Nhà thơ Phạm Quang Tiễn
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi đồng bằng Bắc Bộ, nơi có
những người nông dân “hai sương, một nắng” nên anh có cái nhìn
cảm thông và đôn hậu trước cảnh làng quê mùa lũ:
Thương lắm đi thôi những thân cò
Mênh mông biển nước mỏi cánh đo
Tội quá lũ em xuồng đến lớp
Cha mẹ ở nhà thấp thỏm lo
Đã có nhiều bài thơ hay viết về Huế nhưng ở “Huế đêm” anh
đã biết khai thác những chi tiết rất đặc trưng của xứ mộng mơ:
Không gian tĩnh lặng đề thơ
Thành xưa đổ bóng mờ mờ Hương Giang
Tiếng rao lảnh lót bên đàng
Giật mình tưởng chiếu vua ban thuở nào
Tràng Tiền áo tím nao nao
Khói hương nghi ngút xây cao Hoàng Thành.
Qua những “Chiều Mường Khương”, “Trưa Eatul”,
“Đêm Tây Nguyên”, “Phú Quốc”…biết Phạm Quang Tiễn đã đặt chân đến nhiều
vùng đất nước và ở đâu cũng in đậm tình đất, tình người. Đây đó, ta còn thoáng
thấy “dấu ấn nghề nghiệp” trong thơ anh:
Cùng nhau thắp một tuần hương
Cầu trời, lạy Phật nghề thường gian lao
Xây dựng nền cứng, giáo cao
Giơ tay tưởng đã hái vào trời xanh…
Nhưng có lẽ người mẹ mới là trung tâm mà anh gửi gắm tình
cảm của một người con xa quê qua hình ảnh mảnh vườn sau bão:
Cuối hình dung là cơn bão đã ngàn
Mẹ ra vườn chống cây, nâng quả
Những ngón tay già vuốt lên từng chiếc lá
Gió rung cây
Cây ngỡ khóc òa
Tập thơ Trở lại dòng xưa của Phạm
Quang Tiễn
Mảng thơ tình cũng được Phạm Quang Tiễn dành cho nhiều
tâm huyết. “Trở lại dòng xưa”là trở lại kỷ niệm của một thời tuổi
trẻ và tình yêu một đi không trở lại nên không khỏi có những bâng khuâng, tiếc
nuối:
Sông còn mang nỗi nhớ
Hao gầy mãi dòng trôi?
Em còn trong ký ức
Bến này ta sóng đôi?
Rải rác trong tập, ta bắt gặp đây đó những câu thơ thế sự
đầy nỗi đời, nỗi người:
Bây giờ cơ chế tự do
Niềm vui xen lẫn âu lo kiếp người
Suốt ngày tàu chợ rong chơi
Ga nào cũng đỗ xong rồi lại đi!
Ta dễ dàng nhận ra trong tập những bài có cấu tứ chặt chẽ,
chín ở độ cảm xúc như: “Huế đêm”, “Chiều tương tư”, “Đêm Tây Nguyên”,
“Trẩy hội”…
Ở gần cuối tập thơ, anh muốn nói những điều lớn lao hơn
nhưng chỉ là sự khởi đầu. Chúc Phạm Quang Tiễn thành công ở tập thơ sau.
PHƯƠNG MINH
Theo NVTPHCM
Thơ PHẠM QUANG TIỄN
CÂU
Nước cạn trơ mố cầu
Vệt dầu phơi trên bãi
Tựa cần ngồi ôm gối
Câu bóng mình thẳm sâu!
DỰ CẢM
Trời xanh không có thực
Biển cũng có xanh đâu
Tạo hóa làm phông ảo
Cho người diễn với nhau!
PHÚ MỸ HƯNG
Cầu vồng tang trống
Gõ đất âm vang
Đường xòe tay thon
Nâng chân ta bước
Đi về phương nam
Như xưa Chim Lạc
Khi mùa đông sang
Người lên xe buýt
Gương mặt thật tươi
Dưới đầm chúm chím
Ngàn bông sen cười
Ta mong kẹt xe
Để ngắm mây trời
Ta mơ triều cường
Cho nhà soi bóng…
Nếu tiên xuống tắm
Ta sẽ xuống theo
Bởi phố và trời
Có khác mấy đâu.
QUA CẦU RẠCH MIỄU
Sông Tiền ngang trước mặt
Biển dừa phía chân mây
Cầu Rạch Miễu cong vút
Treo như mảnh trăng gầy
Suốt ngàn năm cách trở
Bỗng một ngày nối liền
Trên cầu nghe gió thổi
Nghe nước triều đang lên
Em nghiêng nón mời chào
Chùm dừa xiêm vừa rớt
Để đời ta chết khát
Ngọt ngào lời em rao!
PHÚ QUỐC
Giữa biển khơi
Chín mươi chín ngọn núi đều hướng về Tổ quốc
Những cọc tiêu trầm tư đứng nghe biển hát
Nắng ngẩn ngơ trên những thân dừa
Thuyền ken san sát
Làng chài lưa thưa
Tiếng cá bè quẫy át tiếng người
Chai nước mắm biết bôn ba ra hải ngoại
Viên ngọc trai biết chào mời du khách
Hùng Sơn Tự mọi người còn nhắc
Sư Muôn vừa giảng kinh vừa tuyên truyền chống Pháp
Cầu Sấu
Nhà lao Cây Dừa
Còn như là nhân chứng một thời xưa
Nhưng sẽ là chưa đến Phú Quốc
Nếu chưa thăm Trại Chó
Nếu chưa câu trên biển Hòn Thơm
Bạn chưa kịp bắt con bống mú
Biển đã giăng câu rút cả xác lẫn hồn.
BÊN GIẾNG MỴ CHÂU
Lần theo dấu lông ngỗng
Tìm về thành Cổ Loa
Mũi tên đồng còn đó
Nỏ thần ở nơi đâu
Oan hồn trùm vải đỏ
Khóc cho tượng không đầu
Giếng như là mắt nàng
Thăm thẳm giữa trời Nam
Ngàn năm không khép mí
Tạc vào đời nỗi oan.
THÁP BÚT
Nhân loại viết ngồi
Tháp Bút viết đứng
Nhân loại viết vào giấy trắng
Tháp Bút viết lên trời xanh
SA PA
Sa Pa
phố núi
sáng chìm trong sương
trưa tan vào mây trắng
Phan Si Păng
gồng mình trong giá lạnh
chống trời lên
rắc vài sắc nắng.
CHIỀU MƯỜNG KHƯƠNG
Chiều Mường Khương nắng trải vàng tươi
Trời vừa tắm xong gió hiu hiu thổi
Cô gái người Mông như bông hoa núi
Nở trên xanh ngắt ruộng đậu tương
Chiều Mường Khương sương dan díu lưng đồi
Nắm tay nhau mây mù dạo trên đỉnh núi
Những chú ngựa thồ không hề bối rối
Đầy lưng bắp ung dung về thôn
Chiều Mường Khương cơn mưa rừng ập tới
Già trẻ hối hả đổ ra đồng
Ruộng bậc thang đây cày, đấy cấy
Mặc trời mưa chả ai choàng ni-lông
Chiều Mường Khương nhà ai trong bản vắng
Đàn lợn đòi ăn lần về máng
Vại tương đang ngâm mốc trong mưa
Dầm chân bao đời những hàng pơ-mu
Chiều Mường Khương uốn cong lưng ngựa
Khói thuốc lào vây quanh nồi thắng cố
Hoàng hôn nhòe mặt suối, mặt người
Dìu dặt tiếng khèn ai chơi vơi.
ĐÊM TÂY NGUYÊN
Bung biêng
Bùng biêng
Cần rượu vít cong
Trai làng uống, gái làng say khướt
Già làng kể khan không dứt
Ché rượu cần ngả nghiêng
Đêm nhà rông chung chiêng
Người về rồi
Tiếng chiêng ở lại
Tiếng khan ở lại
Hồn núi rừng cứ ngân vang mãi
Nâng bổng trời Tây Nguyên.
CỔ ĐA
Cây đa đứng ba trăm năm
soát giá chợ Bến Thành
râu chưa bạc
mắt lá vẫn xanh…
Quán cà phê mang danh
đám trẻ ranh
nhâm nhi gật gù
học đòi làm các cụ.