Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Lời của đá - thoát xác thơ Phạm Trung Tín

Tôi dùng chữ “thoát xác” mà không phân vân lắm khi đọc tập thơ thứ ba của Phạm Trung Tín. Bởi vì hai tập thơ trước: Dặm dài ký ức và Miền tâm tưởng anh viết theo lối thơ hoài niệm, nghiêng về tả chân vẫn chưa thực sự tìm được lối đi cho riêng mình. Đó là những kỷ niệm trên suốt chặng đường đời anh đã đi qua, trải qua nhiều thăng trầm, gian khó… cũng là điều cần thiết cho một người yêu thơ và dám dấn thân vào cái nghiệp mà nhiều người ngán ngại, đứt gánh giữa đường.
Nhà thơ Phạm Trung Tín

Đọc tập thơ mới của anh, tác phẩm Lời của đá tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì dường như Phạm Trung Tín đã thoát được giai đoạn thơ hồn nhiên, chân phác của người lính ra đi từ miền quê Hải Phòng đậm màu gió biển và hương lúa đồng bằng… để tiếp cận với thơ hiện đại mang dáng vẻ lịch lãm của người đang hứng khởi nhận đường đúng hơn. Hành trình thơ anh đã rẽ sang một hướng khác tươi mới và xao động hơn với những tìm tòi sáng tạo đáng ghi nhận, một Phạm Trung Tín mới mẻ, trăn trở, tự ý thức làm mới thơ mình.

Thường thì làm thơ, cái khó trước hết là tìm ra ý tưởng độc đáo (cũng có thể cho là tứ thơ) rồi mới đến triển khai bài thơ theo ý định của mình, song song với sử dụng ngôn từ… Ta nhận thấy rất rõ một Phạm Trung Tín đã chú ý đến tư duy nghệ thuật thơ, với đặc trưng rất riêng của thơ là hàm súc, ấn tượng, ám ảnh người đọc.

Tập thơ này không theo một chủ đề riêng nào nhưng sức bay và sức đọng, giữ chân được người đọc, chủ yếu ở hình tượng, hình ảnh thơ và chuyển đổi ngôn ngữ nhiều khi có vẻ phi lý nhưng lại là cái hợp lý của thơ hiện đại. Và như thế thơ của anh đang cố gắng vươn lên ngang với mặt bằng của “thơ đích thực”. Những câu thơ, khổ thơ làm ta dừng lại thích thú:

Nắng chuyển mình răng rắc
Mây gãy vụn
Gió núp vào khô khát
Chân cỏ rung vỏ đất tìm sương

Biển ẩn vào chỗ trũng
Rừng phơi lên ngàn xanh…

Dặm dài bươn chải áo cơm
Thảo thanh thơ hát tứ thơm tặng đời…

Tiếng chim dính trắng hạt mưa
Sợi mềm vai én đan lùa thảm xuân.

Chừng ấy thôi, ta cảm nhận được sự lột xác của người thơ và hình như nội lực của thơ anh đang phát tiết mạnh không ngờ.
Tập thơ Lời của đá - Phạm Trung Tín

Mạch thơ trữ tình của Phạm Trung Tín đã mở rộng ra biển đảo và những vùng miền thân thiết với anh, nhưng sự thánh thiện, nhân văn cũng không bỏ qua những chuyện đời, chuyện tình yêu muôn thuở…

Trong bài Tản mạn Chí Phèo anh có những câu thơ hay và không cũ:

Bát cháo hành Thị Nở
Nêm tình trăng đầm đìa
Cho Chí Phèo bớt dại
Sương đẫm vườn chuối khuya…

Bài Từ em, cũng đã cách tân câu chữ, không cầu kỳ mà lại mới ở cách biểu đạt và vận dụng ngôn từ:

Buồn loang loang kín những buồn
Trắng chan bề mặt đen luồn đáy sâu
Đàn rung dây rắc điệu sầu
Căng chùng mấy mảng huyền nâu trắng vàng…

