Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Khen thì dễ

Không biết trong một ngày ở Việt Nam có bao nhiêu cuốn sách văn học được ra đời và bao nhiêu cuộc giới thiệu sách được mở ra? Hầu như cuốn sách nào đã tham gia công cuộc ra mắt đều được tâng bốc lên tận trời mây, bất kể tác giả của nó có danh hay vô danh.
Một thời kỳ văn chương Việt tuy chưa nhuận sắc nhưng lực lượng nhà văn, nhà thơ được công nhận lẫn tự xưng, ngày một hùng hậu. Đã thế sự sinh nở của nhiều người trong số họ lại rất dễ dàng thành ra dễ dãi. Cứ đà này chẳng mấy chốc sẽ đúng như lời Tản Đà: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”.

Nhà văn Bảo Ninh từng trách bạn mình, một người nổi tiếng với vai trò MC ở các cuộc ra mắt sách: “Tại sao ông đi ca ngợi con bé ấy?”. Bảo Ninh đùa mà đau: “Ông mất nết rồi”. Nhưng đâu phải mỗi ông bạn của Bảo Ninh “mất nết” giữa thời khen nhau thì dễ, chê nhau thì khó. Còn nhớ trường hợp đáng xấu hổ của vị giáo sư tự phong Hoàng Quang Thuận. Mang tiếng là người làm khoa học nhưng dư luận chủ yếu biết đến “tài” thơ của ông. Có tờ báo từng giật “tít”: “Hoàng Quang Thuận: Thơ Thiền dự giải Nobel”, trong đó có đoạn: “Cả hai tập thơ của Hoàng Quang Thuận đều đã được gửi đi Thụy Điển tham dự giải Nobel văn học. Nhưng đơn vị đề cử là (…) chứ không phải là tác giả. Ông bảo, tôi không giữ lại gì cả (...) nếu được giải Nobel thì cũng thuộc về Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”.

Kết cục, bao giải Nobel văn học đã được công bố nhưng không thấy cái tên của người có khả năng sản xuất 121 bài thơ trong một đêm được xướng lên! Cũng vì thế kẻ từng được vinh danh nhiệt liệt đã rơi đau từ mây xanh xuống đất. Mới thấy, sự đánh bóng và tự đánh bóng phải trả giá đắt thế nào.

Người ta hay nói đến hiện tượng xấu trong văn chương Việt hiện nay, đó là nạn “đạo”. Nguyên nhân căn bản khiến người viết phải “cắp” văn của nhau chính là sự kém tài lại háo danh. Chẳng ở đâu người ta nức nở khen nhau vô tổ chức như trong lãnh địa văn chương ở ta. Mới đây, tác giả “Đội gạo lên chùa” ra mắt tiểu thuyết mới “Chuyện ngõ nghèo” sau nhiều năm thai nghén. Bản thân nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ: “Sách in xong tôi thấy vui lắm, vì đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết về Hà Nội, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình”. 

Ông chia sẻ giản dị như cách ông đặt tên tiểu thuyết. Nhưng “đứa con” của Nguyễn Xuân Khánh đã được tung hô: Tác phẩm đặt ra câu hỏi lớn cho loài người, mang tính nhân loại v.v.. Có nhà văn nổi tiếng đọc “Chuyện ngõ nghèo” đã lại “ngửi” thấy “mùi” Nobel cho văn học Việt Nam. Tất nhiên Gabriel Garcia Marquez có thể biến cái làng Macondo vượt ra ngoài biên giới thì chuyện nuôi lợn trong thời kỳ khốn khó của Nguyễn Xuân Khánh cũng có thể vang xa. Nhưng sao không đợi câu trả lời của thời gian? Phải chăng ta đang “khát” Nobel, nên bất cứ tác phẩm ấn tượng nào ra mắt, cũng khiến không ít người mơ giấc mơ Nobel. Không ai đánh thuế những giấc mơ nhưng cũng không ai cứu vãn sự hẫng hụt khi tỉnh giấc. 

MIU MIU
Theo Tiền Phong



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...