Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Nhà thơ Kiên Giang: Hoa trắng thôi cài trên áo tím


Nhà văn Sơn Nam tinh tế khi viết: "Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi".
Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà

Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà là người làm thơ tình chân quê Nam bộ hiếm hoi còn sót lại ở thiên niên kỷ thứ ba này. Đọc thơ ông là thấy cả tuổi thơ ấu ở miệt vườn, gánh hát cúng đình, ngọn khói đốt đồng, nghe văng vẳng tiếng xe trâu lốc cốc… Có lần ngồi quán cóc ông buột miệng đọc bốn câu ca dao:

    Lồng đèn treo cột đáy
    Nước xoáy lồng đèn xoay
    Dĩa nghiêng múc nước sao đầy
    Lòng thương người nghĩa ba má rầy cũng thương

Tôi reo lên: "Hay quá! Sao không thấy in trong sách?". Ông cười, nói nhỏ: "Bà già tao đọc, ngâm nga ru ngủ hồi nhỏ, riết rồi nhập tâm".
   
Nhà thơ Kiên Giang sinh ngày 17.2.1929, tên thật là Trương Khương Trinh tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cùng quê với nhà văn Sơn Nam. "Vốn liếng về từ ngữ người Kiên Giang rất ít, hàng ngày sống lân la với người Hoa bán tạp hoá và người Khmer làm ruộng. Ở đây có thể nói tiếng Việt không phát triển, lại thêm "tiếng lóng" mà người địa phương khác khó chấp nhận. Vốn duy nhất là ca dao được mẹ dạy cho, từ thuở ấu thơ. Vốn quan trọng hơn vẫn là cái tâm, lòng yêu nước, muốn giới thiệu tâm hồn người dân nghèo xóm mình với cả nước, cùng chia sẻ buồn vui (Sơn Nam- Cùng bạn đọc- lời tựa tập Hoa trắng thôi cài trên áo tím, NXB Văn Học 1995).
   
Ông từng tự bạch: "Năm 1943 tôi học trường tư Lê Bá Cang (Sài Gòn). Ăn cơm tháng, ở nhà trọ trên một ốc đảo đường Hàn Sanh (nay là Bạch Đằng) gần chùa Long Vân. Khi thức đêm học bài, tôi thấy và nghe hình tượng nhạc xe bò. Đêm nào đoàn xe bò ấy cũng lăn bánh ngang cửa thảo trang. Một thứ nhạc khô khan và thắm thiết, triền miên mà nức nở ngân vang từ những móng sắt vành xe. Tôi thao thức vì ghiền nghe nhạc xe bò, cố tìm những nét sống đẹp để tô điểm thành thơ. Hình ảnh một chiếc võng giăng dưới dạ xe chở phân rác, bốn móng bò mòn lẵn,  chiếc roi tơi tả, ngọn đèn chong leo lét nhất là mái tóc phong trần luôn rối tung chính là những nét sống - trong một nếp sống nghèo mà đẹp - của người mẹ đánh xe bò. Tất cả là thơ và nhạc. Tôi đã ôm ghì được vú sữa của nguồn hứng cảm nhưng chắc hẳn chỉ ghi lại được một vài góc cạnh mà thôi. 14 năm sau, kể từ năm 1943, khi trở lại xóm chùa Long Vân, tôi không tìm được nhà trọ năm nào. Nhà tường mọc lên, người cũ đi mất, chết hoặc bị xua đuổi. Năm 1993, xóm chùa, xóm Hàng Sanh đã bị xoá mất. Người cũ mất hết. Chiếc xe bò chỉ còn trong ký ức.

   Tình tang! Lốc cốc! Tang tình!
   Nhạc vang hòa khúc viễn trình đắng cay

                              (Nhạc xe bò)
  
Bùi Giáng trong quyển Đi vào cõi thơ - NXB Ca Dao 10.1969 viết: "Lành mạnh, thanh cao, vị tha và ái quốc”, ông Thiếu Sơn nói không sai một tấc một ly nào cả, khi giới thiệu thơ Kiên Giang.
  
Ông Kiên Giang tuyệt nhiên "không cầu kỳ, không giả tạo" mà đạt tới chỗ sâu thẳm nhất trong linh hồn mọi người, một cách thuần nhiên.
  
… Quê hương thơ ấu của Kiên Giang sẽ nằm trong nước Việt như Kinh thư nằm trong nước Tàu. Một quê hương bình dị thiết tha và hình như chúng ta đang đánh mất. Chỉ kêu gọi về trong những trận chiêm bao".
  
Thơ Kiên Giang có nhiều câu phổ biến rộng rãi như:

-  Ong bầu đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn

-  Ngày mai đám cưới người ta
    Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn

-  Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Và trong bài thơ Tiền và lá ông đề: "Kính tặng thi sĩ Nguyễn Bính để nhớ ngày tá túc ở xóm biển Kiên Giang", có lúc bị nhầm là thơ Nguyễn Bính. Bài thơ có những câu phảng phất tâm hồn chân quê cảm động: "Bây giờ những buổi chiều êm/Tôi gom lá đốt, khói lên tận trời/ Người mua đã bị mua rồi/ Chợ đời họp một mình tôi… vui gì!".
   
Kiên Giang còn là soạn giả cải lương lừng danh cùng thời Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều- Hoa Phượng, Quy Sắc… với nghệ danh Hà Huy Hà (Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới…). Ngoài ra ông là ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn trước 1975 như Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tin Sáng…, tham gia phong trào ký giả ăn mày ngày 10.10.1974. Chính vở tuồng đầu tay của ông là Người vợ không bao giờ cưới đã tạo bệ phóng cho nghệ sĩ Thanh Nga đoạt Giải Thanh Tâm, lên hàng ngôi sao trong giới cải lương. Ông lang thang rày đây mai đó, vẫn với bộ vó giang hồ, vai mang túi xách, đầu đội chiếc nón trắng ngã mầu, cả đời lận đận với nghiệp thơ. Sống cuộc sống vất vả, lúc về hưu lui tới thường xuyên Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM ở số 133 đường Cô Bắc, mở lớp dạy đờn ca tài tử miễn phí  cho học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, thật đúng là hình ảnh kẻ sĩ hiếm hoi trong thời buổi kinh tế thị trường.
   
Nhắc đến thơ Kiên Giang nhiều người nhớ ngay đến bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài trên áo tím. Chị Hà Khánh Phương (chị bà con liệt sĩ Mai Thị Non- anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh Long An) cho biết chị còn giữ bài thơ nầy in dưới dạng tờ bướm từ lúc 17 tuổi đến nay trên 40 năm.
   
Nhạc sĩ Huỳnh Anh (con trai danh cầm Sáu Tửng) phổ nhạc, nhiều thế hệ ca sĩ hát bài này như Thanh Thuý, Hoành Oanh, Giao Linh, Trường Thanh và Hồ Điệp ngâm nhiều lần trong chương trình tiếng thơ Mây Tần do Kiên Giang phụ trách trên đài phát thanh Sài Gòn. Kiên Giang cho biết: "Đây là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944 tôi ở Cần Thơ học trường tư thục Nam Hưng, dốt toán nhưng giỏi luận chuyên làm bài giùm cho bạn cùng lớp, trong đó có NH. -cô bạn dễ thương thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc. Có những buổi tan học lẽo đẽo đi theo sau NH.  đến tận nhà cô ở xóm nhà thờ. Cách mạng nổ ra, không có tiền đi đò về quê, NH. biết ý gửi cho, rồi đi kháng chiến, gặp người quen trong đội quân nhạc nhắn 'Con Tám NH. vẫn chờ mày'. Năm 1955 tôi ghé ngang Cần Thơ, xin phép má của NH. tâm tình suốt đêm bên ánh đèn dầu huê kỳ. Sau đó tôi nghe tin NH. lấy chồng có con đầu lòng đặt tên là tên ghép lại của tôi và NH. vì thế chồng cô biết rất ghen tức. Chính vì lý do nầy tôi đổi bốn câu kết bài thơ này, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng. Kết trước là: "Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu/ Từ nay tóc rũ khăn sô/ Em cài hoa tím trên mồ người xưa" thành cái kết: "Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có Chúa ở trên cao/ Trong lòng con giữ hoa màu trắng/ Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!"… Năm 1999, Hãng phim TFS Đài Truyền hình TP.HCM có làm phim Chiếc giỏ đời người về sự nghiệp hoạt động văn nghệ của tôi, khi trở về Cần Thơ quay lại cảnh trường cũ, mới hay tin là NH. mất năm 1998. Tôi mua bó huệ trắng, ra thăm mộ NH. ở nghĩa trang Cái Su. Đúng là:

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình chung gởi xuống mồ".
  
Nguyễn Văn Thức trong bài viết Vài nhận định về thơ và các nhà thơ ở  Thành phố Hồ Chí Minh có đoạn nhận xét về Kiên Giang"Một nhà thơ chỉ còn giao lưu với câu lạc bộ thơ quận là chính, Hoa trắng thôi cài trên áo tím nay chỉ còn là kỷ niệm. Đôi khi tôi thấy nhà thơ buồn như sương giá, lạnh quanh đời". Tôi nghĩ một nhà thơ tuổi gần bát thập, dời chỗ ở hơn chục lần, đấu tranh vì độc lập đất nước, làm thơ, soạn tuồng cải lương, viết báo tận tuỵ cống hiến cho đời, để lại nhiều câu thơ hay là một thành công về văn học, là một tâm gương sáng trong cuộc sống hôm nay. Nhà văn Sơn Nam tinh tế khi viết: "Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi".

 TRẦN HỮU DŨNG
Nguồn: NVTPHCM 

Thơ KIÊN GIANG

Hoa trắng thôi cài trên áo tím

I.

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xoá không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! Chuông nhà trường

II.

Lần kia anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi

III.

Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
- Hoa trắng thôi cài lên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang, cách mấy sông
Anh vẫn yêu em người áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

IV.

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thẫm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím tình thơ đã nhạt màu

V.

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình chung gởi xuống mồ

VI.

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa thánh đường

"Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Trong lòng còn giữ màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !"
                                              
Bến Tre, 14.11.1958


ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...