đông Trình đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của khuynh hướng thơ ca yêu nước dấn thân trong phong trào đấu tranh của tuổi trẻ ở đô thị miềm Nam. Tập thơ là sự kết tinh những khát khao của tuổi thanh xuân đầy mộng mơ về một đất nước tươi đẹp, hòa bình nhưng cũng là chứng từ ghi lại những nỗi đau, mất mát, từ hiện thực cuộc sống gian khổ trong những năm tháng chiến tranh. Tình tự dân tộc trong thơ Đông Trình, vì thế rất thiết tha, sâu lắng, có sức lay động lòng người, góp phần thức nhận tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược giành độc lập tự do cho tổ quốc: “Muôn dặm hề ta yêu Việt Nam/ Dân tộc ta bất khuất kiên cường. / Lịch sử ta bốn ngàn năm lập quốc/ Máu từ Cà Mau máu thắm Nam quan.” Và từ trong hiện thực lịch sử hào hùng của dân tộc, thơ Đông Trình lại hướng đến những mơ ước, khát vọng ở tương lai: “Ta vỗ thơ mình như cánh chim/ Như gió vô tình chở nắng qua đêm/ Có tiếng hát nào không là sứ điệp?/ Rất kiêu hùng ta đậu giữa anh em./ Tiếng ta cao hề không ai theo tới/ Lời ta sâu như lịch sử giống nòi./ Ta bước đi hề ra ngoài bóng tối/ Trên cây đời ta ươm nụ tương lai.” (Hành trình cho một tương lai đã nhìn rõ mặt)… Trong cuộc sống hôm nay, đọc những câu thơ này, chúng ta có thể nghĩ, đó cũng là điều bình thường, không có gì đáng để quan tâm. Song, nếu ta chịu khó lắng lòng mình, trở về với khí quyển của xã hội miền Nam trong những tháng năm đấu tranh gian khổ, giành chủ quyền cho dân tộc, mới thấy hết giá trị của tinh thần trách nhiệm và ước vọng về một tương lai tươi sáng của đất nước trong tầng lớp trí thức dấn thân ở miền Nam trước 1975. Và đây cũng là minh chứng về sự gắn kết cảm thức giữa thực và mơ trong thơ Đông Trình.
        
Trong tập “Rừng dậy men mùa”, cảm thức mơ và thực này ta còn bắt gặp ở nhiều bài thơ khác như Trong thành phố cổ tíchNgười ngồi nhớ núi; Một lần là trăm năm; Đời không bằng mộng; Tình về… mà ở đó có những câu thơ, khi đọc lên ta không khỏi thấy nao lòng: “Ngỡ mùa đã cuối xuân xanh/ Nhưng hoa nụ thắm trên cành còn rung/ Bãi xao xác gió vô thường/ Tay hoàng hôn vẫy còn vương chân ngày.” (Tình về) Chính vì vậyđọc “Rừng dậy men mùa” của Đông Trình, ta không chỉ bắt gặp trong đó những câu thơ phản ánh về hiện thực chiến tranh với những lời kêu gọi, hiệu triệu cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, cho độc lập tự do của dân tộc mà còn thấy ở đó những mộng mị của tình yêu thánh thiện, sáng trong. Và đây cũng là hiện thân của những giấc mơ giữa đời thực mà không có nó, thơ Đông Trình khó có thể neo đậu được trong tâm thức người đọc. Phải chăng, chính những bài thơ này đã làm cho thơ Đông Trình không phải là thơ của một thời (thời tranh đấu) mà đó là thơ của một đời vì nó chạm đến một phương diện không thể thiếu trong đời mỗi con người đó là Tình Yêu, mà những cái thực và mơ trong cõi yêu luôn là những giá trị bất biến.
       
