Trong cuốn Hồi ký Phạm Cao Củng xuất bản gần đây, bên cạnh
kể chuyện đời, chuyện tình, chuyện viết văn, viết báo, nhà văn dành một phần
khá lớn để kể về cơ duyên đến với môn thôi miên của mình.
Nhà văn Phạm Cao Củng
Sách Hồi ký Phạm Cao Củng tiết lộ chuyện
đời một nhà văn trinh thám kỳ tài. Cha đẻ của thám tử Kỳ Phát - Phạm Cao Củng
(1913-2012) sinh tại Nam Định, nhưng quê gốc ở Hải Dương. Đang học trường Kỹ nghệ thực hành tại Hải Phòng,
ông bỏ ra làm báo, viết truyện trinh thám, kiếm hiệp, mạo hiểm kỳ tình... cho
nhà xuất bản Mai Lĩnh. Ông là người
đã sinh ra thám tử Kỳ Phát, nhân vật có phần nổi tiếng hơn chàng thám tử kiêm phóng viên Lê Phong của Thế
Lữ.
Trong cuốn Nhà
văn hiện đại, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: "Nhân vật
và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người
Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những
mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai
Pháp...".
Trong hồi ký của mình, Phạm Cao Củng kể lại quá trình ông
làm từ báo Tin Mới, Loa, Phong Hóa, Ngày
nay, Học sinh, Công tội, Ngôn luận... và cả đoạn đời viết văn khi ông di cư
sang Mỹ sau năm 1975.
Qua cuốn sách, độc giả mới biết rằng sau Cách mạng tháng
Tám, Sở Công an Bắc Việt đã mời Phạm Cao Củng vào làm việc nhờ danh tiếng về...
viết truyện trinh thám cũng như có
khả năng thôi miên. Ông đã phục vụ trong ngành công an tư pháp của chính quyền non trẻ trong vai trò
nhân viên hỏi cung các tội phạm hình sự, cũng như trực tiếp tham gia phá một số vụ án. Ông cũng là người đứng lớp huấn luyện
trinh sát đầu tiên mang tên Ký Con, ở môn hỏi cung can phạm.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông tham gia hoạt động
tình báo, phản gián trong "những công tác chấn động nội thành Hà Nội",
như điều điệp viên đưa mệnh lệnh vào
cho cán bộ nằm vùng thi hành, hoặc vận chuyển bom, mìn nổ chậm.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Phạm
Cao Củng sơ tán về làm quản lý đồn điền Chi Nê. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, ông đã để đồng
bào dân tộc vào canh tác trong đồn điền rồi bị vu cho là cố tình "phá hoại
đồn điền", bị giữ tại trại cải huấn của công an tỉnh Hà Nam suốt 6 tháng,
may nhờ Tổng Giám đốc công an Việt Nam Lê Giản đi công tác qua biết chuyện, can
thiệp thả ra.
Trong phần hồi ký về thời gian ở trại cải huấn, Phạm Cao
Củng kể những câu chuyện về khả năng thôi miên của ông rất ly kỳ, hấp dẫn.
Theo Phạm Cao Củng, ông luyện được môn thôi miên hoàn
toàn qua tự học.
Ông kể, hè năm 1931, sau khi xem một người em họ biểu diễn,
ông đã thích học môn này. Được biết người em họ có cuốn L'hypnotisme à la
portée de tous (Thuật thôi miên nằm trong tầm tay của tất cả mọi người), ông đã học theo. Nhờ sách viết
giản dị, ông đã dần dần tập được về nhãn lực, nhân điện, dẫn dụ.
Chỉ sau một tuần, Phạm Cao Củng đã có thể thôi miên được
người đầy tớ trai. Sau đó, dù bị bố mẹ cấm đoán, ông vẫn mua thêm sách để luyện
thêm.
Có lần, cháu ông Mai Lĩnh là Đỗ Tất Lợi (sau là dược sĩ nổi tiếng) thôi miên cho bạn rồi
không đánh thức thọ cảm (thuật ngữ chỉ người được đưa ra làm thí nghiệm) được,
phải đi tìm ông lên giải cứu cho khỏi bị... "khê đồng".
Khi bị giữ trong trại cải huấn, trước mặt ông Quản đốc trại
và ba công an viên phòng Căn cước, ông đã biểu diễn thôi miên anh dân quân đưa
súng cho mình, khiến mọi người đều hết
sức kinh ngạc. Nhờ đó, ông được viên Quản đốc tôn làm... sư phụ, cung phụng hết
sức, để ông dạy thôi miên cho, và để biểu diễn trong ngày lễ Hai Bà Trưng.
Tuy biết viên
Quản đốc là người xấu, Phạm Cao Củng vẫn truyền cho ông ta một số trò
Huyền hoặc Giác quan đơn giản để biểu diễn trong dịp lễ, như bỏ viên gạch vào
tay thọ cảm bảo rằng đó là cục than hồng, khiến thọ cảm hoảng hốt ném đi và
xuýt xoa như người bị bỏng nặng; chỉ
tay lên không trung bảo rằng có đàn ong bay tới, khiến thọ cảm ôm đầu bỏ chạy;
làm cho người thọ cảm cứng như sắt, để gác đầu và chân lên hai mặt ghế cách xa
nhau, rồi cho một người ngồi lên trên mà thân mình thọ cảm vẫn cứng đơ
không nhúc nhích, khiến khán giả vỗ tay không ngớt.
Đến tiết mục quan trọng nhất, viên Quản đốc đã thôi miên
thành công một quan chức xã, khiến ông này đang vui vẻ, tỉnh táo, chỉ cần vỗ
tay ba tiếng thì ông ta bỗng ngủ say và giơ hai tay lên đầu nhảy lò cò trước sân khấu hai vòng, rồi tỉnh lại mà không biết chuyện gì vừa xảy
ra.
Nhà văn tiết lộ: "Lúc mời viên quan chức xã lên sân
khấu, tôi đã đặt một tay sau gáy ông ta mà kéo mạnh. Không ai biết được đây là
thủ thuật của nhà thôi miên dùng nhân điện và nhãn lực giá ngự làm mê thọ cảm
trong khoảnh khắc. Khi tôi dắt ông ta lại trước mặt viên Quản đốc thì ông ấy đã hoàn toàn chìm vào trong giấc ngủ
nhân tạo, cặp mắt lờ đờ, toàn thân bủn rủn".
Theo ông, với phương pháp hậu dẫn dụ này, kẻ bất lương có thể sai khiến thọ cảm làm các việc
xấu. Còn những người đã
lên tới bậc cao học thôi miên thì đều biết tự chế, không bao giờ dám làm những
việc xằng bậy.
Còn với người
như viên Quản đốc, ông khẳng định "tôi đâu dám chỉ dẫn cho hắn học thành
tài, để rồi nhờ quyền lực của thôi miên, hắn làm những việc tàn ác".
Năm 1954, Phạm
Cao Củng vào miền Nam sinh sống. Năm 1975, ông đang thăm con ở Mỹ nên kẹt lại.
Sau này, ông có một số lần về thăm quê hương. Là người sống vui vẻ, lạc quan,
ông sống thọ đến 100 tuổi.
LÊ TIÊN LONG
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: