Vài năm trở lại đây, những nỗ lực kiểm thảo, sưu tầm,
minh bạch hóa văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 đang dần là công việc
mang tính thúc ước và thật may mắn, chúng đã được xuất bản,
đăng tải, lưu hành khá sôi nổi trong nhiều nhóm cộng đồng.
Việc đọc, thẩm định tác phẩm của nhiều gương mặt quan trọng
làm nên bộ phận văn học này cũng dần đi vào bài bản. Đặc biệt, trong số đó, một
vài tên tuổi nổi bật đã có thể xướng
lên với niềm yêu mến, ngưỡng mộ công khai.
1. Từ điển văn
học (bộ mới, 2004) đánh dấu sự có mặt mang tính quy phạm và chính thống hóa của
một số tác giả văn học đô thị miền Nam: Bùi Giáng (1926-1998), Bình
Nguyên Lộc (1914-1987), Nguyên Sa (1932-1998), Dương Nghiễm Mậu (1936-2016).
Cho dù quá ít ỏi
và không thật sự sáng rõ mọi điều về văn chương của mỗi người nhưng ít
nhất, bộ sách công cụ ấy cũng đã hé mở vài cửa ngõ để độc giả nhìn vào bộ phận
văn học từng bị coi là sản phẩm đáng quên của chế độ cũ.
Trên thực tế, đó cũng là thời điểm một số đơn vị xuất bản
trong nước tỏ ra khéo léo, mạnh dạn lựa chọn và ấn hành lại tác phẩm của nhiều
nhà văn có tiểu sử và sự nghiệp khác nhau: Dương Nghiễm Mậu gây khá nhiều sóng gió với các tập truyện Nhan sắc, Cũng
đành, Đôi mắt chân trời, Tiếng sáo người em út (2007); Nguyên Sa yên lành hơn với
Tuyển tập thơ chọn lọc (2005); Phạm Công Thiện cũng trở lại với tuyển thơ Trên
tất cả đỉnh cao là im lặng (2009); Bình Nguyên Lộc có vẻ xuôi chèo mát
mái với Tuyển tập Bình Nguyên Lộc (4 tập, 2002), mà về sau lại in theo phần
riêng, với Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc (2012), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình
Nguyên Lộc (2017), Ký thác (2018), Hương quê (2018)...
So với sự trở
lại của một số tác giả mà lí lịch lẫn văn chương không bị coi là “có vấn đề”
như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy thì Bùi Giáng với Đười ươi
chân kinh (thơ văn tinh tuyển, 2012) cũng như hàng loạt dịch phẩm khác, Tràng
Thiên với Quê hương tôi (2012) và Tạp
văn (2014) hẳn nhiên là một tín hiệu quan trọng, không chỉ vì cho thấy sức
đọc hôm nay đã tiếp cận được một hiện tượng thơ khó và còn lâu mới hoàn tất giải
mã (như Bùi Giáng) mà còn báo
hiệu những ngăn trở quá khứ, lịch sử xã hội sẽ dần khép lại trước nhu cầu thưởng thức văn chương.
Quả là độ lùi
thời gian trong đời sống văn học, dù gì, cũng khiến các định kiến không
thể kéo dài và sự tri nhận không rơi
vào khuyết thiếu, chênh vênh mãi. Năm 2012, thêm một tác giả, lần này là
nữ, Trần Thị NgH, được giới thiệu lại với bộ ba tập truyện Lạc đạn, Nhăn rúm,
Nhà có cửa khóa trái.
Đến năm 2017, Nguyễn Thị Thụy Vũ, nữ tác giả được đón đọc
bậc nhất trước 1975 ở miền Nam, gây chú ý vì trở lại cùng lúc với bộ 10 tác phẩm
truyện ngắn, truyện dài. Như thể chẳng
đặng đừng trước cơ hội “bước qua lời nguyền”,
đầu 2018, bộ đôi tiểu thuyết Tuổi nước độc và Sợi tóc tìm thấy của
Dương Nghiễm Mậu đã được tái
xuất.
Tác phẩm trở lại thì việc đọc, đánh giá văn học miền Nam
1954-1975 cũng biến chuyển. Ngoài giới
thiệu từng tác giả, tác phẩm riêng lẻ, đã bắt đầu có những nghiên cứu xoáy vào
một vài vấn đề trọng tâm, kéo theo những nỗ lực dài hơi cả về tư liệu và nhận định.
Các công bố
chính thức dưới dạng chuyên khảo hay tiểu luận của Trần Hoài Anh, Huỳnh Như
Phương, Nguyễn Mạnh Tiến, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Bá Thành...,
đóng vai trò là chỉ dẫn bước
đầu để quan sát bức tranh tổng thể đời sống văn hóa văn chương Sài Gòn
trước 1975.
Đấy là chưa kể
một khối lượng phong phú báo chí văn chương miền Nam, từ Sáng tạo, Hiện đại, Thế
kỉ hai mươi, đến Bách khoa, Đại học, Văn,... và các tác phẩm khảo cứu, dịch thuật
của Nguyễn Hiến Lê, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Vũ Đình
Lưu, Tuệ Sỹ, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn
Duy Cần, Phan Khoang, Kim Định, Nguyễn
Thế Anh, Tạ Chí Đại Trường..., những nhân vật từng góp phần tạo nên đời sống
văn sử triết sôi nổi ở miền Nam, đều đã và đang có mặt trên nhiều kệ
sách và là thư mục tham khảo trong
nhiều bài viết học thuật hôm nay.
2. Thực tế và
những động thái tái dựng văn học đô thị miền Nam như trên chắc chưa thể coi là
đầy đủ và có tính hệ thống. Chỉ một số lượng rất nhỏ những tác phẩm văn chương
có hệ số an tâm cao về nội dung mới được xuất bản lại và mức độ phổ biến, đón
nhận chúng chưa phải ở đâu cũng như nhau.
Ngay cả trong
cộng đồng quan tâm, có thiện cảm lớn với bộ phận văn học này, từng đầu tư thời
gian, kinh phí lẫn cách giải quyết phiền hà ngoài văn chương, khi bắt tay lần
giở cảo thơm thì cũng chưa thấy
mấy ai có thể thuyết phục hoàn toàn cho
mọi người hiểu đó là hành động nên chung tay góp sức hay chỉ cổ vũ đứng ngoài.
Tuy thế, với
chứng cớ rằng đã có lượng độc
giả tìm đọc văn học miền Nam 1954-1975 một cách tự thân, thì nhất thời,
có thể tin sự ngăn cách quá khứ - hiện tại, và rào cản tâm thế sẽ dần được tháo
dỡ, tiến đến những thông hiểu chính xác và chính đáng.
Tôi tin độc giả thông thái hôm nay đã không còn dễ dàng bị
“dắt mũi” trong các diễn ngôn cho phép hay cấm kị đọc sách gì, mà từ đó dẫn đến
thờ ơ, lãnh đạm, phủi tay với “ấn phẩm xám” nảy nở trong lòng miền Nam trước 1975.
Bằng hành vi đọc
của mình, độc giả, cũng như tất cả những ai tôn trọng mọi con đường đi tới
thống nhất nhân tâm địa lí, đang góp phần tạo nên sự hiện hữu đáng tin của một
nền văn học dân tộc đúng nghĩa.
Tương tự, nếu nhìn sang lĩnh vực âm nhạc, sẽ càng thấy
sinh động và ngạc nhiên hơn nữa bởi
sự hưng thịnh khắp thôn cùng xóm vắng của dòng nhạc bolero hay những
tình khúc “đi cùng năm tháng” vốn từng được cất lên ở Sài thành trước 1975.
3. Văn học miền
Nam đô thị 1954-1975 vẫn tiếp tục nằm trong “lãnh cung” nếu công việc
tìm lại những tiếng nói và đồng thời, hiển thị chúng không được coi là trách
nhiệm đương nhiên của văn học sử.
Bên cạnh những phát biểu cửa miệng mang tính chiêu tuyết
cho việc dựng lại văn học miền Nam trước giải phóng, nhất thiết phải xây dựng
được giáo trình văn học sử trọn vẹn, đa dạng, hợp lí. Tôi biết ở một số Văn
khoa của các trường đại học đang cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu và giảng dạy vài
tác giả nổi bật như Bùi Giáng, Mai
Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa...
Bản thân các
tác giả này, trong nhiều sự kiện văn học nghệ thuật khác nhau, cũng đều được giới
thiệu với công chúng. Bởi thế, đây là lúc để giảng dạy lịch sử văn học trong một
tổng thể văn hóa và giá trị dân tộc hài hòa.
Với lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhất là từ sau
1954, thì văn học đô thị miền Nam phải được coi là bộ phận hợp thành, và do đó,
việc các tác giả tác phẩm được trở lại chính là để giảm thiểu sự khuyết thiếu
nhiều năm liền trong cơ cấu tri thức văn hóa văn chương tiếng Việt mà sách vở
nhà trường đang đối diện.
Cá nhân tôi và
nhiều độc giả khác hẳn đều chờ đợi những tiếng nói và giá trị khác ngoài bộ phận
văn học miền Bắc lâu nay, đặng cho cuộc đọc của mình sáng láng, hoan hỉ
hơn.
4 thập niên
qua, kể từ khi đất nước thống nhất, văn chương tiếng Việt đang không ngừng mở rộng
không gian tồn tại, nhất là khi một số lượng lớn các nhà văn miền Nam trước
1975 vẫn tiếp tục cầm bút sáng tác ở hải ngoại, ở nơi họ trú xứ.
Thành quả sáng
tạo của họ đang làm cho giao diện văn chương tiếng Việt mới hơn và cũng khác
hơn so với quá khứ. Cần đón nhận thế nào bộ phận văn học này? Trong chủ trương
lớn của Đảng, Nhà nước là hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta thấy rõ
văn chương văn nghệ đang đi những bước rất tích cực, ý nghĩa.
Bởi lẽ, phàm đã là văn chương tiếng mẹ đẻ, ít hay nhiều,
chúng ta đều bắt gặp ở đó những hạnh phúc, buồn vui, những vấp ngã và trưởng thành của bóng hình dân tộc.
Chẳng có khung hệ đánh giá nào bền vững và nhân văn hơn sự tỉnh táo nhận thức về
mình, bao gồm cả quá khứ và hiện tại, để tương lai không bị áy náy, lấn cấn điều
gì.
Theo nghĩa đó thì sự tái xuất của một số hiện tượng văn học đô thị miền Nam 1954-1975
cũng trao cho chúng ta nhiều hi vọng, nhất là hi vọng đủ đầy của tương lai.
Mức độ phổ biến,
đón nhận những tác phẩm văn chương mới được tái bản chưa phải ở đâu cũng như
nhau.
MAI ANH TUẤN
VNCA