Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Tôi chơi với
Nguyễn Quang Sáng từ những năm mới tập kết ra Hà Nội, cùng ở Đài Tiếng nói Việt
Nam. Hồi ấy tôi hay cùng anh đến chơi với Đoàn Giỏi ở Cổ Tân, cùng đàm đạo văn
chương, thế sự mỗi lúc nhớ nhà, nhớ quê hương miền Nam. Chính quãng thời gian “đêm Nam, ngày Bắc” ấy, chúng
tôi càng hiểu, quý mến nhau hơn.
Còn nhớ, lúc bấy
giờ, tôi cùng Nguyễn Quang Sáng đã rời khỏi quân ngũ, cùng làm biên tập cho Đài
Tiếng nói Việt Nam. Nguyễn Quang Sáng viết “Con chim vàng” đăng ở Báo Văn nghệ,
Nguyễn Tuân đọc được, cụ khen anh như con gà chọi đủ lông, đủ cánh, cựa sắc nhọn,
có thể ra trường đấu được. Điều này đồng nghĩa là Nguyễn Quang Sáng tự chọn
cho mình miếng võ riêng, có thể đấu với văn chương chuyên nghiệp.
Nhận định của
cụ Nguyễn trở thành sự thực. Khi tôi làm ở Báo Thống Nhất, anh về Báo Văn nghệ
và liên tục gặt hái nhiều giải thưởng. Truyện “Ông Năm Hạng”, anh viết về ông già Nam Bộ kiên cường, giành
giải nhất truyện ngắn của Báo Thống Nhất. Sau này, “Dòng sông thơ ấu” anh viết về dòng sông quê anh
cũng giành giải thưởng của Hội đồng
văn học thiếu nhi Hà Nội. Hàng loạt giải thưởng khác cũng đã được trao
cho Nguyễn Quang Sáng, đặc biệt trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật năm 2000. Đây là giải thưởng
cao quý nhất về văn chương cách mạng nhưng quý hơn nữa là bởi, Nguyễn
Quang Sáng là một trong những người
đầu tiên của Nam Bộ thành đồng được nhận giải thưởng này.
Trở lại chuyện
cụ Nguyễn Tuân, sau “Con chim vàng” và “Đất lửa”, cụ Nguyễn thương Sáng như người
nhà, xem chúng tôi như em út. Mãi sau này, khi tôi viết sách về cụ, cụ vẫn
thường bảo tôi: “Sáng như con chim
vàng sải cánh trên cánh đồng lúa mênh mông của Nam Bộ, có thể bay cao đó!”. Khi
đưa ra những nhận định về Sáng, cụ Nguyễn thường có những đánh giá rất cao:
Nguyễn Quang Sáng, ngòi bút sắc sảo và đậm đà sắc màu miền Tây Nam Bộ,
tiêu biểu cho châu thổ sông Chín Rồng cuộn sóng...
Tài năng và tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng không chỉ được
ghi nhận bằng những đánh giá cao của các đồng nghiệp, nhà văn đàn anh đàn chị
hay các giải thưởng mà còn là
nhà văn được yêu mến trong hầu khắp bạn đọc nhiều thế hệ. Còn nhớ, những ngày đầu
giải phóng Campuchia, tôi với anh đi máy bay từ đất bạn về Tân Sơn Nhất. Máy
bay bị trục trặc. Sau mấy tiếng đồng hồ chờ đợi, sốt ruột, anh và tôi đã định về
bằng đường bộ. Trước khi về, anh gọi điện cho người bạn chiến đấu lái máy bay,
không ngờ chuyện đến tai nhiều người khác. Nhiều đồng chí ở sân bay bảo ai chớ
nhà văn Nguyễn Quang Sáng về thì phải đảm bảo chớ. Kết quả là chúng tôi được ưu
tiên sắp xếp về quê sớm nhất. Chỉ có điều, khi đến sân bay, vì chúng tôi mua
quà về hơi nhiều nên cân hơi nặng,
vượt mức cho phép. Biết tiếng nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cô nhân viên cân hành
lý ưu tiên không tính tiền
cước, còn bảo đồng nghiệp: “Bản thảo của nhà văn mà”!
Một chuyện vui khác về nhà văn và bạn đọc mà tôi được chứng
kiến là cùng anh ngồi xe hơi chạy lòng
vòng ở Hà Nội. Xe chở quá số người
quy định, bị anh công an thổi còi phạt. Nguyễn Quang Sáng xuống nói chuyện.
Nhận ra nhà văn, anh Công an nói anh từng đọc và học “Chiếc lược ngà” của nhà văn từ ngày còn là học
sinh phổ thông. Quay sang đồng nghiệp, anh bảo, đại ý: “Thôi, không phạt nhà
văn viết bài cho nhà trường dạy”.
Thực ra, để có
được văn nghiệp đáng tự hào như hiện nay, với Nguyễn Quang Sáng là cả một chuỗi
những tháng ngày lao động cực kỳ nghiêm khắc. Tôi còn nhớ, sau một thời
gian gắn bó với anh ở Hà Nội, Nguyễn Quang Sáng đi B (trở lại chiến trường miền
Nam). Tôi vào sau nhưng chúng tôi vẫn
thư từ cho nhau. Khi giải phóng miền Nam, tôi và anh xuống Tân Sơn Nhất, anh
không đi ôtô mà cùng tôi thuê xe xích lô máy chạy quanh các quận. Anh bảo: “Phải
đi thế này mới quan sát hết được”. Hai anh em đi thực tế nên từ sân bay về đến
nơi hẹn không xa mà đến mãi chiều mới tới nơi.
Sau giải
phóng, tôi và anh lại được sắp xếp ở chung một mái nhà tại 148 Võ Văn Tần.
Đây là tòa nhà do Tuyên huấn Thành ủy tiếp quản. Tòa nhà như là “chiêu đãi sở” của anh và tôi, dành để
tiếp nhiều bạn văn: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Bổng... Ở
hơn 10 năm trời thì chúng tôi về quận 7. Tuổi đã cao nhưng anh và tôi vẫn thường xuyên vắng nhà, đi đó đi
đây, vừa thực tế nông thôn, vừa tìm cảm hứng sáng tác. Anh thường đưa tôi về Chợ Mới quê anh, nơi có “Dòng
sông tuổi thơ”, nơi có ngọn cờ đỏ
sao vàng treo từ năm 1930, nơi anh sinh ra và lớn lên, đi kháng chiến, nơi đồng
bào anh đã sống, chiến đấu mấy chục năm tròn. Chỉ trước mấy tháng anh mất, anh còn bảo tôi sẽ
đi Hà Nội một chuyến “trối già”, có thể là vào tháng 10.2014 nhân dịp nhận Huy
hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Thế mà, cuối ngày 13.2.2014, tôi đã mong mình nhầm trước tin anh mất. Cùng Nguyễn Duy, Lê Quang
Trang vuốt mắt cho anh, chúng tôi thầm cầu nguyện “người lính già kể chuyện chiến
đấu kiên cường của Nam Bộ thành đồng” thanh thản ở nơi chín suối. Anh đã
60 năm cầm bút không lúc nào ngơi
nghỉ. Thay nén nhang thơm, chúng tôi xin tiễn biệt anh về với thế giới người hiền.
Về với Nguyễn Tuân, Đoàn Giỏi, Nguyễn Đình Thi... anh nhé.
Khóc anh một chiều xuân lạnh.
TP Hồ Chí Minh, ngày
14 tháng 2 năm 2014
ĐOÀN MINH TUẤN