Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Sơn Nam - Ông già Nam bộ lẫy lừng

Vậy là đã chẵn 10 năm ngày giỗ nhà văn Sơn Nam (13-8-2008). Ông tên thật là Phạm Minh Tài, giấy khai sinh ghi, chắc do nhầm, là Tày. Ông là tác giả hàng chục đầu sách thuộc nhiều thể loại, hàng ngàn bài báo có giá trị, cả thơ nữa, nhưng nổi tiếng hơn cả thì phải kể 2 cuốn: Tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” và tập khảo cứu “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”.
Nhà văn Sơn Nam

Tên tuổi ông giống như một bảo chứng uy tín. Hễ có gì chưa thông tỏ hay còn thắc mắc về vùng đất, con người phương Nam, giới nghiên cứu, cả chính quyền địa phương các cấp nữa lại tìm đến hỏi ý kiến ông. Ròng rã như vậy suốt hàng nửa thế kỷ.

Ông say mê nghiên cứu Nam Bộ một cách lạ kỳ, thủ đắc một khối lượng kiến thức đồ sộ và uyên bác đáng kinh ngạc về đất và người miền Nam. Mặc định, người ta vẫn gọi ông là ông già Nam Bộ. Không ai thắc mắc. Không ai xứng đáng hơn nhà văn Sơn Nam trong danh xưng đó.

Hồi ông còn tại thế, tôi đã diễm phúc có nhiều lần được gặp gỡ, ngồi hầu chuyện và viết về ông. Tôi ấn tượng nhất hai chuyện.

Thứ nhất, ông già Nam Bộ Sơn Nam có lẽ là nhà văn hiếm hoi được dựng tượng kỷ niệm ngay từ khi còn sống. Tượng dựng năm 2007, tại khu du lịch Bình Quới, TP Hồ Chí Minh. Dựng xong, người ta mời ông đến, hỏi ông có giống không, có đẹp không? Ông thủng thẳng: “Người qua tướng xấu hoắc, tượng lấy gì đẹp? Giống hay không đi hỏi người xem, hỏi qua làm chi. Nhưng mà tốn tiền. Phải chi đem tiền đó cho sắp nhỏ, mua được bao nhiêu là sách của Sơn Nam cho tụi nó. Dzậy có hơn không!”.

Thứ hai, ông già Sơn Nam hay nói đến tiền. Nói thẳng, không vòng vo úp mở. Hỏi chuyện, ông không nề hà. Hỏi gì ông cũng nói, chưa hiểu là giải thích cặn kẽ. Nhưng xong buổi thì phải nhớ bỏ bao thư. Bao nhiêu cũng được, ít hay nhiều chẳng quan trọng, nhưng không bỏ là ông nhắc ngay.

Có lần, ông đã giải thích: “Qua cũng phải tốn tiền mua sách, đi thư viện mới có kiến thức mà trả lời cho mấy em được chớ. Mấy em muốn biết liền, biết lẹ, mấy em cũng phải tốn tiền là đúng rồi. Cái này qua học cụ Vương Hồng Sển. Cứ đến thăm, hỏi chuyện cụ là qua gửi tiền. Quen dzậy rồi!”.

Thật ra, ông già Nam Bộ cũng chẳng xài gì cho mình. Ai cho ít nhiều, ông lại đem mua hộp cơm, gói bánh, ít sách… gì đó cho đám con nít trong xóm ông tá túc ở gần Thư viện quận Gò Vấp, vùng đất cũ Hạnh Thông Tây mà ông hay nhắc đến say sưa.

Ông không có nhà, tá túc nhờ đến mãn đời tại nhà ông Đào Tăng, một người yêu văn chương không nổi tiếng nhưng hào hiệp và rất quý ông. Liên hoan, ăn nhậu gì đó thức ăn dư còn nhiều, ông cũng kêu chủ quán hay phục vụ bỏ gọn gàng vô hộp xốp, bịch bóng, toòng teng xách về cho đám con nít. Tụi nó thấy ông già Sơn Nam chân nam đá chân chiêu (tại cái dáng đi của ông vậy chứ ông chẳng bao giờ say) trở về là chạy ùa ra, reo ầm lên.

Bố mẹ chúng kêu ông bằng tía, con nít đứa kêu là ngoại, đứa kêu bằng nội, hoắng củ tỏi lên. Ông cũng chẳng mấy khi cười, cứ lầm lầm lì lì “đôi mắt… bồ câu con đậu con bay” đưa đồ ăn, đưa quà cho sắp nhỏ rồi về nghỉ. Ông không nhớ tên, cũng chẳng biết đứa nào lại đứa nào.

Xe máy không có, xe đạp hình như chẳng biết đi. Tứ thời ông nhà văn già ốm tong, áo ngoài quần, mắt hấp ha hấp háy, chân cẳng liêu xiêu cứ dép lê loẹt quẹt mà rong khắp phố phường. Chừng một đoạn, thế nào cũng có người nhận ra, kêu tía đi đâu, lên đây con chở. Kêu lên thì ông lên, cũng chẳng cần biết người mời là lạ hay quen.

Dường như khắp Sài Gòn ai cũng kêu ông bằng tía, nghĩa đều là hàng con cháu, ông việc gì phải hỏi tên cho mệt. Thường trực, người ta gặp nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, nhà báo Võ Đắc Danh, nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà thơ Trần Hữu Dũng… hay chở ông đi hơn cả. Nếu ông không kêu đến tòa soạn hay địa chỉ nào cụ thể, họ cứ chở đại ông già Nam Bộ lên trụ sở Hội Văn nghệ thành phố ở 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, thả ông đó rồi ưng đi đâu cứ đi. Một hồi, khắc có người sẽ chở ông già về. Không ai chở thì ông đi bộ. Ông bảo chả lo gì, chỉ lo già!

Ông già Nam Bộ cũng chẳng mấy khi đi đâu xa. Hầu hết thời gian, ông cứ ngồi tẩn mẩn đọc đọc ghi ghi ở Thư viện Gò Vấp. Nhà nghiên cứu, sinh viên làm luận văn, nghiên cứu sinh đang viết luận án, muốn hỏi gì cứ lên đó mà tìm ông, thế nào cũng gặp. Khi đã 80 tuổi (ông sinh năm 1926), ông vẫn thường lạc quan: “Mấy chuyện này hay lắm.Để dành, hồi nào già qua sẽ viết!”. Đám con nít cũng hay lên đó vừa đọc sách, vừa chơi, giỡn với ông già. Thư viện Gò Vấp trở thành trụ sở tiếp khách kiêm nơi làm việc chính thức của ông. Ở đó, người ta bố trí riêng cho ông già Nam Bộ một góc riêng nho nhỏ. Năm 2004, NXB Trẻ mua bản quyền các tác phẩm của Sơn Nam với giá 300 triệu đồng.
Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam ở Mỹ Tho - Tiền Giang.

Thời điểm đó, ông là nhà văn Nam Bộ đầu tiên được mua trọn bản quyền một lần. Số tiền này lúc đó tương đối lớn, nhưng tấm lòng của ông nhà văn già càng lớn rộng hơn bội phần. Ông già chẳng giữ lại chút nào cho mình, đem hiến hết cho Thư viện Gò Vấp để “mua sách cho sắp nhỏ”.

Xuân thu nhị kỳ, ông chỉ vài ba bận lên các tòa soạn báo. Vòng đầu gửi bài, tua sau nhận nhuận bút. Đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu, ông chẳng hỏi, cũng chẳng thèm để tâm được bao nhiêu còn bao nhiêu. Nhiều văn nghệ sĩ làm công tác tòa soạn quí ông già Nam Bộ, trong đó có nhà văn Trần Tử Văn, cả khi làm Báo Công an nhân dân lẫn khi làm báo Công an TP Hồ Chí Minh, cứ thấy ông đến là rút đưa ông ít tiền, có bài hay không cũng mặc.

Nhuận bút đưa trước, thường bằng tiền túi chứ không phải tiền tòa soạn. Bữa sau ông đến nữa thì đưa nữa, gặp đâu đưa đấy, gặp lúc nào đưa lúc ấy, còn nhiều đưa nhiều, có ít đưa ít, không mất thì giờ cố nhớ xem bài của ông già Sơn Nam in chưa, lãnh nhuận bút chưa.

Biết thói quen này nên cũng có tay văn nghệ sĩ “vã” lên mượn oai ông chơi bựa. Một lần, đang ngồi ngáp vặt ở 81 Trần Quốc Thảo với chai bia ký sổ, nhà thơ B. thấy ông già Sơn Nam vô. Mừng quá, anh này dắt xe ra ngay, không cho ông già Sơn Nam kịp ngồi, bảo: “Báo nào tía? Lên CAND trước, qua CATP sau nghe. Được, con chở tía đi”.

Đến cổng báo, anh này không cho ông già vào, bắt đứng trông xe với sự nhiệt tình đon đả: “Tía đứng đó nghỉ mệt đi, để con kêu cho”. Vô, anh ta kêu ngay thư ký tòa soạn, không nhà văn Trần Tử Văn cũng nhà thơ Từ Kế Tường, giọng oang oang, lấc cấc: “Ê, lấy nhuận bút cho ông già Sơn Nam. Lẹ giùm đi, bắt ổng giang nắng chờ lâu là hổng được”.

Rẹc rẹc là ra. Không đưa tiền số vừa nhận cho ông già, anh này chở luôn tía đến quán bia ôm, kêu bia ra uống, ca với hút mù trời. Ông già Sơn Nam cũng được một em cỡ tuổi cháu nội ngồi kề lau mặt khăn lạnh và rót bia. Có điều hơi kỳ. Suốt buổi ông già cũng chỉ uống một chai bia. Chẳng ôm ca gì ráo, toàn ngồi nói chuyện phong tục tập quán với cắt nghĩa địa danh miền Tây, miền Đông, lạc đò về tuốt tận xứ Gò Quao, Giồng Riềng chi đó của cô gái luôn. Có chỗ, ông còn cẩn thận giải thích nghĩa, từ tiếng Pháp, chữ Hán, rồi tiếng Khmer… làm cô gái ngồi cùng cứ trố con mắt: “Con hổng hiểu gì dzáo tía ơi”.

Say sưa một hồi, gã nhà thơ B. phải kêu ông già mới sực tỉnh, rằng cuộc vui đã tàn. Gã bảo: “Xong hết rồi nghe tía. Nhuận bút hai chỗ hồi nãy con trả độ này là vừa y nghe. Tía lên, con chở về!”.

Nhưng ông già Nam Bộ vẫn không đứng lên. Thủng thẳng, ông bảo: “Mày đưa tao hai trăm”. Gã nhà thơ ngạc nhiên: “Chi dzậy tía? Tiền bo con cũng cho rồi. Mà năm chục thôi tía ơi, ngồi ca chứ có “làm ăn” gì đâu mà phá giá?”. Ai dè, gã bị ông già Sơn Nam nạt: “Tao bảo đưa, mày cứ đưa đi, hỏi chi?”.

Bất đắc dĩ, nhà thơ B. trứ danh và cà chớn đành bấm bụng móc bóp lấy hai tờ 100 ngàn đồng cho ông già. Đưa hết cho cô “con nhỏ cháu nội” ngồi cạnh, ông già lại thủng thẳng: “Em à! Người ta trai trẻ, người ta bo năm chục. Qua già rồi, em vẫn chịu ngồi nói chuyện, qua bù lỗ thêm cho em hai trăm. Đừng buồn qua nghe!".

Xong, ông mới chịu đứng dậy đi về.

Nhà thơ cơ nhỡ chỉ còn biết trợn mắt há hốc. Gì chứ khoản ăn chơi lịch lãm gã làm sao có cửa qua nổi Sơn Nam - ông già Nam Bộ nhỏ bé lẫy lừng!

Một ngày sau giỗ lần thứ 10 nhà văn Sơn Nam, 14-8-2018
NGUYỄN HỒNG LAM



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...