Sớm nay, tôi tới
nhà thăm ông. Đi dọc xa lộ Hà Nội, rẽ vào con phố lớn, để rồi bất ngờ va vào một
hẻm nhỏ. Nhà ông ở tận cùng hẻm. Nếu không phải nhà thơ Từ Hồng Sơn dừng xe chỉ lối, thì không thể
nghĩ phía sau cánh cửa sắt bít bùng hoen rỉ, bé chỉ vừa đủ một người dắt xe
vào, ập vào là cây không được cắt tỉa chặn lối, đường đi đất mấp mô, không rải
sỏi xây gạch, có căn nhà và nhà thơ
Phan Vũ đang ở đó.
Nhà thơ Phan Vũ và con gái - nhà báo Việt Nga
Ông ngồi chờ
chúng tôi trên ghế bành, theo lời hẹn trước trên facebook, với ánh mắt tươi, nụ
cười rộng rãi, ngay trên bậc cửa trong phòng ở vẽ, nơi nhìn thẳng ra mấy gốc cây già. Nhà thơ Phan Vũ mặc chiếc quần kaki hộp, áo
phông, đeo kính, thoáng thấy chúng tôi, đứng dậy từ xa, đón khách. Trông phong
thái ông quá trẻ trung so với tuổi 92. Ông hỏi chuyện, giọng trầm ấm nhẹ nhàng
rồi dẫn chúng tôi qua xưởng vẽ nhỏ để vào phòng khách.
Trong phòng khách, la liệt là tranh nhà thơ Phan Vũ vẽ, chủ yếu là những bức chân dung người
thân. Ông kể chuyện đi xe taxi về một mình giữa đêm, sau buổi gặp mặt độc
giả yêu mến thơ ông tại quán caffe
Lê Văn Sỹ, bị mất điện thoại, nên không thể liên lạc được với tôi. Thói quen của
ông, là trò chuyện trên facebook, còn nếu gọi điện thoại, thường do nặng
tai và tính lơ đãng, nên sẽ
khó mà trao đổi nhiều thông tin được với ông. Nhưng nếu ngồi cùng nói chuyện,
thì nhà thơ Phan Vũ nắm rất nhanh vấn
đề, hiểu ngọn nguồn, và với những thông tin không được vui, thì ông cười xoà. Điều quan trọng nhất sau mọi chuyện,
với ông, đó là tình cảm, đó là niềm vui mà con người còn có thể mang tới cho nhau.
Trong ngôi nhà nhỏ giữa vườn um tùm cây, đầy dấu vết xưa cũ hoang hoá, nhà thơ Phan Vũ ngồi dựa vào
ghế gỗ, nhìn ra ngoài song cửa, nơi có tàng mai chiếu thuỷ đung đưa hoa trong gió, nhẹ nhàng toả hương thơm,
rồi ông quay lại nhìn tôi và nhà thơ Từ Hồng Sơn đầy trìu mến tha thiết, ngỡ như là người thân của nhau từ xưa xa rồi. Ông uống
bia với cốc đá đầy, dáng đi nhanh nhẹn hơn, không còn phải chống gậy như hôm giới thiệu trường thi “Em ơi, Hà Nội
phố” trước công chúng yêu thơ Sài Gòn.
Nhắc đến nhà thơ Phan Vũ, tác giả của những thi từ trong “Em ơi, Hà Nội phố” mà nhạc sĩ
Phú Quang phổ nhạc, nhiều người không rõ ông hiện ra sao, thậm chí, cũng
không rõ ông là tác giả của lời ca ấy. Bài thơ: “Em ơi, Hà Nội phố” được viết vào tháng 12 năm 1972, vào đợt Hà Nội đang
chịu đau dưới làn bom B52. Trong căn gác nhỏ ở phố Hàng Bún, vợ con đã
đi sơ tán, nghe tiếng loa vọng từ ngoài phố: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!”,
cùng những trái bom rơi phá nát nhà
ga Hàng Cỏ, các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Quý Cáp, Nguyễn Khuyến, các khu lao động, Bệnh viện
Bạch Mai chịu bốn đợt ném bom, chỉ riêng sáng 22/12, 100 quả bom đã lấy đi sinh
mạng của 28 nhân viên đang làm ở đây, và làm 22 người bị thương, toàn bộ sáu khối phố Khâm Thiên bị
xoá sạch trong một đôem, giết chết 287 người trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ…
12 ngày đêm B52 trải thảm Hà Nội ấy, đã làm nhiều gia đình không còn ai
sống sót, nhà thơ Phan Vũ đã
cho ra đời những vần thơ để mong giữ lại Hà Nội, dù là trong tâm tưởng, với niềm tin mạnh mẽ, Hà Nội luôn còn,
“ta còn em”...
“Em ơi Hà Nội phố
Ta còn
em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhoè,
chợt hiện
Chợt lung
linh ngọn nến
Chợt mong
manh một dáng một hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình không nhớ nổi một con đường…”
Nhà thơ Phan
Vũ, với cá tính nghệ sĩ, thường không thuộc được thơ mình, những lúc ngẫu
hứng làm một bài thơ, nếu khi ấy
không có ai ghi chép lại, sẽ trả lại về hư vô. Vì thế, “Em ơi, Hà Nội phố”, được dựng lại từ những
người thân quen, mỗi lần ông đọc lại, sẽ có sự thay đổi nào đó, và lại được viết
mới thêm lần nữa.
Trải qua 45
năm, cho đến hiện tại, bản đầy đủ nhất của “Em ơi, Hà Nội phố”, với 443 câu,
chia thành 24 đoạn. Để có được bản thảo cuối cùng này, nhà thơ Từ Hồng Sơn cùng
Trịnh Du - người cháu nhỏ thường bên ông, chụp ảnh chân dung ông theo cách tình
cảm thân thương - đã bên ông
để giúp ông tự ghi nhớ, chỉnh sửa lại từng câu, từng dòng, từng đoạn. Với ông,
mọi thứ không có gì đặc biệt cả, chỉ cần thư thái, vui. Trước khi làm thơ, Phan Vũ là tác giả kịch bản, đạo diễn
sân khấu, đạo diễn điện ảnh, họa sỹ. Ông nhớ lại: Ngày đó, tôi vào làm ở tạp
chí Giai Phẩm, thấy anh Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… làm thơ hay quá, thế là
cũng làm theo. Đọc xong mấy câu thơ của tôi, các anh bảo tôi viết được, và động
viên tôi tiếp tục. Tôi làm thơ nhưng không bao giờ nhớ được bài thơ nào của mình
cả, cứ làm xong rồi quên, nên luôn phải có cô nào đó thương mà ngồi chép lại.”
Thơ của Phan
Vũ trái với niềm vui hân hoan của ông, là sự cô đơn xanh ngắt, luôn in bóng hình
của một nỗi nhớ mông lung. Niềm yêu thương mỗi góc phố, mái nhà, tán cây, bóng nắng hay ngọn gió lạnh đầu mùa se
sắt, ẩn sau mỗi câu thơ đau đáu nỗi niềm Hà Nội. Ông viết về Hà Nội, nhẹ như
hơi thở, mà tình yêu thương
cũng lâng lâng u hoài.
“Rồi sẽ có
một vang âm từ cây đàn vẫn treo đâu
đó khi hơi
gió hững hờ lướt qua sự căng thẳng của dây tơ
Một tia nắng
quái chiều xuyên qua đám sương mù kỷ niệm
Một tiếng
chum hót trên ô cửa dẫu trong phòng chỉ mở một ô vuông
Ta tìm thấy nụ cười ngả màu vàng úa trong tấm hình giữa trang sách cũ bỏ quên”
(1957 - Đợi chờ - T.5 “Thơ Phan Vũ”, Nxb Văn Học 2008)
Gặp Phan Vũ, mới hay, không phải ông cần tỏ ra là người có khí phách, mà thực ra, ông rất đỗi
hồn nhiên. Ông kể mọi chuyện, kể cả những mối tình cũ mà không cần che
giấu. Ông nói về những cô gái xưa,
không phải như lời đồn đại ông “đi bảy bước là có một chuyện tình”, mà họ
đến với ông vì thương mến, và ông
cũng thú nhận rằng, không có một phụ nữ ở bên, nhiều khi chỉ để miệt mài chép lại
những câu thơ chợt nảy sinh trong tâm hồn, ông khó lòng mà làm thơ được. Chuyện tình cảm nảy sinh,
đơn giản chỉ là một cái nắm tay, anh ở lại với em được không? Phan Vũ là người mê phụ nữ, cho đến bây giờ, sự mê mệt ấy
cũng không vì năm tháng mà vơi
đi, không cần khoảng cách tuổi tác, cứ càng đẹp thì ông càng đắm đuối.
Dĩ nhiên, ông không bao giờ che giấu cảm xúc ấy của mình, kể cả ngồi sát cạnh
là vợ, thì ông vẫn không ngại ngần nói với người phụ nữ mới quen: “Em rất đẹp!” rồi ngẩn ngơ ngắm.
Có lẽ, vì
nhà thơ Phan Vũ, suốt tuổi thanh
xuân, đến khi tóc bạc, ông sống trong tinh thần chính mình, sự việc bên
ngoài có bất cứ gì xảy ra, cũng không làm ông giảm đi niềm tích cực. Cái hay của
Phan Vũ, là những ký ức buồn, chẳng thể bám vào tâm trí ông. Kể chuyện xưa, ông còn chỉ có những niềm vui,
vẻ đẹp của phố, của tâm hồn người. Mở lời ra, ông sẽ có lời khen, bằng sự trải
nghiệm tinh tường của một người đã đi qua biết bao buồn vui sóng gió, mà cũng dễ
để quên đi. Gặp nhà thơ Phan Vũ, trò
chuyện cùng ông, sẽ thấy ngay một tinh thần đẹp trong tâm hồn đẹp, nỗi trong vắt
của một người sinh ra để làm nghệ thuật một cách rất tự nhiên, thuận thiên.
Lúc này, nhà thơ Phan Vũ thêm niềm vui, sau khi hoàn chỉnh bản thảo, là in tập thơ “Em ơi,
Hà Nội phố” ấy, gửi tới những ai yêu mến thơ của ông. Ông nói, không cần tặng
sách, cũng chẳng muốn lấy tiền, chỉ cần thơ in, là thấy vui rồi.
Một người bạn
tri âm từng gọi nhà thơ Phan Vũ là “Alexis Zorba” – con người hoan lạc. Một
nhân vật trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nikos Kazantzaki – không vì
bất cứ điều gì để mất đi niềm vui sống của mình. Và quả thực, đó chính là con
người bên trong của nhà thơ Phan Vũ.
Nhờ sự tích cực như thế, mà đến bây giờ, những nỗi niềm của ông, còn là
bao cảm xúc trong vắt như thủa thơ
ngây. Có lẽ vậy, nên nhà thơ Phan Vũ, mãi mãi thanh xuân, với đôi mắt
tròn to ngây ngô sau cặp kính tròn trắng, vẫn nụ cười hiền hoà xuề xoà, thời gian không xoá nhoà đi
hết vẻ đẹp lịch lãm của chàng trai Hải Phòng xưa thời thanh xuân.
QUỲNH TRANG
Nguồn: Đại Đoàn Kết
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: