Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Một vài ý nghĩa về thơ Thanh Tâm Tuyền và thơ tự do

Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền nói riêng và người làm thơ sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện hành động. Thi ca nó không là sự thất vọng, sự bất lực cũng không phải việc làm những bài thơ là đạt được hành động lý tưởng. Thi ca chính nó là một hành vi thật tuyệt đối trong ý nghĩa của đời sống của con người…

Nếu phải kiểm điểm và nhìn lại sự phát triển của thơ trong chu kỳ mười năm gần đây, thì nhà thơ mà người ta nhắc đến trong hàng đầu có lẽ phải là Thanh Tâm Tuyền. Nói như thế thật không có nghĩa ấn định thứ tự lớn bé giữa các nhà thơ hiện thời (vì không ai muốn dành quyền nói thế) mà chỉ vì ít nhất Thanh Tâm Tuyền là một trong những người vác biểu ngữ đi hàng đầu trong cuộc biểu tình cho thơ tự do. Người mang biểu ngữ đi đầu có thể là hay không là người làm nên cuộc biểu tình (cuộc biểu tình không thể chỉ có một người) nhưng giá trị thứ nhất và tối thiểu phải nằm trong giá trị biểu kiến của một kẻ đi đầu, bởi vì người ấy là người thứ nhất chịu phản ứng của địch thủ, là người thứ nhất nắm lấy cơ hội đã chín để đi hàng đầu, cho nên khi tuyên dương công trạng thì người đi hàng đầu phải là người được tuyên dương đầu tiên. Thơ tự do – thơ ca bây giờ mang tên ấy – phải ghi công Thanh tâm Tuyền, và chúng tôi, trong loạt bài nói về thơ hiện thời sẽ nói đến Thanh Tâm Tuyền như một chiến sĩ tiền phong trong chu trình biến chuyển của thi ca Việt-nam, nói rộng hơn của nền văn học Việt-Nam mà biến chuyển đó cũng là một biến chuyển phụ thuộc của sự biến chuyển rộng rãi hơn là của toàn thể xã hội Việt-nam.

Nhìn vào “đất đai” của Thanh Tâm Tuyền chúng tôi phải nhớ hàng chữ mà ông chi ghi lên hàng đầu tập Tôi không còn cô độc là tập thơ đầu tiên, là tiếng nói đầu tiên mà Thanh Tâm Tuyền nói với xã hội thi ca chúng ta bấy giờ.

Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi.

Người hoàn toàn tự do, để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhận lãnh thổ.

Người hoàn toàn tự do và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ.

Đó là một lá chắn Thanh Tâm Tuyền dựng lên để phòng vệ các phản ứng. Sự dự đoán ấy đúng là Phục sinh (bài thơ ngay ở những trang đầu) là đối tượng của sự phản ứng. Nhưng chúng tôi nhắc tới Phục sinh không phải là để nhắc tới các phản ứng đối với Thanh Tâm Tuyền hồi ấy, vì trong sự biến chuyển toàn thể của dòng thi ca điều đó không đáng kể, mà chỉ nhân dịp và nghĩ rằng có thể Phục Sinh đã một phần đại diện cho nếp cảm nghĩ, cách biểu hiện của Thanh Tâm Tuyền.

Chúng tôi nghĩ khối suy tư và tình cảm trong con người đến một mức độ nào đó thì không lên cao nữa và tỏa ngang. Ví dụ như Nguyễn Công Trứ:

Ngồi buồn mà trách ông xanh
khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười
kiếp sau xin chớ làm người
làm cây thông đứng giữa trời mà reo
giữa trời vách đá cheo leo
ai mà chịu rét thì trèo với thông…

 hay Tản-Đà:

cái hạc bay lên vút tận trời
trời đất từ nay xa cách mãi
     ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

Là một thứ tình cảm vượt lên trên tình cảm vui hay buồn, sung sướng hay khổ sở, những tình cảm giận hờn thương xót của cái vòng lẩn quẩn hàng ngày trong các giác quan. Một kẻ có lẽ cảm thấy một điều vui, trong việc “có lẽ vui” và “hình như vui” nó phát sinh ra một thứ tình cảm ngược lại, hay cũng có thể sự vui vẻ quá độ đẩy con người ta tới một tình cảm ngược lại: khóc, bởi vì qua đơn vui say tỉnh lại là nỗi buồn, nỗi buồn ấy thật trong nước mắt.

Đối với Thanh Tâm Tuyền:

               Tôi buồn khóc như buồn nôn
               ngoài phố
               nắng thủy tinh
               tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
               Thanh Tâm Tuyền

Tình cảm ấy cũng thế, sinh hoạt cuộc đời và con người nó đã xẩy ra như thế, và như thế chán lắm, buồn nôn lắm, tôi cảm thấy như thế ghê tởm, điều ấy cũng giống như tôi cảm thấy cùng một lúc sự thương xót nào đó ẩn náu trong góc linh hồn, góc phố, góc cột đèn, góc giáo đường, sự thương sót giống như của một đứa nhỏ vừa đi lủi thủi vừa khóc tấm tức, vì giận hờn, vì sót sa, vì tủi thân:

               Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
               Thanh Tâm Tuyền.

Thanh Tâm Tuyền lúc ấy đối với Thanh Tâm Tuyền làm thi sĩ đi trên hè phố chỉ là một đứa nhỏ tội nghiệp, đứa nhỏ ấy có thể là cái côté faible của con người – con người nào mà không có côté faibale - , một mặc cảm, một sự thất vọng, một sự tổn thương, một sự chán chường… đứa nhỏ ấy đi theo một Thanh Tâm Tuyền, một thanh niên nào đó trên hè phố với “buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường”. Đứa nhỏ ấy thật khổ sở và một Thanh Tâm Tuyền đi-trên-phố muốn xin cho nó một chỗ quỳ để tuôn ra ngoài nỗi sót thương, một chỗ thật thầm kín và lặng lẽ, vì đứa nhỏ ấy muốn yên nghỉ muốn xa lánh và trốn tránh sự giáp mặt với những buồn nôn của cuộc đời.

               Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
               Tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
               Cho đứa nhỏ linh hồn
               Cho chó dữ
               Con chó đói không mầu.

Sự tìm chỗ an nghỉ cho đứa nhỏ linh hồn ở trong một góc khiêm nhường của giáo đường cũng giống như sự đi tìm một chỗ yên nghỉ trong giấc ngủ vùi, hay trong chỗ ẩn náu sau cùng lý tưởng và tốt đẹp nhất của con người là cái chết. Ôi, ai đã nghĩ đến cái chết như một chỗ ẩn thân một sự trở về quê hương hay một ân sủng duy nhất của con người. Sự bí ẩn của cái chết kết thúc tất cả, kết thúc sự buồn tênh lại cười hay khi vui muốn khóc. Cái chết phải có để cho nước mắt và tiếng cười được một chỗ quỳ thầm kín trên thời gian vô tận. Tôi thèm chết như thèm một giấc ngủ, tuy đang đi trên bờ sông của thành phố đang sống, lúc ấy tôi muốn gọi tên tôi thật to, muốn hét lên, muốn nổi giận, vì đứa nhỏ. Thanh Tâm Tuyền lúc này đã ở trong một chỗ quỳ và còn lại một Thanh Tâm Tuyền khác của đời sống buồn khóc và buồn nôn. Vì buồn khóc buồn nôn buồn chết và buồn ngủ nên có cái gì chưa xong, một cái gì chưa thành hình như giống hệt một cái khó chịu phiền muộn muốn gắt gỏng và nguyền rủa cho nguôi cơn giận giữ.

               Tôi hét tên tôi cho nguôi giận
               Thanh Tâm Tuyền
               Đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
               em bé quàng khăn đỏ ơi
               này một con chó sói
               thứ chó sói lang thang.
Đứa nhỏ linh hồn sợ chó dữ, và em bé quàng khăn đỏ sợ con chó sói xảo quyệt. Con chó đói không màu hay con chó sói lang thang ấy là mối quan tâm hay sự ưu phiền của con người trước đời sống tổng quát. Nói rộng là mối ám ảnh về số phận làm người mà mỗi người đều mang, cái guồng máy vô hình của thời gian cuốn hút và xô đẩy con người vào hủy diệt không cưỡng lại nổi. Cũng có thể đó là thứ gai sạn trong đời sống hàng ngày, sự quỷ quyệt, lươn lẹo, sự lừa gạt, lợi dụng, hay sự cực nhọc của cuộc sinh tồn vân vân… Những thứ đó là một thứ chó dữ không mầu luôn luôn rập rình nhe nanh vuốt và bất cứ lúc nào nhẩy xổ tới tấn công cô bé quàng khăn đỏ và đứa nhỏ linh hồn. Có phải thế không, hiện diện giữa đời sống con người ta lúc nào đấy, lúc mà tình cảm lên cao và kết đúc lại trong một trạng thái sinh hoạt se sắt, chỉ là một đứa nhỏ sợ sệt muốn tìm một chỗ ẩn náu yên thân trước những sự đòi hỏi và bao vây của số kiếp làm người? Chỗ trú chân ấy ở đâu và là gì, có thể trong một giáo đường, nhưng sự thực có thể là một miền hoa cỏ suối ngọt của tình yêu.

               Tôi thèm sống như thèm chết
               giữa hơi thở giao thoa
               ngực cháy lửa
               tôi gọi khẽ
               em
               hãy mở cửa trái tim
               tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
               trong sạch như một lần sự thật.

Có phải thế không, hỡi những người yêu, những kẻ tình nhân của cuộc đời, có một lần nào với nỗi buồn và sự cô đơn đi trong hè phố, có một lần nào với sự mệt nhọc và sự chán chường trên các cột đèn và xe cộ buổi chiều, có một lần nào có thể với căng thẳng của cảm xúc và thần kinh, bạn đã ngửng lên nhìn trời và gọi tên người tình? Vì lúc ấy có một nơi nào đó dưới bầu trời này có một người, một tâm hồn, với đôi tay tình nhân mang nguồn nước ngọt thương yêu của tình cảm dịu dàng trong suốt. Một lần người viết bài này đã có dịp viết:

               bây giờ thành phố dần dần hồi sinh
               những tiếng than đóng kín vào ngõ cụt
               và mặt trong gọi tên người tình

Thực tại tình yêu luôn luôn là đề tài của thơ, vì tình yêu là đề tài tốt đẹp nhất của đời sống, người ta có thể coi thường tình cảm vụn vặt, nhưng về phương diện tổng quát tình yêu mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp, vì tình yêu hội tụ tất cả các khía cạnh thăng hoa của tình cảm nhân loại. Thái độ ca ngợi và tìm đến tình yêu của Tuyền là thái độ của một người đã ra đi đã đi tìm, đã suy nghĩ chín mùi và sau cùng thấy rằng cần phải ca ngợi tình yêu chính vì tình yêu đáng ca ngợi nhất. Tình yêu không phải ở trong điều kiện lý tưởng nhưng là tình yêu trong hoàn cảnh và điều kiện mỗi người, vì sự ca ngợi ở đây thuộc giai đoạn chót của lý luận, cũng vì thế nên nó gần với sự xấu nhân bản, sự xấu nhân bản, thật và trở lên lý tưởng.

Chúng tôi không có ý định giải thích một bài thơ của Tuyền cũng không có ý định đề cao thơ Tuyền như một người đã vươn tới được cốt cách của thơ tự do. Đó chỉ là những ý nghĩ nhân nghĩ về một bài thơ và thử tìm một trạng thái tâm hồn của tác giả trong một bài thơ tự do. Trong các tập thơ của Tuyền, Tôi không còn cô độc và Mặt trời tìm thấy,  đều có chứa những cảm giác sống của sau những ngày u ám, tới một trận mưa rào sối sả, sau đó là mưa phùn.

               ngó đầu ra ngoài thở hơi mưa
               cảm giác ngủ một vùng yên tĩnh
               bao giờ ánh sáng cũng chói thẳng con người
               tâm hồn rực rỡ bàn tay vẫy
               tôi trở lại cùng người thân yêu
               không gian  tâm hồn trong nhà ngục tâm hồn
               thế giới nói thêm lời hoa cỏ thiên nhiên
               câu chuyện mặt trời hoang đường như đôi mắt tình nhân
                tối hơn
               bỗng tin làn mi khép lại.

Đó là những cảm giác đi ra từ trong một giấc ngủ của một người vừa thức dậy, hay từ một sự biến động của tâm hồn vừa chấm dứt trong những hình thù của cảm giác váng vất những hình ảnh còn rời rạc từng miếng từng mảnh giấy từng chiếc lá rơi rải rắc. Vì thật dễ hiểu thế giới tâm hồn và sinh hoạt cá nhân của con người trong một hoàn cảnh nó cũng tự nhiên hỗn loạn, rời rạc vô tổ chức như thế. Và một trạng thái tâm hồn của một thanh niên nào đấy mang dấu tích của toàn thể xã hội nên la khấp khểnh, sô sát đâm chém cộng vào đó là một khả năng phán đoán sâu sắc bén nhạy nhưng lại cảm thấy bất lực nó phải là điều kiện cho những ngôn ngữ xâu xích móc nối hỗn tập ở một kiến trúc dị dạng, đa hình dung:

               mỗi bài thơ khi viết tôi đều nghĩ đến một người
               tôi sống thường trực bằng hình ảnh
               cửa sổ mở ánh trăng bình minh
               ngoại ô nhà ngói đường xe điện
               sân ga đường dan díu chân trời
               bến tàu phu khuân vác ống khói
               hải cảng tàu biển chân vịt quay
               ban mai buổi chiều vội vã đêm
               tôi sống thường trực bằng hình ảnh
               cuộc đời thèm khát không thôi.

Theo chúng tôi thi ca của một xã hội nhất định đều đã ngầm chứa một dự phòng cho sự sinh hoạt đời sống xã hội đó. Vì người làm thơ là tập trung, là kết tinh của dữ kiện đời sống hiện tại, là sự tiếp nhận các phần tinh lọc nhất của đời sống, cho nên người ta có thể vì phần thi ca thật của văn chương như những lời tiên tri, chúng tôi nói phần thi ca thật, bởi vì thi ca giả là những mảnh vụn của một đời sống đã tạo sẵn, tự nó chỉ có giá trị xã hội nhỏ hẹp. Nhưng thi ca thật, bắt rễ từ những sự di chuyển nội tâm, chu trình dài của ý thức và lý luận, tự nó phải là phần tinh tuyển của đời sống nhân loại, nó không hoàn toàn phải biểu lộ trong một hình thức hay một thái độ nhất định; nhưng sự biểu hiện của nó trong những điều kiện nhất định, dù người ta hiểu sai, vẫn có một hiệu lực phát triển, một khả năng tác động, một giá trị thiết lập cho đời sống. Nên sự thay đổi ngôn từ trong thơ, trên một phương diện, ngôn ngữ là một phương tiện diễn tả, nó có giá trị hoàn toàn hình thức, khi ngôn từ ấy không kết hợp được tác dụng cao nhất của sự kiện, ở phương diện này khi phát biểu một sự kiện mà ngôn ngữ đã làm hết nhiệm vụ của nó, nhưng sự kiện đã thất bại thì người ta thấy sự thất bại ấy có ngay trong hành vi làm thơ, trong việc quan niệm về thơ, hay nói khác quan niệm về thơ của tác giả đã thất bại. Về một phương diện khác, chính ngôn ngữ có thể là phần nội dung của thơ, người ta không phân biệt được việc diễn tả và cách diễn tả, người ta nhìn nhận ngôn ngữ trở lên chính là thơ, cái khung xe hơi chính là cái xe hơi. Lúc đó nếu thất bại nó thất bại ngay từ đầu, ngay từ khi tạo nên chiếc xe, nhưng nếu nó đạt được một mực độ nhất định, nó có giá trị tại ngã, một giá trị mà người ta chỉ có thể không đồng ý chứ không thể phủ nhận được vì nó có mặt, hoặc nếu không, phải phủ nhận ngay từ đầu.

Nhìn vào thi ca hiện thời người ta nhận thấy rằng thơ tự do thường ở phương diện thứ hai. Chấp nhận thơ tự do là một giai đoạn nhất định của sự tiến triển, đồng thời, trong giai đoạn hiện tại là một việc diễn tả thích hợp và tốt đẹp nhất, vì nó làm trùng hợp cách diễn tả và việc diễn tả, nó làm trùng hợp và lẫn lộn bề ngoài và bề trong của thơ, người đọc sẽ đi vào tâm hồn tác giả với sự bừa bộn tự tổ chức của nó. Nó bừa bộn vì nó không theo cách tổ chức, theo cách xếp đặt trước ít nhất là bề ngoài, nhưng nó tự tổ chức vì nó có thể được đặt ra trong phần rất sâu xa của ý thức, ý thức văn nghệ và ý thức lý luận. Sự xâm nhập của ý thức có thể là một trường hợp biệt lệ, cũng có thể hết sức tổng quát, tổng quát vì ý thức sai khiến nó phải đạt được hình thức nung nấu nhất trong sự kiện thơ của tác giả cho nên theo ý chúng tôi, một nhà thơ tự do thất bại khi không tạo được một thế giới riêng cho sự kiện thơ của mình. Thế giới ấy rất phụ thuộc vào điều kiện cá nhân của tác giả, bởi vì chính tác giả trách nhiệm hết về cái mình ném ra. Giá trị của thơ tự do thường thường được xây dựng ngay từ giá trị tối thiểu để đạt tối đa, vì thế nó phải có một giá trị tối thiểu, nếu thành công chính giá trị đó trở nên vô hạn còn không nó đứng nguyên ở vị trí tối thiểu trong quan niệm của người diễn tả.

Đối với Thanh Tâm Tuyền:

               Những đêm nào chiến tranh đã quên
               con mắt đen niềm im lặng
               Anh vẫn đi hoài trong thành phố
               cô đơn chưa nắng cháy
               vào sâu trong ghẻ lạnh.

Hình thức ấy và sự kiện ấy quấn lấy nhau trong một nhịp lạ một nhịp bước đi của chàng thi sĩ trong thành phố người yêu, thành phố ấy dù người cô đơn vẫn có thể tình tự với mình.

Quan niệm về thơ cũng có thể là một lúc là quan niệm về cuộc đời, ít nhất nó cũng có một điểm chung là bắt nguồn từ một cái nhìn. Vì vậy cách quan niệm về sự tối thiểu để xây dựng tối đa là quan niệm cấp tiến, một quan niệm chung để xây dựng con người mới; và chúng tôi đồng ý hoàn toàn tới Thanh Tâm Tuyền với ý tưởng về cái nhan sắc có lúc không có gì nữa của một cô gái:

Ánh nắng lộ liễu của nửa sáng chiều vào phòng đã phô ra trước mắt tôi một con người khác đêm trước; tôi ngạc nhiên những không thất vọng. Cái mặt rỗ của Hội làm hắn xấu hổ đi nhưng tôi tra cái xấu đó, cái xấu làm cho người ta trở lên tầm thường và dễ yêu hơn”.

Đêm trước cô con gái phấn sáp trong ánh sáng mờ nhạt của ánh đèn, cô gái để ra một nhan sắc tạm được và làm gã con trai thỏa mãn. Nhưng không phải hắn liên lạc với cô con gái chỉ bằng vẻ đẹp ấy, thái độ của hắn trở nên thật và nghiêm chỉnh khi nhận ra rằng dưới ánh sáng ban ngày và mặt không son phấn hắn vẫn làm hắn ưa được cô gái, hắn ưa cái xấu đó, vì nó làm cho người yêu hèn mọn tầm thường dẽ yêu và cũng gần gũi hơn. Ý kiến ấy cũng là ý kiến của Ernest Renan trong ý kiến về mối liên lạc giữa những người thân nhau. Trong tình cảm thật của một người nghiêm chỉnh cái xấu, cái lầm lạc, cái khổ sở là điều kiện xây dựng của sự liên lạc nhau, bởi vì xây dựng mình trên quan niệm chính đáng ấy chính là từ tối thiểu qua khỏi được mức quan niệm trung bình.

Thanh Tâm Tuyền nói riêng và người làm thơ sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện hành động. Thi ca nó không là sự thất vọng, sự bất lực cũng không phải việc làm những bài thơ là đạt được hành động lý tưởng. Thi ca chính nó là một hành vi thật tuyệt đối trong ý nghĩa của đời sống của con người, nó tuyệt đối vì nó hoàn toàn nguyên vẹn, một sự hoàn hảo mà con người đọc thơ và người làm thơ hướng tới như theo hướng các ngôi sao nhưng không bao giờ tới được. Chính vì chúng ta không thể đạt được mà con người vẫn tiếp tục làm thơ, trước kia đã làm và sau này sẽ làm trong những điều kiện nhất định của cá nhân và xã hội.

Thanh Tâm Tuyền đã làm thơ và thơ Thanh Tâm Tuyền đã nói lên trong một trạng thái cá nhân và xã hội nhất định của một sự biến chuyển nhất định. Vì thế chúng ta đã đọc thơ Thanh Tâm Tuyền và những người khác cũng như sau này sẽ đọc thơ của một số những người khác những thi sĩ khác, chúng ta chưa biết họ, họ chưa có, nhưng chắc chắn sẽ có mặt và sẽ viết thơ cho mình và người khác đọc.

NGUYỄN QUANG HIỆN
VĂN - SÀI GÒN 1964



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...