Tiểu Quyên, Minh Đan chúc mừng Ngô Thuý Nga và
Trần Võ Thành Văn
Cách đây gần một năm, vào Ngày Thơ Việt Nam xuân 2015,
các nhà thơ trẻ tại TPHCM đã tổ chức bán đấu giá tập thơ độc bản khổ lớn được
22 triệu đồng. Từ số tiền này, Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM đã thành lập
Quỹ Văn trẻ, tự nguyện vận động quyên góp thêm để hỗ trợ xuất bản tác phẩm mới
cho các bạn viết trẻ gặp khó khăn. Cuối năm 2015, nhờ sự tài trợ của Quỹ Văn trẻ,
hai tập thơ đầu tay của hai cây bút trẻ đã được trình làng: Nốt lặng của
Ngô Thuý Nga, Quen và lạ của Trần Võ Thành Văn, đều do Nhà xuất
bản Hội Nhà văn ấn hành.
Mỗi tập thơ được hỗ trợ 8 triệu đồng, tác giả bỏ thêm khoảng
hơn 2 triệu đồng nữa thì đủ chi phí để in tập sách gần 100 trang, với số lượng
500 bản. Ngô Thuý Nga và Trần Võ Thành Văn là hai cây bút trẻ đầu tiên nhận sự
tài trợ của Quỹ Văn trẻ. Hoạt động thiết thực này thể hiện sự năng động, sáng tạo,
tình nghĩa và phóng khoáng của người Sài Gòn, mà ở đây là giữa các bạn viết trẻ
với nhau khi mới bước vào con đường văn chương còn lắm chông gai phía trước.
Trần Võ Thành Văn quê ở Bình Định, hiện là sinh viên Trường
đại học Sư phạm TPHCM. Thừa hưởng khí văn của vùng “đất võ trời văn”, anh sớm đến
với thi ca và đam mê sáng tác, thơ đăng tải thường xuyên trên nhiều diễn đàn thời
gian gần đây. Tập thơ Quen và lạcủa Trần Võ Thành Văn gồm 40 bài,
không phải là những bài lẻ tập hợp rời rạc máy móc như nhiều tập thơ khác, mà kết
cấu có chủ ý của tác giả với một không gian thơ liên kết, một chuỗi quan sát
suy nghiệm của người trẻ trước thiên nhiên và con người, đặc biệt là trước những
diễn tiến của thành phố mà anh đang sống và học tập: “thành phố nơi tôi ở/ mặt
trời mọc từ đáy sông/ thế kỷ luồng lân tinh ẩn thư hạt bụi vô vi/ Sài Gòn kiêu
hãnh như bài thơ hiện thực sắp chào đời” (Lòng sông mặt trời).
Bìa tập thơ Quen và lạ của Trần
Võ Thành Văn
Trong tâm thức nhà thơ trẻ Trần Võ Thành Văn, mỗi sớm thức
dậy “bình minh như một giấc mơ” với bao điều kỳ diệu phía trước cần khám phá.
Và vì đắm chìm giấc mơ trong trẻo ấy mà đôi khi thi sĩ mộng mị chợt thảng thốt:
“nếu sáng mai mặt trời quên thức giấc/ em có buồn và giận dỗi gì không?”
(Ấy mà yêu). Hồn nhiên sống, yêu thương và hoà đồng với thế giới xung quanh
nhưng anh cũng biết cách “tách mình” trong bầu trời riêng để trái tim cất tiếng
nói, cảm xúc sáng tạo thăng hoa: “tách mình ra khỏi đám đông ồn ã/ tay cầm
chặt nắm tuổi thơ/ tôi tung lên bầu trời đêm tĩnh lặng/ và ngắm những vì sao
chuyển động lạ lùng” (Bàn tay mẹ). Tập thơ đầu tay Quen và lạ của
Trần Võ Thành Văn thực sự là cơn gió mới đầy ngạc nhiên, dự báo đường bay nhiều
hy vọng về một gương mặt thơ tự tin, giàu nội lực trong tương lai.
Nếu như Trần Võ Thành Văn hoàn toàn mới lạ thì Ngô Thuý
Nga là gương mặt trẻ được phát hiện tại Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần
thứ 3 năm 2011, lúc cô đang là sinh viên Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học
Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ngoài Ngô Thuý Nga thì tại cuộc hội ngộ văn
trẻ ấy còn xuất hiện nhiều cây bút triển vọng khác như Trương Anh Quốc, Nguyễn
Phong Việt, Trần Minh Hợp, Tiểu Quyên, Bùi Tuyết Nhung, Phùng Hiệu, Trần Huy
Minh Phương, Hoa Nip, Võ Thu Hương, La Thị Ánh Hường, Lê Thuỳ Vân, Phạm Phương
Lan, Phương Huyền, Hoàng Hiền, Hoàng My, Nguyễn Vân,… bổ sung vào lực lượng viết
trẻ mạnh mẽ của TPHCM 5 năm qua. Khởi đầu bằng văn xuôi, ra mắt tập truyện ngắn Nước
mưa của chàng câm năm 2014, càng về sau Ngô Thuý Nga càng sáng tác nhiều
thơ mà kết quả là tập Nốt lặng gồm 39 bài được trình làng.
Bìa tập thơ Nốt lặng của Ngô Thuý
Nga
Sinh trưởng ở vùng quê nghèo khó Nghi Xuân, Hà Tĩnh tự
thân lặn lội tận phương Nam bươn chải ăn học, Ngô Thuý Nga đến với văn chương
như một cứu cánh đối với cô gái sống thiên về nội tâm, kiệm lời: “Những vân
chữ của kẻ ăn mưa và bóng đêm/ Của kẻ thinh lặng nhiều hơn lên tiếng/ Thích lắng
nghe cuộc đời nằm nghiêng/ Thích lắng nghe chính mình rơi nghiêng/ Như chiếc lá
cuối mùa/ Như con nắng đi hoang giật mình thoát cơn mộng tưởng” (Bài thơ cuối
cùng). Thơ cũng giúp cô giải toả nỗi lòng trước cuộc sống và tình yêu nhiều bất
trắc: “Ta nhìn nhau như sợ chẳng còn nữa mai sau/ Vui mà chẳng dám cười/ Buồn
mà không thể khóc/ Dòng sông trở mình nặng nhọc/ Soi lại nụ hôn vội vàng của
đôi lứa bên bờ cỏ dại ven đường” (Quạnh quẽ ôm đời mình).
Sau một thời gian lao vào viết truyện ngắn và tiểu thuyết,
có lẽ Ngô Thuý Nga “giật mình thoát cơn mộng tưởng” tự phát hiện thơ mới chính
là tiếng nói đích thực âm vang cõi lòng mình. Tuy nhiều bài còn dàn trải, chưa
cô đọng, nhưng thơ Ngô Thuý Nga có hồn cốt riêng, dòng chảy riêng của cảm xúc,
với ngôn ngữ mới mẻ mềm mại có sức quyến rũ từ hấp lực nội tại của mỗi tứ thơ.
“Chân trời mấy ngàn mây/ Hờ hững cuộn mình ôm núi/ Em ôm vai mình/ Cô đơn
như khoảnh khắc hàng dã quỳ tắt nắng” (Dã quỳ không ngủ). Đầy ắp thi ảnh,
tinh tế và nhạy cảm, thơ Ngô Thuý Nga day dứt và chông chênh về nỗi buồn, về
thân phận người con gái: “Em nhặt mưa làm nước mắt/ Ăn cho nghẹn ứ trái tim
chưa bao giờ vẹn nguyên/ Vo tròn tuổi thơ cất giấu trong mỗi câu chuyện/ Sợ ai
đó chạm vào những hớ hênh” (Nhặt mưa làm nước mắt). Từ ý thức được nỗi buồn
không thể tránh khỏi, người thơ đã tìm lại chính mình qua tình yêu thương sinh
thành ẩn khuất chở che: “Trong thanh âm của những nỗi đau rất thật/ Tôi nhìn
thấy chính tôi/ Một chiều về úp mặt khóc trên vai mẹ/ Ném hết vô thường xuống
dòng kênh…” (Trộn thanh âm).
Giữa bộn bề của đời sống khó khăn và phức tạp, không ít
người hỏi rằng thơ có còn cần thiết nữa không. Sự ra đời hai tập thơ của Ngô
Thuý Nga và Trần Võ Thành Văn, cùng tấm lòng của những người viết trẻ với nhau
qua Quỹ Văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM, có thể giúp chúng ta trả lời phần nào
câu hỏi đó.
HÀN PHONG
Theo SGGP 1-2016