Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Tiếng nước ta - Nguyễn Lân Dũng

Tiếng Việt hay như vậy, lý thú như vậy, nhưng thật đáng buồn: nhiều người đã không biết yêu quý nó.

Ngay từ nhỏ tôi đã thuộc lòng lời ca của nhạc sĩ Phạm Duy: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời... mẹ hiền ru những câu xa vời".  Bao năm qua, tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng. Và không như nhiều nước thuộc địa cũ, chúng ta tự hào vì tiếng Việt đã được sử dụng đầy đủ ở mọi trường học, kể cả bậc học đại học và sau đại học. Tiếng Việt đã đủ sức chuyển tải mọi kiến thức cao siêu nhất như các ngành Vật lý nano, Toán học cao cấp, Sinh học phân tử, Hóa học lượng tử. Các bộ từ điển từ phổ thông đến từng chuyên ngành khoa học đã lần lượt được xuất bản.

Rất nhiều tác phẩm văn học, triết học kinh điển của thế giới đã được dịch ra tiếng Việt. Ngược lại, không ít tác phẩm tiếng Việt, kể cả những tác phẩm rất khó như Truyện Kiều, cũng đã được dịch ra tiếng nước ngoài.

Tôi làm khoa học và hiểu rõ giá trị của các thuật ngữ khoa học đã được Việt hóa. Đặc biệt khi so sánh với tiếng Trung Quốc. Họ có dân số đông nhất thế giới, có lịch sử hơn 5.000 năm, nhưng thực sự là thua kém hẳn chúng ta khi phải dịch tên người nước ngoài và nhất là dịch các thuật ngữ hóa học sang chữ Hán. Là một người tự học nhưng chịu khó nghiên cứu nên tôi đã từng phải giúp các bạn trẻ, dù học nhiều năm ở Trung Quốc, khi chuyển tên hóa chất sang các thuật ngữ phổ biến.

Với các hóa chất đơn giản như acid sulfuric (lưu toan), acid chlohydric (diêm toan) thì không khó, nhưng với những hợp chất hữu cơ chẳng hạn như 2-dimethylaminobenzenecarbonal, hầu như các bạn ấy đều "chịu chết". Ngay tên các danh nhân cũng cực kỳ khó hiểu. Có những tên phiên âm gần đúng như Tư Đại Lâm (Stalin) hay Liệt Ninh (Lê Nin) còn dễ, nhưng vô số các tên khác thì đúng là đọc lên chả hiểu là ai. Người Nhật thì khác, họ có cả một thứ chữ Nhật chuyên dùng để phiên âm hóa chất và tên các danh nhân nước ngoài.

Vậy mà buồn thay, với người lớn việc viết sai chính tả còn rất phổ biến. Nhiều cơ quan treo khẩu hiệu còn viết "năng xuất" thay cho "năng suất", "đoạn đường thường sẩy ra tai nạn" thay vì "xảy ra", "bánh trưng" thay vì "bánh chưng", "sử lý nghiêm minh" thay vì "xử lý", và còn vô số ví dụ tức cười khác.

Đặc biệt nghiêm trọng và rất phổ biến là tùy tiện viết hoa. Không chỉ các bảng hiệu mà ngay trên truyền hình nhiều khi người ta cũng tùy tiện viết hoa, chêm tiếng nước ngoài bừa bãi. Chúng ta dạy học sinh là chỉ viết hoa trong hai trường hợp: sau dấu chấm hay là tên riêng. Trong chuyện này, tôi phải xin góp ý thẳng là ngay cả tên các tờ báo và cơ quan lớn đã không gương mẫu. Viết hoa không thể biện minh là để cho nó đẹp hay vì "đã quen rồi". Nếu mình thiếu gương mẫu, làm sao phê phán được sự viết hoa tùy tiện ở chỗ khác?

Câu chuyện viết hoa tùy tiện ta thấy đầy rẫy trên phố phường, trên báo chí, trên mạng... Đã đến lúc cần nghiêm túc chấn chỉnh, nếu không làm sao ta dạy được thế hệ trẻ viết cho đúng, yêu tiếng nước mình?

Gần đây nhất có một chuyện rất đáng đau lòng, đó là phổ điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông. Có tất cả 867.937 em tham gia môn thi này. Vậy mà có tới 241.615 em điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ tới 27,84%. Văn đâu phải là Toán mà phải "cắn bút, rứt tóc"? vậy mà có tới 1.265 em không vượt quá được điểm 1. Thậm chí, có đến 9 bài 0 điểm, 106 bài 0,25 điểm, 443 bài 0,5 điểm, 368 bài 0,75 điểm. Tôi không thể hình dung nổi những con số này. Chẳng nhẽ ngần ấy em không yêu tiếng Việt?

Thế hệ chúng tôi trước đây chưa bao giờ có đến 27,84% bị điểm dưới trung bình khi làm bài kiểm tra hay bài thi môn Văn. Điều đó phản ánh các học sinh ấy hoàn toàn lười đọc sách, lười suy nghĩ và không hề có niềm yêu văn chương. Điều ấy còn phản ánh việc dạy Ngữ văn ở nhiều trường có lẽ chưa đạt yêu cầu cơ bản.

Chúng tôi may mắn được học Văn với thầy Hoàng Như Mai ngay từ khi học lớp 7, lớp 8. Thầy đã thổi vào lòng chúng tôi niềm yêu văn chương, niềm tự hào về tiếng Việt. Vì vậy nên lớp học trò chúng tôi đều đã không phụ công ơn Thầy, mới có được các bạn như Ma Văn Kháng, như Hoàng Tiến và nhiều nhà văn, nhà báo khác. Ngữ văn là môn học chiếm số giờ không nhỏ trong suốt chương trình giáo dục từ cấp I đến hết cấp III. Sách báo văn học trong và ngoài nước chúng ta không thiếu. Đọc sách văn chương làm mỗi người lớn lên về tri thức và nhận thức về cuộc sống, về đạo lý làm người. Tôi đã rất cố gắng góp phần duy trì mục "Đọc giùm bạn" trên một báo điện tử.

Mỗi tuần, tôi tóm tắt những lời hay, ý đẹp của một cuốn sách viết về kỹ năng sống. Tôi đã in được 74 bài và còn tiếp tục viết nữa trước khi in thành sách. Ít nhất tôi cũng hy vọng chuyên mục sẽ giúp các bạn không chịu mua sách và không thích đọc sách.

Nhiệm vụ rèn luyện lời ăn, tiếng nói và chữ viết không thể giao phó hoàn toàn cho các thầy cô giáo. Vai trò của các bậc phụ huynh cũng hết sức quan trọng. Dù nghèo đến đâu các bậc cha mẹ cũng nên tạo cho con em mình một tủ sách nhỏ. Bố mẹ đọc trước và khuyến khích các em đọc sau. Rất nhiều em đến hôm nay vẫn chưa biết đến cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, trong khi tác phẩm này đã nổi tiếng khắp thế giới. Ngày nay, sách của các tác gỉa như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư cũng đã cuốn hút biết bao bạn trẻ, chưa kể vô số tác phẩm danh tiếng nước ngoài cũng đã được dịch sang tiếng Việt.

Viết bài này, tôi chỉ mong sao người lớn đừng viết sai tiếng Việt, đừng dùng chữ hoa một cách tùy tiện, và mong sao các bậc phụ huynh hãy tạo cho con cái mình hứng thú đọc sách. Học giả Phạm Quỳnh đã từng tuyên bố: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn". Tiếng của dân tộc chính là di sản không gì thay thế được.

GS. NGUYỄN LÂN DŨNG
Theo VNEX



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...