Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Con chim xanh của Trường Sơn xanh

Nếu nhà thơ Phạm Tiến Duật được ví như "con chim lửa" của đường Trường Sơn huyền thoại thời chiến tranh khói lửa thì những năm tháng hòa bình, có lẽ Nguyễn Hữu Quý là nhà thơ xứng đáng nhất để được ví "con chim xanh" của Trường Sơn xanh.
Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý phỏng vấn một bà mẹ có con hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị.

Nguyễn Hữu Quý là nhà thơ có thể viết được nhiều mảng đề tài khác nhau, nhưng tôi nghĩ cái căn cốt nhất trong thơ anh vẫn là những ám ảnh về Trường Sơn. Có lần nhà thơ tâm sự: "Trường Sơn với tôi không chỉ là một miền thi ca, mà đó còn là miền ám ảnh, ghi dấu những kỷ niệm của người lính một thời lửa đạn. Với những người lính đã đi qua chiến tranh, đã từng có mặt trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại như chúng tôi, thì Trường Sơn mãi được lưu dấu trong trái tim…".

Cũng đúng thôi vì anh được sinh ra và lớn lên ở dải đất hẹp Quảng Bình, nơi mà "Những cánh đồng van vát miền Trung/ neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển/ như chúng con/ neo vào mẹ để còn xứ sở" (Vườn mẹ mai vàng).

Nơi ấy, anh có một người mẹ nghèo tần tảo, chắt chiu và nhường hết những gì mình làm ra được cho con, mong con được nên người: "Áo mẹ mặc che hướng nào cũng bão/ vẫn để cho con yên ả một góc đời/ chiu chắt lắm từng trang sách bát gạo/ mẹ gom cho con từng chữ, từng lời…" (Đi tìm đồng xu nhỏ bé).

Sinh ra ở Quảng Bình nhưng những năm tháng sôi nổi nhất của tuổi trẻ, của đời lính, anh gắn bó với miền đất Quảng Trị. Nơi chiến trường nhất của mọi chiến trường, đau thương nhất của mọi đau thương và có thể nói rằng là nơi Trường Sơn nhất của mọi Trường Sơn. Anh đã có hơn hai mươi năm gắn bó với miền đất ấy. Chiến tranh đi qua, bao chiến thắng vang dội đã bước vào thi ca và khắc ghi vào sử sách, nhưng đằng sau những chiến công, những vinh quang chói lọi của con đường Trường Sơn huyền thoại là sự hy sinh vô cùng tận của nhân dân ta…

Hai vạn chiến sỹ Quân đội, Công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống trên con đường Trường Sơn, trong đó phần lớn họ còn rất trẻ. Đã có: "Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa..." (Khát vọng Trường Sơn).

Đó là nỗi đau chung của cả dân tộc, nhưng đây là nỗi đau rất riêng của chính anh; chiến tranh đã cướp đi người mẹ thân yêu nhất của anh em anh: "Một đêm chiến tranh/ nhì nhằng ánh chớp/ Mẹ không đi hết/ con đường vào ngõ nhà mình" (Ký ức mẹ). Và khi đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đi bạt ngàn giữa những ngôi mộ có tên và không tên, anh đã bắt gặp cô bạn gái học chung trường ngày xưa khi tuổi tên giờ được khắc trên bia đá: "Giây phút ấy sững sờ/ giây phút ấy thiêng liêng/ khi bắt gặp dòng chữ ghi tên bạn:/ Liệt sỹ/ Nguyễn Thị Liên/ Hy sinh/ Nét chữ đỏ/ trang nghiêm/ tạc vào bia đá/ như tạc vào lòng Đất nước/ bạn ơi!/ Tôi không nói được nên lời/ ngọn gió Trường Sơn nghiêng về tưởng nhớ/ mùi hương bay đâu đó/ như hương lúa chín quê mình/ kết dâng trên đồi bạn nghỉ/ Tôi mang nhành phượng vĩ/ đặt lên -/ nhành hoa mùa hè/ bạn đã làm thơ tặng/ thân yêu mái trường/ lấp lánh tuổi học trò/ kỷ niệm..." (Nhớ về tuổi học trò của một liệt sỹ). Đó là những nỗi đau rất riêng và rất thật. Những nỗi đau đã chưng cất thành những câu thơ rưng rưng nước mắt.

Tôi đã nghe và đọc được đâu đó đôi ba ý kiến của những người chưa từng một lần cầm súng ra trận, chưa hề chịu mất mát đau thương và cũng chưa một lần đến Trường Sơn trong cả thời bình, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ đang tâm xét lại, xuyên tạc và phê phán cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Từ phê phán cuộc chiến đến phê phán thơ ca thời chiến tranh.

Đã không ít lần họ cho rằng thơ ca Phạm Tiến Duật là thơ ca cổ động, sáo rỗng và dẫn chứng câu thơ: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" của ông cho mục đích phê phán, nhưng họ lại quên đi hai câu thơ rất hay, rất thật và rất thơ của ông: "Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay".

Khi chúng ta phải đương đầu với một thế lực mạnh hơn ta bội phần về phương tiện chiến tranh, tiềm lực quân sự, để chiến thắng, không còn cách nào khác là phải dốc toàn lực cho cuộc chiến, trong đó văn nghệ sĩ cũng là một đội quân chủ lực trong cuộc chiến toàn dân, toàn diện đó. Nếu chúng ta không tạm quên "lòng mình đang đắng" thì liệu rồi cuộc chiến sẽ đi về đâu? Chính nhà thơ Vương Trọng có lần đã nhận xét đại ý rằng: Trong nhiều nguyên nhân để phía bên kia thua trận, có lý do họ đã thua trên mặt trận văn nghệ.

Là thế hệ đi sau, khi trước anh đã có nhiều nhà thơ và những bài thơ hay viết về Trường Sơn, Nguyễn Hữu Quý gặp những khó khăn, thử thách không nhỏ khi viết về vùng đất và con đường này. Cái khó nhất là phải viết thế nào để không giống với thế hệ trước mà vẫn thể hiện được một Trường Sơn vạn dặm đậm chất anh hùng ca cùng những góc khuất, bi thương mà thơ ca giai đoạn trước vì điều kiện chiến tranh chưa viết được, chưa được viết và chưa nên viết…

Vượt qua những khó khăn thử thách, anh đã chọn được cho mình một hướng đi không lẫn vào những dấu chân khổng lồ của các nhà thơ đi trước đã để lại trên đường Trường Sơn: "Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa…oa…" (Bông huệ trắng).

Bài thơ này đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn trao tác phẩm xuất sắc năm 1995. Cũng cần phải nói thêm một năm sau đó, bài thơ "Khát vọng Trường Sơn" của Nguyễn Hữu Quý đã giành được giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ của Văn nghệ Quân đội. Có đau thương, có mất mát vô cùng lớn, nhưng không hề bi lụy bởi anh biết và chúng ta đều biết, những con người tận hiến cả máu xương cho Tổ quốc, cho Nhân dân thì không bao giờ mất.

Với họ: "Thác là thể phách, còn là tinh anh" ("Truyện Kiều" - Nguyễn Du). Không chỉ dừng lại ở những bài thơ lẻ viết về Trường Sơn, anh có hẳn một tập trường ca có tên "Vạn lý Trường Sơn". Ngày cuốn sách ra đời, những người đầu tiên được anh tặng sách là những chiến sỹ Trường Sơn… đã ngã xuống. Chuyến anh đi vào Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở thượng nguồn sông Bến Hải để "hóa" tập trường ca, tôi có đi cùng. Dưới bóng cây bồ đề như một tượng đài tâm linh ở nghĩa trang, tôi tin các chiến sỹ Trường Sơn đã "chứng" cho tấm lòng biết ơn của lớp hậu thế.

Thật lạ, trời đang chang chang nắng bỗng đâu kéo về một đám mây lớn che mát hơn mười nghìn ngôi mộ nằm kề bên nhau và tôi thấy trên gương mặt hao gầy của Nguyễn Hữu Quý có những giọt nước mắt trong veo. Trường ca "Vạn lý Trường Sơn" của anh sau đó được Giải thưởng Bộ Quốc phòng (trước và sau tác phẩm này anh còn có trường ca "Sinh ở cuối dòng sông" và "Hạ thủy những giấc mơ" cũng đều được Giải thưởng Bộ Quốc phòng).

Có ai đó đã nói đại ý rằng: Nếu không thành thực với chính mình thì anh không thể trở thành một nhà thơ chân chính. Chiếu vào ý câu nói trên, theo tôi Nguyễn Hữu Quý là một nhà thơ chân chính. Anh sống nhân hậu, chân tình, và quan trọng nhất là anh luôn thành thực với chính mình. Cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay, bên cạnh những thành tựu vô cùng to lớn mà chúng ta đã đạt được trong thời bình thì đâu đó vẫn còn những điều nhức nhối, những mặt trái của xã hội như nạn tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...

Với tư cách là một nhà thơ chiến sỹ, anh không thể thờ ơ, ngoài cuộc. Vẫn những câu thơ về Trường Sơn, nhưng giờ đây anh lấy cái khí phách hào hùng của Trường Sơn xưa để soi rọi, để cảnh tỉnh: "Đảng như mặt trời trước ngực/ tỏa sáng Ngày Mai đẹp đẽ khôn cùng/ thế mới có người ra pháp trường còn hát/ thế mới có con đường đặt trên vai những chàng trai, cô gái bám Trường Sơn/ thế mới có trái tim phát nổ trên con tàu không số ở giữa vòng vây địch/ thế mới có bản Tình ca da diết trong muôn trùng xa nhau.../ (…)/ Bọn quan tặc bòn rút non sông/ như non sông này không phải của Tổ tiên, Ông cha để lại/ Bọn quan tặc hút máu Nhân dân/ như thể Nhân dân không phải đồng bào/ Bọn quan tặc chỉ biết có tiền/ như thể tiền là tất cả...". Những câu thơ bỏng cháy tình yêu đất nước, yêu cuộc sống và đầy trách nhiệm.

Thơ Nguyễn Hữu Quý viết về chiến tranh, về Trường Sơn hôm qua và hôm nay mang một năng lượng nội lực đáng kể, tạo được ấn tượng trong lòng bạn viết, bạn đọc gần xa. Anh không còn trẻ nữa nhưng tôi tin sức sáng tạo của nhà thơ Trường Sơn thời hậu chiến này vẫn chưa vơi cạn. Trường ca thứ tư và mới nhất của Nguyễn Hữu Quý "Chín cơn mưa và mẹ" sẽ ra mắt bạn đọc trong năm nay. "Con chim xanh" của Trường Sơn xanh vẫn đang sải cánh. Tôi tin bạn viết, bạn đọc vẫn đang chờ đợi anh với những tác phẩm có chiều sâu về chiến tranh, về Trường Sơn, về cuộc sống.

NGUYỄN THẾ HÙNG
Theo VNCA


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...