Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Nhà văn Trang Thế Hy: Người “đi chỗ khác chơi”


Tháng 10.1992 sau khi nhận sổ hưu từ cơ quan Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, với tuyên bố: “Tôi sẽ rời thành phố để đi chỗ khác chơi vì đã hoàn thành nhiệm vụ”, nhà văn Trang Thế Hy đã tạo ra một làn sóng dư luận khá sôi nổi, không chỉ trong lòng người hoạt động văn học nghệ thuật, mà cả trong dư luận chung rộng rãi.
Nhà văn Trang Thế Hy

Trong khi hàng vạn, hàng triệu người đang ngày đêm tìm mọi cách, mọi cơ hội để có mặt tại thành phố, dù là đang trẻ tuổi hăng máu hay đang kiệt sức nghỉ hưu, thì ông, một người thành phố lại tuyên bố sẽ rời thành phố về quê vui thú an nhàn ở tuổi gần 70. Có lẽ nào ông là người nghĩ khác?

Thật ra chuyện đi hay ở với nhà văn không phải là chuyện quan trọng. Vốn là người sinh ra từ vùng ngoại vi thị xã Bến Tre trong những tháng năm dài nô lệ, khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã là chàng trai 21 tuổi. Ông tích cực tham gia mọi sinh hoạt của tổ chức đoàn thể tại địa phương. Với vốn sở học của mình, lý ra ông đã trở thành ông này ông nọ trong hàng ngũ cách mạng, nhưng không, ông vẫn là ông, con người điềm đạm nho nhã với cung cách đằm thắm, ngay cả trong lời ăn nết ở.

Gần 50 năm tham gia hoạt động cách mạng, chàng thanh niên đã rời làng quê huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre ngày nào trong sục sôi đấu tranh nay trở lại quê nhà với cuộc sống thật dịu êm bên dưới rặng dừa trong ngôi vườn không nhiều cây trái, ngày ngày uống trà, đọc sách, đàm đạo văn chương với bạn văn xa gần mỗi lần ghé lại hoặc chuyện trò thời sự cùng những người đồng hương già trẻ. Cuộc sống dường như trôi đi rất chậm trong ngôi nhà ấy, đôi khi tưởng như rất buồn tẻ, nhưng không, nó vẫn ăm ắp nỗi đau thế sự xoay vần, vẫn đau đáu niềm lo về người này kẻ kia trong làng văn trận bút.

Tôi được biết về ông khá trễ, có lẽ là trễ nhất trong số những người cùng chung cơ quan Hội Nhà văn thành phố. Trước đó khoảng gần chục năm, tôi cũng biết sơ về ông, không phải bằng con người thật, mà bằng văn chương, với những truyện ngắn như được trau chuốt từng chữ đăng trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - nơi coi như địa chỉ tập hợp anh hào sau một thời ly loạn của thành phố.

Ở đó có Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Phạm Tường Hạnh, Mai Văn Tạo, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Chí Hiếu, Hoài Anh, Trần Nhật Thu, Lê Dụng và nhiều người khác nữa. Họ là những người ở rừng về, từ Bắc vô, đang tạo ra một chân dung văn nghệ thành phố mới giải phóng với nhiều hình ảnh sống động, tuy còn nhiều khó khăn nhưng sinh động và tươi mới.

Mang tiếng là người của báo, nhưng ông viết không nhiều, lâu lắm mới thấy xuất hiện một truyện ngắn, có truyện đăng tới hai, ba kỳ báo, nhưng nhiều người không gọi ông là nhà văn Trang Thế Hy, mà họ thường gọi là anh Tư Sâm, hay như chúng tôi hay gọi là chú Tư. Chú Tư có cách nói, điệu cười, dáng đi, kiểu đứng không có gì khác người, nhưng vẫn có cái gì đó thực sự nho nhã, nền nếp, khác biệt với những người khác. Sự khác biệt ấy không làm cho ông cách xa đám đông, tách biệt tập thể mà như một nốt luyến trong âm nhạc, nó làm giàu có đời sống vốn nhiều thanh điệu thường bủa vây chung quanh.

Bằng cách nói rõ ràng, mạch lạc, chậm rãi, không thừa ít thiếu, nhà văn có cuộc sống đơn chiếc trong khu tập thể 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa tưởng như rất buồn. Nhưng không phải thế. Phòng ông, chỗ ông luôn luôn ngăn nắp, đầy ắp tiếng cười, giọng nói trong những buổi rượu trà với người đồng điệu. Căn phòng nhỏ, có cửa sổ nhìn ra con đường vào thành phố ngập tràn tiếng xe dù lúc khó khăn chật vật thiếu thốn mọi bề vẫn là nơi lui tới đi về của ông - một người mài chữ ra truyện.

Không biết ông chuyển biên chế về Hội Nhà văn lúc nào mà khi tôi chuyển ngành về Hội Nhà văn đã thấy tên ông trong danh sách những cán bộ thuộc cơ quan cùng với Sơn Nam, Mai Văn Tạo, Trần Thanh Giao, Thanh Giang, Lê Giang, Trần Mạnh Hảo.

Tôi chỉ nghe về ông qua những người đã từng sống cùng ông trong những năm tháng ở rừng như Nguyễn Quang Sáng, Diệp Minh Tuyền, Chim Trắng, Lê Văn Thảo - những người luôn luôn gọi tên ông bằng cái tên Anh Tư rất đỗi thân thương và trìu mến. Nào là đi công tác với Anh Tư là khỏi lo bị đói, khỏi sợ thiếu cái ăn, đôi khi được ăn sang và ăn ngon nữa, vì anh Tư là người chịu khó chế biến các món nhậu ở rừng thuộc hàng bá cháy, và đặc biệt là anh Tư có tài săn thú rất hay.

Tài săn thú thì tôi chưa chứng kiến, nhưng tài chế biến món ăn của anh Tư thì tôi cũng vinh dự được đôi lần tham gia nhân dịp anh tiếp một vài ông bạn văn chương trên đường hành phương Nam ghé thăm anh với rất nhiều tình cảm. Những món ăn ở nhà một người đàn ông đơn chiếc thường không nhiều nhặn gì nhưng được chế biến bởi một người sành ăn nên rất đậm đà và thi vị.

Điểm đặc biệt nổi bật nhất trong bữa ăn ở nhà anh Tư Sâm là rượu. Rượu được anh Tư tinh tuyển từ những chuyến đi thực tế, từ những món quà bằng hữu tâm giao nên không lẫn vào đâu được. Trong những năm tháng khó khăn chung, anh Tư vẫn ung dung trà rượu với bằng hữu bằng những sưu tập của mình, quả là một chuyện kỳ công.

Những ngày còn ở thành phố hay hơn 20 năm nay “đi chỗ khác chơi” ở quê xứ Bến Tre, anh Tư vẫn chăm chú đọc và đọc thật nhiều những cây bút trẻ. Quả là không xa lạ khi người viết đồng bằng sông Cửu Long luôn xem ông như ông thầy, một bậc đàn anh đáng kính. Mỗi lần có dịp đi lên khu vực miền Trung Nam Bộ là hầu như ai cũng sắp xếp một chuyến gặp gỡ với nhà văn Trang Thế Hy tại ngôi nhà nhỏ ngoại vi thị xã Bến Tre của ông.

Những Ngô Khắc Tài, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Trung Khâu, Trịnh Bửu Hoài và nhiều người khác nữa luôn xem ngôi nhà nhỏ ở ngoại vi tỉnh lỵ Bến Tre là một nơi chốn thân thương. Bởi ở đó họ được tiếp đón không phải bằng tình cảm của người trên kẻ trước, mà bằng tình cảm nồng ấm ruột thịt như cha con ông cháu một nhà. Sự gần gũi, thân thiết của ông là sự gần gũi thân tình rất mực, không kẻ cả, khoa trương, không lão làng văn giới.

Có thể nói trong gần 70 năm cầm bút sáng tác của mình, dù khởi sự bằng thơ, tiếp đến là dịch thuật, sau này được biết đến như một nhà văn với nhiều bút danh khác nhau như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm và Trang Thế Hy, nhưng số lượng tác phẩm xuất bản của ông không nhiều.

Có thể kể đến như Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ Mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993), Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001) và tập thơ Đắng và ngọt (2009). Năm 2011, khi Nhà xuất bản Trẻ tái bản và đưa tập truyện ngắn Vết thương thứ Mười ba vào trong tủ sách Mỗi tác giả Một tác phẩm, tôi đã có dịp chứng kiến sức làm việc không biết mệt mỏi của ông.

Ông đã ngồi lại chỉnh sửa từng trang bản thảo, bỏ chữ này thêm chữ kia vào từng trang sách, vào từng truyện ngắn với mong mỏi là bạn đọc được tiếp nhận một văn bản có trách nhiệm của nhà văn - một công việc mà tôi thấy những nhà văn lớn tuổi thế hệ trước hay làm như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và nay là Trang Thế Hy.

Trong nhiều lần trò chuyện với nhà văn, điều tôi nhận ra ở ông là tấm lòng của người ăn quả nhớ người trồng cây, là tấm lòng với người nông dân Việt. Ông thường nói chúng ta lớn lên từ nông dân, nông thôn, rồi lại xem nông dân là bạn, nhưng đối xử với người nông dân chưa bao giờ là bạn cả. Hạt gạo, con tôm, con cá do người nông dân một nắng hai sương làm ra đã làm giàu cho biết bao nhiêu người buôn bán (cả bán hàng hoá lẫn bán chức quyền), cho nhà nước nhưng bù lại người nông dân được gì. Họ vẫn sống trong những điều kiện thấp kém nhất và luôn luôn được đối xử như những người... hèn kém nhất.

Tôi nhớ khi ký tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam cùng với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Trang Thế Hy còn chú thích thêm bên cạnh bút danh của mình là nhà thơ Phạm Võ. Hỏi ông vì sao lại đưa tên Phạm Võ vào đây thì ông nói nếu không người ta sẽ nói là hai thằng cha làm văn đi giới thiệu một tay nhà thơ vào Hội thì kỳ lắm.

Thì ra là vậy. Ông cẩn trọng và kỹ lưỡng trong từng hành động, lời nói và ngay cả việc làm. Bởi theo ông điều còn lại của nhà văn là tác phẩm, mà cái còn lại của tác phẩm là gì nếu không là ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ quyết định tác phẩm đó có sống được với thời gian, với bạn đọc hay không. Bất chợt tôi nhớ đến bài thơ Bứt đứt sợi chỉ hồng trong tập thơ Đắng và ngọt của ông. Bài thơ như ông từng mở ngoặc là lời một người con gái có người yêu là nhà thơ. Bài thơ như sau:

Hồi mình mới yêu nhau, cây kéo kiểm duyệt tạm trú trong đầu anh như khách không mời mà đến
Chỉ thỉnh thoảng nó mới e dè cắt bỏ một vài bông hoa tư duy nhỏ nở ra trên trang viết của anh
Nó ái ngại thấy anh ứa lệ nhìn những giọt nhựa tươi ứa ra từ những cánh hoa được cắt xén
Từ ái ngại nó chuyển qua thương anh rồi tội nghiệp anh như một nhà thơ nhát gan
Bây giờ cây kéo kiểm duyệt không phải là khách, nó có hộ khẩu thường trú trong trái tim anh
Trước sự dửng dưng vô cảm của anh, nó cắt xén không thương tiếc những bông hoa cảm nghĩ của anh, kể cả những búp chưa kịp nở
Nó lạnh lùng nhưng đôi khi cũng nói. Nó không nói anh nhát gan, nó nói anh hèn...

Một bài thơ nói nhiều điều về sự sáng tạo, về thói quen và nhiều thứ khác mà chúng ta cứ vô tình cho nó tự tiêm nhiễm, tự đầu độc mình trong quá trình sống với con người. Một sự cảnh tỉnh về thói quen trong nếp nghĩ suy phần nào khá đơn giản của nhiều người trong xã hội chúng ta.

TP Hồ Chí Minh, Tháng 6.2013
PHẠM SỸ SÁU

 ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:





BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...