Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Xuân Trường & Chiếc cằm nũng đôi

Tập thơ Chiếc cằm nũng đôi của nhà thơ Xuân Trường đã ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2013, sau lần thứ hai anh trở lại sinh sống nơi này. Nơi mà anh đã có một thời sinh viên sôi nổi cùng bạn bè trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh chia cắt. Đây là tập thơ thứ năm qua hành trình thi ca của anh.
 Nhà thơ Xuân Trường

Tên của tập thơ cũng là đề tựa của một bài thơ trong tập này. Có lẽ một sáng heo may nào đó của Sài Gòn, Xuân Trường đã chầm chậm khuấy ly cà phê, rồi tia nhìn cứ theo tay mình mà thư thả tâm hồn. Chợt giữa hư ảo đã hiện ra những hình ảnh tinh khôi lộng lẫy của những người phụ nữ Việt nam, đẹp từ nhan sắc đến tâm hồn, đẹp từ kiên cường bất khuất, đẹp từ trung hậu đảm đang… Có lẽ tác giả không muốn đi lại trên con đường mòn quen thuộc từ ngàn xưa  là đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua những đôi bồng đảo nẫy lửa, những mắt biếc môi tình, những eo thon chân dài tóc mây, những nụ cười liêu trai v v…

Ở đây tác giả tiêu biểu cho người phụ nữ đẹp bằng đơn thuần một chiếc cằm nũng đôi, một chiếc cằm chẻ nâng lên gương mặt chữ điền nói lên sự phúc hậu, tính cương nghị và bản lĩnh lanh lợi tháo vát trong đời thường và nhiều khi đã trở thành những anh hùng dân tộc đánh đuổi ngoại xâm. Mà lịch sử dân tộc đã xuất hiện những tinh khôi như Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, nữ tướng Nguyễn Thị Định, Công chúa Huyền Trân đã hy sinh nhan sắc và tình yêu của mình để nhận sính lễ của vua Chế Mân mở rộng bờ cõi nước Việt. Tác giả đã giới thiệu nhẹ nhàng với chúng ta: Thoáng gì trong mắt xa xăm / Câu thơ bối rối chiếc cằm nũng đôi. Qua ánh mắt để tìm đến chiếc cằm, rồi nâng lên vẻ đẹp cho người phụ nữ. Một hình tượng dơn giản mà đã trở thành điểm nhấn trong cách nhìn rất riêng của tác giả. Đối với Xuân Trường, người phụ nữ nói chung đôi khi có thể là hình ảnh của người mẹ, người chị, người em gái, những ân nhân, người yêu cho nên nhất cử nhất động tác giả chạm vào phụ nữ những từ ngữ nhẹ nhàng như cưng trứng, như hứng hoa là vậy.
               
Những người em trong thơ Xuân Trường đôi khi không cụ thể, có lúc gần gũi như nguyên mẫu, nhưng cũng có lúc là những địa danh, những miền đất anh đã qua và đã nuôi nấng anh qua những thăng trầm của cuộc sống: Những năm tháng xuân xanh ta đã gửi hết em rồi / Ngày trở lại thương cúc quỳ gom nắng / Đau đáu nỗi mình yên lặng nghe thương / Những con phố âm vang bước chân ngày cũ / Tháng ba nghiêng lạnh triền đồi…hoặc là: Tôi muốn ôm những con đường đủng đỉnh nhịp đời bình yên năm tháng / Mà tiếc thời trai trẻ đi qua / Những giấc mơ có hình con dốc trườn mình nỗi nhớ qua xưa / Mỏi mắt chờ nhau mùa không trở lại / Hành trình gõ nhịp hoan ca… (trong bài Em Pleiku).

Xuân Trường luôn luôn nhìn vẻ đẹp mong manh của người phụ nữ Việt nam gắn liền với những gian khó nhọc nhằn trong hành trình chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc chúng ta sẽ thấy hình ảnh người con gái Nam bộ qua Xuân Trường: Ngày xuân em mặc bà ba / Ngẩn ngơ quá khứ nhìn ra Sài gòn / Cà phê rụng giọt chon von / Sóng xô hư ảo mỏi mòn mắt thương / ... Mắt nguyên sơ cũng rã rời đam mê / Thị thành cảm xúc chân quê / Gió cười bỏ ngõ thả lề xẽ cao ... rồi anh kết luận: ở đâu trong khắp người ta / Bà ba vẫn mãi thật thà em tôi / Lục bình hò hẹn sông trôi / Bà ba khoác nhớ một thời chiến chinh (trong bài Em Mặc Bà Ba).

Ngược về lịch sử xa xưa tác giả đã gặp người con gái khung vàng thước ngọc, đã quên tình riêng , con đò nhan sắc đã cập bến nước Chiêm mà mở cõi cho đất nước quê hương: Giếng vuông xưa/ cả khung trời / Soi thời gian gặp nụ cười Huyền Trân /Đất lành sánh lễ Chế Mân / Nắng mưa Ô – Lý cho gần chồng xa / Nữ nhi mở cõi sơn hà / Ca dao quang gánh nấng na nỗi lòng / Thoáng gì trong cõi rêu phong / Dấu chân Hoàng Hậu hồng trong tháp Hời (trong bài Mấy Nỗi Đồ Bàn)Rồi một lần lang thang rượu với bạn bè nơi Tháp Bánh Ít ở An Nhơn-Bình Định, trong cơn say lại bềnh bồng gặp người con gái ngàn xưa: Bâng khuâng chưa hiểu nổi vì sao ? / Một trang tuyệt nữ bước ra chào / Nhà ngươi lạc bước từ đâu đến ? / Mặt đỏ mà hồn sao xanh xao / Dạ thưa say quá rươu Bàu Đá / Cố về lại lạc bước vào xưa / Có gì mạo phạm xin tha thứ / Xin hỏi người đâu mà tuyệt vời? ...   Hãy về nói với thế hệ ngươi / Xưa đổi ngàn vàng ta lấy đất / nay lo gìn giữ chớ ăn dần... Ta là Công Chúa Huyền Trân đây / Đã cõi ngàn thu với đất này / Lòng vẫn cong theo hình Tổ Quốc / Vòng tay Hải đảo mấy ngàn đời (trong bài Uống Rượu Gặp Người Xưa).
Bìa tập thơ Chiếc cằm nũng đôi của Xuân Trường

Hình ảnh của những người phụ nữ các Má phong trào ngày xưa luôn luôn đau đáu trong Xuân Trường một thời để nhớ: Ngày áo sinh viên trắng cổng trường Đại học / Đêm xuống đường tất bật tuổi đôi mươi/ Chiều nay đi có thể sáng mai không về lại / Nhà trọ áo cơm lại đợi bóng người / Ba mẹ chẳng biết đi đâu / Người yêu cũng thẩn thờ tìm kiếm / Chỉ các Má phong trào là biết rõ / Hãy kiên cường khi bị tra tấn các con ơi…(trong bài Các Má Phong Trào). Đâu đây Xuân Trường còn mường tượng một người Chị, từng yên phận với chồng con, lặn lội một thân cò, đi qua chiến tranh, giờ gặp lại thấp thoáng hoàng hôn trong veo trong đôi mắt Chị:  Gió tiếc hương xưa bay qua vườn cũ / Nhặt thời con gái Chị tôi / Mưa nắng chưa hề phai tóc mật / Mà xuân thì hẹn ước lắm gian truân / Thời gian dừng lại trên đôi má / Nét buồn vui nấn ná dấu chân chim…/ Giờ trở lại Đại Hồng bước chân lên mùa hạ / Ve gọi chiều cho điệp khúc Chị tôi (trong bài Chị Tôi). Hình ảnh người mẹ luôn luôn xuất hiện trong tâm trí Xuân Trường suốt cả một hành trình lưu lạc tha phương, cơm góp quê người: Con xa nhà chứ đâu phải nhà xa con / Mỗi tết nôn nao muốn về đến lạ / Sài Gòn - thưa phố - người ta / Năm nay tàu xe chen lấn quá / Lại bão lũ miền trung làm nghèo tết quê nhà / Đêm dằn lòng cay mắt nhớ mẹ xa… (trong bài Thưa Mẹ Mùa Xuân).

Nếu ta đồng cảm với Xuân Trường quan niệm tình yêu theo nghĩa rộng thì đây - Chiếc Cằm Nũng Đôi - là một tập tình ca trọn vẹn cho đất nước, quê hương, bạn bè và con người, trong đó có dư âm xưa của tình yêu đôi lứa mà người đọc có thể đồng cảm vì trong đó có nỗi riêng mình. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng những địa danh đã từng nuôi nấng Xuân Trường trong từng giai đoạn của cuộc tha phương lưu lạc. Bắt đầu từ miền đất Quảng nam nơi đã quẫy đạp sinh anh ra trên gian khó đất thổ, đất nà: Cảm ơn một bữa trưa mỳ Quảng / Rưng rưng cay mắt nhớ quê nhà / Hương vị sao bềnh bồng nỗi nhớ / Mà lòng đau đáu một thời xa… (trong bài Mỳ Quảng Nhớ Quê) hoặc là: Quế Sơn trong con như trỗi thành phép lạ / nâng lên từng bước con đi / như đất trời nâng cánh cò chiều chao gió hoàng hôn quê mình mẹ ạ… (trong bài Nhớ Quế Sơn).

Một Quy Nhơn với 7 năm anh đã lớn lên trong tuổi học trò với biết bao kỷ niệm thân thương, bạn bè trìu mến, những rung động tình yêu đầu đời trong veo tuổi thanh tân đã trở thành ký ức khó quên, mà bây giờ cái thành phố núp sau cái vịnh hình vòng cung ấy cứ miên man trong anh như đang còn xanh ngát tuổi đôi mươi: Tôi lại về lên núi ngắm Tháp Đôi / Vẫn còn đó đôi cầu cứ song song nỗi nhớ / Ngày xưa nào hối hả phía Chợ Dinh / Đếm cả nắng mưa dọc đường lên Tuy Phước /Mà bây giờ chưa nhớ nổi tuổi Quy Nhơn / Chỉ thấy thời gian khuyết xuống dỗi hờn… (trong  bài Tôi Lại Về Quy Nhơn). Một Sài Gòn mặc cho anh chiếc áo sinh viên đầu tiên vào năm 1967, với bao thăng trầm đã mở ra cho anh một bước ngoặc cuộc đời: Rạch mây bão cho rạng ngời quang sáng / Chẳng lựu đạn nào cay nổi mắt sinh viên… (trong bài Các Má Phong Trào).

Một Pleiku với trời lạnh sương mù, với bụi hồng đất đỏ, với mây kết bạc núi chụm đầu thủ thỉ, quanh năm mùa đông, nắng cúc quỳ vàng lạnh lưng đồi luôn gợi nỗi nhớ xa xôi. Anh đã dừng chân và hình như chọn nơi này làm quê hương thứ hai từ 1972 cho đến hết 38 năm sau, một thời gian đã quá nữa đời người với biết bao nhiêu vui buồn lẫn lộn, với bao nhiêu thăng trầm cơm áo, được mất lòng người… Miền đất này đã trở thành máu thịt trong anh, ký ức luôn luôn thức giấc trong anh khi xa vùng đất mến yêu này: Ngày tôi đi măt hồ quanh co khói sương như muốn khóc / Thông chụm đầu thủ thỉ nói lời xa / … Em có biết bây giờ tôi đang nghĩ gì không/ Mắt nhớ mùa xưa trên cầu Hội Phú / Thương tôi đang nóng bỏng cuộc hành trình…/ Còn biết bao điều tôi muốn nói cùng em / Thôi xin gửi lại vào tiếng chuông ngân lễ hội / Cho cúc quỳ vàng mãi phía tôi xa…/ Thời gian đã phết vào tôi màu đất đỏ / Bao lối đi về trơn trợt tuổi trung niên / Dấu vết nhà xưa chỉ còn trong ngả ba Hai Bà Trưng – Nguyễn Trường Tộ / Nơi các con tôi đã tập đứng lên / Nơi các con tôi đã cất tiếng khóc đầu đời / Hơn bốn mươi năm vẫn thơm mùi con nít/ Với hương vị áo cơm sáng sáng chiều chiều…/ Còn đâu Hoa Quỳnh Trâm nở đêm giáo đường Thánh lễ / và tiếng chuông chùa leo dốc Chợ Thần phong… (trong bài Pleiku Ngày Tôi Xa). Ai đoc đoạn thơ này mà không se lại lòng mình và thấy có mình trong đó nó tạo một điểm nhấn trong hành trình xa quê lưu lạc, Xuân Trường đã nói thay cho bao nhiêu tấm lòng cùng thân phận và cảnh ngộ trong hành trình cơm áo cho đời. Pleiku – Gia Lai đã trở thành một phần máu thịt của mình, nơi tập trung những người xa quê lập nghiệp, từ những tháng năm còn chiến tranh Pleiku luôn kín đáo dưới sương mù, trời gần và mưa lạnh quanh năm cho đến những tháng năm đổi mới, phát triển và mở rộng thành phố Pleiku vẫn luôn luôn chung thủy, lòng người mở rộng với nhau, trở thành tình thân như người đồng hương vậy. Có lẽ vị sư gần gũi ấy mà Xuân Trường đã cảm nhận miền đất này như một người em gái: … Tôi muốn hít đầy lồng ngục để ngày mai / Hơi thở có em thơm mùi tóc núi / Trời chiều thấp phía sương sa / Đêm đong đưa những hoa đèn móc võng chong ta / … Khuya nay tôi đi rồi tàn cây im bóng, mắt phố buồn ngơ ngác phía sau lưng / Lưu luyến em phía bên ngoài giấc ngủ / Nuốt vào lòng bịn rịn để mai kia
               
Những miền đất Xuân Trường đã đi qua, anh luôn luôn để lại những tình cảm chân thành và sâu sắc. Một An Nhơn - Bình Định, miền đất của huyền tích kinh xưa, những thăng trầm hưng phế cũng là nơi “Cửa khổng sân trình” tất cả đã lắng vào Xuân Trường: … Chút rượu võ cũng chợt thèm môi văn / Ngọn nồm ngược bên My Lăng / nấn na nỗi nhớ đẩm trăng Cổ thành / Gối đầu lên tháng năm xanh / Nâng ly cố quận độc hành Nhạn Sơn /Tiếng gì lắng giữa An Nhơn / Phải chăng thành quách dỗi hờn thời gian (trong bài Huyền Tích Kinh Kỳ). Một lần với Vĩnh Long cũng đã để lại trong anh những da diết của lòng mình:  Thèm Vĩnh Long tôi cắn miếng bưởi năm roi / Rồi yên lặng nghe ngọt lừ nỗi nhớ / Và mây trưa chợt cầm nắng Sông Tiền…/ Rót đi em cho đầy ly viễn xứ / Đêm nghiêng trời say khướt với Vũng Liêm / Lắng nghe dòng lịch sử chảy qua tim… (trong bài Một Lần Với Vĩnh Long). Một Hà Nội với hành trình ngàn năm thăng trầm nay duyên dáng một thàng phố đang phát triển về mọi mặt: Rực rỡ màu đèn ngược đêm qua đáy nước / nên Hà Nội  lung linh huyền ảo đến dịu kỳ / những bông pháo tỏa hoa trời thăm thẳm / cho ngàn năm thương nhớ hội về đây …/ Những tà áo dài dìu đêm qua Cầu Thê Húc / Mắt hành trình thiếu nữ trong veo… (trong bài đêm Hà Nội).

Hầu như mỗi miền đất Xuân Trường đã đi qua anh đều để lại những yêu thương trìu mến và trở thành những chủ đề sáng tác cho thơ anh. Có những người con gái trong thơ anh đẹp ngang tầm với một mùa thu: Và đêm nay ta trẻ cùng Phan Thiết / Mai già thêm năn tháng với Sài Gòn / ơ hờ mây giờ heo may phía biển / Những con đường thao thức nỗi chia xa/ Cảm ơn em mùa thu Phan Thiết / Tự kiếp nao từ cõi nhớ dắt nhau ra (trong bài mùa Thu Phan Thiết). Những yêu thương dù nguyên mẫu hay hoan ca anh đều lưu lại với lời lẻ nhẹ nhàng, tinh tế, không trách móc giận hờn: Nụ cười nghiêng mát phía tôi / Ai quăng con sóng bồi hồi sang em /…/ Aó em mỏng mảnh cồn cào / Trái tim chấm lững lối vào vì đâu (trong bài Trưa ở Cù Lao An Bình) hoặc là: Thẩn thờ mỏi mắt đếm mưa / Yêu thương giờ sóng âm thừa xô môi /…/Quanh co cũng tại dốc này / Dấu yêu mưa nắng tháng ngày rong rêu / Hôm về nghe gió dói theo / Nước mây còn đợi bên dèo Pren.

Tình yêu lứa đôi vốn là đề tài muôn thuở của hai nữa nhân loại, còn nhân loại còn yêu đương, biết bao nhiêu ngôn từ, bao nhiều nhà thơ đã mê say với cài mênh mông vô hạn này mà vẫn chưa tìm ra một định nghĩa nào cho yêu đương… Xuân Trường cũng đã phiêu linh, lưu lạc vào đây: Vắng em chiều tím vu vơ / Mênh mông cánh sáo ầu ơ bay vù (trong bài Âù ơ Cánh Sáo) hoặc là: Lòng nghe xao xuyến gần xa / Những câu vụng dại đều là trong veo / Nay về qua lại vòm me / Nỗi xưa bật khóc nắng hè hư vô/… /Bây giờ biết tìm ở đâu / Cùng nhau trên mặt địa cầu …mà xa (trong bài Trong Veo). Và đây chừng như là một nguyên mẫu của Xuân Trường: … Từ dạo tin em lên Đà Lạt / Chung chiêng cánh nhớ trĩu vai gầy / Tôi tìm ngày cũ qua Đa Thiện / Cắn trái hồng tươi để ngậm ngùi / Sương quen ngày lạ mùa thưa nắng / Đơn hành gót mỏi đến bâng khuâng… (trong bài Đà Lạt Xưa) hoặc là: Tựa chiều đếm giọt tình rơi / Nhòa lên phố núi khoảng trời khong em / Dư âm cuồn dại môi mềm / Ngược lời gian dỡ bắt đền ai đây? (trong bài Khoảng Trời Không Em).

Xuân Trường như muốn vượt ra khỏi truyền thống bằng những ngôn từ mới lạ, những câu thơ tự do đẹp, những hình tượng mới mà nhẹ nhàng bóng bẩy dễ lưu lại trong lòng người đọc lâu dài. Chiếc Cằm Nũng Đôi của Xuân Trường là một ân tình không chỉ riêng đối với người đẹp mà còn là một ân tình đối với đất nước, quê hương, đối với cuộc sống đang tìm mọi cách vươn lên sau những bão tố hãi hùng.

VŨ HẠNH
Theo NVTPHCM

ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...