Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long
Đó là nói chuyện của chốn đấu trường thể thao. Đấu trường
cuộc đời thì khác, hoàn toàn khác. Một milimét vậy thôi, ta thành kẻ
thất thố, lỡ vận cả đời. Cuộc đời, “một lần, một lần, chỉ một lần thôi, và
không bao giờ nữa”. Thất thố, muốn trở lại sống một cuộc đời bình thường, cũng
không thể.
Chữ tâm cha tặng cho người không tâm…
Chữ vay hóa nợ giam cầm đời cha…
(“Xếp chữ”)
Cuộc đời nhiều hang hố vô thường, ít ai học được chữ ngờ.
Vật đổi sao dời, ta còn có thể suy đoán được để mà tìm cách ứng phó; lòng người
thẳm sâu và biến chuyển liên tục liên tục không biết đâu mà lường, cho nên ta
mãi hụt hẫng, thất thố. Nhất là với thi sĩ, sinh thể luôn phơi trọn con tim giữa
trần đời. Với con tim yêu đương, nó càng thất thố và dễ tổn thương hơn bao giờ.
Một milimét vậy thôi, khi tình yêu thay đổi,
thì con tim lỗi nhịp. Người yêu từng thề non hẹn biển trăm năm gắn
bó, phút chốc trở thành thứ keo sơn hờ. Trái tim nhậy cảm mở toang
vết thương tưởng không gì có thể chữa lành.
Bao nhiêu nước mắt
đã loang
Bao xao xác nắng
làm hoang
dấu chiều
(“Dấu chiều”)
“Xác nắng”, “dấu chiều” với những bước chân cô độc là điều
thi sĩ trải nghiệm và thấu hiểu hơn ai hết. “Đêm Noel/ Ta lang thang với phố”.
Phố, với dòng người xe ngược xuôi như không muốn dứt, đèn đường đủ màu đủ kiểu,
tiếng nói cười và màu áo như trêu ngươi… Ta đi, đếm bước cô độc giữa mênh mông
nhộn nhịp và ồn ào ấy. Không buồn, không vui mà là xa lạ. Không biết đi đâu về
đâu, ta phó mặc cho “gió tháng chạp vuốt hờ mắt lá”, để bất chợt thấy
mình tự “vấp bóng mình trong nốt lặng thánh ca” (“Noel cho mình”).
Tập thơ Một
milimét của Nguyễn Thị Thanh Long
Lang thang và lang thang… rồi rốt cùng ta cũng lại trở về
nhà. Thật không gì chán hơn lúc bước chân vào nhà… Khi:
Những buổi
cún chẳng buồn ăn
mướp không quờ tay rửa mặt
nồi niêu im bằn bặt
bếp không khói mà cay
Những ngày
phong lan chẳng buồn lay
gió biếng vuốt ve hoa nhài mất ngủ
na tròn mở mắt
lộc vừng xõa tóc rối bù…
Vắng anh
khói thuốc cũng ơ hờ lạnh lẽo
trang thơ em nhòe sũng… bình minh
(“Khói”)
Cô đơn, người thơ sợ cả bình minh! Bởi bắt đầu một ngày mới,
thì cảnh cũ, cảm giác cũ lặp lại, người thơ lần nữa phải đối diện với chính
mình, với cái trống rỗng rờn rợn kia. Trốn cô đơn, ta lại một mình ra phố. Ta
muốn thay đổi, ta muốn đổi khác, còn các đổi khác kia cuốn ta tới đâu – không
biết được:
Tựa vai vào vạt nắng chiều
Muốn người hò hẹn
thử liều một phen
(“Tương tư”)
Đó là một ý hướng đáng khích lệ. Thế nhưng, Nguyễn Thị
Thanh Long có thực sự dám liều lĩnh không? Tôi chắc là không. Hoặc ít ra là –
chưa. Bởi một thi sĩ liều lĩnh thực sự là kẻ dám đánh liều trong chính ngôn ngữ
sử dụng. Mà ngôn ngữ thơ của nữ thi sĩ đất Phú Thọ đang sống tại Sài Gòn này vẫn
còn đầy sự lưỡng lự, nếu không nói là dè dặt không đáng.
Những “đầu suối cuối sông”, “phương trời xa lắc”, “giọt lệ
tím chân trời”, “nói những điều rất thật”… thì đã quá nhàm cũ. Thanh Long chưa
thử liều lĩnh phá ngôn từ thơ thì làm sao có thể nói đến phá cách thơ, chưa dám
cách tân thơ thì làm sao có thể làm cuộc chuyển hóa tâm thức, từ đó chuyển hướng
cuộc đời. Bởi nói như L. Wittgenstein: “ngôn ngữ tạo ra thế giới, những giới hạn
ngôn ngữ của tôi nghĩa là những giới hạn của thế giới của tôi”. Nếu ngôn ngữ của
tôi còn để bị buộc ràng, thì làm sao tôi có thể nói đến sự cách tân, giải phóng.
Dẫu sao, với tập thơ đầu tay, khi người thơ đã học biết tựa
vào điều quen thuộc và thân thiết nhất (“tựa vai vào vạt nắng chiều”) để
thử đánh liều thơ mình, đời mình làm một dự phóng xa lạ về tương lai, gần hay
xa, cũng là chuyện đáng mong đợi.
Qua ý hướng đó, người đọc có quyền hi vọng.
INRASARA
Theo VĂN NGHỆ TPHCM SỐ 217 (30.8.2012)