Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Hồ Thế Hà - Người tách vỏ trong ngôi nhà tâm hồn

Hồ Thế Hà sinh năm 1955. Quê ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nội ngoại của Hồ Thế Hà thuộc dòng dõi danh tiếng. Cha mẹ là những trí thức Nho giáo, nhưng nhanh chóng tiếp cận, hấp thụ văn hoá, tư tưởng phương Tây trong quá trình Pháp khai thác thuộc địa.

Cậu ruột là trí thức Tây học, dạy dỗ ông học tiếng Pháp. Hồ Thế Phất, anh trai Hồ Thế Hà, là một nhà thơ, người nhân thêm niềm say mê, yêu thích văn chương cho em trai. Chính nền giáo dục Đông và Tây, Hán học và Tây học trong gia đình của Hồ Thế Hà đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, tính cách của ông. Sau này, thơ ông cũng thế, là sự đi về giữa truyền thống và hiện đại. Ý thức cội nguồn và ý thức đổi mới giao thoa, tạo nên một thi pháp thơ Hồ Thế Hà vừa bình dị, gần gũi vừa thâm trầm, triết lý.
PGS-TS Hồ Thế Hà

Cuộc di cư sau năm 1954, ngỡ 2 năm nhưng lại kéo dài đến 20 năm, buộc lòng cha Hồ Thế Hà lập gia đình mới ở ngoài Bắc. Trong Nam, một mình mẹ ông tần tảo nuôi 7 người con. Hồ Thế Hà lớn lên thiếu vắng tình cảm của người cha. Hoàn cảnh này là cú hích, biểu thị những sang chấn cô đơn, trống trải tâm hồn, mà thơ ông là một thực chứng. Nhưng ông được bù đắp bằng lời ru, lời ca ngọt ngào và sự nuôi nấng, dạy dỗ hết lòng của mẹ. Thơ ông, vì thế, thiên về tính nhu, câu chữ mềm mại, uyển chuyển, cảm xúc dạt dào…

Sau 20 năm, thương đau được hoà giải. Cha mẹ ông đã có những ngày tháng sum vầy lúc cuối đời. Còn ông, lại có thêm tình sâu của người mẹ thứ hai và nghĩa nặng của những người em nơi đất Bắc. Móc xích đoàn tụ - chia cắt - đoàn tụ xảy ra trong gia đình ông, theo tôi, là một tổn thương ngầm chảy suốt cuộc đời ông. Tất cả tràn/ dội vào thơ, tạo nên những điệp thức cô đơn, buồn đau, nhớ nhung, khát thèm… ám ảnh khôn nguôi.

Chính nguồn thơ ngọt ngào bên mẹ, vùng quê giàu bản sắc đã thấm sâu và nuôi dưỡng ông, để rồi ông dứt khoát chuyển tình yêu toán học sang tình yêu văn chương. Cuộc đổi thay này hoàn toàn hợp lý với tính cách, con người cũng như hoàn cảnh xuất thân của Hồ Thế Hà. Sau ba năm (1978-1981) tình nguyện tham gia chiến đấu giải phóng nhân dân Campuchia, ông trở thành sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế (1981-1985). Ông ở lại giảng dạy tại Đại học Huế và giữ nhiều chức vụ như trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam, Phó Trưởng khoa Ngữ văn... Ông học tiến sĩ và được phong PGS vào năm 2005.

Hồ Thế Hà sinh ở Bình Định nhưng lại chọn Huế là nơi khởi đầu nghiệp văn chương. Ông sinh sống, lập gia đình cũng tại vùng đất thơ mộng này. Trong con người Hồ Thế Hà, vì thế, luôn chịu ảnh hưởng hai dòng chảy văn hóa. Một dòng chảy của vùng đất văn hóa cổ xưa Bình Định và một dòng chảy của xứ thần kinh Huế. Ngoài những giá trị văn hóa như tháp chàm Chămpa, nghệ thuật hát bội, bài chòi, nhạc võ Tây Sơn, múa hát bả trạo... Bình Định còn là vùng đất của văn chương và thi ca. Thơ của Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Khuê, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân, Nguyễn Quý Luân, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo... đến Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Nguyễn Lam Vũ, Phú Sơn... không chỉ khẳng định truyền thống rực rỡ của thơ ca Bình Định mà còn trở thành nguồn động lực, cỗ vũ, nuôi dưỡng tâm hồn yêu thơ của những thế hệ thi sĩ sau này. Bề dày lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống cùng với phong cảnh đặc trưng, thơ mộng của sông Hương núi Ngự đã hình thành nên thế mạnh của Huế - trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước và xứ sở của thi ca. Do đó, kinh đô Huế quy tụ rất nhiều thi nhân. Huế trở thành nguồn cảm hứng của nhiều bậc nhân tài như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thời Nhậm, Tự Đức, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Am, Phan Đình Phùng, Tản Đà,... Và đất thần kinh này đã từng tạo nên dòng chảy đổi mới cho Phong trào Thơ mới với sự xuất hiện của Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính... Tiếp đó, những thi sĩ như Hải Bằng, Trần Vàng Sao, Hải Bằng, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Hồng Nhu, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Trần Hoàng Phố… cũng góp phần khẳng định sắc thái rất riêng của thơ Huế. Hồ Thế Hà may mắn được nuôi dưỡng trong hai vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa này. Con người và vùng đất Huế - Quy Nhơn, vẫn xuyên suốt hành trình thơ ông. Đất và người Quy Nhơn trở thành những hồi ức đẹp, bồi đắp cảm hứng nguồn cội cho thơ của Hồ Thế Hà: “Đêm thượng huyền ai quỳ bên mộ trắng/ Lời thi nhân run rẩy phía cung Hằng/ về nằm mộng thấy một nàng tiên khóc/ Ngồi trong sương cùng Tử và trăng” (Xuân muộn với Quy Nhơn – Xác thu). Còn Huế, là nơi Hồ Thế Hà gửi gắm bản thể, tình yêu và tiếng nói đời thường: “Sông Hương đã từng chứng kiến và lưu giữ ảnh hình/ Nỗi đau nhiều hơn niềm vui, nụ cười ít hơn nước mắt/ Vậy mà hai bờ xanh mộng mị/ Sông nhân tình hóa giải mọi bi ai” (Sông Hương – Thuyền trăng).

Hồ Thế Hà có biệt tài thuộc rất nhiều thơ. Cái lạ là ông đâu chỉ thuộc thơ mình mà còn thuộc nhiều thơ của người khác. Trong những cuộc gặp gỡ bạn bè, ông đọc vanh vách, cảm xúc lắng vào từng chữ từng câu. Lợi thế ấy càng nhân đôi khi ông chọn lựa con đường dạy học. Trong mỗi giờ giảng, những nhiệt huyết, mê say với văn chương đều được ông vun đắp, truyền sang cho sinh viên. Chính vì vậy, nhắc đến thầy Hồ Thế Hà, thế hệ sinh viên nào cũng dành một tình cảm quý trọng, mến yêu. Không chỉ thực hiện tốt trọng trách cao quý của nghề giáo, Hồ Thế Hà còn sáng tác thơ, và chuyển tải những phương cách tiếp cận tác phẩm văn học thông qua các công trình nghiên cứu, phê bình của mình. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã in 6 tập thơ: Khoảnh khắc (1990), Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996), Thuyền trăng (2013), Tơ sương (2015) và Xem mơ (2018). Ngoài hơn 20 công trình in chung, Hồ Thế Hà còn in 9 tập chuyên luận, tiểu luận – phê bình: Sức bền của thơ (tiểu luận - phê bình, 1993), Thức cùng trang văn (tiểu luận - phê bình, 1993), Tìm trong trang viết (tiểu luận - phê bình, 1997), Thao thức thơ (bình thơ, 2004), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (chuyên luận, 2006), Những khoảnh khắc đồng hiện (tiểu luận - phê bình, 2007), Tiếp nhận cấu trúc văn chương (tiểu luận - phê bình, 2014), Khoảng lặng thơ (bình thơ, 2018) và Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung (chuyên luận, 2018). Công sức đó của ông được đền đáp bằng nhiều giải thưởng như: Giải thưởng VHNT Cố Đô của tỉnh Thừa Thiên - Huế lần 2 (1993-1997) và lần 3 (1998-2003); Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế các năm 1993, 1997, 2003; Giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1998...

Chất thơ sống trong ông từ thuở nhỏ, chưng cất, nhem nhóm trong lời ru của bà, của mẹ. Do đó, đứa con tinh thần đầu tiên của Hồ Thế Hà thuộc về thơ là đương nhiên. Sau này, quá trình viết nghiên cứu, phê bình, thêm lần nữa, cho ông những trải nghiệm mới. Nghiên cứu, phê bình là nền móng để Hồ Thế Hà xác tín chất lượng thơ. Việc ông xen kẽ giữa sáng tác thơ với nghiên cứu, phê bình, và có phần nhỉnh hơn ở thể loại nghiên cứu, phê bình, theo tôi, có hai lí do. Với một người ham học hỏi, nghiên cứu và đặc biệt là tình cảm trìu mến với bạn như Hồ Thế Hà thì việc ông dành phần đa thời gian để viết về người khác không có gì lạ. Viết về người nổi tiếng đã đành, nhưng ông còn viết về những người bạn thân hữu của ông, những cây bút thơ trẻ, nhằm động viên họ trên con đường đến với thi ca. Nghĩa là Hồ Thế Hà luôn vì người khác trước khi vì mình. Song, lĩnh vực nghiên cứu, phê bình không thể giải tỏa hết những nỗi niềm riêng tư, mà chỉ có thơ mới giúp người nghệ sĩ sống thực với cái tôi bản ngã của mình. Cho nên, Hồ Thế Hà sáng tác đồng thời ở cả hai thể loại.

Trong các thể loại, Hồ Thế Hà nghiêng về nghiên cứu, phê bình thơ hơn. Từ nỗi Hồ Thế Hà là một thi sĩ dạt dào tình cảm, ân tình. Đối với nghiên cứu, phê bình, nhất là loại thể thơ, ông luôn thể hiện sự tinh tế, ý nhị trong cảm thụ, nhạy bén trong phát hiện. Chất nghệ sĩ giúp Hồ Thế Hà nhập cả cái tình, cái hồn của mình vào mỗi trang phê bình. Ông đồng cảm với tiếng lòng của tác giả, chỉ ra cái tôi bản thể “đã chín” của thi sĩ… Sức nặng phê bình của ông ngoài biểu hiện một tư duy khoa học còn có sự thăng hoa của cảm xúc, đồng điệu tâm hồn. Ông dùng cái tình của mình sẻ chia với tác giả, khúc xạ sang độc giả, tạo nên sự kết nối bền chặt… Nếu vận quan niệm người thế nào văn thế ấy vào Hồ Thế Hà, cũng không sai. Lối diễn đạt trang nhã, đằm thắm, cho thấy khả năng phát hiện, khái quát phong cách, điệu hồn của các tác giả hết sức tế vi của ông. Phê bình thơ của ông, đo đó, cộng hưởng hai yếu tố: học thuật và nghệ thuật. 

Từ năm 1990 đến nay, Hồ Thế Hà chỉ in 6 tập thơ. So sánh với sản phẩm của các nhà thơ gạo cội khác, điểm dừng chân của Hồ Thế Hà khá lâu. So sánh với thơ của các cây bút nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp, số lượng thơ Hồ Thế Hà vượt hơn hẳn. So sánh như thế ắt có phần khập khiểng. Bởi, chất lượng tác phẩm quyết định chứ không phải số lượng. Nhưng điều tôi muốn khẳng định, chất triết lý, khoa học trong nghiên cứu, phê bình được Hồ Thế Hà vận dụng trong thơ, mang đến những vần thơ giàu trí tuệ. Những cảm xúc, tình cảm chân thành trong thơ cũng góp phần làm mềm mại văn phong nghiên cứu, phê bình của Hồ Thế Hà. Vì thế, giữa nghiên cứu, phê bình và thơ của Hồ Thế Hà luôn có một sự giao thoa, ràng rịt khéo léo.

 Ngoài trí tuệ, năng lực cảm xúc và cá tính của người viết nghiên cứu, phê bình rất quan trọng. Cảm xúc nhằm bổ sung sức thuyết phục, quyến rũ cho văn phong, chứ không nhằm để sự chủ quan phán xét, chi phối, thâu tóm, còn cá tính nhằm định danh tiếng nói, bản sắc riêng biệt của người viết nghiên cứu, phê bình. Có thể nói, sự nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và tác phẩm, giữa tư duy sắc sảo của một nhà nghiên cứu, khoa học và tâm hồn tinh tế của một thi sĩ đã nâng giá trị, chất lượng cho những trang viết của Hồ Thế Hà.

HOÀNG THUỴ ANH
Theo Văn Nghệ số 33/2019

TIN VĂN KHÁC:



Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Danh và thực

Không phải đến giờ người ta mới rộ lên những thông tin về việc đào tạo tiến sĩ một cách ồ ạt, tiến sĩ rởm, tiến sĩ từ xa, tiến sĩ sáu tháng, cấp tốc, lò ấp tiến sĩ, tiến sĩ giấy,… Từ xưa đã có hiện tượng này. Chính vì thế, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã phải thốt lên: Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông Nghè có kém ai/…/ Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh ấy mới hời (Tiến sĩ giấy).

Nếu chỉ quan sát và phê phán tình trạng đào tạo tiến sĩ một cách tràn lan, vô tội vạ, kiểu “mỗi ngày một tiến sĩ” là sự xuống cấp, tệ lậu của bậc giáo dục sau đại học e rằng chưa thực sự thấu đáo vấn đề. Và như thế, căn nguyên, cốt lõi, bản chất của hiện tượng này vẫn chưa được nhìn nhận một cách hợp lí. Đồng ý rằng, việc đào tạo tiến sĩ như ở ta hiện nay đang làm cho danh vị tiến sĩ trở nên rẻ rúng, tầm thường hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cũng phải thấy được vì sao lại có hiện tượng đó. Cái nhìn từ gốc, từ căn tính dân tộc, từ nền tảng lịch sử xã hội, văn hoá Việt Nam giúp chúng ta lí giải được nhiều hiện trạng xã hội, trong đó có hiện tượng “ra ngõ gặp tiến sĩ” như hiện nay.

Từ xưa, trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp, ông nghè, ông cống, ông cử, ông tú, ông đồ… luôn là những bậc đức cao vọng trọng trong xã hội. Có danh ắt có vị, có vị ắt có lợi (“phong kiến” vốn mang nghĩa là phong tước - danh vị và kiến địa - đất đai, quyền lợi). Bởi thế, dân gian vẫn truyền nhau câu nói: Tốt danh hơn lành áo. Thế rồi, có danh, nghĩa là có được vị trí. Trong xã hội Việt Nam, vị trí rất quan trọng: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Bởi vậy, ai ai cũng đua chen để có được cái danh, để kiếm được vị trí giữa làng, đình trung, tiên chỉ,… để rồi có được cái lợi từ danh, từ vị. Người ta bằng mọi giá để có được danh. Người thì học hành thi cử đàng hoàng, sôi kinh nấu sử mong có ngày “vinh quy bái tổ”, nhưng cũng có người bằng những con đường khác mà có được danh, vị. Thế nên, trong xã hội xuất hiện tình trạng mua danh, bán tước. Âu cũng là lẽ thường của một xã hội vốn phát triển trên nền tảng trọng danh - vốn là tâm thức của cộng đồng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp lúa nước, nghèo túng và luôn bất an, lo âu.

Đặc tính trọng danh của xã hội Việt Nam (xưa) còn được tiếp sức bởi những thiết chế xã hội khác mà tiêu biểu nhất là hình thức “tập ấm” (những điều kiện cho phép con cháu tiếp tục được hưởng lợi từ danh vị của cha ông) khiến cho việc phấn đấu có được cái danh càng trở nên quan trọng đối với người Việt Nam. Có danh, nhất là danh vị từ việc học, biến một người trở thành tầng lớp trên của xã hội trong cơ cấu: sĩ - nông - công - thương (nhất sĩ nhì nông). Sĩ trong cơ cấu này là đẳng cấp trên, hưởng đặc quyền và là tầng lớp chăn dắt, giáo hoá đại chúng. Tâm lí này dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ cũng đang hiện diện trong xã hội hiện nay.

Nhưng tại sao xã hội Việt Nam lại trọng danh đến như thế? Người có danh, tốt danh được xã hội tôn kính, ngưỡng vọng, đi cùng với quyền lợi và các lợi ích hữu hình, vô hình khác. Người dân Việt Nam vốn sống trong không gian kinh tế, văn hoá lúa nước, phụ thuộc vào thiên nhiên, bị động hoàn toàn trước các điều kiện ngoại cảnh. Tâm lí bất an Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng luôn khiến cho cư dân nông nghiệp thấy cần phải có một sự đảm bảo, một sự che chở nào đó từ bên ngoài, bên trên (sùng kính tâm linh, siêu nhiên). Danh vị, chức tước và đẳng cấp cũng chính là một giá trị mà cư dân nông nghiệp luôn ngóng vọng nhằm cứu vớt, giải toả trạng thái lo âu vì cuộc sống bấp bênh, bất trắc, thấp cổ bé họng, con sâu cái kiến của mình. Từ đó, lập công, lập danh trở thành nhiệm vụ hàng đầu của con người thời phong kiến. Và, trong niềm khao khát ấy, cái tiêu cực có cơ hội trổ rễ, đâm cành - tệ mua quan, bán tước.

Trong không gian đương đại, tình trạng lạm phát tiến sĩ có căn nguyên từ tâm tính dân tộc đã nói ở trên. Nghĩa là xã hội vẫn truyền thừa tâm lí trọng danh từ xa xưa. Điều đó cho thấy tính chất nông nghiệp của xã hội Việt Nam rất nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hội nhập của đất nước. Có nhiều người cho rằng, thực tế, đô thị, thành phố ở Việt Nam cũng chỉ là một cái làng (siêu làng) mà thôi. Trong cơ cấu xã hội nặng căn tính nông nghiệp, làng xã ấy, cái danh tiến sĩ trở thành công cụ, phương tiện để người ta có được vị trí, chức tước và quyền lợi. Cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm dựa trên bằng cấp (bên cạnh những ưu điểm) có những nhược điểm như không chú ý đến năng lực, hiệu quả công việc. Người ta đua nhau đi học lấy bằng tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đua nhau mở các mã ngành tiến sĩ, thạc sĩ. Học, thi không được thì mua, nhờ người học hộ, thi thay, làm luận văn, luận án hộ. Trên mạng còn có cả những địa chỉ công khai việc viết luận văn, luận án, đồ án thuê,… Những đề tài được thực hiện, bảo vệ xong thì xếp đó, thậm chí có những đề tài rất ngô nghê, buồn cười, không xứng tầm luận án (chỉ ngang một bài báo),… như báo chí đang chỉ ra. Dẫu như thế, người ta vẫn học, vẫn đào tạo, vẫn bảo vệ và bảo vệ thành công. Các tiến sĩ vẫn ra lò, vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ và tiếp tục được cất nhắc vào các vị trí quan trọng, quan trọng hơn,… Tất cả những diễn biến ấy không gì khác là sự hiện diện của tâm lí trọng danh gắn với tính chất “phong tước kiến địa” của xã hội Việt Nam từ xưa.

Có lần, trong bài phỏng vấn của một báo nọ, phóng viên hỏi tôi: Anh nghĩ sao về câu nói cửa miệng “ra ngõ gặp tiến sĩ” hiện nay? Tôi trả lời rằng, tiến sĩ kia cũng có năm bảy đường, chiếc áo không làm nên thầy tu, đừng quá quan trọng việc bằng cấp, danh vị, tiến sĩ chỉ là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, hãy xem họ làm việc thế nào. Một người quen của tôi, hiện đang làm giám đốc một tổ chức phi chính phủ, nói rằng, chẳng dại gì đi nhận một vị tiến sĩ không làm được việc - dẫu có thể mình sẽ được lót tay kha khá, để rồi công ty thất thu không biết bao nhiêu từ việc người này không làm được việc, không đem lại hiệu quả, thậm chí làm mất uy tín của công ty (tài sản hữu hình và vô hình). Cái mất đó nhiều hơn rất nhiều so với cái được riêng tư, lén lút kia. Xã hội Việt Nam đang trên đường hội nhập. Chơi với thế giới phải biết luật (trong khi chúng ta vốn nặng về lệ và tục) và có đủ trình độ, năng lực. Bằng cấp thực sự rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn vẫn là khả năng thích ứng, đáp ứng và hiệu quả công việc mà một người lao động có thể thực hiện được. Cơ cấu lao động, ngành nghề, vị trí việc làm, các lợi ích gắn với người lao động thiết nghĩ cần phải dựa trên nền tảng năng lực của cá nhân trong tương quan với nhu cầu của xã hội, thời đại. Có như thế, cái danh mới (phải) gắn với cái thực, thực làm nên danh, và vị trí, quyền lợi phải xứng với danh và thực của người sở hữu danh vị.

NGUYỄN THANH TÂM
Theo VNQĐ


Nhà văn Trương Anh Quốc: Những câu văn được vớt lên từ biển

"Sóng biển rì rào" được nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá cao, khi ông cho rằng: "Trương Anh Quốc có lối dẫn truyện độc đáo và nhiều bất ngờ. (…) Bất ngờ mà hợp lý, điều ấy bao giờ cũng đòi hỏi sự lành nghề văn chương. Hiếm có nhà văn nào ở ta viết được một tác phẩm đậm đặc chất "viễn dương", tươi nguyên và hấp dẫn như thế này"...
Nhà văn Trương Anh Quốc

1. Trương Anh Quốc là trường hợp có duyên khi đến với văn chương. Sinh năm 1976, so với các tác giả thuộc thế hệ 7X thì anh xuất hiện muộn hơn. Nhưng ngay tác phẩm đầu tiên đã "ghi bàn" ấn tượng với Giải Nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ III (năm 2005) cho tập truyện "Sóng biển rì rào". Văn học tuổi 20 là giải thưởng văn học uy tín giữa thời buổi loạn các cuộc thi và loạn giải thưởng hiện nay, là nơi từng vinh danh các nhà văn như Nguyên Hương, Phan Triều Hải, Trang Hạ, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Nguyễn Thị Thanh Bình… v.v…

"Sóng biển rì rào" được nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá cao, khi ông cho rằng: "Trương Anh Quốc có lối dẫn truyện độc đáo và nhiều bất ngờ. (…) Bất ngờ mà hợp lý, điều ấy bao giờ cũng đòi hỏi sự lành nghề văn chương. Hiếm có nhà văn nào ở ta viết được một tác phẩm đậm đặc chất "viễn dương", tươi nguyên và hấp dẫn như thế này".

Năm năm sau, vẫn là Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20, anh lại gây bất ngờ khi tiếp tục dự thi và về Nhất với tiểu thuyết "Biển". Giải Nhất này từng gây tranh luận nho nhỏ trong giới viết lách, nhưng nhận định của nhà văn Chánh chủ khảo cuộc thi lần IV như bảo chứng cho "Biển": "Một lối viết rất trầm tĩnh, không hề to tiếng, nhẹ nhàng, đến như rủ rỉ, có cả nụ cười mỉa mai mà nhân hậu, cứ như thong thả kể chuyện chơi, hết chuyện này tới chuyện khác, không cần thắt không cần mở, không cần cái được gọi là cao trào, hầu như chẳng cần quan tâm mấy đến một đường dây xâu chuỗi kết nối toàn tác phẩm. Tôi nghĩ đó là một cách viết cao tay: bởi cuộc sống thật vốn là vậy đó, thế giới được kết chặt với một bề ngoài trông chừng rất rời rạc, cuộc sống là tất yếu một cách trông chừng như rất ngẫu nhiên".

Tiếp đấy, Trương Anh Quốc giành giải Nhì cuộc thi truyện ngắn trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Rồi gần đây là giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhiều người nói, anh "sát giải", viết không nhiều, nhưng đụng đâu thắng đấy. Văn chương là vậy. Tài năng và lao động thật cần thiết. Nhưng chỉ là điều kiện cần. Phải thêm cái duyên nữa mới thành điều kiện đủ. Mà duyên thì ở ngoài mình. Duyên có chọn mình hay không có… trời biết. Ở đây, ông trời đã dẫn duyên xuống gặp Trương Anh Quốc.

2. Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Quế Sơn, Quảng Nam, ngay từ nhỏ Trương Anh Quốc đã ôm mộng được đi xa, càng xa càng thích. Nên chàng trai mới lớn chưa một lần ra khỏi huyện chọn trường Đại học Hàng Hải để gửi gắm ước mơ của mình. Với tấm bằng kỹ sư điện trong tay, Trương Anh Quốc hăm hở bước vào nghề thủy thủ trên các chuyến tàu viễn dương. Anh đã đi qua tất cả các đại dương và đặt chân đến 40 quốc gia trên thế giới. Và biển không chỉ biến ước mơ của Trương Anh Quốc thuở thiếu thời thành hiện thực mà còn mở ra cho anh chân trời mới, chân trời chữ nghĩa, chân trời văn chương.

Nếu như biển mang đến nguồn hải sản, nguồn tài nguyên dầu khí cho các quốc gia, mang đến con đường thông thương lớn nhất cho nhân loại, thì với riêng Trương Anh Quốc, biển còn mang đến chất liệu cho những trang văn. Đọc tác phẩm của Trương Anh Quốc, cảm giác như các câu văn được anh vớt lên từ biển, tươi rói và hấp dẫn. Không có biển, chắc chắn sẽ không định hình một nhà văn Trương Anh Quốc như hiện nay.

Trước giờ, văn chương Việt chưa thấy tác phẩm nào viết trực diện về biển, trừ tiểu thuyết "Biển và chim bói cá" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nhưng vẫn là biển gần bờ. Ngoài ra, nếu có viết về biển thì chỉ là… nhìn ra biển chứ không phải cưỡi lên biển mà viết. Riêng Trương Anh Quốc rong ruổi khắp thế giới, trên biển. Biển thời hội nhập quốc tế. Vậy nên nói anh độc quyền, "bành trướng" trên biển với trang văn cũng không ngoa. Biển chính là sân nhà của anh. Và mình anh một sân. Chẳng ai cạnh tranh.

Văn của Trương Anh Quốc là thứ văn điềm tĩnh. Như thể anh quen ăn sóng nói gió từng trải khắp các đại dương rồi nên chẳng có gì khiến anh vội vàng. Kể cả mạch văn. Thời đại công nghệ, liệu thứ văn chầm chậm có dễ gây chán ngán? Không. Trương Anh Quốc có thứ khác bù lại khiến người đọc không bị "đứt gánh giữa đường". Là câu văn có mật độ dày các ý bật tanh tách, nạp thêm thông tin bên lề hoặc trình ra lối nghĩ khác với thông thường. Chẳng biết điều này có phải bắt nguồn từ tính cách "Quảng Nam hay cãi" của tác giả không? Nhưng lối diễn đạt này tạo cảm giác hào hứng và kích sự tò mò cho người đọc trong quá trình tiếp cận tác phẩm.

3. Đi tàu viễn dương, mỗi khi tàu cập cảng, việc đầu tiên của Trương Anh Quốc là lên đất liền tìm Internet hoặc trạm điện thoại để liên lạc với bạn bè, người thân, hỏi thăm tình hình mọi người. Sau đấy tranh thủ khám phá đất nước sở tại trong khoảng thời gian cho phép.

Nếu tàu cập cảng trong nước thì Trương Anh Quốc gặp bạn văn chương. Lúc Hải Phòng. Khi Đà Nẵng. Hay Sài Gòn. Hoặc Vũng Tàu. Ngoài gặp gỡ bạn, việc khác nữa chẳng khi nào anh quên, là sục sạo các nhà sách. Trương Anh Quốc về nước là nhờ bạn bè tư vấn các đầu sách mới đáng chú ý cần đọc để lập tức cập nhật. Sách là thứ anh luôn nhớ trang bị trước khi tàu nhổ neo. Để trên tàu, khi đồng nghiệp giải trí bằng việc xem tivi hoặc ngồi canteen thì anh lại đóng cửa phòng riêng đọc sách, hoặc tranh thủ viết lúc sóng biển ngủ quên không gây gổ với thân tàu.

Trương Anh Quốc sống giản dị, có phần xuề xòa. Anh nhiệt tình với bạn bè. Đúng kiểu dân "phượt" xuyên lục địa. Với lối nói chuyện tếu táo ngang như cua, trống người ta đánh xuôi anh sẽ thổi kèn ngược, cốt cho mọi người cười, vậy nên ngồi với anh chẳng bao giờ lo nhàm chán hoặc buồn tẻ.

4. Ba năm nay Trương Anh Quốc không đi tàu nữa. Anh chuyển qua làm cho một công ty dịch vụ dầu khí. Đều đặn xen kẽ 4 tuần ngoài giàn khoan 4 tuần nghỉ trong bờ. Vẫn là biển. Chỉ khác là trước lên tàu đi khắp thế giới, giờ lên máy bay trực thăng ra giàn khoan. Tôi nói, anh chọn việc khéo quá, làm 1 tháng lại có 1 tháng nghỉ vi vu nạp nguyên liệu viết hoặc ngồi nhà viết văn.

Từ ngày Trương Anh Quốc chuyển việc, tôi gặp anh thường xuyên hơn. Thường trước khi anh ra giàn khoan hoặc từ giàn khoan về bờ anh em lại ngồi với nhau rồi anh mới ngược Sài Gòn về với vợ con. Có thể là quán nào đó bên bờ biển hoặc cửa sông hay trong con hẻm nhỏ. Uống ly cà phê hoặc ly bia lấy cớ cho vài câu chuyện xoay quanh việc viết lách, bạn bè văn nghệ.

Nhiều người hỏi Trương Anh Quốc làm gì cho hết 4 tuần trên bờ? Xin thưa lúc thì anh ở Tây Bắc. Lúc Đông Bắc. Khi về quê thăm hai bên nội ngoại. Hoặc đi Tây Nguyên. Trương Anh Quốc ham đi. Đi trên biển đủ rồi đến đi trên bờ, khám phá dọc dài đất nước. Nhiều khi anh nhắn tin hoặc nhắn tin hỏi anh, lại thấy nói đang ở một vùng xa lơ xa lắc. Vậy là biết anh đang bồi bổ mắt và nạp năng lượng cho trang viết rồi. Viết văn mấy người được như anh!

Ngoài tập truyện "Sóng biển rì rào" và tiểu thuyết "Biển", Trương Anh Quốc còn 2 tập truyện ngắn khác là "Lũ đầu mùa" và "Hợp đồng chiều thứ Bảy". Ở 2 tập truyện này, có một số truyện anh trở về với… đất liền. Nhưng có vẻ anh thuộc về biển. Những câu văn phải được vớt lên từ biển mới đúng là Trương Anh Quốc. Chả thế mà khi đọc truyện ngắn không dây mơ rễ má gì với biển của Trương Anh Quốc, nhà văn Hồ Anh Thái đã khuyên anh hãy trở về với biển của mình.

Bây giờ thì Trương Anh Quốc vẫn ở biển. Nhưng trên giàn khoan. Đây là mảng đề tài chưa nhà văn nào chạm tới một cách rốt ráo. Anh lại ở vị trí độc tôn. Chẳng ai viết văn có đủ điều kiện nhảy ra giàn khoan đấu với anh. Tôi nói: Anh tập trung làm một nhát tiểu thuyết nữa về chuyện ngoài giàn khoan đi, sẽ nổi bần bật còn hơn ánh lửa pha - ken trên giàn. Trương Anh Quốc cười. Cái cười của anh tôi phiên dịch ra là: Chờ nhé. Vâng. Tôi đang chờ. Tôi biết anh dư sức làm được, làm ra ngô ra khoai, như anh từng làm với nguyên liệu từ nghề thủy thủ của mình. Và ở đấy, vẫn là những câu văn được vớt lên từ biển, tươi rói và hấp dẫn.

VĂN THÀNH LÊ
Theo VNCA

TIN VĂN KHÁC:

.         Danh và thực


Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Nhà văn Trần Thị Trường: Người đàn bà đa đoan và "lắm chuyện"

Nhà văn Trần Thị Trường đam mê hội họa từ khi còn nhỏ. Thuở trước, cô thiếu nữ Hà thành xinh đẹp đã theo học lớp vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song ở 89 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Lớp vẽ nhỏ với hơn chục học trò của thầy Song thế vậy mà đã có danh họa Trần Văn Cẩn đến thăm và dạy một số giờ. Những bài giảng của các thầy đã gieo vào lòng cô học trò niềm hứng thú cùng ước vọng.
Nhà văn Trần Thị Trường

Đón tôi ở trước cổng làng Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhà văn Trần Thị Trường thông báo: "Vừa mất điện". Tôi nghĩ thầm "Nắng nóng thế này?". Nhìn vẻ mặt đần thẫn của tôi, chị động viên: "Nhưng không sao".

Câu nói "Nhưng không sao" của nhà văn Trần Thị Trường có cái lý của nó. Sau khi bước qua cánh cổng nhỏ, tôi chợt á á trong cổ. Nhà của chị nằm trong một khuôn viên rộng chừng hai trăm mét vuông lọt giữa những căn nhà cao tầng.

Đáng chú ý là khuôn viên đó được che mát bởi hai cây lộc vừng "cổ thụ". Tán lá xanh rì của cây ngọc lan và cây đại hoa vàng đủ làm dịu đi không khí oi nồng. Chỉ tay vào đôi chiếc ghế gỗ nhỏ đặt lọt thỏm trong "vòng vây" của những chậu hoa, chậu cây cảnh, tôi bảo: "Ngồi đây để đàm đạo văn chương còn thú gì hơn".

Nhà văn Trần Thị Trường cười: "Trong lúc chờ có điện, mời em vào thăm phòng vẽ của chị". Tôi lại á á trong cổ khi chợt nghĩ, chắc chị cũng như mấy nhà văn nhà thơ khác là sau những giờ phút trăn trở với chữ nghĩa thì lấy vẽ vời thư giãn?

Tôi bị "bé cái nhầm", nhà văn Trần Thị Trường đam mê hội họa từ khi còn nhỏ. Thuở trước, cô thiếu nữ Hà thành xinh đẹp đã theo học lớp vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song ở 89 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Lớp vẽ nhỏ với hơn chục học trò của thầy Song thế vậy mà đã có danh họa Trần Văn Cẩn đến thăm và dạy một số giờ. Những bài giảng của các thầy đã gieo vào lòng cô học trò niềm hứng thú cùng ước vọng.

Rồi Trần Thị Trường đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, khóa 1973 - 1978. "Sao lại chọn học Khoa Gốm sứ?". Nhà văn Trần Thị Trường trả lời câu thắc mắc của tôi: "Mình mơ ước vừa là họa sĩ giá vẽ vừa là người làm gốm để…. kiếm tiền".

Đơn giản vậy nhưng thực tình từ nhỏ, cô gái tên Trường đã rất mê gốm. Thời những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi, sản phẩm của làng gốm Bát Tràng nổi tiếng đất Kinh kỳ mới chỉ "hạn hẹp" trong đồ ấm chén da lươn đơn điệu. Chắc cô sinh viên trẻ mơ làm nên những sản phẩm gốm có chất lượng và có tính nghệ thuật cao hơn?

Ước mơ Gốm của Trường lại có "nguyên cớ" từ một thương hiệu gốm trên phố Nguyễn Du rất nổi tiếng, Gốm Chi. Cô từng hàng giờ ngồi ngắm những chiếc bình gốm có kiểu dáng khá độc đáo được làm đơn chiếc cùng nước men cũng vô cùng độc đáo của Gốm Chi.

Hình ảnh đó thực sự gây cảm xúc mạnh, nhưng rồi vào học thì cô sinh viên trẻ mới thấy nản. Làm Gốm với cô quá xa vời, bởi để có được những sản phẩm gốm như cô từng nghĩ lại khó khả thi. Đầu tiên là phải có lò nung gốm, rồi chất liệu men và cuối cùng là kinh tế gia đình nhỏ của cô đang rất khó khăn (Trần Thị Trường lấy chồng sớm).

Giấc mơ thiếu nữ bị khép lại đầy dang dở khi đứa con đầu còn bé nhỏ và quan trọng là "nhà chỉ cần một người làm hội họa là đủ". Chồng của Trần Thị Trường là họa sĩ kiêm điêu khắc gia Nguyễn Hưng Việt. Chị đã nghĩ: "Hai vợ chồng cùng là họa sĩ trong điều kiện đời sống xã hội chỉ dừng ở mức tiêu dùng, không mấy ai có tiền để "mua" nghệ thuật, thì lấy gì để sống".

Thế là Trần Thị Trường "chia tay" hội họa và gốm ngay từ khi chị chưa học xong. Năm 1981, Trần Thị Trường đi xuất khẩu lao động. Dạo những năm tám mươi, nhà nào có người đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô và các nước Đông Âu thì coi như nhà đó "đổi đời".

Với vốn tiếng Nga học trong trường phổ thông và mấy năm đại học chỉ vào loại giao tiếp, ấy vậy mà Trần Thị Trường lại "liều" xin làm phiên dịch cho cánh thợ hàn. Lại liều hơn khi chị đâu chỉ làm phiên dịch tiếng Nga mà chị làm phiên dịch tiếng Bulgari kia. Tôi hỏi: "Chị làm thế nào khi ấy?". Nhà văn Trần Thị Trường cười: "Tiếng Bulgari cùng hệ Slavo với tiếng Nga nên "chuyển đổi" cũng không khó là bao".

Làm phiên dịch thấy vẫn chưa "đủ ăn", Trần Thị Trường xoay sang làm thêm nghề may. Những chiếc quần bò nhái hãng Levis Strau với nhãn mác y như thật đã "rầm rộ" rời xưởng để ra chợ. Hàng bán chạy và dĩ nhiên là có tiền, nhưng Trần Thị Trường lại nghĩ (người đàn bà này cầm tinh con hổ có khác nên việc gì cũng chưa bằng lòng chăng?) "Có tiền đủ sống rồi thì tiếp theo sẽ thế nào?". Cô phiên dịch viên kiêm thợ may "quần bò giả hàng hiệu" bèn "xoay" sang viết văn mới "hung hăng" chứ.

Cứ nhìn cuộc sống xung quanh, cứ nhìn những đời sống bên cạnh mà làm tư liệu, Trần Thị Trường hăm hở viết văn như lần đầu được yêu. Và chị về nước cùng những trang viết. Tiểu thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành khi vừa ra mắt năm 1990 đã gây xôn xao. "Một cây bút văn xuôi nữ tài năng đã xuất hiện" - Dạo đó đã có người thốt lên như vậy.

Và "cú hích" văn chương thuở ban đầu đã khích lệ Trần Thị Trường viết văn chuyên nghiệp. Chị trở thành phóng viên, đôi khi còn "ngứa nghề hội họa" kiêm luôn chân họa sĩ trình bày cho vài tờ báo. Năm 1994 Trần Thị Trường được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cho tới nay, gia tài văn chương của chị là 2 cuốn tiểu thuyết dầy dặn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cùng 4 tập truyện ngắn khá ấn tượng.

"Vậy mà lại thấy chị hình như có dạo nghỉ văn chương để đi làm việc khác?", Tôi thật thà hỏi. Nhà văn Trần Thị Trường thú nhận: "Đúng là mình đa đoan và cũng "lắm chuyện" thật". Trước khi về hưu năm 2005, nhà văn Trần Thị Trường "xoay" sang làm tổ chức biểu diễn (kiểu như bầu sô bây giờ). Những buổi biểu diễn có bàn tay chị "dính" vào cũng thực sự gây tiếng vang trên các sân khấu ca nhạc dạo những năm chín mươi.
Những bức tranh tĩnh vật gốm của nhà văn Trần Thị Trường.

Những thành công của các chương trình ca nhạc như "Biển của một thời" hay "Tiếng hát Ngọc Tân" đã "rủ rê" chị "bén duyên" với giới âm nhạc. Người ta khi thì gặp chị đang cùng nhạc sĩ Trần Tiến hay Nguyễn Cường say sưa trao đổi, khi lại thấy chị cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương đang bàn bạc một chuyện gì đó. Lại có bữa thấy ảnh của chị chụp với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa.

Tôi đùa "Phụ nữ đẹp thật lợi thế". Nhà văn Trần Thị Trường cười cười tế nhị. Tôi đùa tiếp: "Người ta đồn đại chị có tình yêu tình báo với ông nhạc sĩ này, ca sĩ kia đấy". Nhà văn Trần Thị Trường lại cười, chị nói: "Đàn bà đi với đàn ông rất dễ sinh hiểu lầm, chuyện chả có gì lạ. Nhưng chúng tôi với nhau, ai cũng coi tình bạn còn quý hơn nhiều, tình bạn có thể "phối hợp làm ăn", có thể học hỏi ở nhau nhiều thứ, chứ đâu cứ thế là thế này thế kia mới là… yêu".

Nhưng chuyện chị "gắn bó" với nhạc sĩ Phó Đức Phương thì là có thật. Đó là dạo nhà văn Trần Thị Trường về làm việc tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc.

Một công việc không chỉ mới mẻ mà cũng rất khó, cần một kiến thức Luật nhưng chị chả "ngán" chuyện khó. Người con gái quê gốc ở làng Thọ An, huyện Hoài Đức, Hà  Nội, nơi có con sông Hát Môn thơ mộng và chính ở dòng sông này Hai Bà Trưng đã trẫm mình tuẫn tiết để giữ trọn thanh danh trước trò "đánh trận bẩn" của quân Nam Hán.

Đâu như giặc Nam Hán toàn thua quân của Hai Bà nên tướng giặc là Mã Viện nghĩ ra trò cho lính nam giới tồng ngồng xung trận. Hai Bà Trưng và quân của hai bà đều là nữ nên xấu hổ mà đành lui quân. Chắc khí tiết lẫm liệt của Hai Bà Trưng có phần nào "truyền" cho, nên người đàn bà viết văn này cũng không thấy ngại bất cứ công việc gì?

Rồi chị cũng "kết thúc" công việc đó để "lui" về nhà lo chuyện gia đình. Xưởng may thời trang xuất khẩu đi Pháp, Đức, Nhật và Úc của gia đình chị khá nhiều đơn hàng. Tôi nghĩ "chắc là sự nối tiếp thời may quần bò giả ở Bulgari?".

Giờ lại thấy chị cầm cọ. Nhờ sự khích lệ của họa sĩ Hải Kiên, giảng viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, nhà văn Trần Thị Trường "vẽ" trở lại. Chị chọn "dòng tranh" tĩnh vật để biểu cảm tư duy và khả năng nghệ thuật hội họa của mình và cũng như một ý thức quay trở về sự đam mê gốm thời nào, các tranh tĩnh vật của chị thấy có nhiều mẫu gốm. Tôi trêu "Vẽ tĩnh vật chắc dễ?". Chị lắc đầu: "Làm sao để cái mình vẽ chinh phục được con mắt tinh tế của người thưởng thức".

Trước khi chia tay tôi hỏi thật lòng: "Thế còn văn chương?". Nhà văn Trần Thị Trường ngưng tay cọ: "Tôi tôn trọng cảm xúc và tư tưởng chứa đựng bên trong tâm hồn mình. Khi nào cảm xúc thôi thúc và đòi hỏi hình thức biểu hiện thì tôi sẽ theo sự mách bảo đó". Rồi chị nói thầm: "Tiểu thuyết thứ ba đang ở nhà in".

NGUYỄN TRỌNG VĂN
Theo VNCA

TIN VĂN KHÁC:



Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

Trần Vũ Mai - quyết liệt và mạnh mẽ

Hằng năm, cứ đến ngày 19 tháng Giêng, ngày nhà thơ Trần Vũ Mai qua đời, là nhóm bạn bè chúng tôi lại nhớ đến anh, một nhà thơ, một người bạn, một hồn thơ quyết liệt và lặng lẽ đến kỳ lạ.

Vào chiến trường miền Nam từ tháng 4 năm 1971, đã từng “nằm vùng” rất lâu ở cực Nam Trung Bộ, nơi chiến trường nổi tiếng là “đói và chết chóc”, hồi đó gọi là T6 mà anh em chúng tôi vẫn đùa là “ 6 tấm”, nó là cái gì thì ai cũng biết rồi. Trần Vũ Mai đã tham gia nhiều chiến dịch, trải qua nhiều trận đánh cùng với bộ đội và du kích, đã chất chứa trong lòng mình, trong ký ức mình bao nhiêu là số phận những con người trong chiến tranh mà anh mong sẽ có ngày mình viết lại được. Không để làm gì, chỉ để trả ơn trả nghĩa với đồng đội, đồng bào đã bảo bọc mình những tháng năm gian khổ và cay đắng.
Nhà thơ Trần Vũ Mai

Hòa bình, là dịp may cho những người có tài năng văn học đã sống sót qua chiến tranh như Trần Vũ Mai. Anh háo hức, ngược xuôi, đi và viết, đi và nghĩ, đi và yêu. Nhưng vốn là một chàng trai vừa bản lĩnh, mạnh mẽ nhưng lại vừa đầy những thương cảm, yếu đuối, Trần Vũ Mai đã chọn Trần Mai Ninh và Hemingway làm thần tượng - hai nhà thơ nhà văn cũng đầy những phức cảm giống như anh.

Là một người từng trải nhưng có tâm hồn ngây thơ và thánh thiện của một đứa trẻ, Trần Vũ Mai đã tin yêu là hết mình. Nhưng khi thất vọng thì cũng thật khó gỡ. Anh đã thất vọng vì mọi điều không tốt đẹp như anh nghĩ, như anh tin, như anh kỳ vọng. Sau chiến tranh, rất nhiều cái xấu, nhiều người không tốt đã xuất hiện, và họ đã nhiều lần khiến Trần Vũ Mai phải thảng thốt kêu lên: “Ơ, sao lại thế này?” Thì nó là thế, biết làm sao!  

Bây giờ, không phải nhiều người biết đến Trần Vũ Mai và thơ anh, mặc dù theo tôi, anh là một trong những nhà thơ tài năng và bản lĩnh vượt trội của thế hệ thơ chống Mỹ. Cơ sự cho cái thiếu “duyên nổi tiếng” này là ở chỗ Trần Vũ Mai lúc sinh thời không bao giờ thèm “PR” cho thơ mình. Anh cố ý tránh xa những nơi có thể đọc thơ hay quảng bá thơ, nhất là thơ của anh. Công tác ở Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới (tức Nxb Hội Nhà Văn sau này) nhưng Trần Vũ Mai không hề “nhân dịp” đó để công bố bất cứ tập thơ nào của mình ở Nhà xuất bản “nhà” này. Và hình như anh cũng hơi thờ ơ với sự công bố tác phẩm của mình ở những nơi khác. Mai làm việc quá nghiêm cẩn, anh trăn trở với từng con chữ, nhưng hình như anh chỉ làm thơ cho… mình đọc là chính, như kiểu anh ghi nhật ký. Trong số những nhà văn trẻ hồi ấy đi chiến trường, thì Trần Vũ Mai là người chăm ghi nhật ký nhất. Nhiều đoạn nhật ký của anh được công bố sau khi anh mất (Mai mất năm 1991) mang tính văn học rất cao, vì được anh viết rất kỹ.

Trường ca Ở làng Phước Hậu của anh được thai nghén và viết từ một ngôi làng ở Phú Yên. Lúc đầu nó có tên là Cảm giác lạc quan, nhưng về sau nhà văn Nguyễn Chí Trung, người thủ trưởng đầy quả cảm trong chiến đấu mà Mai rất quí trọng, đã gợi ý anh nên đổi tên là Ở làng Phước Hậu cho nó… dễ hiểu. Có lẽ ông Trung thấy cái tên Cảm giác lạc quan này tuy hay và lạ nhưng hơi… ngài ngại thế nào ấy (?). Thôi thì lấy tên Ở làng Phước Hậu có vẻ “người thật việc thật” cho nó... lành. Tôi nghĩ, chính cú “thay tên đổi họ” ấy đã khiến trường ca này, một trong những trường ca rất hay về cuộc chiến tranh chống Mỹ, có một số phận hơi khuất lấp. Đó là điều rất đáng tiếc.

Có thể giải mã cái tên ban đầu Cảm giác lạc quan của trường ca này, khi cái lạc quan ngay sau giải phóng mới chỉ là “cảm giác”. Điều đó hoàn toàn đúng, và là một người từng ở chiến trường Nam Bộ ngót 5 năm, tôi chứng thực điều ấy.  Khi lạc quan mới chỉ là cảm giác, thì từ lạc quan tới bi quan lại là một khoảng ngắn. Ai đã từng đi kháng chiến, đã từng sống sau chiến tranh ở Việt Nam đều thấu hiểu điều này… Nhưng có lẽ Trần Vũ Mai cố gắng để không tin như vậy. Nhưng rồi thực tế đã buộc anh nghĩ khác. Anh chọn cho mình sự “giải thoát tạm thời” bằng cách… uống rượu, và chọn giải pháp căn cơ hơn là ghi nhật ký. Và viết những bài thơ, viết cả một trường ca mới Nàng chim Lạc mà anh cất trong ngăn kéo để chơi.

Tôi ít thấy một nhà thơ nào mà coi danh vọng “không là cái đinh gì” như Trần Vũ Mai. Nhớ ngày mới giải phóng, giữa Sài Gòn tôi gặp lại Trần Vũ Mai khi anh theo quân đoàn 2 đánh vào Sài Gòn. Mai đi xe jeep, rủ tôi vào nhà hàng Thanh Thế uống rượu tây. Trông anh giống hệt Hemingway khi ông chiến đấu ở Tây Ban Nha trong nội chiến. Mà đúng là trong đời, Mai chỉ thần tượng có hai người: một là Trần Mai Ninh, và hai là Hemingway. Đều là hai nhà thơ nhà văn ưa mạo hiểm và sống lãng tử. Trần Vũ Mai cũng vậy. Anh đã mạo hiểm trong chiến tranh. Và mạo hiểm cả trong hòa bình. Ngay cái chết của anh cũng mơ hồ và bí ẩn như cái chết của Trần Mai Ninh và Hemingway. Dù là chết trong hòa bình.

Trần Vũ Mai có hai bài thơ viết trước và sau khi đã ở chiến trường gây được ấn tượng rất mạnh đối với tôi và nhiều anh chị em làm thơ khác cùng thế hệ, đó là bài thơ Thành phố nghiêng mình viết ở Nha Trang tháng 4 năm 1975, và bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng viết đầu năm 1971 trước khi rời Hà Nội vào chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Rồi tôi đọc và tìm thêm một bài thơ nữa mà tôi rất thích, vì nó bộc lộ được những yêu thương, dằn xé và đau buồn của Trần Vũ Mai, đó là bài thơ Tự khúc viết tháng 9 năm 1978.
Từ phải sang, các nhà văn Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Dương Đức Quảng, Nguyễn Khắc Phục tại chiến trường khu V.

Bây giờ, đọc lại bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng, bài thơ Trần Vũ Mai viết đầu năm 1971, trước khi rời Hà Nội vào chiến trường khu Năm cùng anh chị em trong lớp viết văn trẻ đặc biệt của Hội nhà văn Việt Nam, bài thơ vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, vừa hồn nhiên vừa kiêu hãnh, tôi lại càng tiếc cho một tài năng thơ đã sớm bị cắt ngang mạch sáng tạo. Vào một lúc tĩnh tâm nào đó, có lẽ chúng ta nên đọc lại bài thơ này để có cảm nhận sâu hơn về một thế hệ đã dấn thân vào chiến trường những tháng năm ác liệt nhất.

THẢM CỎ BỜ SÔNG HỒNG

Buổi sớm
gương mặt em như xa vắng
anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen
lổ đổ tinh mơ rêu phủ
đường cong xa vời
gạch lửa phơi đỏ thắm

Đã từng mưa ở đây
Nắng đã từng trắng
mảnh tường tươi này
anh thuộc lòng dấu cũ em qua

Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng
mưa lũ
tay em lạnh mà không run sợ
anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy
mặt anh thì xạm cháy
nhưng ngày mai ơi
chớ vắng bàn tay em
trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc
ngày mai ơi
Hà Nội không phai
suốt một ngày bầu trời thăm thẳm
nhớ riêng em
tôi nhớ những gì tôi chưa có được
thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ
màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt
nếu ta có lỗi với em
cũng vì ta muốn mình không có lỗi
trước mặt em còn được tươi cười
giọng vang và trẻ mãi
bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi

Cùng với những gì ta mến yêu sầu tư mộng tưởng
thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim
nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới
những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi
đừng buồn em nhé, bây giờ
hồi em buồn nhớ
anh còn buồn hơn

Em
nhỏ bé mà trắng tinh
trước mặt thảm cỏ dòng sông
cầm tay một bông đại đóa
em ạ, chớ buồn
anh vào cực Nam đây.

(Hà Nội, 3/1971)

Nhưng một bài thơ có thể coi là “Tuyên ngôn Thơ” của riêng Trần Vũ Mai, được anh viết ngay sau ngày kết thúc chiến tranh, bài thơ Thành phố nghiêng mình viết về Nha Trang, có gắn với Tuy Hòa, nơi Trần Vũ Mai từng nằm hầm bí mật những năm tháng chiến tranh, lại cho tôi một ấn tượng choáng ngợp khi lần đầu tôi được đọc bài thơ này in trên tờ Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (cái tên tôi nhớ không rõ lắm) vào tháng 6 năm 1975 ở Đà Nẵng. Đây là bài thơ đầy yêu thương của nhà thơ Trần Vũ Mai và đầy chất thép của người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai. Đúng như Xuân Diệu viết “Yêu và căm hai đợt sóng ào ào”, bài thơ của Trần Vũ Mai khởi đi một mạch, như tác giả đã viết nó trong cơn xuất thần, chất chứa bao điều muốn nói. Tôi nghĩ, thành phố Nha Trang, dù bây giờ có đổi khác thế nào, thì vẫn là thành phố dưới chính thể này, và nên coi bài thơ Thành phố nghiêng mình của Trần Vũ Mai như một bảo vật văn hóa của thành phố mình. Không phải thành phố nào ở Việt Nam cũng có được một bài thơ như thế đâu.

THÀNH PHỐ NGHIÊNG MÌNH

Đến năm ấy chúng xây thành dựng lên cửa sắt
Khai trương một thời xích xiềng roi vọt
Ôi, Nha Trang, người bỗng hóa ngục tù

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Những mẹ già dắt tôi qua đường tối
Có những trái mìn quân thù giấu lại
Bay khát thèm máu của ta chăng!

Lúc bấy giờ gió cũng lặng yên
Thời gian khó, giấc mơ tôi kỳ diệu
Làm sao cho một sáng đứng lên
Để ánh ngày soi tỏ mặt tỏ tên
Những mẹ già dắt tôi qua đường tối
Hết đêm này đêm nọ chẳng hề ngơi
Lúc bấy giờ
Tôi vẫn sống, em vừa ngã xuống
Máu em thấm nơi cửa hầm đỏ đất
Tôi nhìn trời có nghĩa gì đâu
Đôi cuộn mây hồng hay ánh trăng sao
Em thường nói, rồi chúng mình trẻ mãi
Tôi cầm khẩu súng em, lắng nghe lần cuối
Đêm vượt đường chim dậy hót cho em

Rồi tôi đi qua mấy cánh rừng
Vượt mấy dòng sông trải nhiều trận đánh
Lòng nông nổi nhớ em như biển
Như thiếu muối và thương nhớ biển
Trong trái tim mình lấp lánh cả đời em

Tôi qua mấy chục cánh rừng
Có đêm chợp ngủ bên dòng Đak Suk
Súng để gối đầu chân thì gối dép
Nghe ngọn gió nào cũng như gió Nha Trang
Từ Buôn Mê Thuột gợi lòng
Cứ nhìn về phía biển
Biết nói gì, biết nói làm sao!
Ở Tuy Hòa khi tiếng hát ngân cao
Hát ca ngợi tháng ngày vĩ đại
Quân đoàn đi như sóng cuộn trên đường
Vượt núi non, qua những cánh đồng
Qua những sân nhà, những ngọn cờ Tổ quốc
Ôi, ngày hôm nay chúng ta có được
Cả đoàn quân rực rỡ ánh ban mai
Như bờ biển sóng vun như những luống cày
Tôi ngoảnh lại
Tuy Hòa rung mềm mại
Tuy Hòa vui trong gió thổi
Lúc bấy giờ
Lúc ấy
Hỡi Nha Trang!

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Nha Trang ngục tù hóa thành chợ búa
Chợ cháy ra tro, chúng ngả nghiêng cười
Thằng đại tá một đêm tháo thạy
Trong nhà tắm mảnh cờ vàng chết đói
Súng và hoa cả xác chết ngoài sông
Những con tàu đổ người xuống biển
Ngày giam trong khóa xích
Đàn chó hoang rên rỉ cuối đường

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Những người phá thành phá vây đã tới
Nha Trang nghiêng mình
Manh áo Mỹ bạc màu rơi xuống biển
Những em gái cầm chổi ra đường
Hốt rác đầu mũ lính
Thành phố hiện ra cùng ánh cờ sao
Tưởng như thế cuộc đời vô tận mãi
Bao hạnh phúc nở ra nhiều hoa trái
Vâng, cho dù như thế các anh ơi
Nếu kẻ thù đã chết
Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang
Ghi trên nét mặt, khắc giữa lòng đường
Đây lời nhắn đã thấm vào ngọn lửa
Của người hy sinh những trận phá thành

Hạnh phúc sẽ kéo dài vô tận
Là cây lá dần xanh trở lại
Là những tường nhà Nha Trang không còn dấu đạn xuyên
Là đất đai, biển cả, khoảng không
(trừ đi những phần kia còn chất độc)
Là vẻ đẹp người hôm nay ca hát
Là đồng hoang trở lại những mùa vui
Chiều buông xuống chan hòa trời biển
Là đứa con tôi mai mốt ra đời

Từ lâu lắm
Nếu kẻ thù đã chết
Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang

Tôi tìm mẹ tôi trên mỗi đoạn đường
Mìn xếp đống góc sân nhà mẹ
Ồ, ánh ngày sao mà sáng thế
Mẹ già ơi, con muốn khóc, lòng con
Lòng con chẳng biết nói sao nữa, mẹ
Khi mẹ kể cùng con và thành phố nghiêng mình

(Nha Trang tháng 4/1975)

Và bài thơ thứ ba, bài Tự khúc viết ở Hà Nội năm 1978, khi Trần Vũ Mai đã buồn nhiều hơn vui. Khi anh đã, như người Mỹ sau chiến tranh thường nói, mắc vào “hội chứng thời hậu chiến”. Tôi không biết những người lính Mỹ mắc phải hội chứng này ra sao, nhưng với thi sĩ Việt Nam và người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai, thì đây là một hội chứng khốc liệt. Chúng ta đọc bài thơ Tự khúc và tự cảm nhận điều đó. Bài thơ này Trần Vũ Mai viết cho riêng mình, nhưng đã nói được rất nhiều cho những người lính cũ, người kháng chiến cũ chúng tôi. Không nguôi yêu thương, nhưng không thể dứt đau buồn. Và đúng như một câu trong bài thơ, nhiều lúc như rơi vào “vô vọng”.

TỰ KHÚC

Lúc bình minh mà vắng cả sắc màu
anh nằm xuống nhìn lên kia vô vọng
anh đã hét trong phòng im cửa đóng
lúc thương người lại giận chính mình thôi
đêm lúc lặng thinh nghe vắng vẻ cuối trời
ai chẳng đến với anh như thế cả
chắc vì em nên gió chiều rực rỡ
nửa khuya rồi mưa lạnh thấm hai ta

đường vẫn cũ xưa trời thẳm vẫn cao xa
có chăng mới là giọng em hát đó
có chăng mới tiếng cười em nho nhỏ
vỡ tan dần trong thầm lắng lòng anh
ôi chim xa của đôi cánh ân tình
của tiếng hót làm vui làm đau đớn
của tĩnh mịch ngẩng trông lên cao thẳm
của tình yêu trời đất đã ban cho
sóng biển vừa gieo hai ta lên bờ
không tất cả có lẽ phải thế
không thể khác chắc sẽ là phải thế
mang nỗi sầu tha thiết nhớ em yêu

(9/1978)

THANH THẢO
Theo Văn Nghệ, 31/2019

TIN VĂN KHÁC:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...