Thế nên, tôi thích những câu thơ thừa mơ mộng nhưng cũng không thiếu nỗi đau trong thơ tập “Rừng dậy men mùa” của Đông Trình hơn những câu thơ mang hào khí tranh đấu hùng hồn nhưng thiếu một chút lắng sâu trong mỹ cảm nghệ thuật vốn là một yếu tính của thơ. Bởi, ở những câu thơ đó không chỉ có những mỹ cảm đẹp mà còn có cả sự thành thực đáng yêu trong tâm cảm của thi nhân. Ta hãy lắng nghe nhà thơ tình tự: “Ngỡ mình đã mất trong nhau/ Nhưng mưa thu kết hoa đầu còn thơm. /Tôi về tay lã ngón buồn/ Em câu tình nhớ ôm tròn nét môi./ Ngỡ người đã chết trong tôi/ Nhưng trên đỉnh nhớ mây trời còn bay./ Tôi thức đêm tôi thức ngày/ Ôi sao tôi lại tự đày đọa thân?” (Tình về). Và không chỉ có Đông Trình mà đã là thi nhân, dường như ai cũng phải trải qua những nỗi đau tình ái. Nỗi đau ấy nhiều khi ám ảnh suốt cả đời người và đi vào cả những giấc mơ với biết bao mộng mị vô thường.
   
Thơ bao giờ cũng là một thực thể luôn đi giữa hai bờ mơ và thực. Không có thực thơ sẽ nhạt vì nó không có gia vị của cuộc sống vốn là điều không thể thiếu trong phẩm tính của thi ca cũng như trong sáng tạo văn chương. Nhưng không có mộng mơ thì thơ không còn là thơ nữa vì lúc đó thơ chỉ là một con ve với cái xác không hồn. Bởi nói như Đông Hồ: “Thơ là mộng trong mộng. Mộng đã là khó bắt gặp được huống còn là mộng trong mộng nữa, thì còn khó bắt gặp biết bao. Cuộc thế dầu là thực thể vẫn là một thực thể mị thường. Hình bóng thơ không phải là một thực thể. Như vậy thơ còn mị thường hơn hình bóng mị thường.” Đã có một thời, chúng ta quá đề cao cái thực trong thơ mà không quan tâm đến cái mơ mộng, vốn là một yếu tính của thơ, biến thơ trở thành một thứ văn chương minh họa nghèo nàn, khô khan, nên không thể sống bền lâu trong tâm thức và tâm cảm người đọc. Nhà thơ có phẩm tính thi sĩ là nhà thơ biết tìm cái mơ trong cái thực và tìm cái thực trong cái mơ để tạo nên một sự hài hòa trong thơ  mình. Thơ Đông Trình là thơ của một sự kết hợp hài hòa giữa thực và mơ. Cái thực và mơ ấy luôn hiện hữu trong thơ anh như một phẩm tính thi ca. Điều này không chỉ thể hiện ở thơ viết trước 1975 của anh mà ngay cả những tập thơ viết sau 1975, nhất là khi phải trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp cũng như trước những nhiêu khê của cuộc sống, khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thì trường. Vì thế, cho dẫu khi anh đang nói về nỗi đau mình đang gánh chịu, ở đó ta vẫn thấy được chất thực và mơ: “Khi có một nỗi đau không thể cùng ai bày tỏ/ Tôi nhìn mắt tôi ngồi vào lặng yên/ Và đếm nỗi đau qua từng hơi thở/ Trái tim nặng nề/ mọc cánh/ bay lên. (Gánh – trích tập thơ Mất và tìm, Thơ Đông Trình, Nxb. Đà Nẵng, 1996).
   
Một điều đặc biệt trong thơ Đông Trình, đó là những cái mơ và thực ấy không biểu hiện một cách dễ dãi mà được thể hiện qua những hình tượng thơ giàu tính triết luận, kết tinh từ sự nghiệm sinh của chính thi nhân trong hành trình sống của mình, nhất là ở những tập thơ được anh viết sau năm 1975, khi anh đã đi qua cái thời lãng mạn của tuổi trẻ để đối diện với cuộc sống thực tại như các tập thơ: Tên gọi mới của hạnh phúc (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng (1982);  Lấm tấm hạt đau (Nxb. Hội Nhà văn, 1990); Mất và tìm, (Nxb. Đà Nẵng, 1996); Hay các tập thơ thiếu nhi như: Những chiếc xe màu lửa, (Nxb. Đà Nẵng, 1992);  Giữa thực và mơ, (Nxb. Đà Nẵng 2009)… mà những bài thơ như: VọngRút được từ biểnXa và gầnĐộc thoại… trong tập thơ Mất và Tìm của anh là một minh chứng cho phẩm tính này: “Phố phường ngồi vọng tiếng chim/ Dây tung – teng vọng bấc tim đèn dầu/ Cao vọng thấp – Thấp vọng cao/ Cánh buồm vôi vọng còn tàu viễn dương.” (Vọng); “Cứ tưởng rồi ra đổi sắc/ Bão bùng quăng quật thế kia/ Mà không – Trời trong gió lặng/ Xanh êm con sóng thầm thì.” (Rút ra từ biển) Bài thơ không nhiều lời nhưng chất chứa trong đó bao điều ngỗn ngang, trở trăn về cuộc nhân sinh mà nếu thi nhân không có sự trải nghiệm cuộc đời thì không khái quát được như thế, đúng như Cao Thế Dụng đã cảm nhận: “Thơ là sự hôn phối và cảm thông linh diệu giữa thực và mơ, giữa người với người và vũ trụ cho nên thi ca gắn liền với hiện hữu và thể hiện qua muôn vẻ.”
      
Đọc thơ Đông Trình ta cứ trôi miên man trong tâm thức giữa thực – mơ mà thơ anh dẫn dụ và chính điều này đã tạo nên một trường tiếp nhận riêng đối với thơ anh trong tầm đón đợi của người đọc. Thơ Đông Trình không phải là thơ của số đông quần chúng như một thời chúng ta từng cổ xúy mà thơ anh là thơ mang tính đối thoại với những người đọc mang nặng ưu tư về cuộc đời, về thân phận trong cõi nhân sinh đẫm đầy nước mắt: “Ngọn lửa đã tắt?/ Không phải đâu lửa đi tìm một cây đèn khác/ Thượng đế sẻn so/ cho em quá ít dầu/ Những câu thơ anh? Chỉ có thể làm ra một cây đèn nước mắt/ Che chắn thế nào, trước cuộc bể dâu?” (Lửa và đèn) Vì vậy, đọc thơ Đông Trình, ngay cả thơ viết cho thiếu nhi ta cũng bắt gặp nơi anh cái tâm thức mơ và thực được thể hiện qua những câu thơ đầy tính triết luận và đây cũng là điều khác biệt của thơ viết cho thiếu nhi của Đông Trình với thơ viết cho thiếu nhi của các nhà thơ khác: “Cành cây/ nâng/ tán lá non/ Mặt sông/nâng/ chiếc thuyền con/ bồng bềnh…/Gió nâng bổng cánh diều lên/ Bàn chân nâng bước người trên đường dài/ Đôi tay/ nâng cháu/ bà ngồi/ Ngày mai/ có một/ mặt trời/ biển nâng…” (Nâng) Có thể nói, khi ta gọi thơ viết cho thiếu nhi, theo tôi cũng chỉ là cách gọi mang tính qui ước nên nó chỉ mang ý nghĩa phân biệt một cách tương đối. Nên dù viết cho thiếu nhi hay cho người lớn thì thơ trước hết phải là thơ. Nghĩa là nó phải có tư tưởng được kết tinh từ những chiêm nghiệm trong cõi nhân sinh, để thắp lên những ước vọng thì thơ mới tồn sinh với cuộc đời. Và nếu không có những điều ấy, thơ cũng chỉ là những câu vần vè minh họa một cách nhạt nhẽo và chắc chắn sẽ không tồn tại trong tâm thức người đọc. Rất may, thơ viết cho thiếu nhi của Đông Trình không rơi vào sự tầm thường ấy mà ở bất cứ bài thơ nào của anh viết cho thiếu nhi cũng ẩn chứa trong đó một bài học nhân sinh đáng quí như các bài thơ: Đom đóm cô đơn, Giao mùa, Hoa và cỏ, Giếng làng, sợi tóc, Đám mây; Quả chuối cau…. Hãy đọc những câu thơ bình dị và sâu sắc này để ta cảm nhận được cái đẹp của thơ thiếu nhi Đông Trình: “Sợi tóc rơi xuống đất/ Năm tháng không đổi màu/ Sợi tóc mọc trên đầu/ Qua thời gian điểm bạc/ Bùi ngùi nhìn sợi tóc/ Bé cảm thương ông bà/ Những lo toan khó nhọc/ Tóc trên đầu trắng ra.” Hay: “Mùa giao cho nhau những gì?/ Mà hè tha thiết ra đi không đành/ Sau mây nắng cứ long lanh/ Dù mưa thu đã bay quanh đất trời…/ Dạt dào là tấm lòng tôi/ Trong mưa nắng sóng biển đời vẫn dâng!” (Giao mùa). Đọc thơ thiếu nhi mà ở đó ta vẫn thấy lấp lánh một thứ ánh sáng của triết luận được kết tinh từ những lớp sóng ngôn từ hư, thực trong cõi thơ Đông Trình. Và có thể nói đi đến tận cùng của cõi thơ chính là sự kết hợp hài hòa giữa phẩm tính hư và thực, dù đó là thơ viết cho đối tượng nào. Bởi nói như Aimé Césaire: “Nhà thơ là một kẻ rất già nua và rất mới mẻ, rất phức tạp và rất giản dị, ở quãng biên thùy đã từng qua lại, giữa mộng và thực, sáng và tối, ẩn và hiện, trong cơn đảo điên bất thần ở nội tâm, y tìm kiếm và nhận được một thứ ám hiệu, tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng, và đi tới mãnh liệt”.

3.
Saint – John Perese đã xác quyết: “Nhà thơ tuy chẳng muốn cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc chuyển biến của lịch sử. Và trong bi kịch của thời đại, không có sự gì y chẳng quan tâm.”Có thể nói, điều này rất đúng với thơ Đông Trình cũng như những nhà thơ cùng thế hệ với anh khi họ phải sống qua những biến động của lịch sử dân tộc với tư cách là người trong cuộc. Vì vậy, thơ Đông Trình dù đi giữa hai bờ mơ và thực thì vẫn không nằm ngoài những thăng trầm của lịch sử nước nhà mà anh dự phần như một chứng nhân. Đọc thơ Đông Trình ta luôn thấy sự hiện hữu của hiện thực chiến tranh và cuộc sống thời hậu chiến với biết bao nhiêu khê trong kiếp nhân sinh mà một tâm hồn nhạy cảm của một thi nhân như anh, không thể không ưu tư, dằn xé. Song, không chỉ có thế, với khát vọng của một trí thức chân chính đã từng dấn thân vào cuộc đấu tranh cho những điều tốt đẹp của dân tộc, cũng như những nhà thơ cùng thế hệ, Đông Trình luôn mơ ước về một xã hội tốt đẹp, ở đó những giá trị nhân bản được đề cao, để con người được sống trong một “thiên đường” thật sự, chứ không phải là những ước vọng xa vời, mỏng manh, hư ảo từ “Những tín hiệu giữa hư vô…” (tên một tập thơ của Đông Trình). Để rồi, chúng ta cứ mãi xa xót, ân hận, tiếc nuối về những tháng ngày đã qua như chính lời thơ của Đông Trình đã chia sẻ: “Giá như/ Tôi dễ dàng quên/ Dòng sông đêm ấy/ chảy nghiêng về mình…/ Đành thôi thôi thế thôi đành/ Trời tơ một sợi/ Mỏng manh tơ trời.” (Đành thôi)

PGS. TS. TRẦN HOÀI ANH



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...