Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Anh Đức, nhà văn của đất Nam bộ

Sống 79 tuổi đời, với hơn 50 năm cầm bút, Anh Đức đã đi trọn đời mình. Một đời cầm bút, một đời viết văn. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại những nhân vật ở giữa cuộc đời này…
Nhà văn Anh Đức

1. Tôi nhớ khi đoàn Ban Chấp hành Hội Nhà văn đến Huế, giới thiệu có nhà văn Anh Đức, cả Hội trường ĐHSP đứng dậy và vỗ tay hồi lâu. Không biết Anh Đức có nhớ không, còn tôi với tư cách là một bạn đọc thì tôi nhớ vô cùng kỷ niệm ấm lòng ấy. Không nhớ sao được khi mà cả một thời chúng tôi được sống với chị Tư Hậu, với chị Sứ qua trang sách giáo khoa và với điện ảnh. Không nhớ sao được ngòi bút tả mái tóc chị Sứ trở thành “suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con gái, vừa mượt vừa dày, gồm muôn sợi bền chặt rủ từ đỉnh đầu bất khuất đó, rủ chấm xuống sát đôi gót chân”. Lúc đó chúng tôi tưởng đó không riêng gì những nhân vật của Anh Đức, mà cả miền Nam bất khuất kiên cường. Cho nên chúng tôi yêu văn Anh Đức như yêu cả miền Nam anh hùng.

Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Bùi Đức Ái rời gia đình, vào chiến khu của lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam hoạt động từ khi còn trẻ. Ông tham gia viết văn từ lúc mới là “một cậu bé” mười bảy, mười tám tuổi. Ông đoạt giải thưởng văn học năm vừa tròn mười chín tuổi. Sau này nhớ lại, ông viết: “Tôi hơi bị bất ngờ, và có nhiều người cũng bất ngờ, vì trong buổi lễ phát giải diễn ra ở một địa điểm trong vùng giải phóng thuộc Cà Mau, khi tôi bước lên nhận giải, cử tọa nhận ra tôi mới chỉ là một cậu bé”[Theo 6; tr. 308]. Anh Đức bất ngờ vì mình còn trẻ quá. Năm 1953, ông được điều về làm ở báo Cứu quốc Nam Bộ. Người đầu tiên được coi là đã phát hiện ra năng khiếu văn học của Bùi Đức Ái là nhà văn Đoàn Giỏi. Sau đó, Bùi Đức Ái tập kết ra miền Bắc. Trong thời gian ở miền Bắc, ông viết với bút danh Bùi Đức Ái. Thời gian này ông được gặp và tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn cùng thời tại Hà Nội. Theo phân công của Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi nhà văn có kinh nghiệm giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, đọc và góp ý bản thảo cho một cây bút trẻ tập kết. Người được giao kèm cặp Bùi Đức Ái là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ngoài ra, Bùi Đức Ái đi thực tế nhiều nơi, viết một số truyện ngắn nhưng không thật nổi bật cho đến khi ông gặp bà Nguyễn Thị Huỳnh, một phụ nữ từng hoạt động trong lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam. Nhờ cuộc gặp gỡ này, ông viết Một truyện chép ở bệnh viện. Tập truyện được đón nhận rộng rãi và trở thành một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông sau này.

Năm 1962, Bùi Đức Ái trở lại chiến trường miền Nam Việt Nam ngay trong đợt đầu tiên của văn nghệ sĩ. Các nhà lãnh đạo văn hóa tư tưởng và văn nghệ có vẻ đánh giá rất cao khả năng của Anh Đức. Đích thân Trưởng ban Tổ chức Trung ương miền Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ đã gặp Anh Đức và dặn dò: "Vào trong đó cậu nên tập trung thời gian mà sáng tác, đừng làm việc hành chính mất thời gian, việc đó nhiều người làm được". Trở lại miền Nam Việt Nam, ông bắt đầu lấy bút danh mới là Anh Đức. Trải qua thời gian rèn luyện nghề văn tại miền Bắc Việt Nam, khi tiếp cận với thực tế cuộc chiến ở chiến trường miền Nam, Anh Đức viết một loạt hồi ký, được chú ý nhất là loạt ký sự Bức thư Cà Mau. Dưới hình thức trao đổi văn học qua thư với nhà văn Nguyễn Tuân, Anh Đức phản ánh thực tế sống và chiến đấu của lực lượng kháng chiến tại Cà Mau và nhiều vùng khác của miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông đến Kiên Giang và viết tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của ông, tiểu thuyết Hòn ĐấtHòn Đất đã mang về cho Anh Đức Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.

Sau năm 1975, Anh Đức về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết một số truyện ngắn như Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Cái bàn bỏ trống, Miền sóng vỗ... Ở các cương vị làm quản lý, trong giai đoạn chiến tranh, Anh Đức từng nắm giữ các chức vụ: tổng biên tập tạp chí Văn nghệ giải phóng, ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Sau năm 1975, có thời gian Anh Đức là ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; tổng biên tập tạp chí Văn, ủy viên Đảng đoàn các khóa 2 và 3, đại biểu quốc hội khóa 7...Thời gian cuối đời Anh Đức cư ngụ tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất tại nhà vì tuổi cao bệnh nặng vào ngày 21 tháng 8 năm 2014.

Văn phong của Anh Đức được đánh giá là điềm đạm và thanh thoát. Từ những truyện ngắn đầu tay của ông, nhà văn Đoàn Giỏi từng dự đoán ông sẽ còn tiến xa trong văn nghiệp. Với đề tài chính của các nhà văn thời bấy giờ: cuộc chiến tranh Việt Nam. Anh Đức được đánh giá là không thi vị hóa cuộc chiến mà tìm ra nét đẹp của con người trong hoàn cảnh tàn bạo nhất của chiến tranh. Ông cũng ca ngợi tình người, sự anh dũng của lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam.

Các tác phẩm mà ông để lại gồm có: Biển động (Tập truyện ngắn, 1952), Lão anh hùng dưới hầm bí mật (Truyện ký, 1956), Một chuyện chép ở bệnh viện (Bút ký, 1958), Biển xa (Truyện ngắn, 1960), Bức thư Cà Mau (Bút ký, 1965), Hòn Đất (Tiểu thuyết, 1966), Giấc mơ ông lão vườn chim (Truyện ngắn, 1970), Đứa con của đất (Tiểu thuyết, 1976), Miền sóng vỗ (Truyện ngắn, 1985). Các giải thưởng mà ông đã được gồm có : Giải thưởng văn học Cửu Long (1952), Giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ (1958), Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (truyện, 1965), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm (2000).

2. Nhắc tới Anh Đức, nhiều người nghĩ tới ông là một nhà văn Nam bộ. Tác phẩm của ông được mọi người nhắc tới là một truyện dài, mà ông gọi bút ký, thực ra, đó thực ra là một tiểu thuyết. Đó là tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện. Trong cuốn sách này, Anh Đức được đánh giá thành công trong việc xây dựng nhân vật cách mạng, mà trước hết là hình ảnh người phụ nữ. Sau này khi được hỏi về hình ảnh người phụ nữ xuyên suốt trong tác phẩm của mình, Anh Đức đã trả lời: “Tôi đã cố gắng không những miêu tả tính nết, tư tưởng và tình cảm của họ mà còn miêu tả hình dạng khuôn mặt, mái tóc, đôi bàn tay của họ nữa. Có thể tôi tả chưa đầy đủ về họ nhưng những dòng nào viết về họ bao giờ tôi cũng nâng niu, trân trọng… Trong sáng tác của tôi, nhân vật thể hiện nhiều nhất, quen thuộc nhất là người phụ nữ và Một chuyện chép ở bệnh viện là một truyện dài đầu tiên tôi viết về một nhân vật phụ nữ có một cuộc đời, một quá trình phát triển tương đối có hệ thống và cặn kẽ nhất [Theo 6; tr. 331 – 332]. Quả đúng như vậy, ở tiểu thuyết này, tác giả dựng lên hình ảnh một cô gái mồ côi nghèo khổ, từng bước chị đến với cách mạng. Chị được miêu tả là một người phụ nữ miền Nam hiền lành, đảm đang, yêu chồng, thương con; nhưng với kẻ thù chị là người cương quyết. Bao nhiêu đau đớn, tủi nhục, bao nhiêu khó khăn, gian khổ chị đều vượt qua hết. Chị tập kết ra miền Bắc, hai con chị được ra nước ngoài học tập. Chị trở thành công nhân dệt giỏi. Chị phải nằm viện vì bị bệnh. Được sự chăm sóc nhiệt tình của cả đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, chị đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Cuộc sống đầm ấm, yêu thương mà chị đã quên mình vì nó đang chờ đón chị.

Một chuyện chép ở bệnh viện đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ miền Nam dịu hiền, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh. Chị rất mãi giữ một lòng kiên trung với cách mạng, một lòng chịu thương, chịu khó với gia đình, chồng con.

Một nhân vật phụ nữ khác của nhà văn Anh Đức phải kể đến là chị Sứ, nhân vật chính trong tiểu thuyết Hòn Đất của ông. Cuốn sách này được nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho là “Hòn Đất vẫn đúng là một hòn ngọc”[6; tr.96]. Chị Sứ là con đẻ của đất Hòn và là “niềm hãnh diện của xóm làng”. Ở chị Sứ, tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu thương những người thân, bà con hàng xóm láng giềng, yêu thương đồng chí, đồng bào. Nổi lên trên hết những phẩm chất tốt đẹp của chị là tấm lòng vị tha, sống vì người mình yêu thương. Dù rất yêu thương con, nhưng trước tình cảnh suy kiệt của anh em đồng chí bị thương, chị đã trút nửa ca nước cuối cùng dành riêng cho con để nấu cháo. Trong một lần ra suối lấy nước, chị bị giặc bắt. Địch định lợi dụng tình cảm của chị, đưa chị micro để chị gọi anh em trong hang ra hàng. Nhanh trí, chị đã dùng micro để dặn anh em trong hang đừng uống nước suối có thuốc độc, đừng đầu hàng giặc và hỏi tin con. Vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp của đời sống tinh thần bên trong đã được nhà văn thể hiện một cách sinh động. Chúng ta không ngạc nhiên khi tác phẩm  này và các tác phẩm khác như Giấc mơ ông lão vườn chim, Bức thư Cà Mau (trích đoạn) của ông từng được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông. Hòn Đất được coi là một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh tiêu biểu thời bấy giờ với những nhân vật rất sống động sau này được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Sứ.

Ngoài vẻ đẹp của chị Sứ, tác phẩm còn xây dựng thành công một số hình ảnh phụ nữ khác như Má Sáu (mẹ của  chị), Quyên, bà Cà Xợi (mẹ thằng trung úy Xăm), cô Cà Mỵ, chị Hai Thép, thím Ba Ú…Tất cả đều hiện lên những nét đẹp tương ứng với vai trò tích cực của họ trong tác phẩm.

Anh Đức cũng xây dựng khá thành công là nhân vật cụ già. Đây cũng là hình ảnh thường thấy nhất trong các tác phẩm của nhà văn Anh Đức. Dường như những ông lão đã già không còn đủ sức để đánh giặc nữa, không thể viết nên một cái gì đó mới mẻ được, nhưng qua cách viết của nhà văn Anh Đức thì khác, ông luôn thổi vào các nhân vật của mình một cái hồn rất riêng. Vậy con người Nam bộ trong truyện ngắn Anh Đức là những ai? Đó là những ông già như ông Tám Xẻo Đước trong truyện ngắn Đất, ông Tư Vườn Chim trong truyện ngắn Giấc mơ ông lão vườn chim

Trong truyện ngắn Đất của mình nhà văn Anh Đức đã xây dựng hình ảnh ông Tám, một ông già 70 tuổi, gân guốc, xù xì, có chiếc mũi tinh nhạy và phát hiện rất nhanh vết tích của thú rừng. Ông Tám đã gắn bó với đất bằng sức khai phá của bản thân và bằng cả sự nhớ ơn những người đi trước. Ông Tám  phải đương đầu với kẻ thù nguy hiểm, đó là bọn giặc Mỹ . Ông đã không nghe lời dụ dỗ của giặc mà đầu hàng. Khi biết không thể làm gì hơn ông đã dũng cảm lao vào bọn giặc và hy sinh. Hình ảnh ông Tám phóng lưỡi mác bén ngót cắm phập giữa nhà như một lời tuyên thệ với đất đai, với ông bà tổ tiên. Và hình ảnh ông bị bắn vào đầu nhưng vẫn xông thẳng tới kẻ thù như là hành động cụ thể nhất hiện thực hóa lời thề đó. Ông quyết “một tấc không đi, một li không rời” cũng chính vì tự thấy mình có nhiệm vụ làm gương cho đồng bào, giữ lấy mảnh đất này cho đời sau.

Tinh thần xả thân của ông Tám đã được nhà văn Anh Đức miêu tả như là một vị anh hùng  của cách mạng  mặc dù ông chỉ là một người nông dân. Những phẩm chất cách mạng cao đẹp trong tính cách của ông Tám, là hình ảnh của rất nhiều cụ già Nam Bộ khí phách, trọng nghĩa tình.

Trong Giấc mơ ông lão vườn chim nhà văn Anh Đức đã xây dựng hình ảnh một ông già sáu mươi thật khó quên. Một ông già đen đủi ở trần, đầu buộc khăn xước, tấm lưng cháy nắng, ông đã phải chịu nhiều đắng cay cuộc đời. Cũng như ông Tám và nhiều người nông dân Nam Bộ khác, ông Tư là người nghèo khổ và là một người có những người con đi cách mạng, con trai của ông đi bộ đội hi sinh hồi đánh Pháp. Con dâu cũng hi sinh. Cháu trai đi giải phóng. Đứa cháu dâu chưa cưới cũng vào du kích. Trong câu chuyện khi giặc Mĩ đem bom đốt rừng, phá vườn chim, ông Tư vô cùng đau khổ và đã nói: "Cái chi tao dứt bỏ được chứ cái vườn chim này với mấy thằng bộ đội thì tao không dứt ra được đâu!". Ông tiếc nuối nhìn cái vườn chim bị thiêu cháy, và cháy lan sang khu rừng bên cạnh, ông thể hiện cảm xúc của mình bằng cách đứng chết trân, nhìn rừng cây ngổn ngang đang dần cháy rụi, nhìn rừng cây ngổn ngang xác của các loài động vật, chim chóc, những cành cây cháy xém đổ ngổn ngang, có cây bị trơ trọi gốc, ông tỏ ra vô cùng căm phẫn và xót xa khi cánh rừng nơi bầy chim cư ngụ vị cháy, bởi với ông đó cũng như cuộc đời thứ hai của mình. Tuy ông lão đã trải qua nhiều mất mát đau thương, những thăng trầm của cuộc đời nhưng ông vẫn không kìm nén được cảm xúc của mình. Nơi mảnh đất này là nơi ông tìm niềm vui cho chính mình. Ông nghe tiếng chim hót trên đầu, nhìn ngắm chúng bay lượn, niềm vui của ông giản dị và gần gũi với người nông dân, ông coi bầy chim là bạn, ông xem vườn chim là một khoảng trời của riêng mình, và là một phần cuộc sống của ông. Khi vườn chim bị cháy cũng giống như lúc ông đang bị hủy hoại chính mình, ông được khắc họa là người từng chữa cháy rừng, nhưng nay chính vườn chim của ông lại bị đốt cháy mà ông lại không thể làm gì,chỉ có thể nhìn bầy chim chết dần và những cánh rừng bị cháy dần,ông thấy trong mình dâng lên một cảm giác đau đớn tột cùng. Ông phải dùng tay chống ngực mình, dường như ông không tin vào những gì đang xảy ra xung quanh nữa,ông nói như người mộng du, nỗi đau đớn trong ông dâng lên đến tột cùng. Đây không phải nơi chôn nhau cắt rốn của ông nhưng đây là nơi đã cho ông đời sống thực sự sau những ngày tháng đói khổ phiêu dạt. Anh Đức đã thật xuất sắc khi miêu tả hình ảnh ông Tư đứng bất động nhìn đàn chim nháo nhác bay trong ánh chiều nhập nhoạng, bàn tay cào lên ngực.

Đằng sau một tình yêu của ông lão có cuộc đời nghèo khổ có phải chỉ là một sự tiếc nuối bởi vườn chim bị cháy. Chắc chắn không phải như vậy, mà vườn chim và những cánh rừng là nơi che chắn các căn cứ bí mật của những người hoạt động cách mạng, ông lão vườn chim không ngẫu nhiên gắn bó với cái vườn chim lâu đến như vậy,mà ông đang mang một nhiệm vụ rất quan trọng đó là chăm lo cho sự an toàn của các chiến sĩ, của những người hoạt động cách mạng, đó là một nhiệm vụ hết sức cao cả.

Ông lão trong Giấc mơ ông lão vườn chim là một hình ảnh đại diện cho những người dân Nam Bộ. Họ tuy nghèo khổ nhưng không đầu hàng số mệnh, không nghe lời dụ dỗ của giặc, họ biết vượt qua khó khăn, sẵn sàng hi sinh bản thân và gia đình để phục vụ cho cách mạng, mong muốn có một đất nước hòa bình. Cái chết của ông là chết vì sự sống, nó khiến người được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng. Họ được miêu tả với vẻ đẹp của người lao động, tấm lòng của họ luôn thủy chung với mảnh đất quê hương và ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù. Họ sẽ không sợ hãi khi đối đầu với sức mạnh quân giặc, ông Tám Xẻo Đước và ông Tư Vườn Chim có chung một tâm nguyện giữ đất giữ rừng. Đó chính là đất nước, là máu thịt Tổ quốc, là một phần thân thể không thể tách rời. Ông Tám hy sinh để giữ đất. Ông Tư chiến đấu vừa để giữ rừng vừa đánh đuổi quân xâm lược. Họ có sự khác biệt trong số phận hai nhân vật nhưng cùng một lý tưởng cao cả.

***

3. Khi nói về phong cách của Anh Đức các ý kiến có khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau. Đó là nhà văn vừa mang tính trữ tình, vừa mang tính lãng mạn, Chu Nga trong một tiểu luận của mình Phong cách trữ tình trong sáng tác của Anh Đức đăng lần đầu trên Tạp chí Văn học số 2. 1975 đã viết: “Tuy nhiên, phải nhận rằng, ở Anh Đức màu sắc trữ tình ấy có phần đậm nét hơn cả… Ở Anh Đức cái màu sắc trữ tình đậm nét đến mức đã trở thành phong cách” [Theo 6; tr. 200]. Còn theo Phan Cự Đệ trong bộ sách khá nổi tiếng của ông, bộ Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại,thì Anh Đức còn màu sắc lãng mạn. Ông viết: “Còn những nhà văn thuộc dòng phong cách lãng mạn ngày nay thì hướng về mặt lý tưởng, mặt đẹp đẽ và anh hùng của cuộc sống… Những đặc điểm trên chúng ta đều thấy thể hiện trong tiểu thuyết và một số truyện ngắn của nhà văn Anh Đức” [Theo 6; tr. 222].

Không khó để thấy được nét lãng mạn nét trữ tình trong các tác phẩm của nhà văn Anh Đức. Hầu hết các tác phẩm của ông đều có một nét lãng mạn, nét trữ tình rất riêng, chẳng hạn như trong tiểu thuyết Hòn Đất. Anh Đức đã cho chúng ta thấy một chị Sứ là một người phụ nữ sống với những lý tưởng anh hùng,có một cách sống cao cả, dù là trong hoàn cảnh nào họ cũng không chịu đầu hàng quân thù. Trong cái hoàn cảnh u ám nhất và kinh hoàng nhất, cái hiện thực đen tối của cuộc sống, lại được phủ lên bởi những chi tiết nhiều tính lãng mạn và thi vị như vậy. Anh Đức cũng rất khéo léo khi thêm vào tác phẩm của mình các yếu tố thiên nhiên nhiều màu sắc, giàu chất thơ, giàu nhịp điệu tạo cho các tác phẩm của mình có một sức lôi cuốn nhất định. Có thể nói ông đã lồng ghép nhiều yếu tố lãng mạn, trữ tình vào trong tiểu thuyết.

Nhà văn Anh Đức sáng tác những tác phẩm của mình trong sự khó khăn, thiếu thốn của cuộc chiến mang lại, cũng chính vì điều này mà càng làm nổi bật được tính chất trữ tình trong các tác phẩm của ông. Xem xét một số tác phẩm của một số nhà văn khác ta thấy yếu tố lãng mạn và trữ tình cũng khác Anh Đức. Trong một số bài bút ký gửi cho nhà văn Nguyễn Tuân, ông nói đến vùng quê Cà Mau, kể về những khó khăn vất vả mà những người nơi đây đang phải trải qua, kể những thắng lợi của những người chiến sĩ giành được.Ở chỗ nào cũng đậm nét trữ tình lãng mạn của ông.

Chất trữ tình còn nằm ở những tình cảm của nhà văn Anh Đức dành cho nhân dân, ông luôn suy nghĩ cho hoàn cảnh đất nước bị chia đôi, trong lòng ông hai miền Nam Bắc là một, đều là Tổ quốc Việt Nam thân yêu, ông tin tưởng những thắng lợi của người dân miền Nam sẽ là một sự động viên cổ vũ cho phong trào cách mạng ở miền Bắc và ngược lại sự thắng lợi ở miền Bắc sẽ làm động lực cho người dân miền Nam có thêm niềm tin và sức mạnh để chống lại kẻ thù.

Một nét rất đáng lưu ý văn chương của Anh Đức có cái phong vị của vùng đất Nam bộ. Cái phong vị đó bàng bạc khắp các tác phẩm của ông. Từ cách dùng ngôn ngữ, khung cảnh, sinh hoạt, phong tục đến diện mạo tính cách, tâm lý nhân vật. Văn Anh Đức lột tả con người, thiên nhiên Nam bộ rất sắc sảo. Ông đã miêu tả chị Sứ, má Sáu, cô Quyên, bà Cà Xợi, chị Hai Thép, thím Ba Ú… những tính cách rất Nam bộ. Chảng hạn như tả Quyên nghe đồn là Ngạn phản bội, khai cho địch căn cứ cách mạng thì “Quyên tối tăm cả mặt mày.Cô có cảm tưởng như bị cây gậy của ai bất thình lình phang trúng ngang lưng”(Hòn Đất).Rồi tác giả viết tiếp: “Trong Quyên có trái măng cụt ngọt thau, có những cây tre vàng nắng, có lá cành lê ki ma xanh um, có tiếng nói yêu thương âu yếm của các mẹ già cùng tiếng bập bẹ ngây thơ của các em bé. Trong Quyên như chứa đựng đủ mọi thứ đó. Từ tiếng xào xạc của rừng dừa, tiếng sóng biển vỗ bên bãi cát, tiếng thét của đoàn người đấu tranh, ánh đuốc bập bùng, tiếng khóc và tiếng cười vui. Quyên là cô nhưng đồng thời cũng là anh em đồng chí khác. Mối yêu thương riêng tây này gắn liền với Ngạn với cái quý là cách mạng, là cuộc sống mới giành lại được ở miền đất nằm biển cả này”.

Hay khi tả cảnh sắc thiên nhiên, thì vẫn là cảnh Nam bộ. Ví như ông tả đêm Tháp Mười trong truyện ngắn Khói như sau: “Đêm Tháp Mười, tôi cứ ngỡ bầu trời cao hơn chỗ khác. Cánh đồng mênh mông đám chìm trong sương mù, rì rầm như sóng biển. Ấy là cái tiếng nói muôn thuở của gió lúa qua bờ cỏ. Tháng tư rồi Tháp Mười vẫn chưa mưa. Ban ngày nắng chói chang, đêm đến cánh đồng gió mát rượi, lộng gió. Không bị ngăn cách bởi cây cối, gió thổi rất mực hào phóng(…). Đêm Tháp Mười thật là kỳ ảo, với câu chuyện cô gái nọ, với ánh lửa đốt đồng và tiếng cỏ xào xạc trong gió. Tất cả những cái ấy đến trên cánh đồng yên tĩnh đang nhuốm màu sắc lãng mạn trước buổi bình minh hé ra rực lửa” (Khói). Có thể nói các đoạn văn vừa trích đều mang đậm chất Nam bộ. Nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá trong Từ điển văn học cho rằng ông là “một trong những cây bút văn xuôi trữ tình giàu chất thơ” [Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, 2004, tr.44]. Đó quả là một nhận xét đúng.

Nhà văn Anh Đức là một nhà văn miền Nam. Tuy vậy ông từng có thời gian công tác ở miền Bắc, chắc cũng vì vậy mà ông có một cảm tình đặc biệt dành cho nơi này. Trong hầu hết những tác phẩm, nhất là ở những bút ký, và những tác phẩm dưới hình thức thư của mình ông nhắc tới miền Bắc với tấm lòng nhớ thương và ngưỡng mộ. Nếu để ý kĩ, trong các tác phẩm của ông là cái thể hiện không chỉ miền Nam mà còn nói đến miền Bắc, có thể thấy được nhiều nét trữ tình như vậy trong tác phẩm Hòn Đất của ông, tác phẩm tiêu biểu cho văn xuôi thời kì này.

Sống 79 tuổi đời, với hơn 50 năm cầm bút, Anh Đức đã đi trọn đời mình. Một đời cầm bút, một đời viết văn. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại những nhân vật ở giữa cuộc đời này. Nhiều nhân vật của ông có bóng dáng thực như chị Tư Hậu là chị Tư Huỳnh ở Nha Trang vừa mới mất; hay chị Sứ có bóng thật là chị Phan Thị Ràng, Anh hùng lực lượng vũ trang ở Hòn Đất, Kiên Giang… Bao nhiêu chuyện ông kể đều gắn với cách mạng, gắn với  hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Cho nên là nhà văn cũng là nhà đồng hành với cách mạng.

PGS.TS. LÊ TIẾN DŨNG
Theo NVTPHCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phan Cự Đệ (1974), Về phong cách lãng mạn của Anh Đức, in trong “Tiểu thuyết VN hiện đại”, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

2. Hà Minh Đức (1991), Hòn Đất của Anh Đức,in trong sách Tác phẩm văn học,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Trần Văn Giàu (1972), Hòn Đất, một bước tiến mới của văn học cách mạng miền Nam, in trong sách “10 năm Văn học chống Mỹ”, Nghiên cứu và phê bình, Nxb Giải phóng, 1972.

4. Thiếu Mai (1962), Về “Một truyện chép ở bệnh viện” và “Biển xa” của Bùi Đức Ái, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 12/1962.

5. Kim Quyên (2014),  Tiếc thương nhà văn Anh Đức, Báo Văn nghệ TP. HCM, số 316 ra ngày 28/8/2014.

6. Nhiều người viết (2006), Anh Đức về tác gia và tác phẩm, Bùi Việt Thắng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7. Hoài Thanh (1969), Hòn Đất, Hòn Ngọc,in trong sách “Văn học miền Nam trong lòng miền Bắc”, Nxb KHXH, Hà Nội.

8. Bùi Việt Thắng (2006), Anh Đức nhà văn đồng hành cùng thời đại cách mạng,  in trong sách “Anh Đức về tác gia và tác phẩm”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9. Trần Hoàng Vy (2014), Đến Hòn đất viếng mộ chị Sứ và nhớ Anh Đức… Báo Văn nghệ TP. HCM, số 316 ra ngày 28/8/2014.




BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...