Nhà thơ Trần Xuân An
Mặc dù có thơ đăng báo từ ngày còn chiến tranh, tuổi văn
chương của Trần Xuân An có thể tính bằng tuổi hoà bình của đất nước. Năm 19 tuổi,
nhìn quê hương đổi thay với một cái nhìn nửa mừng vui, nửa ngơ ngác, Trần Xuân
An nói lên lời tự bạch chân thành:
Sinh
ra, lớn lên ở thành phố miền Nam
Gia đình tôi chưa có ai đi làm cách mạng
Dầm mình trong quên lãng
Buổi
cờ bay, mới biết có nhân dân.
(Tôi hiểu tôi đã yêu em…)
Đó có lẽ không phải là lời tự bạch của riêng anh. Đó cũng
là lời tự bạch của một lớp người trẻ không mang hành trang nặng nề của quá khứ,
không mặc cảm rằng mình là một “thế hệ bỏ đi”, đem tâm tình hiến dâng hoà giải
và hoà nhập với cuộc đời mới, dù chưa hình dung thật rõ những gì sẽ chờ đợi tuổi
trẻ mình trên con đường trước mặt. Trần Xuân An tiếp tục chương trình đại học,
ra trường làm thầy giáo ở một thị trấn vùng cao nguyên, đồng thời viết văn làm
thơ và xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong sinh hoạt báo chí và văn nghệ. Đến
nay anh đã cho xuất bản bảy tập thơ và bốn tác phẩm văn xuôi, trong đó – gần
đây nhất – được dư luận đăc biệt chú ý là bộ truyện lịch sử bốn tập gần ngàn
trang Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Đó là chưa kể hàng
chục sáng tác và công trình biên khảo mà anh đã hoàn thành trong những ngày làm
người trí thức hành nghề tự do ở ngoài biên chế hiện nay.
Cuộc sống những tháng năm tuổi trẻ và một thiên hướng
trong tư duy đã hình thành trong tác phẩm Trần Xuân An một cảm hứng xã hội rõ
nét. Con người trong thơ văn anh có nhiều chiều kích, nhưng nét nổi bật nhất vẫn
là sự trăn trở và thao thức trước những biến động lịch sử. Có thể thấy rõ ở đây
dấu ấn của một không gian văn hoá miền Trung Trung bộ để lại trong tâm thức của
một người làm văn nghệ, tuy đã trôi dạt qua nhiều miền đất, nhưng cái nếp nghĩ
và chất giọng quê nhà không hề phai nhạt. Hình như những gì anh đã chứng kiến
trong những khúc quanh nghiệt ngã của xã hội đã giúp anh cảm nhận được đầy đủ
hơn số phận con người trong những biến thiên lịch sử ngay cả ở những thời điểm
mà anh chỉ có thể tiếp xúc gián cách qua những trang tư liệu.
Mạch nghĩ và mạch văn đó vẫn tiếp tục chi phối Trần Xuân
An khi anh cầm bút viết phê bình. Đành rằng, như anh nói, đây chỉ là những
trang “ngẫu hứng”, nhưng có ngẫu hứng nào thoát ra ngoài quy luật, có ngẫu hứng
nào không mang dấu vết của định mệnh? Nội việc anh chỉ chọn chín nhà thơ trong
tập này để bình phẩm và ngợi ca cũng là một minh chứng cho cái không gian văn
hoá mà anh gắn bó và cái thiên hướng văn chương mà anh theo đuổi. Đó là những
nhà thơ mà trước khi thơ họ có một số phận để ta chiêm nghiệm, bản thân số phận
họ đã không thể khiến ta thờ ơ. Trần Xuân An không quá nệ vào tính phổ cập của
thơ họ, càng không nệ vào chuyện chiếu trên chiếu dưới trong văn chương. Ai
cũng hiểu rằng giá trị trong văn chương thường không phải giá trị tự nó, mà là
giá trị cho ta, giá trị đối với anh, giá trị qua mắt nhìn của chị, giá trị
trong cảm nhận của tôi. Viết phê bình, không hẳn Trần Xuân An không chú ý chuyện
hay dở, nhưng đó không phải là điều quan tâm hàng đầu của anh. Điều mà ngòi bút
anh ưu tiên nhất khi nói về những nhà thơ anh yêu mến là những ý tưởng mà
tác phẩm của họ gợi lên về đời người và người đời, tất nhiên là gợi lên bằng những
thủ pháp nghệ thuật. Cho nên nói cho cùng, ngẫu hứng mà không hề là ngẫu nhiên,
ngẫu hứng mà không hề là vô cớ!
Tôi đặc biệt đồng cảm với hai bài viết của Trần Xuân An về
Hoàng Phủ Ngọc Tường và Tần Hoài Dạ Vũ tuy không hẳn chia sẻ tất cả ý kiến và
nhận định đôi khi chưa thật uyển chuyển của anh. Trước hết là vì, cũng như anh,
tác phẩm của hai nhà thơ dấn thân này đã đi vào kỷ niệm một chặng đời của tuổi
trẻ tôi. Thứ hai, điều quan trọng hơn, theo cảm nhận của tôi, đây là hai nhà
thơ mà cuộc đời và tác phẩm có thể làm chứng một cách trung thực cho sự tìm đường,
niềm xác tín nghệ thuật, sự cả tin và thái độ tự vấn của người nghệ sĩ dưới xã
hội miền Nam trước đây cũng như, nói chung, trong những biến thiên của đời sống
dân tộc mấy thập kỷ qua. Tất nhiên, thơ họ là tâm tình của họ, nhưng nó cũng là
một thứ chứng từ của thời đại. Có điều, đòi hỏi thơ phải phản ánh hiện thực một
cách chân thực hay nhà thơ phải nhớ lại những địa danh và tuyến đường cụ thể
thì có lẽ không phải là một yêu cầu nhất thiết phù hợp với đặc trưng của thể loại.
Trần Xuân An chủ định viết phê bình như một người sáng
tác hơn là một nhà khoa học, mặc dù khi cần “nói có sách, mách có chứng”, anh
cũng dẫn giải và chú thích cặn kẽ như khi anh nghiên cứu các nhân vật lịch sử.
Dõi theo mạch thơ của thi sĩ, anh cũng đồng thời đuổi theo những ý nghĩ miên
man của mình về tình yêu, cuộc sống, con người và văn chương. Phê bình văn học
của Trần Xuân An, cũng như văn xuôi lịch sử của anh, vì sự tràn đầy của nó về mặt
nội dung, nên có khi người đọc phải kiên nhẫn để nắm bắt sự mạch lạc nội tại của
cả hai dòng mạch đó.
Tháng 4.2005
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
___________________________________
Nhà thơ Trần Xuân An sinh ngày 10.11.1956
(08.10 Bính Thân) tại Huế.
Nguyên quán: Gio Linh, Triệu phong, Quảng
Trị. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt, Đại học Sư phạm Huế (1974 –
1978). Dạy trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Lâm Đồng, 1978 –
1983. Từ 1991 đến nay, thường trú tại TP.HCM, chuyên sáng tác, nghiên cứu.
Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
Tác phẩm đã xuất bản:
I. Thơ:
1. Nắng và mưa, tập thơ, Hội
VHNT. Quảng Trị xuất bản, 1991.
2. Hát chiêu hồn mình, tập thơ,
Nxb. Đồng Nai, 1992.
3. Tôi vẫn ở trên đường, tập
thơ, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 1993.
4. Lặng lẽ ở phố, tập thơ, Nxb.
Trẻ, 1995.
5. Kẻ bị ném vào bão, tập thơ,
Nxb. Trẻ, 1995.
6.Hát với đời ơi thương mến, tập
thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca
thơ, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 1998.
8. Thơ những mùa hương, tập
thơ, Nxb. Thanh Niên, 2011.
9. Tưởng niệm Mẹ, tập thơ tự
tuyển, Nxb. Thanh Niên, 2010.
10. Thơ sử và những bài thơ khác,
tập thơ, Nxb. Thanh Niên, 2011.
II. Tiểu thuyết:
11. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu
thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
12. Ngôi trường tháng giêng, tiểu
thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
13. Sen đỏ, bài thơ hoà bình,
tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
III. Nghiên cứu, khảo luận:
14. Thơ Nguyễn Văn Tường (1824 –
1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên
cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về
NVT.), 2000 & 2003, Nxb. Thanh Niên, 2008.
15.Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần
Nguyễn Văn Tường – kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực
dân Pháp (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu,
sách dẫn chi tiết, phần I, 2001, Nxb. Thanh Niên, 9-2006..
16. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một
người trung nghĩa, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003, Nxb.
Thanh Niên, 9-2006.
17. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn
Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập,
2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004.
IV. Phê bình & bình luận:
18. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình
thơ, 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2005.
19. Đọc văn chương và cảm nghĩ,
phê bình, viết ngắn & điểm sách, Nxb. Thanh Niên, 2009.
B. Giải thưởng, tặng thưởng:
1. Tặng thưởng tuần báo Văn Nghệ Giải
Phóng, 1975.
2. Giải thưởng Hội VHNT Quảng Trị, 1991.
C. Quan niệm văn học:
Nói riêng về lĩnh vực sáng tác: Nhà văn
chương chuyên về lĩnh vực sáng tác, từ khi sáng tác trở thành một loại hình lao
động chuyên nghiệp và trọn đời cho đến nay, không phải là người giam mình trong
sách vở, kinh điển. Nói như vậy, với hàm ý rằng: Ngoài tri thức kim cổ được
truyền thụ và tự học, chúng ta cần phải trải nghiệm, tích lũy vốn sống sinh động,
cụ thể, trực tiếp, để thấu hiểu mình và thấu hiểu người, thấu hiểu đời, thấu hiểu
đất trời. Nhưng quyền trải nghiệm của nhà văn chương được quy định bởi cái tâm.
Vốn sống và cái tâm lương thiện với lẽ sống chân chính, cùng với tài năng, góp
phần làm nên cái tầm vóc văn chương của mỗi nhà cầm bút. Văn chương từ ngàn xưa
cho đến muôn đời sau vẫn không thể thiếu một trong ba thành tố cổ điển (chuẩn mực),
đó là chân, thiện, mĩ. Và dĩ nhiên, phong cách, cá tính nghệ thuật – tư tưởng
cùng với sự riêng biệt về thân phận, thành phần xã hội làm nên nét đặc sắc. Tôi
muốn nói gọn hơn: Văn chương phải THẬT, phải TỐT, phải ĐẸP và phải ĐẶC SẮC.
Văn chương khi đã cho lưu hành giữa đời là
VÌ ĐỜI, trong đó có bản thân mình; thậm chí viết về cái tôi thì cái tôi ấy cũng
là hình tượng trữ tình, và đăng báo, xuất bản tác phẩm chứa đựng hình tượng trữ
tình của cái tôi cũng vì đời.
Ngoài sáng tác thơ, tiểu thuyết, tôi còn viết
bình luận, phê bình văn chương và nghiên cứu sử học, nhưng đây chỉ giới hạn
trong lĩnh vực sáng tác văn chương.
Theo NVTPHCM