Chuyện kể rằng: Hồi chiến tranh chống Mỹ, làng quê ông có
đơn vị bộ đội về đóng quân. Nhà của cậu bé Trường được mấy chú vô cùng vui tính đến ở. Mấy ngày vui nhộn qua nhanh, các
chú được lệnh hành quân “đi B”.
Buổi chia tay
diễn ra bịn rịn, một chú ngập ngừng mãi rồi đưa cho mẹ của cậu bé Trường
một chiếc túi nhỏ đã gói kỹ. Chú bộ đội ấy nhờ mẹ cậu giữ hộ đợi chiến thắng
xong sẽ về xin lại. Mẹ của cậu bé Trường đã giữ chiếc túi “bí mật” ấy một tháng
rồi một năm vẫn không thấy người quay lại. Cho tới ngày mẹ cậu qua đời nhưng
“chú bộ đội” kia vẫn chưa về nhận lại (có thể anh đã hy sinh). Cậu bé Trường nhớ có lần mẹ nói: Mở chiếc túi ấy ra
ngộ nhỡ chú ấy quay về thấy túi không còn nguyên vẹn thì chú ấy lại trách
mình không tốt.
Nhà văn Nguyễn Trường
Như có sự thôi
thúc phải nói ra những điều những chuyện nghĩa tình nhưng vô cùng đơn sơ ấy mà anh bộ đội trẻ tên Trường
ở nơi chiến trường biên giới Tây Nam náo nức cầm bút. Những truyện ngắn đầu
tiên của anh là những câu chuyện về bộ đội và về cuộc chiến đấu của mình
của đồng đội mình. Như nhà văn Sương
Nguyệt Minh đúc kết: “Có ba loại người viết về chiến tranh. Loại thứ nhất là
“xem người ta đánh nhau” rồi viết. Loại thứ hai là “đọc, nghe, xem” rồi viết.
Loại thứ ba là “can dự vào cuộc chiến tranh” mà viết”.
Nguyễn Trường
là “loại người thứ ba” tức là “người can dự vào chiến tranh” viết về chiến
tranh. Với lối hành văn mộc mạc, chân thật, đôi khi còn đơn giản những
câu chuyện “thời chiến” được khắc họa, được kể lại rất giàu chân thực và vẫn có
cái “ngồn ngộn” của không khí chiến trường.
Tiếp đó “Mộng
đế vương” tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 1992, đã đưa anh bộ đội Nguyễn
Xuân Trường trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam một năm sau đó. Một sự
thành danh không dễ dàng gì với những người viết trẻ, nhất là vào thập niên tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước.
Và như một sự khích lệ, nhà văn trẻ từ đây mang bút danh là Nguyễn Trường từ miền
Nam vác ba lô ra nhập học khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du. Khóa có nhiều người
theo học nhưng chỉ có Nguyễn Trường và Dạ Ngân đã là “nhà văn chính hiệu”,
hơn hẳn các bạn đồng lớp.
Mãn khóa, Nguyễn Trường trở lại miền Nam làm phóng viên rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản
Thanh niên chi nhánh phía Nam (hiện anh là Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Thanh niên).
Cứ tưởng như nghề biên tập sách, công việc lãnh đạo sẽ cuốn hút hết thời
gian dành cho sáng tác vậy mà với nhà văn Nguyễn Trường điều đó như giục giã
anh hơn. Bởi như anh đã tâm sự:
“Hình bóng quê hương với dòng
sông Mã cứ dồn lên thao thiết trong tâm thức anh, nó nhắc nhớ anh hãy viết và
viết”.
***
Tôi quen biết nhà văn Nguyễn Trường đã lâu và đọc văn của
anh cũng khá nhiều nhưng phải đợi lần cùng anh về thăm quê Thanh Hóa mới thấy hết
những điều mà Nguyễn Trường đau đáu.
Quê anh, một làng quê bình dị êm đềm nằm bên sông Mã. Đoạn chảy qua xã
Hà Toại, huyện Hà Trung bỗng nhiên sông Mã trở nên “yên ả”.
Vẻ yên ả đó chắc là vì đoạn sông này chợt uốn quanh con
đê giống một vành khăn xanh bao bọc lấy làng. Vẻ yên ả đó, tôi đã chứng kiến
trong chiều đầu đông hiu hiu gió lạnh. Dòng sông chợt bừng lên lấp lánh dưới ánh nắng chiều. Trên sông từng đoàn
chim kéo đàn bay mãi về tổ. Trong ánh hồng hồng của hoàng hôn rực rỡ ấy
tôi thấy Nguyễn Trường lặng đi suy
tư. Anh cứ tư lự lặng lẽ một mình ngồi đầu mũi thuyền mà nghĩ, mà chiêm
nghiệm, mà xôn xao.
Rời làng quê ra đi từ rất sớm nhưng nhà văn Nguyễn Trường
chẳng dễ xa quê. Ở nơi đó có mái nhà
yêu dấu thuở ấu thơ với câu chuyện thấm đẫm về những người mẹ tảo tần. Những
người mẹ năm xưa từng chắt chiu, từng nhường cơm sẻ áo chăm nuôi những người
chiến sĩ khi các anh dừng chân qua làng trước ngày vào trận.
Ở nơi đó có những
người mẹ quê nghèo lặn lội canh khuya thờ chồng nuôi con đã thổi vào hồn
nhà văn Nguyễn Trường những dư vị ngọt ngào. Ở nơi đó có cha anh, một nhà giáo làng thâm thúy mà vẫn chất chứa bao dung,
cha anh lúc rảnh thì cầm bút ghi lại những điều đúc rút, ông thành “nhà
văn của làng” viết sách mà không màng danh vọng chỉ mong góp nhặt câu chữ truyền
lại cho đời đã như gieo vào lòng
Nguyễn Trường niềm đam mê văn học.
Thì ra
vùng quê “con gà gáy ba huyện cùng nghe” này lại là nơi sản sinh ra nhiều nhà văn danh tiếng. Trước đó
là Hữu Loan, ông nhà thơ “màu tím hoa sim” người bên huyện Nga Sơn cách làng
anh một quãng đồng mùa chiêm chang chang trắng nước. Rồi Nguyễn Thế Phương, nhà chỉ cách nhà anh
chừng non đường đất, ông nổi danh ngay với tiểu thuyết đầu tiên có tên là “Đi
bước nữa”.
Nguyễn Trường
cầm bút. Dường như trong anh luôn cảm thấy mình còn mắc nợ với những người đồng đội của mình nơi chiến trường khói lửa. Anh còn cảm
thấy cái nghĩa tự mình phải trả cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầy
vinh quang nhưng cũng nhiều hy sinh mất mát. Những dòng chữ, những trang viết của
Nguyễn Trường cứ tuôn chảy như một sự
tri ân, như một cách biểu lộ cuộc đời chiến sĩ của mình một cách trân
quý nhất.
Rồi “Đêm chiến tranh” xuất hiện như một “sự thay đổi về cách nhìn cuộc chiến”.
Trong truyện ngắn này, Nguyễn Trường
kể một câu chuyện khiến người đọc cũng phải giật mình mà “tự đánh giá” lại,
một anh lính phía bên này và một người
lính phía bên kia cùng sống sót. Họ tỉnh dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác chết. Hai con người “sống”
đó tình cờ gặp nhau và như một
số phận.
Số phận như một
điều tất yếu theo đúng nghĩa đó là thay vì ý nghĩ “hận thù” và phải
“tiêu diệt” nhau thì họ vượt qua
“rào cản” đối địch để “dựa” vào nhau với ý nghĩ duy nhất là
“phải sống”. Họ cùng bước đi chật
chưỡng, cùng mò mẫm dò mình. Và qua đêm tới sáng, họ đã đi qua “cuộc chiến”
bằng “cách của mình” và bằng “con đường” của mình. Chuyện chỉ có thế nhưng gợi cho chúng ta một suy nghĩ. Suy
nghĩ “Hòa hợp dân tộc”.
Tôi đã về quê anh chơi. Đứng trên núi Gủ phóng tầm mắt ra cánh đồng rặt màu vàng của lúa chín
khiến tâm hồ tơi cũng lây vui. Cũng trong hoàn cảnh như tôi khi ngắm cánh đồng
này, cô con dâu của nhà văn Nguyễn Trường, một cô gái Sài Gòn, lần đầu
tiên thấy được đã thốt lên “Quê của cha đẹp quá”. Và tôi cũng vậy, không thể
không thốt lên câu nói “đẹp quá”. Nguyễn Trường lặng im, anh kể cho tôi nghe
câu chuyện xưa dù đã là cổ tích nhưng
dường như chuyện ấy còn nguyên mới.
Chuyện kể rằng: Xưa có chàng Mai An Tiêm được nhận vào Triều làm con nuôi của vua. Ấy vậy mà
chàng trai vốn con nhà nghèo như “chuột sa chĩnh gạo” lại chẳng chịu cuộc sống
êm đềm đủ đầy trong vòng tay Vương giả. Chàng trai ngỗ ngược ấy chấp nhận lưu đầy khơi xa để mong cho mình
được là mình đúng nhất. Hòn đảo “dưa hấu” nơi chàng họ Mai bị lưu đầy giờ là một ngọn núi nằm sâu trong đất liền.
Những ngày còn nhỏ Nguyễn Trường
thường cùng lũ bạn chạy lên đó chơi. Bạn thì chơi nhưng Trường thì ngẫm, chuyện cũ tưởng nói cho vui đâu ngờ đó lại là bài học
răn dậy làm người tự thân tự lực. Nỗ lực vươn lên như đã vận vào mỗi người con từ trong tiền kiếp.
***
Giờ đã
“U60” nhưng văn lực của nhà văn Nguyễn
Trường đang độ sung mãn. Truyện ngắn in mới nhất “Vương quốc mộng mơ” của anh được nhà phê bình
văn học Hồng Diệu “thích ra mặt” (“Mộng đế vương”, tốp 10 truyện ngắn hay Báo
Văn nghệ 2017). Nhà phê bình này đưa ra gợi ý là Nguyễn Trường nên chỉnh lý lại tiểu thuyết “Mộng đế
vương” và đưa truyện ngắn này vào như một chương thêm mới. Bởi như Hồng Diệu khẳng định “nó sẽ nâng tầm tiểu
thuyết lên cao hơn”. Kể cũng hay hay, một phần tư thế kỷ “trong lòng bạn
đọc” mà vẫn như còn khơi gợi, còn nối tiếp?
Tôi đứng bên nhà văn Nguyễn Trường nhìn sông Mã buổi
hoàng hôn. Ráng chiều bừng lên ánh hồng nhuộm đỏ sắc sông. Nhận lại mình. Tìm lại
mình trên nền ký ức hình như bao giờ
cũng cho ta sự thấm thía lắng sâu. Cuộc sống không ngừng trôi chảy như chính dòng
sông Mã của quê hương anh vậy.
Dòng
sông không bao giờ lặp lại chính mình. Dòng sông luôn mới mẻ. Sự triết lý giản
dị vậy mà ý nhị biết bao.
NGUYỄN TRỌNG VĂN
Nguồn: NVTPHCM
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: