Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Văn học và văn học hiện thời qua một góc nhìn

Như con người, thể trạng văn học cũng chập chờn lúc thăng, khi giáng, lúc khỏe, khi yếu. Thời điểm này, sự tĩnh lặng của văn học gây cảm giác lấp lửng, nửa như nó muốn xa lánh đời sống, lại nửa như nó bị đời sống xa lánh. Như vậy văn học đang đối diện với những vấn đề của mình. Nhìn nhận dưới đây chỉ là ở một, hai khía cạnh nhận thức chủ quan trong tư cách một người viết, cùng với giấc mơ trong tư cách một độc giả.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương

1. Một thực tế đang xảy ra theo đúng quy luật, là đội ngũ những nhà văn trực tiếp tham gia chiến tranh hiện nay đã vơi đi một cách nhanh chóng. Kèm đó cũng xuất hiện một đội ngũ nhà văn mới viết về đề tài này, dĩ nhiên là theo cách khác. Chiến tranh trong các tác phẩm văn học trước đây phần đông do người trong cuộc viết vì thế chủ yếu dừng ở mức kể chuyện chiến tranh, và sự thiên lệch là không tránh khỏi, thậm chí nó còn trở thành thế mạnh cuốn hút. Ngay cả hiện nay, sự trở lại của những tác phẩm văn học phi hư cấu, được đón nhận nồng nhiệt cũng là hiện tượng xuất phát từ thói quen thưởng thức những tác phẩm chất phác đầy xúc cảm thiên lệch. Mặc lòng, tác phẩm phi hư cấu vẫn chỉ dừng lại ở tính chất tư liệu dù nó có thể làm thỏa tính tò mò về những sự kiện đã từng chói lói giờ đang khuất chìm.

Thế hệ các nhà văn hậu chiến tiếp cận chiến tranh theo cách khác. Đó là những câu chuyện gián tiếp, những hậu quả của cuộc chiến, những số phận nghiêng lệch vì chiến tranh, những tâm hồn lảo đảo bởi tác động của hủy diệt và điều đáng sợ hơn là những rạn nứt về các phía. Cái nhìn của thế hệ sinh sau chiến tranh khi viết về chiến tranh, nói một cách công bằng, có độ bình tĩnh hơn, khách quan hơn, thậm chí dồi dào tính cảm thông hơn, mặc dù tính chân thực có thể bị hạn chế. Với họ, thể hiện qua tác phẩm, chiến tranh là cuộc sát hạch nhân tính, là cái cớ để nhìn cho thấu các trạng thái hoàn cảnh số phận cũng như tình cảm mỗi cá nhân.

Tuy vậy, cần phải thấy rõ một thực trạng, đó là việc cùng với sự giãn cách trong cảm quan với đề tài nhạy cảm này, xuất hiện yếu tố mà chúng ta gọi là tinh thần giải thiêng. Người chiến thắng không còn được miêu tả như trang anh hùng toàn thiện, toàn mĩ nữa, mà được nhìn theo chiều góc khác, gần gụi hơn với những chứng này, tật nọ, cũng yêu ghét như mọi cá nhân bình thường khác. Điều ấy không những không hạ thấp đối tượng, trái lại còn làm gia tăng tính thuyết phục cho phẩm chất anh hùng và nó tạo ra độ sâu sắc nhất định không chỉ cho bản thân tác phẩm.

Xu hướng giải thiêng có mặt tích cực, nó kéo lịch sử xích gần lại với mỗi cá nhân ở thì hiện tại, khiến cho người phàm có thể ngó mặt thánh thần, nó đưa ra những đánh giá khác, kiến giải khác, góp thêm giá trị cho đối tượng nó đề cập. Giải thiêng phải được chấp nhận với chừng mực nhất định, nhưng nếu đẩy quá lên, giải thiêng để tiến tới hạ nhục, bóp méo, làm lệch lạc bản chất của đối tượng thì lại cần được cảnh báo sớm, thậm chí cần có sự phê phán nghiêm khắc.

2. Văn học, với những gì thể hiện hôm nay, cho thấy đang thiếu một sự ráo riết truy nguyên về đời sống, về tình thế của con người ngay trong thì hiện tại và cả so sánh với lịch sử. Điều này có nhiều nguyên nhân mà chúng ta còn phải tìm cách lí giải, nhưng nguyên nhân trực tiếp, gần nhất chính là do hiện thực của một bộ phận nhà văn, đặc biệt những nhà văn trẻ tuổi đời, đột nhiên bị mất đi, họ chỉ tiếp cận với hiện thực gián tiếp, hiện thực ảo qua mạng cũng như sách vở. Đã vơi dần những hành vi sống đúng nghĩa, là đi và ngã và đứng dậy, và sày vảy. Chính vì thế mà nhiều nhà văn trở nên lúng túng.

Nghệ thuật, nảy mầm trên đời sống thực tại, dứt khoát chỉ trên đời sống thực tại với toàn bộ cảm nhận trực tiếp, trọn vẹn của nhà văn. Và chúng ta cần mở rộng khái niệm đời sống với sự chấp nhận rằng thảy những gì tồn tại trên thế gian này, những gì có trong con người đều là đời sống, ngay cả những giấc mơ và những cơn ảo mộng diệu vợi nhất. Văn học, nếu muốn tồn tại trong độc giả thì cần tiến gần lại đời sống, cần những tiếng nói trực diện, sắc sảo phản ánh, nhận diện, mổ xẻ về các khía cạnh, các vấn đề nóng bỏng của xã hội như đạo đức, văn hóa, lí tưởng và cái đích nó đạt đến dứt khoát phải là cơ hội giải phóng con người khỏi bóng tối của chính nó.

Xét cho cùng, nghệ thuật là cách mà con người vượt qua thực tại của mình để tiến tới một thực tại khác có tính cải thiện cao hơn, dễ chịu hơn, lí tưởng hơn. Nói như thế để thấy rằng văn học không phải dùng thanh toán quá khứ, càng không phải để đạp đổ thực tại. Quá khứ không thể bị vứt toẹt đi khi hiện tại làm người ta phẫn nộ. Và thực tại không thể bị bóp méo, bị kết án, bị chà đạp một cách mù quáng theo góc nhìn nhận phiến diện, thiếu biện chứng. Tiếc thay vẫn có những nhầm lẫn giữa phê phán với đập phá, giữa phản ánh với bóp méo, vẫn có những kích động do nhầm lẫn quyền sáng tạo và lịch sử bỗng nhiên bị tô vẽ đến mức trở nên xệch xoạc.

Ở đây bắt buộc phải đòi hỏi sự công tâm của nghệ sĩ, sự công tâm được đặt lên bàn cân mà trục giữa của nó phải là sứ mệnh của nhà văn gắn với trách nhiệm một công dân, một nhà nhân văn chủ nghĩa. Nếu văn học thiếu trách nhiệm, nó sẽ đi xa khỏi người đọc, xa khỏi đời sống và như thế nó đánh mất uy quyền cùng giá trị thâm sâu của nó. Văn học có nguy cơ trở thành món đồ trang sức, trở thành công cụ cho một bộ phận, một giai tầng nào đó, trong khi về bản chất thì nó không thuộc về bất kỳ tầng lớp nào.

Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, là cánh chim bay trên mọi biên giới, nó là bài học về sự vỗ cánh, là tiếng hót báo hiệu tự do còn đang tồn tại và bắt buộc phải tồn tại nếu chừng nào con người còn tự nhận mình là con người. Nhưng trên thực tế hiện nay đã có hiện tượng tự đánh mất tự do ở vài ba khuynh hướng sáng tác. Một số nhà văn, do ngộ nhận quá trớn về quyền tự do sáng tạo đã dẫn tới việc nhăm nhe phủ định những quy định căn bản về nhân tính, phủ định văn hóa truyền thống, coi thường, xúc xiểm thành quả lịch sử của các thế hệ đi trước. Hệ lụy là văn học bị trói buộc vào sự cố chấp, sân hận, khiến cho tác phẩm chỉ còn là những văn bản tranh đấu thô thiển.

3. Tính tự cao tự đại của nhà văn đến lúc cần phải khuất đi để văn học tồn tại một cách có ích. Sự vĩnh cửu, xét cho tận cùng, chỉ còn lại trong những tình thế xã hội cụ thể mặc dù tính dự báo của văn học là tối quan trọng, nhưng tính vĩnh cửu hiếm khi còn lại trong những tưởng tượng xa lạ viển vông. Mọi tìm kiếm, cuối cùng đều là để chạm tới bản chất cốt lõi của hiện thực. Điều ấy cổ xưa và vững chãi như đá. Nhưng ở nơi bon chen nhốn nháo, đá thường bị lãng quên, bị thay thế bằng bê tông màu mè. Tuy nhiên, với sự mẫn cảm của mình, hiện thực đang lặng lẽ giành lại vị trí mà nó thấy cần phải có.

Mộng ảo một thời là sức đẩy cho văn chương bay bổng giờ đây đã đảo cánh trở thành phẩm chất của khoa học công nghệ. Thời điểm này, ngôn ngữ chắc chắn đã không theo kịp sự ảo diệu của công nghệ thông tin, bởi chỉ bằng một cú vuốt thoảng trên màn hình cảm ứng, công nghệ thông tin đã giúp người ta chạm tới những điều mà ngôn ngữ phải mất một khối lượng đồ sộ mới đạt được. Khoa học công nghệ tạo ra những thế giới mới, ở đó mọi mơ mộng đã được cụ thể hóa, ở đó con người có thể sờ vào giấc mơ của chính mình.

Hơn bao giờ hết, vị trí của văn học trở nên mong manh bởi có rất nhiều lí do để đời sống chối từ nó, đặc biệt là thời điểm hiện nay, thời điểm mà tâm hồn con người đang bị phân tán theo tốc độ phát triển khủng khiếp của công nghệ thông tin. Nhưng trong nguy cơ cũng xuất hiện cơ hội. Sự thắng thế của công nghệ thông tin có thể là cơ hội cho các nhà văn, những kẻ được coi là giác quan tinh nhạy của tạo hóa, với một chút cay đắng, ngậm ngùi, rời bỏ bãi bờ phù du để thụ hưởng lại vị chua cay của đời sống trên mặt đất vốn dĩ nó đã từng nếm trải.

Xã hội này, tình thế dân tộc giai đoạn này cần tới làn sóng hiện thực phê phán một lần nữa, như nó đã từng xuất hiện những năm nửa đầu thế kỷ trước. Đương nhiên hiện thực phê phán mà chúng ta cần là hiện thực phê phán đã qua bàn tay tài năng của những tâm hồn tràn đầy tính bao dung, dựng xây, nó không phải là thứ hiện thực sống sít, thô lậu mà nhiều nhà văn đã bê nguyên xi vào tác phẩm của họ với một tâm thế không mấy thiện tín, không mấy sáng sủa.

Văn học là rượu chưng cất từ đời sống. Chất men quyết định cho phẩm hàm của rượu nhưng rượu có thể bị hỏng, thậm chí gây độc khi để tạp chất lẫn vào. Hận thù và ích kỷ là tạp chất đáng sợ trong nghệ thuật. Đây là một trong những thử thách lớn nhất của nghệ sĩ. Văn học tuyệt không phải sự báo oán, càng không phải liều thuốc gây mê cho qua cơn đau. Chính xác, nó là cái giếng ăn thông trời với đất để con người ta có cơ hội nhìn thấy mình sóng sánh trong diện mạo khác, cả trên vợi cao lẫn dưới thẳm sâu, mà vẫn không bị thất lạc bản nguyên. Tính phi phàm của nghệ thuật văn chương nằm ở đây, chính ở đây cũng hàm ẩn những hiểm nguy bởi nó có thể dễ dàng dẫn dụ, xui khiến con người ta, cả độc giả lẫn tác giả, lạc lối và biến mất vĩnh viễn về một phía.

Đành rằng đời sống cứ chuyển trôi không thể ngăn cản, đành rằng khi con người đứng trên mặt đất này thì nó đã có vị trí vững chãi bởi sự hậu thuẫn của tạo hóa. Thế nhưng văn học lại có thể tác động tới đời sống con người, tới tồn tại của con người, bằng cách nhẫn nại nuôi dưỡng giấc mơ cho mỗi cá nhân. Từ thực tại đầy rẫy mâu thuẫn, đầy rẫy bất công, đầy rẫy phẫn nộ, rớm máu và quằn quại, văn học dựng xây những bầu trời để nhân tính rợp bay, khai mở những con đường để độc giả đặt bước chân tưởng tượng của mình lên đó và ngoảnh lại mỉm cười bao dung với đời sống bụi bặm. Nói cách khác, văn học phải cho con người có dịp sống đời sống thứ hai, đời sống mà nhờ đó họ mới biết định lượng tâm hồn họ còn lại ngần nào, còn trong ở mức nào, còn tươi thắm, dào dạt ở mức nào.

NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
Theo VNQĐ

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...