Lịch sử thi ca hiện
đại ít có thi sỹ nào được như Bích Khê. Chỉ trong vòng 10 năm, dường như để bù
lại những gì thưa thớt của ngày tháng cũ, quê hương Quảng Ngãi đã tổ chức hai
cuộc hội thảo lớn, tập trung đông đảo các nhà thơ và học giả đương thời tụ hội
nhân kỷ niệm 90 năm và 100 năm ngày sinh. Bích Khê và Thơ Bích Khê như được chiếu
sáng từ mọi phía của quá khứ và hiện tại bằng sự mẫn cảm tinh tế của các nhà
thơ cũng như sự sâu sắc bất ngờ của các nhà lý luận. Vậy mà, khi gấp lại đời
thơ đoản mệnh ấy, nhìn vào khuôn mặt trẻ trung, đôi mắt thuần túy và tượng
trưng, đôi mắt mà chàng thi sỹ đã dành tới 248 câu thơ trong bài thơ Châu như để
tự nói về mình.
Nhà thơ Bích Khê
Đôi mắt đẹp câm trong sắc tượng biến ra châu nguyên vẹn
cốt thiên đường, vẫn thấy hình như chàng đang muốn nói điều gì. Một điều
đang được chàng giấu kín trong những dòng thơ siêu thực mang hình dáng phương
Tây mà lại phả ra cái phong nhã cổ điển của thi ca phương Đông. Đôi mắt mở to.
Đẹp và thật buồn như thấp thoáng giữa những dòng Thu mê mải mà đa cảm mang tên
gọi Bích Khê. Đành xem lại Tinh Huyết, Tinh Hoa một vài lần nữa
để ngẫm ngợi mà vẫn mơ hồ chưa nhận được ra. Nghĩ vậy. Học theo cách làm Thi
Thoại của người xưa, tôi theo đợt gió mùa đầu tiên trong năm từ Bắc vào Nam mới
khởi sự trước đó hai ngày và dừng lại ở Thu Xà, quê hương Bích Khê để lan tỏa
cái se lạnh muôn năm không hiểu nổi của mùa Thu xứ Bắc. Dường như mùa Thu Hà Nội
với bộ xiêm y mờ ảo sương mù đi qua biển rộng vừa mới lên bờ vào được đến đây.
Cái mảnh đất mà hơn nửa thế kỷ trước Bích Khê đã gọi là làng cũ buồn
thu quạnh, thành phố ngưng mạchấy mà giờ tưởng chừng nó vẫn cũ kỹ như xưa
sau bao nắng mưa và ly tán của cuộc đời này. Có khi còn cũ hơn ngày trước bởi
hôm nay lê thê gió lạnh từ biển thổi vào. Con đường ngắn Thu Xà hai bên những
ngôi nhà gạch cũ thấp nhỏ với dăm bảy hiệu tạp hóa theo kiểu bây giờ, xô lệch
những khung cửa sổ nhỏ vẫn mở nhìn ra đường từ dạo ấy chưa bao giờ khép lại.
Không còn đâu dấu tích của một thương cảng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Thi
sỹ Trần Dần có lần viết: Ôi! những thành phố cố tình vắng vẻ… để khói
hè. Với lịch sử của Thu Xà, khi người Việt đầu tiên đến được đây theo đội
quân của Hồ Hán Thương vào năm 1402 có thể viết được rằng: Ôi! phố thị
cố tình cũ kỹ… để tha hương. Nhà thờ họ Lê Quang ở bên trái gần cuối con đường.
Trong một ngõ nhỏ giữa vườn cây vằng lặng. Đó là một kiểu kiến trúc theo lối cổ
có hàng hiên ở trước. Chính giữa bàn thờ tổ tiên phía trên có bức hoành phi đỏ
viết 4 chữ nho vàng ẩm thủy ân nguyên. Phía sát tường đầu đốc bên
phải đặt bàn thờ có ảnh cha mẹ Bích Khê và chị Ngọc Sương thời còn trẻ. Phía đốc
nhà bên trái là bàn thờ Bích Khê. Trên tường treo ảnh Bích Khê với đôi mắt nghĩ
nhiều nhiều hơn là nhìn quen thuộc. Trên bàn, đằng sau bát hương đặt pho tượng
bán thân bằng đá đen tạc hình Bích Khê trẻ trung thanh lịch. Tôi bảo anh em
dâng lên bàn thờ một lẵng hoa hồng và thắp ba nén hương trầm lầm dầm khấn không
rõ bằng việc chắp nối đôi dòng thơ Tinh Huyết. Khói hương trong nhà
đã lên cao. Ngoài vườn, hoa Huỳnh Anh loài thân gỗ mới trồng còn thấp nhỏ đã kịp
bung ra những quả chuông vàng rực rỡ như một sự tình cờ giữa chiều chợt mưa chợt
nắng. Trong một vài góc nhỏ bụi hoa Oải hương lắc rắc tím với mưa làm như Bích
Khê chưa chịu chú ý đến chúng. Phía bên phải khu vườn, người ta lấy đá xếp
thành chiếc đàn tỳ bà nằm nghiêng từ phía bầu đàn cao khoảng 5 mét thoai thoải
đến phía dưới theo cần đàn mà các phím được xếp bằng những bậc đá đều đặn. Tất
cả làm thành hình quả lê bổ đôi. Ngay dưới bầu đàn tỳ bà là thư viện Bích Khê,
tạo nên cảm giác như nằm ẩn dưới đất. Trước lối vào thư viện, một cây ngô đồng
chắc cũng mới được trồng lá to đến ngọn. Đôi chiếc đã rớm vàng. Chúng tôi nhờ
người cháu họ gọi Bích Khê bằng ông đưa đi viếng mộ.
Đường lên mộ nhà thơ vốn là đường lên hội quán ngày xưa.
Thuở ấy con đường đã được Bích Khê miêu tả siêu thực lắm. Mấy nàng lai
khách vẫn buồn mơ và những chàng trai rõi hững hờ. Ở
đấy nàng lai khách đa tình vẫn mong. Anh có khi nào trở lại để nghe
khóm lan thơm và đêm về trên mái ngói tiếng nhành nhãn muộn cánh rơi bay. Đường
lên hội quán vẫn còn đây với những bụi tre dày chắc để ai đó khỏi tiếc nuối giống
như đã không thấy trúc khi về thôn Vĩ Dạ. Hội quán hoang tàn tự bao giờ đã trở
thành bãi tha ma mặc cho cây dại mọc bơ phờ bao quanh những nấm mồ xây. Xúm xít
đứng dưới mưa. Mưa lã chã rơi không ngớt. Trời tự dưng tối thẫm lại. Mộ Bích
Khê nằm giữa đó. Trước mộ dựng một phiến đá rửa màu hồng hình chữ nhật cao độ gần
một mét. Trên có mái bằng rộng hơn. Kiểu như mũ bình thiên. Ở giữa phiến đá rửa
gắn vào một phiến hoa cương nhỏ hơn viền vàng xung quanh, trên đó có dòng chữ
in màu đỏ: Nơi yên nghỉ thi sỹ Bích Khê – Lê Quang Lương 24.3.1916 –
17.1.1946. Phía dưới là 4 câu thơ bằng chữ thường màu xanh. Nguyên văn
như sau.
Thân bệnh: Ngô vàng mưa là rụng
Bút thần sống lạnh ánh sao rơi.
Sau nghìn năm nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.
Tôi đốt một nắm hương cháy đỏ trong mưa cắm lên trước mộ.
Vừa đi khỏi độ chừng 300 bước, thì trời bỗng nhiên lại rạng. Lộ ra một khoảng
xanh mờ trên những tán lá cây còn chưa hết ngờ ngàng để mặc cho những giọt nước
của dĩ vãng còn lại rơi xuống đất. Nghe như thi sỹ Bích Khê vừa mới gảy khúc tỳ
bà mùa Thu từ thế kỷ trước làm nên tiếng thơ mới lạ trong phong trào Thơ Mới
1930-1945. Tiếng đàn khổ đau trong mê sảng và trần trụi kiếp người, phổ trong bản
nhạc của tượng trưng và siêu thực bằng tinh huyết của thi sỹ tài danh vang lên
nghẹn ngào mà thanh thoát tiếng vàng của thượng đế và trần thế không lẫn với bất
kỳ ai trên thi đàn Việt Nam hiện đại.
Người đời đã dành nhiều danh hiệu cao quý tưởng như không
thể gì nói hơn được nữa. Nhất là những lời nhận xét ấy lại của những nhà thơ
tài danh cùng thời với Bích Khê. Hàn Mặc Tử gọi Bích Khê là thi sỹ thần
linh. Chế Lan Viên bảo Bích Khê là một đỉnh núi lạ. Mặc dù thi
sỹ họ Chế đánh giá Bích Khê cao hơn Nguyễn Nhược Pháp vì Pháp kể một câu chuyện
có thể có, còn Khê tạo ra một điều khó có thể có. Khi so sánh với Hàn Mặc Tử
thì bảo. Khê làm thơ mà không bị thơ làm như Hàn Mặc Tử. Câu này Chế Lan
Viên có ý chê nhiều hơn khen. Tôi chờ đợi ở nhà thơ lớn nhất thế kỷ 20 không phải
sự tỉnh táo rạch ròi của một nhà lý luận mà nhẽ ra phải mê đi nhiều hơn nữa của
một thi sỹ khi viết về người bạn cùng thời đại với mình. Mặc dù… mặc dù… Chế
Lan Viên viết giới thiệu Hàn Mặc Tử hồi cuối năm 1987 và viết về Bích Khê vào
tháng 2 năm 1988 đã quá ư thận trọng khi đề cập đến hơi hướng thời cuộc của hai
người bạn thơ, khiến ta không khỏi chạnh lòng. Họ Chế viết: Một bài thơ
của Khê lấy tên Duy Tân. Có dính dáng gì không đến ông vua yêu nước trùng tên. Đọc
lại Duy Tân thấy hai câu kết Bích Khê viết: Thơ lõa thể!
Giai nhân tuần trăng mật, Nữ thần ơi! ta nô lệ bên người thì thấy vua
Duy Tân không gợi lại điều gì ở đây. Có lẽ Chế Lan Viên viết điều này cũng là việc
cực chẳng đã và muốn làm tốt hơn cho bạn của mình. Bởi vì, những năm 1980, có
người nhân việc dịch ra tiếng Việt một số nội dung tác phẩm của André Gide mà
Bích Khê còn chưa xuất bản, đã mang cái tên ít người Việt Nam biết đến ở tận
bên Ngalatư phiên âm gọi là Tờrốtkít gán vào cho thi sỹ Bích Khê. Nếu quả như vậy
mà người ta đọc Tóm tắt những bài giảng về lịch sử triết học của
F.Heghenra tiếng Nga cho dễ hiểu trong Bút kí triết học thì Lê
Nin cũng có thể bị quy là Hêghengit cũng nên. Cả thế kỷ 20, người Việt Nam thao
thức đi tìm triết lý sống cho mình và phải trả giá không biết bao nhiêu để đến
được ngày nay?
Từ thế kỷ trước đến thế kỷ này, người đời vẫn mải miết đi
tìm những bí mật chàng thi sỹ bé nhỏ ở đất Thu Xà đã cất giấu vẻn vẹn trong 2 tập
thơ mà trên con đường ấy người ta vẫn còn có điểm chưa phải đã gặp được nhau.
Có ý kiến có thể vì quá yêu Bích Khê và mong muốn chỉ ra
rõ ràng những cung bậc phát triển đã đặt vị trí của Thơ Bích Khê ở giai
đoạn thứ hai của phong trào Thơ Mới 1930-1945 hoặc Bích Khê cũng như Chế Lan
Viên, Hàn Mặc Tử đã đi xa hơn Thơ Mới. Hoặc trong Thơ Mới chưa
có Bích Khê. Dù theo ý nghĩa gì, nói ra điều này có cần thiết hay chăng?
Từ gần một thế kỷ nay, hầu như tất cả các nguồn dư luận đều
khẳng định phong trào Thơ Mới là sản phẩm của cuộc gặp gỡ giữa văn hóa Phương
Đông và Phương Tây, trên một nền tảng xã hội với sự hình thành đông đảo tầng lớp
thị dân khắp trong Nam ngoài Bắc là bạn đọc chia sẻ hào hứng và cổ vũ nhiệt
thành cho Thơ Mới. Các nhà thơ Bàn thành tứ hữu – Trường thơ Loạn nằm trong sự
gặp gỡ Đông Tây đó. Họ sinh thành trong khuôn viên Thơ Mới. Trường thơ Loạn thực
chất là trường phái siêu thực bắt nguồn từ chủ nghĩa tượng trưng mà cốt lõi của
nó đặt phi lý tính lên trên lý tính, trạng thái tâm hồn trong tiềm thức,
không phân biệt ranh giới giữa thực và mộng; Đồng thời tiếp thu tinh hoa của
thi ca Phương Đông. Đặc biệt là thơ Đường. Hoài Thanh khi làm quyển Thi Nhân Việt
Nam 1941 thật có lí khi ông xếp liền một dải Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên - Bích
Khê, mặc dù Bích Khê không phải là một trong Bàn thành tứ hữu. Với Quách Tấn và
Yến Lan hai người còn lại, Hoài Thanh xếp họ ở khu vực khác. Vì vậy, khi Bích
Khê xuất hiện bằng một Tinh Huyết đã không phải là người đến
sau. Mặc dù có ảnh hưởng và được Hàn Mặc Tử khích lệ. Quách Tấn hồi những năm
1960-1967 khi viết cuốn Đời Bích Khê(Xuất bản ở Sài Gòn năm 1971)
đã để tâm so sánh ba thi sỹ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê là những người
cùng hàng. Bích Khê đã góp vào một khuôn mặt tiêu biểu cho Trường thơ Loạn khi
Quách Tấn đã phân tích quá viên mãn ý thơ Sọ người của ba tác
giả. Hơn nữa, nhìn vào thời điểm xuất hiện các tập thơ. 1935 Mấy vần
thơ - Thế Lữ. 1936 Gái quê - Hàn Mặc Tử. 1937 Điêu
tàn - Chế Lan Viên. 1938 Thơ Thơ - Xuân Diệu.
1939Tinh Huyết - Bích Khê. Tiếng Thu - Lưu Trọng
Lư. 1940 Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính. Lửa thiêng -
Huy Cận. 1941 Mùa cổ điển - Quách Tấn… thì Bích Khê nằm ở giai
đoạn 2 chăng? Phong trào Thơ Mới chỉ trong khoảng 10 năm đã sinh thành và lớn
lên vượt bậc, không hề đứt đoạn, đã như một cuộc cách mạng lớn nhất của thi ca
thế kỷ 20 với một chủ thể trữ tình khao khát tự do cá nhân, nỗi cô đơn và khắc
khoải của tình yêu đôi lứa cùng sự hoài niệm đau thương về những bến bờ xưa của
kiếp người với thiên nhiên kỳ ảo mà nét chủ đạo là mùa thu tuyệt bích buồn.
Bích Khê xứng đáng như là một gương mặt tiêu biểu của phong trào ấy, một trong
những người tiên phong của cuộc cách mạng thi ca lớn nhất thời hiện đại. Vì vậy
Bích Khê không thể đứng ngoài cuộc cách mạng ấy. Nhóm Dạ đài vào
hồi 1945-1946 ảnh hưởng Trường thơ Loạn có lẽ ở bình diện khuynh hướng sáng tác
hơn là giai đoạn phát triển thi ca của Bích Khê.
Về nhận định cho rằng Tinh Hoa từ bỏ thể nghiệm Âu hóa để
trở về khai thác các đặc tính thi ca Đông phương; điểm này có hơi khác với Hàn
Mặc Tử khi viết lời giới thiệu Tinh Huyết-1939. Bích Khê hoàn toàn là
Baudelaire – tưởng đã đi đến tận cùng của vườn hoa nghệ thuật, nhưng chàng còn
mở rộng biên giới để thấy chàng là một thi sỹ Đông phương, lời thơ của chàng
nhuốm đầy màu sắc của các thi gia đời Đường… Như thế sự kết hợp Đông
Tây đã rộn ràng trong Tinh Huyết. Tập di cảo mang tên Tinh
Hoa được gia đình Bích Khê trao cho Quách Tấn từ hồi 1960-1967 và chỉ
được giới thiệu một số bài. Chưa bao giờ nó được in ra. Theo Chế Lan Viên, bản
thảo Tinh Hoa mà chị Ngọc Sương giao cho Sở văn hóa Nghĩa Bình
hồi những năm 1980 thấy còn thiếu đôi đoạn, đôi câu. Mãi đến năm 1997, tức là
sau 51 năm Bích Khê mất mới được in lần đầu. Nhìn vào Tinh Hoa in
đầy đủ năm 2016 thấy rõ ràng số lượng bài thơ làm theo thể Đường luật thất ngôn
bát cú, thất ngôn tứ tuyệt và cả 5 bài lục bát truyền thống: Ngón giai
nhân. Hai tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn. Mỹ tửu ca. Huế đa tình. Băng tuyết. Nhưng
tiếc thay, các bài thơ làm theo thể thơ cũ nhìn chung không để lại ấn tượng gì
đặc biệt trong cách tân và đổi mới thi ca cũng như không có bài thơ nào nằm
trong thơ hay của tập. Cái hồn cốt Bích Khê trong Tinh Huyết đã
phai nhạt khá nhiều. Năm 1967, Quách Tấn cho là Tinh Hoa rất
có giá trị, giá trị cao hơn Tinh Huyết một bậc. Điều khẳng định
ấy của Quách Tấn là một sự tâm giao. Bởi Mùa cổ điển của ông gồm
59 bài thơ theo thể thơ Đường luật. Như một tuyên ngôn. Quách Tấn lẳng lặng
dành tình yêu trong sáng của mình cho những giá trị Á Đông. Mặc cho sự kịch liệt
của tranh luận Thơ Mới - Thơ Cũ thời đó. Có lẽ Quách Tấn đã tìm thấy sự đồng điệu
của mình với Bích Khê khi Tinh Hoa có nhiều bài theo thể Thơ
Đường.
Bích Khê là bích khê nhất phải ở trong Tinh Huyết.
Tập thơ được ông cho xuất bản năm ông còn sống. Tinh Huyết có
nhiều bài thơ hay. Nhạc. Mộng Cầm Ca. Tỳ bà. Tân hôn. Thi vị. Hiện
hình. Nghê thường. Tranh lõa thể. Bàn chân. Nàng bước tới và có thể Châu
- ở nhiều đoạn trong phần 3. Tinh Hoa có khoảng 5
bài. Duy Tân. Xuân tượng trưng. Tiếng đàn mưa. Làng em. Nấm mộ. Trong
đó 2 bài được Hoài Thanh chọn vào Thi Nhân Việt Namthể theo yêu cầu
của Bích Khê trong 2 bức thư ngày 7/1/1941 và 25/10/1941 gửi Hoài Thanh. Nếu 2
bài thơTiếng đàn Mưa và Làng em là minh chứng cho
thành tựu trở về thi ca phương Đông thì thật khiêm tốn biết chừng nào. Đáng lưu
ý là khi bắt đầu khời nghiệp thi ca Bích Khê đã làm thơ Đường luật hàng trăm
bài. Tinh Huyết rõ ràng là tập thơ xác định vị trí Bích Khê trên thi đàn Việt
Nam trong những năm 30-40 của thế kỷ trước. Không đợi đến khi Tinh Hoa ra
đời. Theo như Quách Tấn, đã có người chê thơ cũ của Khê không hồn,
và khen thơ mới của Khê chung chiếu cùng Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên thật cân xứng.
Ngoại trừ, chàng Bích Khê Đăng lâm trong Tinh Hoa để thêm một
lần xuất hiện cái nắng nhấp nhô siêu thực mà cổ điển trên bầu trời ven biển miền
Trung Việt Nam. Mục tử năm ba tiều thổi điệu. Nằng vàng cao thấp, núi
rung rinh.
Chế Lan Viên đã quá tỉnh táo hay chăng khi không nương nhẹ
chỉ ra thẳng thừng những gì là của Tây phương. Quả măng cụt của Khê, ta
biết rằng đấy là quả lựu của Valéry. Valéry hóa thân. Con quạ trên mộ Khê là
con quạ của Edgar Poe, của thơ Mallarme bay đến. Da thịt rồi xác thịt, rồi xác
chết trong anh, nguyên là Baudelaire. Điều này không có gì là mới khi
chính Bích Khê đã nói từ 1939. Baudelaire! Người là vua thi sỹ. Sự
giao thoa của các nền văn hóa khó tránh khỏi việc để lại những vết khấc. Cũng
như việc chuyển sang dùng lại nhiều thể thơ cũ Đường luật và lục bát chưa đủ chứng
minh cho tiềm năng sáng tạo của việc tìm về văn hóa Á Đông. Điều kỳ lạ trong 3
nhà thơ nổi tiếng nhất của Trường thơ Loạn có những bài thơ hay nhất, lại không
phải, hoàn toàn không phải do siêu thực và tượng trưng thuần túy đã được điển
hình. Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chínvà Đây thôn Vĩ Dạ. Chế
Lan Viên với Trên đường về, Xuân, Chiến tượng… để lại những
câu tuyệt bút cho đời. Ở đó, người ta rung lên không phải vì đâu là Tây phương,
đâu là Đông phương. Đó là những câu thơ tươi sáng như lọc ra từ ánh sáng trời,
từ cây cỏ tự nhiên mang màu sắc thời gian. Bích Khê cũng thế. Chàng tự nhận là
Phượng Sồ không bằng Phượng Long Hàn Mặc Tử. Những câu thơ tuyệt bích mà dung dị
lạ thường. Nó là của Bích Khê.Bài hát đầu tiên của chàng về Mộng cầm ca là
hát về hương lúa. Siêu thực mà bình dị như thấy được bên bờ của khúc tâm tình.Đây
bát ngát và thơm như sữa lúa. Nhựa đương lên. Sức mạnh của lòng thương.
Cảnh đẹp đêm thu ta thường gặp trăng trên mọi nẻo đường
gió bụi mà lại là trăng của tối tân hôn. Ô lạ! làm sao thương nhớ quá.
Đêm nay trăng ngủ ở bên đường. Để từ đó cái sự khóc trong tối tân hôn
của người thục nữ thật trong trắng, đẹp lạ lùng chẳng biết thực hay mơ. Và
đêm nay khóc cho nên mới, lộ một sông trăng chảy lệ vàng. Trăng trên nẻo
đường đời đến đây đã trở thành trăng siêu thực mất rồi mà ta chẳng có hay? Vẻ đẹp
của giai nhân hiện dưới bóng hằng nga; vẻ đẹp sang trọng mang màu sắc cung đình
mà tinh tế, mà đầy huyễn hoặc.Áo xiêm ăn đứt màu trăng sáng. Gió nép mình
nghe tiếng chạm vàng. Vẻ đẹp của Tinh Huyết được Bích
Khê mê hoặc thường trong sự giao hòa giữa ảo và thực, giữa hiện sinh và thần
linh. Bích Khê miêu tả vẻ đẹp khi người tình bước tới tất cả như vô hình dồn lại
ngây ngất vị phong trần. Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc. Cả thời
gian dồn lại ở bàn tay. Ai giam lỏng một vì sao giữa mắt. Quả nhân duyên mũi mẫm
vị phong trần. Vẻ đẹp của người thiếu nữ với Bích Khê là sự tinh khiết
vô cùng được ghép lại bằng thơ và nhạc, bằng trăng và gió của thể giới tự
nhiên. Gió đi chới với trong khung trắng. Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca.
Tôi ráp lại xem ồ sự lạ. Một người thiếu nữ hiện trong trăng. Đôi khi
vẻ đẹp của con người được Bích Khê miêu tả chỉ bằng giai điệu của nhạc, dùng
cái siêu hình để hiện ra cái hữu hình. Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng
thu. Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ. Và châu và báu và sinh khí. Nức nở tan
thành vạn giọt thơ.
Trong phong trào Thơ Mới 30-45, chưa ai dám công khai
thành lời như Bích Khê tôn vinh vẻ đẹp của cái dâm, cái cuồng và đằng sau những
từ chát chúa ấy, chàng thi sỹ ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống con người. Vấn đề ở
đây không phải là ở một, hai câu thơ có sạn mà là ở quan điểm thẩm mỹ hướng tới.
Văn chương bình dân cũng như bác học từ xưa đến nay chưa bao giờ ngoảnh mặt với
tình dục. Bởi vì đó là mặt cơ bản của đời sống và sinh tồn loài người. Một nền
văn học mà chối bỏ tình dục thì đâu còn chủ nghĩa nhân văn. Nó không phải hạ thấp
hoặc xỉ nhục con người mà là ngợi ca con người tự do với đầy đủ ý nghĩa của từ
đó. Trong vấn đề này, dường như Hàn Mặc Tử nhân tình thế thái và ít khắt khe
hơn Chế Lan Viên. Hàn Mặc Tử viết. Ở Sọ người, cũng như ở Tranh lõa thể
sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của
trăng, của tuyết. Quả nhiên là một sự thanh tao đến ngọt lịm cả người, cả
thơ. Tôi không hiểu có mối liên hệ gì về nối ám ảnh của những ngọn
tháp gầy mòn vì mong đợi suốt dải đất miền Trung mà ở bên trong thờ phụng vẻ đẹp
trần tục của đàn ông, đàn bà đã đổ bóng siêu hình xuống thơ của Hàn Mặc Tử, Chế
Lan Viên và đặc biệt của Bích Khê để ba chàng thi sỹ đã hình thành một trường
phái thơ về vẻ đẹp tình dục của con người. Đó là cái hằng sống của con người.
Và hình như nó chưa một lần lặp lại trong thi ca thế kỷ 20.
Thi sỹ Trần Dần trong Vở bụi viết hai
năm liền hồi 1983-1984 chỉ được bốn trang theo kiểu nhật kí thơ ở câu thứ năm
có viết. Ai đem giấu vàng trong gió thu. Duy nhất chỉ có một
câu hỏi như thốt lên rồi bỗng dừng ngay lại. Không trả lời. Không giải thích. Mấy
năm nay tôi lặn lội trong thi sử và thế giới thi ca để mong tìm câu trả lời mà
chưa bao giờ thấy trọn vẹn. Nhất là mỗi khi mùa thu từ xa lắm chẳng biết ở đâu
mà sáng ra đã thấy về ngay trước hiên nhà. Có lẽ trên thế gian này chỉ có một
loài duy nhất làm được điều đó? Vâng – Thi sỹ là người giấu vàng trong gió thu.
Từ ngàn đời nay họ đã thay mặt loài người, mang tinh huyết của trần thế, của
thượng đế, một thứ vàng quý nhất, tinh túy nhất của cuộc sống tinh thần phổ vào
cây đàn muôn điệu thi ca giấu trong gió thu để thời gian không bao giờ quên
lãng sự trong sáng đến vô cùng của tình yêu giữa con người với con người, vẻ đẹp
vĩnh cửu của tâm hồn con người luôn hướng tới chân thiện mỹ dù có phải trải qua
bao nhiêu thử thách, đau đớn, cô đơn, mất mát, buồn vui không hẹn trước để như
lời hẹn ước muôn năm bỗng chốc hiện về sắc vàng không phải ảm đạm mà sáng bừng
hi vọng và thăm thẳm tình đời mỗi khi gió thu thổi vàng sông núi.
Nhìn vào đôi mắt Bích Khê, phải chăng điều chàng muốn nói
với hậu thế không phải là Lời tuyệt mệnh mà một điều gì thiêng
liêng gửi lại cho đời? Dường như chàng đã hỏi câu hỏi mà Trần Dần sau gần thế kỷ
mới hỏi lại và Bích Khê đã tự mình trả lời cho khách đa tình mùa thu vô hạn thường
mỗi khi trở về dưới biếc chập chờn hương rằng chàng đã gửi vàng trong gió thu
qua tiếng tiêu vàng?Mùa thu ám ảnh nhà thi sỹ. Muốn thỏi tiêu vàng giữa khói
sương.
Sắc vàng là bản vị của thơ Bích Khê. Tinh Huyết có
33 bài có tới 17 bài ngân lên những cung bậc của sắc vàng. Tinh Hoa ít
nhất cũng có 8 bài nói về điều đó. Đó là sắc của hồn thu đi lạc. Trăng
gây vàng, vàng gây lên sắc trắng. Của hồn thu đi lạc ở trong mơ.
Đó là một trong năm lần cùng Hồ Xuân Hương ngực để trần một
đêm lên cung trăng vấn nguyệt. Trăng mùa thu sáng như ngọc xây vàng trên cành
lá. Ô trời hôm nay sao mà xanh. Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành.
Đó là vàng lay một trời thanh khí mười phương đa tình,
ngây ngất trong hương thơm của nhạc, của màu.Hồn bay! hồn bay! hồn bay!Ngửa
nghiêng tắm mát vàng lay, nhạc hường.
Đó là muôn vẻ màu vàng trải khắp các dòng thơ Bích Khê. Sắc
vàng giấu trong gió thu bây giờ hiện ra như tiếng vàng của thượng đế. Đẹp mải
muốt trong sự già nua trần trụi của thế thái nhân tình.Tiếng vàng tiếng ngọc
xào xạc chen ra. Đêm rót lệ, trăng ôm niềm tóc bạc.
Bài thơ Thi Vị là tuyên ngôn của Bích
Khê về bản vị vàng giấu trong gió thu hiện lên bởi lá vàng, trăng vàng, hoa
vàng, sao vàng, đêm vàng… Tất cả đều rời xa vì tất cả đều rơi theo giọng đàn
rung, nghẹn, rụng rồi câm tiếng và bẻ phím cho sự mất mát, chia ly không bao giờ
gặp lại của một cuộc tình. Nhưng đặc sắc hơn cả và là sự trả lời đầy đủ hơn cả
về việc thi sỹ giấu vàng trong gió thu để tình yêu con người bất tử trong màu
vàng muôn thuở cô đơn của mùa thu không giới hạn phải kể đến Tỳ bà.
Bài thơ này có lẽ xứng đáng hơn cả để Hoài Thanh lựa chọn vào Thi Nhân
Việt Nam. Nhưng chắc là Hoài Thanh đặt lên trên hết mong muốn của Bích Khê
muốn giới thiệu 2 bài không nằm trong tập Tinh Huyết đã
in. Tỳ bà được người ta nói đến nhiều ở nhạc điệu kỳ lạ của nó
trong 4 khổ thơ 16 dòng đều là thanh bằng. Nó đã được phổ nhạc và đến thế kỷ 21
người ta vẫn thường hay hát.Tỳ bà bày tỏ tình yêu của Bích Khê với
người tình xưa đã quên lời thề để chàng phải đi tìm lại trong du dương tiếng nhạc
ở lầu cung thương, ở chốn Đào nguyên trong mộng tưởng và trong lòng người qua
khúc Tỳ bà mùa thu được dạo lên bởi nhịp tương tư, để nói với nàng rằng thi sỹ
chẳng bao giờ thôi yêu nàng. Màu vàng của mùa thu ẩn trong hao gầy của những
bông hoa trên đoạn đường cả trong mơ và trong thực nơi người xưa không trở lại.
Chàng thi sỹ cứ đi tìm, đi mãi qua cả 4 mùa, từ mùa xuân khi buồn còn lưu trên cây
đào hơi xuân rồi buồn lang thang qua cây tùng đến chốn ở của đông quân. Chàng
đi tiếp nhưng chẳng bao giờ gặp lại người tình xưa nữa. Chỉ gặp mùa thu buồn
mênh mông giữa vàng rơi, vàng rơi không bao giờ dừng lại chỉ vương một chút buồn
trên cây ngô đồng thuần túy và tượng trưng của thi ca phương Đông.
Ô! hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
Hoài Thanh gọi đây là những câu thơ hay bậc nhất của Việt
Nam. Dường như ta chỉ gặp cái bơ vơ ấy của người thi sỹ có một lần trong cô đơn
mùa thu như vậy và chàng đã đem thứ vàng quý nhất ấy của đời mình giấu trong
gió thu để câu thơ nói về nó trở nên bất tử. Một lần thôi. Không bao giờ tìm lại
nữa. Lặp lại nữa. Nhiều cái thuộc về Bích Khê mai này có thể tàn tạ như những
giọt nước cuối cùng của dĩ vãng đã tự nguyện rơi vào buổi chiều hôm ấy ở Thu Xà
ngay bên mộ Bích Khê. Nhưng thứ vàng giấu trong gió thu ở hai câu thơ này sẽ
không bao giờ mất.
Rời Thu Xà tôi bay ngược ngọn gió mùa thu mong manh để trở
về. Trên chuyến bay ấy, giữa đông đảo những người khách trẻ tuổi rối rít nào những
ba lô, máy tính bảng và điện thoại thông minh, tôi như kẻ già nua cô đơn và lạc
lòng vì có ai trong số họ đi tìm vàng không có lượng gửi trong gió thu? Có phải
thi sỹ bây giờ đang tự mình rút lui vào ngõ nhỏ, phố nhỏ như một Thu Xà giữa
các đô thị khang trang. Nhường mặt tiền phố lớn cho doanh nhân sáng láng và
thành đạt. Họ có rất nhiều vàng. Không phải trừu tượng mà có cân. Có lượng.
Nhưng gió thu không có chỗ để giấu loại vàng ấy. Thi ca là vàng gửi được trong
gió thu, giấu những điều thầm kín nhất của loài người để những giá trị nhân văn
bất tử.
KHUẤT BÌNH NGUYÊN
Nguồn Văn nghệ số 47/2018
Nguồn Văn nghệ số 47/2018