Gót son khỏa sóng chơi vơi
Ta giờ chìm nổi nỗi đời… vì đâu…

Bước thử nghiệm thơ của Phạm Trung Tín có thể nói là chông gai, vì đang tạng thơ tả chân anh mạnh dạn chuyển sang giọng điệu thơ mới, hiện đại, thay đổi hẳn thi pháp là chuyện không đơn giản. Nó đòi hỏi kiên trì, công phu, nghiêm túc trong nghệ thuật sáng tạo. Tôi hy vọng và tin tưởng anh trên bước đường mới đam mê và gặt hái được những thành công sau những mùa cày ải vất vả trên cánh đồng thơ của mình. Người ta thường bảo văn chương là nghiệp chướng, nhưng thơ còn nghiệp chướng hơn. Nhưng ta tin cái nghiệp chướng thiên phú đó góp ích cho đời đẹp hơn, đáng sống và đáng yêu hơn.

TP.HCM, 11.2015
LAM GIANG
(Lời tựa tập thơ Lời của đá)

Thơ PHẠM TRUNG TÍN

KÝ ỨC THÀNH ĐỒ BÀN

Chiều đông qua Đập Đá
Buồn nghiêng một mảng trời
Núi Cánh Tiên sừng sững
Sông trôi ngang mắt người

Ngót ngàn năm vật đổi
Oai linh thành Đồ Bàn
Nâng ly rượu Bàu Đá
Trầm tư cùng thế gian

Trôi về đâu
Vương quốc Chămpa cổ đại
Tiếng nói
Chữ viết
Phiêu dạt cực Nam
Phong tục
Con người
Trăng, nước, mây xưa vẫn hiện diện
Vắng chứng nhân lịch sử
Một thời
Chế Mân, Chế Bồng Nga bí hiểm
Tháp Chăm xưa
In bóng muôn đời

Gió tự phương Bắc
Sóng gào biển khơi
Lưu dấu những đoàn người
Thời xa lắc
Vó ngựa dồn
Mù mịt bụi thời gian
Châu Ô
Châu Lý
Công chúa Huyền Trân
Đổi đất trao tình
Mở mang bờ cõi
Khai rừng lấn biển
Lửa Đồ Bàn
Lạnh nguội tâm linh

Ta kẻ hậu sinh
Qua miền đất cũ
Rờn rợn chiều
Tiếng ngựa hí, gươm khua
Thương cha ông
Cần lao lam lũ
Trải lắm điêu tàn
Đau một thời
Nam Bắc ly tan.


VỚI HÀN MẠC TỬ

Sương giăng núi
Mây loang đồi
Gió mưa sùi sụt
Trắng trời Quy nhơn
Hàn ơi
Ai khóc
Ai hờn
Trăm năm
Ghềnh Ráng
Nguồn cơn nghẹn ngào.


ĐẦM THỊ NẠI

Mênh mang
Chiều mưa giăng
Thị Nại bát ngát  bến bờ
Vùng nước bao la uốn mình ôm biển

Tâm tưởng lùi xa về dĩ vãng
Thủy quân Tây Sơn hùng cứ một thời
Áo vải cờ đào
Tài thao lược
Các chiến binh quả cảm
Luyện quân rèn tướng
Võ nghệ Bình Định tuyệt vời
Soái thuyền chỉ huy
Nữ tướng Bùi Thị Xuân
Đô đốc Trần Quang Diệu
Am tường địa lý thiên văn
Hiểu rõ con nước lớn ròng
Thông thạo luồng lạch tận rạch Rạch Gầm - Xoài Mút
Dụng thiên binh mưu lược nhà Trần
Khép thế trận thư hùng
Đẩy năm vạn quân Xiêm La tháo chạy
Dẹp xong loạn xâm lăng
Thong dong buồm lướt sóng
Trở lại bến Quy Nhơn

Xuân Kỷ Dậu
Các hải thuyền chuyên chở tượng binh
Thần tốc vượt biển
Hội quân tiêu diệt hai mươi vạn Mãn Thanh
Mùng năm tết, Đống Đa giỗ trận
Áo long bào sạm đen khói súng
Quang Trung oai hùng
Giải phóng Thăng Long

Thị Nại đầm xưa
Đồn trú thủy quân Tây Sơn dũng mãnh
Nay Thành phố biển duyên hải miền Trung
Sáng bừng ánh điện
Thị Nại thơ mộng mênh mang
Cầu nối băng ngang phô muôn sắc huy hoàng
Lửa ấm làng chài, du lịch xanh , bến phố

Bồi hồi thương người nông dân Nguyễn Huệ
Vương bá tan tành
Hồn phách tha hương.


ĐAU NỖI NIỀM CHI
    Kính gởi hương hồn cụ Nguyễn Công Trứ

Cụ ơi, đau nỗi niềm chi
Mà răn hậu thế đừng đi đường đời
“Kiếp sau xin chớ làm người”
Nghe chua xót dạ - ngẫm cười thương tâm

“Đường quan” bao nỗi thăng trầm
Đức nhân xuất chúng, ca cầm tài hoa
Khai hoang, lấn biển, lập toà
Dinh điền duyên hải, thái hoà an dân

Một thời vua chẳng minh quân
Ngụy quân tử lấn lướt chân anh hùng
Hiền lương không đất vẫy vùng
Sĩ phu ngoảnh mặt, dân cùng oán than

Chắc người ngán ngẩm “nghiệp quan”?
Hay đau nhân thế hàm oan cõi đời?
Bất bình nghĩa lạc tình lơi
“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

Tiết hạ chí Bính Thân 2016


THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH
                Tặng ngài Obama

“Rằng trăm năm cũng từ đây”*
Một Tổng thống Mỹ
Một tay lẩy Kiều…

Trao nhau kỷ vật tình yêu
Thúy Kiều - Kim Trọng ước điều nghĩa ân
Tích xa dẫn đẹp chuyện gần
Ý tình thâm diệu “đối nhân - tri thời”

Đến từ vạn dặm trùng khơi
Khách ăn bún chả, chủ mời uống bia
Bình yên gặp gỡ sẻ chia
Mặc cơn sóng dữ biển kia ầm ào

Khép êm quá khứ lao đao
Dù không quên thuở chiến hào máu xương
Nâng tầm đối tác giao thương
Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương… hẹn ngày

Giã từ Hà Nội rồng bay
“Của tin gọi một chút này làm ghi”*
Cái tình cái nghĩa tuơng tri
Có nhân duyên, có nghĩa nghì - thì nên.

_________
* Các câu Kiều ngài Obama trích dẫn trong các diễn văn
khi sang thăm Việt Nam cuối tháng 5.2016

_____________________________________

Nhà thơ Phạm Trung Tín sinh ngày 12 tháng 12 năm 1956 ở xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Tốt nghiệp Cử nhân triết học và Cử nhân kinh tế. Hiện thường trú 340/2/21 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, TP. HCM và 19/15 đường Vĩnh Phú 02, khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Sau khi học hết cấp III ở quê hương Hải Phòng, Phạm Trung Tín đã gia nhập quân đội từ năm 1973 - 1979, phiên thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Tháng 4 năm 1979, ông chuyển ngành về Bộ Công nghiệp nhẹ, học tập trung tại Trường Công đoàn TP.HCM, học tại chức Trường Đại học Tuyên giáo và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Từ năm 1995-2007, ông là Trưởng phòng Pháp chế KDXNK, Chủ tịch Công đoàn Cty DVKT Thủy sản Vũng Tàu, Tổng Cty Hải sản Biển Đông, Bộ Thủy sản Việt Nam. Ông nghỉ hưu từ năm 2008, về tham gia công tác địa phương và sinh hoạt sáng tác thơ ca.

Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM năm 2015.

Tác phẩm đã xuất bản:  

Dặm dài ký ức (thơ), NXB Thanh Niên năm 2013
Miền tâm tưởng (thơ), NXB Hội Nhà văn 2014
Lời của đá (thơ), NXB Hội Nhà văn 2015

Quan niệm sáng tác văn học:
         
Sáng tác văn học phải phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chân chính của công chúng độc giả. Hoạt động sáng tác văn học có quan điểm chính trị xã hội đúng đắn, hướng tới cổ suý các phạm trù chân, thiện, mỹ và các giá trị nhân văn cao cả.

Là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ các hoạt động đạt kết quả cao. Tôi cũng phấn đấu với nguồn cảm hứng sáng tác mới để có nhiều tác phẩm tốt.


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...