Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
“Hôm qua đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/
Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương...” – Mỗi khi đọc lại những câu thơ này tôi lại nhớ tới
một kỷ niệm ở Paris, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Hôm đó, trong quầy
bar ở tầng hầm ngôi nhà rất sang trọng tại ngoại ô thủ đô Pháp của TS Việt kiều
Nguyễn Văn Tuyên (nay đã thành quá cố), diễn ra một buổi ca nhạc thính
phòng của các nghệ sĩ Việt với những người bạn.
Có mặt hôm đó
là cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, pianist Hà Ngọc Thoa từ Hà Nội tới; nhạc sĩ
Phạm Duy từ Mỹ sang; nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê cùng con trai
và con dâu của ông là nhạc sĩ Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến, những người Việt
cư trú tại Paris...
Đấy là khi nhạc
sĩ Trần Văn Khê vừa mới từ bệnh viện về sau một ca phẫu thuật khá nặng nên
trông sắc mặt ông còn xanh xao lắm. Ấy vậy mà trong tình bằng hữu, nhạc sĩ Trần
Văn Khê đã đứng dậy, gạt đi mọi nỗi mỏi mệt, hát lại ca khúc do chính ông sáng
tác từ hơn nửa thế kỷ trước, bài hát Chùa
Hương phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Vốn quen nghe ca khúc rất được phổ biến rộng
rãi do ca sĩ Trung Đức phổ nhạc và luôn cảm thấy cấn cá khi cô gái quê của
Nguyễn Nhược Pháp được cho “đi đôi
guốc cao cao” để leo lên chùa Hương, tôi vừa thích thú vừa kinh ngạc khi thấy
thơ Nguyễn Nhược Pháp được nhạc sĩ Trần Văn Khê chuyển thành ca khúc chuẩn mực
và dân gian đến thế: thơ không bị tầm thường đi bởi những câu chữ thêm vào, mà
giai điệu bên trong của thơ được phát huy tới mức tối đa. Nhạc sĩ Trần Văn Khê
đã biểu diễn ca khúc này rất tuyệt vời: khi hát tới những đoạn đò đi,
ông đã làm động tác chèo đò thực ngoạn mục, khó mà có thể hình dung được trước
đó không lâu ông đã gần như kiệt sức
vì ca phẫu thuật. Dường như
những câu thơ trẻ trung, nhí nhảnh mà thấm thía của Nguyễn Nhược Pháp đã
thổi vào ông thêm sinh khí...
Thực tiếc là ở Việt Nam hôm nay, ít người được nghe bài hát đó của nhạc sĩ Trần Văn Khê!
Và cũng thực tiếc là hôm nay ở Việt Nam, chúng ta cũng không biết được gì
nhiều về thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, một
tài hoa yểu mệnh.
Giỏ nhà ai, quai nhà nấy
Nguyễn Nhược
Pháp sinh ngày 12/12/1914 ở Hà Nội. Chàng là con trai của một trong những cây
bút có lẽ là vạm vỡ vào loại hàng đầu nước ta trong thế kỷ XX, nhà văn, nhà
báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có quê là làng Phượng Dực, Thường
Tín (nay là làng Phượng Vũ, xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). Ông Vĩnh là một nhân vật kỳ thú của
làng viết nước ta, còn chưa
được hậu thế nhận thức đầy đủ. Con một người nông dân nghèo, sinh ra vào thời
nước mất nhà tan, chỉ bằng trí tự thiên phú và lao động đến kiệt sức của mình,
ông Vĩnh đã tạo dựng nên được một gia tài chữ nghĩa vô cùng đồ sộ mà ngay cả những
người đồng thời, dù không đã
đồng quan điểm với ông, cũng phải nể vì.
Ông Vĩnh từng dịch nhiều tác giả Pháp cổ điển sang Việt
văn, trong đó có thơ La Fontaine mà bài phổ cập nhất có lẽ là bài Con Ve và con Kiến... Ông dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng
Pháp, rồi dịch cả những tác phẩm tiếng Hán như Tiền Xích Bích, Hậu Xích Bích
sang Pháp ngữ... Ông còn là một nhà báo vào hàng gạo cội của những thập
niên đầu thế kỷ XX, người góp công gây dựng nên nền báo chí Việt Nam khi đó.
Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Vỹ,
ông Vĩnh “rất trung thực, không nịnh ai mà cũng không ưa ai nịnh mình,
không tùy thời, mà chỉ tùy mình...”.
Trong con mắt của nhiều người đương thời, ông Nguyễn Văn Vĩnh là tấm gương lao đông nghề nghiệp đến
quên mình. Nhà văn Vũ Bằng nhớ lại: “Ông Vĩnh làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn phiền người khác.
Có một lần, tôi đã được mục kích một cảnh như sau: không biết giận gia
đình gì đó, ông lên một căn gác nằm khèo, nhờ ông Tụng (bác sĩ, nhân viên đắc lực
của Saigon Công thương, chuyên lo chạy tiền vay cho ông Vĩnh – TG) mua cho một
mẹt bún chả ăn trừ cơm, rồi viết luôn một bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo
một thư cho toàn quyền Pháp đưa xuống
dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Têlêmác phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh
Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với
ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp “có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao
nhiêu cũng được”, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua... Cho mãi đến tận bây giờ,
tôi vẫn chưa thấy có ai viết báo nhiều loại khác nhau một cách tài tình và nghĩa
lý như ông Vĩnh. Ông viết tin, viết
xã thuyết, làm thơ, khảo cứu,
phóng sự (Volonté Indochinoise) và dịch tiểu thuyết thì quả không chê được....”.
Là một người lao động sáng tạo như thế, lại ở thời
nước ta còn theo tập tục phong kiến, dĩ nhiên ông Vĩnh là người đào hoa. Ông có tới ba vợ. Người vợ thứ
hai chỉ sinh được một người con là Nguyễn Nhược Pháp. Năm thi sĩ của chúng ta mới
lên hai tuổi, mẹ chàng vì đau đớn bởi chồng muốn cưới vợ ba nên đã tự vẫn.
Thế là Nguyễn Nhược Pháp phải mồ côi
mẹ từ đó...
Sống với một
người cha tính tình có lẽ là phóng túng, cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Nhược Pháp mặc dù được chăm lo về vật chất
nhưng chắc là trong thẳm sâu tâm hồn chàng luôn có một nỗi trống vắng nào đó.
Chàng được cha cho ăn học đàng hoàng, đậu tú tài rồi vào Trường cao đẳng Luật
khoa. Tuy nhiên, giống như cha, chàng không thích đi làm quan mà chỉ mê mải văn
thơ báo chí. Ngoài thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn và kịch...
Khác nhiều bạn cùng làng văn thuở đó, Nguyễn Nhược Pháp sống rất hồn nhiên và
trong sáng: chàng không hề nghiện ả đào và thuốc phiện!--PageBreak--
Hóm hỉnh nhìn đời
Ông Nguyễn Văn Vĩnh là một người cao lớn, bệ vệ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp chỉ
cao có 1,52 m thôi, giống như những người bạn mà chàng hay giao lưu như Nguyễn
Vỹ, Phạm Huy Thông... Thế nhân biết chàng như một người lúc nào cũng hay mủm mỉm
cười, cái miệng như móm. Chàng cũng là người hay nói, niềm nở, lịch thiệp với mọi
người. Đặc biệt, ai cũng quý chàng vì khiếu khôi hài và giọng điệu “rủ rỉ
như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương”.
Người làm sao,
thơ làm vậy, tập Ngày xưa xuất bản năm 1935 của chàng thể hiện rất rõ một
phong cách Nguyễn Nhược Pháp vô tiền
và khoáng hậu trong thơ Việt Nam. Đây là tập thơ chỉ có trên dưới chục bài,
toàn viết về những gì “vang bóng” từ lâu lắm rồi nhưng đã làm nên một kỳ tích mà Hoài Thanh và
Hoài Chân đã nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng
không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”.
Bằng con mắt
già trước tuổi của một người luôn giữ được cái nhìn non xanh vào cuộc sống,
Nguyễn Nhược Pháp đã vẽ nên
được diện mạo thời xưa đầy mơ mộng, hóm hỉnh và trìu mến... Bài Sơn Tinh, Thủy Tinh mà chàng viết tặng người anh cùng cha
khác mẹ Nguyễn Giang là một thí dụ. Chàng đã kể lại tích cổ bằng những
chi tiết thực lôi cuốn. Thí dụ như
cách hành xử của Mỵ Châu khi chứng kiến cảnh Sơn Tinh và Thủy Tinh tỉ thí với
nhau:
Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,
Bỗng chợt nàng kêu
mắt lệ nhòa
(Giọng kiêu hay buồn
không ai hiểu,
Nhưng
thật dễ thương): “Ô! Vì ta!”.
Khổ kết bài thơ cũng đầy tinh tế và vui tính:
Thủy Tinh năm năm dưng nước bể
Giục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.
Điểm sáng nhất
trong tập Ngày xưa có lẽ là bài Chùa Hương, thiên ký sự của một cô
bé ngày xưa. Nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại:
“Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất
trong tập thơ Ngày xưa, có một lai lịch
kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái
nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên
đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm,
vừa niệm: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...”. Cô gái quê có lẽ là
con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai
chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa.
Cô đang đọc: “Nam mô cứu khổ cứu nạn...” rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt
xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: “Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa?
Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc”.
Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa
tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô
lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với
chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô
này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp.
Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm
ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng
hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói.
Về Hà Nội, hai
hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa
Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của
chúng tôi với cô gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa
Hương hôm ấy...
Trong tuần ấy,
anh góp các bài thơ của mình, thành một quyển. Anh đưa tôi và hỏi:
- Có nên xuất bản không?
- Nên!
- Nhưng tiền đầu? - Nhược Pháp cười móm mém.
- Xin ông cụ.
- Thôi, tôi mà
đưa ông cụ xem cái của nợ này, thì chắc chắn là ông cụ sẽ vứt nó vào sọt
rác.
- Đưa bà cụ vậy.
- Ừ, phải đấy!
Một tháng sau, quyển thơ Ngày xưa ra đời. Sách in xong mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn rụt rè, chưa dám đưa cụ Nguyễn
Văn Vĩnh xem, chỉ sợ cụ vứt vào sọt rác”.
Nghe nói, sinh
thời Nguyễn Nhược Pháp có yêu một thiếu nữ tên là Thanh nhưng cuộc gặp gỡ tình
cờ ấy cũng đã không mang lại được một cái gì hiện hữu cho cuộc đời thật của
chàng. Người thơ, yêu cũng như sương
khói, chỉ có những suy tư, cảm xúc được biến thành vần điệu là ở lại lâu dài với
hậu thế mà thôi. Nguyễn Nhược Pháp qua đời vào ngày 19/11/1938. Thi nhân đôi
khi cũng như danh tướng và mỹ nữ, “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”
HOÀNG NGUYÊN
Theo CAND