Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ: Ngồi giữa đời mà hát

Trần Nhã Thuỵ khởi thảo Hát vào năm 2008, tức là không lâu sau khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên Sự trở lại của vết xước. Nếu ở cuốn thứ nhất, Thuỵ có từng tâm sự, đại ý rằng, “… không biết [tác phẩm] là tới đâu nhưng mình nghĩ sẽ được nhiều người chia sẻ”, thì với Hát, Thuỵ đã làm được nhiều hơn thế…
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ với gia đình

Ngồi giữa đời mà hát? Hay đứng giữa chợ đời mà hát? Hát cái gì? Và hát cho ai? Với tiêu đề đầy tính ẩn dụ, cuốn tiểu thuyết mới của Trần Nhã Thuỵ bàng bạc những câu hỏi lớn về cuộc đời chúng ta đang sống.

Khởi đi từ câu chuyện một người đàn ông trung niên ở Sài Gòn lặn lội ra đất Bắc tìm học nghệ thuật đàn ca nơi hai mẹ con đào nương ca trù, mà vào thời Nguyễn Tuân gọi là hát cô đầu, tiểu thuyết Hát dự báo một cuộc phiêu lưu thú vị vào thế giới gập ghềnh mà mỗi phận người chứa đựng một bi kịch ngổn ngang. Nhưng Kỷ, nhân vật chính, học hát không phải để thỏa mộng đàn ca, mà đó chỉ như là một cái cớ, qua đó kết nối với cuộc đời của hai mẹ con ca trù Xuân Nương, và những cuộc đời khác cũng đang hát lên câu chuyện của riêng mình.

Họ hát trên đống hoang tàn của cõi lòng, như thơ của Hoàng Hưng “Có bao nhiêu nát tan/ Đội lên đầu mà hát” được chọn trích dẫn trong phần đề từ tác phẩm.

Kỷ được khắc họa như một dạng sống mòn thời hiện đại, hay chết mòn cũng thế thôi. Ngày từng ngày, cứ lăn đi như một viên sỏi giữa tiếng lạo xạo của cuộc đời mênh mông; giữa sự phi lý của đời.

Với kỷ, cuộc đời chỉ dài ra, già đi chứ không có con đường. Làm kỹ thuật ở Viện Giống, thôi việc, rồi trôi nổi qua những công việc bất định. Dịch sách. Môi giới bất động sản. Tham gia các dự án được bày nên của kẻ khác… Mà không có mục đích. Ngày hôm nay là phiên bản của hôm qua. Ngày mai kia được nhắc lại bởi những gì đã diễn ra hôm nay. Những đoạn lập lại trong sách là ý nghĩ lẩn quẩn của Kỷ, là sự lẫn lộn về cảm thức thời gian, về những người xung quanh mà Kỷ đang sống với. Hình ảnh người má của Kỷ cũng là một dạng thức khác của cảm thức thời gian ngưng đọng, chứ không đơn thuần là biểu hiện bệnh lẩm cẩm của tuổi già.

Cuộc đời tồn tại như cách chúng ta nhìn thấy. Người đọc nhận ra, bên cạnh Kỷ đang vỡ nát, đang gặm nhấm bao nỗi phi lý là những phận người luôn lạc điệu với cuộc sống. Dũng xào nhạc, ông già nhạc sĩ hết thời sau một biến cố,… Bên cạnh những tâm hồn lạc điệu, những kẻ thức thời cũng không khá hơn. Ông thức giả ma mãnh. Sinh - sáng lập viên của bao dự án lớn lao nhưng rốt cuộc cũng chỉ như trò hề, ẩn chứa những màn lừa đảo ngoạn mục… Hay Hoàng, một tay chơi.

Nếu xem rằng, âm nhạc là “concept” (ý tưởng) của cuốn tiểu thuyết thì Hát là một dòng chảy xuyên suốt trên nền ý tưởng đó. Đắm trầm trong cõi nhân luân, thay vì đau đời, bất đắc chí, người ta đã hát lên. Hát ru mình và hát ru đời. Suy cho cùng, hát là một cách thế sống.

Kỷ là một nốt trầm trong bản tấu khúc vĩ đại của cuộc đời. Kỷ đã hát cho đời nghe, cứ ngỡ đời cũng đáp lại. Vậy mà không. Thế nên trong Kỷ mới có cảm thức ảo thanh, luôn mơ hồ nghe thấy ai đó gọi mình, hát cho mình. Nhưng không. Đó như tiếng gọi đò, chỉ nhìn thấy con đò mà vắng bóng người đưa khách sang sông. Đó là một cảm giác vỡ mộng, không đơn thuần là sự thất vọng, một căn bệnh sinh lý.

Trong Hát, các dạng thức âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn được nhà văn vay mượn để thể hiện “concept” hay ý đồ của mình. Đó là ca trù, nhạc đương đại… Nhưng người đọc còn có thể nghe thấy bao tiếng đời, âm thanh tự nhiên của cuộc sống vọng vào, qua sự cố ý sử dụng ngôn ngữ quảng cáo, ngôn ngữ mạng xã hội, ngôn ngữ đường phố… Thanh âm đời đa tạp như nó vốn thế. Và cả ngôn ngữ tín hiệu, với hình ảnh nước dâng đầy, tính phồn thực của cơ thể người phản ánh sự dư thừa vật chất, nặng về lạc dục… trong một xã hội tiêu dùng đang khủng hoảng niềm tin và những giá trị đạo đức.

Và dù không rõ ràng lắm, nhưng Hát còn thấp thoáng ngôn ngữ của nghệ thuật tuồng, tức dạng thức nghệ thuật mà tính chất của nhân vật được ước định qua lối hóa trang, tính báo trước qua hình thức bên ngoài. Tốt - xấu nhìn vào là biết ngay. Trong Hát, đó là cách phác họa các nhân vật như Sinh “sách”, Thạo “phong thủy”… Ngay cả số phận của cô gái ca trù Xuân Nương cũng vận hành theo lối đó, với cái kết cục vẫn mang dấu ấn của thuyết “hồng nhan bạc phận”…

Cũng nên nhắc lại sự thể hiện nhân vật Kỷ, một lối đặt tên cũng mang tính ẩn dụ nốt. Kỷ cần một sự ngầm hiểu. Phải là Tri, hợp thành một đôi tri kỷ thì mới “gặp” được nhau. Còn không, dù có gần nhau, chia sẻ, thương và yêu nhau, như Lý và Kỷ, cũng không thể “gặp” nhau. Điều đó được hàm dụ bằng cách người này hát mà người kia không nghe, bởi không gọi đúng tần sóng thanh của tâm hồn. Bởi mỗi người là một tiểu vũ trụ. Vẫn có những góc khuất của người cùng sống với mà kẻ còn lại chỉ như người qua đường, hay qua đò…

Trần Nhã Thuỵ viết Hát trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, có thể nói là đáng kể, thực sự là mảnh đất cho loại hình tiểu thuyết trỗi dậy, trong vòng một thập kỷ qua. Đó là sự đổ vỡ ý thức hệ, sự hủ hóa, sa đọa của lớp quan quyền, nạn tham nhũng đến mức bạo phát bạo tàn, sự phân hóa ghê gớm giữa giàu và nghèo, sự va chạm dữ dội giữa các nền văn hóa vào thời mở cửa… đẩy những phận người bé con vào ngõ cụt vô phương cứu vãn. Trong Hát, sự mất tích của cô gái ca trù Xuân Nương vào quãng đời xanh non tươi đẹp, tràn trề nhất đã để lại một dấu hỏi lớn trong lòng người về thực tại cuộc đời chúng ta đang sống. Nó có ý nghĩa như một dấu lặng trong một đoạn nhạc. Không cần lời đáp. Chỉ có hát lên. Hát để ru mình và ru đời.

Trần Nhã Thuỵ khởi thảo Hát vào năm 2008, tức là không lâu sau khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên Sự trở lại của vết xước. Nếu ở cuốn thứ nhất, Thuỵ có từng tâm sự, đại ý rằng, “… không biết [tác phẩm] là tới đâu nhưng mình nghĩ sẽ được nhiều người chia sẻ”, thì với Hát, Thuỵ đã làm được nhiều hơn thế. Một cuốn sách được viết nên bởi một người luôn trăn trở với nghề, luôn u hoài về một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, có chất; được viết vào quãng tuổi đời, tuổi nghề sung sức và chín nhất, lứa tuổi bốn mươi. Và được viết nên từ tâm trạng hoang mang, vỡ mộng. Vỡ mộng về một khung trời đại học, về xã hội, nhân tình thế thái trong buổi giao thời… mà vẫn còn đó những biểu hiện giống như thời Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ. Không khó để người đọc nhận ra điều đó trong Hát.

Chính bởi thế, khi những người bạn văn cùng thế hệ đọc tác phẩm của nhau, đó không chỉ đơn thuần là việc tiếp nhận một cuốn sách.

TRẦN VĂN THƯỞNG
Theo NVTPHCM



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...