Nhà thơ Nhật Chiêu
Tôi là một kẻ khác là một tập thơ khác của một
Nhật Chiêu rất khác, ông chế tác và biến hóa kỳ lạ với thứ ngôn ngữ thơ rất kỳ
diệu của ông. Ông đã tác tạo nên hai thể thơ mới trong tập thơ này là thể Thơ
giao lời kể và thể Thơ tượng quẻ. Tên tập thơ của ông được
lấy ý từ một câu thơ của Rimbaud – một nhà thơ Pháp lừng danh thế giới: “Je est
un autre” (tôi là kẻ khác).
1. Trong Thơ giao lời kể, Nhật Chiêu điềm đạm
xưng mình là con sâu cái kiến, là mây là suối, là vũng nước tù, là gái điếm,
gái trinh, là kẻ thần kinh đi lạc… và ông từ tốn ngồi kể con sâu ấy đến từ đâu,
ngọn cỏ dại mọc thế nào, và cô gái bán dâm kia có thật là gái điếm? Thơ giao lời
kể là một trường ca gồm 36 khúc, mỗi khúc có thể được xem là một bài thơ riêng
lẻ dù tác giả chẳng tách riêng nó ra và cũng chẳng đặt tựa cho từng bài. Nhưng
mỗi khúc là một “kẻ khác”, dù 36 kẻ khác ấy đều cũng là “tôi”. Mỗi khúc được in
thành hai trang, trang thứ nhất gồm 4 câu thơ giới thiệu “tôi là…” một kẻ khác
nào đó, và trang thứ hai là khoảng từ 5 đến 15 dòng thơ kể về kẻ khác đó, tỉ mỉ
hơn, tường tận hơn.
4 câu thơ đầu thường nhỏ nhắn, xinh xắn mà gợi cảm, dễ
thương, ý tứ rõ ràng nhẹ nhàng để đợi đến khi tương giao với lời kể mới bộc lộ
chiều sâu triết lý của bài thơ đó. Nếu lời giới thiệu là trái tim của bài thơ
thì lời kể chính là ngọn lửa bùng cháy lên từ trong tim thắp sáng bài thơ ấy. Lời
giới thiệu và lời kể tương giao, tương ánh, chiếu sáng lẫn nhau như cái rực hồng
tương giao của sắc hoa và đôi má giai nhân trong “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”
(thơ Thôi Hộ). “Tôi” trong 36 khúc thơ là một tôi với 36 cái ngã khác nhau, những
cái ngã của tôi nằm đâu đó trong muôn loài, trong vạn loại chúng sinh có hình
hài hay không hiện hữu. Tôi là gió mây trong vũ trụ, tôi là sâu kiến trong
không gian, tôi là chiến binh, là thánh nhân, là Trương Chi, là Xuân Hương đã đến
từ đâu đó trong chiều dài thời gian hiện hữu của con người. Và ở thời khắc này
tôi là một đứa trẻ sơ sinh và cũng là một kẻ tự mình tước đi sự sống của mình. Ở
đây tôi sinh ra và tôi tự sát.
“Tôi là một đứa bé
Chơi đá cuội làm nhà
Có vườn cho chim sẻ
CHO cả mẹ và hoa”
Và trong khúc thơ này, thi nhân kể lại rằng “một đứa bé
đang chơi, và trong trò chơi em là chúa tể”. Em nặn đất làm nhà, làm vườn, nặn
cả chim muông và sinh ra người mẹ. Trong sân chơi của mình hẳn nhiên em là chúa
tể, sáng tạo cả muôn loài theo ý muốn của em và em chơi đùa với những thứ do
mình tạo ra, đầy hân hoan và say đắm. Để có thể bước vào được
“sân-chơi-linh-thiêng” này, người lớn “phải thu mình nhỏ lại”, nhỏ như vạn vật
em vừa tạo ra và chấp nhận những luật chơi do em bày biện trong vương quốc nhỏ
bé chứa đầy hoa, đầy chim muông, đầy mẹ, đầy Nàng Tiên của em. À, thì em là
chúa tể, như đấng sáng thế tối cao của vạn vật. Chúa tạo ra vũ trụ, chúa tạo ra
muôn loài trong sân chơi mênh mông và vĩ đại của chúa, có khác gì em bé với mớ
đất nặn nhiều màu sắc trong khu vườn nhỏ xíu của em?
“Tôi là một anh hề
Tự cười mình mỏi mê
Một hôm bưng mặt khóc
Thiên hạ cười hả hê”
Anh hề ơi, nhiệm vụ quan trọng nhất của anh là chọc cười
thiên hạ, cũng như thi nhân tôi phải viết nên những bài thơ lấy đi nước mắt của
con người. Anh hề giỏi nghề là anh hề biết tự cười mình trước hết, biết sặc
sụa trước những hành vi ngô nghê của chính mình mà mình đã thuộc nằm lòng, biết
bất ngờ cười phá lên trước cái té ngã giả bộ vô tình mà mình đã diễn đi diễn lại
cả nghìn lần. Anh cười được chính mình mới mong thiên hạ cười anh. Cũng như thơ
tôi phải được viết nên từ nước mắt của tôi mới khiến mềm lòng thiên hạ, tôi
khóc khi bày biện lòng mình vào thơ mới mong độc giả sụt sùi đồng cảm. Rồi cho
đến khi anh hề khóc, bưng mặt trên sân khấu của đời mình, thiên hạ vẫn hả hê cười
vì nghĩ rằng anh đang diễn, vì đã xác quyết rằng anh hề thì không biết khóc như
độc giả vẫn đinh ninh, thi nhân thì không thể cợt đùa với thế gian này? Và anh
hề đã chết, chết vì nỗi buồn của anh đã khiến người cười? hay chết vì tuyệt vọng
khi đời này không còn người biết khóc, con người cứ mãi miết cười trong vô cảm
thế sao?
Tôi là một con điếm
Đêm mưa ĐỨNG bên cầu
Tôi cùng mưa lấp liếm
Dồn lại những SẦU lâu
Trong Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện về
một nàng gái điếm bị đám đông đuổi đánh và ném đá, trong lúc trốn chạy nàng đã
bắt gặp một người dang đôi tay che chắn mình. Trong lời kể của Nhật Chiêu, cô
gái điếm lại là người chở che cho người khách lạ mình đầy thương tích đã tìm đến
cô, người khách đã đến “từ hơn 2000 năm trước”. Ai là người có thể thỏa mãn được
tất cả đàn ông nếu không phải là kỹ nữ? Ai là người có thể xoa dịu được nỗi đau
của cả loài người?
2. Phần thứ hai của tập thơ là Thơ tượng quẻ,
là một thể thơ được Nhật Chiêu chế tác dựa trên ý tưởng từ Kinh Dịch, mỗi bài
thơ là một biểu tượng ứng với mỗi quẻ trong Kinh Dịch về cả mặt hình thức lẫn
chủ đề. Nếu mỗi tượng quẻ trong Kinh Dịch bao gồm 6 hào âm dương thì mỗi bài
thơ của ông bao gồm 6 câu thơ liền mạch hay ngắt nhịp tương ứng với các hào âm
(- -) hay hào dương (-) trong quẻ đó. Từ 6 hào âm và dương đó, Nhật Chiêu đã
sáng tạo nên những bài thơ gồm 6 câu với cách trình bày ngắt nhịp trong
câu thơ điền đầy khuôn hình thức của từng quẻ và mỗi bài thơ là sự mô phỏng chủ
đề ý nghĩa của quẻ đó. Ông đặt chữ của ông vào trong những khuôn hình quẻ
tượng, không dư một chữ, không thừa một nét nhưng ý nghĩa của câu từ cứ ào ạt
tuôn ra.
Mưa đến đây mưa đến đây
Và mưa mang theo điệu hát
Mưa còn bay đất còn ngây
Ai như dại ai như say
Ngực nàng mọng môi mưa đầy
Nàng một cõi mưa nghìn tay
(Mưa và đất – quẻ tỉ (kết giao))
Trong Kinh Dịch, quẻ tỉ được tạo nên bởi sự kết giao của
quẻ Khảm và quẻ Khôn, thượng Khảm hạ khôn, nước ở trên đất ở dưới. Và bài thơ của
Nhật Chiêu cũng được tạo nên bởi sự kết giao của mưa và đất, khi mưa đến mang
theo điệu hát, khi mưa còn bay thì đất vẫn còn say, mưa rơi xuống đất, thấm sâu
vào lòng đất cho hoa trái sinh sôi, cho vạn vật nảy nở. Như đàn ông thấm sâu
vào đàn bà cho thế giới được sinh ra. Mưa còn rơi, đất còn đợi để tái sinh, đàn
ông còn chinh phục mạnh mẽ, đàn bà còn yêu còn say. Nàng một mình một cõi, đợi
cả vũ trụ rót vào nàng sự sống và luân chuyển trong lòng nàng để được tái sinh
trong những hình hài tươi mới căng tràn.
Đưa bóng mình, đến chân trời
Đưa bóng mình lên đỉnh núi
Đưa bóng mình ra xa khơi
Rồi một ngày quay bước lại
Đưa chiếc bóng về tinh khôi
Cười vang trong cuộc quy hồi
(Sấm rền trong đất – Quẻ phục (quay về))
Quẻ phục được tạo thành bởi sự kết giao giữa quẻ khôn và
quẻ chấn, bài thơ là sự giao kết và lẫn khuất vào nhau giữa tiếng sấm và lòng đất,
tạo nên âm thanh rền vang như lời kêu gọi cho một cuộc quy hồi. Tiếng sấm rền
trong đất gợi nên âm thanh của sự sống, là âm thanh của sự trở lại và hồi sinh.
Ca dao Việt Nam có câu “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà
lên”, tiếng sấm báo hiệu trời đang chuyển mùa và mang mưa tới, cho cây lúa rộn
ràng sinh trưởng tốt tươi. 5 câu thơ đầu trong bài thơ đang ngắt nhịp âm, như
cái trúc trắc phong trần gió bụi của cuộc đời, của những linh đinh trong hành
trình một con người “đến chân trời”, “lên đỉnh núi” và “ra xa khơi”, rồi bất chợt
quay về. Bỗng câu thơ cuối liền nhau trong một nhịp dương xuyên suốt và mạnh mẽ,
như tiếng cười vang của cuộc hồi sinh đang quay trở lại, nhịp thơ trải dài vang
xa, xóa hết những trúc trắc gian nan trong hành trình quay về của con người
mang bóng mình đi muôn nơi.
Thơ tượng quẻ của Nhật Chiêu không dễ đọc, không dễ hiểu
và cũng chẳng dễ lý giải những lời triết lý về đời người hay đời vũ trụ, về
nhân loại hay về cả càn khôn. Tôi tập tành đọc thơ ông, tập tành hiểu thật giản
đơn những gì đang hiển hiện trong từng câu chữ với sự háo hức mê say của một
con người vốn rất mê thơ. Lối sáng tạo thơ này của Nhật Chiêu dù mới được công
bố ít lâu nhưng cũng đã nhận không ít lời trầm trồ tán thưởng: “Với thể thơ tượng
quẻ này, Nhật Chiêu đã khiến cho người đọc phải sửng sốt về sự sáng tạo đầy mới
mẻ và thú vị khi vận dụng hình thức và ý nghĩa của các quẻ trong Kinh Dịch để
đưa vào đấy chất thơ đầy triết lý. Đối với ông, sự sáng tạo là nhìn về cái cũ bằng
một cái nhìn mới, cái mới không phải là cái chưa từng có mà là cái đã bị thời
gian che phủ. Chính vì vậy, ông tìm về Kinh Dịch để từ đó sáng tạo thơ tượng quẻ”
(Hoài Mai). Hay “Thể thơ độc đáo này đã nhận được sự tán dương và hưởng ứng sôi
nổi từ các nhà phê bình văn học. Chính từ sự phá cách, tìm tòi độc đáo, cùng với
sự uyên bác và tài hoa, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã mang đến thơ một phong vị
mới lạ, hấp dẫn nhưng rất bác học”. (Hoài Mai)
Và tôi cũng vậy, đã bị thơ Nhật Chiêu quyến dụ, loay hoay
đi tìm một tôi khác trong những tạo tác của ông.
LA MAI THI GIA
Theo NVTPHCM