Nhà văn Lý Văn Sâm
Trong những văn nghệ sĩ cuả Đồng Nai có nhiều đóng góp
vào cuộc kháng chiến cuả dân tộc với cả hai tư cách chiến sĩ- nghệ sĩ, có một
tên tuổi rất đáng trân trọng. Đó là nhà văn Lý Văn Sâm. Hoạt động trong thời kỳ
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các tác phẩm xuất sắc cuả ông đã gieo vào
lòng độc giả đương thời nhiều ấn tượng tốt đẹp, khơi dậy những khát vọng và hướng
họ đến với con đường tranh đấu, con đường cách mạng. Ông là 1 trong ba nhà văn
của Đồng Nai được vinh dự truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2006.
Nhà văn Lý Văn Sâm sinh ngày 17.2.1921 và mất vào ngày 14.9.2000. Ông sinh ra trong một làng nhỏ ở quê ngoại thuộc vùng rừng ở ấp Ông Lình, làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ. Quận này nay là huyện Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Đây cũng là nơi “quê hương rừng thẳm sông dài” như nhà thơ – chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ từng gọi. Do người Việt lập làng khai phá muộn nên đến thời của nhà văn, nơi đây vẫn còn nhiều cánh rừng hoang vu, kỳ vĩ. Quê nội cuả ông, làng Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai ) cũng là một làng nằm giữa vùng rừng núi mà sau này sẽ là một phần của Chiến khu Đ huyền thoại. Vùng đất miền rừng “địa linh sinh nhân kiệt” này đã sản sinh cho văn học miền Nam thời hiện đại những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như các nhà văn Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Văn Bổn, nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ…
Lý Văn Sâm sớm đến với cách mạng qua sự tuyên truyền cuả những người cộng sản đầu tiên cuả Đồng Nai như Phạm Văn Ký, Hồ Văn Đại, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Văn Tàng, Nguyễn Văn Lành, những người mà Lý Văn Sâm gọi là các “anh lớn”. Từ năm 1943, ông đã tham gia các hoạt động rải truyền đơn, tuyên truyền cách mạng trong thanh niên học sinh ở Biên Hoà. Tháng 8.1945, ông đã tham gia cách mạng với tư cách là cán bộ Ban tuyên truyền Quận Châu Thành (đơn vị hành chính mới cuả thị xã Biên Hoà). Năm 1946, khi Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ, ông bị Pháp bắt, quản thúc ở thị xã Bình Trước (nay là thành phố Biên Hòa). Sau khi ra tù, bị mất liên lạc với tổ chức, ông mới lên Sài Gòn tiếp tục làm báo, viết văn với các bạn văn là những nhà văn, nhà báo yêu nước như Dương Tử Giang, Hoàng Tấn và tham gia các hoạt động điệp báo cuả Công an Sài Gòn- Chợ lớn trong lòng địch. Ông lại bị chính quyền thực dân bắt, giam tại khám lớn Sài Gòn một thời gian ngắn. Ba năm này (1947-50) là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Lý Văn Sâm. Năm 1950, trước nguy cơ bị lộ, ông lại được rút ra chiến khu. Năm 1954, sau hiệp định Genevè, ông lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ở lại, hoạt động báo chí và văn nghệ trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tháng mười một năm 1955, Lý Văn Sâm viết một truyện ngắn có tên là Chuông rung trên tháp đổ, đăng trên tập san XuânDân Tộc, với bút danh Bách Thảo Sương. Tác phẩm phê phán bóng gió nhưng quyết liệt chế độ Ngô Đình Diệm. Do đó, ông bị mật vụ chính quyền Sài Gòn bắt, tra tấn dã man và giam tại Trung tâm Huấn chính Biên Hòa, tức nhà lao Tân Hiệp. Đầu tháng mười hai năm 1956, ông tham gia lãnh đạo tù chính trị nổi dậy, cướp súng phá trại giam, thực hiện vụ phá ngục Tân Hiệp nổi tiếng. Thoát tù, Lý Văn Sâm chính thức ra hẳn Chiến khu, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia lực lượng văn nghệ Giải phóng.
Những năm công tác ở Ban Tuyên huấn trung ương Cục miền Nam, Lý Văn Sâm lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ: chính trị viên đoàn Văn công Giải phóng, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Giải phóng, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật (Bộ Văn hoá Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam). Năm 1962, Hội Văn nghệ giải phóng thành lập, Lý Văn Sâm được cử làm Tổng thư ký. Sau 1975, Lý Văn Sâm là Phó tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội (khóa 6) và nhiều năm là Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai. Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong sự nghiệp sáng tác cuả mình, Lý Văn Sâm viết về nhiều đề tài khác nhau, nhưng căn cứ vào nội dung tác phẩm, có thể chia thành ba mảng đề tài là: mảng truyện đường rừng, mảng viết về cuộc sống đô thị, mảng viết về cuộc sống kháng chiến. Hầu như ở mảng nào ông cũng đều có những sáng tạo, những thành công đáng kể gây tiếng vang trong văn học đương thời. Cố nhà văn Sơn Nam, người bạn văn đương thời của Lý Văn Sâm nhận xét “Nếu không có Lý Văn Sâm, văn học ta chịu một thiệt thòi lớn, không gì bù đắp nổi.”
Trong mảng viết về cuộc sống đô thị, Lý Văn Sâm thường viết về những chuyện thường nhật cuả những nhân vật tiểu tư sản thành thị, về cảnh cơ cực những người dân nghèo thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội trong những truyện ngắn như Lạc loài, Mưa Sài Gòn, Rửa hờn, Ngoài mưa lạnh, Thèm một ngọn đèn, Ngàn sau sông Dịch... Đặc biệt, trong mảng truyện này, chúng ta thấy hiện lên nổi bật nhất là cuộc sống chật vật, khốn đốn từ vật chất đến tinh thần của những người trí thức thành thị nghèo. Họ khổ không phải chỉ vì kiếm sống vất vả, mà còn vì những cuộc bắt bớ, bố ráp, giam cầm xảy ra liên miên. Nhân vật Huyền trong Thèm một ngọn đèn chỉ vì “bị tình nghi bạo động” mà anh phải trải qua hai năm dài lao lý, khi được ra tù thì vợ con đói rách đã phiêu bạt về quê ngoại. Bản thân anh phải sống nhờ vào bè bạn, cũng là những người khổ cực không kém gì anh. Ước mơ cuả anh là khi ra tù sẽ có một chiếc bàn và ngọn đèn để viết, thế mà mãi không thực hiện được. Nhiều chuyện khác viết về cuộc sống thực của người viết văn, làm báo thời đó thực cảm động. Họ viết trong cảnh túng quẫn bần hàn, trong cảnh vợ đói con khóc, trong tiếng eo sèo của các chủ nợ. Họ chết vì không có tiền mua thuốc lúc ốm đau. Nhưng trong hoàn cảnh đó, họ vẫn phải đấu tranh với những cám dỗ vật chất để giữ “sắc đỏ trong lòng người cầm bút”. Trong mảng này cũng có những truyện hay như Nắng bên kia làng, Tàn một đời thơ viết về những trí thức vì một lý do khách quan nào đó đã phải “hồi cư” về thành, thậm chí có những trường hợp sa ngã, đánh mất bản ngã, mất khát vọng nghệ thuật để chạy theo tiền tài vật chất. Nhiều truyện diễn tả rất thật những băn khoăn, trăn trở, xót xa của những con người phải sống cảnh “hàng thần lơ láo”. Những truyện ngắn như vậy, đã tạo một âm hưởng tố cáo, phê phán hiện thực xã hội đương thời, vạch trần tội ác cuả cuộc chiến do quân xâm lược gây ra.
Trong giai đoạn 1947-1954, Lý Văn Sâm còn sáng tác nhiều về đề tài cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Trong những câu chuyện này, Lý Văn Sâm đã phản ánh khí thế cuả những ngày khởi nghiã giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám ở miền Nam, những ngày Nam Bộ kháng chiến đầy khói lửa, hy sinh mà cũng thật hào hùng. Cái đặc biệt là đề tài những truyện này hầu như đều hướng về những chuyện rất thời sự của cuộc sống kháng chiến lúc bấy giờ, nhưng vẫn được viết rất nghệ thuật. Những tác phẩm như Nga và Thuần, Mây trôi về bắc, Hoàng hôn sắc tím, Nắng bên kia làng... dù còn phải dùng cách nói ẩn, nói lách để tránh sự kiểm duyệt cuả địch , ông đã phần nào xây dựng được hình ảnh những làng quê kháng chiến, con người kháng chiến, biểu dương, ngợi ca những anh bộ đội, chị du kích, người nữ cứu thương dũng cảm, tận tụy, những bà mẹ làng quê chăm sóc thương binh, tử sĩ, những cuộc tiễn đưa người lên đường đi kháng chiến v.v... Đặc biệt, trong mảng truyện này, đã có những truyện mà trong đó Lý Văn Sâm đã nêu cao lòng yêu nước, lên án những kẻ theo giặc, phản bội giống nòi. Qua mảng truyện này, hình ảnh của một cuộc chiến tranh nhân dân thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ đã được phản ánh trong tác phẩm Lý Văn Sâm, giúp cho người dân thành thị hiểu đúng về chính nghĩa cuả cuộc kháng chiến, về con người kháng chiến. Đó là đóng góp rất đáng quý cuả Lý Văn Sâm.
Lý Văn Sâm còn nổi tiếng về nhiều tác phẩm truyện đường rừng. Đây là mảng mà Lý Văn Sâm có nhiều truyện hay và thành công hơn cả. Vì những câu chuyện đường rừng cuả ông không đơn giản chỉ đem lại cho người đọc những hương vị của cảnh núi rừng hay những phong tục lạ, những chuyện lạ miền ngược như các tác giả khác đã làm mà lúc nào trong truyện của ông cũng có hơi thở của thời cuộc, của những ý hướng tranh đấu.
Trong những truyện đường rừng được viết trước 1945, ông thường xây dựng các kiểu nhân vật như Kòn Trô trong truyện Kòn Trô, Châu Phiên trong truyện Rồng bay trên núi Gia Nhang… Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng đều là những người hùng cô đơn, dũng cảm có thừa nhưng cũng đầy thất vọng về cuộc đời, trốn chốn phồn hoa đô thị mà tìm đến nơi rừng xanh núi đỏ, hy vọng có thể lập một cõi riêng có tự do như họ quan niệm. Những nhân vật này đáp ứng khát vọng về tự do, nhân nghĩa, về sự công bằng trong xã hội của người dân trước Cách mạng tháng Tám. Khi người dân Nam Bộ cùng nhân dân cả nước vùng lên giành độc lập tháng 8-1945, rồi ngay sau đó lại bước vào những ngày chiến đấu chống Pháp ác liệt , chúng ta sẽ gặp lại những mẫu nhân vật ấy của Lý Văn Sâm nhưng trong một tư thế khác. Họ đang ở chiến khu ,trên đường hành quân, hay đang chiến đấu, truy đuổi quân thù… Có khi, họ bị đặt vào những hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc chiến nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh không tiếc nuối vì chính nghĩa cách mạng, vì đất nước. Những câu chuyện, những nhân vật đó như là lời thúc giục đấu tranh giữ lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, bởi không có tự do của cả một dân tộc thì cũng sẽ chẳng có tự do nào cho mỗi con người. Do đó, mảng truyện đường rừng của Lý Văn Sâm không chỉ nhiều về số lượng mà còn có ý nghĩa xã hội, có chất văn học đậm đà, đã góp phần khẳng định chỗ đứng của ông trong lòng bạn đọc toàn quốc lúc đó. Nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy khẳng định “truyện đường rừng của Lý Văn Sâm là sự bắc cầu từ tinh thần lãng mạn đầy ý nghĩa nhân sinh đến với lí tưởng đấu tranh vì độc lập, tự do, dân tộc theo ánh sáng cách mạng của nhà văn sau này”.
Viết về Lý Văn Sâm, nhà nghiên cứu văn học - GS Trần Hữu Tá đã đánh giá “Là một nhà văn miền Nam tiêu biểu của nửa cuối thế kỷ XX, Lý Văn Sâm đã có đóng góp xứng đáng cho nền văn học dân tộc”.
VŨ TÙNG
Nguồn: NVTPHCM
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: