Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
Hai người ăn mày, một trẻ một già, một đàn ông con trai,
một bà già lọm khọm, chọn nơi “đắc địa” làm “trận địa” hành nghề: cửa ngân
hàng! Người thanh niên trẻ, ăn mặc còn tươm tất, biết tính toàn, phân tích từng
khách hàng, vào ra nhà băng “định kỳ đáo hạn”, để làm thân, để mà xin tiền. Bên
kia, bà già lấy “trang phục truyền thống” làm vũ khí: bẩn thỉu, rách rưới, quần
áo “hàng tỷ năm không giặt”, biểu hiện sự nghèo khó khốn cùng của mình… ra hành
nghề! Hiệu quả là “truyền thống” hơn hẳn “sự tính toán khoa học” ít ra là gấp 4
lần (bà cụ xin được từ một ông khách 200 ngàn, còn anh kia chỉ được 50 ngàn). Đến
nỗi, anh trẻ ghen tức, xông vào giật túi tiền của “mụ già” vừa xin được. Hậu quả
là anh ta bị bắt, và “mụ già” nhận ra anh thanh niên kia là con mình. Mụ phấn
khích như cầu thủ vừa ghi bàn ở phút 89, rồi lảnh lót nói: “Tao nghĩ mày nên từ
bỏ cái nghề này đi, mày không có khiếu ăn mày đâu con ạ!”.
Tóm lược truyện ngắn “Khiếu
ăn mày” mà tác giả Võ Chí Nhất lấy làm tên chung cho tập truyện ngắn gồm 14
truyện của mình.
Tác giả Võ Chí Nhất còn trẻ, 25 tuổi tính đến hôm nay, là
rất trẻ so với các hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nếu người
đọc đừng quá bận tâm chú ý đến tuổi tác và nghề nghiệp chính của anh, thì chúng
ta sẽ đọc được những tác phẩm văn chương của một nhà văn, mà với độ chững chạc
nghề văn, với sự tinh tế của cây bút dường như không còn “quá mới” qua tác phẩm
của mình. Võ Chí Nhất làm nghề công an, một sĩ quan ngoại thành Củ Chi. Những người
biết kỹ về anh, thường gán cho anh cái mác hình sự hoặc trinh thám. Tôi không
nghĩ thế.
Tập truyện ngắn Khiếu
ăn mày của Võ Chí Nhất
14 truyện ngắn (mỗi chuyện không dài, dường như chỉ vừa tầm
một kỳ đăng báo) là một mảng cuộc sống khá phong phú, từ vùng ngoại ô nghèo khó
(Đứa bé, Người đi trong bóng tối), đến
đời sống thị dân muôn vẻ (Khiếu ăn mày,
Anh em song sinh, Phiêu lưu trên thực đơn, Vợ ơi, dậy lấy chồng…). Truyện Điều ước đêm giáng sinh còn lấy bối cảnh
nước ngoài, bằng một mô-tip quen thuộc…
Những truyện ngắn của Võ Chí Nhất thường tạo ra một tình
huống, thậm chí chỉ một câu nói gây bấn, mà lại ẩn chứa một thông điệp giản dị
mà nhân văn. Chẳng hạn như với truyện Đảo
Ngọc lấp lánh, là một truyện ngắn dài nhất của tập này, in đậm chiến tích của
anh công an kiêm nhà báo. Câu chuyện tưởng rồi sẽ dài dòng và dông dài, chỉ đến
khi anh công an kiêm nhà báo công an bắt được kẻ ăn trộm, hắn chống cự:
“- Thì ra là cớm! Tao căm ghét bọn bay…
- Nếu không có màu áo xanh của tụi tao giữ bình yên cho
xã hội này thì bọn bay có thể yên ổn mà đi ăn trộm của người ta à?”.
Hài hước! Nhưng nó vẫn chứa đựng một suy nghĩ, một tư duy
dẫn dắt hành động của một nghề nghiệp, một hành động có trách nhiệm xã hội, như
một thứ “phúc lợi” ưu việt.
Giá trị tư tưởng của “Khiếu
ăn mày” chính là thông điệp yêu thương và nghĩa vụ, nếu người đọc biết yêu
và có chút ít thẩm định văn học, sẽ dễ dàng thừa nhận.
Về nghệ thuật văn chương, đã hình thành một cốt cách. Ở mỗi
truyện, người đọc không chỉ theo dõi và cùng chia sẻ với những tình huống, những
biến động bên ngoài hiện thực mà còn được dẫn dắt bởi những suy tư, những trăn
trở, những tự vấn của mỗi kiểu nhân vật. Xen lẫn với những trầm tư bi thiết, những
hằn học oán thán, lại có những tình huống, lời thoại hài hước, gây bật cười. Mà
tất cả đều được xử lý logic, không bị “phô”! (Anh em song sinh…)
Như tôi đã viết trên đây, Võ Chí Nhất đang là một sĩ quan
công an. Công việc là vốn sống quan trọng nhất của một người viết văn. Tuy thế,
người biết ít nhiều về tác giả này, thường hay ngả về phía coi đây là cây bút
hình sự, mạo hiểm, thậm chí “chém giết, cướp, hiếp”. Có khi ngay trong tập sách
này.
Chỉ làm phép số học thuần túy thôi, thấy rằng chỉ có 2/14
truyện có nhân vật là công an (Đảo Ngọc lấp
lánh, Phi vụ hoàn hảo). Chắc chắn tỷ lệ này, chưa chắc ngành Công an đã thấy
đủ điều kiện xếp cuốn này vào loại sác viết về ngành mình. Trong khi đó những
truyện lấy đề tài về hội họa (Cái giá cho
dự nổi tiếng, Tác phẩm cuối cùng) và âm nhạc (Người thợ chỉnh Violon).
Thôi, nhưng mà không nên quá tỉ mẩn, chẻ hoe, cố chấp,
văn chương miễn là hay. Chỉ có điều, cái hay do văn chương đem lại không giống
với sự hấp dẫn thô tháp, dễ dãi.
HOÀNG ĐÌNH QUANG
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC: