Nhà thơ Phan Hoàng
Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những
gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ. Và tôi tin, khi càng ngày càng lớn tuổi, cái
phần quá khứ trong mỗi con người ta cũng ngày một nặng nề thêm. Rồi nó đeo bám
chúng ta, không dễ dàng gì buông tha chúng ta. Rồi chúng ta sống với nó và trở
thành “một phần nó” tự lúc nào không hay. Khi ấy, có khi chính chúng ta bị nó
điều khiển, trở thành “nạn nhân” của nó mà không chịu chấp nhận những gì mới mẻ,
khác lạ.
Trong Chất vấn thói quen, ban đầu, Phan Hoàng
cũng vậy.
Đó là thói quen sáng sáng “ngồi vào chiếc ghế ấy”,
“nhâm nhi ly cà phê chồn” ấy, “đọc báo” ấy và “nhìn cô chủ
quán nở nụ cười hàm tiếu” ấy. Khi mọi thứ bị đảo lộn (cho dù không ảnh hưởng
nhiều đến “tình hình thế giới“ lắm): “Chiếc ghế đã có người đến ngồi”, “mùi
cà phê không chồn” nữa, “quán không tờ báo” nữa, “cô
chủ quán kiêu kỳ miệng im như thóc”… Và cách hành xử cuối cùng và quen thuộc
của Phan Hoàng là “Tôi bối rối bỏ đi”, “Tôi uống qua loa bỏ đi”, “Tôi
buồn buồn bỏ đi”, “Tôi bỏ đi bỏ đi bỏ đi”…
Cả 6 khổ thơ đầu của Chất vấn thói quen, nội
dung chỉ có vậy. Nhưng chính 6 khổ thơ này lại là “chất dẫn” cần thiết để “bùng
nổ” ở khổ thơ thứ 7, đồng thời cũng là khổ thơ kết, khổ thơ sống còn của một tứ
thơ:
Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói
quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng
băng về phía trước?
Chính sự “mắc cười” và tự chất vấn mình (cũng là chất vấn
thói quen) đã giúp Phan Hoàng tìm cách học “con sông biết thích nghi đổi dòng
băng băng về phía trước” mà giúp anh thay đổi và chuẩn bị cho mình một xuất
phát mới.
Rồi cũng từ xuất phát này mà anh thay đổi nhận thức, thay
đổi tư duy trong thơ.
Từ xuất phát mới này, trong bài Mặt trời trong
ngôi nhà thân thuộc, anh phát hiện ra “mặt trời mọc trong ngôi nhà thân
thuộc của mình” vừa “đầy tiếng sóng”, vừa “đong đầy tiếng gió”,
vừa “mỗi ngày một sáng hơn” (theo nghĩa đen) và “mặt trời vẫn không
ngừng mọc lên trong ngôi nhà tư duy thân thuộc của mình (theo nghĩa
bóng), để rồi “thay đổi cảm hứng bầu trời, thay đổi tư duy từng ngọn núi,
con sông”.
Từ xuất phát mới này, trong Tiếng thì thầm,
anh nghe được những âm thanh không phải ai cũng nghe được: “Ở giữa sấm chớp
và mưa giăng/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở”.
Từ xuất phát mới này, trong Hoa của đá, anh
nhìn ra “vẻ đẹp sinh từ chuyển động lặng im/ chân lý khởi nguyên từ nghịch
lý bất ngờ”.
Tập thơ Chất
vấn thói quen của Phan
Hoàng
Trong sự thay đổi quyết liệt đến mức sát ván ấy, mừng hơn
là Phan Hoàng vẫn có những quan niệm rất gần với Phật.
Anh nhìn ra sự bình đẳng giữa con người và vạn vật chúng
sinh trong Cần Giờ ngơ ngácbằng những câu thơ cật vấn đến thảng thốt:
Chúng ta khác gì những con khỉ?
Chúng ta khác gì những con sấu?
Chúng ta khác gì những con muỗi?
Chúng ta khác gì
Không cần giờ…
Anh nhìn ra cái “nhân - quả” và hệ lụy của nó trong việc
con người ngày càng sa lầy vào việc khai thác, bóc lột tự nhiên vì lợi ích và
ham muốn muôn thuở trong Mắt gỗ thật sắc sảo:
Những vân gỗ quý
trong ngôi nhà sang trọng
như những con mắt lửa giấu kín hơn căm
chờ ngay phát hoả.
Có cảm giác: Khi Phan Hoàng “hướng ngoại” cũng là lúc anh
đang “hướng nội”. Đọc Chất vấn thói quen, người đọc như bắt gặp
những củi, những than, những lửa, những khói trong thơ anh lúc nào cũng ngùn ngụt
cháy. Rồi những củi, những than, những lửa, những khói ấy đã cháy lên thành thơ
trong một “văn bản không khuôn thước/ văn bản không văn bản” (Văn bản dở
dang).
Chính thói quen mới mang tên Chất vấn thói quen đã
làm nên một Phan Hoàng khác biệt hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn.
Và tôi mơ: Có một ngày, Phan Hoàng sẽ vượt lên sự chất vấn,
sự độc thoại để đối thoại với hư vô kia.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến mấy câu kết trong bài
thơ Tặng người sinh sau viết cách nay đã gần một thế kỷ của
thi sĩ lừng danh người Đức Bertolt Brecht:
Khi mọi lỗi lầm tiêu tan hết
Người bạn sau cùng
Ngồi đối mặt với chúng ta
Là Hư Vô.
ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: Sông Hương, 3.2016
_________________________________________
Nhà
thơ Phan Hoàng tuổi Đinh Mùi, sinh ngày
10.10.1967 tại Đông Tác, cuối dòng sông Đà Rằng (hạ nguồn sông Ba)
thuộc thành phố Tuy Hoà; lớn lên ở quê nhà Hoà Đồng, huyện Tây Hoà,
tỉnh Phú Yên. Học phổ thông cơ sở ở Hoà Đồng, học phổ thông trung học ở Trường
PTTH Lê Hồng Phong, từ nửa năm lớp 10 bắt đầu thi vào học lớp năng khiếu chuyên
văn đầu tiên của tỉnh Phú Khánh (cũ) ở Trường PTTH Nguyễn Huệ (Tuy Hoà) và Trường
PTTH Lý Tự Trọng (Nha Trang).
Tốt
nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Khoa Văn học - ngôn ngữ Trường đại học
Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Từng làm
phóng viên - biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Chủ
biên tờ Đương Thời (trước đây là Người Đương
Thời). Giảng viên báo chí một số trường đại học.
Uỷ
viên Ban Chấp hành - Trưởng ban Nhà văn trẻ kiêm phụ trách báo chí -
truyền thông Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VI (2010-2015), Chủ
biên website nhavantphcm.com.vn.
Phó
Chủ tịch - Thường trực Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn TP.HCM khoá
VII (2015-2020), Chủ biên website nhavantphcm.vn - nhavantphcm.com.vn.
Từ
ngày 01.01.2015, nhà thơ Phan Hoàng còn là Chủ nhiệm Văn phòng miền Nam báo Văn
Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác
phẩm đã xuất bản:
- Tượng
tình (thơ 1995)
- Hộp
đen báo bão (thơ 2002)
- Chất
vấn thói quen (thơ 2012, tái bản 2015)
- Bước
gió truyền kỳ (trường ca 2016)
-
Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3
tập 1997-2000, tái bản 4 lần)
- Phỏng
vấn Người Sài Gòn (2 tập 1998-1999)
- Phỏng
vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000, tái bản 2 lần)
- Dạ,
thưa thầy! (2 tập 2000-2002, tái bản 2 lần)
- Sài
Gòn đất lành chim đậu (ký sự nhân vật tập I-2016, tái bản 1 lần 2016;
tập II-2018)
- Sài
Gòn đất thiêng khí tụ (ký sự nhân vật 2017, tái bản 1 lần 2018)
- Sài
Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (tản văn 2018)
Giải
thưởng:
- Tặng
thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Chất vấn thói quen.
-
Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012 với tập thơ Chất vấn thói quen.
-
Giải ba cuộc thi thơ nhạc Đây biển Việt Nam với hai bài thơ Mặt trời
trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió, Gió hợp hôn đất nước, do Hội Nhà văn Việt
Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức năm 2011-2012.
-
Giải tư thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2003-2004 với
bài Bước gió truyền kỳ.
-
Giải nhì thơ sinh viên - học sinh Thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 với bài Áo
trắng trong mơ.
-
Giải nhất bút ký báo Khoa Học & Đời Sống năm 1998 với
bài Khi nhà thơ làm kinh tế.
Quan
niệm về văn học:
Thi
ca đối với tôi là một không gian thẩm mỹ riêng, một thế giới thiêng liêng để
tôi được đắm chìm vào đó, tìm thấy vẻ đẹp của con người quá khứ lẫn hiện tại, tự
phát hiện bản thể chính mình. Nhà thơ phải biết náu mình để cho cái đẹp thi ca
lên tiếng.