Nhà văn Sơn Nam
Lật lại sổ tay, tìm vài tư liệu viết cho TTC Xuân
2015, tôi chợt nhớ lại những ngày tháng đã từng “thọ giáo” Sơn Nam. Qua đó, đã có không ít lần nghe ông kể chuyện
hài hước, vui nhộn.
Ngày xưa, thời khẩn hoang ở Cà Mau tính tình người dân
đôn hậu, chất phác lắm. Bà con sống nghĩa tình, “sớm hôm tắt lửa có nhau”. Anh
nông dân nọ đào được mớ khoai lang, đặt trước xuồng rồi chèo dọc dòng kênh tặng
bạn bè chòm xóm. Nghe tiếng gọi í ới, ông tía bảo cô con gái chừng 15, 16 tuổi
xách rổ xuống bến lấy vài củ khoai về nấu ăn chơi. Do anh chàng chèo xuồng mặc
quần cụt, ống rộng, ngồi co chân nên cô gái thấy hai “quả trứng” đu đưa tòng
teng. Cô thiệt thà bảo: “Tưởng gì, chứ củ đó ở nhà ở nhà… tía cháu, anh cháu
cũng có rồi”. Anh chàng nọ giật mình, duỗi chân ra rồi chỉ phía trước: “Cháu à,
lấy mấy củ ở trước xuồng kìa”. Cô chọn vài củ, nói cám ơn: “À, mấy củ này thì
được, chắc là ngon”.
Trong Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam có đôi
lần viết về chuyện đánh cọp thời khai hoang lập ấp. Đọc lên du dương, nghe sướng
tai lắm. Nhưng mẩu chuyện này mới là “phong cách” bác Ba Phi. Ông kể: Có anh
chàng nọ mới rạng ngày đã đi ra ruộng. Trên đường lờ mờ sáng, chợt thấy con cọp
ngồi chống tó phía trước, chỉ cách một sải tay, anh ta sợ khiếp vía đến nổi
không nhắc chân lên nổi. Phen này “ngủm củ tỏi” là cái chắc. Anh ta bèn lấy hết
thần lực lột cái khăn bị trên đầu rồi chắp hai tay, quỳ xuống mà xá lấy xá để.
Dè đâu, con cọp “hộc” lên một tiếng vang động, co chân… chạy tuốt vào rừng! “Cọp
đánh nhau với người nhiều trận nên nó cũng hiểu các thế võ, nhưng gặp cái thế
“chắp tay quỳ lạy”, nó ngỡ độc chiêu bí hiểm nên co chân chạy bén gót là phải
thôi!”. Nói xong, ông cười khà khà.
Chưa hết, còn chuyện này nữa. Ngày kia, ông Trùm Pho cùng
vài người bạn dắt chó vào rừng, đi săn. Xế chiều, họ săn được con mển. Bụng
đang đói bèn làm thịt nhậu chơi. Sẵn có gói muối ớt đem theo, họ đặt ra để ngay
trên cát. Thịt nướng đến đâu, chấm muối ớt ăn tới đó, lại “khà” thêm hớp rượu
thì “hết sẩy con bà Bảy”. Cả bọn ăn gần hết con mển là đà say mềm, ngủ đẫy luôn
một giấc. Đến lúc tỉnh dậy, xem lại thì muối ớt vẫn còn nguyên, bên cạnh đó,
cát bị khoét xuống một lỗ to bằng… cái thúng! Té ra, vì say quá nên cả bọn chấm
thịt mển xuống cát mà ngỡ đang chấm muối!
Lại nữa, ở Nam bộ nổi tiếng với bưởi Năm roi, ông kể, ban
đầu ông Thái Văn Chanh đem một giống bưởi Biên Hòa về trồng tại Cần Thơ. Nhờ
phù sa sông Hậu màu mỡ nên cây tươi tốt cho trái to, ngon ngọt khác thường. Nhiều
người đến mua, xin chiết nhánh về trồng, ông Chanh nói đùa: “Tôi dư tiền xài,
không bán, hễ ai chịu nằm xuống cho tôi đánh đủ năm roi thì tặng lập tức”. Từ
phát ngôn đó, loại bưởi này “chết tên” Năm Roi. “Ơ hay giải thích như thế có
đúng không?”. Gặng hỏi thêm, ông già Sơn Nam chỉ cười cười.
Hồi kỷ niệm Sài Gòn - TP.HCM 300 năm, “bố già” Sơn Nam được
mời cố vấn cho đoàn làm phim của HTV đi ra tận Quảng Bình, viếng mộ Nguyễn Hữu
Cảnh. “Chuyến đi này, có gì thú vị không?”. Nghe tôi hỏi, ông bảo đã kể hết
trong cuốn Ấn tượng 300 năm (NXB Trẻ) rồi. “Vậy còn gì mà “bố”
chưa kể?”. Ngẫm nghĩ một lát, ông nheo nheo như mọi lần: “Thời gian đó, đoàn có
dừng ở Quảng Nam, tôi gặp, trò chuyện nhiều lần với ông bạn “Quảng Nam học”
Nguyễn Văn Xuân. Ông Xuân có dẫn đi nghe bài chòi”.
Thông tin này, thú vị quá, tôi sẵn trớn hỏi luôn: “Vậy “bố”
khoái câu nào trong bài chòi?”. Tưởng ông phải moi trí nhớ, nào ngờ, ông đọc
luôn: “Cái này hay à nghen: “Năng cường năng nhược/ Năng khuất năng
sanh/ Nó thiệt cục gân/ Ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu”. Đó là
con “nọc đượng” trong bài chòi Quảng Nam. Ở miền Trung, có món
ăn dân dã ở vùng quê là món xu xoa, không ngờ nó cũng xuất hiện trong “con
Bạch Huê” của bài chòi:“Xu xoa chị bán mấy đồng/ Chị ngồi chị để
cái mồng chị ra/ Con gà hắn tưởng hột khổ qua/ Hắn mổ cái đốp chị la quớ trời”.
Bà con mình có cách nói hài hước, tiếu lâm quá, miêu tả cụ thể, sinh động nhưng
khô thô tục”.
Với nhà “Nam bộ học” Sơn Nam những lúc “đi thực tế” như
thế, ông đều ngẫm nghĩ, và phát hiện gì đó mà không phải ai cũng biết. Sau lúc
đọc mấy câu bài chòi đặc trưng ở Quảng Nam, ông nói nghiêm túc: “Nói thơ Vân
Tiên, theo tôi, rõ ràng là điệu “hô bài chòi” ở miền Trung, du nhập vào Nam bộ,
có cải cách một vài chi tiết”. Ý kiến này có thể gợi mở cho một đề tài nghiên cứu
đấy chứ? Sơn Nam là vậy. Đi đến đâu ông cũng có những phát hiện độc đáo. Viết lại
mấy mẩu chuyện nhỏ này, tôi sực nhớ đến câu ca dao mà ông thường đọc:
Dạo chơi, quán cũng là nhà
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao
Ấy cũng là phong cách sống của “ông già Nam bộ” Sơn Nam vậy.
LÊ MINH QUỐC
BÁO TUỔI TRẺ CƯỜI -
XUÂN 2015