Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Lê Văn Thảo - Nhà văn mang trái tim và tâm hồn người lính cách mạng

Có thể nói, một trong những địa danh mà anh chúng tôi gắn bó là vùng đất Đồng Tháp Mười, quê hương cha chúng tôi, bên sông Vàm Cỏ Tây. Với anh, Đồng Tháp Mười là kho tàng vô tận về những kỷ niệm, dấu ấn không quên…
Nhà văn Lê Văn Thảo với gia đình người em Lê Văn Duy

Trên mặt trận văn nghệ

Thuở nhỏ anh vào chiến khu Đồng Tháp Mười học trường kháng chiến. Năm 1950, mẹ chúng tôi về Long Xuyên, anh theo học tại Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau đó, anh lên Sài Gòn học Trường Đại học Khoa học, khoa Toán Lý và ở giai đoạn này anh bắt đầu biểu lộ năng khiếu sáng tác văn thơ của mình.

Năm 1962, anh thoát ly tham gia kháng chiến ngay tại Lò Gò, chiến khu Tây Ninh theo lời nhắn của ba chúng tôi là ông Dương Văn Diêu, cán bộ miền Bắc tập kết trở về. Lúc đó ba chúng tôi là trưởng tiểu ban giáo dục miền Nam, anh Thảo là cán bộ giáo dục. Sau đó anh chuyển sang công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng, viết văn tại B2 thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Năm 1964, mẹ đưa các em chúng tôi cùng vào chiến khu, tất cả gia đình đều công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Đây là khoảng thời gian anh chúng tôi tham gia nhiều chiến dịch lớn ở Đông Nam bộ cùng các sư đoàn chủ lực như Sư đoàn 9, Sư đoàn 7, Sư đoàn 5 và đã có những tác phẩm văn học nổi tiếng mang hơi thở của chiến trường Nam bộ. Một trong các tác phẩm đó là truyện Ông cá hô. Câu chuyện này bắt nguồn ngay tại khúc sông Hậu cạnh nhà anh em chúng tôi. Chuyện chính là về mối tình của một nông dân chân chất với một cô gái. Nhưng thật ra đây cũng là mối tình của chính bản thân anh với sông nước, với quê hương, làng xóm và nói rộng ra là mối tình với đất nước.

Có thể nói, một trong những địa danh mà anh chúng tôi gắn bó là vùng đất Đồng Tháp Mười, quê hương cha chúng tôi, bên sông Vàm Cỏ Tây. Với anh, Đồng Tháp Mười là kho tàng vô tận về những kỷ niệm, dấu ấn không quên. Một trong những tiểu thuyết đầu tay của anh chính là viết về Đồng Tháp Mười và đó cũng là tác phẩm anh yêu thích nhất, tiểu thuyết Một ngày và một đời (giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM và giải thưởng Văn học Việt Nam). Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Hoài Anh ghi nhận về tiểu thuyết Một ngày và một đời như sau: “Có thể nói cuốn Một ngày và một đời của nhà văn Lê Văn Thảo viết về cuộc nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có nhiều cái mới. Tác giả viết theo trình tự thời gian. Câu chuyện xảy ra được nhìn lại từ ngày hôm nay để đánh giá lại một câu chuyện quá khứ. Hiện lên hình ảnh người đàn ông ích kỷ - viên chỉ huy bạc nhược đối lập với hình ảnh một phụ nữ anh dũng tuyệt vời, hy sinh tất cả trong đời sống cũng như trong đời tư. Mỗi đoạn chuyện được kể bằng từng ngôn ngữ riêng, giọng điệu riêng, thông qua tính cách của từng người, tâm lý từng người”.
Họp mặt giới thiệu sách Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp,
do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức ngày 21.3.2017

Người anh, người bạn của văn chương TPHCM

Anh chúng tôi đã nhiều lần được mời sang Mỹ dự các hội thảo văn học của cựu chiến binh chiến trường Việt Nam. Đối tượng là nhà văn cựu binh Việt Nam và nhà văn cựu binh Mỹ. Cả hai bên đều từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Theo các nhà văn Mỹ thì đỉnh điểm cuộc chiến là chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong đoàn nhà văn cựu binh Mỹ có một nhà văn chuyên sưu tầm về chiến dịch Mậu Thân. Anh ấy đã tìm anh chúng tôi để trao đổi thông tin, tài liệu. Sau chuyến thăm, anh chúng tôi càng hiểu rõ hơn sự lớn lao của chiến dịch này.

Một trong những bạn văn, đồng hương, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học như anh chúng tôi là nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nhận xét: “Cho đến bây giờ Lê Văn Thảo là nhà văn có nhiều vốn sống đầy ắp. Vốn sống về chiến tranh. Tác phẩm Một ngày và một đời là viết về chiến tranh từ trong thời bình. Tất cả những tác phẩm văn học của chúng tôi đều thoát khỏi cơ chế thị trường. Nhưng chúng tôi vẫn đi trên con đường văn học viết về chiến tranh. Từ nay cho đến cuối đời chúng tôi vẫn sẽ viết về một cuốn sách tâm đắc nhất về chiến tranh đã qua”.

Ghi nhận ấy của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được anh chúng tôi thực hiện từ lâu với tác phẩm như tiểu thuyết Cơn giông, Sóng nước Vàm Nao… và ngay cả trong những ngày anh chúng tôi bắt đầu mang triệu chứng căn bệnh nan y tiềm ẩn.

Anh chúng tôi luôn sống mẫu mực, khiêm tốn, không bon chen ham mê danh vọng, giàu sang và phú quý mà chỉ chuyên tâm phụ trách tờ báo Văn nghệ Giải phóng và Tuần báo Văn nghệ TPHCM. Anh chúng tôi thích làm công tác hội vì nặng lòng thương mến anh chị em bạn bè đồng nghiệp. Có thể nói, anh chúng tôi có rất đông bạn bè trong cả nước yêu thương và đông đảo độc giả quý mến. Thuở sinh thời, anh chúng tôi đi đến đâu cũng được bạn bè những nơi đó đón tiếp chu đáo và nồng nhiệt.

Từ lúc ba má chúng tôi qua đời thì anh nhận vai trò là con trai trưởng chăm lo, yêu thương các em và con cháu trong gia đình. Trong khoảng thời gian cuối đời, giữa những cơn đau thắt ngặt, anh chúng tôi vẫn vui vẻ kể lại những giai thoại đời văn và những hồi ức khao khát viết về những ký ức một thời chiến đấu chưa xa với bạn bè đồng nghiệp và anh em chúng tôi mà không một chút bi quan.

Anh chúng tôi là một người dũng cảm mang trái tim và tâm hồn người lính cách mạng. Anh chúng tôi đã mang nụ cười về nơi chín suối.

 LÊ VĂN DUY
Theo NVTPHCM



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...