Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Trong thế giới nguỵ trang của Phùng Hiệu

Đọc Trong thế giới ngụy trang”, tự nhiên tôi nhớ đến một đoạn trong “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzsche - nhà triết học Đức: “Hỡi con người! Các người đã đeo quá nhiều mặt nạ và quen đến nỗi cứ tưởng đấy là mặt thật của mình.”
Nhà thơ Phùng Hiệu

Trong một lần trò chuyện, nhà thơ Trần Ninh Hồ có nhắc đến một quan niệm về thơ của cổ nhân. Ông nói rằng, suy cho đến cùng, thơ rất cần có “tình”, có “cảnh” và có “sự”. Trong đó, “tình” để xuất phát, “cảnh” để diễn đạt, diễn giải và “sự” để gửi gắm, đúc kết.

Lẽ thường khi triển khai một tứ thơ, có thể ai cũng có “tình”, có “cảnh”, nhưng có “sự” hay không thì lại là một việc hoàn toàn khác.

Tuy cùng “tức cảnh sinh tình” trước hiện tượng lá rơi (hoặc lá rụng), nhưng Trần Đăng Khoa thấy khác, cảm khác và Hoàng Cầm lại thấy khác, cảm khác.

Đây là hai câu lục bát của Trần Đăng Khoa:
Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
    
Còn đây là hai câu lục bát của Hoàng Cầm:
Lá đa lác đác trước thềm
Vài ba vệt máu loang chiều mùa đông.
    
Nếu hai câu thơ trước thiên về sự tài hoa và nếu để thi tả cái lá nào rơi nhẹ nhất, thì phần thắng thuộc về Trần Đăng Khoa. Còn hai câu thơ sau, cùng một lúc đụng đến được đến mấy cái chết và có màu sắc tâm trạng rõ rệt. Nói cho đến cùng,  rõ ràng hai câu thơ sau, có “sự” hẳn hoi.
    
Từ lâu, tôi đã quan tâm đến “sự” trong thơ. Và tôi chán những câu thơ đèm đẹp, chỉnh chu, trơn chuội. Rồi chán hơn nữa khi thơ chỉ đơn thuần là trò chơi hình thức của những cá nhân đơn lẻ, rời rạc. Một khi đã rút lui vào hình thức thì cũng chính là lúc nhà thơ bắt đầu bất lực với chính mình.

Với một xuất phát như thế, tôi đã đọc “Trong thế giới ngụy trang” của Phùng Hiệu do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành quý 2 năm 2014.
Buổi ra mắt Trong thế giới ngụy trang của Phùng Hiệu 
ngày 15.8.2014 tại Hội Nhà văn TP.HCM

Ở ngay bài đầu tiên (“Sinh nhật bài thơ”), Phùng Hiệu đã bắt đầu từ “Nơi góc tường hành khất”, tự nhận mình là “Một gã khờ ngọng nghịu ngôn từ/ Bỏ mặc phía sau cuộc đời manh áo” để cập nhật với “Cánh gió hoàng ùa về/ Những áng mây dối lừa ngày bão/ Cây cổ thụ ngoài vườn bật gốc/ Đàn chim thiên di cõi mộng”. Rồi từ đó mà “Nơi góc hồn/ Một bài thơ…”
    
Một phác thảo ban đầu về Phùng Hiệu – người thơ và thơ, như thế là đã quá đầy đủ.
    
Đến “Số phận”, ta bắt gặp một Phùng Hiệu luôn biết chấp nhận tất cả và chấp nhận cũng có nghĩa là phải vượt lên: “Sự sống vẫn bừng lên mái đầu ngụp lặn” và “Giữa thế giới phồn vinh, xa hoa, phí phạm/ Thế giới đói nghèo, chiến tranh khủng bố/ Thế giới có nguy cơ diệt hủy loài người/ Ở đây, em vẫn lớn lên…”
   
Đến “Tưởng thức”, ý tưởng của “Trong thế giới ngụy trang” được lộ dần ra: “Bởi những đó kỵ, tranh giành, tham ô, đốp chát/ Được ngụy trang và quy hoạch đàng hoàng”. Còn đau gì hơn khi những cái xấu lại được ngụy trang và quy hoạch đàng hoàng? Còn buồn gì hơn khi “Nơi có những bức tường được trang trí màu đen/ Thời gian không ngã giá” (“Cạm bẫy em”).
   
Đến “Sự lãng mạn và cái ác”, Phùng Hiệu đã tìm được sự cứu rỗi cho riêng mình. Có một khoảng “vượt thoát” đã đến với anh – đó chính là đôi cánh lãng mạn. Anh đã hướng vào mình để viết: “Sự lãng mạn không mang đến nguy hại cho con người/ Đôi khi lại làm nên tên tuổi”. Đặt trong điều kiện mà sự lãng mạn ngày đang ít dần đi, mới thấy hết giá trị của hai câu thơ này.
    
Không phải là không có lúc Phùng Hiệu không hoang mang và đặt ra câu hỏi: “Anh vẫn biết ngày mai là vô tận/ được em rồi/ mất nữa hay không?” (“Mặc định”). Nhưng bản tính của thi sĩ là con người lãng mạn nên anh vẫn say, vẫn mê, vẫn nhớ trong tình thế hướng về một thuở:

Tình quê đeo lệch một vai
Mở trang kí ức ngắm ngày chiêm bao
Chạm tay vào thuở khát khao
Chợt nghe kỷ niệm hôm nào thoảng qua…
                       (“Mảnh trăng quê”)
   
Rồi những câu thơ yêu vẫn đến với Phùng Hiệu thật tự nhiên và đắm đuối:

Rưng rức ngập bờ mưa
Ướt khung trời mộng mị
Đêm – lạc loài góc phố
Mơ một vòng tay yêu”
          “Xin lỗi em”)

Và:

Đã mấy đông rồi – buổi tiễn đưa
Sương giăng lạc mất phía ngày xưa
Đêm nay lạnh lẽo vì sao lẻ
Phố vắng không em trận gió lùa
           (“Phố vắng không em”).
   
Tôi thích những “khuôn viên định mức” trong “Bình Lộc nguyên xanh”, “tư duy ngoại lệ” trong “Phát sinh”, “thanh trừng ngôn ngữ” trong “Lạc mấy dòng tin”… Đó là những từ ngữ khó dùng mà vẫn có đất sống trong thơ Phùng Hiệu.
   
Nhìn chung, thơ Phùng Hiệu mang nhiều chỉ dấu của cảnh tỉnh, cảnh báo và hiệu ứng tức thì. Thơ ấy là thơ của một người xông xáo, chịu va chạm và có nhiều băn khoăn, tâm sự, có dấu ấn rõ rệt của đời sống hôm nay.
   
Đọc “Trong thế giới ngụy trang”, tự nhiên tôi nhớ đến một đoạn trong “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzsche – nhà triết học Đức: “Hỡi con người! Các người đã đeo quá nhiều mặt nạ và quen đến nỗi cứ tưởng đấy là mặt thật của mình.”

ĐẶNG HUY GIANG
Theo NVTPHCM




BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...