Nhà thơ Như Quỳnh de Prelle
Song Tử là tập thơ chị viết dành cho những
tưởng tượng của thi ca, thể hiện những tình cảm và sẻ chia cùng anh. Ở đó,
tình yêu của người đàn bà thơ với anh - Song Tử, được cài bện trong tình yêu
thi ca, tình yêu con người, quê hương, cuộc sống... Anh - Song Tử, là một hằng
số vô cùng khơi mãi những thương yêu bất tận. Anh - Song Tử cũng là một hình tượng
nghệ thuật ẩn chứa những suy tư vừa kín đáo vừa táo bạo về thế giới của chị.
Những câu
thơ Như Quỳnh de Prelle viết như những lời tâm sự, thủ thỉ, tâm tình với
anh về tình yêu, về thơ ca, về cuộc sống. Ở đó, chị bày tỏ tình yêu tha thiết,
thủy chung, mãnh liệt, bỏng cháy và luôn tìm về sự hài hòa cả về tinh thần lẫn
thể xác, khát chờ một hạnh phúc vĩnh hằng, một tổ ấm vẹn toàn. Anh chính là mạch
sống đời thơ chị. Chị biết cách nhen nhóm và gìn giữ tình yêu với sự chăm chút
đáng quý: “yêu anh yêu anh từng nhịp đập từng nhịp từng nhịp”. Với
chị, yêu là phải bùng cháy cảm xúc để tỏ lòng với người mình yêu. Do vậy, sự gắn
bó, khăng khít giữa hai người tình không chỉ đo bằng chiều dài của thời gian mà
còn được mở rộng biên độ yêu, không gian yêu. Đâu chỉ hiện tại, mà ngay cả cõi mơ, tình yêu ấy
vẫn nảy nở, đằm sâu: “Em đợi anh/ Yêu anh/ từng ngày từng ngày một/ như
hơi thở/ như những hẹn hò trong mơ/ như những thảng thốt/ bất ngờ” (Anh.
Tiếng Việt và quê hương). Yêu như là nhịp thở của nhau và đến khi
tràn sang cả cõi mơ thì sức mạnh của tình yêu, nỗi khát hòa nhập được đẩy lên
cao hơn.
So sánh là một
trong những phương thức tăng thêm vẻ đẹp của diễn ngôn, của hình tượng được nói
đến cũng như gửi gắm nỗi niềm, triết luận của tác giả về cuộc thế. Cấu
trúc so sánh được Như Quỳnh de Prelle sử dụng khá nhiều. Khảo sát tập Song
Tử, chúng tôi thấy cấu trúc anh là (A + là + B) xuất hiện
23 lần/81 bài thơ. Hình tượng anh trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt trong thơ
chị:
Song Tử duy
nhất của em
anh của em
anh là Tổ
quốc của em
trên địa cầu
hôm nay
(Anh. Tiếng Việt và quê hương)
Yêu và nhân niềm
tin yêu mỗi ngày bằng gia vị riêng nhưng tất yếu không thể thiếu gia vị của
lòng trân quý người tình. Cách so sánh đối tượng cụ thể với đối tượng trừu tượng,
mang tính biểu tượng cao, thiêng liêng ở đoạn thơ này là một phát hiện thú vị của
chị. Việc lặp lại các từ "của em" góp phần khẳng định tính sở hữu
cũng như nhấn mạnh tình yêu bất diệt của người đàn bà thơ đối với anh. Đoạn thơ
khác, yếu tố khẳng định đi kèm với các hình ảnh được so sánh xuất hiện liên tục: anh
là một cánh rừng màu xanh của em/ là ngôi nhà diệp lục tưởng tượng của em/ là
Song Tử/ cho em hẹn hò/ anh là không khí/ cho em thở/ cho màu xanh định mệnh của
em/ cho sự thất thường của em/ trong sâu thẳm (Thêm một trái tim ở
bên). Người đàn bà thơ biết nêm nếm đúng khẩu vị yêu, muốn khám phá kiệt cùng
thế giới tâm hồn của anh. Anh được ví với mọi chiều kích của vũ trụ, xuyên qua
lưới thời gian, là ngọn gió thơm mát, là những gì tinh khôi,… trong trái tim
người đàn bà thơ. Mỗi cấu trúc thơ mở ra một cánh cửa tình. Cấu trúc anh - cánh
rừng: không gian mênh mông ngập tràn sức sống. Anh - ngôi nhà diệp lục: gợi
không gian gia đình ấm cúng, đoàn tụ. Anh - Song Tử: mẫu người đàn ông tuyệt vời.
Anh - không khí: sự cần thiết để duy trì tình yêu và cuộc sống. Sự bó hẹp dần về
không gian ở đoạn thơ trên chính là sự rút ngắn khoảng cách giữa hai người
tình. Nỗi khát tình, khát hòa nhịp lòng của người đàn bà thơ đối với anh xuyên
suốt, nồng nàn và ngày một lớn thêm.
“Song Tử”
là “những con chữ của tình yêu”, là “mùa em dành cho
anh tình yêu bất tận/ sự ân cần và hân hoan” (Bài thơ viết trong vườn). Người
đàn bà thơ xem mình là nước. Anh là rừng. Nguồn nước chảy và thấm vào đất, vào
rừng những mạch nguồn của tình yêu. Nguồn nước ấy mang đến sự thanh khiết, hòa
hợp và sinh sôi nảy nở. Nguồn nước thanh khiết này sẽ tưới tắm, xoa dịu tâm hồn
anh. Và cũng là hình ảnh tượng trưng nguồn thụ tinh cho một tình yêu đẹp, luôn
chuyển dịch, vận động để tái sinh: “Hơn bao giờ hết, lúc này nàng nhận
ra nàng yêu anh biết bao, cần anh biết bao, nàng tiếp tục yêu và yêu yêu như nước
quấn quanh rừng, như những mạch ngầm của dòng chảy không tách rời mặt đất kia…
nàng là nước, là người đàn bà mang nước để yêu anh như nguồn nước mẹ” (Song
Tử). Mạch tình ấy không đơn thuần chỉ là sự hiện hữu qua những hành
động (yêu) mà còn như nguồn nước mẹ thấm sâu, lan rộng khắp (quấn quanh, không
tách rời). Trên nền gắn kết nàng-anh, nước-rừng, tình yêu nảy sinh, bình dị,
son sắt, ngọt lịm, tràn trề, không bao giờ vơi, không bao giờ ngưng.
Nước trong thơ
Như Quỳnh de Prelle còn mang biểu tượng phái sinh. Nước tăng thêm sự đủ đầy,
thanh nhã cho không gian của tình yêu và vẻ đẹp tâm hồn:
Bảo Bình của
anh là em
em chỉ có một
Song Tử là anh
trời đất
mang anh đến cho em
vũ trụ chuyển
hoá anh cho em
một người mang nước có anh
và yêu anh
anh là cánh
rừng
em là những
dòng nước
chúng ta
bao quanh nhau
nước từ trong lòng sâu của đất
nuôi dưỡng mạch nguồn cho rễ của cây
anh chở che
em
bằng màu
xanh diệp lục
sự chuyển đổi
của thời gian
bằng tình
yêu
lặng im lặng
im
không cần
nói bằng lời
(Song Tử của em)
Ở đoạn thơ
trên, cặp đôi cánh rừng-dòng nước bổ sung, tương hỗ mang ý nghĩa thanh tẩy,
nhen lên những mầm sống tươi mới, hồi sinh tâm hồn, kết hoa trái tình yêu. Trên
tinh thần ấy, nước còn là biểu tượng của vẻ đẹp thiên tính nữ, mềm mại, trong
sáng, nảy sinh sự sống mới; là chất kết dính, là sự hòa quyện tuyệt vời giữa
cung Bảo Bình và cung Song Tử. Sự chuyển hóa dòng nước tình yêu mát lành từ em
sang anh, từ Bảo Bình sang Song Tử và ngược lại, là một quá trình xuyên thấm và
bồi đắp liên tục giữa hai trái tim đồng điệu, sống hết mình vì tình yêu. Yêu là
phải tự tin, tự thổ lộ với người tình bằng trái tim nồng nàn và rất đỗi ấm áp,
mến thương của mình. Vì vậy, tiếng nói thơ chị lúc nào cũng mong mỏi "tìm
kiếm sự vẹn nguyên ngay cả khi cái chết cận kề". Quyết tâm đó đã xác
tín tiếng nói tự chủ, cá tính nữ trong hành trình tìm sự trọn vẹn tình yêu của
người đàn bà thơ.
Khi yêu, ai
cũng muốn thấu trọn trái tim người tình. Vì vậy, chị còn đặt ra những giả thiết,
lật lại vấn đề: "Em cũng không có cơn mưa nào cho anh/ nên em thấy anh là giọt nước cho em uống anh trong
cơ thể em” (Em và anh). Anh là giọt nước tinh
khiết bù đắp nguồn sống cho em. Sự luân chuyển, thay đổi vị trí giữa người cho
và người nhận, Như Quỳnh de Prelle đã chứng minh sức sống mãnh liệt của tình
yêu giữa người đàn bà thơ và anh không bao giờ khô cạn, mãi mãi xanh tươi, quyến
dụ suốt mùa yêu. Hơn nữa, khi yêu, người ta luôn có nhu cầu làm mới, nhen lửa
tình yêu mỗi ngày. Nhưng nhu cầu nắm bắt, hiểu hết người mình yêu là một hành
trình vô tận. Chừng nào còn nhu cầu kiếm tìm tình yêu thì tình yêu còn tồn tại.
Người đàn bà ấy không để tình yêu nguội lạnh như lớp tro buồn, hoang hoải: “Em
muốn yêu anh lại từ/ hôm nay như một ngày mới/
đang đến, mở mắt ra em/ nhìn thấy anh ở bên và/ có anh trên khắp mọi nơi/ em đến, em đi, ngồi lại”(Người yêu dấu ơi). Chị biết
nhân thêm tình yêu và làm mới tình yêu mỗi ngày, biết hòa nhập, đồng điệu với
người mình yêu để tôn vinh sự thủy chung và thiêng liêng của tình yêu. Ý thức
này một mặt khẳng định tình yêu bền vững, vĩnh cửu của người đàn bà thơ với anh
- Song Tử, không gì có thể chia cắt được, mặt khác, hướng con người đến sự trọn
vẹn, đến những giá trị tốt đẹp hơn.
Người đàn bà
thơ đa cảm, đa tình nhưng không yếu đuối, ngược lại, rất cứng cỏi, bản lĩnh, đầy cá tính. Nỗi khát yêu đôi khi được dồn đẩy, vỡ
ra và bứt phá. Nó làm nên lớp sóng yêu dào dạt, chuỗi thanh âm nhục cảm táo bạo
cho tập thơ: “anh là thời gian không gian của em/ anh là chú chim non gọi
em buổi sáng/ dặn em đi ngủ lúc đêm khuya/ anh là con tinh trùng vô hình/ quẫy
đạp em/ sinh sôi/ anh nằm trên ngón tay em/ lặng im lặng im”(Anh đến từ
đâu). Đoạn thơ này, yếu tố được so sánh phát huy hiệu lực cao, tăng
dần mức độ tình cảm và dừng lại ở hình ảnh nhục thể, hoan lạc, táo bạo. Những
cuồng nhiệt của tình yêu, niềm hạnh phúc vô biên tràn ngập thời gian và không
gian. Một tình yêu viên mãn. Một sự kết nối tuyệt đích. Ở bài thơ "Thư
viết cho người yêu", những từ ngữ đan phối, duỗi theo cơ chế tăng
tiến cảm xúc như thèm, muốn, nuốt, hôn, uống, túm, ăn,... dội thẳng
vào tâm trí người đọc: “lên cơn nhớ anh thèm anh bất tận/ em muốn được
ăn cái lưỡi của anh/ hàm răng của anh/ ăn cả đôi bàn tay dài trắng muốt/ nuốt cả
những ngón tay những móng tay sạch sẽ/ em ăn cả cơ thể của anh/ trên ngực anh
em gối đầu/ và hôn vào chiếc rốn năng lượng/ em sẽ làm gì tiếp theo/ làm gì
nào/ anh yêu ơi// lên cơn nhớ anh thèm anh bất tận/ mùa xuân ngọt lành/ em uống
từng giọt từng giọt mồ hôi/ trên 2 cơ thể chúng ta/ em túm từng lọn tóc từng lọn
tóc/ khô ơi là khô nước mắt em trào dâng/ ướt đẫm người anh/ em muốn được ăn
anh toàn phần/ uống anh từng nụ hôn/ từng giọt nước mắt/ từng giọt mồ hôi/ từng
giọt yêu đương từng giọt từng giọt// em đang yêu anh/ yêu anh”. Chúng
ta thấy nhịp thơ đoạn này tương đồng với tốc độ cảm xúc tạo nên hiệu ứng nhạc
tính của những con chữ và hiệu ứng nhạc lòng của hai người tình. Tất cả níu vào
nhau, đan vào nhau theo một chỉnh thể thống nhất và cao trào. Đôi khi lời tình
yêu chỉ là những thanh âm chân thật, tự nhiên nhưng vẫn khiến người đọc mê say
trong miền nóng ấm của sự giao hòa: Anh che chở em tha thứ em theo nhịp
đập từng hồi từng hồi và ngưng lại trên cơ thể mềm mại của em// Em lại chui vào
anh nồng nàn tha thiết yêu đương// Có những lúc như thế, chúng ta vỡ ra những
những thuỷ tinh và trong veo như những giọt nước mắt không màu đầy ánh sáng của
tình yêu và bao dung// Em đang yêu anh yêu anh, Song Tử của em (Chúng
ta là một). Đoạn thơ không khai thác rõ những hoạt động tính dục mà chỉ xoáy
vào cảm xúc nhục thể bằng ngôn ngữ tinh tế, giản dị, cho thấy cái nhìn đa chiều
của Như Quỳnh de Prelle khi nói về say đắm của tình yêu. Dù cảm xúc ào ạt, cháy
bỏng hay dịu dàng, kín đáo nhưng có thể nói không một khoảng cách, ranh giới
nào chia lìa được hai người tình. Cấu trúc dạng thơ văn xuôi ở đây trải dài như
mở rộng thêm biên độ của tình yêu, của cảm xúc trong cơ chế vận động của những
thanh âm tha thiết, mê say (che chở, ngưng lại, chui vào, vỡ ra). Nếu
thơ tình yêu Vi Thùy Linh được giải tỏa bằng những cơn xúc cảm bạo dạn, được dệt
bằng “những trận bạo động chữ” thì thơ Như Quỳnh de Prelle lại có cái riêng
khác. Sự mơn trớn, tận hiến được đẩy đến cao trào nhưng vẫn hết sức tinh tế, chừng
mực, vẫn giữ được sự dịu dàng, nữ tính của giới thứ hai. Đó là một cơn khát
thèm vừa có sự nhã nhặn vừa có sự quyết liệt, vừa khơi gợi vừa kiềm chế được bản
năng của người đàn bà đang yêu.
Cô đơn “thuộc
phạm trù cái đẹp”, là cú hích sáng tạo đối với người nghệ sĩ. Chọn con đường
thơ ca, nghĩa là họ đã chọn cho mình một lối đi riêng khác, thậm chí chịu số phận
của kẻ bên lề, phải chịu sự đày ải và những va đập buốt nhói của cuộc sống. Đây
là vận mệnh chung của những kẻ dấn thân vào mê lộ đày ải, sống chết vì nghệ thuật.
Đây cũng là cảm thức chủ đạo, xuyên suốt chặng đường đến với thi ca của họ. Vận
mệnh ấy cũng vin vào Như Quỳnh de Prelle. Bên cạnh những nghiệm sinh về tình
yêu, thơ chị cũng viết nhiều về nỗi cô đơn. Chị cô đơn đến nỗi chốn nào cũng
không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Nỗi đơn độc như sợi dây định mệnh đeo bám,
vấn vít thơ chị: “nàng lại cô độc/ lại như xưa/ trong những nơi nàng đến
nàng qua và ngồi lại/ chả còn ai mong đợi nàng/ đọc nàng nữa/ chả còn ai còn
ai” (Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng). Khi đối diện với nỗi
cô đơn, lạc lõng, thơ chị càng đẫm sâu vào nỗi buồn. Nỗi buồn đan từ lớp này
sang lớp khác, ken chật con chữ. Chị sắp xếp và đo độ bền chặt từng nỗi buồn của
chính mình: …buồn không ngớt; nỗi buồn lặn sâu cào xới những rạn nứt; thấm
vào da thịt dòng máu nhiệt đới buồn; em chôn những nỗi buồn vào đá nghìn năm
nguyên vẹn; nỗi buồn thời này chất chứa từ bao đời, từ quá khứ, từ hiện tại và
tương lai chỉ là hy vọng hão huyền cho sự ảo tưởng khốn cùng,… Tại sao
nỗi buồn trong thơ chị rậm đặc, dai dẳng và day dứt như thế? Phải chăng những bất
trắc của cuộc sống đập dội, dồn đẩy chị đến mức phải bung ra, vỡ ra cả trái
lòng mình? Phải chăng nỗi buồn này sẽ là chìa khóa để chúng ta giải mã, thấu hiểu
và đồng cảm với chị qua những ẩn ức đang bật dậy, qua sự tuôn chảy của xúc cảm,
của những ký tự đầy biến hóa?
Bản chất của
cuộc sống là sự va chạm giữa các mặt đối lập. Con người bị ném trong guồng quay
ấy, hệ lụy, cũng chứa nhiều mặt thuận nghịch. Thơ Như Quỳnh de Prelle sử dụng
nhiều cặp tương phản, đối lập (được - mất, ánh sáng - bóng tối, chân thành - dối
trá, thực - ảo, hạnh phúc - khổ đau,...). Những cặp đối nghịch này xây dựng nên
sự đa dạng của gương mặt thế giới và làm rõ tâm thế người đàn bà thơ - hoang
mang, chứa đầy mâu thuẫn:
có lúc nàng
hạnh phúc
trên tay với
những bó hoa hồng
có lúc nàng
tuyệt vọng như một đám tang suốt bốn mùa
có lúc nàng
nhẹ dạ ngô nghê trao gửi không hề hấn tiếc chi
có lúc nàng
tin
tin vào ngọn
cỏ
tin vào sự
an nhiên
tin vào sự
cô độc
tin vào sự
kiếm tìm
(Tuyệt vọng tháng 5)
Tập thơ Song Tử của Như Quỳnh de
Prelle (NXB Thuận Hoá)
Vậy nguyên
nhân gây nên sự hoang mang có phải từ chủ thể? Như Quỳnh de Prelle lý giải: "chuyện
gì cũng hoang mang/ vô vọng/ tình yêu vô vọng/ dân tộc vô vọng/ cái chết vô vọng/
niềm tin ở đâu/ ở đâu"? (Tuyệt vọng tháng 5). Thì ra, trong xã hội
này, mọi thứ đều vô vọng. Con người mất hết niềm tin. Nỗi niềm chát đắng, đau
buồn của con người không bao giờ nguôi ngoai: trong căn nhà cổ/ em nhìn
thấy tổ tiên loài người buồn bã/ như những cơn hen kéo dài/ đậm đặc thuốc
men (24h một ngày và 24h/s). Hay một đoạn thơ khác, cuộc đời quá dày đặc
buồn đau, con người cứ quẫy cựa mãi cũng không giải thoát được: buồn
trái tim hẹp/ buồn lý trí ác ôn/ buồn cả cuộc đời/ chả
vui hết ngày/ khi vẫn còn thức/ khi vẫn còn nhịp đập (Nỗi
buồn tháng 4). Cuộc đời mà chị tái hiện, cái tình người quá đỗi mong manh. Bởi
tình yêu cao quý mà tạo hóa ban tặng đâu thể nảy mầm trên cái nền xám xịt này?
Vì lẽ đó, chị cho rằng, nơi “cõi thế mù loà dang dở”, tình yêu
thương bao giờ cũng là của hiếm:
cuống cuồng
yêu đương
cuống cuồng
hẹn hò
cuống cuồng
hờn giận
cuống cuồng
điên rồ
cuống cuồng
giao hợp
tình yêu
thì hiếm hoi
loài người
luôn đói khát sự yêu thương ân cần
(Cuống cuồng yêu)
Đến đây, chúng ta đã hiểu vì sao thơ chị viết nhiều về nỗi
buồn (58 từ buồn/81 bài thơ). Những nỗi buồn của chị ám ảnh từ ngàn
xưa cho đến bây giờ. Nỗi buồn luôn thường trực trong Song Tử, đúng
như cách gọi tên của chị: “những khúc niệm sinh buồn”. Dấn sâu vào nỗi buồn đau, cô đơn, chúng tôi thấy thơ Như Quỳnh de Prelle
càng sắc, càng chân thực, mang đến luồng gió mới trong cách nhìn nhận, đánh giá
cuộc thế. Chị chấp nhận cơn đớn đau như một phần của cơ thể trong cuộc nghiệm
chứng những bất ổn. Đó là nguyên do để người đàn bà trong thơ chị muốn "ăn
cả vạn vật trên thế giới", chào đón cuộc sống bằng con đường khác: nàng
muốn ăn cả những lời nói thối tha/ những định kiến/ chả bao giờ đổi thay lịch sử/
những thấp hèn ti tiện/ nàng sẽ chết hay tiếp tục tồn tại/ trong thế
giới này// sau khi người ta đọc và ăn những bài thơ của nàng bằng mắt, ý nghĩ/
bằng cách nào đó/ nàng tiếp tục viết/ ăn cả loài người/ bằng ngòi bút/ trên bàn
phím/ trong khuôn hình màn hình của chiếc Macbook E (Nàng thơ). Nuốt
vào cuống họng những mặt trái của xã hội rồi thực hiện theo chu trình nhào nặn
của riêng chị là hành động khá táo bạo. Mong mỏi đổi thay ấy minh chứng trách
nhiệm và lương tâm rất nhân bản của người nghệ sĩ. Từ chu trình ăn, uống, sa thải
của người đàn bà thơ, chúng ta thấy rõ bản lĩnh mạnh mẽ của chị trước mặt trái
của xã hội. Chị còn cho rằng:“trong thế giới loài người/ trong đồng loại của
mình/ tôi nên biết nhiều hơn/ chia sẻ nhiều hơn/ gặp gỡ nhiều hơn/ viết nhiều
hơn/ để được tồn tại/ được sống/ trải nghiệm/ để được mất mát/ đớn đau” (Cuộc
thế). Hành động dấn thấn, nhập cuộc, dâng hiến tận cùng vào bể đời
này của chị thật đáng quý, thể hiện bản lĩnh và tâm hồn của người nghệ sĩ sống
hết mình, cháy kiệt cùng cảm xúc vì thơ vì đời. Thì ra, nỗi đau, nỗi cô đơn đôi
khi lại là cơn chấn động đáng quý để kích hoạt trái tim của người nghệ sĩ.
Tồn tại trong
bầu sinh quyển mà mọi giá trị chuẩn mực của đời sống đều có nguy cơ viêm nhiễm,
lệch chuẩn, liệu con người có thể thoát khỏi nỗi cô đơn, tìm kiếm tự do, hạnh
phúc cho chính mình được không? Và khi mọi giá trị bị đổ vỡ, mất hết điểm tựa,
việc con người rơi vào trạng thái cô đơn, cảm thấy lạc loài, lẻ loi, rỗng không
là tất yếu, là đương nhiên. Lúc này, con người buộc phải chấp nhận sống chung với
cõi thế khủng hoảng, hỗn mang. Vấn đề, trước những hỗn mang ấy, chúng ta phản ứng
và thanh lọc như thế nào? Như Quỳnh de Prelle không chạy trốn. Chị vạch ra những
mặt nạ, những vết mủ ý nghĩ, những định kiến cổ hủ... đang tồn tại, bức tử tự
do: tự do của nàng là tự thân nàng/ nàng sinh ra ở một thế hệ khác, thế
kỷ khác/ sống một thế giới tưởng tượng khác/ của riêng nàng/ đừng áp đặt lịch sử
và không gian với nàng/ nàng bên ngoài tất cả/ nàng chưa bao giờ phải chết đói/
chưa bao giờ phải hấp hối/ đừng nhìn nàng như những định kiến hẹp hòi những
tham vọng tối mù/ của những kẻ tầm thường (Nàng thơ). Chị hiểu tự do
không nằm ở đâu cả mà nó nằm ngay ở cách đặt vấn đề và xử lý của chính bản
thân. Thể hiện tâm trạng cô đơn, lạc lõng, vô vọng, không thể bắt nhịp với cuộc
sống một mặt giúp chị cất lên tiếng nói phản kháng, gửi gắm nỗi bất hòa, mặt
khác thể hiện ý thức, sự lựa chọn hoàn toàn chủ động của người cầm bút. Vậy,
Như Quỳnh de Prelle lựa chọn cô đơn, đón nhận cô đơn để giữ cái tôi, giữ bản
ngã không bị “nhào trộn” cũng là giải pháp kiếm tìm tự do cho chính mình và thực
hiện quyền năng hiện sinh cho thơ ca đấy thôi: “được sống trong một khoảnh
khắc hiện sinh có thật, đó là nàng thơ và quyền năng của nàng thơ”(Thi ca
hiện sinh). Càng rơi vào cô đơn, con người ta càng muốn giải thoát, vùng vẫy.
Và nhất là khi chúng ta làm chủ được nỗi cô đơn thì nỗi khát khỏa lấp càng mãnh
liệt.
Lẽ thường, khi
không giải tỏa được những dồn nén, ẩn ức, con người dễ rơi vào trạng thái hoang
mang, nghi hồ, thiếu hụt niềm tin, thậm chí nghĩ đến cái chết để giải thoát. Tâm
hồn người đàn bà trong thơ chị cũng rơi vào trạng thái chông chênh, bất an,
luôn có sự giằng xé giữa bản năng sống và bản năng chết: “nàng sẽ chết
hay tiếp tục tồn tại”. Nhưng người đàn bà thơ không bỏ cuộc, không xem
cái chết là giải pháp giải thoát bi thương cuộc đời bởi chị luôn biết cách tự đấu
tranh với hiện thực, phủ nhận hiện thực. Do đó, cái chết cũng là một hình tượng
nghệ thuật, bộc lộ thái độ của chị trước những vấn nạn cuộc sống. Cái chết được
chị nhắc đến đâu phải là cái chết u buồn, chấm dứt, đoạn tuyệt với cõi này mà
là chết để cứu chuộc, hồi sinh, mở ra những trang đời mới. Chúng
tôi thống kê, có 56 từ chết xuất hiện (trong tổng số 81 bài).
Một tỉ lệ khá cao. Điều này lý giải vì sao những âu lo, bức bối
đang chất chứa, thậm chí có xu hướng chồng lấn trong thơ chị. Những phức tạp,
ngột ngạt của cuộc sống và phận người đắng đót được chị nhìn nhận dưới con mắt
dạt dào tình yêu thương và trần tình bằng cả tấm lòng ấm áp, hi vọng. Chúng tôi
xem lời trần tình này là sự đối thoại nhiều chiều và rất thành công của chị:
người đàn bà thơ - anh (tình yêu và thi ca) - cuộc thế (đời sống và thân phận).
Cuộc sống
trong thơ chị đang ở thì chưa hoàn tất. Mọi dữ liệu đều dở dang, tàn lụi. Đưa
ra những "siêu thị mặt" (tên một bài thơ của Trần Quang Quý) như
trên, chị muốn phán xét và sắp xếp, hoàn thiện thế giới theo một chu trình nhân
ái. Trước những “lời nói thối tha”,những “thấp hèn ti tiện” của
thực tại, chị nghĩ loài người cần có lúc chết đi, để hồi sinh, để vận vào đó
chiếc áo mới, “lành lặn” hơn:
có lúc loài
người phải chết đi để được tồn tại
trong ý niệm
của chúng ta, trở về cái hoang dại thủa xa xưa hay đôi lúc là một loài động vật
tự nhiên trong ý thức thoát khỏi các khái niệm và tư tưởng, con người tự do và
lành lặn hơn dù có khi muốn giết cái gì đó, ai đó trong tưởng tượng, như giết một
lời nói, một ý nghĩ của thú hoang
(Mặt trời dưới bóng olive già)
Thi sĩ vốn là
người sinh ra đã mang nợ với trần gian, là kẻ chịu lưu đày giữa biển đời biển
chữ. Họ hiểu và cảm nhận được những gì xảy ra xung quanh và hơn cả là họ hiểu
được thực trạng của mình. Mâu thuẫn giữa cái tôi bản thân đời thường với cái
tôi sáng tạo giúp người nghệ sĩ nhận ra chính mình, nhận ra cái bản ngã biệt lạ,
riêng khác của mình. Vậy việc Như Quỳnh de Prelle đi tìm cái chết cho bản thân
giữa sự tươi ròng của không gian và vĩnh cửu của thời gian nghĩa là chị đang bộc
lộ khao khát được sống ở một thế giới khác, sáng và đẹp hơn: “và tôi đi
tìm cái chết của tôi/ trong sự sống/ trong những tái sinh/ nảy mầm/ trong mảnh
vườn/ trên ban công/ bốn mùa nắng mưa/ bão táp” (Tôi. Đi. Đến. Nằm xuống). Quan
niệm cái chết như là sự tẩy trần, hồi sinh, chị thấy mình cần phải tiếp tục sứ
mệnh kẻ cầm bút: viết nhiều hơn/ để được tồn tại/ được sống/ trải nghiệm/
để được mất mát/ đớn đau (Cuộc thế). Theo chúng tôi, những cảm xúc trực
hiện, những diễn ngôn không hề đắn đo, do dự, quả quyết tham dự vào mê lộ thế
cuộc này của chị đã xây nên tầng quặng tư duy triết luận và cơn rung-chấn-tình
cho tập thơ.
Sự chuyển dịch,
song song tồn tại giữa sống và chết, giữa ma trận hợp âm thanh thản - day dứt,
nhẹ nhàng - gay gắt, hi vọng - thất vọng, vui - buồn, giữa trò chơi sấp ngửa,
trắng đen chữ nghĩa trong thơ Như Quỳnh de Prelle là một chặng đường không bao
giờ về đích, không bao giờ dừng lại. Những hợp âm ấy là kết quả của sự bung vỡ
nội tâm, của nỗi xót xa trước hiện thực vô cảm, trống rỗng, nhàm chán. Ở cái
ngưỡng chênh vênh, thơ chị đã đưa đến tiếng nói khác biệt và đầy cuốn hút.
Tâm thức lưu
đày cũng là một biểu hiện của sự cô đơn. Tâm thức ấy là tự thân, là máu chảy
trong mỗi chữ, mỗi câu thơ. Đọc thơ Như Quỳnh de Prelle, tâm thức cô đơn, lưu
đày được hiện diện qua những vần thơ da diết nhớ, khát khao trở về, ăm ắp nỗi
buồn tha hương “của người đàn bà ngoài 30 yêu thêm lần nữa/ lần nữa giữa
lúc hoang mang/ giữa lúc tột cùng hạnh phúc/ tuyệt vọng” (Thư tháng 6). Sự
thiếu hụt một tiếng nói, một bàn tay, một món ăn,... cũng đủ làm trái tim chị
tê tái, nhức buốt. Người đàn bà thơ không đòi hỏi nhiều, chỉ cần 1s để nhen ấm
bình minh lòng “giữa mùa đông Châu Âu” mà thôi: “sống nửa đời người nhận ra/
giao thừa tái sinh nhân loại/ trong 1s/ được là người An Nam 100 phần trăm/
nguyên sơ/ 1s không hoà nhập thế giới/ tự kỷ trong hình khối của nước mắt trong
veo/ 1s để giữ lại dòng máu vẹn nguyên/ 1s là quê cha đất tổ/ là nén hương
không khói nhang/ cho một linh hồn còn sống” (Giao thừa 16). Khoảnh
khắc ngắn ngủi nhưng yêu thương bỏng nhói như dồn tất cả về đây. Nỗi nhớ cố
hương thêm vời vợi, da diết. Mảnh vườn phơi phới mật yêu chị dành cho anh cũng
được hòa quyện, đan cài với tình quê. Chị chăm chút tình yêu như lòng say mê,
nâng niu từng cọng lá, cành hoa của người làm vườn. Cả hương quê, mùi quê được “cày
xới” trên mảnh vườn đong đầy tình yêu của chị: Em trồng rau muống
để nhớ tuổi thơ/ em từng làm luống trước nhà/ những hàng rau xanh mát// Em trồng
rau mồng tơi để nhớ mẹ già/ và bát canh cua mùa hạ/ mỗi mùa tháng 5 xưa// Em trồng
rau dền đỏ để nhớ bà/ và nồi cá kho niêu đất/ ở vùng biển đầy cói xanh// Em trồng
cây chanh nhỏ để món thịt gà/ không cô độc trên bàn ăn ngày tết (Vườn
treo trên mây). Những ký ức của tuổi thơ, những tình cảm ấm nồng với mẹ, với bà
được tái hiện thông qua các hình ảnh rất gần gụi, thân thiết, chan chứa yêu
thương. Không khí rộn ràng của tết là khoảng lặng đẹp nhất để người con xa quê
hơn nửa vòng trái đất được trở về đầm ấm với gia đình, được an ủi phần nào
trong cái giá lạnh của mùa đông nơi phương xa. Cũng chung cảm thức ngóng vọng cố
hương ấy, ở một bài thơ khác, tình cảm được đẩy cao hơn khi chị nhìn thấy “một
quê hương đầy màu xanh biếc từ chính cõi tâm hồn mình: “buổi sáng thứ 7 làm tôi
nhớ chợ quê ngoại/ trong những ký ức xa xưa còn nguyên/ đôi lúc tôi mở ra/ để
nhìn thấy một khuôn hình nhẹ nhàng trôi qua trôi lại/ một quê hương đầy màu
xanh biếc/ chứa đựng những tần tảo yêu thương vẹn nguyên/ những lần chờ mẹ về
cuối tuần/ trên những con đường chúng tôi đếm khoảng cách xa gần bằng những cây
cột điện" (Thứ 7 của tháng 7). Ở đây, chúng ta thấy,
cảm thức lưu đày không hề rơi vào trạng thái buồn đau, chán nãn, bất lực. Theo
chúng tôi, chính chị đã lấy ký ức tươi đẹp để nhen nhánh lửa lòng, xua tan cảm
giác lạc lõng, bơ vơ nơi đất khách quê người. Cảm thức về quê hương, nhờ vậy,
thêm phần khác lạ, khẳng định, minh chứng được bản lĩnh, nhân cách cao đẹp của
Như Quỳnh de Prelle. Và mấy ai đủ tình, đủ sâu sắc, bản lĩnh để có được ý tưởng
trồng cả quê hương như chị:
Em trồng bí
ngô để nhớ mùa tỏi thơm lừng bên bếp
Em trồng cả
quê hương xa xôi trên vườn treo cùng mây gió
và mặt trời
ánh trăng chan chứa tình yêu
Em trồng
cho anh cả tình yêu đất đai quê hương cày xới mặn mà
(Vườn treo trên mây)
Khoảng cách và
sự chia cắt không làm Như Quỳnh de Prelle đánh mất góc quê tha thiết và thiêng
liêng. Dù ở đâu, chị vẫn làm chủ trái tim mình, tìm về cội nguồn
dân tộc. Có thể nói, trong thơ Như Quỳnh de Prelle, cảm thức lưu đày không phản
ánh trạng thái yếu đuối, ủy mị, bởi vì, tình quê không bao giờ bị bật gốc,
không bao giờ có thể xóa bỏ. Tình cảm ấy đã làm nên vẻ đẹp hiện sinh cho tập Song
Tử.
Song Tử của Như Quỳnh de Prelle tẩy chay mọi
ngụy biện và giả tạo. Cứ tuôn chảy, trào sôi tự nhiên như nguồn nước tinh khiết
được cất lên từ lòng đất. Đối với Như Quỳnh de Prelle, thơ không đơn giản là cuộc
chơi của chữ nghĩa, làm đỏm dáng, kênh kiệu câu chữ mà cái chính thơ chị ngoài
việc giải tỏa những dồn nén, ở đó, còn là tiếng nói thiết thực về những đau buồn,
những đổ vỡ, trầm luân của thế cuộc. Để chuyển tải ý tưởng và cảm xúc đó, chị rất
chú ý đến việc giữ gìn và cách tân thơ ca. Thời đại bàn phím, theo chị, con người
hầu hết đánh mất dòng chảy cảm xúc bản năng, tự nhiên khi sắp đặt mọi thứ theo
một lộ trình có sẵn, “nhân tạo”: “Những bài thơ nhân tạo được sinh ra từ
những tình yêu nhân tạo, thời tiết nhân tạo và không gian sống nhân tạo, cả những
cơn ốm nhân tạo để lọc bỏ những cạn bã của một đời sống dư thừa mùi của máy móc
và thông tin" (Thơ nhân tạo). Như thế, sự xuất hiện những bài thơ
nhân tạo báo động sự biến nhịp, lỗi nhịp của tình người, của đời sống. Ý thức
được hậu quả ấy, chị không cho phép ngôn từ thơ mình “sinh ra từ những
cuộc phẫu thuật thẩm mỹ của ngôn từ/ độn chữ/ edit mông,/ sửa vú/ kéo dài chân
ra/ để dự thi trình diễn/ giả dối/ sinh ra trong cơ hội rủi may/ trong những giọt
nước mắt dối lừa/ sự hư danh/ tủn mủn và tắt mắt/ cửa quyền/ quyền của tài
năng/ quyền của danh tiếng/ quyền coi thường người khác/ sống dựa vào hơi danh
quá khứ lối mòn” (Thi ca và loài người). Trên con đường
gánh vác cây thánh giá chữ đầy nhọc nhằn, quan niệm về lao động nghệ thuật của
chị thật đáng được chúng ta ngưỡng mộ:
vươn mình
lên nghiến những câu thơ
nhạt như
khói bay
để bùng lên
khát vọng
yêu quê
hương
thứ tình
yêu màu mè
khoe mẽ
chả có rung
động đớn đau nào
nhớ nhung
như giả vờ
khốn khổ
tha lương
(Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng)
Chị luôn vươn
lên, sẵn sàng vứt bỏ những tẻ nhạt, tầm thường để sống hết mình với thơ. Hành động nghiến này
rất cần thiết cho sự sống còn của nghệ thuật chân chính. Bởi, tình yêu và niềm
đam mê con chữ phải xuất phát từ sâu thẳm cõi lòng chứ không phải chỉ để phô
trương, cờ biểu rộn ràng. Phải đập vỡ sự nhạt nhẽo, giả tạo bên trong mới mong
kiếm tìm được những rung động đích thực.
Ẩn sau mỗi bài
thơ của chị là một
hệ thống hình ảnh ẩn dụ, đầy tính biểu tượng, mang tính khái quát cao. Ngôn ngữ,
hình ảnh thơ khác lạ, độc đáo cứ thế ngồn ngộn quẫy đạp, bứt phá, vượt qua những
gò bó của câu chữ, gợi vẫy nhiều hứng thú. Đặc trưng giản nở của thơ văn xuôi
còn giúp chị bung phá cảm xúc và tình ý, giải phóng những chật chội của hiện thực
đời sống. Khi chị viết về nỗi buồn, có lúc như một ngọn gió chiều nhẹ nhàng lướt
qua, có lúc trào sôi quấy đảo cả bầu trời, có lúc quánh đặc, chà đi xát lại, tê
tái. Giải tỏa về nỗi buồn dấm dứ, dai dẳng, chị có cách nói khá ấn tượng: “nắng
không thể cạo hết nỗi buồn của nàng”. Làm sao cạo/xóa/tẩy hết nỗi buồn
về thế cuộc khi chúng tạo sinh quá dày đặc: “nàng đi vòng quanh thành
phố nhỏ bên những ngôi nhà cổ xưa hàng trăm năm/ sao mà thấy cuộc đời buồn bã/
loài người sống thật ngắn ngủi cho những cơn đau/ cơn đau tình ái/ cơn đau bệnh
đời/ cơn đau của cái chết/ của những sai lầm oán hận/ của đường đi phải hay
trái trước con đường về nhà/ nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng/ sự đớn
đau đang héo mòn của nàng/ tình yêu mồ côi của nàng” (Nắng không thể cạo
hết nỗi buồn của nàng). Không gian trần thế tối tăm, đặt con người trước những
thử thách, phải tự vùng vẫy, tự đấu tranh để tìm lối thoát. Cho nên, nỗi đau đời,
nỗi buồn của người đàn bà thơ cứ dấm dẳng trong thơ chị. Chúng tôi xem đó là nỗi
buồn đẹp, trong sáng, kiêu sa, không bị che phủ bởi các quầng mây đen như chị
đã tuyên ngôn: “nàng thơ, một hình hài cụ thể của một người đàn bà An Nam
bình thường. thi ca của cô ấy kết nối những con người cô độc, chạm vào cõi lòng
đang chơi với, đang kiếm tìm mơ hồ để tiếp tục được sống, được ngẩng đầu lên” (Thi
ca hiện sinh).
Những băn
khoăn, trăn trở của Như Quỳnh de Prelle về nỗi buồn, cái chết, cuộc thế,...
trong tập “Song Tử” bật lên sự sâu sắc và tinh nhạy của một cái tôi
đa diện. Xuất phát từ điểm nhìn của người đàn bà thơ đang yêu nên mọi cảm xúc đều
được đẩy đến tận cùng. Ngay cả cái thế giới bừa bộn kia cũng bị bóc tách theo
cơ chế vận hành của tình yêu. Tình yêu nối kết người với người nhưng tình yêu
cũng làm nên lớp ngôn từ hiện sinh để xóa bỏ, chọc thủng những ý nghĩ nhơ nhớp,
đen tối. Nghiệm sinh mọi thứ qua hình tượng nghệ thuật - anh - Song Tử, chị đã
tưới lên mùa Song Tử sự tươi mới, mạnh bạo nhưng vẫn hết sức
chân thành, đậm tính nữ.
Cày ải tư duy
và gieo chữ trên cánh đồng nào, Như Quỳnh de Prelle cũng thể hiện sự cởi mở và
táo bạo. Khát vọng giãi bày yêu đương của chị hết sức nhân văn. Nó chứng tỏ bản
lĩnh cũng như cá tính nữ của chị. Hành trình đi tìm bản thể, hạnh phúc, sự tự
do của chị không dừng lại ở một không gian thời gian nào, mà luôn chuyển động.
Nếu xem “Thơ vừa là chỗ dừng chân vừa là cuộc hành trình” (R.Gamzatôp)
thì chúng tôi xem sự chuyển động tình cảm, sự chuyển động ngôn từ trong tập “Song
Tử” của Như Quỳnh de Prelle như một một dòng sông đầy ma mị, luôn ẩn
chứa các lớp sóng ngầm, miết mải bồi đắp nên những hình tượng thơ đẹp, mang
tính nghệ thuật cao. Với một lối viết đầy cảm xúc, đầy lý trí và đầy ắp phù sa
chữ nghĩa như thế, thơ chị không hề mòn vẹt, nhàm chán. Chúng tôi tin, dòng
sông thơ của chị không bao giờ đứng yên, luôn vươn tới, khám phá và tận hiến
vùng đất mới.
20.12.2016
HOÀNG THỤY ANH
Theo NVTPHCM
ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG
NAM: