Trước hết, tôi
nói về câu chuyện của Vũ Trọng Phụng. Về sáng tác của ông, người ta bình luận
như sau: “Đọc xong một đoạn văn, tôi thấy trong lòng phẫn uất, khó chịu, tức tối.
Không phải phẫn uất khó chịu vì cái vết thương xã hội tả trong câu văn, mà
chính là vì cảm thấy một tư tưởng hắc ám, căm hờn, nhỏ nhen ẩn trong đó
(…). Đọc văn Vũ Trọng Phụng thực không bao giờ tôi thấy một tia hy vọng,
một tư tưởng lạc quan. Đọc xong, ta phải tưởng tượng nhân gian là một nơi địa
ngục và chung quanh mình toàn những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục nói càn, một
thế giới khốn nạn vô cùng” (Nhất Chi Mai, Ý kiến một người đọc: dâm hay
không dâm, Ngày Nay, Hà Nội, s.51, 21.3.1937). Vũ Trọng Phụng cũng có bài trả lời rất sâu cay.
Nhưng điều quan trọng là: hơn nửa thế kỉ sau, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được
dịch sang tiếng Anh và được giảng dạy ở trường đại học thuộc loại danh tiếng nhất
nước Mĩ, UC Bekerley.
Tôi lại nhớ đến
câu chuyện Leo Tolstoy (1828 – 1910), nhà văn vĩ đại người Nga. Hẳn nhiên ông rất… vĩ đại. Người
ta khen ông là “Shakespeare của nước Nga” (Gustave Flaubert). Thế nhưng điều ấy làm ông quá đỗi phiền
lòng, bởi theo ông, Shakespeare không đáng là một nhà tư tưởng, không phải là
nhà văn lớn, rằng Shakespreare rất “thấp”, và tất nhiên là không nên so sánh với
ông.
Shakespeare chết
trước Tolstoy đến hơn ba thế kỉ, nhà viết kịch đại tài ấy đã không bao giờ có
cơ hội tranh luận lại với Tolstoy (và chắc gì muốn tranh luận). Và đến bây giờ,
ông vẫn được xem là một trong những kịch tác gia lớn nhất mọi thời đại.
Vậy, điều quan
trọng là, dù cho hai ông này có bật dậy và nói gì nhau thì hai ông vẫn vĩ đại,
bất chấp người kia nói gì.
Đánh giá của một
người chưa bao giờ làm thay đổi bất kì sự thật nào. Đó là sự kì thú của thế giới
nghệ thuật.
Tôi lại nói tiếp
một câu chuyện khác, câu chuyện một nhà thơ tên là La Mai Thi Gia và tập “Thơ trắng”.
Nếu nói về
“gout”, tôi không thuộc “gout” thơ của Thi Gia. Nhưng tôi không nghĩ rằng:
“gout” khác nhau thì nhất thiết phải không thấy nhau hay!
Nhà thơ La Mai Thi Gia
Công bằng mà
nói, chọn được bài hay toàn vẹn là điều không dễ trong tập “Thơ trắng”, nhưng
cũng không khó nhận ra những câu thơ “ăn vào lòng” người ta một cách tự nhiên,
nhẹ nhõm một cách tự nhiên:
Ta là cỏ,
là sương, ta là suối
Ta đám côn
trùng, ta bóng trăng
Ta như đứa
trẻ còn dây rốn
Bú mớm mẹ
ta đến vĩnh hằng
(Xanh)
Cõng nhau
lên chóp đỉnh tình
Học theo
mây trắng nghe mình hư không
(Cõi anh)
Đã biết rằng
mai tan tác mộng
Sao chẳng
vào nhau cho hết đêm
(Đã biết rằng mai tan tác mộng)
Buồn từ
ngày chưa ngâu
Ai yêu thì
tự bắc cầu mà tới
Đừng cứ
đợi ngâu về rồi hò hẹn với mai sau.
(Đừng đợi ngâu về)
Viết tự nhiên
là khó. Cái hay và cái dễ… bị chê ở Thi Gia là ở đó. Tự nhiên, hồn nhiên,
đôi khi rất dễ chịu, dễ gần, là bản năng thơ rất đáng gìn giữ, nhưng cũng có thể
trở thành một tâm sự chưa đủ sự chưng cất.
Nhìn toàn cục,
Thi Gia dường như không có xu hướng tạo tứ thơ mang tính hệ thống, thơ Gia đôi
khi không rõ hình khối và sức công phá của tứ nhưng lại có những tứ nhỏ rất
quý, một kiểu “đặc sản”, một kiểu “phong cách thơ” rất Thi Gia:
Bới mây ra
mà tìm nhau
(Bới mây ra mà tìm nhau)
Ngày đã cạn
ngày
Em đã cạn anh
(Tình ơi em đắm tim mình)
Có ríu ran
nào cứ thủ thỉ trong mưa
(Sài Gòn mưa)
Em phơi
váy áo em ngoài dậu
Phơi cả
tình em trong nắng trưa
Nhớ
thương cuộn cả lên trời mộng
Đổ xuống
đường xa đêm gió mưa
(Đã biết rằng mai tan tác mộng)
“Đàn bà thợ
xây” có lẽ là bài thơ có tứ tốt nhất trong “Thơ trắng”. Chủ đề “có vẻ” thời sự,
hình ảnh “có vẻ” thô ráp, phong cách “có vẻ” không gần với cô nàng Thi Gia (vốn
mang giọng thơ “đa tình, “khát tình” và “vọng dục” - không phải là “dục vọng”),
nhưng bài thơ này thực sự khiến tôi nghĩ đến bài “Người đàn bà ngồi đan” của Ý
Nhi. Tôi không so sánh, nhưng tôi nghĩ đến.
Hình ảnh người
đàn bà ngồi đan bao nhiêu nỗi đa đoan của đời và của mình là một ám ảnh thơ ca
quý giá trong kho tàng thơ Việt Nam. Hình ảnh ấy quá đa diện, minh triết và mạnh
mẽ vô hạn. Thế còn người đàn bà thợ xây?
Đàn bà, họ vẫn
xây đấy thôi; cứ gì phải có công trường. Xây là bản thể của đàn bà. Một sự bề bộn
xây đắp cuồng điên và thiếu thốn sâu xa là nỗi đời vĩnh cửu của người đàn bà
trong một “kho xưởng” tình yêu, hạnh phúc và hy vọng; một thế giới “đầm đầm
châu sa” luôn được tạo nên từ bàn tay miệt mài xây đắp dẫu phù du.
Những
người đàn bà thợ xây
Vai tươm
tả nắng
Lòng bàn
tay chằng chịt vết chai
Những
người đàn bà thợ xây
Giấu mình
trong lớp áo dày
Tóc ủ vào
khăn và những giọt mồ hôi ủ trong làn da sạm nắng
khét mùi
mưu sinh
Những
người đàn bà thức dậy trước bình minh
Giặt giũ
và phơi phóng
Trên dây
phơi không có một chiếc váy mềm được dệt bằng voan và ren đỏ
Cho một
người đàn ông được cởi ra trong đêm
Bàn tay
của người đàn bà vò thật nhẹ, thật êm
Những
chiếc áo lót không rõ màu sắc
Rồi
nghiến răng vò những chiếc găng tay đầy vữa vôi và những chiếc áo bảo
hộ màu xanh
Hình như
là xanh hy vọng
Màu xanh
của biển và trời
Màu xanh đã
bạc phếch lâu rồi
Những
người đàn bà thợ xây
theo chồng
đi khắp nơi
Những
người chồng theo những công trình đi khắp nơi
Chiếc
giường tầng trong lán trại chung cũng là nơi ái ân của họ
Không một
tiếng rên
Không một
hơi thở mạnh
Sợ sỏi đá
ngoài kia biết họ làm gì
Sợ những
người đàn ông nằm bên
trở mình
khao khát
Tưởng
nhớ một thân hình mềm mại ở quê xa
Những
người đàn bà không thơm mùi nước hoa
Những thân
hình chưa từng phủ lụa là
Chẳng dám
khóc cho nỗi nhớ con thơ
và nỗi
nhớ nhà
Trong
những chiều khói bếp thành thị cay xè...
Cay xè con
mắt
Cứ ngóng
phía quê mà ánh nhìn hiu hắt
Những thợ
xây đàn bà
Những
người mẹ đi xa.
Một bài thơ
quá gợi.
Một khối tình
tự được nhào nặn rất tự nhiên với chủ đề về người đàn bà làm nghề thợ xây, sau
khi hoàn thành bỗng dưng phát tiết thêm một ánh sáng khác về thiên chức “bụi bặm”
và luôn dở dang của người đàn bà.
Một bài thơ vượt
qua chính giới hạn của nhà thơ, giới hạn của những tâm tình đơn giản và tương đối
dễ dãi, giới hạn của những câu thơ viết tràn theo cảm xúc mà ít tìm cách trụ lại
bởi một vài “nhãn tự” sâu xa. Giới hạn đó đã được vượt!
Tập Thơ trắng của Thi Gia
Câu chuyện cuối cùng về Thi Gia: cuộc truy vấn về ngôn từ
“tính dục” trong thơ.
Em ơn anh, ơn anh...
Đã mang về em biêng biếc của ngày xanh
Sau mải miết ái ân lại lụi vào nhau và khóc
Thổn thức dùm nhau mai bước đời khó nhọc
Nhìn nhau, lau nước mắt rồi cười
(Ơn
anh)
Tôi cho rằng, đây là một trong những ý thơ, đoạn thơ, câu
thơ có thể đủ sức làm người ta xúc động thật sự vì… tình dục. Những câu thơ
mang tính dục bản thân nó chưa bao giờ… sai (nhìn lại lịch sử văn học và nghệ
thuật của cả thế giới thì biết); nhưng nó thường bị đối xử rất nghiêm khắc. Tự
cổ chí kim đã thế. Thi Gia cũng chung số phận với những nhà thơ “dám” viết về
tình dục. Nhưng “lỗi” của Thi Gia lớn hơn một chút: hồn nhiên quá! Ít biến hoá
quá!
Trần truồng như trẻ nhỏ
Cùng em bày cuộc vui
Cứ cười và cứ khóc
Rồi vào nhau ngủ vùi
(Cùng em bày cuộc vui)
Một ví dụ: đoạn
trên này tứ rất khá nhưng thiếu một chút gì đó (tôi cũng không rõ, hoặc là
không thiếu gì nhưng tôi không nhận ra) để có thể làm một đường nối thú vị tới
câu thơ “công án” bàng hoàng của bài thơ “Sinh Tử” (Trần Thánh Tông) từ thế kỉ
XIII:
Sinh như
trước sam
Tử như
thoát khố
(Sống như mặc
áo vào
chết như cởi bỏ
quần ra)
(Đương nhiên,
Trần Thánh Tông không viết về tình dục, ông viết về bản thể, nhưng có sự hô ứng
nào đó).
Viết về tình dục,
có lẽ, cần một sự cô đọng nào đó lớn hơn về tư tưởng. Mặc dù tư tưởng…không làm
nên tình dục.
Tôi chợt nghĩ
đến câu thơ của Chế Lan Viên:
Ôi cây cỏ
cũng đầm đìa sắc dục
Chuyện cha trời
mẹ đất, vũ trụ “tình tự” với nhau trong ánh sáng giao hoà cùng tận, hay nói
cách khác là “làm tình”, hình như không mới đến nỗi cần phải ngạc nhiên và phản
đối “kịch liệt”. Cuộc ái ân của thiên nhiên là điều thiêng liêng, là nguồn suối
cảm hứng. Nhân loại thời ấu thơ đã nhận biết việc ấy và hồn nhiên tôn thờ cuộc
chơi viễn mộng ấy. Người thời nay cũng nên bình thường hoá đi chứ. Tất nhiên,
nó đi vào thơ ca thế nào lại là chuyện khác. Tôi cũng chưa thật tâm đắc một số
câu thơ thắm đượm dục tính của Thi Gia theo cách mà “Thơ trắng” thể hiện, nhưng
tôi tin là tôi đã biết xúc động đúng những câu thơ “cận nhân tình”. Viết về
tình dục trong những ẩn ức xen lẫn niềm bi cảm, tự nhiên đến khóc được, Thi Gia
thuộc vào số hiếm. Có lẽ vì thế mà tập thơ đã được đọc như một thông điệp dịu
dàng về “cổ mẫu nguồn cội”, một trạng thái ít nhiều đưa người đọc đến mỹ học
tính dục đương đại: “Người đàn bà cất lên tiếng hát bằng làn da, hát ca
bằng thân xác ngân nga”. “Người đàn bà đem chăn gối làm sông làm
núi, đem châu thổ nguyên sơ làm ngã ba, đem châu thân huyền bí làm nhà”.
Những lời giới thiệu tập “Thơ trắng” này của Nhật Chiêu - một người không còn
xa lạ gì với giới trí thức và giới văn chương chuyên nghiệp suốt mấy chục năm
nay ở nước Việt Nam này - tưởng vẫn còn đủ là một uy tín cho người ta có thể nhìn lại một chút trước
khi đạp đổ một điều gì đó; một uy tín được xây dựng không chỉ bằng tài năng,
tình yêu to lớn với văn chương mà còn bởi sự công phu, khổ học và hành trình
truyền cảm hứng không thể lớn hơn cho học trò nhiều thế hệ. Riêng tôi, tôi tin
lời giới thiệu ấy.
Một phật tử chắp
tay búp sen cung kính chào tha nhân không phải vì hạ mình, mà vì tôn vinh Phật
tính của người khác, ở nơi người khác. Trong bàn cờ chữ nghĩa, người ta chấp nhận
sự khác biệt tận cùng, thậm chí phủ nhận triệt để nhau, nhưng, vẫn còn một nước
cờ khác hay hơn, ít “sát thương”, đó là tri âm. Tri âm không nằm ở chỗ hiểu hay
không hiểu một cách trọn vẹn, mà đơn giản là “cho nhau sự tồn tại”. Người làm thơ viết một trăm
câu thơ dở, có một câu hay, người đọc vẫn rất nên khóc vì câu hay ấy. Đó là một
tư thế cảm nhận của kẻ khiêm hạ trước năng lực sáng tạo của kẻ khác. Như cái chắp
tay búp sen vậy.
“Hoan hô những
kẻ phụ tôi, họ đã trả tôi lại cho tôi”. Tôi tiếc là không thể nhớ tên nhà tư tưởng
nào đã nói thế. Nhưng câu ấy rất hay, hay hơn cả cho Thi Gia, một nhà thơ đang
trải qua sự phũ phàng của cuộc chiến “gia vị thẩm nhận”. Người ta có nhiều cách
để làm thơ hay hơn. Một trong những cách ấy là bị đẩy ra khỏi bờ cõi của mình,
và dành lại quyền sống cho năng lượng của chính mình. Điều này thì Thi Gia có,
rất dồi dào.
Giải có trao
hay không trao, đúng “quy trình” hay không đúng “quy trình”, Thi Gia nhận hay
không nhận, tất cả điều này không lớn hơn một Sự Thật khác: dù sao, bạn ấy đã
làm thơ, dù sao, thơ bạn ấy cũng không tồi, và dù sao, chúng ta còn cả một gia
tài lớn là THỜI GIAN, thứ có thể mang lại cho mọi người một lời phán quyết nhân
từ và chín chắn về những sáng tạo thực sự của một con người cụ thể, một con người
giàu có về cảm xúc và hy vọng, biết đặt cảm xúc và hy vọng ấy vào những vần thơ
vẫn còn hé mở rất nhiều cánh cửa cho người đọc.
Quyền của Thời
Gian - quyền phán quyết minh bạch về giá trị - cao hơn tất thảy mọi sự luận đàm
của làn sóng thượng tôn tự ngã trong thưởng lãm.
LÊ THỊ THANH TÂM
Nguồn: NVTPHCM
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: