Nhà thơ Đặng Tường Vy
Thời chống Pháp,
tứ thơ “Đồng chí” của Chính Hữu sẽ không bay lên được nếu không có câu kết: Đầu
súng trăng treo. Thời chống Mỹ, tứ thơ “Tiếng bom ở Seng Phan” của Phạm Tiến
Duật sẽ không đứng được nếu không có hai câu kết: Thế đấy ở chiến trường/
Nghe tiếng bom rất nhỏ. Tất nhiên, để có mấy câu để kết, cả “Đồng chí” lẫn
“Tiếng bom ở Seng Phan” đều phải có một đoạn dẫn dắt. Trong “Đồng chí” là 19
câu. Trong “Tiếng bom ở Seng Phan” là 12 câu. Đoạn dẫn dắt này giống như một sợi
dây cháy chậm, sợi dây dẫn đến điểm nổ.
Nửa đầu thế kỷ 20, nhà thơ lớn người Đức B. Brecht có tứ
thơ “Nếu hòn sỏi nói” (do Mai Lược chuyển ngữ) nổi tiếng:
Khi bạn tung hòn sỏi lên trời
Hòn sỏi nói: Tôi sẽ rơi về đất
Bạn tin hòn sỏi kia nói thật.
Nếu có ai ném bạn xuống nước
Chắc chắn bạn sẽ bị ướt.
Nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp
Thì bạn chớ vội tin
Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.
Ít nhất, bài thơ cũng phải có 7 câu ở cả ba khổ đặt ra 3
giả định để rồi đi đến kết luận: Tất yếu của xã hội khác với tất yếu của tự
nhiên bằng câu kết: Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.
Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn có những tứ thơ tràn ra khỏi mọi
khuôn phép và có khi chỉ cần có một câu thơ thôi, đã mang giá trị như một bài
thơ hoàn chỉnh.
Chúa cũng tự tìm mình trong sáng tạo trong
“Không đề” của Tagore là ví dụ thứ nhất.
Làm người ác vất vả vô cùng trong “Mặt nạ kẻ
ác” của B. Brecht là ví dụ thứ hai.
Có những buổi chiều không biết cất vào đâu trong
trường ca “Gọi nhau qua vách núi” của Thi Hoàng là ví dụ thứ ba.
Và còn nhiều ví dụ nữa.
Những suy nghĩ này bất chợt đến với tôi khi đọc xong tập
thơ “Sóng ngầm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý 3 năm 2017) của nhà thơ trẻ Đặng
Tường Vy.
Tập thơ “Sóng ngầm” của Đặng Tường Vy, NXB Hội Nhà
văn, 2017
Cũng không mất công nhiều lắm, độc giả có thể tìm ngay được
những đơn vị câu ấn tượng đủ sức đứng độc lập của Đặng Tường Vy. Có thể tạm thống
kê những cặp trên sáu dưới tám thật đáng nhớ: Nhẹ nhàng thương, nhẹ
nhàng đau/ Nhẹ nhàng quay gót chào nhau nhẹ nhàng; Tình mẹ tựa đóa Ưu đàm/ Đưa
con ra khỏi vũng chàm thế gian; Không rào chắn, không tường thành/ Trăm năm không
kẻ thế chân một lần; Bao lần mật rót môi mềm/ Nghe lòng kiêu hãnh êm đềm rụng
rơi; Tử, sanh cơn gió thổi vù/ Nước đục ao tù gắng nở hồng sen; Trời mưa ngập bến
sông Tương/ Có bốn chân giường sao gãy được đây?; Đông nay là mấy đông rồi/ Bao
lần di trú sao trời vẫn mây?; Đàn bà một chút rồi xem/ Cây cao bóng cả đổ rèm
em qua; Xin anh một chút thật thà/ Để cho em được đàn bà với anh; Gập ghềnh
chân bước nhiêu khê/ Mong manh phận bạc bốn bề hoang vu; Trách ai sao quá non
gan/ Để em cất bước sang ngang theo chồng…
Qua đây, có thể thấy Đặng Tường Vy là người có sở trường
viết thơ lục bát. Và cũng vì thế mà chị trở thành chủ sở hữu đích thực của những
câu lục bát trên. Ở một chừng mực đáng kể, Đặng Tường Vy đã bộc lộ chất nữ tính
đa chiều và đa dạng của chị. Có lúc thì đụng chạm đến sự nhẹ nhàng như đụng chạm
vào nỗi đau. Có lúc thì đụng chạm đến sự sinh tử như đụng chạm vào sự bứt phá.
Có lúc thì đụng chạm đến sự mạnh mẽ như đụng chạm vào sự thách đố. Có lúc thì đụng
chạm vào lòng kiêu hãnh như đụng chạm vào sự vị tha, nuông chiều, không chấp nhặt.
Có lúc thì như đụng chạm vào sự thắc mắc như đụng chạm vào một thế giới bất khả
tri. Có lúc thì đụng chạm vào nỗi khổ đau như đụng chạm vào thế giới bất khả
tín. Có lúc thì đụng chạm vào sự xác tín như chỉ để tự mình khẳng định. Cũng có
lúc thì đụng chạm đến những gì không dễ nói, đầy ẩn ý, có sắc màu ngờ vực, nghi
hoặc đáng yêu:
Trời mưa ngập bến sông Tương
Có bốn chân giường sao gãy được đây?
Và dù có như thế nào thì những cặp lúc bát trên đều sinh
thành một cách diễn đạt, cách triển khai rất đàn bà và có lẽ chỉ có đàn
bà mới viết được.
Riêng khi đọc hai câu: Không rào chắn, không tường
thành/ Trăm năm không kẻ thế chân một lần, tự dưng tôi liên hệ đến một câu
nói của triết gia người Đức Nietzsche: “Trong tình yêu, nếu nàng hỏi chàng,
chàng trả lời “chàng muốn”; còn nếu chàng hỏi nàng, nàng vẫn trả lời “chàng muốn”.
Một tình yêu mà tận hiến đến thế, chắc chỉ có ở người đàn bà.
Trong “Sóng ngầm”, Đặng Tường Vy không chỉ có thơ lục
bát. Ngoài những câu lục và câu bát rời rạc như Nắng mưa chơi oản tù tì hay Ta
rượt chơi rượt bắt cho vừa lòng nhau, chị còn có những câu ở thể loại khác
về tình yêu cũng đáng nhớ: Hai đứa mình đừng vội/ Mùa dậy thì còn xanh;
Xin một đời không sửa…
Đặng Tường Vy có hai bài “dính” đến hai từ “độc bước”. Ấy
là câu Ta độc bước… tìm tatrong “Ta – tìm – ta” và Độc bước
tình rêu phong tình trong “Rêu phong cuộc tình”. Đó là hai gợi ý để
tôi đặt tên bài viết ngắn này.
Và dù lạnh giá như băng hay nóng bức như lửa, thì trong
hành trình độc bước ấy, mong sao những bước đi của Đặng Tường Vy là những bước
đi có nhận biết.
ĐẶNG HUY
GIANG
Nguồn: NVTPHCM