Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Nguyễn Minh Ngọc - những trang văn lưu giữ dấu chân người

Nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc sinh năm 1957. Quê quán: làng Quang Dụ, xã Đức Quang, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tác phẩm đã xuất bản: Cành mận trắng (tập truyện, 1997); Một thời và mãi mãi (tập ký, 2001); Một cõi ấu thơ (truyện dài, 2002); Bay đêm (tập truyện, 2002); Đất thiêng (truyện dài 2 tập, 2003); Chị Ngần (tập truyện, 2004); Trong nắng gió Trường Sa (tập ký, 2006); Người đàn bà trước biển (tập truyện; 2007). Giải thưởng văn học: Giải Nhì truyện ngắn Cây bút vàng (1996-1998); Giải nhất cuộc thi ký Khánh Hòa xưa và nay; Giải A, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 5 năm về VH-NT-BC cho bút ký Trong nắng gió Trường Sa (1999-2004).
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Tiếng rằng ở hai tỉnh khác nhau nhưng làng Quang Dụ quê Nguyễn Minh Ngọc và làng Trung Yên quê tôi cách nhau chỉ một con sông: Sông Lam, một bến đò ngang: đò chợ Tràng. Ngày tôi còn nhỏ, cửa hàng mua bán nơi cha tôi làm việc đặt ngay chợ, mỗi lần đến với cha, tôi lại say mê đứng ngắm con đò chở khách qua sông. Sông Lam đoạn chợ Tràng rộng, sau vài nhịp chèo quẫy sóng của người lái con đò trông chỉ còn như chiếc lá mỏng manh giữa dòng. “Sông đẩy bờ trôi xa, xa mãi…”, tôi ngắm dòng sông thấy vậy mà không phải vậy, chính con đò ngang ấy hàng ngày đã đẩy bờ trôi xa, kéo bờ gần lại. Vì tò mò, một hôm tôi đánh liều làm khách lên đò đi sang bờ bên kia thám hiểm làng Quang Dụ của Ngọc. Vẫn tre pheo, vườn tược, vẫn những cây duối già quả chín vàng gọi mời chim trời và con trẻ như ở làng tôi... Giá ngày ấy biết Nguyễn Minh Ngọc, hẳn tôi đã ghé nhà anh chơi. Vậy mà phải hơn 20 năm sau, khi quá nửa làng Quang Dụ đã lở chìm dưới đáy dòng Lam, còn chúng tôi con của hai làng thì đều đã trưởng thành, Nguyễn Minh Ngọc làm một anh bộ đội, tôi làm một cán bộ biên tập ở tờ Văn Nghệ Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chúng tôi mới có dịp quen nhau.

Văn Nghệ Nha Trang là một tờ tạp chí cấp thành phố, nhưng do vị trí địa lý đặc biệt của thành phố mà nó mang tên và do quan niệm cởi mở của những người chủ trương, nên quy tụ được khá nhiều những cây bút có tên tuổi trong tỉnh và trong nước. Một hôm có một chàng Trung úy trẻ tìm đến tòa soạn gửi thơ, đọc tên tác giả ghi ngoài phong bì tôi biết anh là Nguyễn Minh Ngọc. Tôi chọn đăng của anh một bài, nội dung nói về tâm trạng của một người lính (tác giả?) khi đi tìm người yêu trên phố Nguyễn Khắc Cần, Hà Nội mà không gặp. Chúng tôi quen nhau từ đó. Nguyễn Minh Ngọc còn đến chơi với tôi nhiều lần nữa, nhưng nói chung thơ anh không gây cho tôi một ấn tượng gì, đọng lại đến giờ may ra còn bài Lời ru, với những câu lục bát dung dị: Ru con bằng những câu Kiều/ Cha mang theo mỗi sớm chiều hành quân…. Bài thơ này Nguyễn Minh Ngọc đề tặng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Vì sao tặng Nguyễn Trọng Tạo? Tôi thắc mắc chưa kịp hỏi anh, sau đó chuyển công tác về Nghệ, quên mất. 25 năm sau, trưa chủ nhật 14-10-2012 dịp may đến. Nguyễn Trọng Tạo sau khi xong nhiệm vụ làm Trưởng ban Giám khảo Liên hoan tiếng hát các trường nghề khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Cần Thơ, trên đường ra Bắc ghé TP. Hồ Chí Minh chơi, kéo tôi ra số 3 Phạm Văn Hai nhậu. Khi tới nơi chúng tôi thấy Nguyễn Minh Ngọc và mấy người bạn đã ngồi chờ sẵn đấy. Nhậu sần sần, anh Tạo kéo Nguyễn Minh Ngọc đứng dậy song ca bài hát Giờ này anh về đâu của V.X Xê-đôi, nổi tiếng trong các cựu binh Xô Viết sau chiến tranh thế giới thứ hai: ...Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn/ Đã sánh bước cùng tôi trên con đường xa ?/ Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình/ Xin mời bạn đừng ngại ngùng về chốn quê tôi...

Là nhà thơ, Nguyễn Trọng Tạo còn là nhạc sĩ, vì thế dù trải nhiều rượu bia thuốc lá anh vẫn biết cách làm cho giọng ca của mình nghe hấp dẫn. Nguyễn Minh Ngọc trái lại, trình độ âm nhạc nốt đen nhầm nốt trắng, móc kép tưởng móc đơn, lấy liều mạng làm căn bản, hát hết mình. Nhìn hai nhà văn, một đang mặc áo lính và một từng một thời mặc áo lính say sưa hát, tôi bỗng thấy cay cay nơi khóe mắt. Chẳng biết vì ca từ đẹp hay vì “giọng ca vàng” của các anh mà khi bài hát xong lời Việt, chuẩn bị chuyển sang lời Nga thì nhiều khách nhậu ở các bàn bên cùng ùa tới bàn chúng tôi cụng ly và hòa giọng. Cuộc nhậu hóa thành một buổi liên hoan văn nghệ tưng bừng. Đến đây thì tôi hiểu, hóa ra ngày mới nhập ngũ Nguyễn Minh Ngọc cùng ở E 22B, sư đoàn bộ binh Sông Lam với Nguyễn Trọng Tạo. Một trung đoàn sinh ra hai nhà văn, tiềm năng của Quân đội ta thật đáng nể.

Nhưng Nguyễn Minh Ngọc ở bộ binh không lâu, đến cuối năm 1975 anh được điều động về quân chủng Phòng không – Không quân, nơi từng là cái nôi cất cánh cho những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Việt như Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ… Và đây cũng chính là môi trường lý tưởng cung cấp chất liệu giúp anh hoàn thành những Một thời và mãi mãi (tập ký), Bay đêm (tập truyện)… những tác phẩm góp phần làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Minh Ngọc sau này.

Đóng quân ở Trại Cờ, Phố Thắng, Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) hàng quý nhà văn tương lai của chúng ta lại được xuôi Hà Nội một lần nộp báo cáo. Ngày ấy cơ quan Cục kỹ thuật quân chủng Phòng không – Không quân đóng trên đường Tàu Bay, con đường cũ kỹ đầy bụi bặm, rợp bóng xà cừ. Ngoại trừ thi thoảng được bám xe đơn vị, còn thì cứ phải rồng rắn xếp hàng mua vé xe ca đi hai chặng đường mới tới được bến Nứa. Từ đây anh tìm cách lần về trạm khách tồi tàn ngay lối vào kho gạo Ngã Tư Sở, cạnh cái hồ nước mọc đầy cây đại bi. Sau này, một đôi lần hăng hái, Nguyễn Minh Ngọc mượn xe đạp guồng từ phố Thắng, vượt bến đò Lo sang chợ Chờ, băng qua Từ Sơn xuôi về Hà Nội. Bao giờ cũng vậy, sau khi hoàn tất công việc anh tản bộ ra gò Đống Đa đón tàu điện về Bờ Hồ tìm đến hiệu sách quốc văn ngắm nghía và chọn mua (khi có tiền) những cuốn sách văn học mà anh ưa thích đem về doanh trại nghiền ngẫm.

Với những người cầm bút thì thâm nhập đời sống, làm giàu vốn liếng chữ nghĩa là việc phải làm suốt đời; Nguyễn Minh Ngọc cũng vậy, anh học hỏi mọi lúc mọi nơi, nhưng những năm ở Hà Bắc đặc biệt quan trọng, nó giúp anh trải nghiệm, thấm thía hồn cốt, thổ ngơi của đất nước con người xứ Bắc mà lần đầu tiên trong đời anh được sống, khiến cho những trang viết của anh sau này trở nên lấp lánh hơn.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp lớp sĩ quan chính trị trường Chỉ huy - Kỹ thuật Không quân Nha Trang, anh được giữ lại làm công tác tuyên truyền. Cương vị mới buộc anh phải viết bài phản ánh các hoạt động của nhà trường và làm “tà lọt” cho một số cây bút đàn anh đến tìm hiểu viết về không quân. Nhờ vậy, vừa nhập môn nghề văn anh đã may mắn được cụ Kim Lân đọc bản thảo và nói cho một câu đầy khích lệ: Văn của cậu rất trong sáng. Từ câu nói của bậc tiên chỉ, anh quyết định đoạn tuyệt với thơ để chuyên chú văn xuôi, thử sức mình ở nhiều thể loại: ký, truyện ngắn, truyện dài đủ cả. Năm 1984, Nắng Phan Rang, bài ký đầu tiên trong đời cầm bút của Nguyễn Minh Ngọc ra đời, được in trong tập Mái trường - Đàn chim.

Nguyễn Minh Ngọc có duyên với ký. Tính đến nay, trong tám đầu sách anh xuất bản, có đến hai tập ký và trong ba giải thưởng văn học anh được nhận thì có hai giải được trao cho ký. Trong đó đáng kể là bút ký Trong nắng gió Trường Sa (giải A, giải thưởng Bộ Quốc phòng). Để có bút ký này, đầu năm 2002 Ngọc đã phải “đi chui” ra quần đảo. Nói “đi chui”, vì năm 1987, anh đã được mời đi Trường Sa nhưng đơn vị chủ quản nhất quyết không cho. Rút kinh nghiệm, lần này khi nhận được giấy mời của UBND tỉnh Khánh Hòa anh lẳng lặng xin nghỉ phép và nhập cùng đoàn cán bộ của tỉnh ra thăm những Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn Lớn, Cô Lin, Len Đao, Đá Tây… nửa tháng trời, viết được hai bút ký và hàng chục bài báo phản ánh cuộc sống hàng ngày của quân dân ta trên quần đảo.

Nhận giải thưởng Bộ Quốc phòng xong, cuối năm 2004 Nguyễn Minh Ngọc được điều về Nxb Quân đội Nhân dân. Ngày 10-3-2005, Giám đốc Nxb giao anh nhiệm vụ rời Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh làm Trưởng đại diện chi nhánh. Đáng lẽ phải ra ga Hàng Cỏ mua ngay vé tàu nằm thì anh lại ghé Trần Đăng Khoa chơi. Nhà thơ chẳng rượu chè gì, tiễn bạn bằng cách kéo ra nhà sách Đông Tây ở đường Nguyễn Chí Thanh mua tặng một ba lô sách, trong đó có tiểu thuyết Đảo chìm của Khoa. Khi Nguyễn Minh Ngọc ra đến ga thì vé nằm hết, anh đành đi vé ngồi tàu E1, ghế số 14, toa 3. Đến 23 giờ đêm 11-3 tàu xuất phát, bắt đầu một chuyến đi kinh hoàng. Trưa hôm sau tàu đến Lăng Cô, cũng là khi Nguyễn Minh Ngọc đọc xong trang cuối cùng tiểu thuyết Đảo chìm. Anh gấp sách nghỉ ngơi thì bỗng nghe rầm một tiếng, cả đoàn tàu vụt bay khỏi đường ray đổ ụp xuống đất, hai toa 7, 8 ở giữa bị bẻ gãy đôi, toa số 3 Ngọc ngồi đổ ngang, cửa kính vỡ loảng xoảng. Nằm trong tiếng la hét hoảng loạn của khách đi tàu, Nguyễn Minh Ngọc bình tĩnh xem đồng hồ tay, đồng hồ chỉ con số 11h 49’ ngày 12-3-2005. Vuốt máu mặt, anh đập kính chui qua khung cửa sổ ra ngoài. Sau này ngẫm lại, Nguyễn Minh Ngọc thấy phải cám ơn Trần Đăng Khoa, cám ơn Đảo chìm. Vì muốn ghé thăm Nhà thơ mà anh không mua được vé nằm, phải đi vé ngồi. Và vì bận đọc Đảo chìm mà anh không đi lang thang trên tàu, nên được bình an. Nếu mua được vé nằm, hôm ấy chắc chắn anh không thể tai qua nạn khỏi. Và thế là bút ký Chuyến tàu định mệnh ra đời.

Viết ký, Nguyễn Minh Ngọc có nhiều quan sát tinh tế, chẳng hạn: “…Thói quen quan tâm đến những người chung quanh đã tạo nên nét đẹp trong cách ứng xử của người Sài Gòn. Bạn đi xe máy trên đường lắm khi quên gạt chân chống nghiêng, hoặc không nhớ tắt đèn pha ư? Chẳng sao cả, dù đường phố đông nghẹt vẫn có người bên cạnh nhìn thấy và nhắc bạn biết để tránh những điều đáng tiếc xảy ra...”

Đoạn văn trên tôi trích trong bút ký Thành phố lưu giữ dấu chân người của anh, in báo Văn nghệ năm 2005 mà tôi ngẫu nhiên bắt gặp khi giở lại tập báo cũ, nhưng nó cũng tiêu biểu cho bút pháp văn xuôi của Nguyễn Minh Ngọc, một bút pháp chuộng cổ điển, thiên về ngợi ca. Anh am hiểu đời sống, nhạy cảm, có lòng yêu quý trân trọng những việc tốt, người tốt dám xả thân vì nghĩa lớn, lại thông cảm, bao dung với những người nghèo khó, thất thế, cùng quẫn, sai lầm trong cuộc sống. Người đàn bà trước biển, tập truyện ngắn xuất bản gần đây nhất của anh hay Cành mận trắng xuất bản năm 1997 đều vậy. Trong các tác phẩm của mình dường như Nguyễn Minh Ngọc muốn chứng tỏ hai điều: một là, trân trọng, thương yêu những người lao động cần cù, chân thật, dũng cảm, hai là mong muốn suy nghĩ và hành động của con người phải luôn hướng thiện. Đây là hai vấn đề có ý nghĩa quan trọng, giàu tính nhân văn trong đối nhân xử thế. Triển khai hai chủ đề này, tác giả để các nhân vật chính trong các tác phẩm của mình chủ yếu tập trung vào hai loại người, phụ nữ và người lính. Có thể vì tác giả sống nhiều ở nông thôn, gần với những người lao động – trong đó phụ nữ vất vả hơn cả; mặt khác anh là người lính lâu năm, hiểu kỹ đồng đội của mình. Cho nên người phụ nữ và người lính trong truyện phần lớn là người tốt, nếu không phải là những tấm gương mà ta có thể soi vào để ngộ ra nhiều điều… Ngay trong kịch bản phim Cao hơn bầu trời, một bộ phim truyền hình dài 50 tập mà anh vừa hoàn thành và đang được Hãng phim Giải phóng bấm máy để kịp ra mắt trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cũng vậy. Nhân vật chính là những chiến sĩ, những nữ dân quân tự vệ đã không quản máu xương làm nên chiến thắng.

Sau 20 năm cầm bút, năm 2003 Nguyễn Minh Ngọc vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân dịp này từ quê hương Hà Tĩnh, cô giáo Phạm Thị Lài dạy văn cho anh hồi lớp 8 đã ghép tên những tác phẩm của người học trò cưng năm nào thành một bài thơ tặng thú vị: Đất thiêng thiêng mãi Chị Ngần/ Ngắm Cành mận trắng nhớ lần Bay đêm/ Trường Sa nắng gió đảo điên/ Người… trước biển vẫn vững bền chí trai...

Đối với Nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, một người luôn biết quý trọng những giá trị nhân văn của cuộc đời, như những câu Kiều trong bài hát ru thuở nào, đây có lẽ mới là phần thưởng lớn nhất.

NGÔ XUÂN HỘI
Theo Văn Nghệ 48/2012

ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...